TS. Lê Thị Thùy Vinh
Quán ngữ là một tổ hợp từ cố định được sản sinh trong quá trình giao tiếp. Vì thế nó mang theo tất cả những đặc điểm được thể hiện trong giao tiếp và chịu sự chế định từ các nhân tố của lời nói. Với cách tiếp cận dụng học, báo cáo xem xét một cách toàn diện bức tranh về quán ngữ tiếng Việt. Từ đó, bản chất của các quán ngữ sẽ được miêu tả một cách thỏa đáng, góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa “những tri thức thuộc về cấu trúc” với những tình huống giao tiếp của hiện thực.
A study on Vietnamese gambits from a pragmatics perspective
Gambit is a fixed word group produced during the communication process. Therefore, it possesses all the characteristics expressed through communication and is ruled by factors of speech. With a pragmatics approach, the study provides an overall view of the picture of Vietnamese gambits whereby the nature of gambits is described satisfactorily, which helps clarify the relationship between “structural knowledge” and practical communication situations.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Quán ngữ là một tổ hợp từ cố định được sản sinh trong quá trình giao tiếp. Vì thế nó mang theo tất cả những đặc điểm được thể hiện trong giao tiếp và chịu sự chế định từ các nhân tố của lời nói. Nhờ quán ngữ, lời nói trở nên mạch lạc, “đưa đẩy” và thuyết phục hơn và người ta nói với nhau cũng thêm phần hiệu quả hướng tới sự cân bằng trong giao tiếp. Ở một khía cạnh nào đó, quán ngữ cũng chính là những “mảnh ngôn từ” phản ánh đời sống văn hóa – xã hội của một dân tộc, thế nên nó mang theo “tinh thần” của dân tộc với những cung bậc biểu cảm riêng.
2. Nghiên cứu quán ngữ tiếng Việt từ cách tiếp cận dụng học theo chúng tôi là cách tiếp cận có tính triệt để. Với cách tiếp cận này, bản chất của những “biểu thức ngôn ngữ học” sẽ được miêu tả một cách thỏa đáng, góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa “những tri thức thuộc về cấu trúc” với những tình huống giao tiếp của hiện thực.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Lâu đài ngữ dụng học được dựng nên trên tinh thần thống hợp và tương tác của những vấn đề được trình bày trong các tác phẩm đại cương về ngữ dụng là chiếu vật và chỉ xuất, hành vi ngôn ngữ, lí thuyết lập luận, lí thuyết hội thoại, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn. Xem xét quán ngữ tiếng Việt từ góc độ dụng học, trong báo cáo này chúng tôi xuất phát từ lí thuyết hành vi ngôn ngữ - lí thuyết xương sống của ngữ dụng để phân loại và miêu tả các nhóm quán ngữ. Theo chúng tôi, đây là cách tiếp cận có tính triệt để đi từ chức năng đến hình thức, hứa hẹn nhiều kết quả khả quan.
1. Quán ngữ đánh dấu hành vi phỏng đoán, giả định
Trong giao tiếp nhiều khi người nói không thực sự chắc chắn về những thông tin mình nói ra bởi người nói chưa có bằng cứ xác đáng, chưa có sự kiểm nghiệm của bản thân hay sự đồng tình của cộng đồng. Vì thế ngoài phần nội dung mệnh đề, người nói phải sử dụng một số quán ngữ đánh dấu hành vi phỏng đoán – giả định. Các quán ngữ thuộc nhóm hành vi này trong tiếng Việt có số lượng khá lớn và có thể phân tách thành hai nhóm nhỏ như sau
Nhóm 1: quán ngữ thể hiện sự phỏng đoán có tính chất chủ quan của người nói như có lẽ, có thể là, hình như, có khi, chừng như, có vẻ, tuồng như, dường như, chắc là, hẳn là, không lẽ, chẳng lẽ, hỏng lẽ, biết đâu, không chừng, chả biết chừng, chưa biết chừng…
Nhóm 2: quán ngữ thể hiện sự phỏng đoán của người nói được thông báo qua một người thứ ba như nghe nói, nghe đâu, nghe đồn, người ta nói, người ta kể lại rằng, người ta đồn rằng…
Ở nhóm thứ nhất, căn cứ vào khả năng hay mức độ xác thực mà người nói thể hiện có thể nêu ra một thang độ của sự phỏng đoán có tính chủ quan của người nói như sau
- Sự phỏng đoán ở mức độ cao nhất như không lẽ, chẳng lẽ, hổng lẽ, biết đâu, chả biết chừng, chưa biết chừng…
- Sự phỏng đoán ở mức độ cao như có lẽ, có khi, có thể là, hình như, chừng như, dường như…
- Sự phỏng đoán ở mức độ thấp hơn như chắc là, hẳn là, có vẻ…
Nhóm quán ngữ phỏng đoán ở mức độ cao nhất có tác dụng làm cho mệnh đề chỉ có giá trị là một giả định với khả năng xảy ra ở mức độ thấp. Cụ thể là người nói bằng một cơ sở nào đó đã không “xác thực” hiện thực được phản ánh trong phát ngôn.
Xét các thí dụ sau:
TD1: Mọi người chung quanh đều sụt sùi, sao mà hoàn cảnh của nó y hệt mình vậy, hỏng lẽ đời đào hát là phải vậy (Cuối mùa nhan sắc – Nguyễn Ngọc Tư)
TD2: Anh không ưa tôi nhưng chẳng lẽ không hiểu lòng dạ tôi chút nào sao? (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh)
TD3: Không lẽ nói trắng ra, nằm bên nhà, bên này nằm nghe bên kia thở dài thở ngắn coi sao được (Cái nhìn khắc khoải – Nguyễn Ngọc Tư)
TD4: Nói có tình, mình ở lại biết đâu người ta có nỗi khổ gì? (Cái nhìn khắc khoải – Nguyễn Ngọc Tư)
TD5: Thằng ấy có vẻ lù đù mà khối bài được đăng rồi đấy. Chưa biết chừng sau này nó trở thành nhà báo nổi tiếng. (Khẩu ngữ)
TD6: Gớm, các cô cứ chê cậu ấy đi. Đến lúc cậu ta thành đạt rồi lại xúm cả lại mà tranh nhau chưa biết chừng. (Khẩu ngữ)
Các quán ngữ hỏng lẽ, chẳng lẽ, không lẽ đều thể hiện sự phân vân, không chắc chắn của người nói. Người nói không tin rằng hiện thực được thể hiện trong mệnh đề đi trước hoặc sau những quán ngữ này là thực nhưng bằng những căn cứ có được người nói dường như vẫn phải chấp nhận là có hiện thực đó.
