Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

HỘI THẢO KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN NĂM HỌC 2018 – 2019

Chiều ngày 26/04/2019, khoa Ngữ văn đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên năm học 2018- 2019. Hội thảo là hoạt động thường niên, được khoa quan tâm tổ chức nhằm tạo môi trường học tập, nghiên cứu, từ đó góp phần phát hiện và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Trong nhà trường Đại học, hoạt động NCKH mang lại những ý nghĩa thiết thực đối với sinh viên. NCKH rèn luyện cho SV khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm, rèn luyện kĩ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau trong hoạt động học tập và nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học cũng tạo ra những bước đi ban đầu để sinh viên tiếp cận những vấn đề mà khoa học và cuộc sống đang đặt ra, gắn lí luận với thực tiễn.

Nhận thức sâu sắc  vai trò của NCKH đối với sinh viên cũng như thực hiện kế hoạch công tác năm học 2018 – 2019, chiều ngày 26 tháng 4 năm 2019, tại hội trường 14 – 8, khoa Ngữ văn đã tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên năm học 2018 – 2019 nhằm mục đích công bố các kết quả nghiên cứu mới của SV trong các lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, văn hoá… cũng như tạo cho sinh viên những động lực, hứng thú trong hoạt động nghiên cứu và giúp SV hình thành   phương pháp nghiên cứu khoa học sao cho hiệu quả.

Tham dự hội thảo có các thầy cô trong Chi uỷ, BCN khoa Ngữ văn, các thầy cô là Trưởng các Bộ môn, giảng viên hướng dẫn và đông đảo các em sinh viên trong toàn khoa.

Mở đầu hội thảo, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Trưởng khoa Ngữ văn đã đọc lời khai mạc hội thảo. Sau đó là báo cáo đề dẫn của TS Lê Thị Thuỳ Vinh – Trợ lí khoa học khoa.

Tính từ thông báo số 1 của hội thảo ngày 12/1/2019 cho đến ngày 1/4/2019, Hội thảo đã nhận được 64 báo cáo của đông đảo các em sinh viên ở các khối lớp. 64 báo cáo trong đó  (K41: 13 báo cáo, K42: 23 báo cáo, K43: 19 báo cáo, K44: 9 báo cáo) của 63 tác giả và nhóm tác giả ở các chuyên ngành Văn học Việt Nam (15 báo cáo), Văn học nước ngoài (10 báo cáo ), Lí luận văn học (2 báo cáo), Ngôn ngữ (11 báo cáo), Phương pháp giảng dạy (20 báo cáo), Văn hoá (6 báo cáo) cho thấy sinh viên khoa Ngữ văn bước đầu đã say mê NCKH và cố gắng nỗ lực để hình thành một phương pháp NCKH hiệu quả. Trong hội thảo lần này, bên cạnh những báo cáo do cá nhân thực hiện cũng đã có rất nhiều báo cáo của các nhóm SV. Xu hướng nghiên cứu theo nhóm hiện nay là xu thế chủ đạo trong NCKH và nó dự báo năng suất, chất lượng, hiệu quả nghiên cứu  tăng cao.

Các báo cáo của hội  thảo khoa học lần này thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo, gắn với từng chuyên ngành đào tao cụ thể. Nhiều báo cáo được thực hiện công phu, chất lượng thể hiện niềm say mê NCKH của các tác giả. Nhiều báo cáo tập trung vào các hướng nghiên cứu có tính thực tiễn sâu sắc. Điều này phản ánh rõ rệt năng lực học tập và NCKH của sinh viên cũng như hiệu quả hướng dẫn của các GV trong khoa. Tất nhiên những hạn chế về chất lượng NCKH SV vẫn còn tồn tại như báo cáo chưa xác định rõ hướng nghiên cứu, tính khoa học và tính thực tiễn trong các báo cáo chưa cao cho nên chưa khẳng định được những đóng góp riêng của tác giả. Đồng thời SV vẫn chưa tận dụng tối đa sự hướng dẫn, góp ý của các giáng viên hướng dẫn để thực hiện công tác NCKH được tốt hơn.

Trong số 64 báo cáo của các chuyên ngành, 8 báo cáo của các sinh viên và nhóm sinh viên đã được chọn để trình bày tại hội thảo. Đó là báo cáo “Vận dụng cách dạy học văn bản Cô bé lọ lem của Hoa Kỳ vào dạy học đọc hiểu văn bản Chuyện người con gái Nam Xương (Ngữ văn lớp 9 – tập 1)” (Trần Quỳnh Anh, Lê Hương Quỳnh, Ngô Thị Thùy Trang Trần Quang Hà K42 SP Ngữ văn); Quan hệ giữa lập luận, nguỵ biện và ngộ biện trong giao tiếp của người Việt (Trần Thị Hương Trà K43A SP Ngữ văn); Hình tượng người phụ nữ vùng cao trong tiểu thuyết “Chúa đất” của Đỗ Bích Thuý (Phùng Thị Thu Trang, K41D  SP Ngữ văn); Mùa xuân trong thơ Haiku của Yosa Buson (Nguyễn Văn Thái, K42B SP Ngữ văn); Chuyện người con gái Nam Xương nhìn từ phạm trù thẩm mĩ cái bi kịch (Nguyễn Thị Minh Hiền, K44C SP Ngữ văn); Nhân vật đường viền” trong “Người trong bao”, “Khóm phúc bồn tử”,  “Một chuyện tình yêu” của A.P.Chekhov (Trần Thị Hằng K41D SP Ngữ văn); Đặc điểm từ ngữ xưng hô qua lời thoại nhân vật trong tập truyện “Kì nhân làng Ngọc” (Bùi Thị Thơ K42B SP Ngữ văn); Một số hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản “An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy” (Phạm Thị Ngọc K42A SP Ngữ văn).

Hội thảo lần này không chỉ là diễn đàn để công bố các kết quả NCKH của các bạn SV mà còn là cơ hội để tuyên dương SV tham gia NCKH. Hội thảo kết thúc trong niềm vui và niềm tự hào của các bạn sinh viên.

Lê Thị Thùy Vinh

Một số hình ảnh trong Hội thảo
 
TS Nguyễn Thị Tuyết Minh khai mạc Hội thảo
 
TS Lê Thị Thùy Vinh báo cáo đề dẫn
 
Sinh viên Nguyễn Văn Thái
 
Sinh viên Bùi Thị Thơ
 
Sinh viên Trần Quỳnh Anh
 
Tuyên dương sinh viên nghiên cứu khoa học
 
Thầy cô và các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm 
 




Bài viết khác

0969889270 0912944324