1. Mở đầuNgôn ngữ không chỉ là công cụ tư duy, phương tiện giao tiếp mà ngôn ngữ còn mang những dấu vết riêng, chứa đựng những đặc điểm riêng nhất về sắc thái cộng đồng dân tộc. Xuất phát từ quan điểm này,
ngôn ngữ học tri nhận đã ra đời làm sáng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn hóa. Vận dụng kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học tri nhận, kết hợp với những hiểu biết về văn hóa Việt và các ngữ liệu trong một số tác phẩm văn học, trong bài viết này chúng tôi tập trung làm sáng tỏ phạm trù
Vườn trong thơ ca Việt Nam. Qua đó, bài viết cũng góp phần hình thành mô hình tri nhận của người Việt qua ý niệm
Vườn bằng cách xác lập những ẩn dụ ý niệm.
2. Nội dung2.1. Vườn trong quan niệm của người ViệtTừ xa xưa, người Việt quan niệm “có an cư mới lạc nghiệp”, có một nơi ở ổn định con người mới có thể làm nên mọi giá trị. Vì thế, trong tâm thức của người Việt, ngôi nhà có một ý nghĩa quan trọng. Trong ngôi nhà truyền thống của họ,
vườn là một bộ phận không thể thiếu. Đây là nơi tăng gia và cũng có thể là nơi cải thiện môi trường sống, tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà. Khu vườn thường gắn bó và trở nên quen thuộc với mỗi thành viên trong gia đình. Đó cũng là yếu tố tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo.
Trong
Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, Vườn được hiểu là “
Khu đất thường ở sát cạnh nhà, được rào kín xung quanh để trồng rau, hoa hay cây ăn quả”
[1]. Theo
Vi.wikipedia.org[2] thì vườn là
“khu đất để trồng trọt, có tính ổn định thường được rào giậu”. Như vậy, nhìn chung, vườn được hiểu theo một cách thống nhất. Với tư cách là bộ phận của nhà, bản thân vườn cũng là một hệ thống gồm nhiều yếu tố như cây cối (rau, cây ăn quả, hoa...), đất để trồng cây, hàng rào bao quanh khu vườn.
Sự khác nhau của mỗi khu vườn phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi ngôi nhà và chủ nhân của ngôi nhà đó. Nhà của bần nông sẽ khác nhà của trung nông, phú nông về các loại cây, cách chăm sóc ... Nhìn chung,
vườn Việt Nam thường là sự thể hiện lại nét tự nhiên của thiên nhiên mộc mạc. Đặc biệt, vườn cảnh thường được Việt hóa để tạo nên nét riêng và phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai và văn hóa, lịch sử ... từ đó khiến vườn Việt Nam có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn, ở vườn Việt Nam, những yếu tố như nét dân dã, mộc mạc và bản sắc dân tộc luôn được đề cao, coi trọng. Đó là những nét rất gần gũi với cuộc sống thường nhật ở thôn quê Việt Nam như: cây đa bến nước, cây khế bờ ao, lũy tre, hàng rào chè tàu hay dâm bụt, cây cau vương vít bụi trầu, giếng khơi, lu nước với chiếc gáo dừa được tra chiếc cán tre xinh xắn... Đặc biệt, trong vườn cảnh Việt Nam ở mỗi miền lại thường có những ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng như: nhà ba gian, hai chái ở những vườn cảnh ở Bắc bộ; nhà rường trong những nhà vườn Huế; hoặc được làm đẹp bằng những kiểu nhà sàn của dân tộc thiểu số vùng cao. Ở Nam bộ, trong vườn thường có thêm những cây
cầu bằng tre vắt vẻo qua các mương nước như thách thức du khách đến chơi vườn...
Như vậy, quan niệm vườn của người Việt ở trên chính là nền tảng cơ sở để chúng tôi tiến hành khảo sát và tìm hiểu sự tri nhận của người Việt qua trường từ vựng
Vườn trong tiếng Việt.
