Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

LỚP NGÔN NGỮ THƠ HÓA TRONG VĂN XUÔI ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM

TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, PGS.TS Nguyễn Thị Bình


Văn học  là nghệ thuật ngôn từ. Mà ngôn từ bao giờ cũng mang tải trong nó đặc điểm văn hóa của một thời đại cụ thể cùng cá tính riêng của người viết. Nói cách khác, sự lựa chọn ngôn từ bị chi phối bởi cảm quan đời sống và quan niệm về cách viết. Xem xét ngôn từ trong một chỉnh thể tác phẩm, một phong cách tác giả, phong cách thời đại chắc chắn không thể bỏ qua các phương thức tổ chức lời văn. Khảo sát ngôn ngữ trần thuật của văn xuôi đương đại Việt Nam (khái niệm “ngôn ngữ” ở đây được dùng như là “ngôn ngữ nghệ thuật”), chúng tôi nhận ra có hai khuynh hướng lựa chọn lời văn nghệ thuật: khuynh hướng thông tục hóa và khuynh hướng thơ hóa. Điều này cho thấy văn học sau 1975 có rất nhiều nét tương đồng với văn học nửa đầu thế kỉ XX và rất khác với văn học giai đoạn 1945 đến 1975. Nếu cái nhìn sử thi ở văn học giai đoạn trước 1975 xui khiến các nhà văn tìm tới hệ lời văn trang trọng, mĩ lệ, đầy chất thơ (đến mức các đại từ nhân xưng như: y, thị, hắn, gã, mụ… hầu như biến mất khỏi thế giới của những nhân vật anh hùng, cao cả), thì cái nhìn thế sự mang tinh thần dân chủ hóa ở văn học sau 1975 đã trả lại văn chương hệ ngôn từ đa sắc thái của giai đoạn 1930- 1945. Nhưng sự “trở lại” không hoàn toàn là lặp lại bởi văn học sau 1975 không chỉ phản ánh tâm thức thời đại tiêu dùng, thời đại hậu công nghiệp, thời đại của cá nhân mà càng về sau càng rõ xu thế hướng tới một hệ hình thẩm mĩ mới. Cho nên nếu thời 1930 - 1945 các nhà văn lãng mạn chủ yếu chọn thứ ngôn từ diễm lệ, trang nhã; các nhà văn hiện thực chủ yếu chọn thứ ngôn ngữ hiện thực đời thường thì trong giai đoạn từ giữa thập kỉ 80 đến nay, nhiều cây bút rất có ý thức xóa mờ ranh giới giữa ngôn từ thông tục và ngôn từ giàu chất thơ như tạo một cuộc “hội hè” suồng sã kiểu lễ hội “carnaval” về ngôn từ. Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Châu Diên, Tạ Duy Anh… thường làm như thế. Hiện tượng này trong thơ có lẽ còn ấn tượng hơn. Nhưng, theo chúng tôi, đây chủ yếu thuộc về phương thức tổ chức lời văn - một “chiến lược” giao tiếp nhằm đập vỡ định kiến về “đẳng cấp” ngôn từ từng chi phối đời sống văn chương nhiều thời kì. Phạm vi bài viết này tập trung bàn về lớp ngôn ngữ thơ hóa (ngôn ngữ giàu tính thơ) trong văn xuôi đương đại Việt Nam.


