TS. Đỗ Thị Thu Hương
TÓM TẮT
Hệ thống từ vựng của mỗi ngôn ngữ không chỉ có các từ mà còn có các thành ngữ. Sự có mặt của các thành ngữ góp phần làm thỏa mãn nhu cầu diễn đạt sự vật, hiện tượng một cách hình ảnh, cô đọng của con người. Số lượng các thành ngữ tiếng Việt tương đối lớn (hơn 4300 đơn vị), chúng xuất hiện dần dà theo nhiều nguồn khác nhau. Song, tựu trung các thành ngữ không phải có nguồn gốc xa lạ mà nó bắt nguồn từ chính những chất liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày, từ lời ăn tiếng nói của dân tộc ta. Bài viết của chúng tôi khái quát một số cơ sở hình thành nên kho tàng thành ngữ tiếng Việt, từ đó, giúp người sử dụng có thêm minh chứng để hiểu sâu sắc, thấu đáo về ý nghĩa của một loại đơn vị ngôn ngữ đặc biệt trong tiếng Việt.
Từ khóa: thành ngữ, cơ sở, hình thành
SUMMARY
THE CONSTITUTIONAL BASIS OF VIETNAMESE IDIOMS
Lexical system of each language has not only words but also idioms. The exist of idioms could satisfy the succinct and ornate expression of things. With hight number of idioms (over 4300 units), idioms gradually appeared in many sources. However, they only originated from familiar materials and daily words of speech. This article genaralizes some sources of Vietnamese idioms treasure from which the users could have evidences for deeper understanding about the meaning of special units in Vietnamese such as idioms.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cũng giống như các từ, thành ngữ là loại đơn vị có sẵn. Chúng xuất hiện sau từ, theo nhiều nguồn khác nhau. Sự có mặt của chúng nhằm thỏa mãn nhu cầu diễn đạt sự vật một cách hình ảnh, cô đọng. Tuy nhiên, những câu hỏi như các thành ngữ có nguồn gốc từ đâu? Chúng ra đời như thế nào và ra đời vào thời điểm nào? luôn luôn được đặt ra và thôi thúc các nhà nghiên cứu phải làm sáng tỏ. Bài viết này góp phần làm rõ một số cơ sở hình thành nên thành ngữ tiếng Việt. Từ đó, có thêm những minh chứng để hiểu sâu sắc hơn, đa chiều hơn về ý nghĩa của loại đơn vị ngôn ngữ đặc biệt này trong tiếng Việt.
2. NỘI DUNG
2.1. Thành ngữ được hình thành từ đời sống văn hóa - xã hội của người Việt
2.1.1. Thành ngữ được hình thành từ đời sống lao động
Là một đất nước nông nghiệp, hoạt động lao động chủ yếu của người Việt là cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi. Khi xưa, người nông dân làm việc dựa vào sức mình là chính, không có các loại máy móc, phương tiện hiện đại hỗ trợ như ngày nay, vì vậy họ phải làm việc rất vất vả, cực nhọc. Đời sống lao động vất vả đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân. Nhiều sự kiện thuộc đời sống lao động sản xuất hay những công việc mưu sinh đã trở thành chất liệu cấu tạo nên nhiều thành ngữ tiếng Việt. Đó là hình ảnh những người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thức khuya dậy sớm, cháy mặt lấm lưng, dầm sương dãi nắng, đâm sấp rập ngửa, buôn thúng bán mẹt, v.v... Tâm lí lo lắng, sắp đặt công việc sao cho hợp lí được phản ánh trong thành ngữ liệu bò đo chuồng. Cái nhìn thiển cận, lối làm ăn manh mún, thiếu tính toán là cơ sở ra đời thành ngữ tham bát bỏ mâm. Đời sống đói kém của người nông dân giữa hai vụ lúa được phản ánh trong thành ngữ tháng ba ngày tám,…
Một số thành ngữ tiêu biểu: liệu cơm gắp mắm, trông gió bỏ buồm, Bờ xôi ruộng mật, cày sâu cuốc bẫm, chăn trâu cắt cỏ, chiêm khê mùa thối, cưa đứt đục suốt, dãi gió dầm sương, đắp đập be bờ, đầu ghềnh cuối bãi, đầu gio mặt muội, êm chèo mát mái,…
Ngoài nghề nông, ở một số vùng nước ta còn có các ngành nghề thủ công. Hoạt động của các ngành nghề thủ công cũng là cơ sở hình thành nên nhiều thành ngữ. Ở đây cần có sự phân biệt thành ngữ với từ nghề nghiệp. Từ nghề nghiệp là những từ biểu thị công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ ngữ này thường được những người trong cùng ngành nghề đó biết và sử dụng. Đây là lớp từ vựng được dùng hạn chế về mặt xã hội. Ví dụ: Nghề làm lược bí có các từ: nan dại, nan khôn, nan đỏ, đan nan, tách nan, lột đóm, nẹp, nẹp đỏ, nẹp đen, v.v... Trong mỗi nghề, những người thợ còn có những thành ngữ, tục ngữ chỉ ra quy cách, cách thức kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn, trong nghề mộc có những thành ngữ, tục ngữ như thượng thu hạ thách (làm nhà, đóng bàn ghế bao giờ cũng phải lấy phía dưới rộng hơn phía trên, như vậy mới vững), cắt cưa đóng đanh (những thao tác đơn giản nhất của nghề mộc), mộc gia nề giảm, v.v...
