Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

NÓI DỐI HAY CUỘC TRUY TÌM CÁI “TÔI” VÔ THỨC TRONG CHUYỆN CHÚNG TA BẮT ĐẦU CỦA TOBIAS WOLFF

TS. Lương Thị Hồng Gấm


1. Mở đầu
Từ ảnh hưởng “tiếng gọi của trò chơi”, chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các nhà văn tự do sử dụng những bút pháp nghệ thuật, những thử nghiệm khác nhau trong cùng mục đích tối hậu là truy tìm “một sự thật” về con người, về cuộc đời. Với Tobias Wolff, không chỉ tập truyện ngắn Chuyện chúng ta bắt đầu mà trong tất cả tiểu thuyết, bút ký khác của ông, có một motif thường xuyên trở đi trở lại, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau của các nhân vật. Đó là motif “nói dối”. Đây có thể xem là một bút pháp nghệ thuật, một “trò chơi” của riêng Wolff, để người đọc bằng những “cách chơi” của mình, tự đi tìm cội nguồn của “sự thật”.

Trong quá trình khám phá, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng, motif “nói dối” trong những câu chuyện của Tobias Wolff có tính đối thoại, thậm chí là bắt rễ trực tiếp với vấn đề “vô thức” – đã được S. Freud cùng học trò của ông (C. G. Jung) đi sâu nghiên cứu và phát triển thành những học thuyết vào thế kỷ XX. Song, nghiên cứu motif “nói dối” trong tính đối thoại với vấn đề vô thức là một việc làm không hề đơn giản. Vô thức là cái thuộc về cõi tâm linh mơ hồ, bí ẩn của con người, không thể giải mã bằng kiểu tư duy duy lý đơn thuần mà cần phải kết hợp với trực giác khoa học. Từ góc nhìn của phân tâm học về tâm lý con người nói chung, vô thức nói riêng, kết hợp với vốn sống, vốn văn hóa và sự trải nghiệm của bản thân, chúng tôi thấy rằng cần phải biện giải cho vấn đề “nói dối” của các nhân vật trong Chuyện chúng ta bắt đầu bằng cái nhìn vô thức trong sự tổng hợp các mối quan hệ. Đó là quan hệ với bối cảnh văn hóa, xã hội rộng – hẹp mà con người sống; với diễn biến phát triển, trưởng thành, đổi thay của nhân cách; với sự đối ứng – phản ứng của con người với người khác; với chính mình; với tự nhiên và với tác giả – cha đẻ của nhân vật. Đặt vô thức của nhân vật trong mối liên hệ nhiều chiều, đa cấp độ, người nghiên cứu mới có thể hiểu được nguồn gốc, bản chất của “nói dối” chìm sâu trong mảng vô thức – cái chi phối, quyết định đến hành vi thực tế của nhân vật trong toàn bộ đời sống của nó.
Trên cơ sở ấy, chúng tôi cũng lần lượt đi khám phá motif nói dối trong tính đối thoại với những ẩn ức, những mặc cảm thân phận của các nhân vật, để truy tìm cái “tôi” vô thức, hay cũng chính là truy tìm cội nguồn của những lời nói dối.

2. Nội dung
2.1. Ẩn ức vô thức
Theo Sigmund  Freud, sáng tạo nghệ thuật (cùng với giấc mơ) là một trong hai phương tiện, hai con đường giải thoát, là sự thăng hoa của những ham muốn trong vô thức, những ẩn ức bị dồn nén của nghệ sĩ: “Nghệ thuật đạt tới sự hòa giải theo một con đường độc đáo... Bị thúc đẩy bởi những thèm khát ghê gớm, nghệ sĩ muốn chiếm đoạt được danh vọng, quyền hành, của cải, vinh quang và tình yêu. Nhưng nghệ sĩ không có phương tiện để đạt mục tiêu đó. Vì thế nên, cũng như những người không được thỏa mãn khác, nghệ sĩ quay mặt đi, không nhìn thực tế nữa và tập trung hết mọi quan tâm, tính dục của mình vào những ham muốn mà trí tưởng tượng của mình tạo ra” [1, 207] Do vậy, tác phẩm văn học – sản phẩm của sự thăng hoa tính dục – cũng giống như một giấc mơ, nhưng là giấc mơ thức tỉnh, chứa đựng trong nó những ham muốn, những ẩn ức của nghệ sĩ và của cả nhân vật.
