Roland Barthes là một nhân vật lớn trong lịch sử văn học và triết học của thế kỉ XX. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) bằng việc viết sách, giảng dạy và tìm kiếm mối liên hệ giữa ngôn ngữ và xã hội.
Những huyền thoại[1] là một chặng đường quan trọng trong hành trình gian nan đó của ông. Do đó, nó là một đóng góp của nhà nghiên cứu cho sự phát triển tư tưởng của nhân loại.
Nhan đề tác phẩm
Những huyền thoại của R.Barthes được dịch từ
Mythologies. Từ điển
Oxford Advanced learner’s dictionary định nghĩa: Huyền thoại là “một câu chuyện có từ thời cổ đại. Đặc biệt chúng thường được kể để giải thích các sự kiện tự nhiên hay để miêu tả thời kì niên thiếu của một cá nhân nào đó. Đây là một loại truyện kể”. Huyền thoại cũng là “một điều gì đó mà nhiều người tin rằng không còn tồn tại hoặc không thật”. Trong khi đó từ điển mở
en.wikipedia.org cụ thể hơn: “Từ
mythology có thể liên quan đến ngành học về huyền thoại hoặc bản thân các huyền thoại”, “thuật ngữ
myth thường được sử dụng một cách thông tục để ám chỉ các câu chuyện không thật/ hư cấu. Tuy nhiên, khi dùng nó giới chuyên môn lại không ám chỉ tới sự thật hay giả dối. Trong văn học dân gian,
myth là một truyện kể thiêng liêng giải thích làm thế nào thế giới này và loài người nói chung lại tiến đến dạng thức tồn tại như ngày nay. Nhiều học giả ở các lĩnh vực khác nhau sử dụng từ
myth theo nhiều cách khác nhau. Theo nghĩa khái quát, từ này ám chỉ tới truyện cổ (traditional story)”
[2]. Như vậy, theo cách hiểu truyền thống, từ
myth (huyền thoại) là thuật ngữ để chỉ các câu chuyện cổ, từ những truyện sáng thế của Ai Cập cổ đại đến những truyện dân gian của văn học Ai-len cho đến những huyền thoại về người anh hùng Paul Bunyan ở Bắc Mĩ. Mặt khác, các định nghĩa cũng thường chú ý đến đặc điểm không còn tồn tại hay không thật của những chuyện được kể trong huyền thoại
[3]. Đối chiếu với những gì được sử dụng và mô tả trong
Những huyền thoại của nhà nghiên cứu người Pháp, chúng ta thấy ông đã đi ngược lại quan điểm truyền thống về huyền thoại. Barthes viết về những huyền thoại hiện đại, về những gì đang diễn ra nơi thế giới mà chúng ta sống. Đó là “nơi người ta đấu vật”, là “đồ chơi” của con trẻ, là “gương mặt nàng Garbo” – một diễn viên đang nổi lúc bấy giờ, là “chiếc xe Citroën Mới”, là xà phòng, bột giặt, là rượu vang, bít tết, khoai tây rán… Tất cả những cái đó tạo nên một thế giới mà R.Barthes gọi là “huyền thoại trong đời sống hàng ngày ở Pháp”. Chúng nhằm mục đích “phê phán ngôn ngữ của cái gọi là văn hóa đại chúng về phương diện tư tưởng”
[4].
