1. Mở đầuNhật ký là thể loại ghi chép lại những câu chuyện thầm kín, của mình và cho mình. Đây là đặc trưng quan trọng hàng đầu, là hạt nhân chi phối các đặc trưng khác của nhật ký với tư cách là một thể loại văn học. William Matthews đã khẳng định: “Không giống với các ghi chép thường nhật, nhật ký có xu hướng phản ứng một cách cá nhân trước những trải nghiệm, những quan sát và những phản ánh khiến người viết cảm thấy bị lôi cuốn ngay từ khi chúng vừa diễn ra. Dù cho giờ đây việc một người tìm cách xuất bản để đưa nhật ký của mình đến với công chúng không còn là một việc hiếm hoi hay lạ lẫm nữa, và dù cho đã có hàng ngàn cuốn nhật ký đã được các học giả nghiên cứu xuất bản nhằm hướng đến một giá trị lịch sử hay văn học nhất định; những người viết nhật ký thực thụ bao giờ cũng chỉ viết cho chính mình, chứ không vì bất kì một ai đó khác. Hình thức của nhật ký khá độc đáo so với các thể loại văn chương khác, nguyên nhân nằm ở chỗ nó không phải đối mặt với bất cứ một khán giả bên ngoài nào, và nét khác biệt này ảnh hưởng lên cả nội dung cũng như phong cách của người viết”
[1]. Nhật ký không quan tâm đến công chúng ở cả bình diện sự lựa chọn vị thế của sự kiện đến hình thức ghi. Đó có thể là những câu chuyện, những chi tiết hết sức bình thường, thậm chí tầm thường, bởi người viết không hề có mối bận tâm về việc người khác sẽ đọc và tiếp nhận những gì mình viết.
2. Tính riêng tư trong nội dung của nhật ký và mục đích của tác giả khi viết nhật ký văn họcNếu như nhật ký thông thường có thể ghi chép bất kì vấn đề gì của cuộc sống và có thể ghi chép bởi bất cứ ai thì nhật ký văn học lại khác, chủ thể của nó chỉ ghi cho mình, vì mình. Có thể thấy, nhật ký thông thường xuất hiện khắp nơi như nhật ký chữa bệnh ở bệnh viện, nhật ký hoạt động ở trường mầm non, nhật ký công việc ở công trường xây dựng, nhật ký xuất nhập hàng ở hiệu buôn… Loại nhật ký này thông dụng trong đời sống và được sử dụng để kiểm soát công việc hoặc phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trong công việc chung. Bởi vậy, nó thường công khai và mang tính công vụ. Nhật ký văn học thì khác. Yếu tố cá nhân riêng tư là hạt nhân cốt lõi. Bởi thế, nó luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Nó được viết bởi một cá nhân. Cá nhân đó viết cho mình, vì mình.
Nếu như các tác phẩm văn học hư cấu là thế giới được sáng tạo trên cơ sở một sự cam kết ngầm nhất định với độc giả thì nhật ký là cuộc đối thoại của người viết với chính mình. Có thể nói, nhật ký viết cho riêng mình và chỉ riêng mình, và đó chính là “sự cam kết” của người viết nhật ký. Trong
Mãi mãi tuổi hai mươi, khi đối thoại với Y, Nguyễn Văn Thạc đã bộc lộ suy nghĩ của mình về việc viết nhật ký: “Mình đã đọc Nhật ký của nhiều người. Mình cảm thấy rằng: Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có. Nhưng nếu Nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác rất nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kỵ khi viết Nhật ký – Nó sẽ dạy cho người viết sự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình”
