Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

KIẾN TRÚC HÀ NỘI QUA HÀ NỘI BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG CỦA THẠCH LAM VÀ HÀ NỘI, MỘT CHỐN ĂN CHƠI CỦA MARTÍN RAMA

ThS Nguyễn Phương Hà, Nghiêm Thu Hằng


I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến đã chinh phục trái tim bao người đã sống, đang sống và cả những ai chưa từng đến nơi đây. Sức quyến rũ của văn hóa Hà thành là ngọn nguồn cảm hứng của vô vàn tác phẩm. Từng con phố, từng ngõ nhỏ Hà Nội in dấu trong trái tim người nghệ sĩ, làm rung lên những cung bậc cảm xúc diệu kì để họ cho ra đời nhiều kiệt tác.

Bóng dáng đô thành hiện diện trong nhiều loại hình nghệ thuật đến từ các lĩnh vực khác nhau. Chúng ta biết đến những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Hà Nội mùa đông năm 1946Em bé Hà Nội, Hà Nội 12 ngày đêm, những giai điệu ngân vang khắp phố phường Hà Nội, những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái,… và văn học cũng góp vào những chất Hà Nội riêng. Bạn đọc đã từng quen thuộc với sáng tác viết về Hà Nội của các tác giả như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, Băng Sơn, Vũ Bằng, Nguyễn Ngọc Tiến… Nhà văn Thạch Lam cũng là một trong những tác giả gắn bó với văn học, văn hóa Hà Nội qua tập bút kí Hà Nội băm mươi sáu phố phường. Ấn tượng và xúc cảm mà Hà Nội đem đến không chỉ chạm tới trái tim của những người con sinh sống trên dải đất hình chữ S mà nó còn lôi cuốn một chuyên gia kinh tế người Uruguay. Sự xuất hiện của Martín Rama[1] với cuốn sách có nhan đề Hà Nội, một chốn rong chơi đã thu hút nhiều độc giảMặc dù sinh ra và lớn lên ở hai nền văn hóa khác nhau song đều xuất phát từ tình yêu thủ đô, Thạch Lam và Martín Rama đã đem đến cho người đọc những tác phẩm có giá trị. Hai tác giả với những nhãn quan riêng đã khắc họa hình ảnh Hà Nội qua thời gian, đặc biệt dưới góc nhìn kiến trúc với những góc quay chân thực và sống động. Hà Nội đẹp, nguyên sơ và cổ kính qua sự trân trọng, ngợi ca của Thạch Lam. Dưới con mắt của Rama, Hà Nội không hấp dẫn, đặc sắc trong không gian kiến trúc đa dạng mà còn đang từng bước chuyển mình đổi thay.

Tìm hiểu Kiến trúc Hà Nội qua Hà Nội băm mươi sáu phố phường và Hà Nội, một chốn rong chơi với mong muốn giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sự vận động của diện mạo kiến trúc văn hóa Hà Nội xưa và nay, cũ và mới, truyền thống và hiện đại qua ngòi bút của một nhà văn Việt Nam và một người ngoại quốc. Đồng thời, đây chính là cơ sở giúp mở rộng kiến thức cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp trong nhà trường hiện nay.

II. NỘI DUNG
          Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật đồng thời còn là ngành khoa học về tạo dựng những không gian thích hợp cho hoạt động sống của con người. Có thể nói kiến trúc là một dạng tổ hợp đặc biệt của văn hóa.

