Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY TIẾN TRÌNH VĂN HỌC

Sáng 10/10/2024, Khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho giảng viên, NCS, học viên, sinh viên, giáo viên phổ thông... với chủ đề "Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy Tiến trình văn học". Tại đây, các vấn đề xoay quanh Tiến trình văn học được trình bày bới những nhà nghiên cứu lí luận văn học hàng đầu là GS.TS Trần Đình Sử và PGS.TS La Khắc Hoà.

Tham dự buổi tập huấn có đầy đủ các thầy/cô giáo đang giảng dạy ở khoa, các em NCS khoá 1, 2 chuyên ngành Lí luận văn học, học viên cao học khoá K26, 27, sinh viên trong khoa. Đặc biệt, buổi tập huấn còn có sự có mặt của PGS.TS Lê Lưu Oanh – trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nguyên là giảng viên ngành Lí luận văn học của khoa Ngữ văn, đội tuyển Học sinh giỏi quốc gia của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. Với sự dẫn dắt, phân tích vấn đề của GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS La Khắc Hoà, các cử toạ đã say sưa lắng nghe, thảo luận các vấn đề xoay quanh Tiến trình của văn học.
Theo các chuyên gia, để nghiên cứu được tiến trình văn học, cần phải hình dung được sự hình thành và phát triển văn học trên toàn thế giới đồng thời cần có cách tiếp cận phù hợp. Hiện nay, một số giáo trình tại Việt Nam và trên thế giới cũng đã trình bày vấn đề này theo những cách khác nhau song còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, để mô tả được sự vận động của tiến trình văn học, điểm mấu chốt là cần phải nghiên cứu được sự bộc lộ của ý thức nghệ thuật. Hơn nữa, khi nghiên cứu tiến trình văn học, cần tránh bị trói buộc tư duy vào phản ánh luận và bản chất luận bởi những hiện tượng văn học kinh điển thì có thể mô tả được song những hiện tượng văn học phi kinh điển thì không ngừng vận động, do đó chỉ có thể xác định được những khả thể của nó.
Phân tích sự vận động của tiến trình văn học, GS.TS Trần Đình Sử và PGS.TS La Khắc Hoà cho rằng, có thể phân thành ba giai đoạn: Giai đoạn văn học cổ sơ kéo dài hàng vạn năm với đặc trưng là tư duy nguyên hợp. Đây là giai đoạn văn học ra đời cùng với văn hoá, với hoạt động lễ hội, tín ngưỡng nguyên thuỷ. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn văn học cổ truyền kéo dài 2.300 năm với sự xuất hiện của những tác phẩm lớn ở phương Tây như Kinh Thánh, triết học Platon, những thiên sử thi lớn của Hi Lạp cổ đại, ở phương Đông có "Kinh Thi", "Sử kí Tư Mã Thiên"... Giai đoạn văn học cổ truyền cũng là giai đoạn bắt đầu xuất hiện những công trình lý luận lớn của nhân loại như "Nghệ thuật thi ca" (Aristotle), "Văn tâm điêu long" (Lưu Hiệp)... Đặc trưng chung của văn học cổ truyền là tính truyền thống, các tác giả thời kì này thường sử dụng những motiv có sẵn. Thời kì này đã ý thức được vấn đề tác giả song phạm trù tác giả chưa hoàn toàn phát triển vì người viết sẵn sàng vứt bỏ cái riêng để phục tùng, để hoà theo cái chung. Đối với hoạt động phê bình, người viết có xu hướng đánh giá tác phẩm theo tiêu chí đạo đức, đề cao cái có ích cho quốc gia, xã hội và phê bình chưa trở thành một lực lượng độc lập. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn văn học hiện đại. Giai đoạn này được đánh giá là non trẻ với sự phát triển trong khoảng 250 năm. Đây là giai đoạn xuất hiện con người cá nhân tự chủ và phi cổ điển. Phương thức nhận thức của văn học thời hiện đại là đi tìm khả thể. Do đó, giai đoạn văn học này rất trọng hư cấu, vì vậy những thể loại văn học hư cấu trong đó có tiểu thuyết lên ngôi. Chúng trở thành trung tâm của đời sống văn học. Đây cũng là thời kì hình thành hai loại hình thể loại: loại hình thể loại kinh điển (gồm văn học hiện thực và văn học lãng mạn) và loại hình thể loại phi kinh điển (gồm văn học hiện đại và hậu hiện đại).
Có thể nói, những vấn đề các nhà nghiên cứu trình bày thực sự rất mới nhưng cũng đồng thời cũng rất khó, khêu gợi nhiều suy ngẫm của các vị cử toạ. Chính vì vậy, cuối buổi tập huấn, PGS.TS Phùng Gia Thế cảm ơn các thầy đã cho người nghe nhiều kiến thức, cách tiếp cận mới mẻ, hữu ích song đồng thời cũng nêu ra nhiều vấn đề còn trăn trở, mong các thầy tiếp tục kiến giải trong các sự kiện học thuật tiếp theo.
Buổi tập huấn diễn ra cả ngày, tuy nhiên, sự hấp dẫn trong vấn đề trình bày đã khiến các giảng viên, NCS, học viên, sinh viên và cả các bạn học sinh giỏi chăm chú lắng nghe, say mê nghiền ngẫm và thảo luận sôi nổi. Mong rằng, khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ có nhiều buổi tập huấn hữu ích như vậy để thầy trò được tiếp tục học hỏi, để các đơn vị đào tạo được giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong các vấn đề chuyên môn.


Tags:


Bài viết khác

Seminar

Seminar "Cảm quan hậu chiến trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay"

Ngày 06/06/2023 tại P.703, nhà A1 đã diễn ra buổi seminar của bộ môn Văn học Việt Nam: Cảm quan hậu chiến trong tiểu thuyết

12/06/2023

Tọa đàm

Tọa đàm "Tiếp cận và giảng dạy sách giáo khoa Ngữ văn trung học đáp ứng chương trình GDPT 2018"

Sáng nay, ngày 25/05/2023 tại Hội trường 14/8, Khoa Ngữ văn đã tổ chức thành công chương trình “Tiếp cận và giảng dạy

25/05/2023

Tọa đàm

Tọa đàm "Tiếp nhận và giảng dạy truyện tuyệt ngắn"

Nhằm tạo động lực, truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu văn chương cho giảng viên, học viên Cao học và sinh viên, ngày

15/01/2021

Seminar

Seminar "Tiếp cận thơ Nguyễn Đình Thi từ góc độ cấu trúc"

Buổi tọa đàm được Khoa Ngữ văn tổ chức hồi 9h0 đến 11h0, ngày 20/05/2021, bằng hình thức online. Tham dự buổi tọa đàm

20/05/2021

Hội thảo - tập huấn

Hội thảo - tập huấn "Phát triển sự sáng tạo từ các văn bản đơn điệu"

Nhằm mục đích: Giúp SV biết cách khai thác các văn bản một cách sáng tạo, phát triển kĩ năng tiếp nhận (đọc và nghe)

10/03/2023

0969889270 0912944324