[2]. Đây chính là lý do, sau khi những cuốn nhật ký được xuất bản, trở thành tác phẩm thì nhu cầu tiếp cận bản thảo vẫn đặc biệt được đề cao, trong đó chứa đựng những vấn đề không thể có trong những tác phẩm hoàn chỉnh đến tay bạn đọc. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm như một dẫn liệu tiêu biểu. Đây là cuốn nhật ký có một số phận đặc biệt. Sau một trận càn của quân đội Mỹ vào một bệnh viện nhỏ ở vùng quê Đức Phổ năm 1970, cuốn nhật ký đã rơi vào tay Frederic Whitehurst (Fred), một sĩ quan quân báo Mỹ. Tình cờ qua thông dịch viên, cuốn nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được Fred giữ lại và mang về Mỹ vào năm 1972. Từ đây, trải qua những nỗ lực không biết mệt mỏi của người cựu binh Mỹ, tròn 35 năm, bản sao cuốn nhật ký đã trở về Việt Nam và được xuất bản, tạo ra một sự kiện văn hóa đột khởi vào năm 2005. Tuy nhiên, bản in cuốn nhật ký đến tay người đọc không chuyển tải thực sự đầy đủ, trọn vẹn giá trị của tác phẩm này. Chúng tôi chưa đề cập đến những phần trích lược của gia đình và đội ngũ biên tập mà chỉ nói đến những giá trị bị hao hụt bởi bản gốc và bản in. Bản chụp di cảo cho thấy một ý thức nâng niu, làm đẹp của tác giả. Trang đầu của cuốn nhật kí năm 1970 được trình bày nắn nót, hai chữ “nhật ký” được viết to, theo lối chữ in, sau đó là ba chữ “Xuân Canh Tuất” khá bay bướm. Tiếp đó là hai dòng: “
Những ngày rực lửa /
Vui, buồn đọng giữa tim ta” và cuối cùng là chữ ký. Nét chữ của Đặng Thuỳ Trâm đều tăm tắp, ngày tháng ghi rõ ràng, các trang được đánh số cẩn thận… Tất cả toát lên sự nâng niu, trân trọng cuốn nhật ký như một cõi tâm tình riêng tư, thầm kín, một người bạn, nơi lưu giữ tâm hồn của Đặng Thùy Trâm trong suốt những năm tháng sống và chiến đấu nơi chiến trường ác liệt, đồng thời cho thấy đặc trưng quan trọng của thể loại.
Với tính riêng tư cốt lõi như thế, nhật ký là sản phẩm của sự hứng thú riêng của cá nhân người viết. Những trang nhật ký chỉ được duy trì khi người viết nhận thấy, việc viết còn ý nghĩa với mình. Thực tế, có những cuốn nhật ký được duy trì thường xuyên trong hàng chục năm, trong suốt cuộc đời, nhưng cũng có những cuốn nhật ký được ghi trong thời gian ngắn, thậm chí cá biệt có cuốn chỉ được ghi đúng một lần. Nữ hoàng Victoria không ngừng viết nhật ký trong suốt 60 năm cuộc đời, họa sĩ Benjamin Haydon viết nhật ký trong 60 năm, nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng được ghi trong suốt 30 năm, từ ngày 02/01/1930 đến ngày 21/6/1960, hơn một tháng trước khi ông qua đời ở tuổi 49 với hơn 1700 trang in…; trong khi đó Pepys bắt đầu viết nhật ký vào ngày 01/01/1960 và kết thúc cuốn nhật ký của mình vào ngày 31/5/1969 với chỉ một dòng duy nhất: “Tôi dấn thân vào quãng đời vừa qua cứ như thể liều lĩnh bước vào huyệt mộ”
[3]. Chính vì phụ thuộc hoàn toàn vào hứng thú và mối quan tâm của riêng cá nhân người viết, nhật ký luôn luôn có xu hướng ngắt quãng không đồng đều về thời gian, tính phi đồng nhất của sự kiện. Nếu như những ghi chép thường nhật (ghi kế hoạch, nhật trình,…) luôn được viết theo một kế hoạch đã được lập trình trước, bao gồm đối tượng, cấp độ sự kiện được quan tâm, văn phong phi cá tính,… thì nhật ký, ngược lại mang đậm chất riêng tư, ít tính hệ thống, được viết theo ý chí tự do của riêng cá nhân người viết, hoàn toàn xuất phát từ sự thích thú hay mối quan tâm của riêng người viết. Trong
Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ngày 20/10/1969, sau gần một tháng mới tiếp tục trở lại viết, tác giả ghi: “Rất lâu rồi không ghi nhật ký. Cuộc sống lẽ nào lại để mất dần những suy tư của một con người biết suy nghĩ hay sao? Không, mình không muốn như vậy nhưng công việc đè nặng lên mình. Và hàng ngày từng cái chết đau xót của anh em đồng chí làm mình quên đi những cái thuộc về bản thân mình nhưng quyển nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này” (
Nhật ký Đặng Thùy Trâm).
