ThS. Trần Thị Hạnh Phương
Tóm tắt: Dạy học – giáo dục trong giai đoạn hiện nay là hướng đến việc hình thành và phát triển cho người học những năng lực đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đời sống xã hội. Trong nhà trường sư phạm nói chung và sinh viên khoa Ngữ văn nói riêng, việc xác định các năng lực Ngữ văn cũng như cách thức hình thành và phát triển các năng lực Ngữ văn cho sinh viên là vấn đề được đặc biệt chú trọng. Trên cơ sở lí thuyết về năng lực, năng lực Ngữ văn, bài viết đưa ra một số biện pháp nhằm hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn cho sinh viên như: xây dựng hệ thống bài tập thực hành, luyện tập; tổ chức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên; xây dựng các tình huống dạy học thực tiễn,…
Từ khóa: Giáo dục, Năng lực, Năng lực Ngữ văn
I. Đặt vấn đề Dạy học – giáo dục trong giai đoạn hiện nay là hướng đến việc hình thành và phát triển cho người học những năng lực đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đời sống xã hội. Chiến lược đổi mới căn bản - toàn diện trong giáo dục hiện nay là tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực. Trong nhà trường sư phạm, đào tạo theo tiếp cận năng lực chính là tập trung vào việc hình thành và phát triển các năng lực cần thiết cho người học để họ có thể thực hiện tốt công việc của người giáo viên trong những bối cảnh nhất định, đáp ứng tốt hơn với những biến động và những yêu cầu ngày càng cao của đất nước. Với sinh viên khoa Ngữ văn, việc xác định các năng lực Ngữ văn cũng như cách thức hình thành và phát triển các năng lực Ngữ văn cho sinh viên là vấn đề được đặc biệt chú trọng.
II. Nội dung và kết quả nghiên cứu
1. Khái niệm năng lực
Theo “Từ điển Tiếng Việt”, năng lực là (1) “khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó; (2) Phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”
Theo “Gốc và nghĩa từ Việt thông dụng”, năng lực là một từ Hán Việt, trong đó “năng là làm nổi việc; lực là sức mạnh; năng lực là sức mạnh làm nổi việc nào đó”
Theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam” định nghĩa năng lực “là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo – tức là có thể thực hiện một cách thuần thục và chắc chắn – một hay một số hoạt động nào đó. Năng lực gắn liền với những phẩm chất về trí nhớ, trí nhạy cảm, trí tuệ, tính cách của cá nhân”
Còn theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Năng lực là một tiêu chuẩn đòi hỏi ở một cá nhân khi thực hiện một công việc cụ thể. Nó bao gồm sự vận dụng tổng hợp các tri thức, kĩ năng và hành vi ứng xử trong thực hành. Nói một cách khái quát năng lực là một trạng thái hoặc một phẩm chất, một khả năng tương xứng để có thể thực hiện một công việc cụ thể”.
…..
Nhìn chung, mỗi nhà nghiên cứu đứng ở những góc độ tiếp cận vấn đề khác nhau để trình bày những quan niệm khác nhau về năng lực song đều chụm lại ở những điểm chung nhất:
Thứ nhất, khi nói đến năng lực là nói đến khả năng thực hiện, có khả năng làm việc (biết làm và đạt hiệu quả) chứ không chỉ đơn thuần là biết và hiểu.
Thứ hai, hành động làm (thực hiện) phải gắn với ý thức và thái độ; phải có kiến thức và kĩ năng, kĩ xảo chứ không phải làm việc một cách máy móc, mù quáng (làm nhưng không hiểu gì và không có hiệu quả).
2.Năng lực Ngữ văn
2.1.Khái niệm
Trước hết cũng cần phân định rõ năng lực Ngữ văn là năng lực của người sáng tác, năng lực Ngữ văn của người đọc (giáo viên, học sinh) hay năng lực của người làm công việc nghiên cứu, phê bình văn học?
