Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG NHO GIA VỚI LỚP TỪ XƯNG HÔ TRONG HÁN VĂN CỔ

ThS. Nguyễn Thị Hải Vân


Quân tiền thần danh, phụ tiền tử danh (Trước mặt vua thì bề tôi phải xưng tên, trước mặt cha thì con phải xưng tên – Lễ ký). Cách xưng hô trong Hán văn cổ là một thứ kính ngữ vô cùng sâu sắc, nó xác định mỗi quan hệ tôn ti, vai vế trong gia đình và vị trí trong giao tiếp xã hội giữa người với người, nhằm tránh những hành vi vô lễ hoặc phạm thượng vô ý thức. Bên cạnh những đại từ nhân xưng thường thấy, trong Hán văn cổ ta còn thấy có một loạt các từ loại khác như danh từ, tính từ hoặc các quán ngữ thường được sử dụng lâm thời như những từ xưng hô, làm ngữ liệu xưng hô thêm phong phú và những từ đó đã thể hiện những nét văn hóa đặc trưng trong đời sống xã hội. Cách xưng hô phức tạp không chỉ thể hiện thói quen dân tục nối đời thành tập quán, mà nó cũng là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong lễ giáo của truyền thống văn hóa cổ đại Trung Quốc.

Chữ Hán là một bộ phận của văn hóa truyền thống, sự hình thành và phát triển chữ Hán không thể tách rời bối cảnh lớn của văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa. Người xưa ngay từ rất sớm đã chú ý đến mối liên hệ giữa chữ Hán với văn hóa truyền thống, vì trong văn hiến cổ còn bảo tồn được rất nhiều nội dung căn cứ vào văn hóa để thuyết giải chữ Hán, hoặc thông qua chữ Hán để tìm hiểu hiện tượng văn hóa có liên quan. Xưng hô trong giao tiếp ngôn ngữ không chỉ đơn thuần thuộc về vấn đề ngôn ngữ học, xưng hô còn có quan hệ mật thiết với văn hóa học, xã hội học,…
Trong hệ thống ngôn ngữ, những từ dùng để xưng hô thường được gọi là Đại từ nhân xưngĐại từ là tiếng dùng thay cho một danh từ để tránh sự lặp lại danh từ ấy (đại nghĩa là thay thế, đại diện). Đại từ nhân xưng hay còn gọi là đại từ xưng hô hoặc đại từ chỉ ngôi là những đại từ dùng để chỉ và đại diện hay thay thế cho một danh từ để chỉ người và vật khi ta không muốn đề cập trực tiếp hoặc lặp lại không cần thiết các danh từ ấy. Trong Hán văn cổ, đại từ nhân xưng có ba ngôi: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba. Những đại từ thường dùng vào ngôi thứ nhất là吾ngô, ngã, dư,di, ngang, trẫm,... Những đại từ nhân xưng ngôi thứ hai thường thấy như 爾nhĩ, nhữ,…Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba như 之chi, tha, kỳ,…Nhưng có một điều đặc biệt, trong Hán văn cổ có rất nhiều danh từ, tính từ hoặc quán ngữ được sử dụng lâm thời như những đại từ nhân xưng, tùy vào đối tượng nói và hoàn cảnh giao tiếp. Đó có thể là những danh từ thân tộc dùng để chỉ mối quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân với nhau như 親父thân phụ, 親母thân mẫu, 岳父nhạc phụ, 岳母 nhạc mẫu,夫君phu quân, 夫人phu nhân,...  Đó cũng có thể là những tính từ, quán ngữ dùng để xưng hô theo mục đích giao tiếp như tiện nhân, bỉ nhân, 尊兄tôn huynh, quý đệ quý đệ,… Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội. Tìm hiểu về những từ xưng hô ấy là một con đường dẫn chúng ta đến những khám phá về văn hóa, tập tục của người Trung Quốc xưa.