Từ cơ sở lý thuyết này, đối thoại với Chuyện chúng ta bắt đầu, chúng tôi đã lần tìm được những ẩn ức, là căn nguyên cho những hành vi dối trá của các nhân vật. Và những hành vi đó lại được nối kết trực tiếp với chính đời sống thực của nhà văn. Riêng với Tobias Wolff, điều này là cực kỳ cần thiết. Bởi lẽ, nó giúp cho người đọc tiệm cận được với những gốc rễ sâu xa, gián tiếp, đồng thời hiểu được vì sao “nói dối” lại trở thành vấn đề nhức nhối trong hầu hết các nhân vật của tác giả này.
Tobias Wolff có một tuổi thơ đầy bất hạnh trong sự chia ly của gia đình và cuộc sống đày ải với người cha ghẻ tàn bạo. Đây chính là những tổn thương rất lớn trong đời sống tinh thần của một đứa trẻ. Từ đó, ông dần trở thành một kẻ nói dối và luôn bị ám ảnh bởi hành vi dối trá. Chính Wolff cũng tự khẳng định như vậy: “Tôi là một kẻ nói dối ngay khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi vẫn là một kẻ nói dối, thật vậy và tôi không có ý kể những câu chuyện và sẽ trở thành một nhà văn viết truyện. Tôi sẽ không bao giờ muốn tạo nên một phiên bản đen tối về sự thật khi tôi nói với mọi người về một câu chuyện. Tôi không biết rằng tôi thực sự có khả năng đó không” [3]. Mặt khác, khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn là tại sao rất nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông lại nói dối, Wolff đã trả lời: “Thế giới này là không hoàn hảo, có lẽ vậy? ... Nói dối là để nói không đúng về điều đó, do đó, rõ ràng là một bất hạnh với cái được gọi là, một sự bất mãn” [3]. Từ đây, nói dối trở thành một “cứu cánh” giúp con người trốn tránh hiện thực để tiếp tục tồn tại, để tự bảo vệ mình, để che giấu những ẩn ức, những đau khổ, để kiếm tìm một cuộc sống mới dễ chịu hơn.
Một trong những câu chuyện thú vị, tiêu biểu cho hành động nói dối của nhân vật, được bộc lộ rõ nét ngay từ nhan đề là tác phẩm Kẻ nói dối . Truyện xoay quanh James, một cậu bé mười sáu tuổi, có trí tưởng tượng đáng kinh ngạc và một thói quen – mang tính “bệnh hoạn” trong suy nghĩ của người mẹ – là nói dối. Dường như “căn bệnh” này trong James là không thể nào chữa khỏi được.
Rắc rối bắt đầu từ việc James đã nói dối Ralphy về tình trạng sức khỏe của mẹ cậu trong một bức thư. James viết: “Mẹ tôi dạo này hay ho ra máu mà bác sĩ chẳng biết tại sao và chúng tôi thì chỉ biết hi vọng chuyện không có gì nghiêm trọng” [4, 65]. James đã bịa đặt ra điều đó bởi trên thực tế, mẹ cậu đang rất khỏe mạnh, thậm chí bà còn rất tự hào về sức khỏe của mình, tự coi mình là một “con ngựa khỏe”. Điều này đã thực sự khiến cho bà Margaret bị sốc và tỏ ra lo lắng bởi đây không phải là lần đầu tiên James có hành động như vậy. Tuy nhiên, James vẫn liên tục khiến cho mẹ cậu cảm thấy xấu hổ và tức giận bằng những lời dối trá. Song, việc James nói dối lại không hề gây hại đến bất cứ ai, thậm chí nó còn giúp cho cậu nhận được những tình cảm chân thành từ mọi người, nhất là những người đi cùng trên chuyến xe buýt đến Los Angeles. Có vẻ như James đã không thể ngăn mình nói dối. Nói cách khác, cậu đã quen với việc nói dối. Song, căn nguyên sâu xa dẫn đến thói quen ấy là gì?
