Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

KHUYNH HƯỚNG TIỂU THUYẾT HOÁ LỊCH SỬ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU 1975

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh


Khảo sát những tiểu thuyết lịch sử Việt Nam được xuất bản sau 1975, chúng tôi nhận thấy, các nhà văn xử lí chất liệu lịch sử theo hai khuynh hướng chính: khuynh hướng lịch sử hoá tiểu thuyết và tiểu thuyết hoá lịch sử. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến khuynh hướng tiểu thuyết hoá lịch sử.

Tiểu thuyết vốn đề cao tính chất hư cấu, sáng tạo chủ quan, còn lịch sử lại đòi hỏi sự chính xác, khách quan khi lưu giữ những tư liệu liên quan đến số phận của một dân tộc. Tiểu thuyết hoá lịch sử nghĩa là nhà văn biến những tư liệu chính xác của lịch sử thành tiểu thuyết, thành những sản phẩm hư cấu, tưởng tượng của nghệ sĩ. Khi đó, lịch sử trở thành chất liệu, thậm chí là phương tiện để nhà văn viết tiểu thuyết. Nhiều khi nhà văn chỉ mượn lịch sử làm đường viền trang trí chứ không phản ánh trung thực một thời kì lịch sử cụ thể. Nói như nhà văn Alexandre Dumas, lịch sử chỉ như cái đinh đóng vào tường để người viết có thể tuỳ thích treo vào đó những bức hoạ của riêng mình. Đó là thứ lịch sử đã được nhào nặn, thiết kế lại. Và nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử là sáng tạo một lịch sử khác, đến lượt người đọc, họ cũng hưởng thụ lịch sử theo cách của riêng mình. Với khuynh hướng sáng tạo này, nhà văn có thể phán xét cả lịch sử, chưng cất lại lịch sử, cãi ngầm với sử học về nhân sinh, thế sự để giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử. Đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử được viết theo khuynh hướng này, ấn tượng về lịch sử dù vẫn tồn tại, và vẫn cần thiết như một không gian toàn thể nhưng đã không còn ở bình diện thứ nhất mà nổi lên trước hết là ấn tượng của tiểu thuyết với bao vấn đề thế sự, đời thường cùng những sáng tạo mới mẻ, riêng biệt. Theo Bakhtin đó là ấn tượng về cái “hiện tại chưa hoàn thành”- hiện tại ấy trở thành đối tượng ưu tiên của tiểu thuyết để người viết tiểu thuyết “có thể miêu tả những sự việc có thật trong đời mình hoặc nói ám chỉ đến chúng, có thể can thiệp vào cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, có thể bút chiến công khai với các địch thủ văn học của mình...”[1]. Tính dân chủ vốn là yếu tính của tiểu thuyết có dịp được thể hiện trong mọi cấp độ nội dung và hình thức của tác phẩm. Độc giả không thể tìm thấy trong tiểu thuyết lịch sử những phán xét duy nhất đúng về các chân lí mà là những giả thuyết về đời sống của nhà văn. Hơn thế nữa, trên con đường tiểu thuyết hóa lịch sử, ở những phóng thoát xa nhất của tư duy tự sự lịch sử mang cảm quan nghệ thuật hậu hiện đại, tiểu thuyết càng thoát dần cái nhìn toàn trị của tư duy đại tự sự để hướng đến cái nhìn tiểu tự sự. Ảnh hưởng tiếng gọi của trò chơi, tiểu thuyết lịch sử trở thành mảnh đất để nhà văn tự do sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, tiến hành các thử nghiệm khác nhau miễn là trình bày cảm nhận thế giới của mình một cách hiệu quả nhất.