1. Căn diệp tương liên, huyết nùng vu thủy
Dân tộc Trung Hoa có bề dày lịch sử hơn 5000 năm, trong đó, thời kỳ xã hội phong kiến kéo dài tới hơn 2300 năm, đó là một dân tộc có một nền văn hóa đồ sộ, xán lạn, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho gia. Trong đại gia đình các dân tộc Trung Hoa, dân tộc Hán chiếm đại đa số và có vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo nên nền văn hóa Trung Hoa. Họ sống chủ yếu bằng nông nghiệp gồm trồng trọt và chăn nuôi. Văn hóa Trung Hoa là sự kết hợp giữa văn hóa lúa nước và văn hóa du mục. Từ xa xưa, nền sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc là nền sản xuất thủ công, lạc hậu, năng suất thấp. Người ta phải sống dựa vào nhau trong địa bàn dân cư làng xã. Mỗi làng xã ấy là một đơn vị dân cư khá độc lập. Quan hệ giữa các thành viên trong làng xã vốn là quan hệ huyết thống, về sau mới có sự pha trộn. Do đi lên từ nền nông nghiệp lạc hậu, thiếu sức sản xuất, người ta phải dựa vào nhau, sống thành làng xã, cụm dân cư. Từ đó dần hình thành nền văn hóa truyền thống mang tính chất đại gia đình. Một trong những đặc điểm của văn hóa dân tộc Hán là rất coi trọng gia đình và quan hệ thân tộc, người có quan hệ thân tộc được coi là người nhà mình. Nho giáo rất coi trọng gia đình và cho rằng gia đình chính là một nước nhỏ. Vì thế, nếu “một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu, một nhà lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều lễ nhượng” (Đại học- chương IX). Quan hệ xã hội trong chừng mực nhất định cũng được coi là quan hệ “đại gia đình”. Do vậy, trong hệ thống xưng hô tiếng Hán, xưng hô bằng danh từ thân tộc là một bộ phận rất quan trọng, nó phản ánh rõ nét quan hệ giữa các thành viên trong gia đình của người Hán.
Cách xưng hô theo tông pháp được quy định rất cụ thể và chi tiết. Quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân cụ thể là quan hệ cha con và quan hệ vợ chồng là hai mối quan hệ cơ bản nhất, then chốt chất quyết định sự tồn tại của gia đình. Do tác dụng biểu cảm đặc biệt trong từng hoàn cảnh giao tiếp, chúng đã phát huy được hiệu quả to lớn trong giao tiếp, đồng thời thể hiện rõ nét nghi thức văn hóa trong phạm vi gia đình, một xã hội thu nhỏ
Quan hệ huyết thống là mối quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian. Nó là cơ sở của tính tôn ti. Người Trung Quốc, cũng như người Việt Nam, khác các dân tộc khác, nhất là các dân tộc có nền văn hóa gốc du mục đó là có một hệ thống xưng hô thân tộc được quy định chi tiết, phân biệt rạch ròi tới 9 thế hệ, gọi là “cửu tộc”:
  1. 高曾祖Cao tằng tổ : kị, là người có quan hệ huyết thống trực hệ, đằng nội, thuộc thế hệ cách TÔI 4 đời, sinh ra cụ nội. Xưng hô trực diện thường dùng là 太太爺爺thái thái gia gia.
  2. 曾祖Tằng tổ : cụ ông, là người có quan hệ huyết thống trực hệ, đằng nội, thuộc thế hệ trước cách TÔI 3 đời, sinh ra ông nội. Xưng hô trực diện thường dùng là  太爺爺 thái gia gia, 太爺 thái gia, 老爺爺lão gia gia.
  3. 祖父Tổ phụ: ông nội, là người có quan hệ huyết thống trực hệ, đằng nội, cách TÔI 2 đời, sinh ra bố. Xưng hô trực diện thường dùng với tổ phụ tức ông nội là 爺gia, 爺爺gia gia.
  4. 父親Phụ thân: cha, là người có quan hệ huyết thống trực hệ, thuộc thế hệ trước cách TÔI 1 đời, sinh ra TÔI. Xưng hô trực diện thường dùng với phụ thân tức bố là爸 ba, 爸爸ba ba.
  5. 我 Ngã: tôi. Xưng hô trực diện thường dùng như 予, 余, 吾ngô, 我ngã.
  6. 子 Tử : con trai, có quan hệ huyết thống trực hệ, đằng nội, thuộc thế hệ sau cách TÔI 1 đời, do TÔI sinh ra. Xưng hô trực diện thường dùng 儿子nhi tử, 孩子hài tử.