Trong tác phẩm, đan xen giữa thực tại của James đang sống là ký ức về quá khứ với người cha đã mất. Chính ký ức đó đã hé lộ những ẩn ức, những đau khổ chìm khuất bên trong James, như chìa khóa quan trọng để giải mã tất cả những lời nói dối của cậu bé. Từ đây, có một cuộc đối thoại ngầm giữa những lời nói dối và những ẩn ức chìm sâu trong cái “tôi” vô thức của nhân vật. Theo lời kể của James, chúng ta biết rằng cậu bắt đầu nói dối từ sau cái chết của cha mình. James đã trực tiếp chứng kiến việc người cha chết trong tư thế ngồi trên ghế ở phía bên dưới nhà:. Trong hoàn cảnh đó, James cảm thấy thật đáng đáng tiếc và sợ hãi. Ngay lập tức, cậu đã muốn bảo vệ mình bằng cách tự tạo ra một vỏ bọc dối trá, nhằm che giấu và trốn tránh khỏi nỗi đau vĩnh viễn mất cha. Bằng chứng là James đã khiến mẹ cậu nghĩ rằng cậu là một đứa vô cảm: “Tôi không khóc trong đám ma bố và còn tỏ ra buồn chán trong lúc người ta đọc điếu văn; tôi đã nghịch quyển thánh ca. Mẹ tôi dúi hai tay tôi vào vạt áo của tôi và tôi cứ để nguyên chúng ở đó như thể tôi đang cầm cái gì hộ ai; chuyện này làm cho mẹ hết sức bực” [4, 72]. Đó là khi James vẫn chưa chịu chấp nhận sự thực, cậu vẫn thu mình trong thế giới ảo tưởng của riêng mình. Nhưng dù có cố ra sức lảng tránh, không chịu chấp nhận nỗi mất mát lớn, thì cũng chỉ một vài ngày sau đó, khi những cảm xúc bắt kịp và chiến thắng sự dối trá trong James, cậu đã rất buồn và khóc.
Người mẹ đã không hiểu những đau khổ, mất mát trong lòng cậu bé James nên không thể giải mã được tại sao James nói dối. Nếu không xảy ra cái chết của cha cậu, rằng gia đình cậu vẫn sống đầm ấm như trước đây, thì sẽ chẳng có lí do gì khiến James phải làm như vậy. Hơn một lần, James nói dối về sức khỏe của mẹ mình vì cậu rất sợ lại mất thêm mẹ trong một ngày nào đó. Nỗi đau ấy có lẽ sẽ vượt quá sức chịu đựng của cậu. Cậu muốn tin rằng tất cả những bất hạnh đều đã xảy ra. Chỉ có thế, James mới cảm thấy nhẹ nhõm, mới có thể làm quen dần với nỗi đau và tự kiểm soát được cuộc sống của mình khi không còn ai. Mọi lời nói dối của James đều xuất phát từ việc cậu cảm thấy sợ hãi ghê gớm trước sự thật phải chấp nhận mất đi người thân yêu, ruột thịt. Nỗi sợ hãi đó dần dần đã tích tụ lại thành một ẩn ức vô thức nằm sâu bên trong nhân vật, điều khiển và chi phối các hoạt động bên ngoài của nhân vật. Về điều này, không phải đến Freud mới phát hiện ra, mà trước đó, vào thế kỷ XVII, La Rochefoucauld viết: “Con người tưởng mình tự do hành động trong lúc thật ra mình bị bó buộc phải hành động” [Dẫn theo 2, 29]. Đến thế kỷ XIX, Schaupenhauer, trong tác phẩm Thế giới như là ý chí và biểu tượng (1819), đã đề cập đến vô thức như là một động lực thúc đẩy con người hành động và quyết tâm đạt tới mục tiêu: “Ở mỗi người có ẩn sâu một ý chí mù quáng và xuất phát căn nguyên của sự sống” [Dẫn theo 2, 29] (ý chí ở đây có thể coi như là vô thức). Nietzsche cũng đồng tình với quan niệm của Schaupenhauer: “Những động lực thúc đẩy chúng ta không phải là những lý lẽ chúng ta giải thích mà xuất phát từ một ý chí hùng bá. Ý chí này là một ước muốn tăm tối và dữ dội muốn ngự trị thế giới” [Dẫn theo 2, 30.].
Những ẩn ức chìm sâu bên trong tâm hồn con người còn có sức mạnh ghê gớm trong việc trực tiếp điều khiển cuộc sống của họ, khiến cho họ cứ mải mê sống mãi trong một thế giới ảo, thế giới “ngụy tạo”. Đó là trường hợp của Joe trong Nụ hôn sâu. Chính anh luôn khiến cho cuộc sống của mình trở nên không thật, tràn đầy những hoang tưởng về Mary Claude và một tình yêu của ba mươi năm trước.
