Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

MÔ TÍP “NGƯỜI MANG LỐT CÓC” TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH TỪ GÓC NHÌN DÂN TỘC HỌC

TS Nguyễn Thị Ngọc Lan


1. Trong kho tàng truyện cổ tích thần kì Việt Nam, truyện kể về người mang lốt (cóc, ếch, rắn, rùa…) không phải là hiếm. Đặc biệt, sự “lặp lại” một số lượng khá lớn truyện kể về nhân vật “bất hạnh” “thấp hèn” – lúc đầu là con cóc, về sau trút lốt thành người, đã hình thành một mô típ độc đáo – mô típ “người mang lốt cóc”.

Với nội dung biểu đạt phong phú, mô típ “người mang lốt cóc” là sản phẩm sáng tạo độc đáo của dân gian, không chỉ góp phần tái hiện sinh động “thực tại cổ tích” mà còn chứa đựng những “cội rễ lịch sử - xã hội chân thực” (Mê-lê-chin-xky 1958:11), “những dấu tích của các hình thức đã mất đi của cuộc sống xã hội” (Propp 2003; I: 191). Những dấu tích ấy liên quan đến những nghi lễ, phong tục, đã từng tồn tại ở mỗi giai đoạn nhất định trong đời sống vật chất và tổ chức xã hội các dân tộc. Vì thế, nghiên cứu mô típ này từ góc nhìn dân tộc học, chính là để hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa nội dung xã hội của truyện kể với những nghi lễ, phong tục cổ xưa đồng thời thấy được sự diễn hóa ý nghĩa của mô típ, từ cội nguồn dân tộc học đến truyện cổ tích.

2. Mô típ “người mang lốt cóc” được chúng tôi xác định dựa trên 25 truyện cổ tích của các dân tộc, với các sự kiện nổi bật: nhân vật xuất hiện (dưới lốt cóc) ® kết hôn (đối đầu với thử thách) ® trút lốt. Những sự kiện này liên quan chặt chẽ tới tiến trình phát triển hình tượng nhân vật và không khó để nhận ra những “dấu vết” dân tộc học còn được lưu giữ ở đây.

2.1. Sự xuất hiện và hình thức cái lốt của nhân vật
Nằm trong hệ thống nhân vật người mang lốt của truyện cổ tích thần kỳ, người mang lốt cóc cũng mang những đặc điểm chung nhất về nguồn gốc, biểu hiện cụ thể qua một số dạng thức:

(1) Nhân vật được sinh ra do người mẹ (một bà góa hay một cô gái chưa chồng) ăn, uống, nuốt phải dị vật (Chàng cóc – Êđê; Nàng Hơlúi - Ba na; Chàng rể cóc - Phù Lá… )
(2) Nhân vật được sinh ra do người mẹ có quan hệ gián tiếp với thần linh (đặt chân vào dấu chân lạ, hào quang chiếu rọi vào buồng ngủ) (Chàng cóc con – Tày; Chàng rể cóc - Vân Kiều…).
(3) Nhân vật được sinh ra từ một giống thực vật (quả bí) (Chàng cóc lấy vợ tiên - Lô Lô). Ở đây người mẹ hoàn toàn không phải trải qua quá trình mang thai và sinh nở, đứa con ra đời như một sự tình cờ và có ý nghĩa như một món quà tặng bất ngờ mà số phận ban tặng cho những con người nghèo khổ, nhân hậu.

Ở dạng thức (1)(2), người mang lốt cóc được sinh ra từ một “quan hệ có tính chất thần thoại” (chữ dùng của K.Mác) và nguồn gốc thần kỳ là đặc điểm nổi bật của hình tượng nhân vật. Sự hư cấu này, chịu sự chi phối bởi thế giới quan thần thoại và phương pháp sáng tác thần thoại - một thể loại gắn với thời kỳ công xã nguyên thủy, khi mà hình thức quần hôn, tạp hôn của chế độ thị tộc mẫu hệ còn đang ngự trị một cách chính thống.