  7. Tôn : cháu trai, nam, có quan hệ huyết thống, trực hệ, đằng nội, thuộc thế hệ sau, cách TÔI 2 đời, do con trai TÔI sinh ra. Xưng hô trực tiếp có thể dùng 孫 儿 tôn nhi, 孫子tôn tử, 孫孫tôn tôn.
  8. 曾孫Tằng tôn: chắt trai, nam, có quan hệ huyết thống, trực hệ, đằng nội, thuộc thế hệ sau, cách TÔI 3 đời, do cháu nội của TÔI sinh ra. Xưng hô trực tiếp thường dùng tên.
  9. 玄孫 Huyền tôn: chút trai, nam, có quan hệ huyết thống, trực hệ, đằng nội, thuộc thế hệ sau, cách TÔI 4 đời, do chắt nội của TÔI sinh ra. Xưng hô trực tiếp thường dùng bằng tên.
Tôn ti gián tiếp gọi là bàng hệ (tức anh em họ) cũng được phân chia một cách hết sức chi tiết, tỉ mỉ như 伯 (bác, anh trai của bố), 叔thúc (chú, em trai của bố), 姑 (cô, em gái của bố), 堂兄đường huynh (anh họ), 堂弟đường đệ (em họ), 堂姐đường thư (chị họ), 堂妹đường muội (em gái họ), 侄子điệt tử (cháu trai, con của anh, em trai), 侄孫điệt tôn (cháu của anh, em trai).
Quan hệ đằng ngoại cũng được quy định cụ thể: 外祖父ngoại tổ phụ (ông ngoại), 外祖母ngoại tổ mẫu (bà ngoại), 舅cữu (cậu), 姨di (dì), 表兄biểu huynh (anh trai họ), 表弟biểu đệ (em trai họ), 表妣biểu tỷ (chị gái họ), 表妹biểu muội (em gái họ), 外生ngoại sinh (con của chị, em gái), 外孫ngoại tôn (cháu ngoại).
Quan hệ hôn nhân cũng vô cùng phong phú: 岳父nhạc phụ (bố vợ), 岳母nhạc mẫu (mẹ vợ), 伯母bá mẫu (bác, vợ của anh của bố), 嬏母thẩm mẫu (thím), 舅母cữu mẫu (mợ), 叟子tẩu tử (chị dâu), 弟媳đệ tức (em dâu), 姐夫thư phu (anh rể), 妹夫muội phu (em rể), 大伯子đại bá tử (anh trai chồng), 小叔子tiểu thúc tử (em trai chồng), 內兄nội huynh (anh vợ), 內弟nội đệ (em trai vợ), 大姨子 đại di tử (chị vợ), 小姨子tiểu di tử (em gái vợ), 兒媳nhi tức (con dâu), 女婿nữ tế (con rể),…
Cùng một mối quan hệ, có thể có nhiều cách xưng hô khác nhau. Ví dụ như trong quan hệ hôn nhân, xưng hô giữa vợ và chồng có rất nhiều cách gọi. Chồng có thể gọi vợ là nội tử, vợ kêu chồng là ngoại tử, ý nói vợ trông nom việc nhà, chồng gánh vác việc ngoài xã hội. Xưa, trong dân gian, vợ chồng thường kêu nhau bằng chữ  hoan. Chữ hoan vốn là một tính từ có nghĩa là vui vẻ dùng làm đại từ, cũng như người Việt nói bồ, cưng, mình, anh, em,…
Ví dụ:
,
便.
,
?
 
Hoan sầu nông diệc thảm,
Lang tiếu ngã tiện hỉ.
Bất kiến liên lý thụ,
Dị căn đồng điều khởi?
(Nhạc Phủ)
Dịch nghĩa:
Mình sầu ta cũng thảm,
Mình cười ta mới vui.
(Há) chẳng thấy cây liền cành,
Khác rễ cùng nhánh mọc?
Trong bài thơ trên, ngoài chữ hoan, ta còn thấy chữ nông dùng để tự xưng mình là người đàn bà quê mùa, thường thấy trong những câu phong dao, Nhạc phủ, trái ngược với chữ hoan. Chữ lang cũng được dùng làm đại từ nhân xưng người vợ dùng để gọi chồng một cách âu yếm.