Từ bình diện mục đích của sự viết, có thể nhận thấy, đối với những tác phẩm viết ra dành cho riêng mình, tính can dự nhân tạo một cách ý thức đối với cấu hình tác phẩm không được coi trọng. Đối với những tác phẩm viết ra dành cho việc công bố, người viết phải chú trọng gia công những khoảng trống thẩm mĩ nhân tạo. Vì vậy, những bình diện kết cấu, chủ đề, mối quan tâm,… đều được tính toán có chủ đích. So với những tác phẩm viết không nhằm công bố, tính chất tư liệu và giá trị của sự thật ít nhiều giảm sút. Có thể nói, có nhiều mục đích khác nhau của việc viết nhật ký, nhưng có điểm chung cốt lõi chính là người viết viết cho chính mình. Elizabeth Drinker khi viết nhật ký đã chia sẻ: “Với lòng trân trọng giữ gìn một cuốn nhật ký; khi tôi bắt đầu viết vào năm này, tôi có ý sẽ viết một cuốn sách để phục vụ cho việc ghi nhớ, chứ không phải vì bất kì lý do nào khác, thói quen viết lại một vài điều vào mỗi tối dẫn dắt tôi, bởi những gì tôi viết chẳng vì một mục đích nào khác ngoài việc giúp tôi ghi nhớ, có người viết cho vui, có người viết để dạy dỗ, có người viết để sắp xếp mọi việc vào trật tự, điều mà tôi nghĩ tốt hơn hết là hãy để mọi thứ như nó vốn có, cuốn nhật ký giản đơn của tôi chẳng hợp với một mô tả nào trong đó”. Đúng như Nguyễn Văn Thạc đã ghi khi kết thúc quyển nhật ký đầu tiên của đời lính: “Và bây giờ, tạm biệt cuốn Nhật ký đầu tiên của đời lính. Không kịp xem lại được một lần. Không kịp chữa những âm bằng âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm… Ngày mai, ngày kia… Phải để lại tất cả đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa…” (
Mãi mãi tuổi hai mươi).
Cũng vì tính riêng tư ấy, bất cứ chuyện gì cũng có thể được thu hút vào trường nhìn tác giả và được giãi bày trên trang nhật ký. John Byron đã viết trong cuốn sổ tốc ký của mình: “Tôi nhận thấy rằng những suy nghĩ mà tôi viết trong nhật ký của mình phần lớn thường hơi vô nghĩa, nhưng chính những điều vô nghĩa ấy nhiều khi lại giúp tôi hồi tưởng được về những khoảng thời gian, những con người, và những sự vật mà tôi từng gặp một cách ngẫu nhiên nhưng phần nào cũng vẫn hàm chứa trong việc ghi lại ấy những chủ ý riêng; vì thế tôi cho rằng mình không nên ngừng viết nó, không nên xao lãng mà bỏ qua những điều tưởng chừng như tầm thường, không quan trọng. Kể cả khi tôi cân nhắc về việc chính những điều tầm thường nhỏ bé ấy lại giúp chúng ta khám phá ra nhiều việc lớn lao hơn, tôi vẫn không biết rằng có thể mình đã bỏ qua mất chúng nếu không ghi chép lại. Những điều ấy rồi có thể sẽ hữu ích với riêng tôi mặc dù trong bắt người khác, chúng có vẻ khá nực cười; nhưng chẳng một ai ngoài tôi hiểu được nó. Hãy cứ ghi chép tất cả mọi thứ, tôi ạ, đừng quan tâm đến việc nó có quan trọng hay không, vì những mục đích mà chỉ riêng mình mới hiểu”
[4]. Chỉ cần điểm đến ở đây sự đa dạng các mối quan tâm ở các cấp độ khác nhau của người viết nhật ký cũng cho thấy rõ sự phong phú bất tận của của những điều được quan tâm của nhật ký. Các tác giả Patricia Meyer Spacks và Bruce Redford đã đề cập đến hai cuốn nhật ký của James Woodforde – một người đàn ông Anh và Elizabeth Drinker – một người phụ nữ Mỹ. Ở cả hai cuốn tiểu thuyết thu hút rất nhiều độc giả này, rất hiếm thấy những sự kiện vốn xuất hiện trong các cuốn sách về lịch sử. Đó có thể chỉ là những ghi chép về thời tiết, về những công việc bình thường, thậm chí tẻ nhạt hàng ngày của người phụ nữ hay thực đơn những bữa ăn,… Chúng ta cũng có thể bắt gặp trong