Hỏng lẽ trong TD1 có giá trị với mệnh đề đi sau cụ thể là: người nói cho rằng đời đào hát không phải vậy (số phận của kiếp đào hát không cơ cực, đắng cay và tội nghiệp như thế) nhưng thực tế số phận của đào Hồng đã chứng minh rằng sự giả định này là không đúng. Quán ngữ chẳng lẽ trong TD2 cho thấy theo người nói anh phải hiểu lòng dạ tôi dù rằng anh không ưa tôi nhưng dường như anh đã chưa hiểu hết. Tương tự quán ngữ không lẽ trong TD3 thể hiện việc nói trắng ra là “nằm trong nhà, bên này nghe bên kia thở dài ngao ngán” là không có thực.
Quán ngữ biết đâu ở TD4 lại có tác dụng với mệnh đề đi sau ở một sắc thái ý nghĩa khác. Mệnh đề này có thể là thực hoặc không thực theo sự phỏng đoán của người nói (người ta có nỗi khổ hoặc người ta không có nỗi khổ) nhưng giá trị của tính “xác thực” trong mệnh đề lớn hơn giá trị của tính “không xác thực” trong mệnh đề. Điều này có nghĩa là người nói vẫn tin rằng (dù niềm tin này là không chắc chắn) “người ta có nỗi khổ”.
Các quán ngữ không biết chừng, chưa biết chừng ngoài ý nghĩa mang tính phỏng đoán, giả định của người nói còn thể hiện khả năng sự việc ấy đã/sẽ xảy ra là điều có tính chất bất ngờ. Đây là sự bất ngờ với người nghe còn người nói thì đã phần nhiều “mường tượng” ra hiện thực đó. Nói khác đi người nói đã chuẩn bị sẵn tâm lí khi hiện thực đó xảy ra. Vì thế những phát ngôn chứa đựng loại quán ngữ này phần nào gần với những phát ngôn thể hiện hành vi cảnh báo của người nói.
Cùng chung sự đánh dấu hành vi phỏng đoán, giả định, nhóm quán ngữ thể hiện sự phỏng đoán ở mức độ cao như có lẽ, có khi, có thể là, hình như, dường như, chừng như… cũng có tác dụng giảm nhẹ mức độ trách nhiệm của người nói đối với tính đúng sai của mệnh đề.
TD1: Có lẽ nó biết thân mình mồ côi mẹ nên nó dễ chịu, dễ tánh (Nhớ sông – Nguyễn Ngọc Tư)
TD2: SP1: Thằng Nam đâu mà sáng đến giờ không dọn dẹp nhà cửa gì cả?
SP2: Có khi vẫn đang ngủ đấy. Hôm qua nó thức đến tận 3h sáng cơ.
TD3: Hình như có bao nhiêu nấm mồ vô danh và bộ xương đã mất lai lịch thì có bấy nhiêu huyền thoại cùng với hằng hà dị bản hợp lại thành kho tàng những truyện truyền kì về sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh)
TD4: Ông nói mà giọng ông hơi nghèn nghẹn dường như trong lòng đau nhói lắm (Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư)
Những từ ngữ ở nhóm phỏng đoán này có tần số sử dụng khá lớn trong khi nói và viết. Vị trí xuất hiện của nó cũng khá linh hoạt, chủ yếu đứng đầu phát ngôn song cũng có thể xen giữa phát ngôn hoặc đứng cuối phát ngôn theo các mô thức: QN + P, P + QN, C +QN + V
Khi đi kèm mệnh đề P nó có tác dụng làm cho P chỉ có giá trị là một phỏng đoán về một khả năng có thể (đã/ đang/ sẽ) xảy ra. Người nói có một cơ sở nào đó để suy luận đến P song tính xác thực của P không được đảm bảo chắc chắn. Cơ sở để dẫn đến các phỏng đoán, giả định ấy thường được nêu ra trước hoặc sau mệnh đề có chứa quán ngữ.
Nhóm quán ngữ phỏng đoán ở mức độ thấp hơn như chắc là, hẳn là, có vẻ… cũng thể hiện sự dè dặt của người nói với tính xác thực của mệnh đề. Có điều theo chúng tôi mệnh đề đi sau những quán ngữ này gần với hiện thực được phản ánh trong phát ngôn nhiều hơn
TD1: Chắc là bây giờ Nhật Giang vẫn còn nhớ đến tôi, người lính trẻ vô danh hơn ba chục năm về trước (Giang – Bảo Ninh)
TD2: Nhưng cứ nghe giọng điệu chị, một điều chồng em hai điều vợ chồng em thì hẳn là chị còn yêu chồng lắm, sao lại đồng ý li hôn (Chị Mỵ làng Minh Quang – Văn Chinh)
TD3: Chúng có vẻ vừa trông thấy con chó thui béo căng (Trẻ con không được ăn thịt chó – Nam Cao)
Quán ngữ chắc là, hẳn là thể hiện sự phỏng đoán theo xu hướng khẳng định của người nói. Người nói tin là hiện thực sẽ đúng như thế. Nói khác đi người nói có một cơ sở để lí giải và giúp cho người nghe tin vào điều mình đưa ra
Như thế nhóm quán ngữ thể hiện sự phỏng đoán có tính chất chủ quan của người nói đã cho thấy mức độ phỏng đoán khác nhau mà người nói phải “chịu trách nhiệm” về mệnh đề mà mình đưa ra. Tất nhiên sự “chịu trách nhiệm” ở đây không được đánh giá ở mức độ cao và không phải là một tiêu chí để “áp đặt” người nói. Bởi người nói chỉ đưa ra một nhận định có tính chủ quan của mình, nhận định đó có thể đúng có thể sai.