Hơn nữa Barthes đã xem huyền thoại về xã hội tư sản Pháp như một diễn ngôn và diễn ngôn này liên quan mật thiết đến chính trị. Dave Robinson và Judy Groves trong
Nhập môn triết học cho rằng: “Triết học của Marx chưa thật sáng rõ về việc cơ sở kinh tế của một xã hội lại tạo ra kiến trúc thượng tầng về chính trị văn hóa một cách chính xác như thế”
[5]. Do vậy, để trả lời câu hỏi này, trong khi Herbert Marcuse (1898-1979) của “Trường pháp Frankfurt” tin rằng kiến trúc thượng tầng cũng thực sự có một đời sống riêng của nó; một số người khác nhận định tư tưởng có thể cũng quan trọng như kinh tế trong việc quy định tư duy và lịch sử nhân loại thì R.Barthes trả lời: “Diễn ngôn thống trị bao gồm một hệ thống tinh vi những ký hiệu cùng hợp sức tạo nên những huyền thoại đầy sức mạnh và sức thuyết phục và chính chúng tạo nên cái gọi là “thực tại” văn hóa và xã hội”
[6]. Do vậy, đóng góp của R.Barthes cho việc nghiên cứu huyền thoại còn là ở chỗ ông đã kết nối một khái niệm truyền thống với một hướng nghiên cứu mới và một hệ tư tưởng tiên tiến lúc bấy giờ: đặt huyền thoại trong mối liên hệ với kí hiệu học và tư tưởng Marxist và soi chiếu những vấn đề tưởng như đã cũ dưới một thứ ánh sáng mới.
R.Barthes tiếp cận với lí thuyết kí hiệu học từ khá sớm nhưng giai đoạn 1934 – 1947 chủ nghĩa Marx mới thực sự ảnh hưởng đến tác giả này. Đây là lúc Barthes bị bệnh lao, do đó, ông phải dành một khoảng thời gian dài để điều trị. Nhưng thời gian không trôi qua vô ích, ông đã kịp đọc xong các tác phẩm của nhà triết học chính trị Đức Karl Marx và nhà lịch sử người Pháp Jules Michelet. Việc xem xét các huyền thoại hiện đại dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx giúp R.Barthes có thêm một “phương pháp giải thích và hành động”. Ông cũng nhìn rõ hơn và thấu suốt hơn bản chất của các vấn đề chính trị, xã hội đang diễn ra trước mắt. Đồng thời, với những lí giải chưa thực sự hài lòng ở học thuyết kinh tế, chính trị này, Barthes đã tiếp tục tìm hướng giải quyết. Trở lại xem xét cầu nối mà nhà nghiên cứu đặt ra giữa huyền thoại học và kí hiệu học, người ta thấy ông định danh: “Huyền thoại như hệ thống ký hiệu”. Ông viết: “Với tư cách nghiên cứu một ngôn từ, huyền thoại học thực ra chỉ là một nhánh của ngành khoa học ký hiệu rộng lớn mà Saussure đã đưa ra cách đây khoảng bốn mươi năm với tên gọi là ký hiệu học”
[7]. Như các dịch giả giới thiệu, lúc này Saussure chưa phải là trung tâm chú ý của Barthes nhưng tác động của Saussure là không thể phủ nhận. Ngày nay nhìn lại, chúng ta thấy về vấn đề kí hiệu học, đúng là Saussure đã có công rất lớn, mở đường cho ngôn ngữ học và kí hiệu học hiện đại nhưng lí thuyết của Saussure có tính chất tiền đề. Đối lập với mô hình kí hiệu tam giác của Ch.S. Peirce, F.Saussure tập trung mô tả và khai thác mô hình nhị phân của kí hiệu. Ông cho rằng kí hiệu gồm có hai mặt: mặt biểu đạt và mặt được biểu đạt, ông cũng nói đến tính võ đoán trong mối quan hệ giữa hai mặt này. Nhưng lí thuyết của Saussure chủ yếu được tập trung ở lĩnh vực ngôn ngữ - lĩnh vực ông xem là thuộc kí hiệu cũng là lĩnh vực trung tâm của hệ thống kí hiệu trong thế giới này. Cách phân tích của Saussure là phân tích đồng đại, nhìn nhận kí hiệu ngôn ngữ trong trạng thái tĩnh, gián cắt nó với sự phát triển của lịch sử. Cách làm như vậy đã bộc lộ những hạn chế nhất định mà các nhà khoa học đã chỉ ra. Nhưng có lẽ một trong những người đầu tiên phát hiện ra điều này là R.Barthes. Trong cuốn