Dạng thức (3) người mang lốt cóc được sinh ra từ một giống thực vật, xuất phát từ tâm lý sùng bái tuyệt đối vào tự nhiên của người nguyên thủy. Truyện thường kể về một cuộc hôn phối bất đắc dĩ, trái với tập tục sinh học thông thường giữa một đôi trai gái cùng huyết thống, dẫn tới việc người vợ có mang và đẻ ra một quả bầu (bí) từ đây hình thành loài người. Quả bầu (bí) trở thành tổ tiên của con người. và vì vậy, bầu (bí) cũng là vật thiêng. Không phải ngẫu nhiên, ở một số vùng miền núi, trong các nghi lễ nông nghiệp, bầu (bí) đóng vai trò tiếp sức cho sự phát triển của lúa hoặc trong nghi lễ làm nhà mới, bầu (bí) được thay thế cho “thầy cúng” trước thần linh. Trong tiềm thức của một số tộc người bầu (bí) còn có sức mạnh điều tiết được tự nhiên.

Có thể thấy, nhân vật xuất hiện từ bất kỳ dạng thức nào cũng phải mang trên mình cái vỏ xấu xí của một con vật - con cóc. Lốt cóc lúc này là tấm áo hộ thân cần thiết nhất, là nơi ẩn náu kín đáo nhất để nhân vật giấu đi hình hài thật của mình. Tuy nhiên cái vỏ xấu xí bên ngoài lại là bức tường ngăn cách giữa nhân vật mang lốt cóc với cộng đồng. Vì thế cái lốt “có ý nghĩa thử thách để khẳng định tư cách con người trong hình thức vật” (Nguyễn Thị Huế 1996: 58). Việc sử dụng hình ảnh con cóc làm cái lốt tạm thời cho nhân vật truyện cổ tích chắc chắn không tách rời ý nghĩa ấy. Song bên cạnh đó, nó còn có những tầng nghĩa cổ hơn nếu nhìn từ góc độ tín ngưỡng, phong tục...
Trước hết, cóc là con vật mang tính biểu tượng đậm nét mà “biểu tượng có thể lý giải được nhờ liên hệ với các yếu tố khác trong một trường liên tưởng... Trường liên tưởng của biểu tượng càng rộng, sự liên tưởng lại càng phong phú và hấp dẫn” vì thế biểu tượng có “xu hướng liên thông với các tín hiệu” (Nguyễn Bích Hà 2005: 6). Chẳng hạn: chim là biểu tượng của mặt trời vì mặt trời ở trên cao, chim cũng ở trên cao… Rắn là biểu tượng của nước vì thân hình mềm mại của rắn giống dòng nước chảy... Cóc cũng là một trong những con vật tượng trưng cho nền văn hóa nông nghiệp, được dân gian nâng lên thành một biểu tượng mang tính tín hiệu. Giống như rồng, rắn... cóc cũng mang tín hiệu của mưa, của nước. Tại sao vậy? Người Vân Kiều giải thích là do  con cóc rất thông minh, cực kỳ nhạy cảm với thiên nhiên, đặc biệt là mưa nắng... nó biết trước và dự báo chính xác khi nào trời mưa to vì thực tế mà người ta quan sát được cho thấy,  mỗi khi trời sắp mưa là loài cóc (hay ếch, nhái) đều kêu to hoặc nghiến răng. Trước hiện tượng đó người ta cho rằng cóc và trời có mối liên hệ mật thiết với nhau, giống như quan niệm của người Việt: con cóc là cậu ông trời. Điều tưởng tượng này có lẽ gắn với tâm lý mong cho mưa thuận gió hòa của dân gian.