Vậy những thành ngữ được hình thành từ các ngành nghề thủ công có gì khác so với các đơn vị từ vựng nghề nghiệp?
Trước hết, có thể khẳng định rằng những thành ngữ được hình thành từ các ngành nghề thủ công thoạt đầu cũng là những từ ngữ nghề nghiệp. Trước khi trở thành những thành ngữ phổ biến trong toàn dân, những đơn vị này cũng được dùng để biểu thị công cụ, sản phẩm, quá trình sản xuất hay kinh nghiệm nghề nghiệp của một ngành nghề nào đó. Chẳng hạn, cụm từ chân chỉ hạt bột vốn ban đầu chỉ những sản phẩm của nghề thêu. Chân chỉ là những hột bằng đá nhiều màu được mài giũa và nung lên cho cứng, tạo thành những hột tròn nhỏ. Những hột đá này được xâu chuỗi vào những sợi chỉ rồi đính vào những đường riềm dưới chân màn, cờ, trướng, lọng, v v... tạo thành những đường viền gọi là chân chỉ hạt bột. Yếu tố chân trong cách nói này lại gợi liên tưởng đồng âm với yếu tố chân trong chân thành, chân chất. Từ đây, cụm từ này có sự biến đổi nghĩa, từ việc chỉ những công cụ, sản phẩm của nghề thêu nay chuyển sang chỉ những con người chất phác, cần cù và tốt nết. Sự chuyển nghĩa này được thực hiện dựa vào con đường liên tưởng tương đồng, tức ẩn dụ.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vì nhiều lí do khác nhau, các thành ngữ nghề nghiệp nói trên đã được mở rộng phạm vi sử dụng trở thành lối nói toàn dân. Đặc biệt, những ngành nghề thủ công quen thuộc đối với toàn xã hội (ví dụ như nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề làm ruộng v.v...) thì mức độ phổ biến của các thành ngữ kể trên lại càng nhanh chóng và rộng rãi. Một trong những lí do là bởi hiện tượng đồng âm mang lại. Chúng ta có thể minh chứng điều này bằng thành ngữ già kén kẹn hom. Thành ngữ này ban đầu có xuất xứ từ nghề tằm tang. Các yếu tố già, kén, kẹn, hom ban đầu là chỉ các tính chất, đặc điểm của các sự vật trong nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, các yếu tố này lại gợi liên tưởng đến các yếu tố đồng âm có ý nghĩa khác: kén (kén tằm) gợi liên tưởng đến kén chọn; kẹn gợi liên tưởng về sự kẹt lại, mắc lại; hom (hom tằm) gợi liên tưởng đến hom hem... Từ đây cụm từ này chuyển sang một nghĩa mới: chỉ những người phụ nữ kén chọn quá kĩ dẫn đến cảnh lỡ làng, quá lứa nhỡ thì.