Những huyền thoại xuất bản năm 1957 này ông chưa có phát ngôn trực diện về vấn đề trên nhưng qua cách ông lựa chọn hệ thống kí hiệu huyền thoại đa dạng để mô tả và phân tích, chúng ta cũng có thể đoán biết điều này. Rõ ràng, R.Barthes không khuôn kí hiệu học ở vấn đề ngôn ngữ, ông đã đưa kí hiệu học sang mảnh đất của văn hóa và văn học. Mặt khác, khi ông cho rằng: “Huyền thoại là một hệ thống đặc thù ở chỗ nó được thiết lập từ một chuỗi kí hiệu tồn tại trước nó: đó là hệ thống kí hiệu thứ hai”
[8], ta lại thấy R.Barthes đã thấy được tính sản sinh liên tục của kí hiệu trong thực tế. Làm thế nào, kí hiệu lại trở nên phong phú và đa nghĩa đến vậy? Có lẽ nhà nghiên cứu người Pháp đã đặt ra những câu hỏi như thế nên hướng phân tích cấu trúc kí hiệu của tác giả đã đi khá sâu vào vấn đề này. Sau này, có thể Iu.M.Lotman đã tiếp thu kết quả nghiên cứu trên của Barthes để phân tầng kí hiệu trong
Cấu trúc văn bản nghệ thuật[9].
Tuy nhiên đó không phải là đóng góp cơ bản nhất của Roland Barthes. Bởi vì cống hiến lớn nhất của nhà nghiên cứu người Pháp trong cuốn sách này nằm ở việc ông tập trung phân tích cấu trúc của kí hiệu huyền thoại cho người ta “bài học về trông nhìn và thưởng thức”
[10]. Từ trước đến nay, quan niệm về kí hiệu được trình bày không phải là ít, người ta định nghĩa kí hiệu, người ta phân loại kí hiệu… nhưng ít ai thực sự có những ứng dụng lí thuyết kí hiệu vào đời sống văn học. Hơn nữa khi viết về
Những huyền thoại tư sản trên đất Pháp, dưới con mắt của một nhà kí hiệu học, Barthes còn đưa cho người ta một cái nhìn mới về vị thế của nhà phê bình, nhà phê bình lúc này là nhà phê bình – nhà văn, nhà phê bình – sáng tạo. Người đọc có cảm giác ông sáng tạo huyền thoại hiện đại hơn là phân tích chúng.
Điểm đáng lưu ý đầu tiên trong cách phân tích cấu trúc kí hiệu huyền thoại của Roland Barthes nằm ở cách ông lựa chọn huyền thoại để viết. Bằng cách này ông đã tái cấu trúc vương quốc của kí hiệu. Như ở phần đầu bài viết đã nói, thông thường huyền thoại được tạo ra và được nhìn nhận khi nó đi vào dĩ vãng, nó được bao phủ bởi một lớp sương khói mờ ảo. Những cái hiện tồn khó mà len chân vào được thế giới huyền thoại vì dù gì sự hiện hữu thậm chí hiện hữu hàng ngày của sự vật ít nhiều tạo dấu ấn thế tục, do đó mất thiêng. Vậy mà ở cuốn sách này, R.Barthes hoàn toàn lấy những huyền thoại như thế làm đối tượng khảo sát và phân tích. Ông sẽ xử lí vấn đề phi lôgic này bằng cách đẩy huyền thoại hiện đại trở về với quá khứ hay vĩnh viễn hóa nó? Chúng tôi cho rằng cách làm thứ hai có nhiều căn cứ hơn. Ở đây, một mặt nhà nghiên cứu dùng phương pháp lịch đại – đặt huyền thoại vào dòng chảy lịch sử nhưng mặt khác phương pháp đồng đại – phương pháp được F.Saussure ưa thích – phương pháp cắt bỏ đường viền thời gian, đặt đối tượng ở tư thế tĩnh để quan sát và mô tả, cũng được tác giả lựa chọn. Barthes đã chọn những gì? Chiếm số lượng khá lớn là những huyền thoại thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật:
