TS Lê Thị Thu Hiền
Chuyển biến tư tưởng của L.N.Tolstoy vào cuối những năm 1870 - đầu những năm 1880, như chúng ta biết, vốn được các nhà “Tolstoy học” định danh là “cuộc khủng hoảng vĩ đại” đã chia sự nghiệp sáng tác của nhà văn thành hai giai đoạn khác nhau đến mức có ý kiến khẳng định: “Giữa những gì Tolstoy viết trước năm 1880 và những gì ông viết sau đó là cả một vực thẳm khác biệt”(2) Rời bỏ tiểu thuyết, thể loại văn học đã đưa tên tuổi Tolstoy lên đỉnh cao ở giai đoạn trước, ba mươi năm cuối đời nhà văn tập trung vào những thể loại nhỏ (truyện vừa, truyện ngắn), hướng tới đối tượng độc giả là đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Trong sáng tác nghệ thuật của Tolstoy ở giai đoạn sau này, bên cạnh những truyện vừa, truyện ngắn theo khuynh hướng khám phá sự thật, người đọc thấy xuất hiện những truyện ngắn bình dân khá độc đáo. Trở về với văn học dân gian, kiểu mẫu của “nghệ thuật đích thực”, Tolstoy đã vận dụng hệ thống chủ đề và phương thức tự sự của truyện kể dân gian để tạo ra trong các truyện ngắn bình dân của mình một thế giới nghệ thuật với hệ thống nhân vật, sự kiện, phương thức tự sự gần gũi với nhân dân, qua đó đặt ra những vấn đề nóng bỏng của xã hội Nga ở giai đoạn giao thời. Mảng sáng tác này mở đầu một giai đoạn mới trên hành trình đi tìm “sự thật”, “cái đẹp” của Tolstoy, chuyên chở những vấn đề được nhà văn tâm huyết trong suốt cuộc đời cầm bút, nghiên cứu chúng, vì thế có một ý nghĩa quan trọng.
Thuật ngữ “truyện kể” trong bài viết này có nội hàm hoàn toàn khác biệt với “truyện” hay “câu chuyện được kể”. Thuật ngữ “truyện kể” được chúng tôi sử dụng tương đương với thuật ngữ “сюжет” (sujet), còn thuật ngữ “câu chuyện” tương đương với “фабула” (fabula) trong nghiên cứu văn học Nga (V.B.Shklovsky, B.V.Tomashevsky). Theo các nhà nghiên cứu này, fabula chỉ là “chất liệu”, hay “ước lệ trừu tượng” có thể được trừu xuất ra từ sujet, còn sujet là cái fabula “đã được “gia công” một cách nghệ thuật, tức là sự sắp xếp các sự kiện, sự việc và các tình tiết của chúng trong văn bản của tác phẩm”(3). Thuật ngữ “truyện kể”, như vậy, được chúng tôi dùng thay thế cho thuật ngữ quen thuộc thường được dùng một cách chưa thật chính xác là “cốt truyện” (như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử xác định là “dịch sai”) [4]. Còn chính thuật ngữ “cốt truyện” được trả về với nghĩa rất hẹp của nó - chỉ “cái lõi”, “bộ xương”, “cái sườn”, “cơ sở”, “sơ đồ” của truyện kể với những đặc tính có thể tóm tắt. Hạt nhân quan trọng nhất đối với cả fabula và sujet là sự kiện (biến cố). Sự kiện (biến cố) chính là hạt nhân của “câu chuyện” (cái được kể), còn diễn trình hành động sự kiện là cách thức trình bày cái được kể.
