Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN NGỮ VĂN THÔNG QUA MÔ HÌNH SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THEO NGHIÊN CỨU BÀI HỌC

Th.S.Dương Thị Mỹ Hằng


1. Đặt vấn đề
Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên (SV) là một môn học nằm trong chương trình đào tạo của các trường sư phạm. Có thể nói, đây là hoạt động cơ bản để hình thành, phát triển các kĩ năng nghề nghiệp cho SV. Tuy nhiên, trong thực tế, công việc này vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới kết quả thực tập của SV chưa cao. Để giải quyết phần nào thực trạng nói trên, chúng tôi đề xuất việc vận dụng mô hình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học vào hoạt động tập giảng cho SV khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

2.  Một số khái niệm liên quan
2.1. Sinh hoạt chuyên môn
 Sinh hoạt chuyên môn là hoạt động được thực hiện thường xuyên theo định kì nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên (GV) theo chuẩn nghề nghiệp thông qua việc dự giờ, phân tích bài học.
Sinh hoạt chuyên môn giúp cho GV nâng cao được trình độ tác nghiệp của bản thân, hình thành các mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, xây dựng môi trường học tập và tự học suốt đời. Từ đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

 2.2. Nghiên cứu bài học
Thuật ngữ “nghiên cứu bài học” (NCBH) (tiếng Anh là Lesson Study hoặc Lesson Research) được chuyển từ nguyên nghĩa tiếng Nhật (jugyou kenkyuu). NCBH xuất hiện ở Nhật Bản, từ thời Meiji (1868 -1912), được sử dụng rộng rãi tại các trường học ở Nhật Bản cho đến nay. NCBH  được dùng để chỉ một quá trình nghiên cứu, học hỏi từ thực tế của một nhóm hay nhiều GV trong một nhà trường  nhằm đáp ứng tốt nhất việc học tập có chất lượng của từng HS. NCBH có trọng tâm là nghiên cứu việc học của HS thông qua từng chủ đề, bài học, môn học, lớp học cụ thể.

2.3. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học
Sinh hoạt chuyên môn theo NCBH cũng là hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Ở đó, GV cùng nhau học tập từ thực tế việc học của HS. GV cùng nhau thiết kế kế hoạch bài học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ. GV tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học như: HS học như thế nào? HS đang gặp khó khăn gì trong học tập? Nội dung và phương pháp dạy học có phù hợp, có gây hứng thú cho học sinh không, kết quả học tập của học sinh có được cải thiện không? Cần điều chỉnh điều gì và điều chỉnh như thế nào?
 Khác với dự giờ truyền thống, việc nhận xét, góp ý của GV với người đứng lớp chỉ mang tính chất trao đổi chứ không nặng về đánh giá người dạy. Chủ yếu, các GV sẽ nhận xét về người học để tìm ra nguyên nhân, biện pháp cải tiến chất lượng dạy học. Người dạy cũng sẽ mang một trọng trách mới – người dạy minh họa cho ý tưởng của nhóm GV. Điều này sẽ giảm bớt áp lực đứng lớp, tăng cường sự tự tin cho GV.

3.  Thực trạng tập giảng   
Hiện nay, hoạt động tập giảng của SV khoa Ngữ văn chủ yếu vẫn được tiến hành theo cách: SV tự soạn giáo án theo các bài đã được phân công, tập giảng ở nhà, giảng dạy trên lớp có HS giả định (SV) và giảng viên ngồi dự. Mỗi SV dự giờ (đóng vai HS) đều có sổ tay ghi chép. Nội dung ghi chép chủ yếu ghi lại hoạt động của SV tập giảng. Sau khi kết thúc một tiết dạy, SV trong lớp cùng giảng viên sẽ góp ý cho SV đứng lớp. Việc góp ý rất cụ thể, chi tiết cho người dạy: từ lời vào bài, cách đặt câu hỏi, nội dung bài dạy, cách ghi bảng, tư thế, nét mặt…cho đến cách kết thúc bài. Hoạt động học của HS rất ít khi được quan sát, nhận xét.
Bên cạnh đó, không gian ngồi dự giảng của SV trong lớp cũng như của giảng viên chủ yếu là phía sau lưng của HS giả định. Vì thế, những thay đổi trên khuôn mặt, các hoạt động của HS giả định đều bị che khuất.
Có thể thấy, hiện nay, các hoạt động tập giảng phần lớn đều hướng đến hoạt động dạy. SV chủ yếu lo lắng đến quá trình luyện tập cho bài giảng cá nhân. Trong khi đó, hoạt động học - được coi là yếu tố trung tâm của quá trình dạy học - chưa được quan tâm, chú ý. Điều này dẫn tới những yếu kém trong quá trình thực tập và giảng dạy sau này ở phổ thông của SV. Một vấn đề được ra với các giảng viên phụ trách phần rèn nghiệp vụ sư phạm là cần phải đổi mới quá trình tập giảng môn Ngữ văn của SV sư phạm. Vận dụng mô hình sinh hoạt chuyên môn theo NCBH vào tập giảng của SV Ngữ văn là một hướng đi đúng đắn, giải quyết phần nào thực trạng nói trên.