2.2. Hệ thống các trường từ ngữ chỉ tên gọi của vườn2.2. 1. Tiểu trường chỉ tên gọi của vườn nói chung Qua khảo sát ngữ liệu trong cuốn
Ca dao Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Phan
[3], chúng tôi nhận thấy, tên gọi của vườn là tiểu trường phong phú nhất, độc đáo nhất. Chúng tôi đã khảo sát được 16 đơn vị chứa yếu tố này như:
vườn, vườn tược, vườn không nhà trống, cây nhà lá vườn, nhà vườn, miệt vườn, khuôn viên, điền trang, điền viên, vườn ươm, vườn bách thảo, vườn bách thú, vườn địa đàng, vườn quốc gia, vườn trẻ, vườn trường.Tuy nhiên, với cách hiểu vườn là “
Khu đất thường ở sát cạnh nhà, được rào kín xung quanh để trồng rau, hoa hay cây ăn quả” (Hoàng Phê), tên gọi
vườn địa đàng, vườn bách thú, vườn bách thảo, vườn trẻ, vườn trường không nằm trong phạm vi khảo sát. Bởi lẽ, chúng thiếu nét nghĩa “
Khu đất thường ở sát cạnh nhà”.
Những ngữ liệu trong văn học dân gian, văn học hiện đại đã chứng minh được sự đa dạng của tiểu trường tên gọi của vườn. Căn cứ vào tiêu chí ý nghĩa, chúng tôi tiến hành xác lập, phân loại những đơn vị này thành hai nhóm:
Nhóm tên gọi vườn một cách khái quát và
nhóm vườn cụ thể. Trong mỗi nhóm lại có sự phân loại ở cấp bậc nhỏ hơn.
- Nhóm tên gọi khái quátNhóm tên gọi này có thể được xem xét bởi những yếu tố như
vườn, vườn tược, nhà vườn, khu vườn, mảnh vườn, khoảnh vườn. Trong đó,
vườn là yếu tố điển mẫu thuộc tầng cao hơn là tầng bộ phận của nhà. Còn
Vườn tược được hiểu là “Vườn riêng của gia đình” (Hoàng Phê) và
nhà vườn chính là “
Nhà có vườn hoặc người chủ có vườn chuyên trồng các loại cây giống, hoa quả” (Hoàng Phê).
Ngoài hai tên gọi
vườn và
vườn tược, tên gọi khái quát này thường có hình thức biểu thị theo cấu trúc sau:
Tên gọi = Yếu tố đơn vị + yếu tố chỉ loại. Chẳng hạn:
Chợt thấy em về như giấc mơTrong khu vườn nhỏ đẹp nét thơ (Dương Thụy Trúc)
Hay
Những câu thơ từ đấtMọc lên từ ụ chuối sau hèTừ khoảnh vườn trước mặtTừ những cánh đồng xa (Phan Minh Châu)
- Nhóm tên gọi cụ thểQua khảo sát,chúng tôi nhận thấy đây là nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số những tên gọi của vườn. Tên gọi cụ thể này có cấu trúc như sau:
Tên gọi = Yếu tố chỉ loại + yếu tố chỉ đặc điểm riêngVí dụ:
Vườn cau, vườn xuân, vườn hồng, vườn dưa, vườn liễu, vườn cúc, vườn chiều, vườn khuya ,... Trong nhóm tên gọi này, căn cứ vào yếu tố chỉ đặc điểm riêng, chúng tôi chia thành ba nhóm nhỏ hơn
Thứ nhất, dựa vào tiêu chí những loại cây được trồng trong khu vườn, chúng tôi tập hợp được các tên gọi:
vườn hoa, vườn rau, vườn cà, vườn chuối, vườn cam,
vườn hồng, vườn đào, vườn mận, vườn dưa, vườn cúc, vườn liễu, vườn rau cải, vườn rau cần, vườn cau, vườn trúc, vườn chè, vườn tre, vườn chanh. Chúng tôi thống kê được 18 đơn vị thuộc nhóm này. Đây là nhóm gọi tên về
vườn đa dạng nhất, phong phú nhất. Ngay từ tên gọi vườn này đã phản ánh những đặc điểm nổi bật của một khu vườn vùng nhiệt đới. Những tên gọi này xuất hiện nhiều trong ca dao:
Bây giờ mận mới hỏi đàoVườn hồng đã có ai vào hay chưa (Ca dao)
Hay
Trèo lên cây bưởi hái hoaBước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân(Ca dao)
Thứ hai là nhóm tên gọi cụ thể căn cứ vào yếu tố chỉ thời gian. Đây là những tên gọi xuất hiện khá nhiều trong thơ ca như:
vườn xuân, vườn khuya, vườn chiều. Đời ta có khi là đóm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời tôi có ai vừa qua. (Trịnh Công Sơn)
Cửa ngoài vội rủ rèm the,Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.(Nguyễn Du)