1. Như đã đề cập ở trên, cơ sở cốt truyện của các truyện ngắn bình dân của Tolstoy phần lớn được khơi nguồn từ những truyền thuyết, truyện cổ tích “thời xa xưa” trong kho tàng văn học dân gian Nga. Song đó không phải là những truyện cổ tích viết lại. Chúng ta biết rằng, thời gian trong truyện cổ tích là của quá khứ “ngày xửa ngày xưa” xa lắc xa lơ, xảy ra “đã lâu lắm rồi” trong “một vương quốc nọ”. Không khí này chỉ còn được Tolstoy lưu giữ lại trong một số truyện như: Con người sống bằng gì, Hai anh em và vàng, Truyện cổ tích về chàng ngốc Ivan và hai người anh trai của anh ta, Điều hiềm thù mong manh, còn điều chúa ban bền vững,… Thế giới truyện kể của Tolstoy là những câu chuyện đương thời – những truyện “cổ tích ngày nay”, ở đó “tính ước lệ truyền thống hầu như bị lấn át bởi những lo lắng đời thường trong cuộc sống khốn khó thực tế của những người lao động”(5). Nhân vật chính trong truyện là người nông dân, nhân dân lao động - những con người vừa có tính khái quát, vừa có tính cá thể. Câu chuyện kể về họ xảy ra cách đây không lâu, vào “những ngày đầu của tuần lễ Thánh”(6) (Những cô bé thông minh hơn người già), dưới “thời các ông chủ”(7) (Cây nến nhỏ)…
Dựa vào kinh nghiệm xác định mô hình truyện kể của N.Tamarchenco, chúng tôi cho rằng tổ chức truyện kể trong những truyện ngắn bình dân của L.N. Tolstoy được xây dựng theo mô hình truyện kể chu kỳ (циклинический сюжет), trên nguyên tắc sự kiện mở đầu được lặp lại trong phần kết thúc, theo quy luật “đầu cuối tương ứng”. Nguyên tắc sắp xếp thời gian sự kiện theo trình tự nhân quả vốn là đặc trưng của truyện dân gian được Tolstoy vận dụng tối đa trong các truyện ngắn của mình. Thời gian truyện được sắp xếp theo chiều quay kim đồng hồ, từ mở đầu cho đến kết thúc, không có sự đảo lộn từ hiện tại quay ngược về quá khứ. Mở đầu truyện bao giờ cũng là lời giới thiệu sự xuất hiện, hoàn cảnh xuất thân và không gian sống của nhân vật, ví dụ như: “Ngày xưa có một ông thợ giầy sống với vợ và các con trong ngôi nhà của một người nông dân”(8) (Con người sống bằng gì), “Iliaxơ là người Baskirơ sống ở tỉnh Upha”(9) (Iliaxơ), “Ngày xưa có hai anh em ruột sống cách Ieruxalem không xa”(10) (Hai anh em và vàng), “Người thợ giày Mactưn Apđêich sống trong thành phố. Ông ở dưới tầng hầm, trong căn buồng có một ô cửa sổ”(11) (Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa),… Giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật không có khoảng cách, điểm mở đầu – kết thúc của thời gian sự kiện trùng với điểm mở đầu – kết thúc của thời gian trần thuật. Các sự kiện (biến cố) không làm đổi thay số phận nhân vật mà đóng vai trò là những thử thách giúp nó trải nghiệm và từ đó rút ra bài học cuộc sống. Kết thúc tác phẩm nhân vật trở lại cuộc sống ban đầu với ý nghĩa mới. Cách thức tổ chức truyện kể như vậy cho phép chúng tôi diễn đạt khái quát bằng mô hình sau:
Đây là mô hình mang tín hiệu nghệ thuật. Chiều hướng mũi tên biểu thị đặc điểm thời gian sự kiện được tổ chức vòng tròn, theo chiều quay của kim đồng hồ diễn ra như một quy luật có tính chu kỳ. Nhân vật không thể tách ra hoặc đi chệch khỏi quỹ đạo của vòng tròn quy luật đó. Trình tự trước sau của mỗi tình huống, sự kiện xảy ra với nhân vật là bất biến, không thể thay đổi, theo đó có thể quy ước: A: Nhân vật xuất hiện àB: gặp phải những tình huống, biến cố bất ngờ à C: trải nghiệm cuộc sống à D: gặp gỡ nhà truyền giáo, rút ra bài học cuộc sống à A’: trở về cuộc sống ban đầu với ý nghĩa mới.