Từ bao đời nay, người nông dân Việt Nam với nếp sinh hoạt của những cư dân nông nghiệp đã luôn cầu khẩn: Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày... Cái khát khao ấy dường như đã được ngấm vào máu thịt của những cư dân không chỉ ở đồng bằng mà còn ở núi cao rừng sâu - nơi quần tụ của đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào phương thức canh tác nông nghiệp khô, tức là làm nương rẫy. Thiên nhiên ôn hòa nhưng cũng dữ dội vô cùng. Những trận lũ lụt triền miên, những cơn đại hạn liên tiếp đã vùi dập biết bao thành quả của người lao động. Và hơn bao giờ hết, người ta khao khát có một sức mạnh để chinh phục thiên nhiên, chống chọi lại cái khắc nghiệt đang đe dọa cuộc sống của họ. Con cóc với khả năng sinh tồn vừa ở cạn vừa ở nước, đã dễ dàng thích nghi với thiên nhiên nghiệt ngã, chúng có thể sống dai dẳng qua những trận hạn hán, những cơn lũ lụt. Con cóc trở thành biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, dẻo dai của những cư dân nông nghiệp.
Vì lẽ đó, con cóc chiếm một vị trí quan trọng trong ý thức dân gian, trở thành một hình tượng phổ biến, có mặt trong rất nhiều lĩnh vực như văn học, hội họa, điêu khắc... Trên mặt trống đồng có hình ảnh của cóc, trong tranh Đông Hồ có Em bé bế cóc, trong truyện cổ dân gian có Cóc kiện trời rồi người mang lốt cóc... Cũng không phải ngẫu nhiên, con cóc lại xuất hiện trên mặt trống đồng với nghi lễ cầu mưa và “... tượng 4 cóc (hay 4 cặp cóc)... bay quanh mặt trời... là biểu tượng 4 tiết Xuân - Hè - Thu - Đông của người Việt cổ” (Trần Quốc Vượng 2003: 138).

Việc đưa một con vật rất đỗi bình thường ở ngoài đời vào một vị trí quan trọng trên vật thiêng - trống đồng đã chứng tỏ quá trình thiêng hóa vai trò của con vật đó trong tiềm thức dân gian. Các nhà nghiên cứu, khi tìm hiểu về cái lốt (hình thức) của nhân vật mang lốt con vật trong truyện cổ cũng đã đưa ra những phỏng đoán về cội rễ của hình tượng nhân vật: “ Rất có thể sự xuất hiện thường xuyên của hình ảnh các con vật vai trò cái lốt, vai trò là nhân vật chính trong mô típ người mang lốt ở các cốt truyện về đề tài này đã phản ánh một cách gián tiếp và khá phức tạp sự du nhập vào truyện cổ tích thần kỳ một phong tục, tín ngưỡng xa xưa của nhiều dân tộc. Đó là là quan niệm sùng bái loài vật bắt nguồn từ tín ngưỡng tô tem vật tổ thời nguyên thủy mà nay không còn giữ nguyên ý nghĩa dân tộc học của nó nữa” (Nguyễn Thị Huế 1996: 58). Theo đó, việc thiêng hóa con cóc, một phần cũng xuất phát từ tâm lý tôn sùng vật tổ của người xưa.