          Nguyễn Khải từng cho rằng: bản chất con người là đa sự, nhu cầu của nó vô cùng đa dạng nên cách thỏa mãn nó cũng không thể lược quy vào một số lượng khuôn mẫu hạn định. Văn chương khúc xạ chính xác bản chất này qua cái nhìn đa chiều và qua sự tương tác đối lập - chuyển hóa các loại cảm hứng. Cho nên, ở phương diện hình thức, hai lớp ngôn từ “thông tục” và “giàu tính thơ” không phải chỉ đối lập nhau mà còn thống nhất với nhau. Cảm quan về một hiện thực xô bồ khắc nghiệt đòi được biểu hiện bằng một ngôn ngữ sắc lạnh, chát chúa. Nhưng chính cái khô lạnh chát chúa ấy lại làm nảy sinh khao khát về một chất thơ ấm áp, dịu dàng đủ nuôi dưỡng cho tâm hồn những mộng mơ lãng mạn. Ở chỗ này chú ý của chúng tôi không dành cho những cây bút mà từ tư duy, cảm xúc đến ngôn ngữ luôn nhất quán một phong cách thi vị, trữ tình (hay đậm chất trữ tình) như Đỗ Chu, Trần Thùy Mai… mà chủ yếu dành nói về các cây bút thường gây ấn tượng mạnh bởi sự gai góc, khinh bạc, tàn nhẫn. Với họ, lớp ngôn từ giàu chất thông tục, thậm chí thô nhám, bụi bặm là một hình thức phản ứng lại xu hướng mĩ hóa, lí tưởng hóa, thiêng liêng hóa của văn xuôi thời trước; còn ngôn từ giàu tính thơ lại như là sự phản ứng/ chối bỏ cái tầm thường, dung tục, cái giá lạnh tình người trong một xã hội thực dụng và duy lí. Nguyễn Huy Thiệp khi kể về cái ác, cái tăm tối của những kẻ bị cầm tù bởi đói khát ở bến Cốc (Chảy đi sông ơi) đã tạo một tương phản sâu sắc giữa thiên nhiên và con người: “Con sông bến nước mơ màng, buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi. Mùa hoa, màu đỏ trên ngọn cây gạo xao xuyến lạ lùng… Mùa đông có cả những con sáo lông đen chân vàng đậu trên sợi thép níu đò căng từ gốc gạo sang phía bờ bên kia sông. Chúng nghiêng nghiêng đầu xuống dòng nước chảy thao thiết líu ra líu ríu. Chiều xuống tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận…” (số lượng từ láy, các tính từ, trạng từ biểu cảm, các danh từ chỉ cái đẹp trong đoạn văn chiếm mật độ rất cao). Cảnh vật bình yên, hơi buồn nhưng là đẹp và gợi cảm. Còn con người? Trùm Thịnh là một điển hình: “Lão già chột mắt này rất nổi tiếng vì những câu chuyện rùng rợn trong cuộc đời mình (…) những vụ trộm lớn trộm nhỏ trên phố chắc chắn có dính líu đến lão…”. Lão khái quát về cuộc sống: “Mày hãy tin tao, ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen là giả”. (Ngôn ngữ người kể chuyện lẫn ngôn ngữ nhân vật đều trần trụi, mỉa mai. Cái có thật là cái xấu, cái ác; cái đẹp chỉ là huyền thoại lừa mị trẻ con!). Cũng như vậy, đám người “kéo cưa lừa xẻ”, nửa lưu manh, nửa lương thiện trong Những người thợ xẻ hiện lên chủ yếu qua lớp  ngôn từ thông tục, nhưng suy tư của họ lại đầy sự thông thái và lời độc thoại nội tâm của họ là dòng suối trong veo: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một ngàn năm sau thì mày có trắng thế không?”


          Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là sự phối kết tuyệt vời những trang văn hiện thực đến nghiệt ngã, đau xót đến tận cùng tê dại với những trang bay bổng, vời vợi bằng đôi cánh của thơ ca nhạc họa. Ấn tượng về những trận chiến ác liệt được Bảo Ninh đặc tả bằng lớp ngôn ngữ “cực thực”, trần trụi: “Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét”. Máu người như dòng thác - ấn tượng được tạo ra từ những động từ và tính từ cực mạnh. Nhân vật ghê sợ ngay chính dòng máu của mình: “Vết thương không ngừng nhểu máu, thứ máu của xác chết, lạnh và nhớt”. Cùng với máu là sự hiện diện của vô vàn xác chết do bị “băm vằm”, bị pháo bầy “đốn hạ”, “thân thể dập vỡ tanh bành; phùn phụt phì hơi nóng”, xác người “lềnh bềnh sấp ngửa”, “miệng nhét đầy bùn nom cực kì tởm”… Lớp từ cực tả hiện thực dữ dội còn gây ấn tượng nhức nhối trong những dòng văn viết về ngày hậu chiến. Ai đã đọc tác phẩm, rất khó quên hình ảnh cái quán cà phê tồi tàn tụ tập toàn cựu chiến binh với những âm thanh hỗn tạp, gương mặt con người “thâm xịt”, “râu ria xồm xoàm”, “mắt đỏ lừ”, hình hài giống “mớ giẻ rách”. Họ đang “lớn tiếng kể”, “gào lên”, “rên lên”… Bên ngoài thì âm thanh phát ra từ chiếc tàu điện “bánh nghiến kèn kẹt, ầm ầm rung rít, va đập loảng xoảng như cái bao chứa đầy sắt vụn”,“lửa tóe rèn rẹt trên dây, chiếc tàu thảm  hại, hơi nồng, sặc mùi gỉ sét”. Người đọc sẽ ngạt thở, bị đẩy vào trạng thái nhập đồng bởi nhịp mạnh đến chát chúa của từ ngữ, để rồi vỡ òa ra trong niềm xa xót, tiếc nuối những giá trị sống tuyệt vời bị chiến tranh hủy hoại, giờ cuồn cuộn hiện về trong kí ức nhân vật: tuổi trẻ, tình yêu, sáng tạo, Hà Nội thuở thanh bình… Ngôn ngữ Bảo Ninh lúc này thấm đẫm chất thơ, đẹp đến nao lòng. Tác giả đã chọn Phương làm điểm quy tụ tình yêu và cái đẹp. Phương là nhan sắc, là âm nhạc, là hội họa. Phương có tâm hồn nghệ sĩ, là cái đẹp lạc loài và lạc thời. Mỗi lần người con gái ấy xuất hiện, trang văn như bừng sáng với dày đặc những từ láy ngân nga,  những tính từ biểu cảm rưng rưng ngưỡng vọng: “mềm mại”, “thơm mát”, “nóng hổi”, “trắng mịn”, “trinh trắng”, “trong sạch”, “đôi chân dài tuyệt mĩ”… Ngôn từ như chạm nổi hình khối và màu sắc: “Hai cánh tay đẹp đẽ, hai bờ vai tròn lẳn, hai bầu vú nàng rắn rung lên nhè nhẹ, cái eo mịn màng phẳng phiu… đôi chân đẹp như tạc, đùi dài và chắc, mềm mại với làn da sữa đặc”. Đúng là một thần Vệ nữ lạc loài vào khung cảnh chết chóc bạo tàn. Ngôn từ đẫm chất thơ đưa người đọc bước vào cõi mộng ảo, không khí truyện trở nên mơ màng, để rồi sau đó, hiện thực lại khía vào ta những vết cắt buốt xót hơn. Xúc cảm là yếu tố làm nên chất thơ. Với văn xuôi, thường khi nhà văn coi trọng “kể” thì xúc cảm ít bộc lộ, còn khi không chỉ “kể lại” mà chủ yếu “tả lại” và nhất là “nghĩ về” câu chuyện thì lại khác. Câu chuyện trong Nỗi buồn chiến tranh nương theo dòng hồi ức, dòng tâm trạng đầy tiếc nuối một quá khứ gắn liền với những giá trị đẹp đẽ, thiêng liêng đã mất đi vĩnh viễn. Lời văn vì thế thấm đẫm xúc cảm hoài niệm. Sự xa lạ trước hiện thực xô bồ thời hậu chiến càng làm dậy lên niềm tiếc xót cái đẹp đã bị chiến tranh hủy hoại. Nhu cầu được sống với nó xúi giục nhân vật làm cuộc hành trình tâm tưởng “tìm lại thời đã mất” và lưu giữ nó trong thứ ngôn từ thật dịu dàng, trìu mến, thiết tha.