Nhật ký Đặng Thùy Trâm những suy tư, trăn trở, ngẫm ngợi về những người thân yêu xung quanh cô, nhưng cũng có thể là những trang ghi vỏn vẹn nội dung các cuộc họp chuyên môn, những cuộc chỉnh huấn… Sự bất đồng nhất cấp độ sự kiện, suy tư trong nhật ký là một đặc điểm quan trọng của thể loại, là hệ quả của sự ghi chép mang đậm tính chất cá nhân của tác giả.
3. Tính cá nhân riêng tư trong hoạt động tiếp nhận nhật ký văn họcKhoái cảm thẩm mĩ của người đọc khi đến với một tác phẩm nhật ký được tạo ra trước tiên nhờ cơ chế “đọc ké”, “đọc trộm” một câu chuyện riêng tư, thầm kín của người khác. Đọc nhật ký, theo nghĩa này, giống như là cảm giác đọc một bức mật thư: “Một trong những sức hấp dẫn dễ thấy nhất của nhật ký, bên cạnh mối quan tâm về các vấn đề lịch sử, nói một cách ẩn dụ, chính là việc nhìn mọi thứ qua đôi vai của một người khác, để thấy những gì mà chính chúng ta không thể lường trước. Chúng ta giả định rằng các tác giả nhật ký viết những gì mà họ không muốn điều ấy sẽ bị công khai rộng rãi cho mọi người đều biết, có thể nói, đó là những điều mà họ không muốn bất cứ ai biết. Đó là lí do vì sao sẽ thật là một điều khó hiểu khi một ai đó lại đọc một cuốn nhật ký như là một cái gì hướng ngoại và rõ ràng – như thể một cuốn lịch ghi chép tuần trăng hay một thực đơn cho bữa tối”
[5].
Khoái cảm thẩm mĩ tiếp nhận cũng được tạo ra nhờ cơ chế tái cấu trúc, tái diễn giải dựa trên sự linh hoạt và những khoảng trống trong kết cấu nhật ký. Đối diện với một cuốn tiểu thuyết, người đọc không thể đọc nhảy cóc, nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra đối với việc đọc một tác phẩm nhật ký. Nói như Patriccia Meyer Spacks và Bruce Redford thì: “Chúng mang lại niềm thích thú cho những độc giả giàu khả năng tưởng tượng. Những khoảng trống rỗng bên trong chúng đưa lại một khoảng không cho khoái cảm của người đọc”
[6]. Việc đọc, như thế thực chất là sự diễn giải những khoảng trống đầy chủ động của người đọc: “Chúng ta đọc một số cuốn nhật ký vì những câu chuyện được kể trong đó. Tôi đang nghĩ đến những tác phẩm như cuốn nhật ký của Boswell, trong ấy đầy những sự tiết lộ những chuyện bê bối mà mình vướng phải, những việc đang diễn ra có khả năng cuốn hút người nghe; hay ghi chép của Pepys, mà trong đó cũng đầy những sự phơi lộ các chi tiết về đời sống cá nhân riêng tư mà hầu hết mọi người đều chỉ muốn giữ bí mật cho riêng mình. Nhưng cũng có những cuốn nhật ký đã được xuất bản lại chẳng có bất cứ một sự tiết lộ rõ ràng nào, và đôi khi cũng chẳng kể một câu chuyện rành mạch nào. Tôi cũng muốn nói cả về những tác phẩm như thế nữa. Chúng mang lại niềm thích thú cho những độc giả giàu khả năng tưởng tượng. Những khoảng trống rỗng bên trong chúng đưa lại một khoảng không cho khoái cảm của người đọc, tuy không giống với những khoái cảm có được như khi đọc những ghi chép của Boswell, nhưng cũng không kém phần thú vị”
[7].