Qua việc thống kê và tìm hiểu ta thấy những danh từ thân tộc trong tiếng Hán cổ có số lượng rất lớn, có cấu trúc chặt chẽ và ổn định, phản ánh được diện mạo gia đình hết sức phong phú của dân tộc Hán. Những từ xưng hô này đã thể hiện nếp sống, tập quán và những hiện tượng văn hóa xã hội của người Trung Quốc xưa. Đặc biệt, nó phản ánh rõ nét sự phân biệt các quan hệ như thế hệ, trên- dưới, nội - ngoại, trực hệ - bàng hệ, giới tính, hôn nhân,…Tính tôn ti trật tự trong gia tộc sẽ giúp tăng cường sự đoàn kết, kỷ cương và trật tự trong gia đình, tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa các thành viên trong quan hệ gia đình, mặt khác thể hiện niềm tự hào về hạnh phúc gia đình theo quan niệm truyền thống đó là gia đình phải có con cháu đề huề, sung túc. Tuy nhiên sẽ dẫn đến mặt trái là óc gia trưởng và tính tự trị, một trong những nhược điểm của chế độ phong kiến hàng ngàn năm.
 
2. Tự ti nhi tôn nhân
Với bề dày văn hóa hàng ngàn năm, người ta gọi Trung Quốc là “Văn minh cổ quốc, lễ nghĩa chi bang” tức là nước có nền văn minh lâu đời và lễ nghĩa. Người Trung Quốc có câu Phù Lễ giảtự ti nhi tôn nhân (Lễ ký), tức là người biết lễ tự nhún mình để trọng người. Cách xưng hô của người Trung Hoa xưa không chỉ phản ánh tông pháp (hệ thống gia tộc) mà còn thể hiện tập tục, giai cấp, địa vị và danh vọng. Hệ thống xưng hô của người lớn, kẻ nhỏ, cấp trên, thuộc hạ đều khác biệt, ai cũng theo hệ thống đó chứ không thể xưng hô khác đi. Cách xưng hô cũng thể hiện tinh thần khiêm tốn và tôn trọng người khác, phải biết “tôn lão, kính hiền” (tôn trọng người lớn tuổi, kính trọng người có tài).
Xưng khiêm và hô tôn giúp tạo nên một không khí hòa nhã, hữu nghị trong giao tiếp. Từ ngữ xưng hô thể hiện tính tự ti nhi tôn nhân trong tiếng Hán cổ rất phong phú, phạm vi sử dụng cũng rất rộng rãi với tần suất sử dụng cao. Điều đó đã góp phần vào việc thiết lập tôn ti trật tự xã hội mà Nho giáo đề ra.
Trong xưng hô ngôi thứ nhất, tức tự xưng, ngoài các đại từ như 吾ngô, ngã,  ra, có rất nhiều danh từ, tính từ và quán ngữ dùng làm đại từ xưng hô. Đặc điểm chung là đều dùng để “khiêm xưng”, hạ mình thấp hơn người đối diện, mang màu sắc lễ nghĩa tôn ti. Chẳng hạn như chữ  bộc vốn nghĩa là người giúp việc, kẻ nô bộc, hèn mọn, cũng được dùng để xưng hô một cách khiêm tốn:  Bộc bất cảm đại ngôn (tôi không dám nói lớn, khoe khoang). Chữ  ngu tức ngu dốt cũng được dùng để tự xưng:  Ngu hà cảm hữu nhược vong? (kẻ ngu này là tôi làm sao dám có nguyện vọng như thế?), chữ  thiểm nghĩa là xấu hổ, không xứng đáng cũng thường dùng trong những câu xã giao rất nhũn nhặn:  Thiểm liệt môn tường (tôi lấy làm thẹn nhục đứng trong cửa ngõ bên tường nhà ngài). Khi cư tang cha mẹ, người con tự xưng là bất hiếu (không có hiếu), hay bất tiếu (chẳng giống ông cha, hèn kém, không có tài đức). Khi vua tự xưng, ngoài đại từ trẫm, còn có những tiếng thường dùng như  dư nhất nhân (tôi – một người tầm thường), dư tiểu tử (tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ, đối với các tiên vương), quả nhân (tức quả đức chi nhân- người ít đức là tôi),  (kẻ cô độc là tôi),…
Để hạ mình xuống trong giao tiếp, khi xưng hô người ta thường dùng kèm những tính từ, chẳng hạn như:
 tiện (hèn mọn): tiện nhân (tôi một kẻ hèn mọn),  tiện nữ (tôi một người con gái hèn kém), tiện nội,  tiện thất (người hèn mọn coi việc nhà, tức người vợ hèn mọn của tôi),…
 bỉ (quê mùa, thô bỉ): thường dùng trong những quán ngữ như bỉ nhân (người thô bỉ là tôi), bỉ kiến (ý kiến, kiến thức hèn mọn của tôi), bỉ ý (ý kiến thô bỉ của tôi).