Sở dĩ Joe luôn tự lừa dối bản thân, sống một cuộc đời không thực là bởi những ẩn ức trong thời niên thiếu, khi anh mới mười lăm tuổi đã tích tụ lại quá lớn. Joe phải theo gia đình tới California, phải lìa xa Mary Claude trong khi anh vẫn còn quá say mê cô, nhưng vẫn chưa kịp làm lành được với sự giận dỗi kéo dài của cô. Và cũng từ đó, trong Joe luôn tồn tại hai con người, hai cuộc đời khác nhau: “Joe đã sống một cuộc đời khác, một cuộc đời ngầm, chạy song song với cuộc đời mà những người xung quanh nhìn thấy. Trong cuộc đời này, anh chưa từng đi California mà vẫn ở lại Dunston với Mary Claude” [4, 366]. Đằng sau những ký ức về Mary Claude luôn có sự ngự trị của một “nụ hôn sâu”: “Joe theo dõi cuộc sống của anh với Mary Claude diễn ra như anh đã từng tin rằng nó sẽ diễn ra. Khi thời gian qua đi, những cảnh trong cuộc sống đó ngày càng trở nên cụ thể, mỗi một cảnh mới được dẫn dắt từ những gì đã xảy ra trước đó và luôn luôn có một nụ hôn ở trung tâm” [4, 369]. Chính những nụ hôn ấy đã khiến cho cặp đôi này quên đi tất cả những gì đang diễn ra xung quanh. Đồng thời, chúng cũng là nguyên nhân trực tiếp tạo thành một vết lằn sâu, mà bất cứ lúc nào, vết lằn ấy cũng sẵn sàng làm trỗi dậy những ham muốn, những “ẩn ức tính dục” (nội dung cốt lõi của cái vô thức) trong Joe. Những ẩn ức đó vẫn chưa một lần được giải tỏa, cho dù trong đời sống hiện tại, Joe đã có một gia đình, có thể coi là viên mãn. Chính bởi vậy mà nó luôn điều khiển mọi hành vi, kể cả hành vi dối trá, hành vi khước từ hiện thực của Joe, để hết lần này đến lần khác, dẫn dụ anh vào thế giới của vô thức, của những ký ức đã vĩnh viễn hoàn thành.
Liên quan đến “ẩn ức tính dục”, là căn nguyên dẫn đến những hành vi dối trá của nhân vật, còn phải kể đến Burke trong Hỏi cung. Burke, một luật sư đến từ thành phố lớn San Francisco, đã bị một nữ sinh tại một thị trấn đổ nát hậu công nghiệp ở New York cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục cô ấy. Burke hết sức biện minh với cảnh sát về việc mình không có ý định đó. Anh khẳng định rằng mình chỉ đi ngang qua cô gái mà không hề làm gì cô, và đó là sự thực. Burke đã rất cứng cỏi và bình tĩnh gỡ cho mình khỏi rắc rối trước viên cảnh sát và người đàn bà – người thân của cô gái. Tuy nhiên, mọi lời giải thích cùng sự bình tĩnh của Burke đều không thể nào giúp anh khiến cô gái thôi vùi mặt vào hai bàn tay và bà già thôi nhìn anh bằng cặp mắt đầy giận dữ và lạnh lùng. Một cái tát bất ngờ và mạnh đã được dành cho Burke kèm theo câu nói của người đàn bà: “Đồ dối trá” [4, 366].
Mặc dù người đàn bà này không hề chứng kiến sự việc xảy ra, nhưng bà ta đã nói đúng, và chính Burke cũng biết điều đó. Bởi lẽ, dù Burke đã giải thích, và trên thực tế, anh không buông lời chọc ghẹo, cũng không hề đụng chạm vào cô gái, nhưng anh đã không nói về việc mình đã bám theo cô đến mức quá gần, ở sát phía sau mà chính anh cũng không hề nhận ra. Burke cũng không nói về sức hút của cô đã làm trỗi dậy những cám dỗ bản năng, những “ẩn ức tính dục” trong anh, khiến anh cảm thấy khó thở khi bị cô phát hiện. Thậm chí, Burke còn không thể mở miệng để biện minh cho hành động của mình khi đứng trước cô: “Burke cố gắng cất tiếng để trấn an cô gái nhưng cổ họng anh cứng lại và khô; không có một âm thanh nào phát ra nổi” [4, 332]. Chính sự bám theo một cách bất thường cùng phản ứng đó của Burke là lí do khiến cho cô bé cảm thấy mất an toàn và sợ hãi. Và những ham muốn, những “ẩn ức tính dục” trong vô thức đó cũng chính là căn nguyên sâu xa ngăn cản Burke nói ra sự thật.
