Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY VĂN HỌC ẤN ĐỘ Ở VIỆT NAM

TS. Nguyễn Thị Bích Dung


Ấn Độ là quốc gia rộng lớn ở Nam Á, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Thời cổ đại, nền văn học nghệ thuật miền đất sông Ấn,  sông Hằng đã phát triển rực rỡ, là một trong những thành tựu nổi bật góp phần tạo nên bản sắc Ấn Độ, ảnh hưởng tích cực tới nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Từ xa xưa các nhà truyền giáo, các thương nhân Ấn Độ đến Việt Nam đã mang tới đây tư tưởng Phật giáo, triết học, văn học dân gian và văn học nhà Phật. Những ảnh hưởng của văn học nghệ thuật Ấn Độ bộc lộ rõ nét trong các truyện dân gian Việt Nam, các công trình kiến trúc đền chùa Phật giáo người Việt cũng như các tháp cổ của người Chăm ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Tới thời cận - hiện đại mối giao lưu quan hệ Việt Nam và Ấn Độ không ngừng phát triển, văn học Ấn Độ ngày càng được tiếp nhận sâu rộng ở Việt Nam. Trong khuôn khổ báo cáo thuộc Hội thảo khoa học này chúng tôi xin trình bày về sự tiếp nhận văn học Ấn Độ ở Việt Nam nhìn trên bình diện nghiên cứu và giảng dạy.

1. Nghiên cứu văn học Ấn Độ
Nếu việc dịch thuật văn học Ấn Độ ở Việt Nam được tiến hành từ những năm 20 và có bước phát triển mạnh mẽ ở những thập kỷ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, thì hoạt động nghiên cứu phê bình văn học Ấn Độ diễn ra có phần muộn hơn. Từ cuối thế kỷ XX cùng với việc dịch thuật, giới thiệu văn học, lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học Ấn Độ ở Việt Nam ngày càng được quan tâm, không ngừng mở rộng phạm vi nghiên cứu và chất lượng các công trình.

a. Thời kỳ đầu thế kỷ XX đến 1974
Những bài viết đầu tiên về văn học Ấn Độ ở Việt Nam được đăng trên tờ báo Tiếng chuông rè (La Choche Fêlée) và Nam Phong Tạp chí năm 1924 có tính chất giới thiệu, quảng bá. Nguyễn Tinh với bài Lòng ái quốc ở Tagore bước đầu giúp bạn đọc Việt Nam có hiểu biết về nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ Tagore. Các nhà nghiên cứu Trương Thúc Đình, Thượng Chi đánh giá cao giá trị thơ Tagore và khẳng định ông là đại biểu xuất sắc của văn học phương Đông, một trong những nhà thơ ưu tú của nhân loại. Với Thi hào Tagore: Nhà đại biểu văn hóa Á Đông, Nxb Tân Việt, S.1943, Nguyễn Văn Hai đi sâu tìm hiểu giá trị nhân đạo và nghệ thuật đặc sắc của thơ Tagore. Chuyên luận R. Tagore - nhà thơ nhân loại, Nxb Sưu tầm, S.1957 của Phan Lạc Tuyên là một trong những công trình nghiên cứu được đánh giá cao.

Sang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, việc nghiên cứu phê bình văn học Ấn Độ có bước chuyển biến đáng kể.

Trong số các tác phẩm văn học đã dịch thời kỳ này, một số bản in có lời giới thiệu phê bình in ở đầu sách. Một trong những lời giới thiệu viết công phu là bài của Cao Huy Đỉnh in trong Tagore, Cao Huy Đỉnh - La Côn dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa, 1961 có tựa đề: Rơ-vin-đơ-ra-nat Ta-go-rơ dài 48 trang đã giới thiệu cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp văn học, giá trị nhân đạo sâu sắc và tài năng nghệ thuật của Tagore. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh khẳng định: “Tagore trước tiên là một nhà thơ trữ tình lỗi lạc, đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn phức tạp của con người quý tộc tiến bộ ở Bănggan, đồng thời cũng phản ánh được những đặc điểm lớn lao của xã hội Ấn Độ trong quá trình đấu tranh cải cách xã hội, chống đế quốc, giành độc lập dân tộc... Công lao vĩ đại của Tagore là phát huy được truyền thống nhân đạo chủ nghĩa, truyền thống yêu nước và truyền thống thơ, ca, kịch của Ấn Độ”(1). Cũng trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh R. Tago, Xuân Diệu có bài Tagor và thơ Tagor. Bài viết của nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học dài 29 trang đã khám phá vẻ đẹp muôn màu, tình yêu cuộc sống, con người và nghệ thuật thơ độc đáo của Tagore...