 thiển (nông, cạn): như thiển kiến (kiến thức nông cạn, thiển cận của tôi), thiển văn (kiến văn nông cạn của tôi), thiển ý (ý kiến nông cạn của tôi).
 tệ (hư nát): thường thấy trong các quán ngữ:  tệ xá, tệ ốc (ngôi nhà nát, tồi tàn của tôi, dù nhà mình rất lớn), tệ quyến (gia đình tồi tàn của tôi), tệ ấp (nơi đô ấp tồi tàn của tôi – xưa các vua chư hầu thường dùng để nói khiêm về nước mình), tệ quốc,  tệ bang (nước tồi tàn của tôi – lời khiêm xưng mình với các nước khác).
tiểu (nhỏ bé): Đối với cha mẹ, đối với thầy học hoặc những người đáng kính trọng, người ta thường xưng là tiểu tử (đứa con nhỏ), tiểu đệ (đứa em nhỏ),…
chuyết (vụng về): cũng được dùng trong cách nói khiêm như chuyết bút (cán bút vụng về, văn chương hèn kém của tôi), chuyết tác (tác phẩm vụng về của tôi), chuyết kinh (người vợ cài trâm bằng gỗ kinh, người vợ vụng về của tôi), chuyết thê (người vợ vụng về, hèn kém của tôi).
Trong phép hô, để tôn xưng người khác, tức là khi dùng ở ngôi thứ hai và ngôi thứ ba trong giao tiếp, ngoài những đại từ nhân xưng thường thấy, người ta cũng dùng một vài tính từ đi kèm như 尊 tôn, quý, lệnh để tôn xưng.
Tôn (tôn trọng): 尊公tôn công (ông đáng tôn kính, tiếng tôn xưng cha của người đối thoại), 尊大人tôn đại nhân (cũng như tôn công, thân phụ của ngài), 尊堂tôn đường (tôn xưng cha mẹ người đối thoại), 尊兄tôn huynh (tôn xưng anh của người đối thoại), 尊夫人tôn phu nhân (tôn xưng vợ của người đối thoại).
Quý (sang trọng, đáng quý trọng): 貴庚quý canh (nói hoặc hỏi tuổi – niên canh của người đối thoại, tuổi của ông, của ngài), 貴弟quý đệ (em của người đối thoại), 貴兄quý huynh (anh của người đối thoại), 貴鄉quý hương (làng của ngài), 貴國quý quốc (tôn xưng nước của người đối thoại, trái với 弊國tệ quốc là nước của mình), 貴職quý chức (tôn xưng một vị quan, nếu như tự xưng thì nói là 忝職thiểm chức).