Trong số hơn hai mươi truyện ngắn Tolstoy viết cho dân chúng, dễ dàng nhận thấy một số tác phẩm có sự gần gũi với truyện cổ tích thần kỳ ở phương diện tổ chức truyện kể. Người làm công Êmelian và cái trống rỗng, Truyện cổ tích về chàng ngốc Ivan và hai người anh của anh ta: anh lính Xêmiôn và Taraxơ bụng phệ, về người em gái câm Malanha, về con quỷ già và ba con quỷ con,… là những ví dụ tiêu biểu. Theo Tamarchenco, truyện cổ tích thần kỳ có một môtip quen thuộc đó là nhân vật rời khỏi nhà bước vào thế giới khác (cõi âm) tìm thấy thứ cần thiết rồi quay trở về nhà (dương thế). Môtip này phản ánh ý nghĩa chung quy luật vận động của thực tại. Trong quan niệm của người xưa mọi thứ cần thiết nhất cho cuộc sống thực tại chỉ có thể tìm được ở thế giới khác (cõi âm, dưới nước, lòng đất,…). Nhân vật sau quá trình phiêu lưu mang về thế giới của mình những thứ kỳ diệu, cần thiết cho cuộc sống con người như kiếm, ngựa,… thậm chí cả vị hôn thê. Môtip nhân vật mang về vị hôn thê thể hiện ý thức về sự tiếp nối dòng tộc, tiếp nối cuộc sống. Trong ý thức người xưa luôn có sự liên kết với thế giới khác để tiếp diễn cuộc sống như một quy luật, một chân lý chung của sự vận động cuộc sống. Môtip này cũng bắt gặp trong Người làm công Êmelian và cái trống rỗng của Tolstoy. Vị hôn thê trong truyện là một con ếch. Sự gặp gỡ vị hôn thê đã đem lại cho Êmelian một cuộc sống đầy thử thách vượt quá khả năng của một người xuất thân từ thân phận lao động làm thuê như anh. Ở đây người vợ “đến từ thế giới khác” đóng vai trò như một “nhân vật phù trợ” giúp Êmelian vượt qua mọi thử thách. Có thể thấy các sự kiện trong Người làm công Êmelian và cái trống rỗng được sắp xếp theo trình tự giống với một cuộc phiêu lưu của nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ, đó là:
- Mở đầu: Nhân vật chính xuất hiện
* Môtip a: sự xuất thân nghèo hèn (lao động làm thuê).
* Môtip b: Gặp vị hôn phu (cô gái xuất thân từ con ếch) –nhân vật thần kỳ
- Nội dung: Cuộc phiêu lưu của nhân vật chính
+ Ra đi:
* Môtip a: Rời nhà đi xa (đến cung điện nhà vua)
* Môtip b: Gặp lực lượng thù địch (nhà vua và đám quần thần xu nịnh) và nhiều thử thách (quét sân cung điện -> làm mộc -> làm đá -> lợp nhà -> xây nhà thờ trong thời gian một đêm -> đào con sông chạy quanh cung điện để tàu bè có thể qua lại -> mang về đồ vật chưa biết)
+ Chiến thắng lực lượng thù địch, chiến thắng thử thách
* Môtip a: nhờ trợ thủ thần kỳ (người vợ đến từ thế giới khác)
* Môtip b: lòng tốt, hướng thiện
- Phần kết: Nhân vật quay trở về cuộc sống trước đây, hướng thiện.
