Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2016 - 2017

Ngày 19 tháng 4 năm 2017, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 diễn ra Hội nghị khoa học sinh viên khoa Ngữ văn, năm học 2016 - 2017.

Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu là đại diện Phòng KHCN & HTQT, Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, các thầy cô giáo trong khoa, đại diện sinh viên các khối K39, 40, 41, 42 và tác giả của các báo cáo khoa học.


Ban Tổ chức đã nhận được 58 báo cáo, trong đó: Văn học Việt Nam 20 báo cáo, Văn học nước ngoài 6 báo cáo, Lí luận văn học 4 báo cáo, Ngôn ngữ 8 báo cáo, Phương pháp giảng dạy 11 báo cáo, Cơ sở văn hóa 8 báo cáo và Việt Nam học 1 báo cáo... Các báo cáo đều đã được gửi đến các thầy cô thuộc từng chuyên ngành góp ý, phản biện. Kết quả là Ban Tổ chức đã lựa chọn được 53 báo cáo in Kỉ yếu. Đây là những kết quả nghiên cứu bước đầu của các bạn sinh viên về các vấn đề thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, văn hóa. Nhìn nhận một cách tổng thể, các tác giả báo cáo đã tỏ ra khá thành thục trong việc lựa chọn vấn đề và triển khai các nội dung nghiên cứu, vì vậy mà, phần lớn các báo cáo đã đạt được những kết quả khoa học nhất định.

Sau khi TS. Lê Thị Thu Hiền - Phó trưởng khoa Ngữ văn phát biểu khai mạc hội nghị và TS. Hoàng Thị Thanh Huyền - Trợ lí khoa học khoa đọc báo cáo đề dẫn, hội nghị đã được nghe 6 báo cáo đại diện cho 5 chuyên ngành: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lí luận văn học, Ngôn ngữ, Phương pháp giảng dạy.

Có thể nhận thấy, vấn đề nghiên cứu ở các báo cáo tham gia Hội nghị không chỉ bó hẹp trong chương trình dạy và học ở bậc đại học mà còn được mở rộng đến những vấn đề văn học ngoài nhà trường. Chẳng hạn sinh viên Nguyễn Ánh Cúc - K40B với báo cáo: Không gian Huế và tâm hồn thi nhân qua thơ Nam Trân; sinh viên Nguyễn Thị Thanh K40G với báo cáo: Ngôn ngữ nghệ thuật trong nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi”… Các báo cáo, từ cách đặt vấn đề cho đến việc vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề đã cho thấy khả năng bước đầu nghiên cứu khoa học của sinh viên. Điều này thực sự rất đáng khích lệ.
 
Các đề tài khoa học, tuy quy mô không lớn nhưng đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan tới việc học tập và nghiên cứu về tác giả, tác phẩm ở bậc đại học. Điều này được thể hiện qua các báo cáo: Liên văn bản trong tiểu thuyết “Số đỏ” của SV Bùi Ngọc Châm K41B; Bi kịch tình yêu trong thần thoại Hy Lạp của SV Lê Phương Thanh K40E; Số phận bi thảm và con đường đi tìm hạnh phúc của các nhân vật trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ - SV Tạ Thị Nhanh K40G…

Một trong những mục tiêu quan trọng của khoa Ngữ văn là đào tạo được đội ngũ giáo viên cho nhà trường phổ thông. Sinh viên sau khi ra trường sẽ trực tiếp đảm nhận công việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở các khối lớp, các cấp học. Vì vậy, ngay từ bây giờ các sinh viên cũng đã biết hướng sự quan tâm của mình tới những vấn đề cụ thể được giảng dạy ở trường phổ thông như: Dạy học đọc hiểu văn bản “Chí Phèo” của Nam Cao theo hướng phát huy vai trò bạn đọc sáng tạo của học sinh của SV Trần Thị Hường K40B, Bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho học sinh THPT trong dạy học đọc - hiểu văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu - SV Trần Kiều Linh K40G hay Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực tự học Ngữ Văn cho học sinh trung học phổ thông của SV Lê Hằng Nga K40C…

Đối tượng  nghiên cứu của các báo cáo còn mở rộng tới những lĩnh vực văn hóa với những vấn đề cụ thể liên quan tới các nghi thức, nét văn hóa đặc sắc của người Việt như báo cáo: Lễ Hằng Thuận - một nét văn hóa Phật Giáo  – SV Trần Thị Vân Anh K40C, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội đền Và, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội hiện nay – SV Đỗ Lam Ngọc K40D hay Tinh thần đạo hiếu qua ngày lễ Vu Lan của SV Nguyễn Thị Kim Thủy K40C… Qua cách triển khai đề tài, có thể thấy các bạn sinh viên đã biết vận dụng và kết hợp nhiều phương pháp nhằm làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu như phương pháp tiếp cận hệ thống, so sánh loại hình, đặc biệt là xu hướng nghiên cứu liên ngành đang rất được quan tâm…

Như vậy có thể khẳng định rằng, sự quan tâm tìm tòi nghiên cứu của các tác giả báo cáo tương đối đa dạng và phong phú. Việc giải quyết vấn đề còn ở nhiều mức độ nông sâu, đậm nhạt khác nhau song mỗi báo cáo là một tiếng nói riêng, đầy thuyết phục góp phần vào công tác nghiên cứu khoa học của toàn khoa. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã được nghe những góp ý, trao đổi, thảo luận của các thầy cô giáo về các vấn đề nghiên cứu mà các báo cáo đề cập tới. Chính điều này đã tạo ra một không khí sôi nổi cho Hội nghị khoa học sinh viên.

Thanh Huyền 





Bài viết khác

0969889270 0912944324