Lệnh (tốt đẹp): 令愛lệnh ái (con gái tốt, được yêu quý của ngài), 令正lệnh chính (tôn xưng vợ chính của người),  令閫lệnh khổn  (cửa buống tốt đẹp, để chỉ người vợ hiền của người, nghĩa như lệnh chính),令孫lệnh tôn (tôn xưng cháu của người), 令妹lệnh muội (tôn xưng em gái của người), 令嚴lệnh nghiêm (tôn xưng cha của người), 令堂lệnh đường hay 令母lệnh mẫu (tôn xưng mẹ của người), 令族lệnh tộc (tôn xưng họ hàng, thân tộc của người),…
Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng nguyên tắc “biếm kỷ tôn nhân” (hạ thấp mình để đề cao người khác, cũng tương tự như tự ti nhi tôn nhân) là đặc điểm lớn nhất trong phép lịch sự của người Trung Quốc, đặc biệt với Trung Quốc thời phong kiến, khi xã hội còn mang nặng tư tưởng lễ nghĩa. Nhìn từ góc độ tâm lý, các nhà tâm lý học xã hội đều cho rằng, con người hầu hết đều có lòng tự trọng. Trong quá trình giao tiếp, nếu muốn được người khác tôn trọng thì trước hết phải thể hiện mình tôn trọng người khác, muốn được người khác khen ngợi thì phải chủ động khen ngợi người khác. Mặt khác, việc biết “xưng khiêm, hô tôn” cũng thể hiện sự tu dưỡng và tính cách của con người. Văn hoá phương Đông trọng tình cảm, trọng hàm súc, nói năng phải chú ý lễ phép, chừng mực. Khiêm tốn, kính nhân đã trở thành một phẩm chất đạo đức đẹp được cả xã hội thừa nhận và tuân theo. Do đó mọi con người từ khi còn nhỏ đã được giáo dục hết sức nghiêm khắc về phương diện này, vì vậy mới có câu Tiên học lễ, hậu học văn. Thế nhưng, việc quá câu nệ quy cách xưng hô, lễ nghĩa trong nhiều hoàn cảnh sẽ khiến cho hoàn cảnh giao tiếp thiếu tính dân chủ, bình đẳng giữa những người tham gia giao tiếp. Trước đây, người Trung Quốc sử dụng rộng rãi do sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia. Những ảnh hưởng và cách xưng hô như vậy với xã hội hiện đại đã giảm dần cùng với thời gian.

3. Nam tôn nữ ti
Trong tư tưởng Nho gia thống trị Trung Quốc hàng ngàn đời, nổi lên là vấn đề ý thức, quan niệm luân lí cương thường. Các quan hệ đó được xã hội phong kiến quy định hết sức nghiêm ngặt. Nó chi phối mọi suy nghĩ, hành động, phương thức sống của dân tộc Trung Hoa. Từ quan niệm về vũ trụ, trời cao đất thấp, người Trung Quốc đã vận dụng cách nhìn nhận đó vào việc hình thành một nhân sinh quan mang màu sắc phong kiến rõ nét. Xuất phát từ quan điểm thiên tôn địa ti (trời cao đất thấp) người Trung Quốc đã cho rằng quan hệ nhân sinh cũng thống nhất với quan niệm vũ trụ. Nam giới là tượng dương, ánh sáng, điều tốt đẹp, nữ giới là tượng âm, bóng tối, điều xấu xa. Nho giáo cho rằng nam tôn nữ ti là điều hiển nhiên. Trong quan niệm về nam và nữ trong xã hội, nam giới bao giờ cũng được đề cao, còn nữ giới bị coi nhẹ.
Trong số các chữ Hán có bộ 女nữ tạo thành, không ít những chữ mang nghĩa xấu như 奸gian (gian dối), 妒đố (ghét), 嫌hiềm (chê bai), 妄võng (bừa bãi), 婪lam (tham),… Như vậy, nữ giới bị đánh đồng với kẻ tiểu nhân và sự xấu xa, hèn kém, dơ bẩn. Tuy nhiên cũng không ít chữ có bộ nữ lại là những tính từ chỉ vẻ đẹp đẽ, diệu hiền như 姿 (dáng dấp thùy mị), 娟quyên (xinh đẹp), 嬌kiều (mềm mại đáng yêu, xưa gọi con gái xinh đẹp là A kiềutiểu kiều), 妙diệu (khéo léo), 媚mị (tươi đẹp),…Nhiều người cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là do thời gian ra đời của các chữ ấy khác nhau. Những chữ có bộ nữ chỉ những điều tốt đẹp có thể ra đời khi xã hội còn trong chế độ mẫu hệ, người phụ nữ nắm quyền. Còn những chữ có bộ nữ chỉ thứ xấu xa dơ bẩn có lẽ ra đời trong chế độ phụ hệ, xã hội phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi thường phụ nữ nên gán bộ nữ vào những chữ chỉ thói xấu của con