Nhóm quán ngữ thể hiện sự phỏng đoán của người nói được thông báo qua một người thứ ba cũng mang những tính chất chung thuộc nhóm quán ngữ phỏng đoán giả định tức là người nói không chắc chắn về tính đúng sai của nội dung mệnh đề được phản ánh trong phát ngôn. Tuy nhiên điều khác biệt ở nhóm quán ngữ này là người nói dường như không tỏ ra có bất kì cam kết nào về tính chân thực của sự tình mà chỉ trình bày sự tình qua nguồn chứng cứ của người khác.
TD1: Nghe nói, hồi đó nhà ông giàu có khét tiếng xứ Bạc Liêu (Cuối mùa nhan sắc – Nguyễn Ngọc Tư)
TD2: Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng (Cải ơi – Nguyễn Ngọc Tư)
TD3: Nghe đồn ông đã dùng thủ đoạn “kiến tha lâu cũng đầy tổ” đục khoét toàn bộ gia sản của một người bạn có vợ chết trẻ (12 chiếc bánh flan – Phạm Thanh Thúy)
TD4: Người ta nói chị Hoài đi lấy chồng cũng tại anh Hết mê cờ (Hiu hiu gió bấc – Nguyễn Ngọc Tư)
Tất nhiên việc đưa ra nguồn chứng cứ có tính khách quan này có thể được hiểu như là một dạng “cam kết có mức độ” hay “cam kết gián tiếp” (Nguyễn Văn Hiệp). Với lẽ đó, người nói không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nhận định hay suy luận của mình. Tính đúng sai của mệnh đề phụ thuộc vào tính đúng sai của “khâu trung gian”.
Có thể nói rằng những quan ngữ đánh dấu hành vi phỏng đoán giả định thường được người Việt sử dụng trong khi nói năng. Việc sử dụng này là do người Việt không chắc chắn về tính xác thực của nội dung mệnh đề, mặt khác xét ở góc độ văn hóa – xã hội dễ dàng nhận thấy do đặc tính coi trọng cộng đồng, coi trọng sự hiếu hòa trong quan hệ xã hội nên người Việt ít khi thể hiện tính chủ quan của mình. Với lẽ đó, người ta dễ dàng “tháo lui” trách nhiệm, dễ dàng “dồn đẩy” trách nhiệm cho người khác.
2. Quán ngữ đánh dấu hành vi phủ định, bác bỏ
Hành vi phủ định, bác bỏ là hành vi mà người nói thể hiện thái độ không đồng tình với vấn đề được đặt ra. Sự không đồng tình này được thể hiện rõ ở việc sử dụng những quán ngữ. Nói khác đi dưới áp lực của quán ngữ, mệnh đề chuyển từ dạng khẳng định sang dạng phủ định. Những quán ngữ đánh dấu hành vi phủ định, bác bỏ thường gặp là ai đời, đời nào, ai lại, ai bảo, bao giờ, làm như, họa ngu, dại gì, có trời mà biết, chả biết đâu mà lần…
TD1: Ai đời ba mầy làm tới chức Phó chủ tịch, không lẽ không lo cho mầy một chỗ làm tử tế (Biển người mênh mông – Nguyễn Ngọc Tư)
TD2: Mày có nghĩ họa ngu mới không nhìn thấy món hời ấy không? (12 chiếc bánh flan – Phạm Thanh Thúy)
TD3: Ai bảo phụ nữ chỉ thích nghe những lời có cánh (Một cuộc rượu ở Vinh – Nguyễn Hồng – Văn nghệ số 32)
TD4: Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ (Chí Phèo – Nam Cao)
TD5: Tôi nói thế bao giờ
TD6: Nó lạy. Nó van. Nhưng ai tha? Dại gì mà tha thằng ăn cắp (Thằng ăn cắp – Nguyễn Công Hoan)
TD7: Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết cả làng Vũ Đại cũng không ai biết (Chí Phèo – Nam Cao)
TD8: Mỗi người nói một cách. Chả biết đâu mà lần.
Những quán ngữ đánh dấu hành vi phủ định bác bỏ này đều là những quán ngữ thể hiện sự chủ quan của người nói trong việc đánh giá nội dung mệnh đề. Cụ thể là nội dung mệnh đề đi kèm với quán ngữ là nội dung đã có người nào đó nói (thực hiện) hoặc cho rằng đúng trước đó hoặc đó là một hiện thực gắn liền với người nghe. Dưới áp lực của quán ngữ, người nói cho rằng mệnh đề là không phù hợp, không đúng.
Ngoài tác dụng đánh dấu hành vi phủ định, bác bỏ, những quán ngữ như ai đời, ai lại, ai lại còn… còn thể hiện thái độ ngạc nhiên, bất ngờ trước một sự tình nằm ngoài dự tính của người nói. Những sự tình này người nói cho rằng là không đúng với lẽ thường của cuộc sống. Quán ngữ “dại gì”, “họa ngu” vừa thể hiện sự phủ định trong mệnh đề đi kèm với nó vừa thể hiện thái độ mỉa mai với đối tượng nếu đối tượng thực hiện hành động trong mệnh đề đi sau quán ngữ
Một số quán ngữ thuộc nhóm này tồn tại ở dạng thức câu đặc biệt (Có trời mà biết, Chả biết đâu mà lần) và khi được kết hợp với ngữ điệu thì ngoài giá trị biểu đạt thái độ phủ định chúng còn có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm tâm trạng của người nói.
