Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

SỰ TÌNH THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT

TS. Đỗ Thị Hiên


 1. Khái niệm sự tình thời tiết
            Khi nói (viết) ra một câu là người nói (viết) thường đề cập đến một sự tình nào đó. Sự tình này có thể thuộc thế giới vật chất hoặc thế giới tinh thần của con người. Và theo Halliday “có một thành phần thứ ba phải bổ sung thêm trước khi chúng trở thành mô hình lí thuyết kinh nghiệm hiển ngôn.[...]. Chúng tôi gọi chúng là quá trình quan hệ.” [1, tr. 206]
            Như vậy, theo Halliday,  có ba kiểu quá trình chính:
            - Các sự tình thuộc về vật chất.
            - Các sự tình thuộc về tinh thần.
            - Các sự tình thuộc về quan hệ.
            Theo quan điểm của chúng tôi, sự tình thời tiết có thể được hiểu là sự tình biểu thị sự vận động, biến chuyển hoặc các đặc tính của thời tiết trong đó bao gồm các yếu tố của thời tiết và các hiện tượng thời tiết.
            2. Đặc trưng của sự tình thời tiết
            2.1. Sự tình thời tiết trong hệ thống các quá trình chuyển tác của M.K. Halliday
            Sự tình thời tiết cũng được M.K. Halliday xem xét và bàn luận đến trong cuốn Dẫn luận Ngữ pháp chức năng. Theo Halliday, sự tình thời tiết là một “phạm trù đặc biệt” nằm trên “đường ranh giới giữa quá trình hiện hữu và quá trình vật chất” mà ông gọi là “các quá trình khí tượng” (Meteorological processes). Từ đó, Halliday giải thích và phân loại sự tình thời tiết như sau:
            - Một số quá trình được giải thích theo góc độ hiện hữu
            Ví dụ: There was a storm. (Có một trận bão) [1, tr. 257]
            Hiện tượng này cũng xuất hiện trong tiếng Việt. Ví dụ:
            (1) Chỉ có gió. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
            (2) Ở Nhã Nam, tháng tư, có mưa. (Nguyễn Huy Thiệp)                       
            - Một số quá trình được giải thích như là các cú quan hệ định tính
            Ví dụ: It’s foggy/humid. (Trời có sương/nắng) [1, tr. 257]
            Ở đây từ “it” có thể giải thích như là Đương thể, bởi vì nó có thể thay thế cho “thời tiết”, “trời” hay phần của ngày. [1, tr. 257]
            Hiện tượng này cũng có trong tiếng Việt. Ví dụ:
            (3) Trời hôm nay có giông chiều nhưng không mưa. (Nhiều tác giả)
            (4) Chiều mùa hạ hay có những cơn giông đột ngột. (Nhiều tác giả)
            - Một số quá trình được giải thích như là các hiện tượng vật chất
            Ví dụ: The wind’s blowing. (Gió đang thổi) [1, tr. 257]
            Hiện tượng này xuất hiện nhiều nhất trong tiếng Việt. Ví dụ:
            (5) Nắng vàng chảy mênh mang. (Nguyên Hồng)
            (6) Mưa càng đổ xuống dữ dội. (Nguyễn Đình Thi)
            Như vậy, theo Halliday, sự tình thời tiết trong tiếng Việt có thể được giải quyết như quá trình hiện hữu, cú quan hệ định tính hoặc sự kiện vật chất. Tuy nhiên, khi xem xét sự tình thời tiết trong tiếng Việt, chúng tôi nghiêng về việc xem xét nó như một quá trình vật chất vì loại này xuất hiện nhiều nhất trong tiếng Việt.
            2.2. Sự tình thời tiết theo hai thông số trong quan niệm của S.C. Dik
            2.2.1. Đặc trưng [- Chủ ý] của sự tình thời tiết
            Nếu sự phân biệt trên chiều [+ Động] có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt tất cả các động vật thì sự phân biệt [+ Chủ ý] lại đặc biệt quan trọng đối với con người vì nó gắn với khái niệm “trách nhiệm”, chi phối các mối quan hệ hàng ngày trong xã hội.