* Môtip: Mang về vật kỳ diệu
Nhìn vào kết cấu tổ chức truyện kể trên ta thấy Người làm công Êmelian và cái trống rỗng và truyện cổ tích thần kỳ chỉ khác nhau ở phần kết thúc còn phần mở đầu và nội dung giống nhau. Nếu như trong truyện cổ tích thần kỳ cuộc phiêu lưu của nhân vật được diễn ra một cách trọn vẹn, kết thúc truyện là sự thay đổi, sự đổi đời của nhân vật trong “thế giới cổ tích” theo chiều hướng có hậu thì tác phẩm của Tolstoy lại được tổ chức theo kết cấu vòng tròn, chu kỳ, nhân vật quay trở lại cuộc sống lao động trước đây, làm điều thiện và tiêu diệt điều ác. Môtip nhân vật mang về từ thế giới khác vật quý giá cũng được thay đổi, trong truyện của Tolstoy, chiếc trống mà nhân vật mang về được lấy từ chính thực tế cuộc sống của những người lao động. Thứ đồ vật mà ngay bản thân Êmelian và cả nhà vua đều không biết đó là cái gì hoá ra lại chính là biểu tượng của sức mạnh, sự thu phục lòng người.
Theo Iu.M.Lotman, đặc trưng cấu trúc truyện cổ tích thần kỳ giản đơn và ổn định. Cấu trúc cốt truyện cổ tích thần kỳ mang tính chất “khép kín”. W.J.Propp cũng đã đưa ra cấu trúc phổ quát chung cho tất cả các biến thể đúng với tất cả các truyện cổ tích thần kỳ. Chức năng “chiến thắng” trong cấu trúc cốt truyện cổ tích thần kỳ có thể được thực hiện bởi những phương án tình huống có thể thay thế cho nhau hoặc phương án tạo biến thể cốt truyện nhưng “nhìn từ góc độ sơ đồ cấu trúc bất biến của cốt truyện thì đều không khác biệt về bản chất: đối thủ “bị đánh bại trong trận chiến công khai”, “thất bại trong cuộc đua tài”, “thua bài bạc”, “thua lúc cân nhắc thiệt hơn”, “bị giết bất ngờ, mờ ám”, “bị đuổi đánh”... cũng đều như nhau cả. Từ góc độ của truyện cổ tích, đó là những biến thể của cùng một cốt truyện”(12). Truyện cổ tích về chàng ngốc Ivan và hai người anh của anh ta… cho ta thấy rõ điều này. Môtip nhân vật xuất hiện có xuất thân nghèo hèn mà ta vẫn thường gặp trong truyện cổ tích thần kỳ không xuất hiện ở tác phẩm này. Chàng ngốc Ivan xuất thân trong một gia đình nông dân giàu có. Tuy nhiên biến thể này không làm thay đổi cấu trúc truyện kể, bởi mặc dù xuất thân trong hoàn cảnh như vậy xong Ivan không giống với hai người anh trai của chàng - Xêmion là anh lính phục vụ trong quân đội và Tarax bụng phệ vốn là một thương gia. Ivan cùng với cô em gái Malanha quá lứa, bị câm ở nhà lao động “tự nuôi mình và nuôi những con người tốt bụng”(13) sau khi hai người anh đòi chia gia tài mang đi. Môtip ra đi, gặp thử thách trong truyện cổ tích thần kỳ được thể hiện rõ ở sự kiện Ivan lên đường vào cung vua chữa bệnh cho công chúa. Tuy nhiên, các thử thách mà Ivan gặp phải không nhiều, và chàng cũng không cần nhờ đến “nhân vật trợ thủ” thì mới có thể chiến thắng thử thách. Ivan chữa được bệnh cho công chúa, trở thành chồng nàng, kế vị ngôi báu nhờ lòng tốt, sự nhân hậu vốn là bản tính sẵn có trong con người chàng. Với Ivan, vật kỳ diệu là chiếc rễ cây màu nhiệm mà chàng có được từ một thế giới khác lại không có ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời chàng, mà chỉ có lao động chai tay và tình yêu lao động mới mang lại cho chàng sự thảnh thơi, những điều may mắn và một cuộc sống tốt đẹp. Vì thế sau khi lên ngôi Ivan đã “cởi bỏ trang phục của nhà vua đưa cho vợ cất vào hòm dương rồi lại mặc chiếc áo đi ngựa, quần thụng, xỏ đôi thảo hài và lại bắt đầu đi làm”(14). Chính lao động đã giúp Ivan chiến thắng được mọi cám dỗ của quỷ, giúp chàng tránh xa tội ác. Trong vương quốc của Ivan từ nhà vua đến thần dân ai ai cũng làm việc, không phải bằng trí óc mà bằng hai bàn tay với một quy ước: “ai có vết chai trên đôi tay - thì hãy ngồi vào bàn ăn, còn ai không có - chỉ được sơi thức ăn thừa”(15). Ở đây, lao động chai tay được hiểu là lao động làm ra lúa gạo, với Tônxtôi đó là cơ sở của cuộc sống.