3. Quán ngữ đánh dấu hành vi phản đối, can ngăn
Loại quán ngữ đánh dấu hành vi phản đối, can ngăn thường nhấn mạnh thái độ không đồng tình của người nói đối với sự việc được đề cập trong phát ngôn. Cụ thể là theo người nói những sự việc này là những sự việc không nên xảy ra vì nó có ảnh hưởng tiêu cực đến người nghe. Một số quán ngữ thường gặp trong nhóm này là: tội gì, ai khiến, việc gì, việc quái gì, hơi đâu, làm gì…
TD1: Cụ cứ để tiền đấy mà ăn, lúc nào chết hẵng hay! Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại? (Lão Hạc – Nam Cao)
TD2: Con mẹ kia ngoa ngoắt, tớn môi lên:
- Ai khiến nhà bác, chõ mồm vào đấy thế? (Nam Cao)
TD3: Việc gì mà thầy phải nói nhiều thế? Ninh có đòi đi đâu? (Nam Cao)
TD4: SP1: Thân ai thì người ấy lo. Việc quái gì mà cậu phải băn khoăn lo lắng cho nó mãi thế nhỉ?
SP2: Biết là thế nhưng bỏ mặc nó tớ lại không yên tâm
TD5: - Không hơi đâu mà nói với nó, trói cổ thằng chồng nó lại, điệu ra đình kia
(Ngô Tất Tố)
TD6: Thế nhưng mà anh có nhiều tiền thì cứ bảo tôi một tiếng. Chị ấy trót tiêu đi rồi thì có giết cũng chẳng ra. Lôi thôi làm gì sinh tội. (Nam Cao)
TD7: Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế (Nam Cao)
Các quán ngữ này thường được người nói dùng để khuyên người khác hoặc tự nhủ không nên thực hiện hoặc không nên tiếp tục thực hiện hành động được nêu ở nội dung mệnh đề. Quán ngữ tội gì ở TD1 giúp xác lập một quan hệ có tính giải thích lí do của lời khuyên (Cụ cứ để tiền ấy mà ăn). Sự can ngăn lão Hạc không nên “bây giờ nhịn đói mà tiền để lại” là bắt nguồn từ một quy luật trong đời sống: tiền bạc là một trong những yếu tố phục vụ đời sống con người. Quán ngữ ai khiến ở TD2 thể hiện sự phản đối của người chủ nợ đối với người phu quét chợ đã góp ý khuyên nhủ mình. Theo người chủ nợ, người phu quét chợ không có đủ tư cách hay thẩm quyền để can dự vào câu chuyện. Quán ngữ việc gì ở TD3 có tác dụng thể hiện sự phản đối của người nói, góp phần xác lập quan hệ tương phản giữa hai câu. Quán ngữ việc quái gì ở TD4 ngoài việc thể hiện sự phản đối còn kèm theo thái độ bất cần và bực mình của người nói. Quán ngữ không hơi đâu thường kèm theo thái độ không coi trọng của người nói đối với đối tượng được nói đến (diễn giải: không cần nói với nó bởi nó chả là cái gì cả). Quán ngữ làm gì ở TD6 có tác dụng thể hiện sự can ngăn của người nói (diễn giải: anh đừng lôi thôi nữa mà sinh tội). Sự can ngăn này dựa trên một lí do có tính chủ quan nhưng người nói cho rằng hợp lí. Quán ngữ làm quái gì ở TD7 lại kèm theo một sắc thái thể hiện sự không cần thiết của người nói với đối tượng định nói đến (diễn giải: lão không cần phải băn khoăn quá thế vì đó chỉ là một con chó mà thôi)
Nhìn chung các quán ngữ thuộc nhóm này mang đậm tính khẩu ngữ. Vì thế nó thường được sử dụng trong giao tiếp sinh hoạt đời thường hoặc trong các đoạn thoại ở tác phẩm văn chương nghệ thuật khi tác giả muốn xây dựng ngôn ngữ nhân vật gần gũi với đời sống.
4. Quán ngữ đánh dấu hành vi chấp nhận, chấp thuận, thừa nhận
Để thể hiện sự đồng tình, đồng ý với một ý kiến, một hành vi hay một điều gì đó, trong hội thoại, các nhân vật giao tiếp thường sử dụng “kết hợp” các quán ngữ để lời nói trở nên chắc chắn hơn, tự nhiên hơn hoặc thể hiện những sắc thái đa dạng của người nói. Như thế những quán ngữ với tác dụng “bôi trơn” diễn ngôn được thể hiện ở những cấp độ khác nhau với những sắc thái khác nhau.
4.1. Quán ngữ khẳng định, thừa nhận sự tình tất yếu nghiêng về tính khách quan
Đây là những quán ngữ thể hiện sự nhấn mạnh có tính khẳng định vào hiện thực được nói tới trong phát ngôn. Sự khẳng định này gần như tuyệt đối, như một chân lí không thể chối cãi được. Nó dựa trên một lẽ thường có tính chất luôn đúng
Thuộc về nhóm quán ngữ này là một số quán ngữ thường gặp như tất nhiên, dĩ nhiên, hiển nhiên, cố nhiên, đương nhiên, đúng là, quả thực, quả tình, sự thực, âu là, rõ ràng là, hẳn là, thực chất là…
Xét về mức độ khẳng định mà người nói thể hiện, theo chúng tôi nhóm quán ngữ này có thể được phân lập trên một thang độ với hai nhóm: nhóm quán ngữ có tính xác thực cao và nhóm quán ngữ có tính xác thực thấp hơn. Nhóm quán ngữ có tính xác thực cao tức là sự cam kết của người nói với sự tình được thể hiện trong phát ngôn là chắc chắn như tất nhiên, dĩ nhiên, hiển nhiên, đương nhiên, sự thực, rõ ràng, cố nhiên… Nhóm quán ngữ có tính xác thực thấp hơn tức là sự cam kết của người nói với sự tình được thể hiện trong phát ngôn có tính chân thực không cao bởi nó phụ thuộc vào đặc tính cá nhân của người nói như quả tình, quả thực, âu là, hẳn là…