Đến bây giờ đánh giặc anh đi xaNhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp(Lưu Quang Vũ)
Thứ ba là nhóm tên gọi cụ thể theo tiêu chí chủ thể của vườn như
vườn ai, vườn của mẹ, vườn của bé, vườn tôi, vườn anh. Nhóm tên gọi này cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chữ điền(Hàn Mặc Tử)
Khu vườn Mẹ ngày xưa thơm ngát
Nào hoa lài, hoa bưởi, hoa chanh
(Thích Nữ Như Minh)
2.2.2. Tiểu trường chỉ đặc điểm của khu vườn Qua khảo sát, chúng tôi thống kê được những đơn vị cơ bản chỉ đặc điểm của khu vườn là:
xưa, cũ, hoang, hoang tàn, rộng, rậm, râm, xác xơ, xa vắng, vắng, mát mẻ.... . những yếu tố chỉ đặc điểm riêng này thường đứng sau yếu tố chỉ loại (vườn) mà đôi khi nó cũng tạo thành cấu trúc tên gọi của vườn. Điều này cho thấy ranh giới giữa các tiểu trường chỉ mang tính chất tương đối. Tên gọi này xuất hiện rất nhiều lần trong phong cách nghệ thuật:
Lòng tôi là cả một vườn hoangVắng cả chim xanh cả bướm vàng(Nguyễn Bính)
Vườn rậm thời lắm tổ sâu
Mẹ nào con nấy giống nhau rành rành
(Ca dao)
Tính chất rộng – hẹp, xưa – cũ, hoang vắng của khu vườn là một miền nguồn độc đáo để người Việt di chuyển ý niệm sang miền đích là tâm trạng, cảm xúc con người.
2.2.3. Tiểu trường chỉ bộ phận của khu vườnNhư chúng tôi đã nói, vườn là một bộ phận của nhà, góp phần làm nên không gian chuyển tiếp giữa cái nhốn nháo bên ngoài và một thế giới hoàn toàn khác, bình yên, ấm cúng bên trong. Và bản thân khu vườn lại là một hệ thống gồm nhiều yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Mỗi khu vườn của người Việt thường được ngăn cách với không bên ngoài bằng hình ảnh
bờ rào, bờ giậu. Chẳng hạn:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôiCách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờnBờ rào cây bưởi không hoaQua bên nhà thấy bên nhà vắng teo(Nguyễn Bính)
Ao sâu nước cả khôn chài cáVườn rộng rào thưa khó đuổi gà.(Nguyễn Khuyến)Sự phát triển tươi tốt hay héo úa của khu vườn được quyết định bởi sự màu mỡ hay cằn cỗi của
đất. Như vậy
, đất vườn là một bộ phận không thể thiếu và vô cùng quan trọng trong khu vườn.
Mẹ ơi, mẹ bỏ đi đâuThông xanh giấu bóng đất nâu mẹ về.(Nguyễn Duy)
Góc vườn cũng được nhắc tới với tư cách là bộ phận của vườn
Nơi bài hát lên đường ta hẹn ướcNơi góc vườn ta để quên chùm hoa(Lưu Quang Vũ)2. 2.4.
Tiểu trường chỉ hoạt động của con người trong vườnCon người là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của vườn. Trong khu vườn nhỏ của mỗi làng quê Việt Nam, không thể thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người bà, người mẹ hay những tiếng cười, những hoạt động vui chơi của con trẻ. Khi khảo sát ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy những từ ngữ trong trường này không nhiều nhưng nó lại có một giá trị lớn trong việc thể hiện sự tri nhận của người Việt. Chẳng hạn như:
làm vườn, tưới cây, vun xới, vun trồng, ươm trồngYêu em, anh muốn vun trồng
Trái đơm muôn vị, hoa lồng ngàn hương. (Xuân Diệu)Thầy giáo trồng cây, học trò vun đấtHội đầu quân đi cấy một đường xanhXanh lá, xanh cây, xanh trời, xanh nước.Như tóc em xanh thơm gió xuân lành.(Định Hải)
Như vậy, bước đầu khảo sát, chúng tôi đã xác lập được bốn tiểu trường cơ bản là tiểu trường chỉ tên gọi vườn, tiểu trường chỉ đặc điểm của vườn, tiểu trường bộ phận của vườn và tiểu trường chỉ hoạt động của con người trong vườn. Đây là những miền nguồn thú vị để chúng tôi tìm hiểu miền đích liên quan đến con người và cuộc sống con người.
