Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

TIỂU THUYẾT ĐAM MỸ Ở VIỆT NAM: CẦN CÁI NHÌN ĐỐI THOẠI

TS. Nguyễn Thị Kiều Anh - ThS. Nguyễn Thị Thanh


1. Mở đầu

Cùng với sự xuất hiện và bùng nổ của văn học mạng, những cuốn tiểu thuyết đam mỹ nhanh chóng trở thành cơn sốt trong nền văn học Trung Quốc lẫn văn học nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Với cốt truyện xoay quanh tình yêu giữa hai người đàn ông, đam mỹ mang đến cho bạn đọc một “món ăn” mới và lạ, trở thành một hiện tượng văn học mạng nổi trội với một lực lượng độc giả hùng hậu. Đam mỹ tiểu thuyết được các nhà nghiên cứu Trung Quốc đánh giá là một trong những hiện tượng “á văn hóa” lớn nhất trong mười năm đầu thế kỷ XXI ở nước này [9] đồng thời nhận được sự quan tâm nghiên cứu của của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau như văn học, tâm lý học, xã hội học…
Tại Việt Nam, hiện nay, đam mỹ cũng trở thành một trong những thể loại văn học bán chạy nhất, được nhiều nhà xuất bản tại Việt Nam mua bản quyền và phát hành rộng rãi, trong đó đa dạng các thể loại con khác nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian bùng nổ, năm 2015, tiểu thuyết đam mỹ bị Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) “tuýt còi”. Cụ thể, Cục đã gửi các Nhà xuất bản Công văn 2116/CXBIPH - QLXB ký ngày 16/4 yêu cầu “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ; lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam” với lí do: “Thời gian gần đây, một số nhà xuất bản đã xuất bản nhiều xuất bản phẩm ngôn tình, đam mỹ (phần lớn là của nước ngoài), nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm, bị thu hồi”.
Dù vậy, quyết định này chỉ khiến đam mỹ tiểu thuyết bị dừng về mặt xuất bản chính thống. Trên thực tế, lượng truyện đam mỹ nước ngoài được dịch, đăng trên internet và truyện đam mỹ được viết và đăng internet bởi các tác giả Việt Nam vẫn tăng rất nhanh.
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao một hiện tượng văn học bị cho là “sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm” như vậy lại là một hiện tượng văn học phổ biến trong cộng đồng nữ thanh thiếu niên toàn châu Á và cả Việt Nam?
Thực ra, nói như Hégel, cái gì tồn tại thì hợp lý, vì vậy, bài viết này có tham vọng đi tìm sự “hợp lí” trong sự phát triển của đam mỹ tiểu thuyết ở Việt Nam, hi vọng đề xuất được hướng đi có tính “đối thoại” với trào lưu văn học này.