Cũng xuất phát từ những ẩn ức luôn phải kìm nén, không thể giải tỏa mà mối quan hệ cha con trong một số câu chuyện của Wolff trở nên căng thẳng. Chúng có mối liên hệ trực tiếp với những ẩn ức trong tuổi thơ của chính nhà văn. Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý tới những ẩn ức vô thức có tác động đến những hành vi nói dối của nhân vật. Đó là Robert trong Giấc mơ của LadyĐể tìm cách đối phó lại cha, anh ta đã tự lừa dối chính mình, bằng việc cưới Lady, một người con gái mà Robert không lấy chút gì làm hài lòng, ngoài cái tên. Không những vậy, Robert còn nhất quyết tự đày ải mình vào một lối sống giả tạo, ngụy biện, lối sống với những ngôn từ nhạt nhẽo, vô vị, với những chiếc kính lúc nào cũng cần “phải lau cho sáng bóng lên, sáng bóng để người ta không nhìn thấy mắt anh ấy” [4, 227], chỉ bởi vì anh muốn trốn tránh hiện thực đau khổ, gò bó trong mối quan hệ với người cha. Ngay cả khi muốn từ bỏ Lady, anh cũng vẫn tìm cách lừa dối cô, để đổi lại là không phải phơi bày sự thật, không để lộ cái ẩn ức cha con lấp sâu bên trong, nhưng cứ âm ỉ cháy và làm anh mỏi mệt: “Cô ấy sẽ không hiểu. Cô ấy sẽ khóc. Anh sẽ nói nhẹ nhàng thôi. Anh sẽ nói rằng cô là một cô gái tốt nhưng mà còn trẻ quá. Anh sẽ nói rằng sẽ không công bằng nếu bắt cô phải đợi anh khi có trời mà biết chuyện gì sẽ xảy ra và rồi bắt cô phải theo anh đến một nơi cô chưa bao giờ đến, xa gia đình và bạn bè cô. Anh sẽ nói với Lady bất cứ cái gì trừ sự thật – rằng anh thấy xấu hổ khi đã chọn sử dụng cô để chống lại cha anh” [4, 233].
Đó cũng là Mark trong Giữa sa mạc, 1968. Vì những ẩn ức, những oán giận hằn sâu trong lòng của một đứa con bị cha mẹ bỏ mặc, phải hoàn toàn “tự bơi” trên con đường chinh phục khát vọng nghệ sĩ của mình, anh đã tự vẽ ra một tương lai giả tạo, là khi anh thành công trên sân khấu, để “trả thù” lại sự nhẫn tâm của họ. Bên cạnh đó, ẩn ức trong sự bất mãn của Mark còn khiến anh hết lần này đến lần khác, trốn tránh, mà thực tế là tự nói dối lòng mình về mong muốn cần được trợ giúp từ người cha, khi anh đang bị kẹt xe giữa sa mạc. Nhưng cuối cùng, Mark vẫn phải “xúc phạm lòng tự kiêu” của chính mình kể từ giây phút anh nhấc máy điện thoại lên và, gọi về nhà.
Những ẩn ức vô thức trong chính tuổi thơ đã qua của Tobias Wolff đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nhân vật trong các sáng tác của ông. Dường như, những con người đó, bằng những lời nói và hành vi dối trá của mình, đã ngầm chứa không chỉ là những ẩn ức cá nhân của bản thân, mà còn là ẩn ức của chính tác giả.

2.2. Mặc cảm thân phận
Cái mặc cảm ẩn sâu bên trong tâm hồn con người cũng là một biểu hiện của “vô thức”. Đồng thời, nó cũng chính là căn nguyên sâu xa, có tác động trực tiếp đến những lời nói hay hành vi dối trá của nhân vật trong các câu chuyện của Wolff.
Liên quan đến vấn đề này, S. Freud đã đưa ra các khái niệm: mặc cảm Oedipemặc cảm bị thiếnmặc cảm phạm tội. Ông cho rằng tính dục của trẻ em mang tính bản năng, được bộc lộ một cách vô tư, thoải mái. Trước những hành vi tính dục ấy, người lớn luôn có một thái độ cấm đoán và những hình thức trừng phạt. Từ đó hình thành nên ở trẻ sự sợ sệt, thiếu tự tin vào bản thân mình – trạng thái mà Freud gọi là mặc cảm bị thiến. Bên cạnh đó, Freud còn nhận định rằng khi đứa trẻ có những thức tỉnh về tính dục và bắt đầu hướng sự thức tỉnh đó ra bên ngoài thì đối tượng đầu tiên của nó là bố (đối với con gái) hoặc mẹ (đối với con trai). Đối tượng mà đứa trẻ yêu thương là người sinh thành khác giới với nó: con trai yêu mẹ ghét bố; con gái yêu bố ghét mẹ. Sự yêu ghét này được Freud gọi là mặc cảm Oedipe. Lớn lên, đứa trẻ sẽ hướng đối tượng tình dục của nó vào một đối tượng khác giới với bố/mẹ mình, tức là vượt qua được mặc cảm Oedipe. Nhưng cũng có người suốt đời không vượt qua được mặc cảm này. Trong tâm lý trẻ thơ, ngoài mặc cảm bị thiến, mặc cảm Oedipe còn có mặc cảm phạm tội. Mặc cảm phạm tội được hình thành khi trẻ thơ bắt đầu ý thức được hình phạt mà người lớn dành cho chúng khi chúng phạm tội. Sợ hãi trừng phạt dẫn đến tâm trạng luôn luôn lo âu sợ mình phạm tội.