Tâm lý coi trọng vật thiêng còn thấy ở một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Con cóc được coi là hóa thân của Giàng X’ri- thần lúa. Tín ngưỡng nông nghiệp của đồng bào dân tộc như Xê Đăng, Rơmăm... được thể hiện qua một hệ thống những nghi lễ được tiến hành từ khi đốt rẫy, tra hạt đến lúc thu hoạch nhằm hướng tới thần lúa. Bởi  Giàng X’ri có nhiệm vụ coi sóc mùa màng, nhất là lúa. Giàng là một bà già dung mạo xấu xí, người ghẻ lở trông rất đáng sợ. Giàng thường biến thành con cóc. Da cóc xù xì chính là những vết ghẻ lở trên người Giàng... Xuất phát từ lòng yêu mến và sùng bái đối với một con vật thiêng, mỗi dân tộc ở phương Đông đều xây dựng cho mình những huyền thoại riêng về con cóc. Trí tưởng tượng bay bổng khiến cho người ta nhìn thấy con cóc ở trên mặt trăng, đồng nhất nó với vẻ đẹp huyền diệu của mặt trăng và gọi là Thiềm Thừ. Thần thoại Trung Hoa kể rằng: con cóc này chỉ có ba chân, hai chân trước một chân sau, đã sống trên mặt đất dưới hình dạng một người đàn bà. Đó là nàng Thường Nga- vợ của chàng Hậu Nghệ - một cung thủ vô cùng thiện xạ, đã từng bắn rơi 9 mặt trời. Chàng Hậu Nghệ đã được Tây Vương Mẫu ban cho thuốc trường sinh. Nhưng Thường Nga nhân một hôm chồng đi vắng, lấy trộm thuốc mang ra uống. Nhưng chưa kịp uống xong thì chồng về, sợ hãi bỏ trốn. Nhờ thuốc trường sinh nàng có thể bay lên trời nhưng vì chưa uống hết liều nên phải dừng lại giữa đường và ở lại mặt trăng và bị biến thành con cóc ba chân. Như vậy cóc là thần trăng trong quan niệm của người Trung Hoa. Chính sự đồng nhất giữa cóc và trăng đã khiến người Trung Hoa khi quan sát trăng tròn trăng khuyết đã liên hệ đến cái bụng tròn căng của người phụ nữ khi mang thai và lúc này con cóc (mặt trăng) còn được xem là biểu tượng của khả năng sinh sản.

Con cóc từ hiện thực đi vào truyện cổ là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật sinh động và chuẩn xác trong sự liên tưởng hồn nhiên của các nghệ sỹ dân gian. Thần thoại Cóc kiện trời là sự lý giải đầy đủ, tường tận nhất cho nguyên nhân làm mưa của ông trời. Con cóc với vẻ ngoài xấu xí, tầm thường sau chiến công lẫy lừng là có thể sai khiến được ông trời làm mưa, đã được muôn loài nhất loạt tôn vinh là “cậu ông trời”. Để rồi từ đó, mỗi khi đất trời hạn hán, cóc nghiến răng trời sẽ lập tức đổ mưa. Người ta còn cho rằng cóc có mối quan hệ gần gũi, thân thuộc với thần sét. Vì thế  lúc giông tố, mưa to gió lớn là lúc thần sét đang hung hăng thể hiện sức mạnh của mình và cóc liền thu mình giận dỗi mong thần sấm sét dịu bớt cơn cuồng nộ. Khác với quan niệm của phương Tây khi cho rằng con cóc là biểu thị của tâm hồn đen tối, ở ta đó lại là con vật hiền, có vai trò “bảo hộ” cho công cuộc làm ăn của cư dân nông nghiệp...

Với tất cả những ý nghĩa ấy, lốt cóc là một trong những loại lốt được dân gian sử dụng nhiều nhất trong quá trình hư cấu hình tượng nhân vật mang lốt. Việc sùng bái các con vật có công trong đời sống nông nghiệp đã khơi gợi trong trí tưởng tượng của dân gian một sự phát hiện độc đáo về hình tượng người mang lốt cóc. Đó vừa là sự kế thừa truyền thống văn hóa khi đề cao vai trò của một con vật linh thiêng, lại vừa là sự sáng tạo đầy ngẫu hứng song không kém phần ẩn ý của dân gian khi thần thánh hóa con vật bình thường ngoài đời và mang cho nó một chức năng mới, là cái lốt cho nhân vật truyện.

