Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

TÍCH HỢP VÀ DẠY HỌC TÍCH HỢP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ CHO SV NGỮ VĂN Ở NHÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM

TS Trần Thị Hạnh Phương


1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “phát triển đội ngũ nhà giáo” nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới “căn bản”, “toàn diện” Giáo dục và Đào tạo: “Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp

Nhà trường Sư phạm rất cần thiết phải đổi mới quá trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực nghề nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông trong những năm sắp tới. Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực nghề, phát triển năng lực nghề cho sinh viên trên cơ sở tích hợp giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục là một trong những hướng đi phù hợp với bối cảnh thời đại, với xu hướng quốc tế và những đòi hỏi của thực tiễn giáo dục phổ thông. Qua đó chuẩn bị nền tảng cơ sở của quá trình hình thành và phát triển một đội ngũ giáo viên có chất lượng có thể đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi trước mắt cũng như lâu dài của đất nước và sự nghiệp giáo dục.

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
2.1. Một số vấn đề chung về tích hợp và dạy học tích hợp phát triển năng lực nghề
2.1.1. Khái niệm tích hợp
Tích hợp có nghĩa là sự hợp nhất, sự kết hợp, sự hòa nhập, sự nhất thể hóa các bộ phận khác nhau để đưa tới một đối tượng mới như là một thể thống nhất dựa trên những nét bản chất của các thành phần đối tượng. Như vậy, tích hợp không phải là sự cộng lại một cách cơ học giản đơn, máy móc các yếu tố, các thành phần hay những thuộc tính của các thành phần ấy với nhau.Tích hợp phải được dựa trên mối liên hệ ràng buộc, mật thiết với nhau và chúng cũng quy định lẫn nhau trong quá trình thực hiện.

Dạy học tích hợp là hành động liên kết một cách hữu cơ, có hệ thống các đối tượng nghiên cứu, học tập của các lĩnh vực môn học khác nhau tạo thành một nội dung thống nhất nhằm hình thành và phát triển ở người học những năng lực cần thiết.Điều đó có nghĩa là, trong dạy học tích hợp, sinh viên dưới sự chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn của giảng viên thực hiện việc chuyển đổi liên tiếp các thông tin từ ngôn ngữ của môn học này sang ngôn ngữ của môn học khác. Như vậy, hoạt động học của sinh viên thường xuất phát từ những vấn đề mở ra, những tình huống phức hợp cần được giải quyết. Và muốn giải quyết được vấn đề đó đòi hỏi sinh viên học cách sử dụng phối hợp những kiến thức, kĩ năng và những thao tác thuộc các môn học khác nhau. Chính nhờ quá trình đó sinh viên chủ động với nguồn kiến thức, phát triển năng lực cũng như những phẩm chất cá nhân.

Điều đó cũng có nghĩa là, dạy học tích hợp không chỉ đánh giá kiến thức đã lĩnh hội được, mà chủ yếu tập trung đánh giá khả năng vận dụng, ứng dụng nguồn kiến thức đó trong các tình huống nảy sinh.Hay nói cách khác, sinh viên phải có khả năng huy động một cách hiệu quả nguồn kiến thức, năng lực của bản thân để giải quyết một cách phù hợp một vấn đề nảy sinh, những tình huống mới lạ chưa từng gặp.

2.1.2. Năng lực nghề
Nghề là một lĩnh vực hoạt động chuyên môn mà trong đó con người sử dụng những tri thức, những kĩ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hoặc tinh thần, đáp ứng nhu cầu của xã hội và bản thân.Mỗi nghề khác nhau lại có những chuyên môn cụ thể khác nhau phù hợp với những đối tượng, với những công việc cụ thể. Từ quan niệm trên có thể hiểu năng lực nghề là “khả năng thực hiện thành công các hoạt động nghề nghiệp, cụ thể là thực hiện thành công các hoạt động chuyên môn của một nghề nào đó trên sự huy động, vận dụng tổng hợp hệ thống kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ  của nghề và các thuộc tính khác có liên quan trực tiếp tới các hoạt động nghề nghiệp phải thực hiện” [ 2, 16]

Để có được năng lực nghề, người lao động phải được đào tạo, bồi dưỡng nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến ba phương diện có tính chất cốt lõi, nguồn lực “đầu vào” là tri thức, kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp. Với sinh viên trong nhà trường Sư phạm, sản phẩm “đầu ra” chính là năng lực nghề dạy học, là phẩm chất, nhân cách của sinh viên sau quá trình học tập, rèn luyện ở nhà trường đại học. Và chính thông qua các hoạt động dạy học, phương thức hoạt động và kết quả hoạt động nghề dạy học để đánh giá các mức độ của năng lực nghề nghiệp.