4.2. Quán ngữ khẳng định, thừa nhận sự tình nghiêng về tính chủ quan
Quán ngữ thuộc nhóm này thể hiện sự xác nhận, đồng tình của chủ thể phát ngôn với điều được coi là mang tính hiển nhiên nhằm bổ sung một ý nghĩa có tính chất cá nhân nào đó. Có thể chia những quán ngữ này thành hai nhóm:
Thứ nhất là nhóm quán ngữ thể hiện sự kết luận của người nói trên cơ sở một quá trình suy luận hợp lí như nói cho cùng, phải nói là, nghĩ cho cùng, nghĩ cho cạn, công bằng mà nói, thú thật là, tính ra, hèn gì, hèn nào…
TD1: Thú thật là du kích chúng tôi cũng chưa từng thấy chứ đừng nói các ông, binh lính Bắc Việt, nhưng là người làm ăn lương thiện chúng tôi chẳng sợ (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh)
TD2: Nói cho cùng, anh không nghe lời ngoại thì nghe ai bây giờ (Biển người mênh mông – Nguyễn Ngọc Tư)
TD3: Nghĩ cho cạn, bây giờ đào Hồng cũng như ngày xưa thôi, người ta có khác gì đâu mà mình giận (Cuối mùa nhan sắc – Nguyễn Ngọc Tư)
Quán ngữ thú thật là trong TD1 thể hiện rõ thể hiện rõ ý nghĩ thật tình, khiêm tốn của người chủ vườn khi bày tỏ với bọn Kiên. Ý nghĩ này là một điều khó nói nhưng muốn người đối thoại tin rằng đó là sự thật. Quán ngữ nói cho cùng, nghĩ cho cạn trong TD2, TD3 thể hiện sự khẳng định của người nói về một sự tình mà thông qua những gì người nói tổng kết được người nói cho rằng là đúng. Sự tình này phần nhiều thể hiện những đánh giá có giá trị trên cơ sở những điều được nói phía trước. Ở TD2, sự tình đi kèm nói cho cùng là một đánh giá của người viết. Phi không nghe lời ngoại thì nghe ai bây giờ được hiểu là Phi đã nghe lời ngoại và nên nghe lời ngoại. Sự tình này là một kết luận trên cơ sở dẫn chứng về việc Phi nghe lời ngoại đi cắt tóc được diễn giải cụ thể trong câu chuyện. TD3 chính là dòng suy nghĩ của ông Chín, một ông già bán vé số luôn dành tình cảm cho “đào Hồng”. Suy nghĩ này được rút ra trên hàng loạt những việc mà ông Chín làm cho đào Hồng như mua gương mới, son phấn, đỡ đần công việc nhưng bà vẫn khép kín lòng, không tâm sự gì với ông.
Thứ hai là nhóm quán ngữ thể hiện sự kết luận của người nói trên cơ sở những lí lẽ trái ngược như hóa ra, té ra, thì ra, quả nhiên…Những quán ngữ này thể hiện sự phát hiện của chủ thể về những điều tưởng đã biết mà lại bất ngờ. Nói khác đi trước đây người nói quan niệm theo một lẽ thường khác nhưng trước sự thay đổi của sự việc trong đời sống lẽ thường này có sự chuyển đổi dẫn đến sự chuyển đổi trong quan niệm. Đây là điều bỗng nhiên nhận thức ra.
5. Quán ngữ thể hiện sự thừa nhận, chấp nhận miễn cưỡng
Trong giao tiếp không phải lúc nào người nói cũng đưa ra sự khẳng định chắc chắn mà nhiều khi vì sự bắt buộc của hoàn cảnh, người nói phải chấp nhận, thừa nhận một cách miễn cưỡng. Lúc này người nói thường dùng kèm theo các quán ngữ trong phát ngôn để thể hiện điều này. Theo chúng tôi nhóm quán ngữ thể hiện sự thừa nhận, chấp nhận miễn cưỡng có thể được chia thành hai nhóm:
- Nhóm quán ngữ thừa nhận, chấp nhận miễn cưỡng có giá trị với kết luận của người nói như thôi thì, thôi được, đành vậy, thôi cũng đành, âu cũng đành, cực chẳng đã, phải thế thôi…
- Nhóm quán ngữ thừa nhận, chấp nhận miễn cưỡng có giá trị với lí lẽ hướng đến kết luận của người nói như dẫu sao, được cái, đã đành, có điều, đành rằng, vả lại…
Những quán ngữ thể hiện sự thừa nhận, chấp nhận miễn cưỡng của người nói được dùng với tần suất cao trong sử dụng. Nó thường xuất hiện trong ngữ cảnh người nói chưa hoàn toàn đồng ý nhưng vì không thể làm khác được hoặc đã cân nhắc kĩ và thấy không còn cách nào khác, khó có ý kiến gì thêm hoặc sự tình là hiện thực mà người nói buộc phải chấp nhận. Tất cả những lí do này dẫn đến sự miễn cưỡng thừa nhận của người nói.
6. Quán ngữ đánh dấu hành vi hạn định, điều kiện
Hành vi hạn định, điều kiện là hành vi thể hiện sự giới hạn của sự tình mà người nói đưa ra. Để thể hiện hành vi này, người ta thường dùng những quán ngữ đánh dấu nhằm nhấn mạnh sự đánh giá cao của bản thân về sự tình đi sau quán ngữ.