Diễn viên của ảnh viện Harcourt,
Nhà văn đi nghỉ hè,
Lối phê bình câm và mù,
Gương mặt nàng Garbo,
Adomov và ngôn ngữ,
Hai huyền thoại về sân khấu trẻ,
Văn chương như của Minou Drouet,
Lối phê bình “Chẳng-chẳng”… Bên cạnh đó, những huyền thoại chính trị cũng chiếm vị trí nhất định:
Người nghèo và người tư sản,
Mấy câu hỏi của ông Poujade,
Ảnh tranh cử,
Chuyến du hành đường biển của “Batory”,
Kẻ sử dụng bãi công…Ngoài ra còn có huyền thoại tôn giáo (
Billy Graham ở trường đua xe đạp mùa đông…), huyền thoại khoa học (
Bộ óc của Enstein, Người-phóng…), huyền thoại thể thao (
Nơi người ta đấu vật, Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp…), huyền thoại về tình thương (
Binchon ở xứ da đen…) và tất nhiên không thể thiếu những huyền thoại thuộc trào lưu sống tư sản hiện đại của người Pháp (
Các loại xà phòng và bột giặt, Rượu vang và sữa, Bít-tết và khoai tây rán, Thoát y vũ, Chiếc xe Citroën Mới…). Như vậy, điểm qua danh sách này, người ta cũng thấy hiện lên khá đầy đủ những khía cạnh của xã hội Pháp hiện đại. Có thể nói, Barthes đã phát hiện những huyền thoại ở chỗ không ai ngờ, nhìn nhận thế giới kí hiệu ở nơi người ta ít thấy. Nói cách khác, thế giới kí hiệu học, nhờ Roland Barthes mà được mở rộng và được nhìn nhận thấu đáo hơn. Mặt khác, đặt hệ thống huyền thoại này trong mối quan hệ với triết học, chúng ta cũng thấy một cách nhìn rất mới mẻ, mang xu hướng hậu hiện đại của R.Barthes. Thế giới lúc này không phải là thế giới nhất nguyên, một hệ thống logic phân tầng nữa mà là mô hình phi trung tâm, không phân cấp, một hệ thống mở mang tính vô tận, tiềm tàng. Nói như Gilles Deleuze, đó là hệ thống “đa phức” và “tăng sinh” (rhizome).
Điểm độc đáo thứ hai là cách nhà nghiên cứu người Pháp phân tích cấu trúc của kí hiệu. Có lẽ công việc này đã xuất phát từ mối băn khoăn của R.Barthes: “Chúng ta không ngừng lênh đênh giữa đối tượng và sự giải hoặc nó: bởi vì nếu chúng ta thâm nhập đối tượng, chúng ta giải phóng nó nhưng chúng ta phá huỷ nó: và nếu chúng ta để mặc nó, chúng ta tôn trọng nó, nhưng chúng ta khôi phục nó khi nó bị huyễn hoặc”. Quan điểm này của Barthes có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của nhà triết học, phê bình văn học cùng thời là Gilles Leleuze. Tuy nhiên tác giả đã tìm cách giải cấu trúc huyền thoại như thế nào? Ở đây, chúng tôi thử đi tìm một con đường. Tiểu sử của ông có viết: Năm 1934, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Barthes vào học ở Đại học Sorbonne thuộc Đại học Paris và nhận các bằng cấp về nghiên cứu thời kì cổ đại (1939), nghiên cứu ngữ pháp và ngữ văn (1943)
[11]. Điều này giúp chúng ta tường minh hơn cách khám phá phong phú của nhà nghiên cứu. Có thể nói, ông đã phân tích cấu trúc nội tại của kí hiệu huyền thoại dựa trên: Kiến thức về văn hóa đặc biệt là văn hóa cổ đại, kiến thức về ngữ pháp sâu rộng và kiến thức về triết học - chính trị mà trung tâm là hệ thống quan điểm của Karl Marx.