2.3.
Ý niệm vườn trong văn hóa ViệtNgôn ngữ học tri nhận chỉ ra bản chất của sự ánh xạ từ miền đích lên miền nguồn chính là các ẩn dụ ý niệm. Ẩn dụ ý niệm này được xây dựng theo công thức:
A là B, trong đó,
A là miền đích;
còn B là miền nguồn. Theo công thức này, dựa trên kết quả khảo sát thống kê những tiểu trường thuộc trường
Vườn, trong phần này, chúng tôi tập trung làm sáng tỏ sự ánh xạ từ miền nguồn vườn sang miền đích là con người và cuộc sống con người.
2.3.1. Tình cảm của con người là vườn2.3.1.1.Tình cảm gia đình là vườnQua khảo sát, chúng tôi nhận thấy vườn là bộ phận quan trong của nhà. Khi vườn gắn liền với nhà đồng thời cũng là không gian chứa đựng những tình cảm cảm xúc của con người trong gia đình (nhà) đó.
Khi xét tiểu trường đặc điểm của vườn, dựa trên cơ sở kinh nghiệm của con người, vườn không chỉ mang vẻ xưa, cũ, hoang vắng... mà trước hết nó mang lại cảm giác bình dị, thân thuộc, thân quen vì nó gắn với cuộc sống của con người. Khu vườn ấy thường in dấu bàn tay chăm sóc của người bà, người mẹ.... với những trò chơi tuổi thơ của con trẻ. Đó là không gian hẹp, khép kín, là không gian chứa đựng cảm xúc của con người. Đặc biệt là tình cảm của con người trong gia đình
Dựa trên nét nghĩa đó, người Việt thường tri nhận những tình cảm thiêng liêng của con người trong gia đình là những kỉ niệm về khu vườn. Vườn chính là miền nguồn để người Việt tri nhận đến miền đích là tình cảm gia đình. Từ đó, ta xây dựng được ẩn dụ ý niệm TÌNH CẢM GIA ĐÌNH LÀ VƯỜN
Tuổi thơ con bao kỷ niệm khu vườn
Được chăm bón, nâng niu chiều chuộng
Mưa nắng cuộc đời Mẹ không nản chí
Sớm lại chiều đôi quang gánh trên vai
Mong nuôi chúng con gian khổ không nài
chúng con thành người hữu dụng(Nam Hà )
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua…Con qua đâu thấy mái lá cây vườnCũng đất nước phơ phơ đầu tóc mẹ…(Bằng Việt)
Khu vườn là không gian chứa đựng ăm ắp những kỷ niệm yêu thương của người mẹ với đứa con thân yêu. Khu vườn làm sống lại hình dáng mẹ tần tảo, sớm khuya,chăm sóc, nuôi nấng, thương yêu và mong con trở thành người có ích. Vì vậy, Khu vườn chính là miền nguồn ánh xạ lên miền đích là tình cảm gia đình.
2.3.1.2. Tình yêu đôi lứa là vườnNhắc tới khu vườn, người ta nghĩ ngay đến cây cối xanh tốt, tỏa bóng mát cho con người, đem lại ích lợi cho con người. Đặc biệt là vườn hoa muôn màu muôn sắc, tỏa hương thơm ngào ngạt đem lại những dư vị khó quên trong lòng người. Khu vườn ấy lại rộn ràng tiếng chim ca, đủ sắc màu của những con bướm...
Cũng may mắn, lòng anh còn trẻ quá,
Máu mùa xuân chưa nở hết bông hoa;
Vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã.