Việc ghi ngày tháng cụ thể trong nhật ký không chỉ đóng vai trò khẳng định tính chính xác của những sự kiện được ghi mà còn tạo ra cơ chế đặc biệt trong quá trình tiếp nhận. Bản thân những chỉ dẫn về mặt thời gian như thế mặc định độc giả tiếp nhận nhật ký trong trật tự niên biểu. Ở những chỗ có sự ngắt quãng khá lớn giữa các ngày trong một tháng là một đề án mở, gợi cho người đọc những tưởng tượng, suy đoán và chắp nối, truy tìm trật tự tư duy. Về mặt lý thuyết, khả năng này là vô cùng và không bó buộc trong thể loại nhật ký. Mặt khác, việc ghi lại ngày tháng trong mỗi trang nhật ký tồn tại như một dạng “máy đếm nhịp”, để điều chỉnh nhịp độ đọc theo thói quen thông thường. Có những ngày tác giả ghi chi tiết, lớp lang về một hay nhiều vấn đề gì đó, nhưng cũng có những ngày chỉ có một vài câu, biểu hiện một trạng thái cảm xúc, một suy nghĩ đứt đoạn, mơ hồ, khó nắm bắt,… Những thay đổi ấy luôn luôn cảnh báo người đọc thay đổi tâm thế đọc. Đây là một đặc trưng tiếp nhận quan trọng của nhật ký mà các tác giả văn chương hư cấu hiện đại, hậu hiện đại đặc biệt nhạy cảm và thể nghiệm trong sáng tạo. Chẳng hạn, trong nhật ký
Il mestiere di vivere (Nghệ thuật sống), Pavese đặc biệt dụng công khai thác kĩ thuật này. Trong nhật ký ghi ngày 8/2/1946, tác giả viết tất cả bảy mục ghi chép, trong đó có sáu mục ghi lại cảm giác thiếu thốn một người phụ nữ ở bên, thể hiện sự phi lí của sự sở hữu, và cuối cùng kết thúc ngày bằng một khái quát: “Ngay khi bạn đã sẵn sàng chấp nhận nỗi cô độc, người ta lại kéo đến với bạn. Nhưng một khi bạn với tay ra, người ta lại tảng lờ như không muốn biết. Và ngày cứ thế trôi qua”. Trong khi đó có những ngày lại chỉ rất ngắn gọn:
+ “Ngày 27 tháng 10 năm 1938: Đó là một điều bất khả khi nghĩ về phụ nữ theo cái cách mà chúng ta thường lảng tránh mỗi khi nghĩ về cái chết”.
+ “Ngày 30 tháng 10 năm 1938: Chúng ta chỉ tha thứ cho những người khác khi điều ấy khiến ta hài lòng”.
+ “Ngày 21 tháng 12 năm 1939: Tình yêu là một thứ tôn giáo dè sẻn nhất”
[8].
Trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, có những ngày ông ghi thành một bài luận, một vấn đề được giải quyết trọn vẹn, nhưng cũng có những ngày chỉ ghi lại một dòng, một cảm xúc hay nhận thức nhất thời:
+ “28-10-1993
Bàn về hai chữ “từ bi”
Ta thường đọc luân lý thấy nói đến những chữ bổn phận, can đảm, nghị lực, lễ phép, ái quốc, nhân loại. Những chữ ấy đọc lên nó có cảm giác hay những không có cái cảm giác yên. Ta đọc đến chữ “từ bi” thì thấy nó mênh mang bát ngát, nhớn từ nhật nguyệt tinh thần, dưới đến cỏ cây côn trùng, không chỗ nào là chẳng đượm vẻ thanh khiết. Ta đọc đến chữ tư bi ta tưởng tượng đến cái chân dung trầm mặc của đức Phật tĩnh tọa trên tòa sen, mắt nhắm hiểu thấu tám cõi, miệng mỉm cười yêu chúng sinh. Ta đọc đến chữ từ bi ta tưởng tưởng một ngôi chùa u nhã, xa lánh cõi trần tục, khơi gợi ta cái lòng muốn cầu nguyện, cái trí muốn trầm tư. Chữ từ bi nó không thực tiễn như chữ “nhân” của đức Khổng; nó không điềm đạm tự nhiên như chữ “đạo” của Lão Trang. Những chữ khác còn phải dùng đến trí, chữ từ bi chỉ cần tâm…”
[9].
+ “18-11-1933
Tiếng chuông gần thì không hay”
[10].
Một cơ chế thẩm mĩ tiếp nhận rất đặc biệt, gây ra hứng thú cho người đọc nhật ký đó chính là khả năng truy tìm những cái nhìn sâu sắc về đạo đức và tâm lý. Tính chất cá thể, cá nhân của nhật ký và những đặc trưng kết cấu cho phép người đọc gián cách khỏi mình để tham gia một cách trực diện và toàn triệt vào một đời sống khác, để chia sẻ những góc nhìn tưởng tượng. Độc giả đến với nhật ký là quá trình đồng nhất cái nhìn của mình với cái nhìn của tác giả, để chia sẻ với cảm xúc, suy tư của tác giả trước từng sự việc, từng tâm trạng, hoặc thậm chí là sự quan tâm đến những sự kiện xung quanh đời sống của người viết. Kết thúc quá trình đọc trong xu hướng đồng nhất hóa như vậy, người đọc nhật ký có được xúc cảm của một sự thân mật, gần gũi với những chia sẻ của tác giả viết nhật ký. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng có một ngày (21/12/1930) ghi như sau: “Thứ ba thì tôi thi Mathématiques (Toán). Bởi vậy tôi nhất quyết chủ nhật không đi đâu, chỉ ở nhà làm tính thôi, tôi nhất quyết không đi xem đá bóng. Ai ngờ tối thứ bẩy, tôi vào chùa Vẻn chơi, lúc về đã hơn tám rưỡi. Tôi ngồi tập làm tính. Nhưng nào có tập, tôi chỉ xem những cái giả nhời mà thôi. Vào độ gần 10 giờ, tôi chán lắm rồi. Tôi nghĩ đến những ông sư trong chùa, tôi thấy cảnh đời nay nó khó khăn, tôi muốn đi tu. Tôi tưởng tưởng như tôi tu ở một cái chùa rất tĩnh, cây cối rậm rạp. Rồi tôi tưởng tượng như tôi có cái đầu trọc lốc, mặc áo nâu quần nâu, tụng kinh gõ mõ. Rồi tôi tưởng tượng như tôi nhất đán đã làm sư cụ, ngồi mà khảo cứu đạo Phật, cùng ngồi mà viết sách. Rồi tôi tưởng tượng như tôi có một cái thư viện riêng trong chùa, có bàn giấy, bút mực. Rồi tôi tưởng tưởng như tôi trút sạch bụi trần, không vướng vít gì nữa. Rồi tôi tưởng tượng như tôi đã mở được một cái trường học cho bọn dân nghèo; rồi tôi tưởng tượng như tôi đang đứng giảng giải nghĩa lý cho dân ngu dốt; khuyên nhủ những đứa ăn mày. Rồi tôi tưởng tượng như tôi đang lênh [đênh] trên một chiếc thuyền con chồng chềnh giữa nơi đồng lụt mênh mông, mặc cho gió to sóng cả, mà vớt bao nhiêu kẻ chìm đắm trong vòng bể khổ. Rồi tôi tưởng tượng như tôi đang cùng mấy người tiểu phát chẩn cho bọn dân khốn khổ nghèo hèn ấy. Nhưng một cái dấu hỏi đến làm cho tôi thất vọng: Mẹ già tôi tôi bỏ đi đâu? Tôi nghĩ đến đấy, bỗng tôi không để mắt vào quyển tính nữa; tôi gập nó lại, tôi lẳng nó sang bên. Nào chùa, nào sư, nào mẹ, tôi cứ mê man mà nghĩ không sao bỏ được… Tôi lấy quyển