2. Việc Tolstoy phục sinh mô hình tổ chức truyện kể “mẫu gốc” ở những truyện ngắn viết cho dân chúng của ông không phải ngẫu nhiên. Đặc điểm chung là hầu hết những tác phẩm này được xây dựng trên nguyên tắc dụ ngôn. Mỗi truyện kể mang tính giáo huấn rất rõ. Những tiêu chí đạo đức như: thiện – ác, tốt – xấu,… cùng với đó là chính kiến đạo đức của người kể chuyện – tác giả luôn được thể hiện trong mỗi truyện kể. Nhiều người không đồng tình với cách thể hiện này của Tolstoy, cho rằng nhà văn đã trượt dốc, không còn giữ được phong độ đỉnh cao như khi viết Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina mà rơi vào thuyết giáo, giảng đạo một cách khiên cưỡng. Có thể dẫn ra ở đây ý kiến của V.Shklovsky. Theo nhà nghiên cứu này, quan niệm về thế giới mà Tolstoy biểu hiện trong những truyện ngắn bình dân của nhà văn “không phải là tình cờ, nhưng không đúng. Kết quả là thiên tài và sự chân thực cũng không cứu được Tolstoy thoát khỏi những thoả hiệp và những mâu thuẫn”(16). Theo chúng tôi, nhận xét này có phần chưa thoả đáng, bởi có thể thấy một sự thật không thể phủ nhận đó là tính nhân văn sâu sắc, sự ngợi ca tình yêu lao động của con người, tình yêu thương đồng loại, lòng hướng thiện và sự ghét bỏ những thói xấu xa, tầm thường, ác độc là những đặc điểm chủ đạo toát lên từ những truyện ngắn bình dân của Tolstoy. Xét từ góc độ “chiến lược tự sự” [нарративная стратегия - thuật ngữ của Tyupa, xem: 17], Tolstoy đã dùng chiến lược mệnh lệnh, giáo huấn (императивная стратегия), theo đó, bài học đạo đức trở thành điểm tựa cho mỗi truyện ngắn bình dân của nhà văn. Không phải ngẫu nhiên Tolstoy chọn chiến lược tự sự giáo huấn để kể Con người sống bằng gì, Ở đâu có tình yêu ở đó có chúa, Hai ông già, Cây nến nhỏ, Những cô bé thông minh hơn người già,… Tính giáo huấn không chỉ được bộc lộ ở lời đề từ mà còn thể hiện trong cách tổ chức truyện kể. Kết cấu chu kỳ của những truyện ngắn này thể hiện sâu sắc ý nghĩa quy luật vận động của thực tại, quy luật trật tự chung, không thể đảo lộn của cuộc sống. Nó đem lại cho truyện Tolstoy sự hình dung trật tự thế giới như một chỉnh thể, có quy luật.