Ai lại còn yêu, bông lựu, bông trà.( Xuân Diệu)Tình yêu cũng giống như khu vườn đủ cung bậc cảm xúc, hương vị của tình yêu cũng đem đến cho lòng người sự ngây ngất say mê. Vì thế, ý niệm vườn còn là ẩn dụ cho tình yêu đôi lứa TÌNH YÊU ĐÔI LỨA LÀ VƯỜN
Từ ý niệm trên kết hợp với việc phân tích ngữ liệu, chúng tôi thấy xuất hiện ẩn dụ bậc dưới:
Ranh giới trong tình yêu là bộ phận của vườnNhà nàng ở cạnh nhà tôiCách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.(Nguyễn Bính)
Hoặc:
Hôn nhân không hạnh phúc là vườn hoangChị bây giờ ... nói thế nào?Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang( Nguyễn Bính)
2.3. 2. Tâm trạng của con người là vườnTiểu trường đặc điểm của khu vườn cho thấy vườn có khi mát mẻ, tươi tốt nhưng cũng có khi hoang tàn lạnh lẽo nếu thiếu vắng bàn tay chăm sóc của con người. Từ miền nguồn này đã ánh xạ sang miền đích là tâm trạng cảm xúc của con người, hình thành ý niệm: TÂM TRẠNG CỦA CON NGƯỜI LÀ VƯỜN.
Hồn tôi là một vườn hoa láRất đậm hương và rộn tiếng chim(Tố Hữu)
Tâm trạng con người là một phức thể gồm nhiều yếu tố khi vui vẻ lúc buồn bã chán nản. Tâm hồn con người khi vui vẻ giống như một khu vườn đầy hương sắc, một cảm giác lúc rộn ràng lúc thanh bình, sâu lắng và dịu êm. Khi buồn tâm hồn ấy giống như một mảnh vườn hoang lạnh lẽo, cằn cỗi. Từ sự tri nhận này, các tác giả dân gian đã sáng tạo những hình ảnh thật độc đáo khi viết về xúc cảm con người.
Trong trường từ vựng
vườn, chúng tôi thấy rằng có sự chuyển dịch đặc điểm của khu vườn từ hoang tàn đến tươi tốt, từ tươi tốt đến cằn cỗi. Đặc điểm này có sự tương ứng với những thay đổi trong xúc cảm con người. Từ đó hình thành ẩn dụ bậc dưới:
Sự thay đổi của khu vườn là sự thay đổi xúc cảm của con người.
Chị hãy nghe lời em bé đâyHết buồn hết khóc tự hôm nayVui lên chị ạ ! rồi đan áoEm thấy cây vườn sắc là thay(Nguyễn Bính)
2.3.3. Vị thế của con người là vườnTiểu trường tên gọi của vườn đã cho thấy sự phong phú của những loại cây trồng. Giá trị của mỗi khu vườn với những loại cây trồng phản ánh đặc điểm, vị thế của chủ thế khu vườn đó. Chẳng hạn vườn của những người nghèo thường trồng rau, hoặc một vài cây ăn quả. Vườn cảnh được chăm sóc cẩn thận thường thuộc những gia đình giàu có.... Từ sự tri nhận này, xuất hiện ẩn dụ: VỊ THẾ CỦA CON NGƯỜI LÀ VƯỜN.
Trong đời sống thường ngày, khi nói về một người tham ô tham nhũng nên bị cắt chức, người ta có dùng từ
về vườn, hay sự thay đổi thân phận, địa vị của con người cũng được tri nhận là sự thay đổi bộ phận của vườn như
Giậu đổ bìm leo.
Kế sống vụng về đành bổng nhỏ
Nghề thơ mòn mỏi chẳng ngâm dài
Hướng niềm ngưỡng vọng về vườn Thố
Đóa cúc chiều thu ảm đạm trời.
(Cao Bá Quát)
Cơ sở của sự tri nhận này chính là sự dịch chuyển không gian từ không gian xã hội mang tính chất mở, rộng lớn sang không gian vườn, mang tính chất hẹp, khép kín.
3. KẾT LUẬN Khi tìm hiểu đề tài chúng tôi nhận thấy, những từ ngữ thuộc trường nghĩa
vườn xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Việt Nam. Khảo sát các ngữ liệu tiếng Việt ở phạm trù
vườn, ta thấy cả thế giới tâm hồn, tình cảm, cách thức tư duy của người Việt. Một mạch ngầm dòng chảy văn hóa đậm nét trong các biểu thức Việt ngữ. Với người Việt
vườn không chỉ là mảnh đất để trồng cây mà chất chứa ở trong nó là đời sống tư tưởng, nhận thức, là trầm tích văn hóa kết đọng theo lịch sử dân tộc. Chính vì vậy, ta càng thấy tiếng Việt ta đẹp. Và ta càng thấy yêu thứ tiếng nói mang hồn xứ sở của ta hơn.