          Võ Thị Hảo trong truyện ngắn cũng như Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Ấm… thường thiên về lối văn “tả chân” và “trào lộng”. Hiện thực mà chị đưa lên trang giấy đầy rẫy những điều bất công, phi lí, những dối trá, lọc lừa, những ngộ nhận, thất vọng. Ý thức phái tính cùng cảm hứng phê phán khiến ngôn từ Võ Thị Hảo sắc cạnh và nhuốm hơi hướng khinh bạc. Nhưng đến Giàn thiêu, cuốn tiểu thuyết theo khuynh hướng “lịch sử hóa”, chị lại cuốn hút công chúng bằng một lớp ngôn từ vừa trang trọng, cổ kính, đậm màu sắc cung đình, Phật giáo, vừa bay bổng chất thơ. Đó là những trang viết về tình yêu thuần khiết, hồn nhiên, tình yêu mang dấu ấn cái nhìn của người phụ nữ: “Những giọt mưa dội xuống thân thể lúc này dịu dàng êm ái, mỗi giọt mưa chạm xuống như mang theo một hơi thở nồng nàn sưởi ấm cơ thể nàng. Nàng run rẩy áp cặp môi trinh nữ lên vùng ngực trần nóng hổi trong mưa của chàng. Cái  mùi đàn ông lạ lẫm, đắng ngắt, ngầy ngậy, bạo liệt như đã rừng rực tỏa hơi nóng dưới ánh nắng mặt trời pha lẫn hơi mưa tươi tắn và tinh khiết khiến nàng ngây ngất chợt như lả đi, chợt lại như lạc vào cõi phiêu bồng”. Giữa dư âm của thứ ngôn ngữ quyền uy khuôn sáo, ngôn ngữ phong cách “tôn giáo hóa” đầy ám gợi huyền hồ, ngôn ngữ tình yêu như là nơi chưng cất giá trị sống hiện thực nhất và đẹp nhất: “Dù thế nào đi nữa, Từ Lộ này chỉ mong nàng hiểu cho rằng: nàng là nhụy hoa, mà ta là chiếc đài hoa, suốt kiếp này ta sống chỉ để nâng niu cho cánh hoa được vươn nở dưới ánh mặt trời”…


          Trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, có sự đối lập gay gắt giữa một thế giới đầy rẫy toan tính vụ lợi và giả tạo của người lớn với thế giới trẻ thơ trong sáng thánh thiện; giữa căn bệnh lãnh cảm bởi định kiến, hoặc bởi tuyệt vọng với khao khát yêu thương chia sẻ của những tâm hồn nhân hậu, trung thực. Niềm tin vào sự bất diệt của cái đẹp được tác giả gửi gắm vào những câu văn du dương đến bất ngờ:“Đến phút chót, đôi môi đòi vô tận những nụ hôn vẫn cháy rực như hai mảnh than hồng rơi lạc giữa trần gian u xám lạnh lùng”, “sứ giả của tình yêu đã đến, đã kiên nhẫn và đã bỏ đi, con chim trốn tuyết. Chỉ còn biết hy vọng một ngày mùa ấm đón chim về”… Những câu văn này được kết bằng mật độ dày đặc các từ biểu cảm, từ miêu tả thuộc bảng từ vựng giàu thi vị.


          Trong cấu trúc của một giai đoạn văn học, một nền văn học, chắc chắn bao giờ cũng có cả hai lớp ngôn từ “thông tục hóa” và “thơ hóa”. Sự khác nhau là ở quan niệm của người sử dụng và tỉ lệ. Theo chúng tôi, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Hảo… sử dụng ngôn từ giàu tính thơ với ý thức tự giác cao và với quan niệm khác hẳn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Anh Đức, Sơn Nam… ở những giai đoạn trước. Điều này cho thấy những cách tân gây ấn tượng mạnh của văn xuôi đương đại Việt Nam.


           Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 716, đầu tháng 11/2010, tr 102-106

0969889270 0912944324