Một số bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học. Cao Huy Đỉnh có các bài: Nhà thơ Kalidax và vở kịch bất hủ Sơkuntơla (NCVH số 6 - 1960); Tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong thơ Tagor (NCVH số 4 - 1961, in lại số 8 - 1995); Vài nét về văn học tiến bộ ở Ấn Độ trong nửa đầu thế kỷ XX (NCVH số 12 - 1962); Bước đầu tìm hiểu quá trình Việt hóa những yếu tố văn hóa từ Nam Á qua một số truyện cổ (NCVH số 5 - 1963); Sức tố cáo của Gôdan (TCVH số 4 - 1964). Một số bài giới thiệu các tập thơ của R. Tago được đăng trên tập san Đại học số 1 - 1962, tạp chí Văn số 15 - 1964. Thời kỳ này Cao Huy Đỉnh hoàn thành công trình Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội, H. 1964.

b. Thời kỳ từ 1975 đến nay
Việc nghiên cứu phê bình văn học Ấn Độ có bước phát triển vượt bậc
Trong số các bản dịch tác phẩm văn học Ấn Độ có khoảng 45% văn bản có lời giới thiệu. Đó là bài Vài lời về sử thi Mahabharata dài 26 trang của Cao Huy Đỉnh trong Mahabharata, Nxb Khoa học xã hội, H. 1979 đi sâu tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật sử thi cổ đại đặc sắc của Ấn Độ. Phần giới thiệu trong Rabindranath Tagor - Tuyển tập thơ, Nxb Văn học, H.1979 của Đào Xuân Quý có tiêu đề Rabindranath Tagor nhà thơ của cuộc đời khẳng định tầm cao tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc của thơ Tagore. Lời nói đầu trong bản dịch Ramayana sử thi Ấn Độ, Nxb Đà Nẵng 1985 là kết quả nghiên cứu của R. K. Narayan; Lời giới thiệu tập Truyện cổ dân gian Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1985 của Nguyễn Tấn Đắc dài 27 trang trình bày cụ thể nguồn gốc và đặc điểm của truyện cổ dân gian Ấn Độ. Trong Những truyện kể của Vêtala, Nxb Khoa học xã hội, H. 1987, ngoài Lời giới thiệu của Nguyễn Tấn Đắc, còn có Lời giới thiệu của Louis Renou cho bản dịch tiếng Pháp giúp người đọc biết thêm hướng tiếp cận truyện cổ dân gian Ấn Độ. Khác các nhà nghiên cứu - dịch giả nêu trên, Vũ Đình Phòng trong Lời giới thiệu tiểu thuyết Samskara của nhà văn A. Muốcthy, Nxb Lao động, 1987, trình bày rất ngắn gọn những điểm cơ bản về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và tiểu thuyết của A. Muốcthy. Cũng theo hướng đó, Phan Tứ có Lời giới thiệu tiểu thuyết Sông Hằng mẹ tôi của nhà văn B. P. Gupta, Nxb Đà Nẵng, 1985. Đào Anh Kha tập trung giới thiệu nét đặc sắc tập truyện ngắn Mây và Mặt trời của Tagore, Nxb Văn học, H.1986. Lưu Đức Trung nhấn mạnh nghệ thuật tiểu thuyết Đắm thuyền của Tagore: sử dụng biểu tượng ẩn dụ, kết hợp hiện thực với huyền thoại một cách nhuần nhuyễn và chặt chẽ. Phần Giới thiệu tập thơ Lời Dâng, Nxb Đà Nẵng, 1996, là bản dịch lời nhận định, đánh giá thơ Tagore của W. B. Yeats.