          Giai đoạn từ năm 1920 đến năm 1945, người Pháp thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư và khai thác thuộc địa nhằm khôi phục nền kinh tế và củng cố địa vị của mình sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vào cuối năm 1918. Hà Nội, một thành phố thuộc địa giữ vai trò chiến lược quan trọng ở Đông Dương đã trở thành mục tiêu số một cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp. Hoạt động kinh tế và xây dựng thành phố với tốc độ và quy mô gấp nhiều lần so với thời kỳ trước đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Hà Nội. Tuân theo quy luật đô thị hóa chung, vùng không gian trống, làng xóm đô thị và vùng ngoại vi đã bắt đầu chịu sức ép về dân cư và đối mặt với các vấn đề xã hội, hạ tầng kĩ thuật. Từ những năm 1920, trong khu vực phố cổ, người ta bắt đầu tiến hành cải tạo hoặc xây dựng mới trên nền nhà cũ. Ngôi nhà mới, cao hai ba tầng, mang phong cách kiến trúc ít nhiều chịu ảnh hưởng của Pháp. Có thể nói, sự xâm lược của Pháp và ảnh hưởng văn hóa phương Tây đã tạo nên sự thay đổi lớn trong diện mạo đô thị Hà Nội. Nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Miếng ngon Hà Nội đã tái hiện lại bức tranh Hà thành thời đó: “Sau một cuộc biến thiên, đất nước đổi thay nhiều. Ai hồi cư năm 1948 - 1949 có nhớ rằng suốt từ Bạch Mai về đến chợ Hôm có hàng dãy phố bị phá không? Hàng Thiếc, Hàng Đồng chỉ còn trơ lại cái nhà lỏng lẻo, mất cả trần, cả cửa. Có phố cỏ mọc ra cả đường đi… Bây giờ Hà Nội lại có vẻ mặt mới… Nay đã có những căn nhà rộng, cửa sổ bịt hoa sắt đứng lên thay thế. Người ta thấy nhà cửa tăm tắp như vẽ bản đồ. Ấy là vì nhu cầu của văn minh đó” [1,13].

Trước khi người Pháp đặt chân tới Việt Nam, Hà Nội là một đô thị phong kiến. Đô thị Hà Nội có cấu trúc điển hình của các thành phố nông nghiệp truyền thống Đông Nam Á: sự hòa trộn giữa làng xã trong không gian đô thị, tính gắn kết cộng đồng trong đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh tế nông nghiệp - tiểu khu công nghiệp: “Ngày ấy, đường hẹp chắc hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau thân mật hơn. Người cùng hàng phố tự coi như có một liên lạc cùng nhau. Bên này một cửa hàng tạp hóa có đầy quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút Nho, có cô hàng thùy mị mà hàng phố vẫn khen là gái đảm đang. Bên kia nhà ông cụ Tú, có tiếng trẻ học vang, có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ” [3,14]. Giai đoạn đó Hà Nội không cầu kì, xa hoa với nhà cửa vài ba tầng san sát nhau nhưng lại thật gần gũi, ấm áp với tình người.

          Có thể thấy trong toàn bộ tập Hà Nội băm sáu phố phường, những trang viết của Thạch Lam về kiến trúc chiếm một phần nhỏ bé. Dù vậy, qua ngòi bút sắc sảo và tinh tế, nhà văn cũng ghi lại rõ nét sự chuyển mình nhanh chóng của kiến trúc Hà Nội trước luồng gió ồ ạt của phương Tây :“Hà Nội đã đổi thay nhiều lắm. Những phố cũ, hẹp và khuất khúc với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bực như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo, đã nhường chỗ cho những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng. Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh” [3,13]. Bộ mặt kiến trúc xưa vốn thuần nhất, nay đã bắt đầu có những đổi thay, phong cách hòa trộn Tây, ta khiến nhà văn thốt lên “không còn gì của Hà Nội ngoài năm sáu mươi năm trở về trước”. Dưới góc nhìn của Thạch Lam: “Khi ông cầm lái chiếc ô tô thì ông lấy làm dễ chịu vì đường rộng, vì phố thẳng lắm. Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm cái đẹp, thì phố xá mới không có thú vị gì” [3,14]. Hà Nội mất dần đi những vẻ cổ kính của mảnh đất kinh kì thời vua Lê, chúa Trịnh. Những nét cổ kính, xưa cũ của Thăng Long xưa đang dần bị mai một. Tác giả bùi ngùi, xúc động, tiếc thương cho quá khứ một thời.

