Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

TRẢI NGHIỆM VÙNG VĂN HÓA ĐÔNG BẮC CỦA SINH VIÊN K43 KHOA NGỮ VĂN

Bên cạnh việc tổ chức dạy - học kiến thức từ sách vở, chương trình đào tạo của khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội 2 luôn đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức thực tế. Vì vậy, hoạt động trải nghiệm là điều không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên nơi đây.
 
Thực hiện kế hoạch công tác năm học 2018-2019 của Trường ĐHSP Hà Nội 2, từ ngày 6/5/2019 đến ngày 8/5/2019, sinh viên K43 khoa Ngữ văn đã thực hiện thành công chuyến thực tế học tập vùng văn hóa Đông Bắc dưới sự hướng dẫn của các giảng viên tổ Văn học Việt Nam. Với chuyến đi đầy ý nghĩa, đoàn sinh viên K43 chúng tôi được trải nghiệm nhiều phương diện: thiên nhiên, địa lí, lịch sử, văn hóa, văn chương, con người, xưa- nay...

Sáng ngày đầu tiên (6/5) đoàn thực tế đã đến với mảnh đất Hải Dương địa linh nhân kiệt. Tại đây, sinh viên K43 đã đến dâng hương và thăm viếng đền thờ Chu Văn An và khu di tích Côn Sơn.

Vào lúc 7h30 cùng ngày cả đoàn đã có mặt tại đền thờ Thầy giáo Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng để kính cẩn thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng niệm Vạn thế sư biểu Chu Văn An và tham quan kiến trúc bề thế, phong cảnh hữu tình nơi đây. Thật vui là đón đoàn chúng tôi là một cựu sinh viên khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội 2, chị Trịnh Thị Hà - lớp K34A Sư phạm Ngữ văn, đang làm việc tại di tích. Đến đây, chúng tôi càng thêm tôn kính và xúc động trước nhà giáo Chu Văn An. Thầy là  tấm gương đức độ, tài năng tiêu biểu cho chúng tôi - những thầy cô tương lai học tập. Thông tin nguồn gốc màu mực đỏ thầy cô dùng chấm bài hiện nay xuất phát từ việc thầy Chu Văn An lấy đá son tại núi Phượng Hoàng khuyên bài ngày xưa khiến nhiều bạn sinh viên ngạc nhiên, thích thú.

Tiếp đó, đoàn thực tế di chuyển tới khu di tích Côn Sơn. Trước tiên, đoàn đến đền Kiếp Bạc nằm gần lục đầu giang, là nơi thờ đức thánh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Chúng tôi mải mê chiêm ngưỡng nghi môn được thiết kế theo hình cuốn thư. Nhiều bạn sinh viên hứng khởi khi thấy mặt trong của nghi môn có khắc câu thơ Vạn cổ thử giang san trong bài Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải. Chúng tôi còn soi mình vào giếng ngọc; bâng khuâng bước qua sân đền, tưởng tượng đến cảnh khi xưa Đức Thánh Trần chém đầu tên tướng giặc Phạm Nhan và bất giác  chợt nghe thấy lời Hịch tướng sĩ vang vọng, hùng tráng như “những những buổi ngày xưa vọng nói về”...

Rời đền Kiếp Bạc, chúng tôi đến với chùa Côn Sơn, đền thờ Trần Nguyên Đán và đền thờ Nguyễn Trãi. Tại chùa Côn Sơn (một trong ba ngôi chùa “đầu não” của Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt: Yên Tử, Quỳnh Lâm, Côn Sơn), chúng tôi hiểu thêm về ba vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm: Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa tôn giả, Huyền Quang tôn giả. Đặc biệt, trước đền thờ Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán và anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, chúng tôi vừa dấy lên trong mình niềm tự hào về tinh thần yêu nước của dân tộc vừa như thấy mình thêm phần lãng mạn bay bổng giữa cảnh sơn thủy hữu tình của Côn Sơn mĩ lệ. Có bạn đã hào hứng đọc Bình Ngô đại cáo, Côn sơn ca...

Sau khi nghỉ trưa tại Côn Sơn, chiều ngày 6/5 xe lăn bánh khởi hành đi Hạ Long và tham quan bảo tàng Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long. Đến với công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo này, các thành viên trong đoàn đã đi từ sự thú vị này đến sự thú vị khác. Bên ngoài, bảo tàng như tấm gương khổng lồ phản chiếu cảnh sắc vịnh Hạ Long. Bên trong bảo tàng, các hiện vật được bài trí khoa học, độc đáo như một “Quảng Ninh thu nhỏ” tạo được ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan. Đặc biệt, mỗi câu chuyện về các giai đoạn lịch sử gắn liền với các hiện vật nơi đây mà chúng tôi được nghe từ giọng nói thu hút của thuyết trình viên  đã giúp ích rất nhiều cho việc mở mang kiến thức của mỗi người, nhất là những sinh viên khoa Văn - những người thầy cô tương lai như chúng tôi.