 4. Giải pháp
4.1. Sinh hoạt chuyên môn theo NCBH dựa trên băng hình dạy học Ngữ văn
Một tiết dạy được ghi hình và đem ra nghiên cứu hoặc được dự giờ trực tiếp được gọi là bài học nghiên cứu. Trong rèn nghề môn Ngữ văn, giảng viên có thể lựa chọn những băng hình ghi lại những tiết dạy Ngữ văn theo cách dạy truyền thống và cách dạy đổi mới. Đây là những tư liệu để SV sinh hoạt chuyên môn theo NCBH.
 Các bước tiến hành cụ thể:
Bước 1:  Phát phiếu hướng dẫn nhận xét tiết dạy. Phiếu nhận xét định hướng người dự quan sát các biểu hiện của HS trong hoạt động học tập, đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà GV đưa ra…
Bước 2: Chiếu băng hình cho SV xem. Việc xem băng hình có thể tái hiện nhiều lần để SV quan sát cụ thể về giờ học.
Bước 3: SV nhận xét theo phiếu đã định hướng. Có thể tiến hành so sánh các tiết dạy theo phương pháp truyền thống và tiết dạy áp dụng đổi mới phương pháp để việc nhận xét về hoạt động của HS có sự chi tiết hơn. SV cùng nhau tìm nguyên nhân vì sao HS học/ không học….
Bước 4: SV đề xuất các biện pháp để giúp tất cả HS học tập thật sự. 
Qua sự phân tích, đánh giá này, SV sẽ nhận thức được những việc cần phải làm trong quá trình tập giảng để có những tiết dạy hiệu quả hơn.

4.2. Sinh hoạt chuyên môn theo NCBH trong giờ tập giảng môn Ngữ văn
Một buổi sinh hoạt chuyên môn theo NCBH của SV được tiến hành dựa trên làm việc nhóm và theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị bài dạy minh họa
 - Nhóm trưởng cần xác định mục tiêu kiến thức và kĩ năng Ngữ văn mà HS cần đạt được khi tiến hành nghiên cứu. Đề xuất với thành viên trong tổ (nhóm) chuyên môn. SV trong tổ (nhóm) sẽ thảo luận chi tiết, cụ thể chọn bài học, thời gian tiến hành bài dạy, lớp thực hiện bài dạy minh họa,  ứng cử hoặc đề cử SV thực hiện dạy minh họa.
- SV trong tổ (nhóm) thảo luận xây dựng giáo án cho bài học minh họa. Các vấn đề cần đưa ra thảo luận trong nhóm: mục tiêu, loại bài học, cách giới thiệu bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học, nội dung bài học, dự kiến tổ chức hoạt động dạy học, dự kiến cách suy nghĩ, khả năng tiếp nhận của HS vào bài học, các tình huống dạy học xảy ra, dự kiến cách kết thúc bài học…  
Bước 2. Tiến hành bài học và dự giờ
-  SV sẽ dạy minh hoạ bài học nghiên cứu đã được thống nhất trước nhóm HS giả định (SV trong lớp). Các yêu cầu cụ thể của giờ dạy minh họa như sau: Chuẩn bị nhóm HS giả định, các SV khác sẽ dự giờ. SV dạy và dự cần quan sát cách học, cách phản ứng, cách làm việc nhóm của HS, những sai lầm HS mắc phải, thái độ tình cảm của HS... Quan sát tất cả đối tượng HS, không được “bỏ rơi một HS nào. Tuy nhiên, do đặc thù của việc tập giảng, HS giả định sẽ có những biểu hiện khác HS thật. Song không vì thế mà SV bỏ qua sự quan sát này.
Bước 3. Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu.
Suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến của SV về bài học sau khi dự giờ cần tập trung vào quan sát việc học của HS, đưa ra minh chứng về những gì họ nhìn thấy được về cách học, suy nghĩ, giải quyết vấn đề của HS trên lớp học, để rút kinh nghiệm, bổ sung, đưa ra biện pháp nâng cao hiệu quả. Không xếp loại giờ dạy minh hoạ trong sinh hoạt chuyên môn theo NCBH.   
Bước 4. Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày
- Sau khi thảo luận về tiết dạy đầu tiên, tất cả SV cùng suy ngẫm đề xuất giải pháp để tất cả HS được học. Nếu cần thiết nhóm SV có thể tổ chức dạy minh họa ở lớp khác. Nếu bài học nghiên cứu vẫn chưa hoàn thiện thì cần tiếp tục xem xét để tiến hành dạy ở các lớp sau cho hoàn thiện hơn.  

5. Kết luận
Vận dụng sinh hoạt chuyên môn theo NCBH trong giờ tập giảng của SV tạo điều kiện cho người học có cơ hội học hỏi lẫn nhau, từ việc giải quyết các khó khăn trong thực tiễn lớp học. Thông qua NCBH SV được hợp tác cùng nhau để xây dựng một kế hoạch bài học hoàn chỉnh, cùng suy ngẫm, chia sẻ, tìm giải pháp điều chỉnh việc dạy học hàng ngày. Trong tình hình thực tế dạy học ở phổ thông đã triển khai mô hình sinh hoạt chuyên môn theo NCBH, việc vận dụng mô hình nói trên vào tập giảng của SV khoa Ngữ văn là bước đi rút ngắn lí thuyết với thực hành, đem lại hiệu quả thiết thực cho việc rèn luyện kĩ năng nghiệp vụ ở trường đại học.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn Đổi mới sinh hoạt chuyên môn , NXB Đại học sư phạm, 2015  
 2. Nguyễn Thị Hà, “Tổ chức mô hình học tập” trong các giờ tập giảng theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp của sinh viên sư phạm trong các trường đại học, Tạp chí khoa học giáo dục số Đặc biệt, tháng 11- 2014.
3. Vũ Thị Sơn, Nguyễn Duân, “Nghiên cứu bài học” - một cách tiếp cận năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Tạp chí khoa học giáo dục số 52, tháng 1- 2010.    
Bài đăng trên Tạp chí  Giáo dục -T7/2016

0969889270 0912944324