Yêu Hà Nội say đắm, thiết tha, vì lẽ đó mà Thạch Lam lo sợ cho những dự cảm của các công trình kiến trúc khi người ta định dựng nhóm tượng điêu khắc, biểu tượng cho sông Nhị Hà và Mê Kông thay tháp Rùa mà ông ví “trông xa như mâm xôi, phía dưới có tượng đài hai người đàn bà nằm choài ra như đang bơi”. Tác giả bất bình khi người ta dựng cái cột điện sơn màu hắc ín “như một thứ cây già mọi rợ, vụng về” bên cổng đền Ngọc Sơn, cái bóp ở Quán Thánh mái cong cong hình giống chùa chiền và “bên trong có cảnh sát thay nhà sư”. Giọng điệu nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc. Thạch Lam mang trong mình sự hoài cổ, ông còn luyến tiếc lắm, vấn vương lắm cái kiến trúc cổ xưa, cũ kĩ nhưng thân mật, ấm cúng nghĩa tình người Hà Nội.

Hơn bảy mươi năm sau khi tập bút kí của Thạch Lam được xuất bản, năm 2014, Hà Nội, một chốn rong chơi ra đời. Cuốn sách được viết dưới con mắt chuyên gia kinh tế Martín Rama sau gần mười năm sinh sống tại Hà Nội. Tác phẩm là món quà xuất phát từ tình yêu Hà Nội nồng nàn, say đắm. Với hai mươi chương, cuốn sách này được sắp xếp một cách khá tỉ mỉ cùng nhiều hình ảnh thú vị, lôi cuốn. Khác với Thạch Lam, trong Hà Nội, một chốn rong chơi, Rama dành hơn một nửa dung lượng giới thiệu về hình ảnh và kiến trúc Hà Nội. Ông như một hướng dẫn viên du lịch đưa người đọc đến với mọi con đường, ngõ ngách, từ kiến trúc Pháp đến kiến trúc Xô Viết, từ truyền thống đến hiện đại đều được nhà văn ghi lại một cách chân thực nhất:“Hà Nội có một bộ sưu tập các phong cách kiến trúc đặc sắc. Nó kết hợp cả một loạt các phong cách kiến trúc, từ các ngôi chùa truyền thống và nhà tập thể đến các công sở và biệt thự Pháp cổ tới kiến trúc kiểu Xô Viết”.