Những quán ngữ đánh dấu hành vi hạn định, điều kiện thường gặp như miễn sao, miễn là, ít ra, chí ít, ít nhất, chỉ có điều, chỉ cốt sao…
TD1: Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta (Cái nhìn khắc khoải – Nguyễn Ngọc Tư)
TD2: Sao cũng được cô Ba à, trước là trước, bây giờ là bây giờ, tốt xấu gì ba con biết, miễn sao ba vui là được rồi (Cai nhìn khắc khoải – Nguyễn Ngọc Tư)
TD3: Barca đá tồi cũng được, miễn sao phải thắng (vnexpress.net)
TD4: Kim chỉ tò mò, ít ra thì lúc hay là vậy (12 chiếc bánh flan – Phạm Thanh Thúy – Báo Văn nghệ)
TD5: Mình làm nghề thì cứ làm nghề, chỉ cốt sao ra được những đĩa hát khiến người ta muốn tìm nghe (tintuconline.com 8/7/2009)
Loại quán ngữ này có thể đứng đầu hoặc đứng giữa câu, có thể xuất hiện trong câu đơn hoặc câu ghép với những giá trị biểu đạt khác nhau
Nếu quán ngữ đứng đầu câu hoặc đứng giữa hai vế câu ghép thì nó có tác dụng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tình được trình bày ngay sau đó với ngầm ý chỉ cần có sự tình đi sau nó là được. Có thể coi đó là điều kiện tiên quyết được đặt ra cho sự tình được nêu ở mệnh đề còn lại. Theo đó, trong TD1 và trong TD2 điều kiện đặt ra là chỉ cần “mình thương người ta” (TD1) còn người ta đối xử như thế nào đều không quan trọng cho nên “cực cỡ nào em cũng chịu”; chỉ cần “ba vui là được” (TD2) còn người đàn bà ấy tốt xấu gì ba con đã biết. Nếu quán ngữ đứng giữa vị ngữ 1 và vị ngữ 2 như trong TD3 thì vị ngữ 2 được đánh giá cao hơn vị ngữ 1 và là đích mà người nói hướng tới. Tương tự trường hợp quán ngữ đứng giữa chủ ngữ và vị ngữ (TD5) hoặc ngăn cách giữa thành phần phụ và kết cấu nòng cốt (TD4) thì người nói cũng thể hiện điều kiện cần thiết và quan trọng theo đánh giá chủ quan của mình ở sự tình đi sau quán ngữ (TD4 được hiểu là: Kim chỉ tò mò, mức thấp nhất thì lúc tốt, lúc hay là vậy, điều quan trọng thì lúc hay người ta đánh giá đó chỉ là sự tò mò của Kim; TD5 được hiểu là điều quan trọng là ra được những đĩa hát khiến người ta muốn tìm nghe còn làm nghề thì cứ làm nghề)
Như vậy, rõ ràng khi sử dụng các quán ngữ thuộc nhóm đánh dấu hành vi hạn định, điều kiện thì ngoài ý nghĩa của hành vi hạn định, điều kiện, người nói còn muốn thể hiện sự đánh giá cao của mình đối với sự việc hay hành động đi sau quán ngữ đó. Nhóm quán ngữ này được sử dụng trong cả văn viết lẫn hội thoại, sinh hoạt hàng ngày.
7. Quán ngữ đánh dấu hành vi cảnh báo, nhắc nhở
Những quán ngữ thuộc nhóm này cũng có tần số sử dụng khá cao trong giao tiếp như kẻo nữa, kẻo lỡ, ngộ nhỡ, nhỡ ra, lỡ đâu, coi chừng, khéo mà, không khéo mà, cẩn thận mà…
TD1: Nhanh lên kẻo nữa nhỡ tàu (Giao tiếp hàng ngày)
TD2: Thế thì để tôi hãy ẵm cháu cho bác đi lấy cháo cho bác trai ăn, kẻo nữa bác ấy đói quá (Tắt đèn – Ngô Tất Tố)
TD3: Cứ đem áo mưa đi ngộ nhỡ gió mùa về (Sinh hoạt hàng ngày)
Khi sử dụng quán ngữ thuộc nhóm này, người nói muốn cảnh báo, nhắc nhở người nghe hoặc chính bản thân mình về một sự việc có thể xảy ra theo nhận định chủ quan của người nói. Sự việc này có tác động tiêu cực đến người nghe hoặc chính bản thân người nói (thường được biểu thị ở sau quán ngữ) (TD1: nhỡ tàu, TD2: bác ấy đói quá, TD3: gió mùa về). Ngoài việc nhắc nhở, phát ngôn còn thể hiện hàm ý thúc giục của người nói với người nghe hoặc chính bản thân mình phải thực hiện một hành động nào đó ngay tại thời điểm nói (thường được biểu thị ở trước quán ngữ).
8. Quán ngữ đánh dấu hành vi cảm thán
Đây là nhóm quán ngữ rất đa dạng và không kém phần phức tạp bởi như một lẽ thường trong giao tiếp khi người ta nói là người ta đã gửi gắm vào phát ngôn một thái độ và tình cảm nhất định. Thái độ này được thể hiện ở những cung bậc sắc thái khác nhau và gắn liền với những cung bậc sắc thái đó là những quán ngữ đặc trưng của người Việt
8.1. Quán ngữ thể hiện thái độ ngạc nhiên
Thường gặp trong giao tiếp là những quán ngữ như: ơ hay, ơ kìa, ô hay, quái lạ, quái quỷ, chết nỗi, mới chết…
TD1: Quỷ quái thật, mới thấy đó mà biến đi đâu mất. (Sinh hoạt hàng ngày)
TD2: Ô hay, hóa ra nó đang mải ngắm chị nó mới chết chứ. (Sinh hoạt hàng ngày)
Đi sau những quán ngữ này bao giờ cũng là những sự tình đã và đang xảy ra. Theo người nói những sự tình này hoàn toàn không có dấu hiệu gì sẽ xảy ra nhưng lại đã, đang xảy ra dẫn đến cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ. Những quán ngữ này thường đứng đầu câu và là những chỉ dẫn đắc hiệu giúp người tiếp ngôn nhận diện sự việc xảy ra sau quán ngữ là rất bất ngờ, từ đó có những ứng xử thích hợp.
.8.2. Quán ngữ thể hiện thái độ tiêu cực
Đây là quán ngữ có số lượng từ ngữ được sử dụng với hiệu suất cao trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt. Những quán ngữ này cũng là những quán ngữ thể hiện rõ màu sắc mang đặc trưng của cộng đồng.