Ngũ Hổ Sơn của tôi đang làm. Tôi xem lại, tôi chữa, tôi thêm, mãi đến 12 giời mới đi ngủ”
[11]. Người đọc ở đây luôn có xu hướng đồng nhất, đồng cảm với mạch cảm xúc của người viết, thâm nhập vào những điều tưởng tượng của tác giả trong sự thân mật gần như không giới hạn.
Việc đọc nhật ký gắn liền với cơ chế đọc các tác phẩm văn chương phi hư cấu. Đây là tiền giả định trong tiếp nhận các tác phẩm nhật ký. Nhật ký được viết theo dòng thuận của thời gian, ngày tháng, vì vậy, người viết chỉ biết đến thời gian hiện tại, không thể đoán biết tương lai, trong khi đó, hoạt động tiếp nhận lại diễn ra theo chiều ngược lại, chiều nghịch của thời gian, khi người đọc đã biết được số phận cuộc đời tác giả. Chính vì thế, quá trình đọc song hành cả việc đồng nhất trải nghiệm, suy nghĩ, vừa gián cách và đối sánh. Cơ chế này khác với quá trình đọc tác phẩm văn chương hư cấu. Trong khung khổ của tác phẩm hư cấu, tất cả các ký hiệu về hiện thực được sử dụng như là chất liệu để tổ chức thế giới nghệ thuật thống nhất, ngăn cản mọi sự quy chiếu đứt đoạn về hiện thực trong quá trình tiếp nhận. Trong khi đó, đọc nhật ký là quá trình liên tục song chiếu với hiện thực khách quan để thông hiểu ý nghĩa. Chẳng hạn, trong nhật ký
Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã ghi những lời đánh giá về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khỏe yếu. Mình nhớ dạo mới đi bộ đội, hay gặp Cầm lang thang trong đêm. Có lần đi gác, Cầm nó nằm ngủ ngay trên cái cầu xi măng bắc qua sông Tô Lịch. Nó bảo nó nằm nhớ lại dĩ vãng xa xưa của nó ở Kinh đô, đôi guốc mộc và cái quần chùng, hàn huyên với các sư huynh bên quán nước. Kể cũng lạ, ở nó có cái gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ.”; “Không thể nào tin được Hoàng Nhuận Cầm lại có thể viết tốt hơn thế được. Nếu như Cầm nó không thay đổi cuộc sống của nó – Thời gian lơ lửng trên hè phố của nó quá nhiều, nó “trầm tư trên mái phố” quá nhiều đã tàn phá của nó khá nhiều thiên tư văn học. Cầu mong đất nước đừng để rơi một khả năng đáng quý. Nó sẽ chẳng bao giờ còn bê tha ở chợ Nhã Nam, mà cống hiến trọn vẹn những tháng ngày còn lại cho thơ” (
Mãi mãi tuổi hai mươi). Những lời nhận xét này về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từ những ngày chưa thành danh, chưa trở thành một trong những trụ cột của thơ ca chống Mỹ là những trang viết chân thực và đầy thú vị của Nguyễn Văn Thạc, một học sinh giỏi Văn nhất miền Bắc. Để hiểu hết ý nghĩa của những lời nhận xét về tác giả
Xúc xắc mùa thu này đòi hỏi bạn đọc cần có những am hiểu nhất định về Hoàng Nhuận Cầm, về thời điểm Nguyễn Văn Thạc viết những dòng nhật ký trên. Đây chỉ là một dẫn chứng cụ thể để chứng minh một cơ chế đọc đặc thù trong tiếp nhận nhật ký. Nó không chỉ khu biệt nhật ký với các thể loại văn học hư cấu mà còn với chính những thể loại gần gũi thuộc loại hình ký. Chính tính chất tức thì của sự ghi chép nhật ký đã tạo ra cơ chế tiếp nhận đặc thù như vậy.