          Martín Rama không chỉ là một người nghệ sĩ yêu cái đẹp, say mê với sự quyến rũ của “nàng thơ” Hà Nội mà ông còn là một kiến trúc sư thực thụ khi khám phá mảnh đất này. Ông tìm hiểu một cách bài bản về sự ra đời, nguồn gốc các kiểu công trình kiến trúc có mặt ở thủ đô. Đó là những công trình Art Déco hay nói cách khác là những công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng của nghệ thuật trang trí. Một trong những công trình lớn mang phong cách này Nhà Băng Đông Dương (nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước), bệnh viện Bạch Mai hay những ngôi nhà ở khu vực hồ Bảy Mẫu và hồ Thiền Quang. “Hà Nội về phía Nam từ những năm 1930 - 1940, với những khu dân cư mới thu hút nhóm người Việt trung lưu làm việc cho chính quyền thực dân Pháp, hoặc cho các nhà tư sản hiện đại. Khi đó, Art Déco nở rộ” [4,10]. Có thể nhận thấy phong cách kiến trúc này hoàn toàn khác với những đặc trưng kiến trúc thời phong kiến. Nó du nhập vào thành phố thông qua quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, góc nhìn của Martín Rama lại có những chiều hướng tích cực với sự du nhập văn hóa phương Tây. Ông coi đây là những thành tựu về kiến trúc của thành phố và nó dù được du nhập từ bên ngoài song vẫn mang đường nét hài hòa với kiểu kiến trúc truyền thống của ta. Ông đã nhận xét về một công trình bệnh viện: “Có lẽ ít người chú ý đến hình hai chữ H, viết tắt của Hôpital de Hanoi, được đắp dính vào nhau, gợi liên tưởng đến hình ảnh Khuê Văn Các trong Văn Miếu” [4,11]. Việc có mặt của phong cách Art Déco trên các bức tường, tòa nhà ở Hà Nội là minh chứng cho sự đa dạng về kiến trúc nghệ thuật ở thành phố này. Bên cạnh đó, Martín Rama còn tìm hiểu về những ban công với các phong cách thiết kế, trang trí khác nhau. Chúng xuất hiện trước hiên nhà với những màu sắc đặc trưng, sự cầu kì làm bằng sắt hay sự thanh lịch thể hiện ở mặt tiền đều là những yếu tố gây ấn tượng cho công trình đó. Hà Nội cũng là nơi hội tụ hàng nghìn ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Beaux Arts vào những năm đầu thế kỉ XX: “Vữa trát tường vốn được dùng để tạo các cột trụ kiểu giả Hy Lạp và những chi tiết sắp đặt hoa lá, giờ đã vỡ ra từng mảng. Cỏ dại, đôi khi là hẳn một cái cây nhỏ, hiền lành mọc trên những khe tường nứt của mái đua và ban công.Rêu đen, và những đám ẩm mốc đã chiếm lĩnh toàn bộ mặt tiền của các ngôi nhà từng một thời nom rất tươm tất. Nhưng mặc cho những rêu phong đó (hay chính bởi những rêu phong này), mà các tòa nhà theo phong cách Beaux Arts đã góp phần tạo nên sự duyên dáng của thành phố” [4,22]. Tuy có sự xuất hiện của nhiều trường phái kiến trúc song Rama vẫn khẳng định Hà Nội vẫn luôn giữ được những vẻ đẹp truyền thống vốn có. “Ở phía Tây của hồ Hoàn Kiếm là một tòa nhà lộng lẫy,… Lối kiến trúc kiểu Pháp của tòa nhà không thể nhầm lẫn và lối trang trí kiểu Á châu của nó cũng rất dễ nhận biết, ngôi nhà này chứa đựng sự pha trộn về văn hóa truyền thống, thứ làm nên cái độc đáo của Hà Nội” [4,37].