 Phần lớn bài viết của các nhà nghiên cứu - dịch giả được đăng tải trên các tạp chí, báo chí Trung ương và địa phương. Trong đó ba tạp chí có nhiều bài viết nghiên cứu văn học Ấn Độ.

- Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á(2) có 26 bài trong đó tìm hiểu những vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến văn học: 18 bài; nghiên cứu văn học: 8 bài chủ yếu nghiên cứu truyện cổ, sử thi và tác giả Tagore. Về cơ bản các bài viết mang tính chất giới thiệu, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu.

- Tạp chí Văn học nước ngoài(3) dành phần nhiều cho in ấn bản dịch văn học, phần nghiên cứu phê bình không nhiều. Nghiên cứu phê bình, giới thiệu văn học Ấn Độ có 20 bài, tập trung nghiên cứu những vấn đề chung, sử thi và tác giả Tagore.

Tạp chí Văn học nước ngoài số 4 - 1996 Chuyên đề văn học Ấn Độ. Ngoài phần dịch thuật, có ba bài nghiên cứu văn học Ấn Độ: Nét đặc trưng của tư duy Ấn Độ của Nguyễn Hùng Hậu, Văn học Ấn Độ ở Việt Nam của Lưu Đức Trung, Tình yêu và hôn nhân trong văn học Ấn Độ thời Trung đại (Trần Nho Thìn dịch) của Evanina.

Tạp chí Văn học nước ngoài số 12 - 2010, số đặc biệt kỷ niệm 150 năm sinh Rabindranath Tagore có các bài: Tiểu sử của R. Tagore, bản dịch Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thuỵ ĐiểnR. Tago- Tôn giáo của nhà thơ do Lưu Đức Trung dịch, tiểu luận Cảm nghiệm thẩm mĩ (Rasa) trong tác phẩm Gitanjali (Thơ Dâng) của Rabindranath Tagore của Phạm Phương Chi. Đây được xem là “nỗ lực bước đầu cho xu hướng nghiên cứu văn học nghệ thuật Ấn Độ từ mĩ học, lý luận văn học Ấn Độ.

Tạp chí Văn học nước ngoài số 11 & 12 - 2011 kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất Rabindranath Tagore. Ngoài phần giới thiệu R. Tagore, có 10 bài nghiên cứu chuyên sâu về Tagore và văn học Ấn Độ nói chung: Một số quan điểm nghệ thuật của Tagore (Đỗ Thu Hà), Thơ Rabindranath Tagore - cuộc phối hôn giữa các nền văn hoá (Nguyễn Văn Hạnh), Hình ảnh về người phụ nữ mới Ấn Độ trong văn xuôi Tagore (Nguyễn Thị Thanh Thuỷ), Rabindranath Tagore - triết gia tình yêu (Nguyễn Thị Mai Liên), Rabindranath Tagore, tình yêu và lòng nhân ái cao cả hiến dâng nhân loại (Lê Thành Nghị), Tích hợp Đông - Tây, truyền thống và hiện đại trong kịch Rabindranath Tagore (qua tác phẩm Chandelika) (Phan Thu Hiền), Rabindranath Tagore - thơ viết về trẻ em (Hoàng Trọng Hà), Ảnh hưởng của Tagore đến Đông Hồ (Đào Thị Diễm Trang), Thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore ở Việt Nam (Thuý Toàn), Văn học hiện đại Ấn Độ (Phạm Phương Chi). Nội dung nghiên cứu về Tagore và văn học Ấn Độ phong phú hơn, những nhận định đánh giá giàu sức thuyết phục...

- Tạp chí Nghiên cứu văn học có hơn 50 bài nghiên cứu văn học Ấn Độ. Các bài viết chủ yếu đi sâu tìm hiểu tác giả, tác phẩm văn học, tiếp đến là lịch sử văn học, sử thi, truyện cổ.