Freud nhấn mạnh rằng, những ham muốn tính dục từ thuở ấu thời vẫn tồn tại và bị dồn nén trong vô thức, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách cá nhân tuổi trưởng thành và vẫn âm thầm bộc lộ trong những tình huống khác nhau của đời sống con người. Ngoài khả năng di truyền bẩm sinh, nội dung vô thức còn được bổ sung trong quá trình con người sống và chịu tác động từ bên ngoài xã hội.

Trong truyện ngắn Chờ lệnh, nhân vật Morse là một người luôn phải sống trong sự giả dối nhằm che đậy những ham muốn của chính mình. Trên thực tế, tất cả những dối trá ấy đều bắt rễ từ những mặc cảm về thân phận trong Morse. Bởi lẽ, anh ta là một kẻ đồng tính và thường xuyên bị cám dỗ trước sức hút từ những người đàn ông khác. Đó là sức hút của Billy Hart, một kẻ chuyên đi lừa bịp người khác nhưng lại có một ngoại hình khá điển trai với “hai gò má cao, mắt đen sâu rất đẹp, dáng đi đủng đỉnh như mèo, lúc nào cũng phớt tỉnh, lửng lơ, đi đứng thì gần như khinh mạn mà điệu bộ lại uyển chuyển” [4, 278-279]. Chính những điều đó đã khiến cho Morse phải “cố ngăn cái sức hút cũ đó”, “luôn luôn căng thẳng mỗi khi cậu ta có mặt, luôn luôn phải gắng cưỡng lại việc đưa mắt về phía khuôn mặt cậu ta, về phía cái đôi môi có vẻ như đang che giấu một bí mật mà chỉ mình cậu ta biết” [4, 279]. Morse đang cố gắng che đậy bản thân, che giấu cái bí mật về con người thực sự và những khao khát bản năng lại đang trỗi dậy trong mình. Morse làm điều ấy bởi anh ý thức rất rõ sự kỳ thị của người đời dành cho những kẻ “hai giới tính” như mình, đặc biệt là khi anh đang sống trong một xã hội hậu công nghiệp phát triển, xã hội hậu hiện đại.
Đó cũng là tâm lý của Tub trong Thợ săn trên tuyết. Song, thay vì nói dối nhằm che đậy “thân phận” thực của mình, Tub đã che giấu tất cả mọi người sự thật về sự béo phì của anh. Anh nói dối họ bằng việc đổ lỗi cho chuyện hoóc môn trong anh nó thế, nhưng sự thực là do anh ăn quá nhiều. Tub buộc phải làm như vậy bởi anh mang mặc cảm về khuyết điểm kém thẩm mỹ trên cơ thể mình. Anh sợ hãi nếu phải đối mặt với sự dè bỉu của người đời cho cái tính tham ăn của anh.

Tuy nhiên, thay vì cảm thấy dễ chịu hơn, việc buộc phải dối trá của Tub không chỉ khiến anh phải kìm nén những cơn thèm ăn của mình trước người khác mà còn luôn tự cảm thấy xấu hổ, day dứt. Chính Tub đã thú nhận điều đó với Frank: “Không ai biết. Đấy chính là điều tệ nhất. Béo cũng chả sao – tôi chẳng bao giờ muốn gầy cả – nhưng mà tệ nhất là phải nói dối. Phải sống hai mặt, cứ như là điệp viên hay là dân giết người thuê. Tôi hiểu mấy loại người đó. Tôi biết họ cảm thấy thế nào. Lúc nào cũng phải nghĩ xem mình nên nói gì và làm gì. Lúc nào cũng cảm thấy người khác đang quan sát mình, đang cố bắt quả tang mình. Không lúc nào được là mình cả” [4,60]. Trên thực tế, Tub đang nói đến một loại người nói chung trong cái xã hội hậu hiện đại nước Mỹ mà anh đang sống. Đó là loại người mà đang từng ngày, từng giờ cố gắng chạy theo những lợi ích vật chất mà vô tình quên đi chính mình. Điều này đã gợi liên tưởng đến con côn trùng Gregor Samsa của Franz Kafka. Khi Samsa đã bị tha hóa đi, nhận ra mình không còn là chính mình nữa thì cũng đến lúc anh ta bị “biến dạng”.