          Đi hết con phố Pháp, Rama mang đến cho người đọc hình dung về công trình theo lối kiến trúc Xô Viết được xây dựng đơn giản về kiến trúc. Tác giả đã viết lời bình cho những bức ảnh: “Thật thú vị là mặc dù đất nước khi đó đang trong thời kì chiến tranh, nhưng rất nhiều công trình xây dựng theo phong cách Xô Viết lại có chủ chủ đề xã hội và văn hóa. Rạp xiếc, Nhà Văn hóa Công nhân, Nhà hát Múa rối, các trung tâm thể thao, sân vận động, chợ. Những lựa chọn đó cho thấy ưu tiên của Việt Nam trong một thời kỳ khó khăn” [4,95]. Nhiều công trình mang ý nghĩa tập thể, ngợi ca những người anh hùng dân tộc, cổ vũ tinh thần chiến đấu, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các khu tập thể được xây dựng theo lối kiến trúc Xô Viết, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở khu dân số của thủ đô tăng lên cũng mang những nét đặc trưng riêng. Dạo bước trên phố phường, người ta không khó để bắt gặp những khu tập thể với nhiều nét ấn tượng. Các dãy nhà này theo thời gian bị thay đổi về công năng sử dụng cũng như hình thức bề ngoài bởi cư dân sáng tạo tự do trong không gian sống của mình. Rama đã miêu tả rất kĩ về đời sống ở những khu tập thể. “Khắp nơi ở Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà cao vài ba tầng, trông hom hem và buồn bã, tất cả đều được sơn màu vàng, mang những cái biển tên giống nhau có số và chữ màu trắng trên nền màu xanh” [4,53]. Ban đầu các khu tập thể (KTT) được xây dựng để phục vụ“mô hình “gia đình tiên tiến”, ca ngợi những giá trị vô sản và nhu cầu chung của giai cấp. Lý tưởng về tập thể ngụ ý rằng những khu vực quan trọng, bao gồm cả bếp và nhà tắm, phải là của chung của một số hộ gia đình” nhưng “khi mà đời sống xã hội được tự do hơn, thì cư dân của những KTT này cũng bắt đầu chiếm lĩnh không gian của riêng họ” [4,54]. Cùng trong không gian là khu tập thể nhưng từng giai đoạn khác nhau, khi chế độ xã hội khác đi thì lối sống của người dân cũng có nhiều đổi thay. Họ tận dụng từng khoảng không gian, cơi nới để làm diện tích nơi ở tăng lên hoặc sử dụng cho mục đích kinh doanh. Điều này khiến cho cảnh quan của các khu tập thể có phần trở nên lộn xộn nhưng đây lại là một nét riêng trong lối sống của người Hà Nội nay. Những phát hiện của M. Rama đã đem đến cái nhìn mới khi khám phá về kiến trúc của thủ đô.

          Quá trình bị đô hộ cũng kéo theo nhiều luồng văn hóa tác động vào nhiều mặt của xã hội, trong đó có cả các công trình kiến trúc. Song Rama đã khẳng định Hà Nội có sự pha trộn những nét truyền thống với khả năng tinh lọc văn hóa vẫn cho thấy sức bền của văn hóa bản địa. Kiến trúc Hà Nội mang nhiều màu sắc khác nhau, từ những ngôi nhà ống thiết kế kiểu Pháp, đến những khu hành chính chuyên biệt đều có điểm nhấn riêng. Sự hòa trộn của nhiều loại hình kiến trúc đã tạo nên những cảnh quan độc đáo trên khắp ba mươi sáu phố phường. Đó là sự tổng hòa các loại hình kiến trúc truyền thống với kiến trúc kiểu Pháp và kiểu Xô Viết tạo nên những công trình công cộng đồ sộ, những danh thắng nổi tiếng đến những góc phố giản dị với dấu ấn riêng biệt. Trong không gian sống đa dạng đó, nhiều nét văn hóa người Hà thành được bộc lộ. Điển hình là việc họ thích ứng và hòa nhập nhanh với sự thay đổi của xã hội.

          Kiến trúc cảnh quan Hà Nội phản ánh tổng hợp cuộc sống của người dân địa phương và khu vực sống của họ, những điều tạo lên bản sắc riêng của Hà Nội, không nơi nào có được. Nếu Thạch Lam luyến tiếc, hoài niệm quá khứ, trân trọng những giá trị văn hóa cổ kính, xưa cũ“giữa nhà, mảnh sân vuông lộ thiên, bể non bộ và cá vàng, có dãy lan, bể đựng nước và trên tường có câu đối chữ Nho” thì Rama lại đón nhận kiến trúc phố cổ Hà Nội gắn với sinh hoạt buôn bán, cuộc sống nhộn nhịp trong giai đoạn chuyển mình đang trên đà phát triển. Điểm gặp gỡ của hai tác giả này chính là tình yêu thủ đô nồng nàn, tha thiết. Kiến trúc cảnh quan Hà Nội là vấn đề còn khá mới mẻ trong văn chương. Tuy nhiên, góc nhìn của Thạch Lam và Martín Rama, người đọc lại có cái nhìn gần gũi, cụ thể về mối liên hệ giữa không gian, môi trường sống với những giá trị văn hóa bản địa.