Lịch sử nhìn từ góc độ khoa học là cái đã có, đã xong xuôi, tất yếu. Tiểu thuyết lại chú trọng sự sáng tạo, quan tâm đến những khả năng có thể của lịch sử, do đó lịch sử được hiện diện trong sự vận động không ngừng, không khép kín. Nhà văn sáng tạo lại lịch sử và gieo vào lòng độc giả những câu hỏi, những vấn đề đối thoại trong trang viết để cùng nghiền ngẫm, liên tưởng, tìm mối thông cảm và chia sẻ với những con người trong câu chuyện xưa mà nay chỉ còn là vài dòng khắc trên bia đá. Khuynh hướng tái tạo lịch sử này được thể hiện trên nhiều cấp độ:
  1. Phục hiện kiểu tiểu thuyết khiến lịch sử trở nên sinh động Có thể xem đây như bước đầu tiên để tiểu thuyết lịch sử vượt thoát khỏi mô hình truyện kể lịch sử. Nhà văn sẽ dùng quyền sáng tạo và hư cấu để bổ sung thêm những chi tiết, phục dựng lại những thời kì mà sách lịch sử không nói đến. Đời sống riêng, tâm lí các nhân vật không được nhắc đến trong các tư liệu lịch sử nhưng nhà tiểu thuyết sẽ huy động tối đa năng lực tưởng tượng để bổ sung, lấp đầy những khoảng trống này để lịch sử trở nên đầy đặn hơn, sinh động hơn. Bằng một vài điểm níu mỏng manh từ lịch sử, nhà tiểu thuyết sẽ sáng tạo ra cả một thế giới. Tiêu biểu cho cấp độ xử lí chất liệu lịch sử này là những cuốn tiểu thuyết: Khúc khải hoàn dang dở (Hà Ân), Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ (Hoàng Quốc Hải), Kinh đô Rồng, Một mất một còn, Thời vàng son (Nguyễn Khắc Phục)...
    Trong tiểu thuyết Huyền Trân công chúa, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dựa vào vài dòng ngắn ngủi được ghi lại trong Đại Việt sử kí toàn thư: “Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng hoàng đi chơi các địa phương sang nước Chiêm Thành, đã trót hứa gả con gái cho. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm lời thơ bằng quốc ngữ để chê cười” [2]. Từ chi tiết này của lịch sử, tác giả đã hư cấu, tưởng tượng để viết nên cuốn tiểu thuyết trên 300 trang, miêu tả cụ thể về cô công chúa Huyền Trân- con gái yêu của vua Trần Nhân Tông, đặc biệt là diễn biến tâm lí của nàng từ lúc nghe tin mình được gả sang Chiêm Thành cho tới khi đã trở thành vợ của vua Chiêm - Chế Mân. Việc Huyền Trân chấp thuận làm vợ Chế Mân, bên ngoài ai cũng nghĩ nàng là một người con thuận hảo, ý thức được trọng trách đối với quốc gia, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, việc đó còn là một sự “trả thù”, nàng cố vùi nén, quên đi tình yêu với người anh hùng đã lớn tuổi Trần Khắc Chung. Mặc dù vậy, khi làm vợ Chế Mân, Huyền Trân là người phụ nữ biết hy sinh vì nghĩa cả, có trí tuệ sáng suốt, biết khuyên chồng khuyên vua lo việc trị nước an dân, giữ bổn tâm thiện đức làm gương cho trăm họ. Huyền Trân thực sự trở thành một nhân vật sống động, đầy sức thuyết phục trước độc giả chứ không chỉ còn là một cái tên trong sử sách. Nhà văn đã xây dựng được Huyền Trân thành một trang nữ kiệt về văn hoá, đạo đức, đẩy nhân vật ra xa khỏi quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ. Nàng kiên nghị, sáng suốt có ý thức xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Chiêm vì hoà bình lâu dài của khu vực, lại biết khuyên Chế Mân lo việc chấn hưng đất nước, mang lại hạnh phúc cho dân. Kiểu phục hiện lịch sử này khiến cho tác phẩm của Hoàng Quốc Hải có một chủ đề tư tưởng sâu sắc. Đồng thời đặt trong bối cảnh đổi mới đất nước, mở rộng giao lưu văn hoá - ngoại giao hôm nay, nhân vật Huyền Trân ít nhiều có thêm được hơi thở của cuộc sống đương đại.