2. Nội dung

2.1. Thực trạng tiểu thuyết đam mỹ ở Việt Nam
Khái niệm “đam mỹ”
Đam mỹ xuất hiện lần đầu tiên trong nền văn học cận đại Nhật Bản. Trong tiếng Nhật có phiên âm là “TANBI” – mang ý nghĩa “duy mĩ, lãng mạn”, được hiểu là “bao gồm tất cả những sự vật đẹp đẽ nhất, khiến người ta cảm động và hình thành nên cái đẹp thuần khiết”. “Đam mỹ” là phong cách viết văn mới “thiên về cái đẹp”, “Phản đối cái xấu xa độc ác… hướng đến cái đẹp vạn năng, và khơi dậy một nền văn học mới” [5].
Là một trường phái văn học, văn học đam mỹ (sau đây gọi tắt là đam mỹ) sớm xuất hiện từ những năm 30, 40 của thế kỷ XX, được xem là một phân hệ của chủ nghĩa lãng mạn, một lượng lớn tiểu thuyết thời này cũng bị ảnh hưởng. Nhưng đến sau năm 60, TANBI được giới truyện tranh (manga) Nhật Bản sử dụng cho truyện BL (boy’s love – tạm dịch: tình yêu của những chàng trai). BL thuần túy chỉ tình yêu của các cậu trai với nhau, hay còn gọi là “tình yêu thiếu nam”; hoàn toàn khác với “gay” (thiên về tình yêu thể hiện tính dục rõ ràng giữa những người đàn ông). Nhóm BL ám chỉ tình yêu thuần khiết, ngây thơ, mặc dù có sự va chạm tiếp xúc thân thể, nhưng là hình tượng lý tưởng hóa của gay mà thôi. BL là một trong những nhánh quan trọng của đam mỹ, nhiều lúc một câu chuyện có thể dùng từ BL hay đam mỹ để miêu tả.
Hiện tại, đam mỹ được chia thành: truyện BL (các nữ tác giả viết cho các bạn gái xem chuyện tình nam nam), đồng nhân văn (cải biên theo chiều hướng tình yêu nam nam của các nhân vật chính từ truyện tranh) và truyện đồng tính (miêu tả rõ nét chân thực cuộc sống, đa số do những người đồng tính tự viết). Có thể nói, cách dùng "đam mỹ" để thay cho “gay”, “đồng tính nam” giúp thể hiện sự tôn trọng hơn đối với họ thay vì dùng từ ngữ thuần Việt.
Nhân vật trong đam mỹ thường là nam, được chia ra là Công (top – cho đi, mang nhiều nét nam tính, là người chủ động trong mối quan hệ) và ngược lại là Thụ (bottom – nhận lấy). Người hâm mộ đam mỹ được gọi là hủ - nếu là nữ thì gọi là hủ nữ, nếu là nam thì gọi là hủ nam.
Các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc cho đam mỹ không phải là văn học đồng tính bởi vì họ xếp "đam mỹ thể hiện sự siêu việt về tính biệt", nơi mà một người đàn ông vốn trước đó không hề có xu hướng yêu người đồng giới nhưng lại có tình yêu theo kiểu định mệnh với một người đàn ông khác. Một câu thường gặp nhất trong các sáng tác đam mỹ tiểu thuyết đó là: "Tôi không phải là người đồng tính, nhưng tôi yêu cậu. Chỉ vì đó là cậu. Duy nhất là cậu" [9].

Sự phát triển ở Việt Nam
Đam mỹ có thị trường phát triển khá rộng. Khởi nguồn từ Nhật Bản, bùng nổ ở Trung Quốc, phát triển lan sang Việt Nam và mới đây, đam mỹ còn trở thành hiện tượng ở Thái Lan. Đó là chưa kể sự phát triển ở thị trường phương Tây.
Đam mỹ ở Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ đam mỹ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đam mỹ Trung Quốc lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 2008, tính đến hiện tại hầu hết đam mỹ được dịch và đăng trên mạng internet Việt Nam được dịch từ những người không biết tiếng Trung. Họ dịch dựa vào phần mềm Quick Translator, phần mềm nhận đầu vào là đoạn văn bản tiếng Trung và xuất ra đoạn văn bản Hán Việt.