            Giống như đặc trưng [+ Động], đặc trưng [- Chủ ý] cũng là một tiêu chí thuộc về nội dung ý nghĩa của sự tình. Trong tiếng Việt, nó cũng được biểu hiện ra bằng những dấu hiệu hình thức khác nhau như: số lượng diễn trị, khả năng không kết hợp được với các từ tình thái bao hàm ý nghĩa [+ Chủ ý], khả năng không xuất hiện cùng các vai nghĩa phương tiện, kẻ hưởng lợi,... trong sự tình.
a. Trong tiếng Việt, biểu hiện đầu tiên cho đặc trưng [- Chủ ý] của sự tình thời tiết là sự tình thời tiết có thể biểu hiện không cần sự hiện diện của diễn tố nào.
            Những vị từ không cần một diễn tố (tham tố bắt buộc) nào - những vị từ vô trị - thì mang tính [- Chủ ý]. Vì sự [+ Chủ ý] tiền giả định một chủ thể: ít nhất phải có một chủ thể có cái chủ ý đó, chứ nếu không thì không có một sự chủ ý nào hết.
            Như vậy, theo tiêu chí này thì sự tình thời tiết trong tiếng Việt là sự tình mang tính [- Chủ ý]. Vì sự tình thời tiết có thể được diễn tả bằng vị tố mà không cần diễn tố nào đi kèm. Ví dụ:
            (7)  Sắp mưa rồi. (Nhiều tác giả)
            (8) Cuối thu, hơi se se lạnh. (Lê Minh Khuê)     
            b. Trong tiếng Việt, biểu hiện rõ nhất cho đặc trưng [- chủ ý] của sự tình thời tiết là: khi được biểu hiện trong câu, nó thường không có khả năng kết hợp được với các từ tình thái bao hàm ý [+ chủ ý] như cố, gắng, cố gắng, đành, toan, hứa, dám... Trong tiếng Vệt không thể nói được những cách nói sau đây:
            (9) Trời định mưa.*
            (10) Gió dám thổi từng làn dài.*
             Tác giả Nguyễn Thị Quy lí giải cho vấn đề này như sau: “Nghĩa [- Chủ ý] của vị từ hạt nhân chứa đựng ngay trong cái nghĩa của các vị từ tình thái này, mà phần lớn biểu thị những hoạt động của ý chí, của ý thức trong khi toan tính làm một việc gì. Một quá trình xảy ra không có sự chủ ý của chủ thể không thể được chủ thể toan tính như vậy” [4, tr. 78]
            Trong ngữ liệu của chúng tôi cũng không có trường hợp nào câu biểu hiện sự tình thời tiết có các từ tình thái bao hàm ý [+ chủ ý] nói trên.
            Tuy nhiên, trong thực tế giao tiếp, đôi khi chúng ta có thể gặp những câu như “Trời muốn mưa”. Tuy nhiên, “muốn” ở đây không biểu thị nét [+ chủ ý] mà biểu thị ý nghĩa tình thái: người nói cho rằng có thể trời sẽ mưa (nghĩa là phán đoán chưa chắc chắn về sự tình thời tiết “Trời mưa”).
            c. Dấu hiệu thứ ba giúp chúng ta khẳng định đặc trưng [- Chủ ý] của sự tình thời tiết là sự tình thời tiết không chấp nhận cấu trúc cầu khiến. Vì “người ta chỉ có thể yêu cầu hay sai khiến một người hay một động vật (hay một thần linh) làm một việc có chủ ý, nghĩa là làm một việc mà chủ thể có thể tự điều khiển mình làm được” [4, tr. 80]. Cho nên, là một sự tình không có thực thể nào có thể điều khiển thì việc không chấp nhận cấu trúc cầu khiến ở sự tình thời tiết là điều hiển nhiên.