người. Khảo sát về bộ nữ, bài viết Từ một số chữ có bộ nữ nhìn nhận phong tục cưới xin thời cổ đại của dân tộc Hán của Lưu Chí Cơ đã căn cứ trên tài liệu là một nhóm chữ có bộ nữ để khảo sát tục lệ cưới xin thời cổ đại của dân tộc Hán, kết quả cho thấy bộ nữ có liên quan đến bốn phương diện: hiện tượng quần hôn thời nguyên thủy, cướp hôn, mua bán hôn nhân và sự phân biệt cao thấp trong quan hệ hôn nhân, các chữ có chứa bộ nữ liên quan đến hôn nhân như 妻thê (vợ cả), 妾thiếp (vợ lẽ), 婚hôn (bố vợ), 姻nhân (bố chồng), 娶thú (lấy vợ), 嫁giá (lấy chồng), 媒 môi (làm mối cho hai họ kết thông gia với nhau),…
Về trật tự từ xưng hô, từ xưng hô chỉ nam giới thường đứng trước, còn từ xưng hô cho nữ giới thì ngược lại. Và đặc điểm của tiếng Hán là 前為尊后為卑tiền vi tôn hậu vi ti (trước cao, sau thấp): 君臣 quân thần (vua tôi), 父子 phụ tử (cha con), 夫妻 phu thê (chồng vợ), 兄弟 huynh đệ (anh em), 妣妹tỉ muội (chị em),…nếu như đổi lại trật tự thì người ta không thể chấp nhận được. Hai từ xưng hô thân thuộc ghép lại, trong điều kiện giống nhau, thì thường ngữ tố xưng hô cho nam giới luôn đứng trước ngữ tố xưng hô cho nữ giới: 父母phụ mẫu (cha mẹ),公婆công bà (ông bà), 夫妻phu thê (chồng vợ), 兄嫂huynh tẩu (anh trai, chị dâu), 哥姐ca thư (anh trai, chị gái), 弟妹 đệ muội (em trai, em gái) …và cũng không nói ngược lại.
嫁出門的姑娘,泼出去的水 giá xuất môn đích cô nương, ba xuất khứ đích thủy (cô gái đã đi lấy chồng như nước bị trào ra), người Trung Quốc xưa quan niệm như vậy cho nên nữ giới sau khi kết thôn thường phải đổi thành họ của chồng và xưng hô theo thân phận của người chồng. Ví dụ như khi người ta gọi李先生Lý tiên sinh (ông Lý) thì chắc chắn ông ấy là họ Lý, nhưng nếu gọi李太太Lý thái thái (bà Lý) thì chưa chắc bà ấy họ Lý. Bà ấy có họ của mình nhưng mọi người không hay gọi, mà lại gọi bà ấy theo họ của chồng. Những từ ngữ xưng hô này đã chứng minh cho địa vị phụ thuộc của người phụ nữ.
Phân tích từ xưng hô giữa vợ và chồng, chúng ta cũng thấy sự có mặt của tư tưởng nam tôn nữ ti. Thời xưa, vợ gọi chồng bằng những từ xưng hô tôn kính: 官人quan nhân, 堂家đường gia (trụ cột trong nhà), 相公tướng công, 老爷lão gia. Nhưng khi chồng giới thiệu vợ lại dùng những từ xưng hô khá khiêm tốn: 堂客 đường khách (đường là nơi lập bài vị, thờ cúng tổ tiên và cũng là nơi trong nhà quyết định chuyện lớn, nhưng vì vợ là người ngoài, họ ngoài, không cùng tổ tiên, nên gọi là “đường khách”, nếu không đã gọi là 堂主 đường chủ), hoặc xưng hô là 内子nội tử (người chăm lo việc trong nhà), tiện nhân (người vợ hèn mọn) , tiện nội,  tiện thất (người hèn mọn coi việc nhà, tức người vợ hèn mọn của tôi) 愚妻ngu thê (vợ đần), chuyết kinh (người vợ cài trâm bằng gỗ kinh, người vợ vụng về của tôi), 妻 chuyết thê (người vợ vụng về, hèn kém của tôi),…
Cách xưng hô với bố mẹ vợ cũng mang nhiều ý nghĩa thú vị. Chữ岳 nhạc nghĩa là núi cao. Ở Trung Quốc, dãy núi lớn phía đông là 東岳Đông Nhạc hay còn gọi là Thái Sơn. Dãy Thái Sơn có ngọn núi cao nhất gọi là 丈人峰Trượng Nhân Phong. Vì chàng rể tôn kính cha vợ, nên cha vợ được tôn xưng là 岳父nhạc phụ, 岳公nhạc công hay 丈人trượng nhân, 岳丈nhạc trượng. Mẹ vợ gọi là 岳母nhạc mẫu hay Thái thủy (nước nguồn sông Thái). Nhưng cũng có khi cha mẹ vợ còn được gọi với ý châm biếm là 癡聾翁si lung ông, 癡聾婆si lung bà (ông si ngốc và điếc, bà si ngốc và điếc). Phương ngôn Trung Hoa có câu: “Bất si bất lung, bất tác gia ông” (chẳng ngu chẳng điếc, thì chẳng làm được bố vợ). Cũng giống như từ xưng hô trên, câu phương ngôn có ý chế giễu cha mẹ vợ, hoặc chê trách không khéo dạy con gái. Phương ngôn ta cũng nói: “Bố vợ là vớ cọc chèo, mẹ vợ là bèo trôi sông, chàng rể là ông Ba Vì”.