Một số ví dụ khác: năm giềng ba mối xuất xứ từ nghề đan lưới, lật đật như sa vật ống vải xuất xứ từ nghề dệt, vụng chèo khéo chống, mũi vạy lái phải chịu đòn, bốc mũi bỏ lái ra đời từ nghề chèo đò, quyền thằng hủi ra đời từ nghề đấm bốc, bắt cá hai tay ra đời từ nghề hay trò cá độ, thành ngữ mất cả chì lẫn chài, bán cá mũi thuyền có xuất xứ từ nghề chài lưới, v.v...
2.1.2. Thành ngữ được hình thành từ đời sống sinh hoạt hàng ngày
Nhiều thành ngữ được ra đời từ lối sống, nếp sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, thành ngữ con chấy cắn đôi. Thành ngữ này thoạt nghe có vẻ phi lí vì chấy là một loài bọ nhỏ, sống kí sinh trên đầu người, thường hút máu người, hơn nữa loài vật này không thể ăn được, vậy cắn đôi để làm gì? Chúng ta chỉ lí giải được thành ngữ này khi hiểu biết tường tận về đời sống sinh hoạt của người Việt xưa. Do đời sống nghèo nàn, lạc hậu, nhất là vùng nông thôn xưa, nên người Việt thường bị nhiều chấy rận. Những lúc rảnh rỗi, người ta thường ngồi bắt chấy cho nhau. Những người này thường có quan hệ thân thuộc, máu mủ như mẹ bắt chấy cho con gái, chị bắt chấy cho em. Mỗi khi bắt được con chấy họ đều đưa con chấy lên miệng cắn đôi mà chẳng thấy hôi tanh, ghê rợn gì vì họ quan niệm máu trong bụng con chấy là máu của người thân, mà cũng là máu của chính mình. Từ hành động cắn đôi con chấy, dân gian đã khái quát nên thành ngữ con chấy cắn đôi, với nghĩa "có quan hệ gần gũi, thân thiết".
Một ví dụ khác là thành ngữ buôn dưa lê. Thành ngữ này có lẽ được hình thành vào khoảng những năm cuối của thế kỉ XX. Cụm từ này dùng để chỉ hoạt động của những người hay la cà rồi đem chuyện của người này, người kia (thường là chuyện riêng tư, vặt vãnh) nói cho nhau nghe. Tất nhiên những chuyện nhỏ to này không tránh khỏi tình tiết thêm thắt, thêu dệt, thậm chí còn đơm đặt. Có thể nói, sự hình thành của thành ngữ là kết quả của nhiều hướng liên tưởng khác nhau. Trước hết, chúng ta đã biết trong tiếng Việt có cụm từ buôn chuyện (đem những chuyện không đâu nói với nhau). Bản thân từ buôn đã có nghĩa "mua bán để lấy lãi". Cái hàm ý làm cho nhiều lên, hơn lên đã có ở trong đó. Rồi trong tiếng Việt lại có các thành ngữ ngồi lê mách lẻo, ngồi lê đôi mách, nghĩa là la cà hết chỗ này đến chỗ khác để hóng chuyện hoặc để đem chuyện chỗ này đến chỗ khác gây mâu thuẫn. Yếu tố dưa gợi liên tưởng đến từ láy dây dưa, với nghĩa kéo dài lằng nhằng hết ngày này qua ngày khác. Mặt khác, trong thực tế những năm gần đây, xuất hiện loài dưa lê - một loại quả tròn, màu trắng ngà hay vàng nhạt, cùi giòn, thơm ngọt. Những lúc không có khách, những người bán hàng thường ngồi phệt dưới đất tán chuyện gẫu chờ khách. Rất có thể các yếu tố dưa và lê trong từ dưa lê (tên một loại quả) gợi liên tưởng dưa trong dây dưa, lê trong ngồi lê, lê la. Như vậy, bằng nhiều hướng liên tưởng khác nhau, người ta đã tạo nên thành ngữ buôn dưa lê.
Phần lớn các thành ngữ thuộc nhóm này có xuất xứ từ những thói quen, nếp nghĩ hay lối sống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn: cơm hẩm cà thiu, cơm hẩm mắm chườm, ăn mắm mút giòi,...
Một số thành ngữ thuộc nhóm này như: bóc ngắn cắn dài, buông quăng bỏ vãi, bữa đói bữa no, bữa rau bữa cháo, buồn ngủ gặp chiếu manh, chấy rận như sung, tham bữa cỗ lỗ buổi cày,...