Tiêu biểu là các bài: Người phụ nữ trong sáng tác của một số nhà văn tiến bộ Ấn Độ (TCVH số 1 - 1978), Pôrem Chan và hiện thực xã hội Ấn Độ (TCVH số 5 - 1978) của Nam Liên; Mấy điều suy nghĩ nhân đọc thơ Ấn Độ (TCVH số 5 - 1981) của Đào Xuân Quý; Rabindranath Tagore - nhà triết học và nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa (TCVH số 2 - 1986) của Nguyễn Tuấn Khanh; Porem Chanđơ ngọn cờ của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Ấn Độ (TCVH số 6 - 1987); Văn học Ấn Độ (TCVH số 2 - 1991) của Lưu Đức Trung; Kalidâsa và ảnh hưởng của ông trong văn học cổ điển Ấn Độ (TCVH số 7 - 1997) của Nguyễn Đức Đàn; Sử thi Mahabharata - từ cái nhìn thể loại (TCVH số 9 - 1997) của Phan Thu Hiền; Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong sử thi Ramayana (TCVH số 3 - 1998) của Nguyễn Thị Mai Liên; Chất trí tuệ - điểm sáng thẩm mĩ trong thơ Rabindranath Tagore (TCVH số 4 - 1998) của Nguyễn Thị Bích Thúy; Dasa Kumaracarita (chuyện mười chàng trai trẻ) của Dadin với bước chuyển từ sử thi tới tiểu thuyết “bợm nghịch” (TCVH số 8-2000) của Phan Thu Hiền; R. Tagore - hiệp sĩ vẽ bụi và ánh sáng mặt trời (TCVH số 6 - 2001) của Lê Từ Hiển; Alamkara - vấn đề cơ bản của lí luận thơ ca cổ điển Ấn Độ (TCVH số 7 - 2003) của Phan Thu Hiền; Chủ nghĩa hậu hiện đại Ấn Độ (NCVH số 8 - 2005) của Phạm Phương Chi; Kịch R. Tagore (NCVH số 6 - 2006) của Lưu Đức Trung; Truyện ngắn Tagore trên hành trình hiện đại hóa văn xuôi Ấn Độ thế kỷ XX (NCVH số 10 - 2007) của Nguyễn Văn Hạnh...

Tạp chí Nghiên cứu văn học số 8 - 2008 ra Số đặc biệt kỷ niệm ngày Độc lập của Cộng hòa Ấn Độ đăng tải 17 bài viết của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài, trong đó có 11 bài về văn học Ấn Độ: Rabindranath Tagore bàn về cái đẹp (Lưu Đức Trung); Phương diện kết cấu trong nghệ thuật kể chuyện - thuyết pháp của Jataka (Những câu chuyện tiền thân Đức Phật) của Phan Thu Hiền; Nhân vật anh hùng trong sử thi Ấn Độ Mahabaharata (Nguyễn Thị Tuyết Thu); Tiếp xúc Đông - Tây và sự khởi đầu của tiểu thuyết hiện đại Bengal (Nguyễn Văn Hạnh); Huyền thoại Ấn Độ và Raja Rao (Đỗ Thu Hà); Dấu ấn phương Tây trong văn học Ấn Độ cận - hiện đại (Nguyễn Thị Mai Liên)... Văn học được xem như vốn hiểu biết (Kapil Kapook); Nghiên cứu so sánh văn học ở Ấn Độ: Một cái nhìn mới (Viney Kirpal); “Rasa” trong mỹ học Ấn Độ (Priyadarshi Patnaik).

Trong tạp chí Nghiên cứu văn học số 4 - 2011 có ba bài nghiên cứu R.Tagore: Rabindranath Tagore - kiến trúc sư của thời kỳ Phục hưng văn hóa, văn học Ấn Độ (Nguyễn Văn Hạnh); Minh triết trong Thơ Dâng (Gitanjali) của R. Tagore (Lê Nguyên Cẩn); Truyện ngắn TagoreMột lối đi riêng trong giải phóng tình dục (Lê Thanh Huyền). Bàn về Thơ văn Tagore còn có bài Sắc màu sùng tín trong Thơ Dâng của R. Tagore (NCVH số 9 - 2011) của Nguyễn Thị Mai Liên; Phong cách “thư phòng” trong truyện ngắn R. Tagore (NCVH số 2 - 2013) của Lê Thanh Huyền và Một số biểu tượng nghệ thuật đặc thù trong sử thi Ramayana Ấn Độ (NCVH số 8 - 2012) của Lê Thị Bích Thủy.

