Buổi lễ có sự hội ngộ giữa cán bộ, giảng viên đương chức của Khoa Ngữ văn cùng các thầy cô giáo đã nghỉ hưu: thầy Đỗ Huy Quang, cô Phan Thị Thạch, thầy Nguyễn Văn Mỳ (nguyên trưởng khoa); thầy Vũ Ngọc Doanh (nguyên phó trưởng khoa);cô Nguyễn Thị Thức (nguyên chủ tịch công đoàn khoa); cô Lê Kim Nhung (nguyên chủ tịch công đoàn khoa, nguyên trưởng bộ môn ngôn ngữ); cô Nguyễn Thị Nhàn, thầy Vũ Văn Ký (nguyên trưởng bộ môn Văn học Việt Nam); cô Phạm Thị Hòa (nguyên phó trưởng bộ môn Ngôn ngữ); thầy Nguyễn Đức Tùy (nguyên cán bộ tổ chức khoa); cô Nguyễn Thị Nương (nguyên cán bộ giáo vụ khoa), các cựu sinh viên khoa Ngữ văn đang công tác tại Trường ĐHSP Hà Nội 2 và sinh viên đang học ở Khoa Ngữ văn.
Phát biểu trong buổi gặp mặt ý nghĩa và xúc động, PGS.TS. Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn đã nêu bật những thành quả đào tạo, nghiên cứu của Khoa và nhấn mạnh: “Tất cả những thành tựu đã đạt được đều là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, thế hệ nối tiếp thế hệ. Tâm huyết, tâm sức của nhiều thế hệ đi trước đã gieo những hạt mầm tốt đẹp ở khoa Ngữ văn hôm nay.”
Tiếp theo chương trình, các thầy cô giáo nghỉ hưu đã có tâm tình, sẻ chia, nhắn gửi đầy xúc động. Các thầy cô đã làm sống lại cả lịch sử của khoa Ngữ văn, từ gian khổ ngày đầu đến nỗ lực không ngừng để Trường, Khoa ngày một bề thế. Thầy Đỗ Huy Quang nói: “Nhờ có khoa Ngữ văn mà tôi có cả cuộc đời”, “Khoa Ngữ văn phải khác biệt, liên kết, phát triển. Khác biệt không phải là lập dị mà là khẳng định sự hơn người. Liên kết với giảng viên cũ, với các nhà văn, học giả... Phát triển chương trình, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học...”. Thầy Nguyễn Văn Mỳ đã mượn ý thơ của Tản Đà, đọc thành: “Non xanh đã biết hay chưa/ Nước đi muôn nẻo lại mưa về nguồn” và đọc lời thơ bài “Hồi hương ngẫu thư” để thay lời muốn nói: hôm nay, thầy như “trở về nguồn cội” và không rơi vào tâm trạng hụt hẫng của Hạ Tri Chương bởi có các thế hệ học trò tiếp tục trở thành giảng viên khoa Ngữ văn. Cô Phan Thị Thạch nhẹ nhàng mà thiết tha với lời nhắn gửi: nỗ lực, cố gắng. Thầy Vũ Ngọc Doanh nhắn nhủ sinh viên: bể học mênh mông, vô cùng; cần chọn những gì cần để học. Cô Nguyễn Thị Nhàn, cây văn nghệ nổi tiếng một thời của khoa Ngữ văn đã làm cả hội trường lặng đi rồi lại trào lên những tràng vỗ tay giòn giã vì giọng hát truyền cảm, da diết. Cô hát hai bài: “Neo đậu bến quê” (An Thuyên) và “Huyền thoại hồ núi Cốc” (Phó Đức Phương), cũng là gửi gắm trong đó tình yêu “bến quê” khoa Ngữ văn cùng những vui buồn nghề dạy học, những mối tình thương và đau trong cuộc đời. Sự có mặt và thể hiện của các thầy các cô một đời công tác tại khoa đã để lại ấn tượng về lớp các thầy cô thế hệ đi trước tràn đầy trách nhiệm, nhiệt huyết, tài năng và giàu chất nghệ sĩ.
Thay mặt các cựu sinh viên khoa Ngữ văn hiện đang công tác tại trường ĐHSP Hà Nội 2, ThS.Trần Tuấn Hà - Chủ nhiệm thư viện đã bày tỏ lòng biết ơn của các thế hệ sinh viên với Khoa Ngữ văn. Anh nói: với cương vị công tác hiện tại, các cựu sinh viên khoa Ngữ văn đang công tác tại trường nói riêng, các cựu sinh viên nói chung đã, đang và sẽ cố gắng đóng góp thật nhiều cho sự phát triển bền vững của Khoa Ngữ văn.
Cuối chương trình là tiết mục công bố, trao giải thưởng cuộc thi Sáng tác video clip chào mừng ngày NGVN 20/11với chủ đề “
Khoa Ngữ văn của tôi” - Lựa chọn của tôi - Niềm tự hào của tôi - Tương lai của tôi”. Cuộc thi đã đón nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bạn sinh viên đến từ các chi đoàn, tạo nên một hiệu ứng truyền thông tích cực. Video clip của các bạn sinh viên K41G Việt Nam học đã đạt giải nhất. Các video clip trong cuộc thi đã đại diện cho tiếng nói thể hiện tình yêu với các thầy cô Khoa Ngữ văn của các bạn sinh viên.
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình. Các thế hệ giảng viên, sinh viên trong khoa có dịp thể hiện sự kết nối, tiếp tục truyền thống tốt đẹp của khoa Ngữ văn - nhân văn, tôn sư trọng đạo, đoàn kết, vững mạnh.