Đam mỹ Việt là một thể loại tiểu thuyết đồng tính do các tác giả Việt Nam viết mang văn phong Trung Quốc, bị ảnh hưởng sâu bởi văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc. Cũng có nhiều truyện do các bạn gái hâm mộ các nhóm nhạc nam (Hàn QuốcTrung Quốc) viết về thần tượng của họ (fan-fiction).
Trước năm 2013, tất cả các tác phẩm đam mỹ tại Việt Nam đều là dịch chui đăng trên mạng và in lậu. Tháng 3/2013, Tình yêu của đau dạ dày của tác giả Điệp Chi Linh là cuốn tiểu thuyết đam mỹ đầu tiên được phát hành hợp pháp tại Việt Nam do Bách Việt và Nanubooks xuất bản. Từ đó mở đường cho một loạt các tác phẩm đam mỹ xuất bản tại Việt Nam như: “Cuộc sống đại học xui xẻo” (Bách Việt và Nanubooks), “Này những phong hoa tuyết nguyệt” (IPM), “Phồn chi” (Owlbooks), “Hàng không bán” (Amak Books),... Dù có nhiều cuốn được đánh giá là thiếu chuyên nghiệp trong dịch thuật nhưng đam mỹ vẫn là một thể loại văn học bán chạy trong giới trẻ.
Bên cạnh đó, cũng có một số truyện gay do tác giả Việt Nam sáng tác được xuất bản như: Không lạc loài (Phạm Thành Trung - Lê Anh Hoài), Đời Callboy (Nguyễn Ngọc Thạch), Tôi là gay (Angry Chuột), Mẹ ơi, con đồng tính (Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Chí Dũng),...
Hiện nay, có hàng chục trang web đăng tải hàng nghìn truyện đam mỹ. Chỉ cần gõ từ khóa “tiểu thuyết đam mỹ”, công cụ tìm kiếm Google cho ra 879.000 kết quả trong vòng 0,5 giây (05/11/2017). Về mặt xuất bản, dù khá dè dặt nhưng tính đến cuối năm 2016, đã có gần 30 nhà sách phát hành hơn 200 đầu sách đam mỹ. Chưa có thống kê chính thức về số lượng sách được tiêu thụ nhưng báo chí đều phản ánh những loại sách như đam mỹ được bày bán “nhan nhản” và thu hút rất đông độc giả trẻ.
Với số lượng khổng lồ như vậy, nội dung đam mỹ khá phong phú và phức tạp. Bên cạnh nhiều truyện có những đoạn miêu tả tình yêu đồng giới thiên về bản năng, tình dục cũng có không ít tác phẩm mà tình yêu họ dành cho nhau trong veo như nước suối dưới khe, trắng mịn như mây trôi bồng bềnh trên nền trời xanh thẳm!
Các độc giả của đam mỹ đa phần là tuổi trẻ (12-30 tuổi), họ đọc đam mỹ vì nhiều mục đích mà phổ biến là nhu cầu giải trí. Chia sẻ trên các diễn đàn truyện đam mỹ và bình luận về các bài báo về đam mỹ, nhiều ý kiến của hủ nữ cho rằng: Có thể vừa thích các tác phẩm kinh điển vừa thích đam mỹ; Đọc có lựa chọn, những tác phẩm quá bạo liệt, thô thiển... đều không nằm trong tầm ngắm của tôi; Đọc đam mỹ cũng có nhiều cái hay, đôi khi ta mệt mỏi bế tắc, ta có thể tạm chìm vào thế giới ảo, tự cho bản thân buông thả một chút, quên thực tại một chút, sau đó ta vẫn trở lại bình thường, không có gì nghiêm trọng; Những quyển sách ngôn tình này lại rất hay, vừa giải trí, hiểu biết thêm về tình cảm con người, vừa lại biết được những nhu cầu sinh lý của những người gay; Tôi đọc đam mỹ và ngôn tình rất nhiều nhưng vẫn thấy bình thường, hơn thế nữa trình độ viết văn của tôi cũng tốt hơn rất nhiều…

