Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

HỘI THẢO KHOA HỌC TOÀN QUỐC "NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY NGỮ VĂN TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP"

Mai Thị Hồng Tuyết

Ngày 10 tháng 12 năm 2017, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức thành công hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học gặp gỡ, thảo luận và trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh ngành giáo dục có đang có sự vận động chuyển mình mạnh mẽ để “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là sự kiện nổi bật nằm trong chuỗi các hoạt động được tổ chức để chào mừng lễ kỉ niệm 50 năm thành lập trường và 42 năm đào tạo tại Xuân Hòa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (1967-2017).

PGS.TS. Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà sư phạm, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở nhiều trường đại học, cao đẳng, THPT, cơ quan xuất bản, báo chí và viện nghiên cứu như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học khoa học - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Lao động - Xã hội, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Đồng Nai, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Tân Trào - Tuyên Quang, Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa, Trường Đại học Nommensen HKBP, Pematangsiantar, Indonesia; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Khoa học Quân sự; Trường Cao đẳng Hải Dương, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, Trường Cao đẳng Bà rịa – Vũng Tàu; Trường PTTH chuyên Lê Thánh Tông, TP. Hội An, Quảng Nam; Các viện nghiên cứu: Viện Ngôn ngữ học, Viện Văn học, Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ quân đội…

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Đã có 150 tham luận gửi tới hội thảo thuộc các chuyên ngành: Văn học Việt Nam , Văn học nước ngoài, Lí luận Văn học, Ngôn ngữ học và Phương pháp dạy học Ngữ  văn… Căn cứ vào nội dung và tiêu chí của hội thảo, Ban tổ chức lựa chọn đăng toàn văn 114 tham luận trong Kỉ yếu dày gần 800 trang. Trong đó, 28 tham luận được chọn trình bày tại Phiên toàn thể và 3 Tiểu ban.

Sáng ngày 10/12/2017, sau phát biểu khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Quang Huy – Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo và Báo cáo đề dẫn của TS. Nguyễn Thị Kiều Anh – Trưởng khoa Ngữ văn, hội thảo tiến hành họp Phiên toàn thể, dưới sự điều hành của Chủ toạ đoàn, gồm: PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, TS. Nguyễn Thị Kiều Anh, GS.TS. Nguyễn Văn Khang, PGS.TS. Đỗ Huy Quang và Ban thư ký gồm: TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, TS. Đỗ Thị Thu Hương.

Chủ tọa đoàn Phiên toàn thể

Có 4 tham luận được trình bày ở Phiên toàn thể: (1). Văn học và văn hóa tâm linh trong tiến trình lịch sử - PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp (Viện Văn học); (2). Nhóm Bakhtin và “tính đối thoại” ngôn ngữ - GS.TS. Lê Huy Bắc  (Trường ĐHSP Hà Nội); (3). Ngôn ngữ với giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập: một vài trao đổi - GS.TS. Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học); (4). Tổng quát về chương trình môn Ngữ văn 2019 - PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học giáo dục VN). Phần thảo luận diễn ra vô cùng sôi nổi với các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học: PGS. TS. Lê Đức Luận, PGS.TS. Đỗ Huy Quang, PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn, PGS.TS. Bùi Minh Đức, TS. Lê Hữu Tỉnh, TS. Đặng Lưu, TS. Trần Thị Ánh Nguyệt, TS. Đỗ Thị Hiên…

Chiều ngày 10/12/2017, Hội thảo tiến hành họp theo ba tiểu ban: 
Tiểu ban 1- Văn học, dưới sự điều hành của Ban Chủ toạ, gồm: Phiên 1: GS.TS. Lê Huy Bắc, TS. Lê Thị Thu Hiền;  Phiên 2: PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh và thư kí TS. Nguyễn Thị Vân Anh. Có 8 tham luận được trình bày ở Tiểu ban 1 gồm: (1) Bàn về văn hóa sinh thái văn chương - PGS.TS. Trần Lê Bảo (Trường ĐHSP Hà Nội); (2). Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu từ góc nhìn phê bình sinh thái - TS. Trần Thị Ánh Nguyệt (Trường ĐH Duy Tân – Đà Nẵng); (3) Số phận con người của M.A. Sô-lô-khôp xét từ góc độ sinh thái nhân văn - PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn (Trường ĐHSP Hà Nội); (4). Bi kịch thân phận trẻ thơ trong chiến tranh (Tiểu thuyết Chim én bay của Nguyễn Trí Huân) - TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh (Trường ĐHSP Hà Nội 2); (5). Sự tương tác thể loại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại - PGS.TS. Lê Dục Tú (Viện Văn học); (6). Thêm vài kiến giải về bài thơ Quốc tộ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận - PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng (Trường ĐHSP Hà Nội); (7). Bức tranh đa diện về cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao trong truyện về đề tài dân tộc miền núi giai đoạn 1945 – 1975 - TS. Nguyễn Minh Trường (ĐHQG Hà Nội); (8). Một số hướng giải mã kịch bản văn học - TS. Mai Thị Hồng Tuyết (Trường ĐHSP Hà Nội 2).