Trong nhiều truyện ngắn bình dân được tổ chức theo mô hình chu kỳ, ta thấy xuất hiện cặp nhân vật gắn bó mật thiết với nhau đó là nhân vật trải nghiệm và nhà truyền giáo. Ở đây, nhân vật trải nghiệm là nhân vật chính của tác phẩm còn nhà truyền giáo đóng vai trò là người phát biểu chân lý, thường xuất hiện ở cuối tác phẩm. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức truyện kể. Cấu trúc chiều sâu của truyện kể có định hướng bắt nguồn từ huyền thoại hàm chứa trong đó những chi tiết hoang đường, có sự gần gũi với truyền thuyết, ngụ ngôn, vì thế, huyễn ảo trở thành một trong những yếu tố đặc trưng tạo nên truyện kể, chẳng hạn như: nhân vật thiên sứ xuất hiện, con quỷ, ngôi nhà hiện tại biến mất – ngôi nhà trước đó hiện ra,… Mạch triển khai truyện kể thường là: nhân vật chính ra đi hoặc trải nghiệm cuộc sống với nhiều biến cố, sự kiện và sau đó nhân vật nhà truyền giáo xuất hiện khẳng định những trải nghiệm của nhân vật chính rồi rút ra bài học. Hướng phát triển của mạch truyện là sự dịch chuyển của nhân vật chính từ trường “trải nghiệm” thực tế cuộc sống sang trường “khẳng định chân lý cuộc sống” để rồi quay trở về cuộc sống ban đầu với một ý nghĩa mới. Nhân vật nhà truyền giáo trong truyện có thể là một vị thiên sứ (Con người sống bằng gì, Kẻ phạm tội sám hối, Hai anh em và vàng,...), hoặc là một cụ già có kinh nghiệm sống, đã từng trải nghiệm (Để ngọn lửa bùng lên - không thể dập tắt, Những cô bé thông minh hơn người già,…). Bài học mà người cha già trong truyện ngắn Để ngọn lửa bùng lên- không thể dập tắt nói với con cháu trước khi nhắm mắt: “Hãy dập lửa ngay từ đầu, nó mà đã cháy bùng lên - thì khó dập tắt”(18) được lấy làm nhan đề tác phẩm. Bài học ấy phù hợp với tinh thần giáo huấn của lời đề từ: “…Cũng như vậy, Đức cha thiên đường của ta sẽ xử sự với các ngươi, nếu mỗi người trong số các ngươi từ đáy lòng mình không tha thứ tội lỗi cho người anh em của mình”(19), đã khiến người con - nhân vật chính của truyện, Ivan Secbacôp sửa chữa lỗi lầm để sống tốt hơn trước. Có thể nói, lời giáo huấn của nhân vật nhà truyền giáo có tác động rất lớn đến các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính- nhân vật trải nghiệm. Lời khuyên của bà cụ trong truyện Những cô bé thông minh hơn người già: “Anh em hãy biết sợ chúa. Các anh là đàn ông đàn ang, chỉ vì những đứa bé này mà đã gây sự, ẩu đả nhau, còn chúng nó thì đã quên mọi chuyện từ lâu rồi - chúng lại cùng nhau chơi đùa thân thiết đấy, các con thân mến của ta ạ. Chúng thông minh hơn các anh đấy”(20) khiến đám đàn ông hổ thẹn, từ chỗ đang ẩu đả, đánh lộn lẫn nhau, họ phá lên cười chính bản thân mình rồi giải tán ai về nhà nấy. Câu nói có ý răn đe của bà cụ ở cuối tác phẩm: “Nếu các người chẳng được như đám con trẻ, thì đừng mong sẽ được lên thiên đàng”(21) toát lên một triết lý sống: tình yêu thương, cái thiện là vô cùng cần thiết mà mỗi chúng ta cần phải hướng tới để sống tốt hơn, đẹp hơn. Việc để các nhân vật nhà truyền giáo đưa ra bài học đạo đức, coi đó như chân lý chung, quy luật của cuộc sống cho thấy quan niệm sống, triết lý sống theo tinh thần “phi bạo lực”, “không chống lại cái ác bằng vũ lực” của nhà tư tưởng Tônxtôi được ông nâng lên thành một học thuyết, một phương châm sống cho con người trong xã hội mà mọi giá trị đã bị đảo lộn ở nước Nga cuối thế kỷ XIX. Tônxtôi quan niệm sự tự hoàn thiện ở mỗi cá nhân, tình yêu thương tha thứ tất cả không kể đẳng cấp có thể trở thành sức mạnh cải biến thế giới. Nhà văn cho rằng “để chắc chắn được hạnh phúc, chỉ cần một điều: hãy yêu thương tất cả - cả những người thiện lẫn những kẻ ác. Hãy yêu thương không ngừng, và các bạn sẽ không ngừng được hạnh phúc”(22). Tổ chức truyện kể trong những truyện ngắn bình dân thể hiện rất rõ chủ trương “yêu thương tất cả”, “bất bạo động” đó của Tônxtôi.