Trong số các bài nghiên cứu có một số bài so sánh văn học: Sử thi và mối quan hệ văn học nghệ thuật Đông Nam Á - Ấn Độ (TCVH số 5 - 1990) của Võ Quang Nhơn; Sử thi của những đất nước xa nhau: Ấn Độ và Tây nguyên Việt Nam (TCVH số 5 - 1987); Thử so sánh sử thi Ramayana cổ đại của Ấn Độ với Riêm Kê của Campuchia (TCVH số 3 - 1998) của Đỗ Thu Hà; Vũ trụ và cá nhân trong thơ Whitman và R. Tagore (NCVH số 8 - 2007) của Lê Từ Hiển; Nạn đại hồng thủy và sự tái sinh loài người qua thần thoại Ấn Độ và Đông Nam Á (NCVH số 8 - 2008) của Hà Đan.

Một số công trình nghiên cứu đã in sách.
Những công trình nghiên cứu in sách tập trung ở những thập kỷ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Phan Nhật Chiêu - Hoàng Hữu Đản R. Tagore - người tình của cuộc đời, Nxb Hội Nhà văn, H.1991; Phan Thu Hiền Văn học Ấn Độ (tuyển chọn và giới thiệu), Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, 1997; Phan Thu Hiền Đặc trưng sử thi Ấn Độ, Nxb Giáo dục, H. 2000; Lưu Đức Trung Hợp tuyển văn học châu Á tập II, Văn học Ấn Độ, Nxb ĐHQG Hà Nội, H. 2002; Đỗ Thu Hà, R. Tagore - Văn và người, Nxb Văn hóa - Thông tin, H. 2005; Phan Thu Hiền Thi pháp văn học cổ điển Ấn Độ, Nxb KHXH, H. 2006- Đây là công trình nghiên cứu giới thiệu một cách hệ thống lý luận văn học cổ điển Ấn Độ ở Việt Nam; Nguyễn Văn Hạnh Rabindranath Tagore với thời kỳ Phục hưng Ấn Độ, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2006; Lưu Đức Trung Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục, H. 2007; Thích Tâm Minh Khảo cứu về văn học Pali (Văn học Luật tạng), Nxb Phương Đông, Cà Mau, 2008; Nguyễn Thị Mai Liên Đặc trưng thi pháp nhân vật trong sử thi Ramayana, Nxb Thông tin và truyền thông, 2014; Nguyễn Thị Mai Liên Tư tưởng tôn giáo - triết học trong văn học Ấn Độ thời kỳ cổ - trung đại, Nxb ĐHSP, 2014- Cuốn sách tập trung làm sáng rõ tư tưởng tôn giáo - triết học trong thần thoại Ấn Độ, sử thi Ấn Độ, trong thơ sùng tín và trong văn học Phật giáo; Phạm Phương Chi Cảm thức nghệ thuật trong sử thi Ramayana, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2015, qua khảo sát nghiên cứu đã khẳng định những cảm nghiệm thẩm mỹ (rasa) nổi bật trong sử thi Ramayana là bi thương (karuna), tình yêu (srngara), an bình (santa) và khơi gợi (dhvani).

Ngoài ra một số sách có phần giới thiệu, nghiên cứu về quá trình phát triển văn học Ấn Độ, tác gia, tác phẩm cụ thể: Nguyễn Thừa Hỷ Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb Văn hóa, H. 1986; Cao Huy Đỉnh Văn hóa Ấn Độ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993; Lương Duy Thứ (chủ biên) Đại cương văn hóa phương Đông, Nxb Giáo dục, 1996; Nhật Chiêu Câu chyện văn chương phương Đông, NXB Giáo dục, 1997; Lưu Đức Trung (chủ biên) Văn học nước ngoài, Nxb Giáo dục, 1998; Lưu Đức Trung Giáo trình văn học châu Á 2 (Văn học Ấn Độ, Đông Nam Á, Nhật Bản), Nxb Giáo dục, H. 2002; Lưu Đức Trung Bước vào vườn hoa văn học châu Á, Nxb Giáo dục, 2003; Lưu Đức Trung (chủ biên) Chân dung các nhà văn thế giới, Nxb Giáo dục, 2004.