Do lễ giáo phong kiến có ảnh hưởng sâu sắc đến những quan niệm xã hội của người Trung Quốc xưa nên vị thế của người vợ trong gia đình nói riêng và vị thế của người phụ nữ trong xã hội nói chung đều rất hèn kém. Điều đó đã thể hiện rất rõ qua những từ xưng hô “lép vế” của người phụ nữ. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ý nghĩa và quan niệm kỳ thị vốn có trước đây sẽ dần dần mất đi. Và cái gọi là ngôn ngữ kỳ thị đối với phụ nữ cũng sẽ dần dần không còn chỗ đứng trong xã hội.
Một vài kết quả khảo sát về từ xưng hô đã cho thấy xưng hô chính là tấm gương phản chiếu quan hệ xã hội, tâm lý xã hội. Hơn hai ngàn năm chế độ phong kiến, chiếm gần một nửa chặng đường lịch sử dân tộc đã để lại cho Trung Quốc một di sản văn hóa quý báu. Đó là ý thức tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên và chiếm lĩnh không ngừng những đỉnh cao của trí tuệ loài người. Nền văn hóa ấy mang đậm màu sắc Nho gia với quan niệm về luân lí, về tôn ti, trật tự xã hội. Tính chất tôn ti trật tự trong xã hội được quy định rất nghiêm ngặt ấy đã hình thành nên một trong những điểm mấu chốt của hệ tư tưởng truyền thống Trung Hoa. Một mặt, nó giúp tăng cường sự đoàn kết dòng tộc,  dân tộc, khuôn khổ con người lại trong vòng kiềm tỏa của lễ, mục đích là làm giảm bớt sự vô lễ vốn là nguồn gốc của loạn trong xã hội. Tuy vậy, nó cũng tạo nên nhiều hệ quả xấu. Nó tạo nên sư bất bình đẳng trong quan hệ giữa người với người, sự khác biệt trong phân công lao động xã hội giữa nam và nữa, nó là đầu mối hình thành tính gia trưởng và tư tưởng tự trị trong gia đình,… Đó là những là điều thường thấy trong xã hội Trung Quốc xưa. Như trong tác phẩm “Người Trung Quốc xấu xí” của tác giả Bá Dương từng nói đến, những tập tục, thói quen xấu, những truyền thống văn hóa nặng nề ấy giống như là cái “hũ tương văn hóa” sẽ làm trì trệ sự phát triển xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phạm Ngọc Hàm (2008), Từ ngữ xưng hô trong tiếng Hán so sánh với tiếng Việt, NXB ĐHQG HN.
  2. Phạm Tất Đắc (1996), Văn pháp chữ Hán – cổ Hán văn, NXB KHXH HN.
  3. Đinh Trọng Thanh (2005), Giáo trình ngữ pháp Hán ngữ cổ đại, NXB ĐHQG HN.
Bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Cán bộ trẻ các trường Đại học Sư phạm toàn quốc lần thứ V – 2015
0969889270 0912944324