Xuất phát từ đặc trưng của bộ môn và dưới góc độ một giáo viên dạy Ngữ văn thì năng lực Ngữ văn được hiểu là những năng lực giúp cho người giáo viên có thể tiếp nhận, cảm thụ văn (đọc tốt, nghe tốt) và sáng tạo sản phẩm văn (nói tốt, viết tốt). Không những họ biết tiếp nhận, biết cảm thụ và biết sáng tạo sản phẩm văn mà còn giúp cho mỗi học sinh hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn phù hợp với lứa tuổi. Trên cơ sở đó, mỗi học sinh có thể ứng dụng, thực hiện thành công nhiệm vụ học tập cũng như giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện tại.
2.2.Cấu trúc năng lực Ngữ văn
Từ quan niệm về năng lực Ngữ văn nêu trên, có thể xác định các thành phần tạo nên năng lực Ngữ văn bao gồm 3 thành tố: Kiến thức Ngữ văn; các kĩ năng kĩ xảo và tư tưởng, thái độ. Ba thành tố này có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong những hành động và hoàn cảnh cụ thể.
Ở Việt Nam việc học Ngữ văn là một trong những trọng tâm của hoạt động học tập và phát triển năng lực làm chủ tiếng Việt cho người học. Nó góp phần tạo nên những công dân tự tin, có tư duy phong phú, có trách nhiệm, có vị trí trong xã hội. Thông qua việc học Ngữ văn giúp học sinh có kiến thức Ngữ văn. Đó không chỉ là nguồn kiến thức ở trong văn (kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, về ngôn ngữ….) mà còn có những kiến thức ngoài văn (bài học, kinh nghiệm ứng xử, những điều cần thiết trong cuộc sống của con người). Bên cạnh đó việc học Ngữ văn còn đem đến cho người học những kĩ năng văn (kĩ năng tiếp nhận, giải mã, tạo lập văn bản…) cũng như những kĩ năng khác cần cho cuộc sống và học tập. Học Ngữ văn còn giúp cho học sinh phát triển sức tưởng tượng, óc phê phán với văn học, mở rộng phạm vi kinh nghiệm, làm giàu vốn sống, làm giàu cảm xúc trước cái đẹp trong nghệ thuật và phát triển hứng thú đọc tác phẩm văn chương, thái độ tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại.
2.3.Phân loại năng lực Ngữ văn
Việc phân loại năng lực Ngữ văn là một vấn đề khá đa dạng và phức tạp. Tùy theo quan điểm tiếp cận có thể chia năng lực Ngữ văn thành các dạng thức khác nhau và theo đó cũng xuất hiện nhiều kiểu năng lực Ngữ văn khác nhau. Ví dụ như năng lực sáng tạo văn, năng lực nghiên cứu văn, năng lực tiếp nhận văn, năng lực tư duy văn, năng lực giao tiếp văn, năng lực sư phạm…
Tuy nhiên phổ biến và được chấp nhận hơn cả vẫn là cách phân chia năng lực Ngữ văn thành năng lực tiếp nhận, cảm thụ văn và năng lực sáng tạo văn. Với khía cạnh một giáo viên dạy Ngữ văn ở nhà trường THPT, bên cạnh những năng lực sáng tạo (tạo lập văn bản) và tiếp nhận văn cần phải có thêm những năng lực nghề nghiệp đặc thù của giảng dạy văn, năng lực tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ….Cụ thể:
-Năng lực tiếp nhận, cảm thụ và sáng tạo văn. Đây là năng lực cơ bản, nền tảng cốt lõi để có thể thực hiện tốt những năng lực nghiệp vụ sư phạm. Năng lực này thể hiện ở việc giáo viên có những hiểu biết sâu rộng về văn, về những điều ẩn chứa đằng sau mỗi câu chữ, mỗi hình tượng nghệ thuật….bởi mỗi tác phẩm văn học chứa đựng những trải nghiệm, những tư tưởng, xúc cảm thẩm mĩ của con người thời đại. Để làm được điều đó giáo viên cần thực hiện thành thục các kĩ năng như: kĩ năng đọc văn bản; kĩ năng liên tưởng, tưởng tượng; kĩ năng phân tích, giải mã văn bản; kĩ năng cắt nghĩa văn bản…. Cùng với sự thành thục của những kĩ năng trong tiếp nhận, cảm thụ văn, giáo viên có thể phát triển năng lực tạo lập văn bản (văn bản nhật dụng và cao hơn là những văn bản văn chương).