Nghiên cứu sử thi Ấn Độ có các luận án Tiến sĩ bảo vệ thành công của Phan Thu Hiền, Nguyễn Thị Mai Liên, Nguyễn Thị Tuyết Thu, Phạm Phương Chi. Về thơ, truyện ngắn Tagore có các luận án Tiến sĩ của Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Thị Bích Thúy, Lê Thanh Huyền... và nhiều luận văn Thạc sĩ văn học Ấn Độ.

Các công trình trên là nguồn tài liệu bổ ích giúp bạn đọc Việt Nam có cái nhìn toàn diện, hệ thống về văn học Ấn Độ từ quá trình hình thành, phát triển, những tác gia, tác phẩm xuất sắc đến những vấn đề thuộc về thi pháp, tư tưởng tôn giáo và triết học trong văn học Ấn Độ.

Một số công trình nghiên cứu văn học Ấn Độ của các nhà nghiên cứu nước ngoài được dịch sang tiếng Việt giúp người đọc biết thêm hướng tiếp nhận văn học đối với những nhà văn vùng sông Hằng. Tiêu biểu là L. Đ. Xerebriacôp Khảo luận về văn học Ấn Độ, Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Hải Hà dịch, Tư liệu ĐHSP Hà Nội I, năm 1978; V. K. Gorkak Ảnh hưởng của R. Tagore đối với thơ ca hiện đại Ấn Độ; Nadkami Đời sống văn học Ấn Độ...
Việc nghiên cứu phê bình văn học Ấn Độ khá toàn diện: Nghiên cứu lịch sử văn học và những vấn đề chung, nghiên cứu thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Nhiều công trình nghiên cứu sử thi Mahabharata, sử thi Ramayana, thơ Tagore, truyện cổ Ấn Độ được dư luận đánh giá cao.

2. Giảng dạy văn học Ấn Độ
Những tác phẩm văn học thế giới xuất sắc là di sản tinh thần văn hóa chung của nhân loại, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tri thức, nâng cao năng lực cảm thụ, cách tiếp nhận văn học nhằm tạo tiềm lực và vốn văn hóa cho người học. Việc dạy - học văn học nước ngoài trong nhà trường được coi trọng và thực hiện từ những ngày đầu xây dựng nền giáo dục mới. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, việc dịch thuật, nghiên cứu còn hạn chế nên việc dạy - học văn học nước ngoài ở các bậc học mới tập trung tuyển chọn những tác giả tác phẩm xuất sắc thuộc các nền văn học Trung Quốc, Pháp, Nga-Xôviết... Văn học Ấn Độ và một số nền văn học khác được đưa vào giảng dạy trong nhà trường muộn hơn. Đến nay văn học Ấn Độ có vị trí nhất định trong chương trình, giáo trình, sách giáo khoa các bậc học ở Việt Nam.

a. Văn học Ấn Độ trong chương trình, giáo trình đại học
Năm 1973, Trường ĐHSP Hà Nội I, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên xúc tiến xây dựng chương trình và giảng dạy văn học Ấn Độ ở Khoa Văn. Năm 1984, Văn học Ấn Độ được đưa vào Chương trình văn học nước ngoài dùng cho Khoa Tiếng Việt và Văn học, Trường ĐHSP hệ 4 năm đào tạo theo hình thức tập trung, Ban hành theo Quyết định số 757/QĐ ngày 21/7/1984 của Bộ Giáo dục, là một trong bốn phần của văn học châu Á. Theo đó: Văn học Ấn Độ (16 tiết), chia hai chương: Chương thứ nhất Văn học dân gian Ấn Độ (10 tiết), gồm: Đất nước, lịch sử, dân tộc và văn hóa Ấn Độ (2 tiết),  Thần thoại (2 tiết), Anh hùng ca (3 tiết), Truyện cổ và ngụ ngôn Ấn Độ (3 tiết), Đọc thêm Kaliđasa; Chương thứ hai Tagor (6 tiết), gồm: Vài nét về đặc điểm lịch sử, Tiểu sử tư tưởng và sáng tác, Thơ Dâng, Ngoại khóa: Prem Chanđơ.