Nơi người ta đấu vật – thiên huyền thoại đầu tiên có mặt trong cuốn sách có thể xem là sự kết hợp tuyệt vời giữa một sự kiện hiện đại với những quy ước cổ điển. Rõ ràng màn đấu vật là một kí hiệu nhưng dưới con mắt quan sát của nhà nghiên cứu, nó biến thành một cái biểu đạt mới. Cái biểu đạt này kết hợp với một nghĩa mới để tạo ra kí hiệu mới. Roland Barthes bắt đầu bài viết của mình: “Đấu vật có đặc tính của một cảnh diễn cực đoan. Ta thấy ở đấy một lối diễn giữa sân khấu cổ đại”
[12]. Barthes đã lật lại hoàn toàn những quan niệm truyền thống về đấu vật: Cái được biểu đạt của đấu vật gắn chặt với ý niệm về môn thể thao mà cái đích cuối cùng của nó là chiến thắng. Nhưng theo Barthes, chức năng của đô vật không phải là chiến thắng mà là “hoàn thành chính xác những động tác mà khán giả trông chờ ở anh ta”. Bởi vì nếu “trận đấu bốc là một câu chuyện diễn ra dưới mắt khán giả” thì trận đấu vật “người ta nhận thức ở thời điểm chứ không phải ở quãng thời gian. Khán giả chẳng quan tâm đến diễn biến chung cuộc, họ chờ đợi hình ảnh nhất thời của những cơn kích động”
[13]. Ở đây, chúng tôi trích nhiều dẫn chứng đến vậy bởi vì những khám phá của ông quả thực hấp dẫn. Bất kì ai đọc những trang này đều không khỏi ngỡ ngàng. Kiến thức liên ngành, một hướng nghiên cứu trung tâm của thế kỉ XXI đầy ắp trong những phân tích của Barthes. Barthes đã tìm ra cấu trúc của huyền thoại đấu vật thông qua việc so sánh kí hiệu này với đấm bốc, ju-đô và đặc biệt kịch – một lĩnh vực không ai ngờ tới. Nhưng đây mới chỉ là chặng đầu tiên trong cuộc hành trình của Barthes: đặt kí hiệu trung tâm trong tương quan với các kí hiệu khác để xem cấu tạo hai mặt của kí hiệu. Chặng thứ hai, ông đi sâu hơn vào bản thân kí hiệu và xem xét mặt biểu đạt của kí hiệu. Ở đô vật, cơ thể của đô vật là điểm mấu chốt đầu tiên của trận đấu. Tính quy ước của chúng cũng khá rõ như trong sân khấu kịch, đặc điểm cơ thể như thế nào thì tính cách cũng tương tự như thế. Thauvin - khối thịt ôi chỉ có thể là một gã phản trắc gớm ghiếc; Mazaud – chú gà trống kiêu căng, là hình ảnh của thói hợm hĩnh lố lăng; Orsano – thanh niên mê nhạc jazz ẻo lả như con gái xuất hiện từ đầu với chiếc áo dài mặc trong nhà xanh xanh hồng hồng, hình ảnh hai lần sắc nét của một ả “đĩ rạc” hay thù hằn… Không chỉ có vậy, tất cả những cử chỉ, thái độ của đô vật trên sàn đấu – những cái biểu đạt phong phú, cũng góp phần tạo nên kí hiệu về bản thân đô vật, tạo nên nghĩa về nỗi Đau đớn, sự Thất bại và cái Công lý. Chặng thứ ba là tìm nghĩa của kí hiệu đô vật. Tất nhiên, kí hiệu đa tầng sẽ tạo nên những lớp nghĩa đa tầng. Đó có thể là ý nghĩa công lí, có thể là cuộc đấu tranh Thiện – Ác, có thể thuộc phạm vi đạo đức và cũng có thể thuộc lĩnh vực chính trị… Hiểu như thế nào lại phù thuộc vào vùng văn hóa và bản thân sự tiếp nhận. Vấn đề này đưa Barthes lại gần với Peirce về sự nhận hiểu kí hiệu (interpretant).