2.2. Hành trạng đặc biệt của nhân vật
Hành trạng đặc biệt của người mang lốt cóc được biểu hiện qua hai sự kiện chính: kết hôn và trút lốt.
Để được kết hôn với một cô gái đẹp, chàng cóc thường vấp phải sự thách đố của các ông bố vợ tương lai – những người thuộc tầng lớp trên, có địa vị cao, giàu có (vua, chủ làng, Khoàng tý, Mơ tao, Anha...). Để thoái thác lời cầu hôn của chàng cóc, họ đã đưa ra những lời thách đố cực kỳ khó khăn, thậm chí còn rất oái oăm, mục đích làm cho chàng cóc nhụt chí. Ngọc hoàng đòi cóc san phẳng rồi lại đắp cao ba quả đồi trong một buổi sáng; Gieo và thu hồi ba mươi ống hạt rau dền trên  ba đám nương rộng... (Chàng cóc lấy vợ tiên - Lô Lô); Vợ chồng Bót Ría bắt cóc đắp một con đường lớn có voi lớn đứng nối đuôi nhau để vợ chồng lão đi trên lưng voi đến nhà cóc (Cóc và Bia Phu - Bana); Lão nhà giàu ra điều kiện kén rể là lay chuyển được cây cau lâu đời (Chàng rể cóc- Cà tu)... Có trường hợp, chàng cóc còn phải trải qua một sự thách đố đặc biệt: tìm đúng cô gái sẽ là vợ trong số rất nhiều cô gái khác (Lệnh Trừ - Tày; Tướng cóc ra trận - Pu Péo... ). Điều kiện đặt ra rất khó khăn nhưng nhờ được thụ phép thần linh, hoặc được lực lượng thần kỳ trợ giúp các chàng cóc dễ dàng đáp ứng được các yêu cầu của các ông bố vợ.

Sự thách đố của các ông bố vợ đối với chàng cóc có nguồn gốc sâu xa từ phong tục thử tài kết hôn khá lâu đời. Phong tục này được phản ánh trong đời sống sinh hoạt của nhiều dân tộc trên thế giới. Chẳng hạn, người Malgasa (thuộc Mađagatska) có phong tục người bố vợ dùng quả kôpia ném vào người con rể và người con rể phải chống đỡ lại hoặc người con rể phải làm xong mọi công việc bố vợ giao cho: cày ruộng, tìm cô dâu, thu nhặt những vật quý bị rơi vãi khắp nơi... Để tìm ra người con rể xứng đáng, các ông bố vợ thường phải mất nhiều công sức để thử tài anh ta. Chàng rể tương lai phải hoàn thành xuất sắc những việc đã được giao, những công việc ấy “phù hợp với nghi lễ thử tài để cho kết hôn” (Mê-lê-chin-xky 1958: 155). Ở Việt Nam, trong nghi lễ hôn nhân của các dân tộc thiểu số cũng cho thấy sự thách đố của bố vợ đối với chàng rể (nhà gái đối với nhà trai) (Đặng Văn Lung 1997: 16). Người Côống, vào hôm đón dâu, nhà trai cử một đoàn gồm bố mẹ, chú bác, anh em, cậu dì... sang nhà gái. Hai bên nhà trai nhà gái hát đối đáp ở cầu thang trước khi vào nhà. Nhà gái thường làm nộm hoa chuối với vừng rang, ớt để nhà trai ăn và uống rượu. Nhà trai có hát, có ăn nộm và uống rượu mới được vào nhà. Hoặc người Dao, khi nhà trai đến nhà gái không được vào nhà ngay mà phải trú chân tạm ở nhà bên cạnh, đợi đến giờ tốt nhà gái cho người ra sân hú gọi ba lần, lúc bấy giờ nhà trai mới được phép vào. Lúc chàng rể vào đến cổng, hai cô gái bên nhà gái giăng dây lưng chặn lại và hai bên hát đối đáp. Sau khi đáp ứng được yêu cầu của nhà gái, chàng rể và nhà trai mới được phép vào nhà. Người Mường (Vĩnh Phú) trong đám cưới còn có tục hắt nước, bôi nhọ nồi, ném quả nổ... vào người chú rể. Các chướng ngại vật mà chàng rể hay gặp như: chăng chỉ ngũ sắc ngang ngõ, thang lên nhà sàn bị lật ngược, thanh củi cháy dở, con dao nhọn, túi mèo treo trên cửa, đèn dầu treo sau cửa, cửa khép... chướng ngại vật nhiều khi đơn giản, không khó khăn gì để có thể vượt qua nhưng điều quan trọng là chú rể phải biết khôn khéo, lịch sự thể hiện thành ý của mình...