Chiến lược tự sự giáo huấn của người kể chuyện Tolstoy ở những truyện ngắn bình dân không phải là cách viết mới chưa từng có trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, nó đã từng xuất hiện trong sáng tác ở giai đoạn trước đó. Mô hình truyện kể chu kỳ đã được triển khai từ Chiến tranh và hòa bình (mở đầu là cuộc sống hoà bình của nhân dân – tiếp sau đó là cuộc chiến tranh 1805, 1812 – kết thúc tác phẩm là cuộc sống hoà bình của nhân dân). Câu chuyện của Tolstoy về Chiến tranh và hoà bình có mục đích giáo huấn. Tính giáo huấn được thể hiện dưới nhiều dạng thức, trong đó đặc biệt quan trọng là lời trực tiếp của tác giả bình luận về chính trị, xã hội, lịch sử, qua đó Tolstoy muốn khẳng định chân lý chung, chân lý tuyệt đối. Song những lời bình luận đó được kết hợp một cách tương đối cân bằng với những tình huống truyện, mạch triển khai truyện kể tự nhiên, logich, với tổ chức hệ thống nhân vật với những tính cách sống động.
Nhà phê bình đương thời Xtrakhôp cho rằng tính giáo huấn ở giai đoạn sáng tác ba mươi năm cuối đời của Tolstoy có sự khác biệt với giai đoạn trước: nếu như trong Chiến tranh và hoà bình và một số tác phẩm khác ở giai đoạn trước có “sự thống nhất giữa yếu tố chính luận và nghệ thuật”, thì ở giai đoạn sau “chỉ thấy sự lập luận của tác giả, giọng điệu của tác giả - người tố cáo, người thuyết giáo trở thành điều chủ yếu trong kết cấu các tác phẩm của nhà văn”(23). Theo chúng tôi, nhận xét của nhà phê bình có phần cực đoan, bởi có thể thấy, dụ ngôn ở giai đoạn sáng tác sau của Tolstoy có xu hướng vượt ra khỏi sự ràng buộc của tính thời sự, thế sự, bên cạnh tính giáo huấn là đặc điểm chủ yếu, nó còn có tính khái quát triết lí, tổng hợp kinh nghiệm của một cây bút già dặn, một nhà văn lão thành. Song dù sao vẫn có thể thấy tính giáo huấn trong sáng tác của Tolstoy giai đoạn sau này có phần khẩn thiết, riết róng hơn.