Trong đời sống hàng ngày, đối với người Việt Nam, ăn uống được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu (Chẳng thế mà cha ông ta đã nói dân dĩ thực vi tiên). Ăn không chỉ đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu của cái đói mà còn thể hiện rõ đạo lí, triết lí sống của con người Việt Nam. Cũng nhờ vậy, cha ông ta đã tạo nên một nền văn hóa ẩm thực phong phú. Từ kinh nghiệm ăn uống hàng ngày, cha ông ta đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và phản ánh vào kho tàng thành ngữ: chém to kho mặn, thái to bung dừ, đầu trôi môi mè, chuối sau cau trước, say như điếu đổ, cơm gà cá gỏi, cơm chiêm mắm mặn, cơm hẩm cà thiu, cơm sung cháo dền, cơm tẻ mẹ ruột, tương cà mắm muối, da bánh mật, má bánh đúc, bánh chưng ra góc, bánh đúc bày sàng, trơn như đổ mỡ, v.v...
Là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa nóng và mùa lạnh được phân biệt rõ rệt nên chuyện ăn mặc của người Việt cũng rất được coi trọng. Với những người nông dân chân lấm tay bùn thì ăn mặc xuềnh xoàng: áo vải quần nâu, áo thô giày cỏ, thậm chí áo mảnh quần manh, quần manh áo vá, váy vận yếm mang, cởi trần đóng khố, lưng đen khố bện... Với những người giàu có thì áo dài khăn đóng, áo dài khăn lượt, áo the khăn xếp, quần chùng áo dài, quần chân áo chít, quần hồ áo cánh, khăn đóng áo chùng, khăn thâm áo vải, v.v... Và với những cô thiếu nữ thì lại phải áo lụa quần hồng, mớ ba mớ bảy,...
Các trò chơi dân gian cũng là một trong những nguồn sản sinh ra thành ngữ. Như chúng ta biết, các trò chơi ăn tiền như đánh chắn, xóc đĩa, cua cá vốn là những hình thức cờ bạc rất phổ biến trong dân gian, đặc biệt là vào dịp lễ tết. Bản chất của những trò chơi này là lừa được người chơi để ăn tiền. Càng lừa được nhiều càng trúng lớn. Từ thực tế ấy, dân gian đã đúc rút nên những thành ngữ để chỉ những kẻ tráo trở, bịp bợm, như: cờ gian bạc bịp, cờ gian bạc lận, bắt cá hai tay, thò lò sáu mặt, ba que xỏ lá,... Thành ngữ gàn bát sách, lì không thang cũng có nguồn gốc tương tự. Hai thành ngữ này có xuất xứ từ các quân bài trong cỗ tổ tôm. Quân bài bát sách vẽ hình người đàn bà xếp chân bằng tròn, miệng ngậm điếu thuốc lá, mặt vênh lên trông rất khó coi. Từ hình ảnh này, bằng liên tưởng tương đồng, dân gian đã khái quát nên thành ngữ gàn bát sách, ý chỉ những người gàn dở, có những hành động trái với lẽ thường. Còn quân bài không thang vẽ hình một người phụ nữ đang vạch áo cho con bú. Cái lì lợm, không còn biết gì là xấu hổ khi làm cái việc lẽ ra phải giữ kín đáo trước đám đông của người đàn bà trong hình vẽ đó đã cho ra đời thành ngữ lì không thang. Thành ngữ sạch nước cản lại có nguồn gốc từ thuật chơi cờ.
2.1.3. Thành ngữ hình thành từ đời sống tâm linh (tập tục, tín ngưỡng)
Nói đến phong tục của một dân tộc chúng ta thường nghĩ tới những phong tục thông dụng nhất như: phong tục tang ma, phong tục hôn nhân, phong tục lễ tết và lễ hội. Những phong tục này của người Việt cũng là cơ sở để hình thành nhiều thành ngữ.