Trong truyện, các chàng cóc khi muốn cưới cô gái xinh đẹp con nhà quyền quý làm vợ đã phải chấp nhận sự thách đố của các ông bố vợ. Thực chất đó là sự thử tài để từ đó chàng cóc được kết hôn đồng thời khẳng định được giá trị con người đích thực của bản thân. Việc nhân vật người mang lốt cóc được kết hôn với cô gái đẹp hay chàng trai nhân hậu tốt bụng là một minh chứng rõ ràng nhất cho quan niệm đạo đức của dân gian: “ở hiền gặp lành”. Dù phải mang lốt con vật nhưng bên trong lớp vỏ xấu xí đó họ thực sự vẫn là con người với đầy đủ những khao khát đời thường. Vì thế được kết hôn là thực sự là phần thưởng vô giá đối với những con người bất hạnh. Nó “có ý nghĩa lý tưởng hóa, được tác giả dân gian xây dựng theo phương pháp lãng mạn để tạo ra sự “có hậu” cho cuộc đời của nhân vật chính diện” (Nguyễn Thị Huế 1996: 92)

Việc lấy con cóc làm chồng (vợ) của cô con gái xinh đẹp, chàng trai tốt bụng bị mọi người xung quanh cho là bất thường. Nhưng đằng sau cái bất thường ấy, cốt truyện dần dần mở ra cái gọi là bình thường. Đó là việc những người chồng người vợ cóc đến một thời điểm nhất định đã trút bỏ cái lốt xấu xí để trở thành người.

Việc trút lốt thường được thực hiện vào thời điểm sau khi kết hôn, là lúc mà người mang lốt cóc đã trải qua những thử thách gay cấn để bộc lộ phẩm chất, tài năng và cũng là lúc những người vợ, người chồng bình thường vượt qua sự sợ hãi, mặc cảm để tự nguyện sánh vai cùng người mang lốt cóc. Sự xuất hiện với hình hài con người, không những thế lại còn là người đẹp luôn đem đến cho người vợ, người chồng của họ sự bất ngờ. Công chúa Ba trong đêm tân hôn tỉnh dậy: “hoảng sợ khi nhìn ra chiếc bàn kê ở góc phòng, thấy một chàng thanh niên da trắng như trứng gà bóc, to lớn, vạm vỡ” (Lệnh Trừ - Tày). Chàng cóc “ngay đêm tân hôn, liền xé tấm da xù xì, xấu xí, vươn vai thành một chàng thanh niên tuấn tú, khỏe mạnh (Tướng cóc ra trận - Pu péo); “biến thành anh con trai xinh đẹp, ngồi cạnh vợ” (Chàng rể cóc - Vân Kiều); “cởi chiếc áo da cóc ra biến thành một chàng trai cao lớn, đẹp đẽ lạ thường” (Chàng cóc - Ka dong); biến thành “chàng trai trẻ đẹp như thần núi” (Cóc trời - Cơ ho)...  Đây là chi tiết phổ biến trong truyện kể về người mang lốt cóc, hẳn có liên quan đến một số tập tục của con người thời cổ.

Các nhà nghiên cứu khi xem xét hành động trút lốt của người mang lốt nói chung, đều lưu ý đến dấu vết của một số nghi lễ cổ xưa như nghi lễ tẩy rửa, nghi lễ trưởng thành. Cách thức trút lốt của nhân vật khá đa dạng song phổ biến là: đi tắm, tắm xong trút lốt thành chàng trai đẹp hoặc là cái lốt khi trút ra bị ném vào lửa. Khảo sát truyện người mang lốt cóc, chúng tôi thấy trong một số truyện nhân vật cũng trút lốt theo hai cách thức này. Chẳng hạn: Chàng cóc theo vợ đi tắm, vợ tắm trước cóc tắm sau và trút vỏ cóc thành một chàng trai đẹp đẽ, đóng khố hoa, đeo khăn nhiễu, vai mang túi da... (Chàng cóc - Êđê) hoặc ba vợ chồng cóc rủ nhau ra suối tắm, hai người vợ tắm ở bên dưới, cóc tắm ở bên trên, cởi lốt thành chàng trai đẹp... (Chàng rể cóc - Cà tu)... hình thức trút lốt này của nhân vật có ảnh hưởng từ quan niệm tôn sùng nước của dân gian.