Từ khung chương trình trên, Lưu Đức Trung biên soạn Giáo trình văn học Ấn Độ, Trường ĐHSP Hà Nội I ấn hành 1984. Năm 1989, Lưu Đức Trung và Đinh Việt Anh đã hoàn thành giáo trình Văn học Ấn Độ - Lào - Campuchia. Đây là tài liệu được Hội đồng thẩm định sách của Bộ Giáo dục giới thiệu làm sách dùng chung cho các trường ĐHSP, trong đó văn học Ấn Độ 135 trang. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đào tạo theo hai giai đoạn, học phần, nay đào tạo theo học chế tín chỉ thì các trường, trên cơ sở khung chương trình của Bộ, tự xây dựng chương trình đào tạo của trường mình và tổ chức biên soạn giáo trình, tư liệu tham khảo. Không chỉ các trường ĐHSP mà các trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có đào tạo Cử nhân Văn học, Cử nhân phương Đông học, thì văn học Ấn Độ được đưa vào phần kiến thức bắt buộc và chuyên đề tự chọn. Năm 2007, Lưu Đức Trung biên soạn Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục ấn hành, giáo trình gồm bốn phần chính: Đặc điểm đất nước Ấn Độ, Văn học cổ đại, văn học trung đại, văn học cận - hiện đại. Trong đó văn học cổ đại ngoài những phần (nay phát triển thành các chương) đã trình bày trong các giáo trình trước đó, nay được bổ sung các chương: Upanixat, Văn học Phật giáo, Đanđin và tiểu thuyết Mười chàng trai trẻ. Văn học trung đại (Ấn Độ) lần đầu tiên được đưa vào giáo trình với Mục khái quát trình bày những vấn đề chung và giới thiệu bốn tác giả tiêu biểu: Basavanna (1106-1167); Chanđi Đax (XIV); Nanak (1469-1538); Tunxi Đax (1532-1623) và hai chương: Tác phẩm Mục tử ca; Kabia và Những khúc ca. Phần văn học cận - hiện đại ngoài mục khái quát và hai chương viết về R. Tago, về Prem Chanđơ, giáo trình còn một chương giới thiệu 13 gương mặt tiêu biểu của văn học Ấn Độ cận - hiện đại. Với 283 trang giáo trình, Lưu Đức Trung - một trong những người có công đầu trong việc đưa văn học Ấn Độ vào giảng dạy trong nhà trường đã giúp người học, người đọc có những hiểu biết về bức tranh toàn cảnh văn học Ấn Độ sinh động, đa sắc màu. Với những tác giả văn học Ấn Độ nổi tiếng, tác giả giáo trình đã nêu bật giá trị nhân văn cao cả, đặc điểm thi pháp tác phẩm, phong cách nhà văn và những đóng góp cho nền văn học Ấn Độ.

Tiếp đến là Giáo trình văn học Ấn Độ do Đỗ Thu Hà biên soạn, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2015. Trong sách này, ở phần Mở đầu tác giả đã trình bày nền văn học đa ngôn ngữ tại Ấn Độ, Các ngôn ngữ của Ấn Độ trong mối quan hệ với văn học, Đặc điểm của văn học Ấn Độ. Phần văn học đương đại gồm 3 chương: Vatxialan Agyeya, Nền văn học Ấn - Anh, Raja Rao - Người đối thoại Đông - Tây là những nội dung mới.

Ngoài giáo trình, các nhà nghiên cứu - giảng viên đã biên soạn nhiều tài liệu tham khảo, chuyên luận thiết thực phục vụ việc học tập, nghiên cứu của sinh viên và học viên sau đại học.

Có thể thấy chương trình, giáo trình văn học Ấn Độ thuộc chương trình văn học nước ngoài của các trường ĐHSP, ĐH KHXH&NV quốc gia từng bước mở rộng nội dung chương trình, chú ý đúng mức tới các đỉnh cao văn học từng thời kỳ và hướng tới kiến thức chuyên sâu.

b. Văn học Ấn Độ trong chương trình, sách giáo khoa Văn học trung học
 * Văn học Ấn Độ trong chương trình, sách giáo khoa môn Văn THCS
Văn học Ấn Độ được đưa vào chương trình sách giáo khoa môn Văn THCS từ khi triển khai cải cách giáo dục. Hiện nay nhà trường THCS dạy học bài thơ Mây và sóng của R. Tagore trong giờ chính khóa, hình thức giảng văn.