Thường gặp là những quán ngữ sau: mẹ kiếp, con khỉ, quỷ thật, phải gió, thôi chết, chết cha, quái gì, khốn nạn, khốn nỗi, khổ quá, trời ơi, thượng đế ôi, liệu hồn…
TD1: Mẹ kiếp, chẳng lẽ ở Gọi Hồn này lại có ma thật (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh)
TD2: Phải gió cái thằng còng (Những hạt than rơi – Nam Ninh – Báo Văn nghệ)
TD3: Luyến đứng bên tôi linh cảm “Thôi chết, chồng con rồi” (Sống với Ôsin – Ninh Kiều – Báo Văn nghệ)
TD4: Con nhà vô phúc, lại sợ bố! Khốn nạn, tại đi về không có tiền mua bánh cho nó (Nghèo – Nam Cao)
TD5: Trời đất ơi, một cặp mắt xa lạ, cặp mắt có những ánh buồn và căm hờn mà chị từng gặp trong nhiều đêm mê sảng (Sinh hoạt hàng ngày)
TD6: Khổ quá, giá tôi có ở nhà thì đâu đến nỗi (Chí Phèo – Nam Cao)
Những quán ngữ thể hiện thái độ tiêu cực đôi khi được người ta xếp vào nhóm những thán từ lâm thời. Tuy nhiên xét ở một khía cạnh nào đó thì khi người ta đã quen dùng trong giao tiếp, trở thành lời nói có tính cửa miệng, việc chuyển hóa từ thán từ thành quán ngữ thực thụ cũng là điều dễ hiểu. Đặt trong mối quan hệ với sự tình đi sau quán ngữ, có thể thấy đây là những quán ngữ có tác dụng chỉ báo về một sự tình có tính chất tiêu cực theo cảm quan của người nói. Đó có thể là sự buồn bã, bất lực (khốn nạn, trời đất ơi, thôi chết…) hoặc sự hối tiếc của người nói về một sự việc nào đó đã xảy ra (khổ quá, rõ khổ, chết nỗi…) hoặc thái độ bất cần với chính mình, với người khác hoặc sự vật, hiện tượng (mẹ kiếp, phải gió…). Theo chúng tôi việc sử dụng những quán ngữ dạng này phần nào cũng thể hiện đặc trưng văn hóa người Việt. Người Việt luôn có ý thức tôn trọng thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên cho nên trời đất có ý nghĩa văn hóa vô cùng quan trọng. Dân ta mở miệng là nói lạy trời, nhờ trời… và có việc gì cũng kêu than với trời như trời ơi, giời ơi là giời, trời đất ơi, giời cao đất dày ơi…Và người Việt cũng có thói quen đề cập đến cái chết, đến thế giới tâm linh trong lời ăn tiếng nói một cách bình thường như chết rồi, thôi chết, chết nỗi, chết cha, liệu hồn… bởi theo triết lí âm dương con người có phần xác và phần hồn, sau khi chết linh hồn sẽ về nơi “thế giới bên kia” vì thế chết chỉ là thời điểm mở đầu cho một hành trình của con người đến một thế giới khác.
8.3. Quán ngữ biểu thị thái độ tích cực
Nhóm quán ngữ này có số lượng ít hơn tuy nhiên có thể kể ra những trường hợp thường thấy trong hoạt động giao tiếp như hết ý, hết sảy, miễn chê, may sao, may quá, ơn trời, nhờ trời…
Những quán ngữ này đánh dấu thái độ của người nói về một việc xảy ra theo chiều hướng tích cực đặc biệt là ở thang độ tốt hơn mức bình thường. Tất nhiên trong những trường hợp nhất định tùy vào ngữ cảnh, ngôn cảnh thì sắc thái biểu thị của phát ngôn có quán ngữ đi kèm có thể xê dịch.
9. Quán ngữ đánh dấu hành vi đưa đẩy, rào đón
Trong nói năng, để lời nói diễn ra một cách tự nhiên hơn, dễ dàng hơn, các nhân vật giao tiếp thường sử dụng những từ ngữ có tính chất đưa đẩy, rào đón. Những từ ngữ này tuy không tạo thành một thông báo hoàn chỉnh nhưng với vai trò đưa đẩy cho lời nói nó cũng tạo nên một không khí giao tiếp thuận lợi cho người tham gia giao tiếp.
Những quán ngữ đánh dấu hành vi đưa đẩy, rào đón có thể chia thành 3 nhóm
- Nhóm 1: quán ngữ rào đón kết hợp với những mệnh đề có tính chất tiêu cực như vô phép, nói vô phép, nói khí không phải, nói bỏ ngoài tai, nói bỏ quá đi cho, nói đổ xuống sông xuống biển, đừng chấp, khéo vẽ, nói lành cửa nhà…
- Nhóm 2: quán ngữ rào đón kết hợp với những mệnh đề có tính chất tích cực như nói trộm vía, trộm vía, mẹ bố anh…
- Nhóm 3: quán ngữ rào đón kết hợp với những mệnh đề thể hiện quan điểm của người nói như bác tính xem, chị xem, chị biết đấy…
Nhóm quán ngữ thứ nhất có số lượng lớn và hiệu suất sử dụng cao. Đây là những quán ngữ được người nói dùng để gián tiếp tỏ ý xin lỗi một cách lịch sự trước khi đưa ra một vấn đề có tính chất “động chạm” tiêu cực đến người nghe và có thể khiến người nghe mất lòng. Điều này có nghĩa là trong khi nói năng, người nói đã hình dung ra trước thái độ, tâm lí, tình cảm… của người nghe vì thế người nói đã chủ động sử dụng những tổ hợp rào đón để chuẩn bị tâm thế tiếp nhận cho người nghe. Những tổ hợp này có thể được dùng để dẫn nhập cho một mệnh đề trần thuyết không phù hợp với mong muốn của người nghe hoặc được dùng trong lời xin lỗi hoặc một hành động mang tính chất cầu khiến.
Ở trong nhóm này cũng có một số quán ngữ được người nói sử dụng để dẫn nhập trước một mệnh đề có khả năng gây ra không khí giao tiếp bất lợi cho cả người nói và người nghe
TD: Nói lành cửa nhà, ông cũng yếu lắm rồi đấy!