Việc nhân vật người mang lốt cóc khi trút lốt, gắn với phương thức tắm rửa theo chúng tôi hoàn toàn có cơ sở từ những nghi lễ, phong tục thời cổ. Tuy nhiên những dấu vết cổ xưa ấy khi được phản ánh trong truyện cổ đã bị mờ nhạt đi rất nhiều. Tương tự, nhân vật mang lốt cóc trút lốt, cái lốt ấy bị vợ ném vào lửa cũng không phải là sự ngẫu nhiên. Trong truyện, những cô vợ của các chàng cóc khi thấy chồng xuất hiện khôi ngô, đẹp đẽ thường hành động một cách triệt để ngăn chặn sự quay trở về lốt cóc của chồng mình: ném lốt cóc vào bếp lửa đang cháy rực (Chàng rể cóc - Vân Kiều) chất cỏ khô đốt vỏ cóc (Cóc trời - Cơ ho)... Hành động ấy có lẽ cũng liên qua đến tín ngưỡng, phong tục cổ mà nổi bật là tín ngưỡng tôn sùng lửa của dân gian. Giống như nước, lửa cũng có chức năng duy trì sự sống cho con người. Nhờ có lửa, con người thoát khỏi đời sống dã man, bước vào đời sống văn minh. Trong phong tục tập quán của một số dân tộc, còn lưu giữ khá nhiều nghi thức cho thấy tầm quan trọng của lửa đối với sinh hoạt của con người. Chẳng hạn, người Thái có lễ nhóm lửa (khíp phày) được làm vào ngày gia chủ chuyển vào nhà mới, xuất phát từ quan niệm cho rằng thần bếp hay thần lửa có vai trò quyết định việc làm ăn thành hay bại, sức khỏe tốt hay xấu cho gia chủ. Người ta nhóm cho ngọn lửa trong bếp cháy lên, để xua đuổi sự lạnh lẽo của ngôi nhà mới đồng thời đó cũng là cách để người ta suy tôn thần lửa.

Ngay từ thuở ấu thơ của xã hội loài người, con người đã ý thức về sức mạnh của lửa. Người ta hình tượng hóa, thần thánh hóa lửa thành thần lửa. Trong thần thoại của người Việt cổ, thần lửa mang hình hài của một bà già mặt mũi hung dữ. Đó phải chăng là sự mô phỏng thuộc tính tự nhiên của lửa? Lửa trở thành phương tiện để xua đuổi tà ma. Trong nghi lễ tang ma của người Côống, trước cầu thang nhà người chết bao giờ cũng đốt một đống lửa. Mỗi người đưa đám trở về châm một cành lá xanh ở đống lửa rồi lấy chân giẫm lên cành lá để dập tắt lửa. Hành động ấy có ý nghĩa xua đuổi tà ma. Còn người La Hủ lại có tục đốt một đống lửa để người khiêng cáng bước qua, tượng trưng cho việc bước sang một thế giới khác và sự chết chóc đã qua rồi, gia đình sẽ bình an... Trong thần thoại Ấn Độ, thần Agni- thần lửa cũng được sùng bái, ngợi ca. “Agni tỏa khắp mọi nơi, biết được mọi việc. Agni không từ một vật gì, dù trong sạch hay uế tạp, thần đều ngấu nghiến hết”. Và dù “... ăn đủ mọi thứ, cả cả vật uế tạp nữa, nhưng vẫn luôn giữ mình được trong sạch. Vì lẽ đó mà mọi vật uế tạp bị lửa thiêu hoàn toàn, đều trở nên trong sạch”. Cho nên, hàng năm vào hai kỳ tết Xuân – Thu (Hôli Và Đipavali) người ta đốt những đống lửa lớn, mục đích là để xua đuổi tà ma, uế tạp và tội lỗi... Như vậy giống như nước, lửa cũng có chức năng “tẩy rửa”. Phải chăng từ quan niệm ấy mà nàng Sita khi không có cách nào xua tan sự nghi ngờ của Rama đã chọn giải pháp cuối cùng là nhảy vào đống lửa để tự thiêu “nhưng thần lửa Agni chứng giám lòng chung thủy và trong trắng của nàng không đốt cháy nàng. Giữa đám lửa, thân hình của nàng bỗng trở nên chói lọi như mặt trời” (Cao Huy Đỉnh 2004: 107).