Là một dân tộc thiên về việc trọng tình, trọng nghĩa, người Việt Nam nói chung đặc biệt coi trọng việc tang ma. Họ quan niệm tổ chức tang ma cho người chết chính là thể hiện tình cảm, lòng yêu mến của người sống đối với người đã khuất, đồng thời cũng mong người đã khuất được thanh thản, siêu thoát, phù hộ cho người thân ở cõi dương gian. Chính quan niệm này đã khiến việc tang ma ở Việt Nam thường được tổ chức rất trọng thể. Phong tục tang ma là cơ sở tạo nên rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, chẳng hạn: cha đưa mẹ đón; cha gậy tre, mẹ gậy vông; trẻ làm ma, già làm hội;chôn sấp, liệm ngửa; v.v...
Gắn liền với phong tục tang ma là việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Các thành ngữ giữ như giữ mả tổ, rước voi về giày mả tổ, đào mồ cuốc mả, chửi ủng mồ ủng mả, mồ yên mả đẹp, vén áo tay sô, đốt nhà táng giấy… đã ra đời từ phong tục này.
Như chúng ta biết, Việt Nam là nước có nhiều lễ hội. Các lễ hội diễn ra ở khắp mọi miền đất nước vào những lúc công việc đồng áng rảnh rỗi. Liên quan đến phong tục này, người Việt đã tạo nên nhiều thành ngữ như: vui như trảy hội, đông như đám hội, mua may bán rủi,…
Bên cạnh đó, còn có những thành ngữ được ra đời từ quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Chúng ta đều biết, đạo Phật là một trong hai tôn giáo lớn nhất và phổ biến nhất ở nước ta. Những tinh thần cơ bản của đạo Phật như từ bi, hỉ xả, tu nhân tích đức, cởi mở, khoan dung, nhẫn nhịn… đã thấm sâu vào tâm thức của nhân dân, trở thành một phần cơ bản trong linh hồn dân tộc, tính cách dân tộc. Tinh thần này đã được cha ông ta phản ánh vào trong thành ngữ: ăn chay niệm Phật; ăn mày cửa Phật; hiền như bụt; của ít lòng nhiều; ở hiền gặp lành; gieo gió gặt bão; Phật nhà chẳng cầu đi cầu Thích Ca ngoài đường, v.v… Để chỉ những kẻ giả dối, cha ông ta dùng cách nói miệng nam mô, bụng một bồ dao găm hay miệng phật tâm xà; chỉ thói ích kỉ, của người khác thì phung phí, của mình thì chặt chẽ, người Việt dùng thành ngữ của người Bồ tát, của mình lạt buộc, v.v…
Trong thế giới quan tôn giáo của người Việt, thuyết Vật linh luận cũng rất được coi trọng. Người ta tin rằng, trong tất cả các vật (hữu tri, vô tri) đều có sự trú ngụ của những linh hồn. Linh hồn ngự trị trong cây (thần cây đa, ma cây gạo), trong đá, trong các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, chớp (ông Đùng, bà Đoàng) và đặc biệt là ở con người. Người ta tin rằng con người có linh hồn. Có lẽ đây là cơ sở để cho ra đời một loạt các thành ngữ như: hồn vía lên mây, hồn lìa khỏi xác, ba hồn chín vía, ba hồn bảy vía, hết hồn hết vía, hồn xiêu phách lạc, thần hồn nát thần tính, táng đởm kinh hồn, hồn về chín suối, hồn điên phách đảo, kinh hồn mất vía, hú hồn hú vía, bay hồn bạt vía, sợ mất vía, v.v…
Trong nhận thức về vũ trụ, người Việt đặc biệt coi trọng triết lí âm dương. Họ dùng triết lí âm dương để giải thích về sự chuyển biến của mọi vật trong vũ trụ. Từ triết lí âm dương, người Việt đã tạo nên những mô hình vũ trụ bí ẩn với số lượng thành tố lẻ. Tư duy số lẻ dường như là nét đặc thù của con người nông nghiệp Việt Nam. Từ đây, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của mình, người Việt rất thích dùng các con số lẻ. Một số ví dụ tiêu biểu: ba bè bảy mối, chia năm sẻ bảy, ba xôi cùng nhồi một chõ, túm năm tụm ba, năm lần bảy lượt, ba vuông bảy tròn, năm lừa bảy lọc, năm thê bảy thiếp, v.v...