Phản bác những ý kiến lên án đam mỹ, ông Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, cho rằng: “đam mỹ không có gì là xấu xa cả. … đam mỹ cùng có nhiều loại ở nhiều chừng mực khác nhau… sách độc hại là sách dạy con người ta ghét nhau, căm thù nhau, thậm chí là hại nhau còn sách dạy con người ta yêu thương nhau như ngôn tình, đam mỹ thì cũng không có gì là đáng lên án”. “Ảo tưởng không có tội. Ảo tưởng là do khả năng nhìn nhận thực trạng cuộc sống của mỗi người… Vấn đề là mỗi người phải biết cách chi phối hành động của mình, để sự ảo tưởng đó không dẫn đến tiêu cực” [3].

2.2. Quan điểm xã hội về đam mỹ
Mặc dù, trên thực tế, đam mỹ “làm mưa làm gió” trong cộng đồng người trẻ nói chung và độc giả nữ trẻ nói riêng song dưới cái nhìn của các cơ quan ngôn luận chính thống và các nhà quản lý từ trung ương đến địa phương, loại hình văn học này lại bị đánh giá là tiêu cực. Nhiều cơ quan báo chí phê phán cả người viết, người dịch, nhà xuất bản và người đọc đam mỹ.
Báo Nhân dân trực tuyến cho rằng đây là “một trào lưu ảo tưởng đầy tác hại, lãng quên tri thức” [4]. Bài viết nhấn mạnh: “Nó đem tới cho người viết nhiều ảo tưởng, nghĩ mình có thể trở thành một nhà văn thực sự”. “Đẩy sự mơ tưởng tới khung cảnh viễn vọng, ẩn chứa những mầm họa lớn đối với sự phát triển tâm lý của bạn đọc trẻ”. “Là sản phẩm dịch từ nước ngoài và một số cây bút thế hệ trẻ trong nước, nên lỗi đầu tiên không thuộc về bạn đọc trẻ mà thuộc về người lớn. Ấy là khi các nhà xuất bản chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà bỏ qua vai trò khai sáng của văn hóa đọc đúng nghĩa. Và, thật đau lòng, khi bạn đọc trẻ lựa chọn dòng truyện này để thỏa mãn nhu cầu giải trí theo kiểu bản năng thì những dòng sách ý nghĩa khác đã bị lãng quên”.
Báo Sức khỏe và Đời sống trực tuyến cũng cho rằng: “Tiểu thuyết đam mỹ: Thứ “virut” toàn cầu” [10]. Bài báo khẳng định: “Và xu thế hiện nay là các hủ nữ ngày càng trẻ hơn, bạo liệt hơn, tiêu cực hơn và biến thái hơn”. “Không ít phụ nữ ngoài 30 tuổi nhưng vẫn “phòng không” vì mải “đánh đu” và chết mê chết mệt với thể loại đam mỹ. Thực sự trong giới trẻ, hủ nữ đã hình thành hẳn một thế giới với một đời sống hoàn toàn tách biệt, bất bình thường và đầy tai tiếng”. Từ đó, tác giả cho rằng đam mỹ là thứ “virut” toàn cầu vô cùng nguy hiểm, “việc kiểm soát, ngăn chặn dòng văn học không chính thống càng trở nên khó khăn hơn cần ngăn chặn gấp”.
Báo Hải Dương trực tuyến khẳng định: “Trào lưu đọc tiểu thuyết đam mỹ: Giới trẻ đang bị đầu độc” [1]. Tác giả trích lời ông Hoàng Trọng Hiển, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hải Dương để nhận xét: "Vì tò mò nên nhiều người trẻ tìm đến thể loại tiểu thuyết đam mỹ. Do chưa có hiểu biết sâu sắc nên nhiều bạn bị mất phương hướng, từ đó dẫn tới nhận thức méo mó về tình yêu, cuộc sống, đánh tráo khái niệm nhân văn và trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam".
 
2.3. Cần cái nhìn có tính đối thoại
Cơ sở thực tế và cơ sở nghệ thuật của đam mỹ
Cơ sở thực tế
Hiện nay, sự tồn tại của cộng đồng những người đồng tính luyến ái (LGBT) đã được thừa nhận. Trong nhiều giai đoạn lịch sử và các nền văn hóa khác nhau, việc đồng tính luyến ái có thể được tán thành, bỏ qua hay bị trừng phạt và cấm đoán. Trên phạm vi toàn cầu, ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã "giải mã" thiên hướng tình dục và công bố loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Từ đó, Liên Hiệp quốc chọn ngày 17 tháng 5 hàng năm là "Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) - IDAHO". Sự kiện 17/5 được tổ chức tại hơn 100 quốc gia, tại tất cả các khu vực trên thế giới từ năm 2004.
Liên Hợp Quốc coi "Quyền LGBT" (các quyền đối với cộng đồng LGBT như: công nhận hôn nhân đồng giới đối với người đồng tính, cho phép chuyển đổi giới tính với người chuyển giới, công nhận hay cho phép nhận người LGBT sinh con, nhận con nuôi... trong luật pháp) là vấn đề nhân quyền (quyền con người) và cần thực hiện tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hiện nay, trên quan điểm pháp luật, hầu hết các quốc gia trên thế giới không cấm đoán quan hệ tình dục giữa những người đồng tính đủ tuổi. Tính tới năm 2017 này, đã có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng tính. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác hiện đã công nhận quyền kết hôn của người đồng tính dưới hình thức kết hợp dân sự hoặc đăng ký chung sống. Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2015 không thừa nhận kết hôn cùng giới, song cũng không có luật cấm quan hệ tình dục đồng tính.
Bên cạnh đó, nhìn vào lịch sử xã hội, từ Tây sang Đông, có nhiều trường hợp LBGT nổi tiếng được dư luận nhắc đến với cái nhìn đồng cảm. Có thể nói đến hai nhà thơ đồng tính người Pháp Rimbaud và Verlaine của Pháp hay những “mối tình trai” của thi sĩ Xuân Diệu. Khi quan niệm xã hội đã cởi mở hơn, trên thế giới và ở Việt Nam, rất nhiều người nổi tiếng thuộc cộng đồng LBGT không ngại ngần công khai giới tính, thậm chí tổ chức hôn lễ rầm rộ và lãng mạn. Có thể kể đến danh ca Elton John, vị đại sứ đồng tính công khai đầu tiên của Mỹ tại khu vực Đông Á Ted Osius, tỷ phú làng thời trang Michael Kors, các ngôi sao của Hollywood: Neil Patrick Harris & David Burtka, Dustin Lance Black, Matt Bomer và Simon Halls, tài tử Hồng Kông – Trung Quốc Trương Quốc Vinh… biên đạo múa John Huy Trần, nhà thiết kế thời trang Adrian Anh Tuấn, diễn viên BB Trần… Xuất hiện trước truyền thông, những người đàn ông này không chỉ tài năng mà còn vô cùng hấp dẫn về ngoại hình. Họ khiến không ít người phụ nữ rung động và thầm tiếc nuối: Đàn ông vừa đẹp vừa tài đã hiếm, đã vậy họ lại còn… yêu nhau!
Tình yêu vốn được coi là tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao đẹp và bí ẩn của con người. Đề tài về tình yêu chưa bao giờ thôi hấp dẫn nhân loại. Khi cộng đồng LGBT được thừa nhận, nhu cầu thể hiện tình yêu của họ một cách công khai là có thực, nhu cầu tìm hiểu về tình yêu của họ cũng là có thực. Dĩ nhiên, văn học với chức năng là “hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”, “chẳng những thế còn sáng tạo ra sự sống” (Hoài Thanh) không thể bỏ qua đề tài về tình yêu của cộng đồng LGBT nói chung và những người đàn ông nói riêng!