III. KẾT LUẬN
           Hà Nội là trái tim, là trung tâm giao lưu chính trị - kinh tế - văn hoá lớn nhất của đất nước, tập trung, kết tinh những gì đẹp nhất, tinh hoa nhất. Mảnh đất lịch sử nghìn năm này là nơi hội tụ khí thiêng dân tộc đã hun đúc và luyện nên nét tinh tế của người Hà Nội. Những phẩm chất tốt đẹp của người Hà thành được hội tụ, chắt lọc từ mọi miền đất nước và là thành quả kết tinh từ các nền văn hóa trong không gian kiến trúc đa dạng, độc đáo.

           Văn hóa Hà Nội trong sự thanh lịch, trong những điều bình dị nhất ở chốn đô thành được Thạch Lam nhìn ngắm và trân trọng. Bên cạnh việc khắc họa nhịp sống thường ngày với những thức quà ngon của Hà Nội, Thạch Lam đã tái hiện không gian kiến trúc đô thị trong bức tranh Hà Nội với những gì chân thực, bình dị nhất vào những năm đầu thế kỉ XX. Nhà văn đã khám phá ra vẻ đẹp khuất lấp chốn đô thành dưới con mắt nhìn tinh tế và sự nâng niu, trân trọng. Hà Nội, một chốn rong chơi của M. Rama lại giúp người đọc hình dung trọn vẹn về phong cách kiến trúc một thành phố hiện đại, đang trên đà phát triển. Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống, hơn thế nữa, đó còn là một thành phố rất đáng yêu”. Với Rama, diện mạo kiến trúc Hà Nội không chỉ là vẻ đẹp đáng ngợi ca, trân trọng mà còn gợi lên cho người đọc những xúc cảm, suy tư về các giá trị truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường và những biểu hiện du nhập từ phương Tây. Hà Nội hiện lên dưới con mắt của tác giả vừa hiện đại vừa cổ xưa, vừa sôi động vừa yên tĩnh trong không gian kiến trúc độc đáo.

           Tìm hiểu về kiến trúc Hà Nội nhưng mỗi tác giả lại lựa chọn những điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu khác nhau tạo nên những trang văn hấp dẫn. Nếu như Thạch Lam nhẹ nhàng, lắng đọng, đem đến cho người đọc cảm giác thư thái, cuốn hút thì M. Rama lại gây ấn tượng với cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, giọng điệu khi thì chân thành, ngợi ca, lúc lại hài hước, dù ở khía cạnh nào ông cũng là một cây bút am hiểu. Cả hai nhà văn cùng với tài năng của mình đã tạo nên những tác phẩm đặc sắc, để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc. Thông qua góc nhìn về không gian kiến trúc Hà Nội của Thạch Lam và Martín Rama, người đọc cảm thấy yêu mến hơn thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời, ta trân quý tình cảm, sự cống hiến của hai con người yêu say đắm mảnh đất Hà thành, mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Vũ Bằng (2014), Miếng ngon Hà Nội, Nxb Nhã Nam
  2. Phan Kế Bính ( 2014), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học
  3. Thạch Lam (2016), Hà Nội băm mươi sáu phố phường, Nxb Văn học
  4.  Martín Rama (2015), Hà Nội, một chốn rong chơi, Nxb Thế Giới
  5. Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TPHCM
  6. Doãn Kế Thiện (2016), Hà Nội cũ, Nxb Hà Nộ

[1] Ông là một chuyên gia kinh tế Uruguay, giữ chức vụ chuyên gia kinh tế trưởng của khu vực Nam Á thuộc Ngân hàng Thế giới đồng thời là nhà hoạt động nghệ thuật nghiệp dư. Tháng 12/2017, Martín Rama được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “ Thăng Long- Hà Nội : các hướng tiếp cận nghiên cứu”( tháng 10/2018), trang 115-121.
0969889270 0912944324