    Dựa vào nguồn sử liệu của Đại Việt sử kí toàn thư viết về vị vua đầu triều Lý- Lý Công Uẩn (1010- 1028), tất cả gồm 26 trang[3], nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã hư cấu, tưởng tượng để viết nên cuốn tiểu thuyết Kinh đô Rồng với độ dày gần 600 trang, miêu tả chi tiết về vị vua khai sáng ra triều Lý. Độc giả sẽ tìm thấy trong cuốn sách những kiến thức lịch sử- văn hoá- xã hội sâu rộng và những con người Thăng Long bằng xương bằng thịt sống động, phong phú với những buồn vui, chiến công và mất mát, dằn vặt và dấn thân, hạnh phúc và bi kịch..., đặc biệt là âm hưởng anh hùng ca về vị vua tài danh Lý Công Uẩn. Đó là một thời kì lịch sử rất xa ngày nay, với khoảng cách hàng ngàn năm, gắn liền với sự ra đời của nhà nước Đại Việt, triều Lý và dĩ nhiên có cả sự kiện trọng đại của cuộc dời đô khỏi Hoa Lư ra định đô ở Thăng Long, mở ra một thời đại mới cho sự phát triển của đất nước Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết cho người đọc được sống lại với bao nhiêu huyền thoại của đất Thăng Long: nguồn cội của thành Luy Lâu, bài ca Việt cổ xưa nhất, những giai thoại huyền bí về con chồn tinh chín đuôi chuyên ăn thịt người gần chùa Khai Quốc và hồ Lãng Bạc (Hồ Tây ngày nay)... Đó còn là nguồn gốc ra đời đầy bí ẩn của cậu bé Lý Công Uẩn, rồi những năm tháng ấu thơ cậu bé được sống trong sự yêu thương dạy dỗ của sư Vạn Hạnh. Thời trai trẻ tài ba, công thành danh toại nhưng trong sâu thẳm trái tim chàng trai ấy vẫn không thôi tiếc nuối về một tình yêu không trọn vẹn. Để rồi cho đến khi đã ở vị trí nghiêng lệch thiên hạ, Lý Thái Tổ vẫn không thôi day dứt về tình yêu với tiểu thư Bích Đào... Nguyễn Khắc Phục đã bồi da đắp thịt để những sự kiện và nhân vật lịch sử trở nên sống động, hấp dẫn, đang song hành cùng người đương thời chứ không chỉ là những con số, những sự kiện được “ướp lạnh” của lịch sử.
    Rõ ràng, dưới hình thức tiểu thuyết, lịch sử đã được phục sinh. Lịch sử trở nên cụ thể hoá, sinh động hoá. Nhà tiểu thuyết đã dùng khả năng tưởng tượng của mình để lấp đầy chỗ trống giữa những dòng sử biên niên khô khan mà sử quan ngày xưa để lại. Điều đó khiến lịch sử được tái hiện không chỉ là những sự kiện hàn lâm mà là lịch sử sống động của cõi nhân sinh. Đây là sức hấp dẫn riêng của những trang sách tiểu thuyết so với những trang sách lịch sử.