            Các vị từ cầu khiến gồm có những vị từ chuyên biệt như: mời, sai, cho phép, thỉnh cầu, ra lệnh... Hầu hết các sự tình thời tiết không thể đặt trong cấu trúc cầu khiến: C – V – STTT (C: Chủ thể cầu khiến, V: Vị tố cầu khiến, STTT: Sự tình thời tiết). Ví dụ: (1) Tôi sai trời mưa. *
            Tuy nhiên, trong tiếng Việt lại có những hiện tượng như: Chúng con cầu xin trời mưa.
            Đối với ví dụ trên, lúc này, tham thể “trời” không còn mang nghĩa là “thời tiết, khí hậu” nữa mà nghĩa của “trời” ở đây mang nghĩa là “vị thần lớn nhất tạo ra muôn loài và định số phận mỗi sinh vật” [2, tr. 1103]. Như vậy, “trời” ở đây có thể “điểu khiển”, “chịu trách nhiệm” về sự tình. Ví dụ trên có thể được nói một cách chính xác hơn : “Chúng con cầu trời cho mưa xuống”.
            Trong dân gian, người Việt quan niệm rằng “Con cóc là cậu ông Trời”. “Ông Trời” ở đây không phải chỉ “khí hậu, thời tiết” nữa mà là “vị thần lớn nhất tạo ra muôn loài và quy định số phận mỗi sinh vật” [2, tr. 1103].  Do đó, đôi khi có thể bắt gặp câu nói “Cóc bảo Trời mưa xuống !”.
            d. Dấu hiệu hình thức thứ ba cho thấy đặc trưng [- Chủ ý] của các sự tình thời tiết là sự tình thời tiết không chấp nhận sự hiện diện của vai nghĩa kẻ hưởng lợi trong sự tình.
            Kẻ hưởng lợi là vai nghĩa của những thực thể được hưởng kết quả của hành động có mục đích nhằm làm hộ, làm giùm, làm giúp, làm cho... một đối tượng nào đó. Làm hộ, làm giùm, làm giúp, làm cho ai một việc gì bao hàm ý định giúp đỡ người ấy, làm thay cho người ấy vì người ấy không làm được... Một hành động có mục đích như thế chỉ có thể là chủ ý, và cái ý định giúp đỡ kia chỉ có thể có, khi việc sắp làm là một hành động có chủ ý. Như vậy, kẻ hưởng lợi chỉ xuất hiện trong các sự tình có đặc trưng [+ Chủ ý], còn trong các sự tình mang tính [- Chủ ý] không xuất hiện vai nghĩa này. Ví dụ không thể nói:
            (11) Tuyết đã thôi rơi hộ anh.*
            (12) Trời đang mưa to giùm cô ấy. *
            Như vậy, việc khộng chấp nhận sự tồn tại của vai nghĩa này trong sự tình thời tiết đã thể hiện đặc tính [- chủ ý] của sự tình thời tiết.
            e. Không chấp nhận sự xuất hiện của vai nghĩa chỉ mục đích cũng là một dấu hiệu cho thất đặc trưng [- chủ ý] của sự tình thời tiết.
            Bổ ngữ chỉ mục đích là một hệ luận tất nhiên của sự tình mang tính [+ chủ ý]: chỉ có một hoạt động có chủ ý mới có thể nhằm mục đích gì. Như vậy có nghĩa nếu sự tình không chấp nhận sự hiện diện của vai nghĩa này thì sẽ mang tính [- chủ ý]. Trong tiếng Việt sẽ không chấp nhận những cách nói sau đây:
            Ví dụ: Trời nắng cho quần áo chóng khô.*
            2.2.2. Đặc trưng [+ động]
            Như đã trình bày, sự tình thời tiết chia thành các dạng khác nhau với các loại vị tố trung tâm khác nhau do đó đặc trưng [+ Động] cũng sẽ được xem xét khác nhau ở từng loại.
            2.2.2.1. Đặc trưng [+ động] của loại sự tình thời tiết có vị tố biểu thị sự vân động, biến chuyển của thời tiết.
