Sau lời đề dẫn của TS Thành Đức Bảo Thắng, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, hội thảo đã nghe những ý kiến góp ý của các bộ môn và các trợ lí có liên quan. PGS.TS Bùi Minh Đức, Trưởng khoa Ngữ văn, Trưởng Bộ môn Phương pháp giảng dạy cho rằng: cần phải tạo ra được một cơ chế để người học có thể tự đánh giá bản thân mình; đánh giá SV cần chú trọng đến đánh giá quá trình vì vậy cần tăng hệ số điểm cho điểm quá trình theo sự phân bố 3-3-4 hoặc 2-3-5; đánh giá thực tập cần phối kết hợp 3 bên: tự đánh giá của SV, đánh giá của giáo viên phổ thông và đánh giá của giảng viên; đồng thời cũng cần thể chế hóa để có thể đo được các mức độ đánh giá.
Đồng quan điểm về vấn đề đánh giá người học, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó trưởng khoa Ngữ văn và TS Nguyễn Thị Tính, Trưởng bộ môn VHVN nhấn mạnh: cần thống nhất tên gọi điểm A1 là điểm quá trình, điểm A2 là điểm đánh giá giữa kì cũng như phải có quy định rõ ràng về tiêu chí cho điểm A1 để có sự thống nhất giữa các giảng viên.
TS Nguyễn Thị Bích Dung, Trưởng bộ môn VHNN đề nghị phải có sự thống nhất về tên gọi Học phần hay Môn học trong đào tạo tín chỉ. TS Đỗ Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ chỉ ra một thực trạng có môn học cùng mã số, cùng ngân hàng đề nhưng được giảng dạy ở hai đối tượng sinh viên khác nhau vì thế đề nghị phải có sự bổ sung, sửa đổi để phù hợp với đối tượng người học.
Về vấn đề ngân hàng đề thi, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh thấy rằng việc bổ sung thay đổi ngân hàng đề hàng năm với tỷ lệ 20% là quá ít (đề nghị tăng lên 50%). Th.S Dương Thị Mỹ Hằng, trợ lí giảng dạy cũng đề nghị trong quy trình ra đề cần phải có một ma trận đề để đảm bảo việc đánh giá đúng và khách quan.
Hội thảo đã tổng hợp được 11 ý kiến của các cán bộ giảng viên trong khoa. Những ý kiến đóng góp này xuất phát từ thực tiễn giảng dạy của cán bộ giảng viên với mong muốn việc đánh giá và công nhận kết quả học tập của sinh viên đảm bảo tính hợp lí, hiệu quả và công bằng.
Lê Thị Thùy Vinh