    2. Hình dung lịch sử như một giả định
    Con người hiện đại luôn phải đứng trước hai lịch sử: một lịch sử trong tác phẩm và một lịch sử khách quan ngoài đời. Lịch sử khách quan đã thuộc về quá khứ xa xưa, cách cuộc sống hôm nay cả ngàn năm, đã hoàn kết, còn lịch sử trong tác phẩm văn học là lịch sử được phản ánh theo tư duy tiểu thuyết. Đó là phản ánh theo sự phục chế, cho phép nhà văn nhìn bằng triết học lịch sử. Nhà văn làm cho nhân vật của quá khứ sống lại, như đang vận động. Lúc này, tiểu thuyết lịch sử được xây dựng trên một mô thức chủ quan hoá triệt để. Cá nhân trở thành phạm trù trung tâm của tự sự. Nhà tiểu thuyết sẽ thiết kế lại lịch sử, hình dung lịch sử như những giả định. Tiêu biểu cho cấp độ xử lí chất liệu lịch sử này phải kể đến những tác phẩm: Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); Mẫu Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh); Sắc đẹp khuynh thành (Kiều Thanh Tùng)…
     Trong Giàn thiêu, nhà văn Võ Thị Hảo đã dựa vào những sử liệu của giai đoạn 1088-1138, dưới hai triều đại Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông được ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư và tận dụng các truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, để dày công hư cấu, thiết kế lại quá khứ, tạo ra một thế giới của riêng mình. Điều quan trọng khi tiếp nhận tác phẩm này, độc giả buộc phải suy ngẫm: con người sinh ra vốn không phải chỉ sống để rửa thù; người chỉ sống với hận thù cũng là một nhân dạng méo mó; kẻ thuyết giảng với người đời một đường, bản thân lại sống theo đường khác, chắc chắn sẽ bị người đời lật tẩy; khát vọng sống nhiều hơn một kiếp hữu hạn là có thể hiểu được, nhưng tham vọng quá đáng sẽ bị gẫy đổ. Cuộc sống con người là hành xác hay sự buông thả? Giữa hai nẻo đường ấy, nẻo đường nào đem lại hạnh phúc? Và như vậy, chúng ta đến với tác phẩm văn học là để thoả mãn nhu cầu tinh thần mà các giá trị khác không làm ta thoả mãn. Hiểu một cuốn sách là để hiểu chính bản thân mình. Tiểu thuyết lịch sử tạo ra sự phức tạp của quá trình đọc, kích thích sự thưởng thức đầy hứng thú thẩm mĩ của người đọc.
    Sắc đẹp khuynh thành của Kiều Thanh Tùng lại soi xét lịch sử dưới cái nhìn thế tục. Tác giả chọn điểm mút cuối cùng của triều đại nhà Lý đang lúc suy tàn và cũng là “đêm trước” của triều Trần để miêu tả. Các nhân vật lịch sử như Lý Huệ Tông, Thái hậu, và đặc biệt là nhân vật chính Trần Thị Thu Ngừ. Mặc dù vậy, hứng thú của tác giả không phải là việc tái hiện các trận đánh giữa các phe cánh mà tập trung vào việc tái hiện cuộc sống thường ngày của các nhân vật. Chân dung các nhân vật lịch sử hiện lên trong tất cả dáng vẻ thường ngày, cận cảnh, có tính thế tục. Kiều Thanh Tùng từ chối phương diện con người phận vị khi soi ngắm nhân vật mà chỉ tập trung miêu tả khung cảnh sinh hoạt hàng ngày. Kiều Thanh Tùng đã có một cách hình dung khác về các nhân vật lịch sử. Tất nhiên cách hình dung này là sản phẩm của hư cấu. Nó thuộc về trải nghiệm cá nhân và mang tính cá thể. Suy cho cùng, lịch sử bao giờ cũng đầy nguỵ tạo, làm sao xác quyết được? Tất cả dấu vết của quá khứ cho ta nhìn lịch sử rõ hơn nhưng không bao giờ chính xác tuyệt đối. Vì vậy, mỗi nhà văn giả tưởng về một cách nhìn khiến khuôn mặt lịch sử hiện diện đầy đặn, phức tạp nhưng có lẽ cũng chân thực hơn?