            Như đã biết, tiêu chí [+ động] là một trong hai tiêu chí quan trọng nhất được Dik đưa ra nhằm xác định và phân loại các loại sự tình. Với Dik, tiêu chí [+ động] được định tính trong mối quan hệ với khái niệm biến đổi. Một sự tình [+ động] là một sự tình bao hàm trong nó một sự biến đổi nào đó. Do đó các sự tình [+ động] được ông gọi là các biến cố, còn các sự tình [- động] là tình thế.
            Đặc trưng [+ động] đã được các nhà Việt ngữ học đánh giá cao và nhanh chóng được áp dụng vào việc xác định, phân loại các sự tình trong tiếng Việt. Các sự tình thời tiết biểu thị các hiện tượng thời tiết mà có tên các hiện tượng thời tiết làm vị tố hoặc tham thể cho nên ở loại này các sự tình thời tiết mang tính [+ động].
            Kết quả khảo sát cho thấy, đặc trưng [+ động] của sự tình thời tiết có những biểu hiện cụ thể sau:
            - Thứ nhất, trong các câu biểu thị sự tình thời tiết có thể chấp nhận sự có mặt của các từ có ý nghĩa tình thái như: bèn, bỗng, đột nhiên, vụt, từ từ, nhanh, chậm... Ví dụ:
            (13) Trời thoắt nắngthoắt mưa. (Tống Ngọc Hân)
            (14) Trời bỗng nhiên đổ một trận mưa lớn. (Nguyễn Thị Thanh Hương)
            (15) Chiều, một cơn mưa bất ngờ ập đến.
            - Thứ hai, sự tình thời tiết có khả năng kết hợp dễ dàng với các từ chỉ âm thanh như: bốp, chát, vi vu, lộp bộp, lanh canh... Ví dụ:
            (16) Gió quét rào rào qua thung lũng. (Nhiều tacr giả)
            (17) Mưa lanh canh trên mái ngói. (Lê Minh Khuê)
            (18) Mưa Sài Gòn đổ ầm ầm xuống mái phố. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
            - Thứ ba, hình thức phủ định thường là sử dụng các từ phủ định đơn như: không, chưa, chẳng. Ví dụ:
            (19) Thành phố Hồ Chí Minh đêm không mưa, ngày nắng nóng. (Nguồn internet)
            Như vậy, với các dấu hiệu trên đây có thể khẳng định có một loại sự tình biểu thị các hiện tượng thời tiết mang đặc trưng [+ động]
            2.2.2.2. Đặc trưng [- động] của loại sự tình thời tiết có vị tố biểu thị các đặc tính của thời tiết
            Thời tiết là sự tình phức tạp gồm nhiều yếu tố. Do đó việc biểu thị sự tình thời tiết cũng đa dạng. Tùy theo từng kiểu loại, tùy theo yếu tố thời tiết thì sự tình thời tiết lại được biểu thị bầng những cách khác nhau. Nếu như khi biểu thị các hiện tượng của thời tiết, sự tình thời tiết mang đặc trưng [+ động] thì khi biểu thị các đặc điểm, đặc tính của thời tiết thì sự tình thời tiết lại mang đặc trưng [- động].
            Kết quả khảo sát cho thấy, đặc trưng [- động] của sự tình có vị tố biểu thị các đặc tính của thời tiết có những biểu thiện cụ thể sau:
            - Thứ nhất, trong câu biểu thị các đặc tính của thời tiết không thể xuất hiện các từ có ý nghĩa tốc độ như: suýt, vụt, nhanh, chậm, thoăn thoắt, vội vàng... Chẳng hạn chúng ta không thể nói: Trời hôm nay bèn mát dịu. *
            Trong ngữ liệu chúng tôi thống kê và khảo sát không có trường hợp này.