Tuy nhiên, khác với anh chàng Gregor Samsa của thời hiện đại trước, Tub chính là mẫu người ở thời hậu hiện đại, tự đánh mất chính mình trong cái vỏ bọc của sự dối trá, bắt nguồn từ những mặc cảm về sự xấu xí của bản thân, và cả lòng tự trọng. Mặc dù không ai biết là anh ta nói dối, nhưng không bởi vậy mà Tub cảm thấy thoải mái. Tự bản thân anh không cho anh cái quyền được là chính mình chứ không phải ai khác bởi anh nhận thức được lời mình nói là giả dối. Song, cũng là tự lừa dối (bằng cách hết lần này đến lần khác đều đưa ra lí do để bào chữa cho những hành động sai trái, bỡn cợt mà mọi người xử sự với mình), nhưng cái anh chàng Gimpel trong truyện ngắn Gimpel thằng ngốc của Issac Bashevis Singer lại tự đưa ra cho mình một triết lí sống thật đơn giản, mà lại khiến cho người đọc phải thán phục. Triết lý đó là hãy “tin vào điều mình tin”, cho dù vì đức tin mà dường như suốt cuộc đời Gimpel luôn bị lừa dối. Chính vì triết lí sống này mà Gimpel, từ một thằng Ngốc, nghiễm nhiên trở thành nhà Thông Thái trong con mắt người đọc. Dĩ nhiên, việc so sánh giữa hai nhân vật này là có phần khập khiễng, bởi lẽ Gimpel thì bị mọi người lừa dối, còn Tub thì lại đi lừa dối mọi người. Song, điều quan trọng là Tub không thể cảm thấy yên ổn sống trong sự giả dối của chính mình, như sự điềm nhiên chấp nhận giả dối đến với bản thân của Gimpel. Về điều này, cậu bé James trong Kẻ nói dối có lẽ đã làm tốt hơn Tub, vì cậu ấy cũng đang tự “tin vào những gì mình tin” giống như Gimpel, dù đó thực chất là sự giả dối do chính cậu tạo nên.

Cũng bắt nguồn từ những mặc cảm về sự yếu đuối nằm sâu bên trong tâm hồn của mình, nhân vật Pete trong Người anh giàu có đã liên tục phủ nhận, mà thực tế là nói dối cậu em Donald về những chuyện quá khứ của hai anh em và cả những giấc mơ. Bởi lẽ, Pete luôn thiếu tự tin về bản thân, luôn ám ảnh về sự thua kém của mình với người em, cái mà Freud gọi là “mặc cảm bị thiến” của con người khi trưởng thành. Trên thực tế, có một giấc mơ thường xuyên lặp đi lặp lại với Pete. Đặc biệt, chi tiết Pete kể về giấc mơ của mình với Donald: “Kể cũng buồn cười. Tôi mơ thấy cậu chăm sóc tôi. Chỉ có tôi với cậu. Tôi không biết là mọi người đi đâu hết” [4, 104]. Tuy nhiên, Pete chỉ dừng lại ở đó mà cố tình không nói đến việc anh ta bị mù. Đây có lẽ chính là ẩn dụ cho sự mù quáng trong những thành công về vật chất mà thiếu đi ánh sáng của yếu tố tâm linh trong Pete. Do đó, Pete rất cần có Donald ở bên, cũng như luôn cần sự hỗ trợ tâm linh chân chính từ những người như Donald. Mặc dù vậy, Pete lại cố tình che giấu khi kể cho Donald nghe. Anh ta không muốn mình trở thành một kẻ yếu đuối, thảm hại trước mặt em trai. Điều này cũng có căn nguyên từ những mặc cảm về sự thua kém, không chỉ đến khi trưởng thành mới xuất hiện, mà ngay từ khi còn nhỏ đã hình thành trong con người Pete, khi anh cảm thấy mình không nhận được tình yêu thương công bằng từ phía cha mẹ với Donald.

