Tham gia chuyến thực tế gồm các giảng viên: Đỗ Thị Thu Hương (Trưởng đoàn), Lê Thị Thùy Vinh (Phó đoàn) cùng các giảng viên, trợ lí Đỗ Thị Hiên, Nguyễn Thị Hiền, Phùng Thị Hoa và 126 sinh viên K44 Khoa Ngữ văn.
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đoàn cán bộ và sinh viên K44 Khoa Ngữ văn đã đến tham quan, tìm hiểu khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi ghi lại những sự kiện hào hùng của cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu lập nước. Tại lán Nà Nưa, trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Rời lán Nà Nưa, đoàn đã đến tham quan đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, làng văn hóa Tân Lập, những địa danh làm nên trái tim của cách mạng Việt Nam.
Tiếp nối mạch tìm hiểu di tích lịch sử, đoàn đã đến tham quan khu di tích ATK Định Hóa. Tọa lạc trên đỉnh đèo De, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có một vị thế rất đẹp, “lưng tựa núi hổ ngồi, mặt hướng ra núi voi phủ phục”. Cách đó không xa là lán Tỉn Keo, lán Khuôn Tát, hầm Khuôn Tát. Những địa danh đơn sơ, mộc mạc, “nhà tranh vách nứa” ấy lại chính là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam, mở ra chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đoàn cũng được chiêm ngưỡng cây đa trăm tuổi, nơi Bác Hồ thường xuyên tập võ rèn luyện sức khỏe.
Bên cạnh hoạt động tìm hiểu về các di tích lịch sử dân tộc, cô trò khoa Ngữ văn cũng đã có những trải nghiệm thú vị tại làng nhà sàn Thái Hải, thuộc xóm Mỹ Hào, huyện Thịnh Đức, tỉnh Thái Nguyên, nơi sinh sống của khoảng 200 người dân tộc Tày. Với mô hình du lịch sinh thái, giữ gìn, bảo tồn văn hóa của người Tày, bản làng Thái Hải đã thực sự cuốn hút cô trò văn khoa. Nơi đây tập hợp hơn 30 ngôi nhà sàn của dân tộc Tày có tuổi đời ngót nghét trăm năm. Ngay cả những vật dụng gia đình như cối xay thóc, bồ đan, bếp lửa … đến trang phục dân tộc, ẩm thực đều mang dấu ấn đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày. Song, ấn tượng độc đáo nhất chính là văn hóa cộng đồng của người dân Thái Hải. Người dân trong bản ăn chung, ở chung, làm chung và đặc biệt là tiêu chung một túi tiền.
Tại Thái Hải, cô trò Khoa Ngữ văn còn có một đêm giao lưu lửa trại đáng nhớ cùng đồng bào dân tộc Tày. Những tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa của người Tày (then đón khách, then cầu may), các bài hát mang âm hưởng của núi rừng (Trai rừng, Gặp nhau giữa rừng mơ…) hòa cùng với lời ca, tiếng hát và những điệu nhảy sôi động của các chàng trai, cô gái Khoa Ngữ văn đã khuấy động cả bản làng.
Nằm trong chương trình đào tạo, hoạt động trải nghiệm thực tế tại Tuyên Quang, Thái Nguyên của sinh viên K44 Ngữ văn là một hoạt động bổ ích và mang nhiều ý nghĩa. Qua đó, giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế về lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam gắn với chuyên ngành đào tạo; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam; giúp sinh viên hiểu biết và trân trọng các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào miền núi phía Bắc. Đồng thời, thông qua hoạt động đó, sinh viên được bồi dưỡng và phát triển các năng lực nghề nghiệp như năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó tập thể.
Đỗ Thị Thu Hương