Việc phân tích cấu trúc kí hiệu của Roland Barthes cũng trở nên hiệu quả hơn nhờ sự hỗ trợ của ngữ pháp. Barthes đã chỉ ra những điểm ngụy biện nực cười trong những thói quen ngôn ngữ của chúng ta. Trong
Những huyền thoại có một tiểu mục khá đặc biệt:
Racine là Racine. Chính Roland Barthes cũng có một cuốn sách về Racine nhưng những trình bày ở đây lại không thuộc về Racine hay nói đúng hơn, nó trình bày về Racine theo một kiểu khác. Trường hợp này cũng giống như một ví dụ mà Barthes sẽ trình bày ở phần sau
Bởi vì tên tôi là sư tử. Với một học sinh lớp đệ ngũ ở trường trung học Pháp, câu trên ít gợi đến hình ảnh một con sư tử thật mà trước hết là một thí dụ về ngữ pháp để minh họa quy tắc của thuộc từ. Tuy nhiên tính chính trị và tính lí luận trong
Racine là Racine thì được Barthes phân tích sâu hơn rất nhiều. Ông chỉ ra rằng,
Racine là Racine là một lập luận trùng ngôn và giai cấp tiểu tư sản đặc biệt ưa thích những lập luận trùng ngôn. Phép trùng ngôn đó có tính chất khiêu khích rất cao, dường như có sự phủ định ngầm những người chủ trí và cho rằng lý trí thuần túy thì cằn cỗi; giản dị, thuần khiết và mộc mạc là sáng suốt hơn cả. Nhưng cái lõi sâu hơn nữa Barthes đã chỉ ra và khiến ta không khỏi giật mình: “Lợi thế lớn của phương pháp trùng ngôn chính là chẳng phải nói ra”
[14]. Racine bao gồm tất cả những gì thuộc về nó, những gì người ta đã cất công tìm kiếm hoặc đang tìm kiếm. Nó là sự an toàn tuyệt vời của cái rỗng không. Như vậy, nhà nghiên cứu đã chỉ ra bản chất khôn lỏi, nhút nhát, lười biếng thậm chí vô trách nhiệm của những người sử dụng trùng ngôn này. Ông cũng phê phán lối phê bình
Chẳng- chẳng – một ví dụ bài tuyệt vời về tư từ học cân đối, một lối phê bình bắt nguồn từ tính đạo đức của các từ ngữ được dùng. Người ta tưởng rằng lối phê bình đó là mới nhưng Barthes đã lật ngược quan niệm đó. Ông quan sát thấy chỉ cần xem những huyền thoại nào khác lộ ra trong những bài phê bình đó là đủ biết tác giả của nó đứng về phía đảng phái nào. Dấu hiệu tư sản thứ hai ở lối phê bình
Chẳng-chẳng là người ta cứ thích xem “phong cách” của nhà văn như giá trị vĩnh cửu của văn chương. Đi theo quan niệm về “lối viết”, Barthes cho văn phong là một giá trị phê bình hoàn toàn cũ. Trong cuốn sách này,
Mấy câu hỏi của ông Poujade cũng là một bài viết có sự hỗ trợ đắc lực từ ngữ pháp học. Qua những câu trả lời như: “Ngài nhận trách nhiệm về sự đoạn tuyệt, ngài sẽ phải chịu các hậu quả”, Barthes đã khái quát về khát vọng mọi hiện tượng diễn ra trọn vẹn trong khuôn khổ nội tại theo cơ chế có đi có lại đơn giản của giai cấp tiểu tư sản. Hình thức ngữ pháp cân bằng, phép tu từ ăn miếng trả miếng, tất cả theo dạng đẳng thức là thứ ngữ pháp ưa dùng của giai cấp này. Barthes từng quan niệm: “Bất cứ kí hiệu nào cũng đòi hỏi mối quan hệ giữa hai nhân tố: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Mối liên hệ này liên quan tới những sự vật, hiện tượng thuộc những phạm trù khác nhau. Đó là lí do tại sao nó không phải là một sự ngang bằng mà là một sự tương đương”
[15]. Phải chăng quan niệm trên cũng là lí do giúp ông thường tìm ra bản chất của sự vật ở những nơi không ai ngờ tới.