            - Thứ hai, là một sự tình [- động], sự tình biểu thị đặc tính của thời tiết thường không có khả năng kết hợp với các từ chỉ âm thanh, đặc biệt là các từ tượng thanh như: bốp, chát, vút, rì rầm, lanh canh... Trong tiếng Việt không có cách nói sau đây:
            (20) Hôm nay, thời tiết xoảng cái mát mẻ.*
            (21) Trời rì rầm se se lạnh.*
            - Thứ ba, đặc trưng động liên quan đến sự biến đổi nên vị tố thể hiện sự tình [+ động] có thể sử dụng hình thức lặp đi lặp lại như: nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại..., còn sự tình [- động] thì không có khả năng này. Do đó chúng ta không thể nói:
            (22) Trời mát mẻ đi mát mẻ lại.*
            (23) Thời tiết oi bức đi oi bức lại.*           
            3. Phân loại sự tình thời tiết
            Có thể nói sự tình thời tiết là loại sự tình đặc biệt, không giống với các loại sự tình khác. Đó là khi thể hiện bằng ngôn ngữ, phần lớn các từ biểu thị các hiện tượng thời tiết có thể được xem xét như là một danh từ (hiện tượng) cũng có thể được xem xét như một vị từ (quá trình hoặc đặc điểm, tính chất). Hơn thế nữa, các yếu tố thuộc thời tiết là vô cùng đa dạng đã làm cho sự tình này xuất hiện với nhiều hình thức phức tạp. Điều đó đã khiến sự tình thời tiết rất khó nắm bắt. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể phân loại một cách khái quát, một cách tương đối các loại sự tình thời tiết dựa vào đặc trưng [+ động] hay [- động] của vị tố trung tâm:
            - Loại I: Vị tố là quá trình vận động, biến chuyển của thời tiết. Loại này mang đặc trưng [+động]. Có thể có hai dạng xuất hiện sau:
            + Dạng 1: Vị tố trung tâm xuất hiện một mình không cần tham thể đi kèm. Ví dụ:
            (24) Động đất. (Trần Thị Trường)
            (25) Nắng. (Nhiều tác giả)
            (26) Bão! (Nhiều tác giả)
            + Dạng 2: Vị tố xuất hiện với một tham thể đi kèm. Ví dụ:
            (27) Trời thoắt nắng, thoắt mưa. (Tống Ngọc Hân)       
                TT              VT1            VT2   (TT: tham thể; VT: vị tố)
            (28) Nhiệt độ tăng nhanh. (Nguồn internet)
                    TT      VT
            (29) Mưa vẫn rơi ồn ã và tất bật. (Nhiều tác giả)
                  TT         VT
            - Loại II: Vị tố là đặc tính của thời tiết. Loại này mang đặc trưng [- động]. Có thể có hai dạng xuất hiện sau:
            + Dạng 1: Vị tố trung tâm xuất hiện một mình không cần tham thể đi kèm. Ví dụ: (30) Cuối thu, hơi se se lạnh(Lê Minh Khuê)
                                              VT
            (31) Nắng quá! (Nguyễn Đình Thi)
                VT
            + Dạng 2: Vị tố xuất hiện với một tham thể đi kèm. Ví dụ:
            (32) Trời se lạnh. (Nhiều tác giả)
                 TT       VT
            (33) Trời hôm nay mát dịu. (Lê Minh Khuê)
                  TT                     VT
            4. Các thành tố trong sự tình thời tiết
            4.1. Vị tố
            Thời tiết là hiện tượng bao gồm nhiều yếu tố và nhiều hiện tượng cấu thành do đó vị tố trong sự tình thời tiết cũng phong phú và đa dạng hơn so với các loại sự tình khác.
            Vị tố thời tiết là các quá trình thời tiết hoặc đặc điểm, tính chất của các yếu tố thời tiết. Có các nhóm sau đây:
            4.1.1. Vị tố thời tiết là quá trình thời tiết.
            Đối với các trường hợp này có thể có hai trường hợp sau:
            - Vị tố chính là tên các hiện tượng thời tiết. Do đó, chúng là các hiện tượng thời tiết xảy ra. Loại vị tố này mang đặc trưng [+ động] và [- chủ ý]. Đối với loại vị tố này, chúng thường đi kèm với tham thể “trời” hoặc có thể không cần tham thể đi kèm. Vì như đã trình bày, tham thể “trời” chỉ là do quy ước của mỗi dân tộc chứ nó không phải là quá thể của các quá trình được thể hiện ở vị tố. Trong tiếng Việt có các vị tố về quá trình thời tiết cơ bản sau: nắng, mưa, giông, bão, gió, động đất, hạn hán. Ví dụ:
            (34) Hôm ấy, trời  mưa. (Nhiều tác giả)
            (35) Ngoài vườn, trời vẫn nắng. (Thạch Lam)
            (36) Gió hun hút. (Nguyên Hồng)
            (37) Động đất. (Trần Thị Trường)
            - Vị tố là quá trình vận động của các yếu tố, hiện tượng thời tiết
            Loại vị tố này thường đi kèm một tham thể. Tham thể này là các yếu tố hay hiện tượng thời tiết. Loại vị tố này mang đặc trưng [+ động] và [ - chủ ý]. Lúc này, các hiện tượng thời tiết đóng vai trò là các tham thể cơ sở. Các từ thường xuất hiện làm vị tố như: thổi, lùa, rơi, đổ, bay, trút xuống, thoảng tới, nổi lên, thốc, buông, chiếu, sà xuống, rơi, bay bay, quất, gào rú, tạnh, dứt, ùn lên... Ví dụ:
            (38) Gió thổi mạnh hơn. (Nguyên Hồng)
            (39) Mây đen nổi lên ùn ùn. (Triệu Hồng)
            (40) Một cơn gió thoảng tới. (Nhiều tác giả)
            4.1.2. Vị tố thời tiết là các đặc tính của thời tiết.
            Loại vị tố này là các đặc điểm, tính chất của thời tiết và các hiện tượng, yếu tố của thời tiết. Loại vị tố này mang đặc trưng [- động] và [- chủ ý]. Trong tiếng Việt, loại vị tố này khá phong phú đa dạng, gồm những trường hợp chủ yếu sau:
            + Đặc tính của thời tiết: nóng, lạnh, giá buốt, se se, mát dịu, rét, oi nồng, oi ả, nóng nực, hanh khô, ấm áp, lành lạnh, lạnh buốtse lạnhẩm ướt, hiu hiu,... Ví dụ:
            (41) Trời lành lạnh. (Nam Cao)
            (42) Một buổi chiều trở gió, trời chóng tối và lạnh ngắt. (Nguyên Hồng)
            (43) Trời se se. (Ngô Tất Tố)
            + Đặc tính của các hiện tượng, các yếu tố thời tiết: lạnh, mát rượi, dữ dằn, hoe vàng, dày đặc, xối xả, dai dẳng, ảo não,... Ví dụ:
            (44) Gió mát rượi. (Sĩ Hồng)
            (45) Cơn mưa lúc mười giờ mới thật dữ dằn. (Nhiều tác giả)
            (46) Bây giờ đã đầu tháng mười, mưa thu mờ mịt. (Nhiều tác giả)
            Đối với loại này, vị tố trung tâm thường do các tính từ chỉ đặc điểm, tính chất đảm nhiệm. Nhưng những tính từ này nhằm biểu thị tính chất của thời tiết nên chúng tôi cho rằng đó cũng là những vị từ thời tiết. Loại vị tố này có thể đi kèm với tham thể “trời” hoặc “thời tiết” và cũng có thể không cần tham thể đi kèm.   
            4.2. Tham thể cơ sở
            Tham thể cơ sở đang được xét ở đây là tham thể bắt buộc (diễn tố), do vị tố trung tâm đòi hỏi. Đây là tham thể cơ sở duy nhất trong sự tình thời tiết, tham thể này được tác giải Cao Xuân Hạo gọi là động thể hay quá thể.