Cơ sở nghệ thuật
Trong nghệ thuật, thực tế, đam mỹ không đơn độc khi đề cập đến đề tài rất nhạy cảm: tình trai. Bởi thực tế, đã có những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới và Việt Nam “gây sốt” với đề tài này.
Rimbaud đã viết hàng nghìn con chữ cho Verlaine: “Anh nghĩ là đi với người khác đời anh sẽ hạnh phúc hơn ư?”, “Chỉ có sống cùng tôi, anh mới có được tự do thôi?”. Còn Verlaine đã viết Những bài ca không lời với những câu dành tặng Rimbaud như: “Này là trái, là hoa, là cành lá/ Là trái tim tôi thổn thức chỉ vì em”. Mượn chuyện Rimbaud và Verlaine, Xuân Diệu lại viết “Tình trai”: “Những bước song song xéo dặm trường/ Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương/ Họ đi, tay yếu trong tay mạnh/ Nghe hát ân tình giữa gió sương/ Kể chi chuyện trước với ngày sau/ Quên gió môi son với áo màu/ Thây kệ thiên đường và địa ngục/ Không hề mặc cả, họ yêu nhau...”.
Lĩnh vực điện ảnh cũng tỏ ra cởi mở với những “tình trai” như thế. Thế giới có “Bá vương biệt cơ” (Trung Quốc), “Thượng ẩn” (Trung Quốc), “Bất khả kháng lực” (Trung Quốc), “Song trình” (Trung Quốc), “Trái cấm” (Nhật Bản), “Chuyến bay đêm” (Hàn Quốc), “Nhà vua và chàng hề” (Hàn Quốc), “Method” (Hàn Quốc), “The Blossoming of Maximo Oliveros” (Philippin), “Spa night” (Mỹ), “Moonlight” (Mỹ), “Khi tình yêu đến” (Thái Lan), “Hai mặt trăng sánh đôi” (Thái Lan), “Bong bóng màu đỏ” (Đài Loan)… Việt Nam có “Hotboy nổi loạn” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), “Cầu vồng không sắc” (Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến), Lô Tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), Tao không xa mày (đạo diễn Rony Hòa), “Lạc giới” (đạo diễn Phi Tiến Sơn)… Đặc biệt, trong đó có những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ, được đông đảo khán giả yêu thích: “Thượng ẩn”, “Bất khả kháng lực”, “Song trình”, “Hai mặt trăng sánh đôi”, “Bong bóng màu đỏ”…
Cũng không thể không nhắc đến những ca khúc được viết/hát cho những tình trai đầy xúc động: “Ánh trăng nói hộ lòng tôi” (Hồng Kông – Trung Quốc), “Take Me To Church” (Nga), “Trót yêu” (Việt Nam), “Dối lừa” (Thái Lan)…
Như thế, là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu, văn học phát triển những tác phẩm về đề tài đam mỹ là điều tất yếu.