2.1.3. Dạy học tích hợp phát triển năng lực nghề
Dạy học tích hợp là phương thức dạy học đòi hỏi sử dụng kiến thức, kĩ năng, phương pháp của nhiều môn học, lĩnh vực khoa học trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu. Vì vậy, dạy học tích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi tìm ra những điểm giao thoa giữa các môn học, lĩnh vực khoa học. Đây là triển vọng cho dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học.

Dạy học tích hợp tận dụng tối đa vốn kinh nghiệm sẵn có, tạo cơ hội kích thích động cơ, lợi ích và sự tham gia một cách chủ động, tích cực, sáng tạo của người học để phát triển siêu nhận thức. Điều này cũng có nghĩa, người học phải có khả năng huy động có hiệu quả nguồn kiến thức và năng lực của mình để giải quyết một cách hữu ích một vấn đề xuất hiện, một khó khăn bất ngờ hay một tình huống lạ chưa từng gặp. Hoạt động học trở thành nhu cầu tự thân, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi con người.

Xuất phát từ lợi ích, vai trò của dạy học tích hợp, mỗi giảng viên cần phối hợp quá trình học tập các môn học khác nhau thông qua các tình huống học tập phù hợp, các nhiệm vụ học tập của sinh viên nhằm tạo thành những chủ đề học tập thích hợp. Và với từng chủ đề học tập cần xác định rõ những năng lực nghề nào được hình thành và phát triển thông qua các môn học, bài học cụ thể.

Để hình thành và phát triển năng lực chuyên môn Ngữ văn ở nhà trường THPT cho sinh viên rất cần có một sự hợp tác, phối hợp của các giảng viên đến từ các môn khoa học cơ bản về Ngữ văn. Sự kết hợp này vừa đảm bảo sự phát triển riêng rẽ chuyên sâu, có hệ thống của từng môn học mà vẫn thực hiện được sự liên kết chặt chẽ giữa các môn học qua việc vận dụng các kiến thức, kĩ năng liên môn, xuyên môn. Đây sẽ là những nền móng cơ bản để từ đó sinh viên có cơ hội phát triển năng lực vận dụng hệ thống kiến thức của môn học Ngữ văn cho đến những năng lực khoa học giáo dục như: năng lực sử dụng phương pháp, phương thức dạy học đặc thù; năng lực phát triển chương trình nhà trường; năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng;....

2.2. Quy trình dạy học tích hợp phát triển năng lực nghề cho SV khoa Ngữ văn  ở trường Sư phạm
2.2.1. Xác định mục tiêu và sản phẩm đầu ra
       Với sinh viên khoa Ngữ văn, mục tiêu và sản phẩm đầu ra chính là những năng lực nghề nghiệp cũng như những phẩm chất cần thiết, tối thiểu của một người giáo viên Ngữ văn ở nhà trường THPT. Đây chính là kết quả của một quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của sinh viên. Hơn ai hết, mỗi sinh viên phải nhận thấy và tự chuẩn bị những hành trang tri thức, năng lực nghề nghiệp, ..... để có thể trở thành một giáo viên Ngữ văn ở THPT:
Thứ nhất, giáo viên Ngữ văn là một nhà thiết kế và tổ chức các hoạt động học tập Ngữ văn cho học sinh trên cơ sở nền tảng những hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, nhu cầu, hứng thú, ..... học tập Ngữ văn của học sinh. Từ đó phát triển quá trình học tập ở các em, hình thành và phát triển  những năng lực chung và năng lực chuyên biệt của môn Ngữ văn.
Thứ hai, giáo viên Ngữ văn trước hết phải là chuyên gia về môn Ngữ văn. Những hiểu biết về môn học giúp cho người giáo viên Ngữ văn có thể lựa chọn và sử dụng những phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, đem lại hiệu quả tối ưu cho quá trình dạy học.
Thứ ba, xuất phát từ đặc thù của môn học Ngữ văn, giáo viên Ngữ văn bằng chính môn học, bằng chính quá trình dạy học để thực hiện chức năng giáo dục, tư vấn và tham vấn cho học sinh trong nhà trường THPT.  
Thứ tư, dạy học là một quá trình phát triển và tự phát triển của mỗi giáo viên. Giáo viên Ngữ văn luôn cầu thị học hỏi, rèn luyện nhằm phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn giáo dục. 
Thứ năm, với vai trò, sứ mệnh của một chủ thể tích cực trong nhà trường cũng như ở ngoài xã hội, mỗi giáo viên Ngữ văn luôn có những hành động tích cực, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động nhằm phát triển nhà trường, phát triển xã hội.
 