            4.2.1. Tham thể cơ sở của s tình thời tiết là một thực thể siêu nhiên
            Loại tham thể này xuất hiện khá phổ biến trong sự tình thời tiết với các dạng xuất hiện: trời, giời, tiết trời, thời tiết, bầu trời. Ví dụ:
            (47) Trời vẫn mưa lớn. (Nhiều tác giả)
            (48) Sáng nay, trời trở gió. (Lê Minh Khuê)
            (49) Tết năm ấy, trời rét đậm. (Nhiều tác giả)
            4.2.2. Tham thể cơ sở của sự tình thời tiết là những hiện tượng thời tiết.
            Các hiện tượng thời tiết có thể đứng ở nhiều vị trí với những chức năng khác nhau. Khi nó làm vị tố thời tiết thì nó đóng vai trò làm thành tố trung tâm biểu thị sự tình. Khi nó làm tham thể thì nó đóng vai trò là một vai nghĩa cùng với vị tố biểu thị sự tình. Khảo sát trong câu tiếng Việt, chúng tôi thấy có những hiện tượng thời tiết có thể làm tham thể như:
            + Tham thể mưa và các biến thể của mưa như: hạt mưagiọt mưa, cơn mưa, trận mưa, nước mưa..., hoặc các loại mưa như: mưa phùn, mưa rào, mưa xuân, mưa ngâu, mưa rừng, mưa đá... Ví dụ:
            (50) Mưa vẫn lắc rắc một cách dai dẳng. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
            (51) Mưa bụi bay bay. (Trần Thị Trường)
            (52) Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. (Nguyễn Huy Thiệp)
            + Tham thể gió với các biến thể như cơn gió, trận gió, làn gió, ngọn gió, luồng gió, gió xuân, gió bấc... Ví dụ:
            (53) Gió thổi miên man bên tai như một lời ca êm đềm. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
            (54) Một cơn gió thốc qua. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
            (55) Gió xuân hây hẩy, tươi trẻ tràn vào tràn vào cửa sổ mặc sức đùa giỡn với nắng. (Tống Ngọc Hân)  
            + Tham thể nắng với các biến thể như: tia nắng, ánh nắng, nắng xuân, nắng chiều, nắng chót,... Ví dụ:
            (57) Nắng gắt trải dài trên những lối đi. (Nhiều tác giả)
            (58) Những tia nắng đầu tiên bắt đầu le lói trên bầu trời. (Nhiều tác giả)
            (59) Ánh nắng cuối cùng trên cánh đồng vừa tan biến. (Nhiều tác giả)
            + Tham thể sương với các biến thể như: làn sương, dải sương, sương mù... Ví dụ:
            (60) Sương mù dày đặc. (Tống Ngọc Hân)
            (61) Một dải sương tím sà xuống trên những luống cỏ. (Nguyễn Minh Châu)
            (62) Sương mù quấn lấy cả tàu. (Nguyên Hồng)
            + Tham thể mây với các biến thể: đám mây, mây đen, tảng mây. Ví dụ:
            (63) Mùa thu, mây kéo rê từng tảng, bay qua phố, rơi xuống mỗi mái nhà một làn hơi ẩm. (Nguyễn Thị Thanh Hương)
            (64) Mây đen nổi lên ùn ùn. (Triệu Hồng)
            (65) Trên cao, những đám mây trắng xốp vừa tan ra, nắng lại bừng lên tưới xuống ào ào. (Nhiều tác giả)
            + Tham thể tuyết. Ví dụ:
            (66) Mùa đông năm ấy, tuyết lại rơi. (Tống Ngọc Hân)
            (67) Chao ôi, tuyết đang bay rợp trời. (Tống Ngọc Hân)
            (68) Tuyết đã thôi rơi. (Tống Ngọc Hân)
            + Tham thể sấm, sét, chớp. Ví dụ:
            (69) Chớp sáng bỗng vụt lên... (Nguyên Hồng)
            (70) Sấm nổ vang rền. (Nguyễn Thị Thanh Hương)
            (71) Mưa lớn và sấm chớp sáng lòe trên những cánh đồng miền Nam. [3, tr. 406]
            + Tham thể giông, bão, lũ với những biến thể như: cơn bão, trận bão, cơn giông... Ví dụ:
            (72) Bão tan. (Nhiều tác giả)
            (73) Cơn bão thực sự đã đến. (Nhiều tác giả)