Bên cạnh tri thức về thời cổ đại, tri thức về ngữ pháp, ta thấy việc phân tích cấu trúc kí hiệu của Roland Barthes còn có sự hỗ trợ của hệ thống triết học – chính trị Karl Marx (1813-1883). Rõ ràng cái biểu đạt thì hiện hữu nhưng cái được biểu đạt thì phụ thuộc vào sự nhận hiểu của chủ thể tiếp nhận. Có những thứ tồn tại trong đời sống chúng ta, ta tiếp nhận chúng một cách bàng quan hoặc hiểu sai về nó. Chẳng hạn rượu vang và sữa, người Pháp đã uống bao năm nay và xem là một niềm tự hào dân tộc, Bachelard tiến hành phân tích theo lí thuyết phân tâm học để thấy đó là cốt tuỷ của Mặt trời và của đất nhưng Barthes phân tích khác hẳn. Ông xem rượu vang chính là biểu hiện của lối sống tư sản đang thịnh hành ở Pháp. Nó được xã hội hóa vì nó là cơ sở không những cho nền đạo đức mà còn cho bối cảnh, nó là đồ trang trí cho những lễ nghi và cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, việc sản xuất rượu vang thì mang nặng tính chất của chủ nghĩa tư bản Pháp. Nhu cầu tạo lập đồn điền trồng nho ở các thuộc địa là lí do mất đất, là lí do chết đói của những người dân nơi đây. Ngay đến một vấn đề tưởng không liên quan đến huyền thoại chính trị là trang trí món ăn cũng được Barthes đưa lên cùng “chiếu”. Ông chỉ ra các bức ảnh về các món ăn trên tờ
Elle thực sự chỉ để thỏa mãn thị giác mà ít có giá trị thực tế. Nó giới thiệu với quảng đại công chúng bình dân cái ước mơ sang trọng vì thế mà nó trang trí cho các món ăn cầu kì. Trong khi đó, tạp chí
L’Express một tờ tạp chí dành cho tư sản có dư dả tiền bạc thì lại hướng dẫn cách nấu ăn hết sức thực tế. Những nghịch lí như thế đã tồn tại trong xã hội tư sản Pháp và sẽ còn tồn tại lâu dài. Như vậy, qua một hiện tượng nhỏ, Roland Barthes đã nhận ra một vấn đề không hề nhỏ. Đặc biệt
Chuyến du hành đường biển của“Batory thực sự là một thiên huyền thoại nhằm vén bức màn huyền thoại mà giới tư sản Pháp cố tình dựng về nước Nga Xô viết. Với nhãn quan chính trị tiến bộ, Barthes đã chỉ ra rằng thực tế tờ
Le Figaro là tờ báo chống cộng sản. Những thông tin mà nó sử dụng từ trước đến nay chỉ là “nghe hơi nồi chõ”. Đến lúc đi tìm thực tế cộng sản, các nhà báo “đáng kính” ở tờ báo này cũng không làm gì hơn vì đề tài thời vụ lúc này là phố xá. Từ đây họ tìm mọi cách thêu dệt thực tại thối nát bất công trong xã hội cộng sản từ việc miêu tả cơ sở hạ tầng thấp kém đến thái độ của người dân đối với khách du lịch. Barthes mỉa mai những đồng nghiệp: Họ làm như thể tất cả dân Pháp đều đến trang sức tại tiệm Dior hoặc Balanciaga, như thể phụ nữ Liên Xô nhìn thấy thời trang Pháp thì ngây ngất không khác gì bộ tộc nguyên thủy đứng trước những thiết bị hiện đại. Như vậy, ngay trong lúc đi châm biếm người khác, những người thuộc tờ
Le Figaro đã tự vẽ tranh châm biếm cho mình. Bên cạnh đó, dưới nhãn quan của người cộng sản, Barthes còn chỉ ra điểm hạn chế không thể chối cãi của cái mà người Pháp luôn tự hào và xem là sản phẩm xuất khẩu của mình “chủ nghĩa cá nhân”… Từ đó, chúng ta thấy cái nhìn của Roland Barthes tiến bộ và khá triệt để.