2.2.2. Xây dựng chủ đề học tập tích hợp
Quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên ở nhà trường sư phạm là một quá trình tổng hợp của rất nhiều giai đoạn, nhiều yêu cầu để làm nên sản phẩm đầu ra toàn diện. Vì vậy, trong từng môn học, từng học phần giảng viên xác định và xây dựng những chủ đề học tập tích hợp cho sinh viên. Quá trình xây dựng các chủ đề cũng cần phải được tính toán một cách tỉ mỉ, chi tiết để định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Điều này cũng có nghĩa là phải xác định được logic, mạch phát triển của các chủ đề; từ đó sẽ cân nhắc thời lượng và cách thức thực hiện dạy học chủ đề đó.
Với chủ đề “Về miền dân gian”

  • Điều kiện: SV sau khi đã được học một số học phần: VHDG, Tiến trình VH, PPDH
  • Mục đích:

+ SV sẽ tái hiện lại được những đặc trưng cơ bản của VHDG; thành tựu, giá trị của VHDG; một số thể loại tiêu biểu của VHDG;....(những kiến thức đã được học từ học phần VHDG)
+ SV biết kết hợp, sử dụng linh hoạt những nguồn kiến thức đó khi tổ chức dạy học những bài dạy cụ thể trong chương trình SGK Ngữ văn 10, tập 1 (dạy học đọc hiểu văn bản phần VHDG): năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực dạy học, năng lực tự học, ......
+ Trân trọng, tự hào, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

  • Nội dung:

+ Đặc trung cơ bản của VHDG
+ Những thành tựu của VHDG
+ Một số thể loại tiêu biểu.
 
2.2.3. Thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học tích hợp
Đây chính là quá trình xây dựng, thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học thông qua các phương pháp, biện pháp, hình thức dạy học phù hợp. Căn cứ vào thời gian dự kiến, mạch nội dung, tính logic của chủ đề tích hợp, mục tiêu của quá trình dạy học để thiết kế, tổ chức các hoạt động học tập cho phù hợp. Trong quá trình thiết kế, tổ chức giảng viên chú ý định hướng sử dụng các phương pháp, biện pháp, kĩ thuật, chiến thuật dạy học nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Và tất cả các mục tiêu dù cụ thể hay khái quát, phát biểu dưới cách này hay hình thức kia đều không nằm ngoài mục tiêuhình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp của một người giáo viên Ngữ văn ở nhà trường THPT.
Với chủ đề “Về miền dân gian”

GV sử dụng kết hợp các PPDH, các kĩ thuật dạy học, chiến thuật dạy học phù hợp theo từng nội dung của chủ đề. Trong mỗi hoạt động tổ chức cho SV chú ý tính tích hợp với quá trình dạy học đọc hiểu văn bản văn học (phần VHDG)+ Với nội dung: Những đặc trưng cơ bản của VHDG
Bước 1: GV nêu nhiệm vụ học tập cần giải quyết: Mô phỏng, tái hiện và làm sáng tỏ đặc trưng thứ nhất của VHDG – VHDG là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (trên cơ sở SV hoạt động nhóm, chuẩn bị trước nội dung)
Bước 2: SV thực hiện giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ của GV
./ Hát đối đáp trong ca dao
./ Sân khấu hóa một trích đoạn kịch (chuyển thể từ một tác phẩm thuộc VHDG)
./ Diễn một cảnh trên chiếu chèo (Quan âm thị Kính)
Bước 3: SV nhận xét, trao đổi thảo luận về những vấn đề sau:
./ Mục đích của hoạt động mô phỏng đó
./ Tìm ra điểm giao thoa của hoạt động với quá trình dạy học đọc hiểu VB VHDG
Bước 4: SV trình bày ý tưởng, báo cáo sản phẩm
Bước 5: GV nhận xét chung, góp ý. 
2.2.4. Kiểm tra đánh giá quá trình dạy học tích hợp
       Đây là giai đoạn cuối cùng để kiểm định, đánh giá tính khả thi của mục tiêu dạy học tích hợp. Quá trình đánh giá có thể được lồng ghép cùng với quá trình dạy học. Vì vậy, cần phải xây dựng bộ công cụ đánh giá với các mức độ phù hợp trong từng giai đoạn khác nhau khi thực hiện chủ đề tích hợp. Công cụ đánh giá có thể là những câu hỏi, bài tập, những nhiệm vụ hay những hoạt động cụ thể trong quá trình thực hiện chủ đề.
Chủ đề “Về miền dân gian”, GV có thể xây dựng bảng kiểm tra đánh giá quá trình dạy học tích hợp như sau:

Nội dung
 kiến thức
Mục tiêu dạy học Sản phẩm đầu ra Công cụ đánh giá
 
 
 