- Năng lực giảng dạy Ngữ văn (năng lực nghiệp vụ sư phạm) bao gồm những năng lực sau:
+ Năng lực lập kế hoạch. Đây là năng lực cần thiết cho mỗi hoạt động dạy học của giáo viên bởi một trong những đặc điểm cơ bản của giáo dục trong nhà trường phổ thông là các hoạt động dạy học được tiến hành có mục đích, có kế hoạch và dưới sự chỉ đạo của giáo viên. Đối với hoạt động giảng dạy, năng lực này thể hiện ở việc giáo viên biết lựa chọn các loại tài liệu, xác định mục tiêu, yêu cầu và lựa chon được phương pháp giảng dạy phù hợp, dự kiến được những tình huống sư phạm xảy ra cùng với các phương án xử lí…. Muốn vậy giáo viên cần có các kĩ năng như kĩ năng phân tích chương trình, sách giáo khoa; kĩ năng lựa chọn và nghiên cứu tài liệu…
+ Năng lực tổ chức các hoạt động dạy học. Để tổ chức tốt hoạt động dạy học giáo viên cần phải có những kĩ năng hiểu học sinh; kĩ năng giao tiếp; kĩ năng xã hội; kĩ năng sử dụng ngôn ngữ; nắm vững các kĩ thuật dạy học, sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học phù hợp cũng như việc tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh…
+ Năng lực giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học. Thành công trong giờ dạy học của mỗi giáo viên ít nhiều phụ thuộc vào việc phát hiện và giải quyết, xử lí kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tế dạy học. Giáo viên cần có năng lực nghiên cứu, có thói quen cũng như khả năng kiểm soát, quản lí và giải quyết các vấn đề nảy sinh của thực tiễn nghề nghiệp trên cơ sở khoa học, đáp ứng được yêu cầu của dạy học. Để làm được điều đó giáo viên cần có những kĩ năng cơ bản như: kĩ năng xây dựng những giả thuyết khoa học; kĩ năng xây dựng đề cương nghiên cứu; kĩ năng giải quyết các vấn đề cũng như kĩ năng xử lí và đánh giá kết quả nghiên cứu….
+ Năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả các hoạt động dạy học. Đây là năng lực quan trọng giúp giáo viên nắm được trình độ, khả năng tiếp thu bài học của học sinh; qua đó kịp thời cải tiến phương pháp dạy học sao cho kết quả thu được tốt nhất. Ngoài việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, giáo viên còn biết tự đánh giá chính mình, những thành công hay hạn chế của từng bài giảng để có những biện pháp khắc phục cụ thể. Với ý nghĩa đó kiểm tra, đánh giá sẽ thúc đẩy được ý thức tự học, tự rèn luyện của bản thân mỗi giáo viên và học sinh.
- Năng lực tự bồi dưỡng, phát triển nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực này được thể hiện ở khả năng thực hiện hoạt động cá nhân về nhiệm vụ học tập, tự cập nhật tri thức, phương pháp cũng như rèn luyện hình thành những kĩ năng, kĩ xảo mới.
3. Biện pháp hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn cho SV khoa Ngữ văn ở trường Sư phạm
Để hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn cho sinh viên khoa Ngữ văn cần nắm vững và hiểu rõ các nhóm năng lực cần thiết của người giáo viên Ngữ văn ở từng cấp học, bậc học. Trên cơ sở đó xác định các kĩ năng tương ứng, yêu cầu cần đạt cho mỗi nhóm đối tượng; lập kế hoạch rèn luyện cho sinh viên trong quá trình đào tạo. Có thể đưa ra một số biện pháp rèn luyện cụ thể nhằm hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn:
3.1.Xây dựng hệ thống bài tập thực hành, luyện tập
Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đã đặt vai trò của người học vào vị trí trung tâm, hạt nhân của quá trình dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu nâng cao tay nghề. Việc xây dựng hệ thống bài tập thực hành cho các học phần giúp sinh viên nắm vững lí thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng làm việc độc lập, chủ động và sáng tạo.
