Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ NÂNG CAO KĨ NĂNG GHI NHẬN - KHÍCH LỆ HỌC SINH CỦA GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG

ThS. Dương Thị Mỹ Hằng


1. Đặt vấn đề
Cần phải đào tạo con người mới theo cách mới" - đó là nguyên tắc giáo dục của người thầy lỗi lạc Makarenko. Không phải là nhấn chìm lũ trẻ với những lầm lạc trong quá khứ mà phải biết khơi dậy - thức tỉnh - động viên - ủng hộ những mầm mống của nhân phẩm chân chính, tốt đẹp.    Trong suốt cuộc đời dạy dỗ trẻ em hư, công thức để Makarenko sửa trị các em là “Tôn trọng và yêu cầu cao”. Bản chất tâm lý con người ai cũng muốn được tôn trọng, chạm đến lòng tự trọng là chạm đến danh dự của con người (cho dù đó là đứa trẻ khó dạy, chưa ngoan). Khích lệ, động viên, ghi nhận thành quả của học sinh (HS) chính là một trong những cách tôn trọng người học. Khi được khích lệ, ghi nhận về thành quả lao động của mình, HS sẽ phát huy được khả năng của bản thân, sẵn sang tham gia hành động. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến kĩ năng ghi nhận – khích lệ HS trong hoạt động dạy học của GV phổ thông, giúp họ nâng cao nhận thức về kĩ năng này từ đó hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của mình.

 2. Cơ sở học thuyết nhu cầu của Maslow và việc ghi nhận – khích lệ học sinh 
Maslow nhà khoa học xã hội nổi tiếng đã xây dựng học thuyết về nhu cầu của con người vào những năm 1950. Lí thuyết của ông nhằm giải thích những nhu cầu nhất định của con người cần được đáp ứng như thế nào để một cá nhân hướng đến cuộc sống lành mạnh và có ích cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo ông, nhu cầu của con người có năm loại, sắp xếp thành thang bậc từ thấp đến cao: nhu cầu cơ bản, nhu cầu về an toàn, nhu cầu về xã hội, nhu cầu về được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện mình. Ghi nhận – khích lệ có liên quan đến nhu cầu thứ tư - nhu cầu về được tôn trọng. Nội dung của nhu cầu này gồm hai loại: Lòng tự trọng và được người khác tôn trọng. Lòng tự trọng bao gồm nguyện vọng muốn giành được lòng tin, có năng lực, có bản lĩnh, có thành tích, độc lập, tự tin, tự do, tự trưởng thành, tự biểu hiện và tự hoàn thiện. Loại thứ hai là nhu cầu được người khác tôn trọng. Tôn trọng là được người khác coi trọng, ngưỡng mộ. Đó là khả năng giành được uy tín, được thừa nhận, được ghi nhận, khích lệ, có địa vị, có danh dự,… Trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, ghi nhận về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Với người học, sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho HS sẽ học tập tích cực hơn, cố gắng hơn.  
 
3. Kĩ năng ghi nhận – khích lệ học sinh
3.1. Theo Từ điển tiếng Việt, kĩ năng được hiểu là “khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế”.  Ghi nhận là thừa nhận, công nhận, ghi lại để làm bằng. Khích lệ là sự tác động đến tinh thần làm cho hăng hái, mạnh mẽ thêm lên.
Như vậy, có thể hiểu, kĩ năng ghi nhận – khích lệ HS của GV là khả năng thừa nhận, tác động đến tinh thần làm cho HS hăng hái, tích cực học tập. Động viên, khích lệ, ghi nhận là một động lực tác động rất lớn đến tâm lí người học. Người học được khẳng định mình, được tôn trọng sẽ ý thức hơn về hành vi học tập của mình.
GV có vai trò rất lớn trong việc tạo ra sự hứng thú cho HS. Phong cách làm việc, hành vi, ngôn ngữ, thái độ... của GV đối với HS sẽ tác động đến môi trường học tập của người học. Do đó GV phải rèn luyện để có một phong cách, hành vi, ngôn ngữ.... và các biện pháp kĩ thuật riêng để ghi nhận – khích lệ HS.

3.2. Năm học 2014 -2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện thông tư 30 (TT30), sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ HS. Theo đó, nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS. GV phải theo sát năng lực từng em để có nhận xét cụ thể, giúp HS tiến bộ. Việc nhận xét sự tiến bộ, hướng dẫn để HS thành công sẽ có tác dụng góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn và động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Chính sự thành công trong học tập sẽ mang lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS, giúp HS thích học và học tốt hơn. Đây là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên trong thực tế, việc GV nhận xét chưa được theo sát với tinh thần chỉ đạo của TT30. Nhiều lời nhận xét còn chung chung và đôi khi na ná giống nhau cho các HS trong cùng một lớp. Không phải GV nào cũng tâm huyết để tìm ra những mặt tích cực của HS.

Ở các cấp học cao hơn như THCS, THPT, dường như việc ghi nhận  - khích lệ HS vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu xét riêng việc ghi lời nhận xét ở ô lời phê của GV cho các bài kiểm tra viết, có thể nhận thấy một thực trạng khá phổ biến đối với các bài kiểm tra có điểm kém, GV thường chỉ thẳng ra lỗi sai của HS mà không hề quan tâm xem HS còn có ưu điểm nào để động viên, khuyến khích. Thậm chí có GV để lại bút tích của mình là những lời phê mỉa mai, giễu cợt HS. Đó mới chỉ là những quan sát về sự ghi nhận – khích lệ của GV trên những bài kiểm tra viết. Đối với những lời phát biểu, việc làm cụ thể ngoài bài kiểm tra viết của HS liệu đã nhận được sự ghi nhận và khích lệ của GV hay chưa? Có lẽ điều này không phải số đông GV đã làm được.
Như trên đã nói, ghi nhận - khích lệ có vai trò ảnh hưởng khá lớn đến hứng thú học tập của người học. GV không nên nhấn chìm người học với những lỗi sai, sự hạn chế của các em trong học tập, mà phải biết khơi dậy - thức tỉnh - động viên - ủng hộ để HS có cơ hội phát triển, sáng tạo và bộc lộ mình.