Chính việc phân tích cấu trúc huyền thoại đó đã đưa người đọc đến chân trời nhận thức mới. Trước hết, chúng ta thấy những cấu trúc thú vị của huyền thoại hiện đại, chẳng hạn
Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp như bản anh hùng ca, Chiếc xe Citoën mới… Nhà phê bình ca ngợi chiếc xe Citoën như là “những nhà thờ Gothic to lớn, một sáng tạo lớn của thời đại, được các nghệ sĩ vô danh say mê nghiền ngẫm, được cả một dân tộc xài bằng mắt”. Đặc biệt trong thiên huyền thoại
Gương mặt nàng Garbo, sau khi phân tích cấu trúc một kí hiệu huyền thoại đặc biệt là gương mặt diễn viên điện ảnh nổi tiếng Greta Garbo, R.Barthes đi đến kết luận: “Gương mặt của Garbo là Ý niệm, gương mặt của Hepburn là Sự kiện”
[16]. Bởi vì gương mặt của Garbo là gương mặt – đồ vật. Nó là gương mặt đẹp như tiên nữ nhưng là gương mặt không biến sắc như làm bằng thạch cao. Nhà văn gọi đó là gương mặt thuộc loại khái niệm. Trong khi đó, gương mặt của Audrey Hepburn là gương mặt được cá biệt hóa. Nó không còn là bản chất duy nhất, nó được tạo thành bởi vô số những chức năng hình thái khác biệt. Do vậy, gương mặt của Hepburn là một sự kiện, nó là một cái biểu đạt có thể dẫn đến vô số những kí hiệu khác. Bên cạnh đó, khi phân tích cấu trúc huyền thoại, Barthes cũng thể hiện rõ cái nhìn của một nhà hậu cấu trúc, giải cấu trúc. Ông đã chỉ cho người ta thấy nếu ta đẩy đến cùng cái nhìn của Saussure về bản tính “tùy tiện” của kí hiệu thì những gì ta tìm thấy sẽ là một “trò chơi vô tận của những cái biểu đạt” mà chẳng thể phát hiện được chân lý tối hậu nào cả. Nghĩa của kí hiệu luôn luôn trôi chảy. Do đó, khám phá thế giới của kí hiệu là một hành trình bất tận. Quan niệm này đã mở ra sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại sau này. Cuối cùng, một điều không thể phủ nhận là qua việc phân tích cấu trúc kí hiệu, Barthes đã phê phán xã hội tư sản Pháp đương thời – một sự phê phán rất tinh vi và đầy thuyết phục.
Như vậy, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi đã đứng ở góc nhìn văn hóa, văn học, triết học và ngôn ngữ để đánh giá những đóng góp của Barthes qua cuốn sách
Những huyền thoại. Những đóng góp đó cho thấy, Barthes là một nhà tư tưởng lớn của thế kỉ XX, một nhà nghiên cứu và phê bình văn học quan trọng, một con người tâm huyết với đất nước và thời đại mình sống. Chúng tôi hi vọng, đây sẽ là một công cụ để người đọc hiểu rõ hơn những tác phẩm vốn rất khó đọc của R.Barthes.