2.1.4. Thành ngữ có cơ sở hình thành từ lịch sử, văn học
Loại thành ngữ này được chia thành một số nhóm nhỏ sau:
a) Thành ngữ được hình thành từ các tích truyện dân gian
Truyện cổ tích dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện cười Việt Nam là cơ sở hình thành của nhiều thành ngữ tiếng Việt. Huyền thoại về nguồn gốc tổ tiên của người Việt là cơ sở ra đời của các thành ngữ con rồng cháu tiên, con Lạc cháu Hồng. Anh chàng ngốc nghếch đẽo cày theo ý mọi người mà không có chủ kiến riêng là cơ sở của thành ngữ đẽo cày giữa đường. Kẻ hay lừa dối nhưng lại làm cho người khác dễ tin được đúc kết nên thành ngữ nói dối như Cuội. Hình ảnh anh chàng keo kiệt, đến chết vẫn còn hà tiện trong truyện cười là cơ sở của thành ngữ vắt cổ chày ra nước. Câu chuyện về nỗi oan khuất không thể thanh minh, giãi bày của Thị Kính trong tích chèo dân gian được phản ánh trong cụm từ oan Thị Kính, v.v... Tóm lại, không ít thành ngữ tiếng Việt được hình thành từ kho tàng truyện kể dân gian của dân tộc: công dã tràng, há miệng chờ sung, trăm thứ bà giằn, rồng đến nhà tôm, thầy bói xem voi, phù thủy đền gà, dốt có đuôi/ chuôi, đồ Lí Thông, nói nhăng nói cuội, nói dối như cuội, con rồng cháu tiên, trời đánh thánh vật, gan cóc tía, v.v...
b) Thành ngữ hình thành từ những nhân vật điển hình trong các tác phẩm văn học
Những nhân vật điển hình trong tác phẩm văn học cũng là cơ sở cho sự ra đời của nhiều thành ngữ Việt. Từ những tính cách điển hình, những nhân vật này đã khái quát nên tính cách của cả một lớp người trong xã hội. Nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều của Nguyễn Du điển hình cho thói ghen tuông của đàn bà đã là cơ sở tạo nên thành ngữ máu ghen Hoạn Thư. Tính cách lừa lọc, dối trá của nhân vật Sở Khanh được tái hiện trong thành ngữ đồ Sở Khanh. Hay ngoại hình xấu "ma chê quỷ hờn" của Thị Nở (trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) đã đi vào thành ngữ xấu như Thị Nở, v.v...
c) Thành ngữ hình thành từ những sự kiện, nhân vật lịch sử
Những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử cũng để lại dấu ấn trong thành ngữ, trở thành chất liệu cấu tạo nên thành ngữ tiếng Việt. Chẳng hạn: trăm trận trăm thắng, thế chẻ tre, lệnh ông không bằng cồng bà, Lê Lai hoán Chúa,...
2.2. Thành ngữ có cơ sở hình thành từ thế giới tự nhiên
2.2.1. Thành ngữ được hình thành từ thế giới động vật
Do nước ta thuộc vùng nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều nên là môi trường sản sinh của rất nhiều loài động vật. Đặc biệt, những động vật gần gũi, quen thuộc đối với con người như: chim, cá, rắn, rết, sâu bọ, các con vật nuôi như chó, mèo, trâu, ngựa, lợn, gà, vịt, v.v... đều được phản ánh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trở thành nguồn chất liệu phong phú để tạo nên nhiều thành ngữ. Theo thống kê của chúng tôi, kho tàng thành ngữ tiếng Việt có tới hơn 700 thành ngữ có chứa hình ảnh con vật. Dựa vào đặc điểm, tập tính của các loài động vật, bằng sự liên tưởng chuyển nghĩa, cha ông ta đã khái quát nên nhiều thành ngữ. Chẳng hạn, thành ngữ thẳng ruột ngựa: Ngựa là loài động vật ăn cỏ nhưng bộ máy tiêu hóa của ngựa khác với bộ máy tiêu hóa của trâu bò. Dạ dày của ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hóa được chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng rất dài và lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, đường kính từ 25-35 cm. Dựa vào đặc điểm nội tạng nói trên của ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan mà trong nhận thức của người Việt, ruột ngựa được xem là một biểu tượng về tính chất thẳng, trái với cong. Mặt khác, người Việt lại lấy các bộ phận nội tạng để biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người (ruột để ngoài ra, ruột đau như cắt…). Từ sự liên tưởng này, cụm từ thẳng ruột ngựa được chuyển từ ý nghĩa miêu tả đặc điểm tính chất cụ thể của loài ngựa sang biểu thị tính tình của con người. Trong nói năng, người Việt thường dùng cụm từ này để ví những người có tính tình thật thà, bộc trực, thẳng thắn. Một ví dụ khác, thành ngữ nuôi ong tay áo: Thành ngữ này thường được hiểu là nuôi dưỡng, cưu mang những kẻ làm hại mình. Nhưng ít ai biết được rằng thành ngữ nuôi ong tay áo xuất phát từ đặc điểm của loài ong có tên gọi là "ong tay áo". Ong tay áo là một loại ong có màu đen, thường làm tổ trên cây, tổ ong thụng xuống như hình dáng của cái tay áo nên loài ong này được gọi tên như vậy. Khi ong tay áo không tìm được chỗ làm tổ trên cây thì thường chọn những cột gỗ ngoài hiên, ngoài hè làm tổ. Theo quan niệm xưa, khi loài ong này làm tổ trong nhà thường mang lại những điều không may mắn cho gia chủ. Hơn nữa, ong tay áo đốt rất đau và buốt. Vì vậy người ta thường hun khói để xua đuổi chúng đi. Từ những đặc tính kể trên, ong tay áo được dùng để biểu trưng cho những kẻ được người khác che chở, giúp đỡ nhưng lại làm hại chính họ. Sự chuyển nghĩa này được thực hiện theo con đường ẩn dụ.
Cũng tương tự như vậy, đặc tính mềm yếu, nhũn nát của con chi chi (một loài cá nhỏ) khi vớt lên khỏi mặt nước là cơ sở ra đời thành ngữ nhũn như con chi chi. Lối bò ngang của con cua là cơ sở hình thành thành ngữ ngang như cua. Dựa vào tập tính của loài cáy hễ thấy động là chạy biến vào hang mà dân gian khái quát nên thành ngữ dát như cáy. Dáng vẻ co ro, ốm yếu, khẳng khiu gầy guộc của chú cò bợ là hình ảnh tạo nên thành ngữ lử cò bợ, v.v...
Một số ví dụ về các thành ngữ tương tự khác: mất hút con mẹ hàng lươn, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, chuồn chuồn đạp nước, đười ươi giữ ống, nước mắt cá sấu, te tái như gà mái nhảy ổ, cổ ngẳng như cổ cò, giãy nảy như đỉa phải vôi, xác như vờ, xơ như nhộng, rối như gà mắc đẻ, giấu như mèo giấu cứt, chó cái giữ con, dai như đỉa, mèo già hóa cáo, khỏe như voi, v.v…
2.2.2. Thành ngữ được hình thành từ thế giới thực vật
Bên cạnh động vật, các loài thực vật với những đặc tính điển hình của chúng cũng trở thành chất liệu để tạo nên thành ngữ. Kết quả thu thập được cho thấy, kho tàng thành ngữ tiếng Việt có khoảng 400 thành ngữ có chứa hình ảnh thực vật. Từ tên gọi đến màu sắc, hình dáng, đặc điểm sinh học… của các loài thực vật đều có thể được sử dụng làm chất liệu tạo nên thành ngữ. Thành ngữ ngang cành bứa là một ví dụ. Bứa là loại cây to cùng họ với măng cụt, cành ngang, quả màu vàng, quanh hạt có cùi ngọt ăn được. Từ đặc điểm điển hình cành mọc nằm ngang của cây bứa, con người đã liên tưởng đến tính ngang ngạnh, bướng bỉnh trong tính cách của một kiểu người nhất định, từ đó tạo nên cụm từ ngang (như) cành bứa. Sự biến đổi về nghĩa, từ đặc điểm của một loài thực vật sang biểu thị tính cách con người ở đây được thực hiện theo phương thức ẩn dụ.