Trong mỗi dụ ngôn của Tolstoy, mối quan hệ giữa thế giới nghệ thuật với thực tại mang đặc thù riêng chịu sự chi phối bởi đặc trưng thể loại. Thế giới nghệ thuật này là sản phẩm của trí tuệ mang phong cách riêng nhà văn, là kết quả của cả quá trình quan sát và chiêm nghiệm về hiện thực cuộc sống, con người. Vì thế mối liên hệ với thực tại trong dụ ngôn là mối liên hệ rất đặc biệt: nó không phải là phản ánh của một hiện tượng cụ thể thực tế nào mà là phản ánh của cái quy luật chung. Chính bởi vậy những bài học đạo đức về tình yêu thương, lòng nhân hậu, sự hướng thiện, loại trừ cái ác, tình yêu lao động được rút ra sau mỗi truyện kể của Tolstoy, như nhà văn mong muốn, sẽ trở thành chân lý mang tính phổ quát chung cho tất cả mọi người, bởi, dù ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời đại nào con người đều rất cần những điều này trong hành trang vươn tới chân, thiện, mĩ. Đây là điểm sáng trong mỗi truyện kể, nó khiến cho truyện ngắn bình dân của Tolstoy vượt ra khỏi những định kiến nhất thời, trở thành "một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nghệ thuật ngôn từ cuối thế kỷ"(24).
(1) Chúng tôi tạm dịch những truyện ngắn mà Tolstoy gọi là “народный рассказ”, được ông viết trong khoảng thời gian từ 1882 – 1886, là “truyện ngắn bình dân” do đối tượng sáng tác của nhà văn dành cho dân chúng, những người bình dân, đặc biệt là trẻ em nông dân – đối tượng của hoạt động giáo dục của nhà văn ở Yasnaya Polyana.
(2)Д.C.Мирский,Толстой после 1880 г.// Д.C.Мирский, История русской литературы с древнейших времен до 1925 года / Пер. с англ. Р. Зерновой. — London: Overseas Publications Interchange Ltd, 1992 — С. 463—490, tr.463.
(3) G.N.Pospelov (chủ biên), Dẫn luận nghiên cứu văn học (tập 1), Nxb Giáo dục, H, 1985, tr.38.
(4) Trần Đình Sử, Cần sửa lại một thuật ngữ dịch sai trong lí luận và nghiên cứu văn học của ta, (nguồn trên Internet: http://tapchisonghuong.com.vn/index).
(5) Đỗ Hải Phong, L.Tônxtôi // Chân dung các nhà văn thế giới (Lưu Đức Trung chủ biên), Nxb Giáo dục 2001 (T.3, tr.34-93), tr.73.
(6),(7),(8),(9),(10),(11) Các trích dẫn tác phẩm trong bài là dịch từ L.N.Tolstoy: Hợp tuyển tác phẩm, gồm 22 tập, tập 10, Nxb Văn học nghệ thuật, M,1982 được chúng tôi in trong cuốn Hai anh em và vàng, Nxb Công an nhân dân 2010.
(12) Ю.М.Лотман, В школе поэтического слова: Пушкин. Лермонтов. Гоголь. М. Просвещение 1988, tr.326.
(13),(14),(15), sđd.
(16) V.Sclôpxki, Lep Tônxtôi (tập 2), Nxb Văn hoá, H, 1978, tr.92.
(17) В.И.Тюпа, Нарратология как аналитика повествовательного дискурса, Тверь 2001.
(18), (19), (20), (21), sđd.
(22) L.N.Tônxtôi, Đường sống, (Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Thị Kim Hiền, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan, Lã Nguyên dịch và giới thiệu), Nxb Tri thức, Hà Nội 2010, tr.918.
(23) Л.Д.Опульская, Лев Николаевич Толстой: Материалы к биографии с 1886 по 1892 год / АН СССР. Ин-т мировой лит. им. А. М. Горького; Отв.ред. К. Н. Ломунов. — М.: Наука, 1979, dẫn theo tr.177.
(24) Đỗ Hải Phong, L.Tônxtôi // Chân dung các nhà văn thế giới (Lưu Đức Trung chủ biên), Nxb Giáo dục 2001 (T.3, tr.34-93), dẫn theo tr.75.
Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12/2012