Hệ thống bài tập, câu hỏi có thể được trải theo các cấp độ Bloom như: Biết (Knowledge); Hiểu (Comprehention); Áp dụng (Application); Phân tích (Ânlysis); Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation).
Có nhiều loại bài tập câu hỏi thực hành: bài tập rèn luyện kĩ năng xây dựng, sử dụng bản đồ tư duy; bài tập rèn luyện năng lực tiếp nhận, cảm thụ văn học; bài tập rèn luyện năng lực giao tiếp; bài tập rèn luyện năng lực tiếng Việt…. Mỗi loại bài tập, câu hỏi đều mang những nét riêng biệt có thế mạnh nhất định trong việc phát triển năng lực Ngữ văn nào đó cho sinh viên. Tùy theo nội dung, yêu cầu có thể lựa chọn dạng bài tập phù hợp. Có thể xem đây là nhân tố quan trọng trong quá trình dạy học nhằm hoàn thiện kiến thức cơ bản, nâng cao trình độ nhận thức cho người học. Nếu được tiến hành thường xuyên, liên tục và có tính hệ thống sẽ kích thích tính tự học, ý thức trách nhiệm, tự giác cho sinh viên.
3.2. Tổ chức các giờ tập giảng, rèn nghề thường xuyên cùng với các hoạt động ngoại khóa văn học, cuộc thi giao tiếp, ứng xử sư phạm…
Kết hợp vừa học lí thuyết, vừa luyện tập thực hành thông qua những giờ tập giảng, rèn nghề là cách thức nhanh nhất để đưa sinh viên dần quen với công việc của người giáo viên. Với những giờ thực hành này tất cả lý thuyết đã được học chuyển hóa thành những công việc, hoạt động, thao tác cụ thể.
Ngoài ra có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa văn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, điền dã….Với sự phong phú đa dạng của hình thức này sẽ giúp sinh viên được tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, rèn luyện khả năng làm chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của bản thân. Có thể tiến hành một số hoạt động ngoại khóa sau: Tổ chức các chuyến thăm quan, điền dã vùng văn hóa, di tích lịch sử văn hóa gắn liền với các danh nhân văn học….; Tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật như Hội thi đọc thơ, kể chuyện diễn cảm; Các câu lạc bộ văn học như Câu lạc bộ văn học dân gian, Câu lạc bộ văn học kháng chiến….; Các buổi tọa đàm, gặp gỡ với các nhà văn, các nhà nghiên cứu văn học…
3.3. Xây dựng những tình huống dạy học cụ thể
Hoạt động dạy học và giáo dục luôn diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng đòi hỏi mỗi giáo viên phải có năng lực kiểm soát, quản lí, dự kiến và giải quyết tốt các tình huống sư phạm nảy sinh, đáp ứng được yêu cầu của quá trình dạy học. Xây dựng những tình huống và đưa sinh viên vào trong những tình huống dạy học cụ thể nhằm hình thành và phát triển ở sinh viên năng lực giải quyết vấn đề. Theo quan điểm của tâm lí học nhận thức, giải quyết vấn đề dựa trên những tình huống dạy học có vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy và nhận thức của con người. “Tư duy chỉ bắt đầu khi xuất hiện tình huống có vấn đề” (Rubinstein). Sinh viên có cơ hội được làm quen, tiếp xúc và cao hơn là được trực tiếp đưa ra những phương án giải quyết những tình huống dạy học và trên cơ sở đó có thể lựa chọn cho mình cách giải quyết tối ưu nhất. Hay nói cách khác là họ có thể vận dụng thành thục những kiến thức, kĩ năng vào các tình huống dạy học cụ thể. Năng lực giải quyết vấn đề trên cơ sở đó được rèn luyện và phát triển mạnh mẽ.