Sang ngày thứ hai (7/5) cả đoàn đã dậy từ rất sớm để đến với kì quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Sau khi làm thủ tục lên du thuyền Hạ Long chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá thú vị: động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ và làng chài cổ Ba Hang trên vịnh. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là động Thiên Cung - nơi có cảnh đẹp được ví như cung điện của nhà trời. Động nằm ở phía tây nam Vịnh Hạ Long cách cảng tàu du lịch 4km trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25m so với mực nước biển. Đường lên Động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên cây che phủ um tùm, qua một khe cửa hẹp hang động đột ngột mở ra khoảng không bên trên một mặt bằng tứ giác với chiều dài 130m. Càng vào trong, chúng tôi càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động, lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên. Trên vách động phía đông như một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó nổi lên những nhân vật cổ tích xưa với đường nét mềm mại uyển chuyển, vô cùng tinh tế tới từng chi tiết nhỏ.

Tiếp theo, chúng tôi di chuyển sang hang Đầu Gỗ, đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật mang vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh mịch được điêu khắc một cách trau chuốt tỉ mỉ từ bàn tay tạo hóa. Địa điểm này gắn liền với truyền thuyết về những chiếc cọc lim trong những trận chiến Bạch Đằng.

Kết thúc chuyến hành trình trên biển của chúng tôi là một trải nghiệm chèo thuyền  ở một làng chài Ba Hang. Khu du lịch chèo đò Ba Hang lộ ra như một nàng tiên lộng lẫy, nổi bật trên nền vịnh xanh biếc, lung linh. Chúng tôi như bị mê hoặc bởi trải nghiệm độc đáo và cứ thế hòa mình tận hưởng không gian độc nhất vô nhị này.

Buổi chiều cùng ngày (7/5) những chiếc xe lại đưa chúng tôi đến với một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng đất Mỏ có tên Cửa Ông. Ngôi đền uy nghi với kiến trúc vô cùng độc đáo nằm ở phía Đông Bắc thị xã Cẩm Phả, toạ lạc trên ngọn đồi nhìn ra vịnh Bái Tử Long. Nơi đây thờ vị thần chính là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (người con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một vị tướng tài ba nhà Trần có công lao to lớn trấn ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc) cùng phối thờ nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần. Dưới mái đền cổ kính, đoàn chúng tôi ai cũng kính cẩn trước các vị nhân thần nhà Trần và có lẽ ai cũng phần nào thấy được trách nhiệm của bản thân phải phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với ông cha.

Từ đền Cửa Ông trở về, thầy trò khoa Ngữ văn ghé thăm “Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tỉnh Quảng Ninh để tổ chức hoạt động thiện nguyện. Hoạt động này đã để lại cho chúng tôi những cảm xúc vô cùng đặc biệt, phần thì thấy thương cho những mảnh đời kém may mắn, phần thì thấy cảm phục trước nghị lực vươn lên hoàn cảnh của các em nhỏ nơi đây. Cũng vì thế, mỗi chúng tôi đều cảm thấy bản thân mình thật may mắn hơn rất nhiều người khác, đồng thời mỗi người đều ý thức được rằng mình cần biết trân trọng nâng niu cuộc sống hiện tại cũng như cần sống có trách nhiệm và ý nghĩa hơn.

Ngày cuối cùng của chuyến thực tế (8/5), buổi sáng chúng tôi di chuyển đến thành phố hoa phượng đỏ để tham quan khu di tích Bạch Đằng giang - quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng bậc nhất của Hải Phòng. Vùng cửa sông Bạch Đằng vốn là địa danh đặc biệt gắn liền với ba trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó tiêu biểu cho tinh thần của một dân tộc anh hùng. Tại đây, chúng tôi đã thắp hương tưởng nhớ đến công lao vĩ đại của các bậc danh tướng Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền và ngắm những bãi cọc trên sông để  hình dung cách đánh giặc tài trí, quả cảm của cha ông ta.