* Văn học Ấn Độ trong chương trình, sách giáo khoa môn Văn THPT
Việc dạy - học văn học Ấn Độ ở THPT được thực hiện từ năm 1990. Trải qua hơn 20 năm, chương trình sách giáo khoa THPT nói chung, môn Ngữ văn nói riêng có nhiều thay đổi nhưng phần văn học Ấn Độ vẫn duy trì tương đối ổn định. Tuy văn bản bài học cụ thể có thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng việc dạy - học văn học Ấn Độ ở THPT vẫn tập trung vào sử thi Ramayana và thơ Tagore(4).

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy - học văn học Ấn Độ trong chương trình, sách giáo khoa trung học, các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học tích cực biên soạn tư liệu tham khảo, viết bài trao đổi, chia sẻ về những bài học cụ thể. Về sử thi Ramayana và thơ Tagore trong nhà trường có bài viết của Nguyễn Thị Mai Liên, Lê Nguyên Cẩn, Đào Duy Hiệp, Lưu Đức Trung, Lê Lưu Oanh, Nguyễn Thị Bích Dung, Nguyễn Trọng Hoàn...
 
3. Kết luận
- Nhìn lại quá trình nghiên cứu phê bình văn học Ấn Độ ở Việt Nam có thể thấy bước chuyển biến mạnh mẽ qua các thời kỳ: Kết quả nghiên cứu những năm đầu thế kỷ XX đánh dấu bước khởi đầu quan trọng, thời kỳ chiến tranh đầy gian khó nhưng đã có sự khởi sắc đáng ghi nhận, đến thời kỳ xây dựng phát triển đất nước thì việc nghiên cứu văn học Ấn Độ đạt được thành tựu lớn với những công trình nghiên cứu chuyên sâu.

- Nếu việc dịch thuật đã hướng tới và phần nào bao quát được các thời kỳ phát triển văn học và tương quan các thể loại văn học thì trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình có nhiều đổi mới nghiên cứu theo hướng liên ngành văn hóa - văn học, nghiên cứu so sánh văn học và xuất hiện nhiều công trình mang tính loại hình tác giả và thể loại... Các bài viết nghiên cứu văn học Ấn Độ từ góc độ thể loại hoặc đi sâu tìm hiểu những vấn đề cụ thể có số lượng nhiều hơn.

- Các nhà nghiên cứu bước đầu bao quát được các thời kỳ văn học, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của mỗi thời kỳ song văn học Ấn Độ trung đại chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng tác phẩm văn học thời kỳ này được dịch chưa nhiều, việc đi sâu nghiên cứu cũng chưa tương xứng với thành tựu văn học. Các tác phẩm kịch được giới thiệu nghiên cứu phê bình không đáng kể.

- So với lĩnh vực nghiên cứu phê bình, việc triển khai giảng dạy văn học Ấn Độ ở Việt Nam có phần chậm hơn, song ngày càng được quan tâm đúng mức ở bậc đại học, đồng thời duy trì và điều chỉnh đối với bậc trung học cho phù hợp chương trình, thời lượng, đối tượng tiếp nhận.

Như vậy với những đóng góp tích cực của các nhà nghiên cứu, giảng viên, các dịch giả, nhà xuất bản... văn học Ấn Độ ngày càng được giới thiệu đến đông đảo công chúng bạn đọc Việt Nam, giúp họ có cái nhìn toàn diện, đa chiều về văn học Ấn Độ, những đặc điểm văn học, đặc trưng thể loại... đồng thời nhận thức đầy đủ hơn nền văn học đa ngôn ngữ này trong bối cảnh khu vực và thế giới.
--------------------------------------
(1) Tagore, Nxb Văn hóa, H.1961, tr.IL.
(2) Từ 10 - 2012 đến nay, 43 số.
(3) Từ 1 - 1996 đến 3.2013 (số cuối), 120 số.
(4) Xem Phụ lục văn học Ấn Độ trong chương trình, sách giáo khoa môn Văn THPT. 

Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Ấn Độ (45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược), Nxb. Lý luận chính trị, tr.599-608.
0969889270 0912944324