 
 
Đặc trưng
cơ bản
- Biết được những đặc trưng cơ bản của VHDG
- Hiểu được những đặc trưng cơ bản của VHDG
- Biết giải quyết được những nhiệm vụ, yêu cầu GV đặt ra
- Nhận xét, đánh giá được những đặc trưng cơ bản
- Viết được các bài nghiên cứu, giới thiệu về đặc trưng VHDG
- Biết tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa dân gian tại địa phương
- Vận dụng linh hoạt kiến thức vào quá trình dạy học đọc hiểu VB ở trường THPT
- Trình bày được những đặc trưng cơ bản của VHDG
- Giải thích được những đặc trưng cơ bản đó
- Thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ của GV
- Nhận xét, đánh giá được những đặc trưng cơ bản VHDG
- Viết các bài nghiên cứu, giới thiệu về đặc trưng VHDG
- Tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân gian tại địa phương
- Xây dựng, thiết kế và tổ chức dạy học đọc hiểu VBVH (phần VHDG)
 
- Câu hỏi, bài tập
- Nhiệm vụ
- Viết được những bài giới thiệu, nghiên cứu về VHDG
- Kế hoạch dạy học
 
 
 
 
Thành tựu
văn học
- Biết được những thành tựu văn học của VHDG
- Hiểu được giá trị của những thành tựu văn học
- Nhận xét, đánh giá được những thành tựu VH (so sánh với VH viết qua từng giai đoạn)
- Viết được những bài giới thiệu, nghiên cứu về VHDG
- Vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức đã học với quá trình dạy học đọc hiểu VB VHDG ở trường THPT.
- Trình bày, mô phỏng được những thành tựu VH cơ bản
- Lý giải được những giá trị của thành tựu VH
- Đánh giá được giá trị của những thành tựu VH
- Viết được những bài giới thiệu, nghiên cứu về VHDG
- Xây dựng, thiết kế và tổ chức dạy học đọc hiểu VBVH (phần VHDG)
 
- Câu hỏi, bài tập
- Nhiệm vụ
- Viết được những bài giới thiệu, nghiên cứu về VHDG
Kế hoạch dạy học
 
Một số thể loại tiêu biểu - - Biết được một số thể loại tiêu biểu của VHDG
- Hiểu được những đặc trưng đặc thù của thể loại
- Biết giải quyết được những nhiệm vụ, yêu cầu GV đặt ra
- Nhận xét, đánh giá được những đặc trưng đặc thù của từng thể loại VHDG
- Viết được các bài nghiên cứu, giới thiệu về thể loại tiêu biểu của VHDG
- Biết tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa dân gian tại địa phương
- Vận dụng linh hoạt kiến thức vào quá trình dạy học đọc hiểu VB ở trường THPT
- Trình bày được một số thể loại tiêu biểu của VHDG
- Giải thích được những đặc trưng của từng thể loại
- Thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ của GV
- Nhận xét, đánh giá được những đặc trưng của từng thể loại
- Viết các bài nghiên cứu, giới thiệu về thể loại tiêu biểu của  VHDG
- Tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân gian tại địa phương
- Xây dựng, thiết kế và tổ chức dạy học đọc hiểu VBVH (phần VHDG)
- Câu hỏi, bài tập
- Nhiệm vụ
- Viết được những bài giới thiệu, nghiên cứu về VHDG
- Kế hoạch dạy học
 

 
3. KẾT LUẬN
Dạy học tích hợp phát triển năng lực nghề cho sinh viên khoa Ngữ văn ở trường sư phạm là một hướng đi đầy triển vọng cho việc thực hiện dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học; đáp ứng được yêu cầu chuyển từ nền giáo dục chủ yếu dạy chữ sang nền giáo dục kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Đây vừa là thuận lợi song cũng đồng thời là những thách thức lớn đối với giảng viên khoa Ngữ văn. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, để thực hiện được rất cần có sự tham gia đồng bộ, hợp tác chặt chẽ của đông đảo các giảng viên thuộc nhóm khoa học cơ bản với các giảng viên thuộc nhóm khoa học giáo dục.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên), Đỗ Hương Trà (2017), Dạy và học tích cực, một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, NXB ĐH Sư phạm
  2. Bùi Minh Đức (chủ biên), Đào Thị Việt Anh, Vũ Công Hảo, Vũ Thị Sơn,....(2017), Phát triển năng lực nghề cho sinh viên sư phạm, NXB Giáo dục.
  3. Trần Thị Thanh Thủy (chủ biên), Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Ninh,....(2016), Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, quyển 2, NXB ĐH Sư phạm

 
 Nguồn: Taph chí Giáo chức, số 1/2019

0969889270 0912944324