Thảo luận ở Tiểu ban

- Tiểu ban 2 – Ngôn ngữ, dưới sự điều hành của Ban Chủ toạ, gồm: Phiên 1: GS.TS. Nguyễn Đức Tồn,  GS.TS. Nguyễn Văn Khang; Phiên 2: PGS.TS. Phạm Văn Tình, TS. Đỗ Thị Thu Hương và thư kí: TS. Khuất Thị Lan. Có 8 tham luận được trình bày ở Tiểu ban 2 gồm: (1) Từ trường ngữ âm đến trường ngữ nghĩa - PGS.TS. Lê Đức Luận (Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng); (2) Sự thống hợp của ngữ dụng học đối với kết học, nghĩa học và biểu hiện của nó trong ngôn ngữ văn chương - TS. Đỗ Thị Hiên (Viện Ngôn ngữ học); (3) Đối chiếu thành ngữ có yếu tố con chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt – từ góc nhìn ẩn dụ bản thể - TS. Ngô Thị Huệ  (Trường Đại học Hà Nội); (4). Định ngữ hạn định trong danh ngữ tiếng Việt thế kỉ XVII (Qua ngữ liệu văn bản chữ Quốc ngữ thế kỉ XVII) - TS. Võ Thị Minh Hà (Trường ĐHKHXH và NV – ĐHQG Hà Nội); (5). Khái quát về phát ngôn có vị từ ba diễn tố trong tiếng Việt - TS. Đỗ Thị Hiên (Trường ĐHSP Hà Nội 2); (6). Các phương tiện biểu thị khoa trương trong Chuyện làng Cuội của Lê Lựu - TS. Nguyễn Ngọc Kiên (Viện ĐH Mở Hà Nội); (7). Các kiểu cấu trúc thông tin trong câu đơn truyện Nguyễn Nhật Ánh (Khảo sát qua lời thoại nhân vật trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) -  ThS. Trần Thanh Huyền (Trường Đại học Tây Nguyên); (8). Dạy - học từ đồng âm Hán Việt theo định hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viện ngành sư phạm Ngữ văn hệ cao đẳng - ThS. Đặng Thị Thu Hà (Trường CĐSP Nam Định).

Tiểu ban 3 – Phương pháp dạy học Ngữ văn, dưới sự điều hành của Ban Chủ toạ, gồm: Phiên 1: PGS.TS. Đỗ Huy Quang, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống; Phiên 2: PGS.TS. Bùi Minh Đức, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương và thư kí: ThS. Dương Thị Mỹ Hằng. Có 8 tham luận được trình bày ở Tiểu ban 3 gồm: (1). Cần thay đổi quan niệm về dạy học Ngữ văn ở ngành sư phạm để đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới - TS. Đặng Lưu, TS. Lê Hồ Quang (Trường Đại học Vinh); (2) Giảng dạy văn học trung đại Việt Nam dưới góc độ khám phá giá trị thẩm mỹ - PGS.TS. Vũ Thanh (Viện Văn học); (3). Dạy văn học như dạy một tài nguyên - PGS.TS. Bùi Minh Đức (Trường ĐHSP Hà Nội 2); (4). Dạy đọc hiểu văn bản trong môn ngữ văn ở trường trung học theo mô hình ba giai đoạn (trước khi đọc, trong khi đọc, sau khi đọc) - PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương (Trường ĐHSP Hà Nội); (5). Phát triển năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua hệ thống câu hỏi hướng dẫn giải mã văn bản nghệ thuật - ThS. Lưu Thị Thanh Thùy (Trường Đại học Hồng Đức); (6). Nội dung và phương pháp giảng dạy phần lịch sử và quá trình phát triển của tiếng Việt cho sinh viện Việt Nam ngành tiếng nước ngoài - TS. Đoàn Thị Thu Hà (Trường Đại học Hà Nội); (7). Đề xuất hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm văn học dân gian ở trường phổ thông - TS. Trần Hoài Phương (Trường ĐHSP Hà Nội); (8). Thiết kế câu hỏi kết nối và tích hợp để dạy học đọc hiểu văn bản văn học trong một số tài liệu giáo khoa ở Hoa Kỳ và vận dụng cho Việt Nam - TS. Phạm Thị Thu Hiền (Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN).

Khoa Ngữ văn chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Những vấn để được trình bày và thảo luận ở Hội thảo, đã cho thấy việc nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập đang thực sự thu hút được quan tâm của các nhà khoa học. Điều này cũng cho thấy sự ủng hộ quý báu của các nhà khoa học thuộc nhiều cơ sở nghiên cứu và giảng dạy dành cho Khoa Ngữ văn nói riêng và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nói chung. Hy vọng thành công của hội thảo lần này sẽ mở ra những cơ hội tiếp theo để các nhà khoa học, các thầy cô giáo được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi trong nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn.



Tags:


Bài viết khác

0969889270 0912944324