Từ Hải Phòng chúng tôi trở lại, đến Văn miếu Mao Điền và di tích Tự Lực Văn Đoàn ở huyện Cẩm Giàng. Tại đây, chúng tôi đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Ban Quản lí di tích huyện Cẩm Giàng cùng đảng bộ và chính quyền thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã đón tiếp, hướng dẫn đoàn nhiệt tình, nồng hậu.  Ở Văn miếu Mao Điền - biểu tượng của tinh thần khuyến học, khuyến tài xứ Đông, anh Hà Quang Thành là Trưởng ban quản lí di tích huyện Cẩm Giàng đã cùng thầy trò đoàn chúng tôi thành kính  làm lễ dâng hương. Chị Phạm Thị Thu Huyền thuyết minh giới thiệu cho chúng tôi về lịch sử, danh nhân được phụng thờ và những điểm độc đáo, đặc biệt của Văn miếu Mao Điền so với 6 Văn miếu lớn khác trong cả nước. Chị Lê Thị Thoa - Phó ban quản lí di tích huyện đã đi cùng với chúng tôi đến di tích Tự lực văn đoàn. Chị tranh thủ từng phút trên xe, dọc đường để giới thiệu với chúng tôi về bề dày văn hóa tỉnh nhà.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến thực tế học tập là di tích Tự lực văn đoàn (thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương) là nơi đã có lúc tụ họp đầy đủ bảy thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn và những người yêu văn chương. Có thể nói, nơi đây là nguồn cảm hứng bất tận cho hầu hết các tác phẩm của nhà văn Thạch Lam thuở ấy. Các bác lãnh đạo ở thị trấn Cẩm Giàng: bác Đinh Quốc Khánh- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND; bác Nguyễn Việt Anh- Phó BTTT;  bác Nguyễn Ngọc Đường- PBT, Chủ tịch UBND và bác Trần Quang Thông - nguyên lãnh đạo địa phương, BCH Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cùng thầy giáo Vũ Diệp- nhà giáo yêu văn chương của thị trấn đã chờ đón tiếp đoàn. Chúng tôi nhận thấy, chính quyền, đảng bộ thị trấn Cẩm Giàng nói riêng, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hải Dương nói chung đặc bệt chú trọng tới việc bảo tồn và giới thiệu di tích Tự lực văn đoàn. Việc ghé thăm “phố huyện nghèo” xưa đã giúp chúng tôi thu thập được những tài liệu thực tế và  hiểu sâu sắc hơn các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, nhất là tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam được giảng dạy trong chương trình phổ thông.

Hoàn thành ba ngày thực tế học tập, chúng tôi lên xe trở về trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Xuân Hòa- Phúc Yên- Vĩnh Phúc). Sau chuyến trải nghiệm thực tế, mỗi chúng tôi có không ít những kỉ niệm đáng nhớ và những kiến thức bổ ích phục vụ trực tiếp cho quá trình học tập hiện tại và giảng dạy sau này. Chúng tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhà trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, các thầy cô khoa Ngữ văn nói chung, các thầy cô bộ môn Văn học Việt Nam nói riêng vì luôn quan tâm và có chương trình học tập tốt nhất cho sinh viên để chúng tôi có thể vững vàng hơn trong con đường tương lai. Cảm ơn Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Quản lí di tích huyện Cẩm Giàng cùng đảng bộ và chính quyền thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã ưu ái, thịnh tình đón tiếp, tạo điều kiện tốt đẹp cho đoàn.

Nguyễn Thu Trang – K43B Sư phạm Ngữ văn
 
Một số hình ảnh về chuyến đi thực tế:
 




Bài viết khác

HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 NĂM HỌC 2024 - 2025

HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 NĂM HỌC 2024 - 2025

 Trong hai ngày 31/10 và 01/11/2024 khóa K47 đang ngập tràn trong không khí tưng bừng sau bao ngày chờ đợi Hội thi Nghiệp vụ Sư

06/11/2024

TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI 2 VÀ VIỆN NGÔN NGỮ HỌC VIỆT NAM TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ DẠY - HỌC TIẾNG VIỆT

TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI 2 VÀ VIỆN NGÔN NGỮ HỌC VIỆT NAM TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ DẠY - HỌC TIẾNG VIỆT

Sáng ngày 23/12, Trường ĐHSP Hà Nọi 2 và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc

08/01/2024

HỘI NGHỊ HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024

HỘI NGHỊ HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024

Sáng ngày 30/11/2023, khoa Ngữ văn tổ chức Hội nghị học tập năm học 2023-2024 nhằm trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm học

02/12/2023

HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA NGỮ VĂN NĂM HỌC 2023 - 2024

HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM KHOA NGỮ VĂN NĂM HỌC 2023 - 2024

Trong ngày 23/11/2023 tại hội trường 14/8 diễn ra hội thi Nghiệp vụ sư phạm cấp Khoa với những nội dung thi: Thi dạy học,

02/12/2023

BẾ MẠC KHẢO SÁT CHÍNH THỨC ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

BẾ MẠC KHẢO SÁT CHÍNH THỨC ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

Ngày 31/10/2023, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia phối hợp với Trường Đại học Sư phạm

01/11/2023

CHÀO ĐÓN NĂM HỌC MỚI 2023-2024, KHOA NGỮ VĂN TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN LỬA- HỘI NHẬP

CHÀO ĐÓN NĂM HỌC MỚI 2023-2024, KHOA NGỮ VĂN TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN LỬA- HỘI NHẬP

Chương trình 𝙏𝙧𝙪𝙮𝙚̂̀𝙣 𝙡𝙪̛̉𝙖 - 𝙃𝙤̣̂𝙞 𝙣𝙝𝙖̣̂𝙥 đã chính thức khép lại với một thành

08/09/2023

0969889270 0912944324