Tương tự như vậy, thành ngữ rách như tổ đỉa cũng được hình thành từ đặc điểm sinh học của loài cây tổ đỉa. Loài cây này thường mọc sát bờ nước, lá của cây trông có vẻ xác xơ, lỗ chỗ. Từ đặc điểm này con người liên tưởng đến sự rách nát, lỗ chỗ, tớp túa của một số đồ vật như vải vóc, quần áo. Hay thành ngữ ra môn ra khoai có nhắc đến tên hai loại thực vật là môn và khoai. Từ hai loại thực vật có nhiều điểm giống nhau này, cha ông ta đã dùng chúng để biểu trưng cho ý: làm cho rõ ràng, cho rành mạch, không nhập nhằng, không lẫn lộn, cái nào ra cái ấy. Ý nghĩa này được hình thành bằng con đường liên tưởng tương đồng. Một số thành ngữ tương tự khác: đen như củ súng, đen như củ tam thất, xanh như tàu lá, tươi như hoa, đỏ như gấc, đỏ như hoa vông, đỏ như quả bồ quân, trắng như ngó cần, trắng như bông, rối như canh hẹ, rách như xơ mướp, rẻ như bèo, chát như sung, tre già măng mọc, v.v…
Nhìn chung, các thành ngữ thuộc nhóm này phản ánh rõ cách nhìn nhận, quan sát, đánh giá của người Việt về tập tính, đặc điểm sinh học của các loài động thực vật, từ đó tạo nên các thành ngữ mang những nghĩa hàm ẩn sâu xa khác.
2.2.3. Thành ngữ có cơ sở hình thành từ các hiện tượng tự nhiên
Việt Nam vốn là một đất nước nông nghiệp, nền sản xuất thiên về trồng trọt, canh tác. Cho nên yếu tố thiên nhiên có tác động to lớn đối với hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người Việt Nam. Có thể nói, mùa màng thất bát hay bội thu chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Chẳng thế mà cha ông ta đã từng nói về việc cấy cày: Trông trời trông đất, trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm. Điều này cũng có nghĩa là, thời xưa, khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển, việc quan sát thời tiết để tiến hành các hoạt động cày cấy, trồng trọt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm quan sát của người nông dân. Từ hoạt động quan sát đó, người Việt đã phản ánh vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày để tạo nên hàng loạt các thành ngữ như: ào ào như thác lũ, cao như núi, dâng lên như nước thủy triều, như rồng gặp mây, tan như mây, như mặt trăng mặt trời, như sao hôm sao mai, vắng trăng có sao… Kết quả thống kê cho thấy, kho tàng thành ngữ tiếng Việt có hơn 600 đơn vị thành ngữ có chứa các hình ảnh về thế giới tự nhiên.
Xét về đặc điểm địa lí, Việt Nam là vùng sông nước, có hệ thống kênh ngòi chằng chịt. Vì vậy, cuộc sống của người Việt gắn bó với sông nước. Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm con người Việt Nam để tạo thành những cách nói hình ảnh: nước chảy hoa trôi, nước chảy chỗ trũng, nước sâu sào ngắn, sóng cả gió to, sóng yên biển lặng, sông có khúc, người có lúc, thay ngựa giữa dòng, nước nổi bèo nổi, nước chảy đá mòn, tức nước vỡ bờ, nước đến cổ mới chạy, nước sông không đụng nước giếng, v.v... Thậm chí, ở những lĩnh vực không liên quan đến nước, người Việt cũng dùng hình ảnh nước để so sánh: vắt cổ chảy ra nước, vắt nước không lọt tay, v.v...
3. KẾT LUẬN
Cơ sở hình thành thành ngữ tiếng Việt rất phong phú, đa dạng, đó là các chất liệu được lấy từ đời sống lao động, đời sống sinh hoạt, văn hóa,... của người dân; từ thế giới động thực vật, các hiện tượng tự nhiên,... mà con người quan sát được. Từ những chất liệu bình thường, quen thuộc, bằng sự liên tưởng chuyển nghĩa (theo hai phương thức cơ bản là ẩn dụ và hoán dụ), người Việt đã tạo nên kho tàng thành ngữ vô cùng phong phú, chứa đựng trong đó vốn tri thức sống và những giá trị văn hóa trường tồn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Văn Hành (chủ biên) (2005), Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
2. Nguyễn Lực (2009), Thành ngữ tiếng Việt, Nxb Thanh niên.
3. Tiêu Hà Minh (2008), Đi tìm điển tích thành ngữ, Nxb Thông tấn.
4. Viện Ngôn ngữ học (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, H.
5. Nguyễn Như Ý (1998), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, Nxb GD, H.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/2017