    Ảnh hưởng của tiếng gọi của trò chơi, Nguyễn Xuân Khánh cho rằng: “Tiểu thuyết lịch sử tạo ra một hiện thực làm sao để gây cho người đọc một ảo tưởng là nó có thật”. Vì vậy, trong Mẫu Thượng ngàn, thế giới nhân vật và các sắc thái văn hoá đều được dệt lên từ trí tưởng tượng. Tác phẩm đã xoá bỏ cái nhìn toàn trị của tư duy đại tự sự, thể hiện rõ tính chất phân mảnh, lai ghép cố ý những không - thời gian khác nhau. Ở đó có không gian của những lễ tục, văn hoá phồn thực, vẻ đẹp nếp xưa của văn hoá làng và không gian của cuộc sống đương thời con người hôm nay. Cấu trúc tác phẩm trở thành một ẩn dụ về mối quan hệ giữa quá khứ lịch sử với hiện tại. Tiểu thuyết lịch sử lúc này bỗng như một "trò chơi" trí tuệ và người đọc buộc phải tham gia “trò chơi” cùng tác giả. Muốn đọc được nghĩa của tác phẩm, buộc người đọc phải đồng sáng tạo, phải chủ động sắp xếp lại các chi tiết theo một đường dây nhất định. Ngôi làng Cổ Đình trong tác phẩm bỗng trở nên quen mà lạ. Quen là vì đó là hình ảnh của mọi làng quê trên đất Việt nhưng lạ ở chỗ nó mang những đặc điểm ấy riêng biệt thông qua hư cấu và sự sáng tạo của nhà văn. Câu chuyện lịch sử bị mờ hoá, trở nên đa nghĩa và để lại những ám ảnh không thôi đối với độc giả. Và như vậy, tiểu thuyết lịch sử thực sự là mảnh đất để nhà văn tự do tiến hành những thử nghiệm khác nhau miễn là trình bày cảm nhận về thế giới một cách hiệu quả nhất. Rõ ràng, khi hình dung lịch sử như một giả định là nhà văn có ý thức thụ hưởng lịch sử theo cách của riêng mình. Lúc này tiểu thuyết lịch sử trở thành quá trình cá nhân hoá hư cấu.
    3. Nối liền quá khứ với hiện tại, suy tư về những vấn đề của hiện tại
     Lịch sử là sự kiện, nhưng trong dòng vận hành khi sôi nổi giông bão, lúc bình lặng trầm tư của nó luôn đọng lại triết lý của lịch sử. Những triết lý này,  xét đến cùng, đều là những vấn đề xã hội, nhân văn và sự sinh tồn của con người. Con người với những vấn đề cơ bản của nó, bất kì ở đâu là điều quan tâm chính của mỗi nhà văn. Lúc này, văn học sẽ bổ sung, đào sâu thêm vào mặt sau vào lớp trầm tích của quá khứ, mong muốn tìm thấy những bài học lịch sử bổ ích cho đời sống hiện tại. Người viết xoá nhoà ranh giới giữa cái đã xảy ra với cái có thể xảy ra. Và tiểu thuyết lịch sử sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa quá khứ đã xảy ra với những vấn đề có thể xảy ra. Tiêu biểu cho cấp độ xử lí chất liệu lịch sử này phải kể đến các tác phẩm: Gió lửa, Đất trời (Nam Dao); Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác); Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh); Đàn đáy (Trần Thu Hằng); Trương Vĩnh Ký, bi kịch muôn đời (Hoàng Lại Giang)...
    Trong Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), quá khứ là tiền sử của hiện tại, của trí thức, bản sắc Việt Nam, tấn bi kịch của những kẻ bảo thủ hoặc cực đoan trong Đổi mới. Nguyễn Xuân Khánh đã chọn một thời điểm lịch sử rất nhạy cảm: thời Hồ, với dụng ý nối liền thời đại đó với hôm nay, hay chí ít những vấn đề lịch sử đó khiến con người phải suy tư về những vấn đề đương đại. Nhân vật Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn nhưng bi kịch của ông là không được lòng dân và cho đến nay, những tranh luận về vai trò lịch sử của nhân vật này vẫn chưa ngã ngũ. Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục lật xới vấn đề để cùng người đọc cùng suy ngẫm về các vấn đề cách tân và bảo thủ, sự thành - bại trong những thời khắc lịch sử quan trọng. Ngẫm lại, nếu công cuộc canh tân đất nước của Hồ Quý Ly được thực hiện thành công thì vai trò của ông đối với nhà Hồ cũng như vai trò của Trần Thủ Độ đối với triều Trần, nhưng sự canh tân của Hồ Quý Ly cực đoan, quá tả đến mức đốt cháy giai đoạn và chính điều đó khiến ông tính nhầm nước cờ của lịch sử. Danh tướng Trần Khát Chân đã từng lập bao chiến công hiển hách nhưng trong đà quay của lịch sử, ông là người bảo thủ nên kết cục phải nhận lấy bi kịch.