            (74) Cơn giông mỗi lúc một vần vũ. (Nguyễn Minh Châu)
            4.2.3. Tham thể cơ sở là các yếu tố của thời tiết
            Thời tiết là hiện tượng được tạo thành bởi nhiều yếu tố như: nhiệt độ, độ ẩm, không khí... Các yếu tố đó cũng có thể xuất hiện làm tham thể để biểu thị sự tình thời tiết. Ví dụ:
            (75) Không khí lạnh. (Nhiều tác giả)
            (76) Gần sáng, nhiệt độ giảm chút ít. (Nhiều tác giả)
            Mặt trời chắc đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. (Nam Cao)
            Qua việc khảo sát các ngữ liệu tiếng Việt, chúng ta có thể nhận thấy các hiện tượng thời tiết xuất hiện làm tham thể cho sự tình thời tiết khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên về tần số xuất hiện thì có sự khác khác nhau giữa các loại tham thể. Các hiện tượng như gió, mưa, nắng, bão, giông, sấm, chớp... cùng các biến thể của chúng xuất hiện với tần số lớn. Còn các hiện tượng như: tuyết, động đất, sóng thần... thì xuất hiện rất ít. Giải thích cho điều này chúng ta phải xuất phát từ đặc điểm khí hậu của Việt Nam. Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa nên nắng lắm, mưa nhiều còn các hiện tượng tuyết phổ biến ở các nước ôn đới, hàn đới. Ở nước ta, hiện tượng băng tuyết chỉ xuất hiện ở một số vùng đặc biệt có địa hình cao, không khí lạnh hơn bình thường.
            5. Kết luận
            5.1. Sự tình thời tiết có thể được hiểu là sự tình biểu thị sự vận động, biến chuyển hoặc các đặc tính của thời tiết trong đó bao gồm các yếu tố của thời tiết và các hiện tượng thời tiết.
            5.2. Sự tình thời tiết có những đặc trưng cơ bản sau:
            + Theo hệ thống các quá trình chuyển tác của M.K.Halliday thì sự tình thời tiết phối hợp đặc tính của một số quá trình: hiện hữu, vật chất, quan hệ.
            + Theo hai thông số trong quan niệm của S.C.Dik thì nó có đặc trưng:
  • Sự tình thời tiết có đặc trưng [- chủ ý].
  • Sự tình thời tiết là sự vận động, biến chuyển của thời tiết có đặc trưng [+ động].
  • Sự tình thời tiết là các đặc tính của thời tiết có đặc trưng [- động].
            5.3. Sự phân loại sự tình thời tiết dựa trên tiêu chí [+ động] và [+ chủ ý]. Căn cứ vào tiêu chí đó, có thể chia sự tình thời tiết thành hai loại khái quát:
            + Sự tình thời tiết có vị tố là quá trình vận động, biến chuyển của thời tiết với đặc trưng [+ động] và [- chủ ý].
            + Sự tình thời tiết có vị tố là các đặc tính của thời tiết với đặc trưng [- động] và [- chủ ý]. Trong từng loại này lại bao hàm những dạng cụ thể hơn.
            5.4. Sự tình thời tiết có thể bao gồm 2 thành tố trong cấu trúc:
            + Vị tố thời tiết (quá trình vận động hay đặc tính thời tiết)
            + Một tham thể cơ sở (hiện tượng thời tiết, yếu tố thời tiết hay một thực thể siêu nhiên)
            TÀI KIỆU THAM KHẢO
1. Halliday.M.A.K (2001), Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Bản dịch: Hoàng Văn Vân), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Cao Xuân Hạo (2004), Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Hoàng Long, Gia Huy (2007), Từ diển tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa.
4. Nguyễn Thị Quy, Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố của nó (so sánh với tiếng Nga và tiếng Anh), NXB Khoa học xã hội.
(Bài đăng trên Kỉ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc, 2017)
0969889270 0912944324