Theo thông tin từ Ban Tổ chức, sau Thông báo thứ nhất về Hội thảo “Nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học và văn hóa” được đưa tin, Ban Tổ chức đã nhận được 61 báo cáo. Trong đó có 54 báo cáo đăng kỷ yếu Hội thảo, 7 báo cáo poster và 2 báo cáo mời. Các báo cáo gửi đến Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Những khuynh hướng mới trong nghiên cứu ngôn ngữ học; Ứng dụng các lí thuyết ngôn ngữ học trong giảng dạy ở trường đại học và trường phổ thông; Sử dụng tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt trong lớp dạy ngoại ngữ; Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; Biên phiên dịch; Nghiên cứu văn hóa, văn học trong bối cảnh toàn cầu hóa; Những khuynh hướng mới trong nghiên cứu văn học; Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn; Giảng dạy văn học, tiếng Việt ở trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Ứng dụng thiết bị/nguồn học liệu mở sử dụng kỹ thuật số trong dạy và học ngôn ngữ, văn học và văn hóa; Môi trường học ảo (Virtual learning environments); Giảng dạy và học tập trực tuyến (E-learning and teaching); Giảng dạy và học tập kết hợp (Blended/hybrid settings for language learning and teaching).
Dưới sự chủ trì của PGS,TS Lê Văn Canh - ĐH Quốc gia Hà Nội và TS Nguyễn Thị Hồng Nhật - Trường ĐHSP Hà Nội 2, tại phiên toàn thể, các đại biểu được nghe hai báo cáo: “Steps Toward A Post - Covid World For Language, Culture And Literature Education”- GS Mike Levy, ĐH Queensland, Australia; “The Politics Of Language Textbooks” - TS Dong Bea Lee, ĐH Queensland, Australia.
Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học và văn hóa” - LLCE2020 được tổ chức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Sau phiên toàn thể, Hội nghị chia làm hai tiểu ban để tiếp tục làm việc. Dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, thảo luận về các vấn đề trọng tâm như: Giáo dục ngôn ngữ; Giáo dục văn học và văn hóa.
Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học và văn hóa” - LLCE2020 do Trường ĐHSP Hà Nội 2 và Văn phòng Tiếng Anh khu vực, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đồng tổ chức, được Vụ Hợp tác quốc tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép. Bởi thế, bên cạnh ý nghĩa chuyên môn, Hội thảo còn có ý nghĩa tăng cường sự gắn kết, hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành giữa các đơn vị chuyên môn, các giảng viên, nhà nghiên cứu nói chung và trong lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, văn hóa nói riêng; góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các đơn vị chuyên môn với tổ chức chính trị, xã hội (Đại sứ quán các nước, hiệp hội, đơn vị đào tạo, doanh nghiệp); các cơ sở giáo dục (Trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước; Sở, Phòng GD&ĐT, trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT); các Viện nghiên cứu.