Theo phong tục của người Việt, tang ma, chết chóc là những vấn đề gắn liền với sự đau khổ của con người trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân. Dẫu biết rằng trần sao âm vậy, chết nghĩa là đi về thế giới bên kia nhưng trong đời sống người ta vẫn tránh nói đến những điều này. Và nếu có phải nói thì dùng những cách nói mang tính gián tiếp hay sử dụng những kết hợp từ ngữ làm giảm thiểu tính chất tang thương, chết chóc. “Nói lành cửa nhà” là một quán ngữ dân gian được người nói sử dụng với chức năng gìn giữ môi trường giao tiếp và quan hệ giao tiếp
Ở một thí dụ khác như Lạy Chúa, cuộc đời thị dân xám xịt, chán ngắt sao mà cạn đến thế niềm vui (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh) thì lạy Chúa là một quán ngữ được người Công giáo thường xuyên sử dụng và gần đây nó trở nên phổ biến hơn trong đời sống của người Việt. Cũng như ông trời trong triết lí dân gian là chỗ dựa vững chắc của người dân vùng nông nghiệp, Chúa được coi là đấng sinh thành, Chúa sinh ra con người và đến khi qua đời thì con người lại về với Chúa. Từ niềm tin tôn giáo này, trong đời sống cứ có chuyện buồn, chuyện không giải thích được, người ta lại gọi Chúa, lạy Chúa… Dần dần những câu cửa miệng này trở thành thói quen của dân gian.
Nhóm quán ngữ rào đón kết hợp với những mệnh đề có tính chất tích cực có số lượng rất ít và cũng ít được sử dụng. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Bởi mục đích cuối cùng của các cuộc thoại là tạo ra sự thuận lợi trong giao tiếp, sự nhịp nhàng thoải mái giữa người nói với người nghe mà những sự tình có tính chất tích cực với đối tác giao tiếp luôn có tác dụng một cách trực tiếp, vì thế không cần phải rào đón cuộc thoại cũng có sự cân bằng và tiến lên đạt đến đích.
Quán ngữ nói trộm vía, trộm vía được xếp vào nhóm này bởi đây là những quán ngữ thường được dùng để đánh dấu cho hành vi khen (đặc biệt là với trẻ nhỏ). Theo quan niệm của dân gian, vía là phần tinh thần của mỗi người, là yếu tố ảnh hưởng đến sự lành dữ của người khác. Với trẻ con, như một lẽ thường, người ta luôn phải giữ vía để tránh tà mà quấy đảo. Điều này đã trở thành một nếp nghĩ mang màu sắc tôn giáo. Thế nên nếu khen con trẻ thì người xưa sợ rằng lũ tà ma sẽ nghe được, sẽ quấy đảo và con mình ốm đau quặt quẹo. Dùng cách nói “trộm vía” để lời khen không chạm vía, không trở thành điềm gở có lí do vì thế (TD: Nói trộm vía, cháu bé nhà anh chóng lớn quá!)
Quán ngữ mẹ bố anh, bố anh thường được dùng trong những cuộc đối thoại giữa mẹ và con ở vùng nông thôn cũng có thể có chức năng đánh dấu cho hành vi khen (TD: Mẹ bố anh, anh chỉ được cái thông minh). Có điều hành vi khen ở đây không được người nói chấp nhận một cách hoàn toàn mà có thể là sự miễn cưỡng thừa nhận của người nói với tinh thần vui vẻ, thoải mái. Tất nhiên quán ngữ này cũng có thể được dùng để dẫn nhập trước hành vi trách. Với ý nghĩa đó nó đã làm “giảm thiểu” lời trách, biến lời trách của người nói trở thành một lời trách yêu và người nghe sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. (TD: Bố anh, anh làm thế à?)
Ở nhóm quán ngữ gắn với đối tượng tiếp nhận thông tin, người phát ngôn có thể trình bày sự việc theo chính quan điểm của mình kèm theo một sắc thái cần có.
TD: Chị tính, làm ăn như thế thì có chết không cơ chứ?
Theo chúng tôi, sử dụng những quán ngữ ở nhóm này người nói sẽ giúp cho người nghe “bước” vào diễn ngôn để cùng suy nghĩ với người nói về sự tình được nói đến, trên cơ sở đó gián tiếp tạo ra sự đồng tình ở người nghe.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Về mặt lí luận
Những kết quả nghiên cứu góp phần giải thích cách dùng quán ngữ để phục vụ cho mục đích phát ngôn và đi tới khẳng định những quy tắc dụng học có giá trị trong việc lựa chọn và sử dụng quán ngữ cũng như mối quan hệ giữa ngôn ngữ học với các bộ môn khác như Dụng học, Ngôn ngữ học xã hội, Dụng học giao thoa văn hóa.
2. Về mặt thực tiễn
Báo cáo phân tích và chỉ ra giá trị dụng học trong việc sử dụng quán ngữ trên cơ sở lí thuyết hành vi ngôn ngữ. Báo cáo cũng góp phần khẳng định hướng tiếp cận tác phẩm văn chương từ ngôn ngữ đặc biệt là từ những cấu trúc mang đậm giá trị văn hóa – xã hội là hướng tiếp cận hiệu quả.
IV. KẾT LUẬN
Dưới ánh sáng của dụng học, nghiên cứu quán ngữ đã chuyển từ cách nhìn “đơn tuyến”, cách nhìn truyền thống mang tính chất liên kết hình thức của các yếu tố sang cách nhìn “lập thể”, cách nhìn ở những chiều kích khác nhau, cụ thể là xét trong sự tác động của các nhân tố có tính chất xã hội, tâm lí, văn hóa và người sử dụng… Nghiên cứu quán ngữ từ góc độ dụng học mang tính “lập thể” như thế sẽ góp phần giúp cho người sử dụng có những tri thức toàn diện về thế giới và định hướng việc sử dụng quán ngữ trong giao tiếp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 phần Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội
[2] Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội
[3] Nguyễn Văn Hiệp (2012), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội
[4] Keller, E and Warner, ST (1998), Conversatation Gambits, Hove England
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Nam Cao (2000), Truyện ngắn chọn lọc, NXB Văn học
[2] Bảo Ninh (2010), Nỗi buồn chiến tranh, NXB Phụ nữ
[3] Bảo Ninh (2010) Tác phẩm chọn lọc, NXB Phụ nữ
[4] Nguyễn Ngọc Tư (2006) Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ
[5] Nguyễn Ngọc Tư (2010) Khói trời lộng lẫy, NXB Thời đại
(Nguồn: Tạp chí khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội 2, số 23/2013, tr.48-63)