4.  Một số giải pháp nhằm nâng cao kĩ năng ghi nhận – khích lệ HS của GV phổ thông
4.1. Tạo nhu cầu học tập cho HS
 Đây là một điều hết sức cần thiết với  một giờ học. HS sẽ tích cực học tập khi có một nhu cầu thật sự. Muốn vậy để khích lệ HS học tập, GV cần tạo ra những tình huống học tập chân thực để kích thích nhu cầu của HS Nhu cầu của HS rất đa dạng. Có thể là nhu cầu muốn bộc lộ sự hiểu biết, muốn thể hiện kết quả học tập, rèn luyện. Có khi là nhu cầu muốn tranh luận, bàn cãi một vấn đề…. GV cần nắm vững các nhu cầu của HS, giúp các em có thể trình bày ý kiến riêng của mình. Sự quan tâm tới nhu cầu của HS giúp các em phấn khởi học tập, say sưa học tập và vì thế kết quả giờ học sẽ tăng lên.
4.2.   Tạo một môi trường học tập thân thiện
     Môi trường học tập được hiểu là không khí lớp học; nét mặt, cử chỉ, lời nói của GV; các hoạt động của HS và những điều kiện khác, diễn biến có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới chất lượng giờ học. HS không thể học tập tốt trong môi trường học tập mà ở đó có thái độ không tôn trọng của bạn bè hoặc GV. Nếu tạo được một bầu không khí học tập thân thiện và thoải mái cho HS, GV sẽ khích lệ được việc học tập của HS.
       Không gian lớp học cần được chú ý đầu tư để kích thích nhu cầu học tập của HS. Sử dụng không gian tường của lớp một cách hợp lí là một cách tôn vinh người học. GV chỉ cần sử dụng các ghim cài, băng dính để tôn vinh sản phẩm học tập của người học xung quanh tường lớp để HS nào cũng được nhìn thấy. HS sẽ cảm thấy rất tự hào khi mình được ghi nhận sự đóng góp.
4.3. Thực hiện các quy tắc về khen và chê
  • Các quy tắc về khen: Khen cần phải đúng thời điểm. Khi có bất kì một điều gì mà HS làm tốt, hãy ngay lập tức khen ngợi các em. Dành một hai phút đến bên bàn HS động viên, công nhận HS. Khen phải đúng việc. Ngợi khen phải đúng việc thì các HS khác trong lớp cũng như bản thân HS được khen mới có động lực phấn đấu.
    Khen phải đúng cấp độ. Lời khen tặng của GV phải chân thành, đúng mực. HS được khen không cảm thấy hổ thẹn vì những lời” có cánh” dành cho mình. GV có thể tạo ra những phần thưởng nhỏ cho HS như: đồ dùng học tập, phiếu đổi quà…
    GV cần tập trung vào chủ thể được khen để tạo được cảm xúc, tinh thần cho người học. HS sẽ gia tăng sự tự tin trong học tập. Tuy nhiên, khen quá mức độ sẽ tạo ra những học trò kiêu căng, tự mãn. Đây là điều GV cần hết sức chú ý khi sử dụng lời khen tặng HS.
  • Các quy tắc về chê Không chê HS trước đông người. Chê cũng rất cần để HS nhận ra những hạn chế của mình để khắc phục. Song có nhiều cách để chê. GV có thể góp ý riêng với HS khi chỉ có hai người. Hoặc sử dụng lời chê trong thế khen, tránh chê trong thế chê. Điều đó có nghĩa là, GV cần tìm ra cái “được” của HS để ghi nhận, khích lệ. Nguyên tắc rất quan trọng cần nhớ là không được chê bản thân HS, chỉ chê công việc đó, hoạt động đó để giữ gìn thể diện của người học. Sau chê, GV hướng vào bài học cụ thể cần rút ra cho cách làm của HS. Như vậy, chê mới tạo ra động lực cho HS vươn lên và tiến bộ.
     5. Kết luận
             Tâm lí học hiện đại đã chỉ rõ động cơ học tập là một thành tố quan trọng cấu trúc nên hoạt động học tập của người học. Ghi nhận – khích lệ là một trong những cách thức giúp GV tạo được động cơ học tập cho người học. Để ghi nhận – khích lệ HS có hiệu quả đòi hỏi GV phải thường xuyên quan sát, theo dõi cá nhân HS, nhóm HS trong quá trình học tập để có nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời đối với từng việc làm, từng nhiệm vụ của mỗi cá nhân hoặc cả nhóm, giúp các em khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng, sửa chữa khuyết điểm để ngày càng tiến bộ. Kĩ năng ghi nhận - khích lệ, động viên người học trong quá trình dạy học ngày nay cũng được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá người dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư Ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học,  Số 30/2014/TT-BGDDT, 2014.
 2.  Bùi Văn Huệ, Giáo trình tâm lí học, NXB Đại học Quốc gia, 2000
3. Nguyễn Thị Minh Phượng - Phạm Thị Thúy, Cẩm nang phương pháp sư phạm, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2013.
4. Trần Trọng Thủy (chủ biên), Tâm lí học đại cương, NXB Giáo dục, 2000.
5.  Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng,  2005.
0969889270 0912944324