Buổi seminar đã thu hút đông đảo giảng viên, học viên cao học, sinh viên khoa Ngữ văn, và đặc biệt là sự có mặt của giáo viên Ngữ văn các trường trung học phổ thông: THPT Xuân Hòa, THPT Bến Tre, THPT Hai Bà Trưng, THPT Bình Xuyên, THPT Kim Anh, THPT Đa Phúc…
Tại buổi seminar, PGS.TS La Khắc Hòa đã chia sẻ nhiều điều bổ ích về một hướng nghiên cứu đầy triển vọng: Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Với phong cách thuyết trình đầy “chất lửa”, diễn giả đã chia sẻ những tri thức về kí hiệu học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng vẫn lan tỏa, thấm sâu vào tâm trí khán, thính giả. Từ đó, những vấn đề cơ bản của chuyên đề như: Kí hiệu là gì? Kí hiệu và tín hiệu khác nhau như thế nào? Đặc điểm của kí hiệu, các loại kí hiệu, ứng dụng lí thuyết kí hiệu vào đọc hiểu văn bản thế nào cho đúng lần lượt được làm sáng tỏ…
Theo PGS. TS La Khắc Hòa, kí hiệu học đã có từ xa xưa, nhưng phải đến thế kỉ XX thì mới thực sự trở thành một môn khoa học được quan tâm nghiên cứu rộng rãi. Sự bùng nổ của kí hiệu học đánh dấu bước ngoặt mang tính cách mạng của khoa học xã hội và nhân văn. Từ nửa sau thế kỉ XX, nghiên cứu văn học mở rộng biên độ chiếm lĩnh đối tượng sang các lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu hiện và biểu diễn, trước hết là sân khấu và điện ảnh. Dẫu rất khác biệt trong quan niệm cá nhân, song giữa các nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật học theo kí hiệu học đều có điểm chung: Khẳng định vai trò trung gian của ngôn ngữ và ý nghĩa lớn lao của nó trong hoạt động nhận thức và giao tiếp của con người. R. Jakobson, K. Taranovski, Lévi Strauss, R. Barthes, J. Kristeva, Tz. Todorov, K. Bremend, U. Eco, Y.M. Lotman, A. Tzernov… đã nghiên cứu văn học nghệ thuật như là nơi lưu giữ, truyền đạt và sáng tạo thông tin. Với họ, văn hóa là hệ thống kí hiệu, là cấu trúc biểu nghĩa được sử dụng trong giao tiếp, tồn tại giữa mạng lưới kí hiệu quyển hết sức phức tạp. Cho nên, văn hóa, văn học chính là kí hiệu học và kí hiệu học là con đường duy nhất giúp ta tiếp cận hữu hiệu các hiện tượng văn hóa bao gồm cả văn học nghệ thuật.
Cũng theo chia sẻ của PGS. TS La Khắc Hòa: Mỗi kí hiệu bao giờ cũng có ba bình diện: Tên gọi, nghĩa và ý nghĩa của nó. Tên gọi (cái biểu đạt) là cái được quy ước, bao giờ cũng mang tính ước lệ, thể hiện mối quan hệ giữa tín hiệu với một ngôn ngữ nào đó. Nghĩa (cái được biểu đạt) là cái thể hiện mối quan hệ giữa kí hiệu với một thực tại nào đó. Nó là cái tham chiếu, cái thông báo của kí hiệu, là mô hình của một hiện tượng đời sống nào đó trong tư duy, chứ không phải là đời sống mà kí hiệu chỉ ra. Ý nghĩa là sự hoạt động của kí hiệu. Nó vừa là sự tương tác giữa kí hiệu này với kí hiệu khác của ngôn ngữ, vừa là sự tương tác giữa ý nghĩa với ý thức nhận biết của các chủ thể giao tiếp không chỉ có khả năng phân biệt các kí hiệu riêng lẻ mà còn có khả năng nắm bắt trật tự tổ chức của các kí hiệu. Nói khái quát, ý nghĩa mang tính quan niệm và nảy sinh từ ngữ cảnh.
Tính quan niệm, tính tham chiếu và tính quy ước của kí hiệu tạo ra một cấu trúc ngữ nghĩa đặc thù: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, vừa hữu hạn, vừa vô cùng. Nó không mang ý nghĩa khách quan giống như từ trong từ điển, không mang tính chủ quan giống như phản ứng của ý chí, tình cảm cá nhân.
Những chia sẻ bổ ích của PGS.TS La Khắc Hòa đã thu hút được sự quan tâm của giảng viên, giáo viên, học viên, sinh viên. Nhiều câu hỏi xoay quanh chuyên đề đã được đặt ra. Với các câu hỏi được chuyển đến, diễn giả đều trao đổi rất nhiệt tình, tâm huyết.
Dù buổi seminar diễn ra trong gần ba tiếng đồng hồ, diễn giả cũng chưa thể chia sẻ hết mọi điều tâm huyết và khán thính giả cũng còn những băn khoăn, song có thể khẳng định đây là buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự hữu ích. Nó giúp giáo viên, sinh viên cập nhật những xu hướng nghiên cứu mới và vận dụng vào trong quá trình tiếp nhận văn học để hiểu văn học một cách sâu sắc hơn. Đồng thời buổi seminar này cũng là minh chứng cho sự hợp tác của Khoa Ngữ văn với các nhà nghiên cứu, phê bình uy tín, đặc biệt không khí học thuật sôi nổi cũng tạo động lực cho giảng viên, sinh viên, từ đó khơi dậy những khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Hoàng Duyên