Trong truyện cổ tích, nhân vật người mang lốt cóc khi thay hình đổi dạng, để có một diện mạo mới khác hẳn hình hài cũ xấu xí, thường chọn lựa hai cách thức như chúng tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra, còn có các cách thức khác như: nhân vật tự cởi chiếc áo da cóc, vợ (chồng) xé, băm vỏ cóc... chưa hẳn đã là sự mô phỏng nghi lễ nhưng theo chúng tôi hành động trút lốt kiểu ấy vẫn mang dấu vết của của những tập tục sinh hoạt cổ mà đến giờ nó không còn nguyên ý nghĩa ban đầu nữa. Bởi vì trong nghi lễ trưởng thành của nhiều dân tộc tồn tại khá nhiều nghi thức bắt buộc để công nhận một đứa trẻ đến thời điểm thích hợp chấm dứt thời niên thiếu để thực sự trở thành người lớn đồng nghĩa với việc thay đổi địa vị xã hội. Một trong những nghi thức ấy là cái chết tạm thời (bị băm, chặt hoặc xăm..., tức là chết một cách tượng trưng) sau đó sống lại thì đứa trẻ được xem như đã mang một tầm vóc mới, một sức mạnh mới của con người đã trưởng thành.

3. Bằng việc phân tích trên đây, chúng tôi đã thử bóc tách các “lớp lang” của mô típ “người mang lốt cóc” và nhận thấy ẩn chứa sau những nội dung sinh hoạt – xã hội còn có những “dấu vết” của nghi lễ, phong tục cổ xưa. Từ chỗ là “vật thiêng” con cóc trở thành cái lốt cho nhân vật “bất hạnh”, “thấp hèn”. Con vật tín ngưỡng đi vào truyện cổ tích đã bị tước bớt màu sắc linh thiêng. Hay nói cách khác “truyện chỉ mượn phần xác của con vật tín ngưỡng, của con vật thần thoại mà thôi, và đã phát triển theo cách riêng của mình để chứa đựng cái phần hồn cho một ý nghĩa hoàn toàn khác trước.” (Nguyễn Thị Huế 1996: 63). Tương tự, những biểu hiện của phong tục hôn nhân, nghi lễ trưởng thành cũng đã bị mờ nhạt, biến đổi. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phản ánh hiện thực xã hội của truyện cổ tích.
 ---------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyển tập tác phẩm (Từ Thị Cung sưu tầm, tuyển chọn), Nxb. Lao động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
2. Nguyễn Bích Hà (2005)  Mã và mã văn hoá, Tạp chí nghiên cứu văn học, số 6.
3. Nguyễn Thị Huế (1996) Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Viện văn học.
4. Phan Trọng Thưởng,... (2001)  Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam  Nxb. Giáo dục
5. Đặng Văn Lung... (1997) Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc.
6. E.M. Mê-lê-chin-xky (1958) Nhân vật trong truyện cổ tích hoang đường. Xuất xứ của hình tượng, Nxb Văn học Phương Đông, Mat- xcơ-va (Bản đánh máy của Viện văn học; Người dịch: Nguyễn Văn Dao, Phan Hồng Giang).
7. Propp, V.Ia (2003), Tuyển tập V.Ia.Propp, tập I, II,  Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
8. Trần Quốc Vượng (2003) Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học.
 
Nguồn: Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3 (159)/2015, tr.64-70.

0969889270 0912944324