“Đối thoại” với đam mỹ
Thái độ lên án của nhiều bộ phận độc giả đối với đam mỹ, đặc biệt là công văn 2116/CXBIPH – QLXB của Cục Xuất bản, In và Phát hành có lí do của cơ quan quản lý về hoạt động xuất bản. Tuy vậy, từ những cơ sở thực tiễn và cơ sở nghệ thuật của tiểu thuyết đam mỹ, đặc biệt là sự phát triển có thực của đam mỹ - cái mà Goethe gọi là “cây đời mãi mãi xanh tươi”, một vấn đề cần khẳng định: đam mỹ tất yếu sẽ phát triển. Vấn đề đặt ra cho dư luận là cần có cái nhìn đúng đắn hơn về trào lưu văn học này. Đi cùng với đó, các nhà quản lý cần lựa chọn thái độ phù hợp với đam mỹ: đối đầu - cấm đoán hay đối thoại – hỗ trợ?

Nếu đã xác định sự phát triển của đam mỹ là tất yếu, việc “đối thoại với đam mỹ” là điều cần làm sớm để tránh những hậu quả khôn lường đến nhận thức của độc giả. Và muốn vậy, điều quan trọng là chúng ta cần có tư duy cởi mở hơn với thể loại này cũng như tâm lý lứa tuổi, giới tính của độc giả. Không thể mang tư duy và thế giới quan của mình để áp đặt cho người khác bởi không đồng cảm và chia sẻ thì rất khó để đối thoại và hợp tác!
Việc phân loại đam mỹ cần được thực hiện. Tùy mức độ biểu hiện tình cảm của thế giới BL mà phân loại truyện thành các mức độ khác nhau. Việc xuất bản đam mỹ có thể căn cứ vào việc phân loại để “dán mác” cho từng lứa tuổi. Bên cạnh đó, cũng cần có sự định hướng về sáng tác và thưởng thức tích cực về trào lưu văn học này.

3. Kết luận
Tiểu thuyết đam mỹ là một hiện tượng văn học có tính lịch sử và tất yếu trong dòng chảy của xã hội hiện đại. Nó có đầy đủ cơ sở thực tế và cơ sở nghệ thuật để tồn tại và phát triển như một trào lưu văn học. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiểu thuyết đam mỹ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi đó, số lượng truyện vẫn phát triển mạnh mẽ, lượng tìm đọc trên internet không hề có dấu hiệu giảm đi, còn lợi ích của đam mỹ lại không được thừa nhận.
Từ thực tế đó, chúng tôi thấy rằng cần đề xuất những giải pháp về công tác quản lý hoạt động sáng tác, dịch thuật, phân loại, kiểm duyệt và xuất bản những tác phẩm đam mỹ. Những giải pháp này dựa trên sự hiểu biết về tính tất yếu của văn học đam mỹ và tinh thần đồng cảm, thấu hiểu tâm lí độc giả trẻ. Kì vọng rằng sau một thời gian sắp xếp công tác quản lý, các cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường văn học đam mỹ trở nên lành mạnh.

Tài liệu tham khảo

[1]. http://haiduong.tintuc.vn/van-hoa/trao-luu-doc-tieu-thuyet-dam-my-gioi-tre-dang-bi-dau-doc.html. Ngày truy cập cuối cùng 05/11/2017.
[2]. http://kenhtruyen.com/forum/71. Ngày truy cập cuối cùng 01/11/2017.
[3]. https://news.zing.vn/nguyen-dinh-tu-tap-tan-van-khong-dai-dien-cho-van-hoc-tre-post642312.html. Ngày truy cập cuối cùng 05/11/2017.
[4]. http://nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/trao-doi-y-kien/item/26514102-van-hoc-ngon-tinh-hay-la-su-lang-quen-tri-thuc.htmlNgày truy cập cuối cùng 05/11/2017.
[5]. http://tonghopdammyhay.com/. Ngày truy cập cuối cùng 01/11/2017.
[6]. http://truyenfull.vn/the-loai/dam-my/. Ngày truy cập cuối cùng 01/11/2017.
[7]. http://truyendammyhay.com/. Ngày truy cập cuối cùng 01/11/2017.
[8]. https://tusacquan.wordpress.com/category/dam-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/. Ngày truy cập cuối cùng 05/11/2017.
[9]. https://quachhien.blogspot.com/2013/07/am-my-tieu-thuyet-va-fanfiction.html. Ngày truy cập cuối cùng 05/11/2017.
[10]. http://suckhoedoisong.vn/tieu-thuyet-dam-my-thu-virut-toan-cau-n98539.html. Ngày truy cập cuối cùng 05/11/2017.
 
0969889270 0912944324