Về cơ bản, có thể thấy, nhật ký có thể giúp người đọc phát huy tối da khả năng tưởng tượng, thâm nhập, hóa thân để tự tạo dựng một nhân cách cá nhân cho giọng nói đang trò chuyện với mình. Bất kể người viết đang giãi bày tâm trạng, suy nghĩ nội tâm hay chỉ hạn chế trong những chi tiết bên ngoài, những cuốn nhật ký cũng đưa đến một chất liệu mơ hồ tuyệt vời đòi hỏi sự diễn giải từ phía độc giả. Việc thiếu một cốt truyện rõ ràng mạch lạc để thu hút sự chú ý của người đọc, thiếu một cấu trúc chặt chẽ để chỉ dừng lại ở việc bám sát vào sự tiếp diễn của thời gian hay những mô tả lặp đi lặp lại, khiến cho những cuốn nhật ký không đưa ra những chỉ dẫn có tính hệ thống cho việc tìm kiếm ý nghĩa. Tuy nhiên, giả tưởng về một mối quan hệ thân mật mà những cuốn nhật ký như thế đưa lại khiến người đọc tin vào khả năng “thấu hiểu” được những suy nghĩ của kẻ khác dựa trên ngôn ngữ.
4. Kết luậnNhư vậy, nhật ký là một thể loại của cái cá nhân riêng tư. Chính yếu tố này cho phép người viết có thể được tự do, chân thật hết mình nên tính xác thực cao. Bởi thế, những câu chuyện về cuộc đời, về con người qua những trang nhật ký bao giờ cũng tạo cảm xúc chân thực và thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, yếu tố tạo nên chất văn học của nhật ký lại ở những khoảnh khắc cá nhân riêng tư nhưng mang tầm vóc lịch sử hoặc khả năng phổ quát của số phận, trạng thái tâm lí... Sự phản chiếu của ý thức hệ và diễn ngôn thời đại vẫn chi phối người viết ở những mức độ khác nhau. Những tâm tư của người viết nhật ký vẫn có những phần là mẫu số chung của tâm trạng muôn người. Vì thế, tính cá nhân riêng tư trong nhật ký vẫn không tách rời tính chung của nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO1. Hà Minh Đức (chủ biên) (2006),
Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Trần Đình Sử (1996),
Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Thạc (2005),
Mãi mãi tuổi hai mươi, (Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu), NXB Thanh niên, Hà Nội.
4. Đặng Thùy Trâm (2005),
Nhật kí Đặng Thùy Trâm, (Vương Trí Nhàn giới thiệu), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
5. Nguyễn Huy Tưởng (2006),
Nhật ký, tập 1: Đến với văn chương và cách mạng, Trịnh Thị Uyên lưu giữ, Nguyễn Huy Thắng biên soạn, Nxb Thanh niên.
6. Bruce Merry
, The Literary Diary as a Genre, The Maynooth Review, Vol. 5, No. 1 (May, 1979).
7. Patricia Spacks & Bruce Redford,
How to Read a Diary,
Bulletin of the American Academy of Arts and Sciences, Vol. 56, No. 4 (Summer, 2003), pp. 45-62.
8. William Matthews (1977),
The Diary: A neglected genre,
The Sewanee Review, Vol. 85, No. 2 (Spring, 1977), pp.
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội số 4/2018