3.4. Phát triển phương pháp tự học có hiệu quả
Đối với sinh viên nói riêng và con người nói chung sẽ không theo kịp bước tiến của thời đại nếu không tự mình trang bị, bổ sung nguồn tri thức. Cách thức duy nhất để có được điều đó chính là con đường tự học. Học mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi cách có thể…Tự học có thể xem là chìa khóa vàng giúp con người mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại. Trên bước đường lập nghiệp, tự học là con đường đầy những thử thách và sự rèn luyện. Tự học, con đường sáng tạo ra tri thức bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy tính tự học, tính độc lập sáng tạo của người học càng được chú trọng. Mỗi sinh viên Ngữ văn cần ý thức rõ điều đó để có thể lựa chọn cho mình những phương pháp tự học sao cho có hiệu quả nhất.
3.5. Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chí kiểm tra, đánh giá cụ thể đối với sinh viên
Việc kiểm tra, đánh giá là một trong khâu quan trọng trong giáo dục. Đối với sinh viên, việc kiểm tra đánh giá phải toàn diện nhằm đảm bảo sự chính xác, khách quan, công bằng. Muốn vậy phải có hệ thống tiêu chí kiểm tra, đánh giá cụ thể. Để làm được điều này đòi hỏi phải có năng lực biên soạn công cụ đánh giá, năng lực sử dụng công cụ đánh giá, năng lực phân tích các minh chứng đánh giá…..cũng như khả năng vận dụng thành thạo, linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật kiểm tra, đánh giá. Xuất phát từ những mục tiêu học tập cụ thể gắn với bối cảnh giáo dục trong giai đoạn hiện nay để xây dựng những hình thức đánh giá phù hợp: Đánh giá dựa vào bài tập, câu hỏi, bài thi sau mỗi học phần; khi thực hiện Semina; hoạt động nhóm, tổ, hoạt động giáo dục hay quá trình rèn luyện của mỗi cá nhân sinh viên…
Tóm lại, mỗi biện pháp nhằm hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn cho sinh viên nêu trên đều dựa trên những căn cứ khoa học nhất định. Đối với các nhà giáo dục, tùy thuộc vào từng đối tượng sinh viên trong từng giai đoạn học nghề cụ thể để có thể vận dụng phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
III. Kết luận
Những đổi thay lớn lao của đất nước trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đã đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục nhiệm vụ phải tạo nên những công dân, người lao động có phẩm chất nhân cách, có những giá trị mang tính toàn cầu, có khả năng hành động thích ứng với sự phát triển không ngừng của đất nước. Giáo dục nghề nghiệp cần chuẩn bị cho người học những năng lực cần thiết cho cuộc sống xã hội và lao động. Hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn cho sinh viên khoa Ngữ văn ở nhà trường sư phạm là vấn đề cần thiết nhằm đáp ứng được những yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bernd Meier Nguyễn văn Cường (2014), Lí luận dạy học hiện đại, NXB ĐHSP.
2. Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại - Lí luận, biện pháp, kĩ thuật, NXB ĐHQG, Hà Nội.
3. Nguyễn Hữu Lam (2007), Mô hình năng lực trong giáp dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, http/ ww. Saga.vn
4. Hoàng Phê (chủ biên) (1997), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
5. Đỗ Ngọc Thống, “Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực”, http://www.tiasang.com.vn, ngày 9/6/2011.
DEVELOPMENT OF PHILOLOGICAL COMPETENCES FOR STUDENTS OF PHILOLOGY FACULTY UNDER PEDAGOGICAL UNIVERSITY
Key words: Education, Competence, Philological competence
Teaching – education is intended to help learners form and develop capacities which satisfy social requirements at carrent stage. In teachr training colleges in general and in faculties of phiolology in particular, determination as well as way of forming and developing these capacities for students has been particularly concemed. Based on theory of capacity and philological capacity, the article provides several measures of forming and developing philological capacities for students such as: developing system of practical exercises; regularly organizing practice of teaching skill and building case studies, etc.
Nguồn: Tạp chí Giáo chức, số 100 (8/2015) tr.36 - 39.