Trong Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ, nhân vật Mary cũng là người luôn bị mặc cảm, tự ti, thiếu tin tưởng về khả năng của chính mình, dẫn đến việc tự đánh mất đi cá tính riêng. Mary dạy học bằng những bài giảng mà trong đó, cô hoàn toàn sử dụng “những luận cứ và lời lẽ của người khác – những tên tuổi đã được chấp nhận để cô không buột miệng nói điều gì đó sai lệch” [4, 11]. Song, Mary lại không bao giờ muốn để lộ cái mặc cảm, cái tự ti ấy. Bất cứ khi nào, cô cũng luôn cố gắng che giấu con người thật của chính cô bằng việc cố làm những điều không thật: “Khi khoa của cô biến thành một mớ bòng bong, Mary vẫn bình thản làm việc và giả như không biết rằng mọi người trong khoa cô ghét nhau. Để tránh tỏ ra là người tẻ nhạt, cô tự biến mình thành người độc đáo theo những lối vô hại. Cô bắt đầu chơi bowling, và cố mê trò này; rồi lại thành lập một chi hội tưởng niệm vua Richard Đệ Tam ở đại học Brandon...” [4, 12]. Trên thực tế, sự giả tạo trong cách sống đó của Mary cũng không hề đem lại cho cô niềm hạnh phúc. Bởi lẽ, cô hiểu được sự cười cợt, coi thường của mọi người dành cho mình. Tuy nhiên, Mary vẫn cứ chấp nhận lối sống đó, bởi cô vẫn không thể nào thoát ra khỏi sự mặc cảm, thiếu tự tin về chính bản thân mình. Chỉ đến khi chính Mary bị Louise và hội đồng tuyển dụng giáo sư của một trường đại học lừa dối trở lại, coi cô như một “quân cờ” vô giá trị trong kế hoạch của họ, Mary mới có thể dẹp bỏ những mặc cảm, tự ti đó để thay vào là sự tự tin, là con người thật của chính mình, và sẵn sàng đứng lên chiến đấu.
Việc tự tạo ra một bức màn dối trá để che đậy những mặc cảm của các nhân vật trong Chuyện chúng ta bắt đầu, suy cho cùng, đều xuất phát từ một căn nguyên sâu xa. Đó chính là sự tàn nhẫn của xã hội nước Mỹ, của thời hậu hiện đại, thời mà những giá trị đạo đức đang bị lung lay, đẩy con người vào những bế tắc, những đường cùng, buộc họ không còn dám đối mặt với “bản nguyên” của chính mình.

3. Kết luậnTrong hầu hết những truyện ngắn của Tobias Wolff, các nhân vật của ông đều ít nhiều có những lời nói hay hành vi dối trá. Do vậy, việc truy tìm “căn nguyên” của những lời nói dối ấy là một điều rất cần thiết. Một mặt, nó giúp người đọc có thể đi sâu hơn vào tâm lý nhân vật. Mặt khác, nó cũng góp phần giúp cho những văn bản truyện ngắn của Wolff có thể vươn dài ra trong quá trình tiếp nhận của bạn đọc, để bắt lấy những văn bản nền móng trước nó và cùng thời với nó.
Bằng việc đối thoại qua cái nhìn liên văn bản giữa những hành vi nói dối với những ẩn ức vô thức, những mặc cảm thân phận của các nhân vật trong Chuyện chúng ta bắt đầu của Tobias Wolff, về cơ bản chúng tôi đã lý giải được phần nào căn nguyên của những hành vi nói dối đó. Họ, với những ẩn ức trong cuộc đời, những mặc cảm về thân phận khác nhau, đã tự tạo ra những bức màn giả dối nhằm che giấu sự thật hay bảo vệ chính mình. Suy cho cùng, tất cả những dối trá đều là hệ quả từ nỗi bất an, sợ hãi, cô đơn, yếu đuối của con người trong một thời đại khắc nghiệt – thời hậu hiện đại. Đây không chỉ là những đặc điểm cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tobias Wolff nói riêng mà còn là của hầu hết các nhà văn hậu hiện đại khác nói chung.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phương Lựu (Chủ biên) (2005), Lý luận văn học phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Trần Thanh Hà (2008), Học thuyết S. Freud và sự thể hiện nó trong văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.29-30.
  3. Judith ShulevitzThe Liberation of lying, www.slate.com.
  4. Tobias Wolff (2011), Chuyện chúng ta bắt đầu (Our story begins), Phan Việt dịch, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 
     
    Bài in trong Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội 2, số 48. Trang 48-57.
0969889270 0912944324