    Phải thừa nhận rằng, một mặt, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh mang tính chính xác của sử liệu. “Đây là cuốn tiểu thuyết viết rất nghiêm túc, bám sát chính sử, tôn trọng các sự kiện chính của lịch sử”(Hoàng Quốc Hải) và nếu đặt Hồ Quý Ly bên cạnh bộ Đại Việt sử kí toàn thư thì sẽ thấy từng chi tiết sử liệu còn lại đều được tác giả nghiền ngẫm để chuyển hoá vào tiểu thuyết(Lại Nguyên Ân). Nhưng mặt khác, tác phẩm mang sự bay bổng, phóng khoáng trong hư cấu sáng tạo tự do, trong đó đáng chú ý là những hư cấu về không gian lịch sử, nhân vật lịch sử. Đặc biệt nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly được nhà văn khắc hoạ khá sắc nét. Chính sử phong kiến kết án Hồ Quý Ly là kẻ “dối đời để tiếm ngôi[4]. Rộng hơn thế và sâu hơn thế, Nguyễn Xuân Khánh, với tư cách là một nhà tiểu thuyết đã đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp của gia đình và xã hội, khám phá nhân vật ở nhiều phương diện: một “yếu nhân” văn võ song toàn, tinh tế, sâu sắc, một người cha, một người chồng, một con người đầy tham vọng, quyết đoán, táo bạo đến tàn bạo. Nhìn ở một phương diện, đấy là “kẻ thoán nghịch”, nhưng ở phương diện khác con người ấy cũng là một kẻ sĩ đầy tâm huyết trong công cuộc đổi mới đất nước. Hồ Quý Ly là người có tinh thần độc lập sáng tạo, không chịu nô lệ vào những tư tưởng và thành kiến cũ. Tư tưởng của Hồ Quý Ly vượt hẳn tầng lớp nho sĩ cùng thời đại, là một bước tiến của tư duy dân tộc, chứng tỏ bản lĩnh kẻ sĩ của ông.
    Từ nhân vật Hồ Quý Ly, độc giả hôm nay nhận thấy: tinh thần dám làm dám chịu là yêu cầu cần có đối với một nhà lãnh đạo, một bậc quân vương; đổi mới là nhu cầu chính đáng, hợp quy luật, phải biết chấp nhận những đau đớn của cuộc chuyển vần nhưng điều quan trọng là phải giữ hồn nước, hồn núi sông. Và bi kịch của thời đại Hồ Quý Ly đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị vì nó là bài học lớn cho những người chủ trương đổi mới bằng mọi giá hay bảo thủ một cách mù quáng. Như vậy, Hồ Quý Ly là ấn tượng và suy tư cá nhân của Nguyễn Xuân Khánh về các vấn đề lịch sử đương đại.
    Với Sông Côn mùa lũ, ngay từ ban đầu, Nguyễn Mộng Giác có ý định “viết về tâm trạng trí thức thời loạn nói chung, trong đó có một phần tâm trạng mình trong những năm nhiều biến chuyển sau tháng Tư 1975”[5].( Quả là một sự ký thác rất trực tiếp những trải nghiệm tinh thần của người viết!). Rõ ràng, chọn thời đại lịch sử nhiều biến động cuối thế kỉ XVIII, Nguyễn Mộng Giác đã nhìn thấy ở đó có nét tương đồng với giai đoạn lịch sử nhiều biến động cuối thế kỉ XX- thời điểm mà nhà văn viết tác phẩm này. Và nhân vật Quang Trung mà nhà văn sáng tạo ít nhiều đều là sản phẩm của sự hiểu biết và tưởng tượng mang màu sắc cá nhân và chủ quan của một con người sống ở cuối thế kỉ XX. Quang Trung hiện lên giản dị, mọi hành động và suy nghĩ đều gần gũi với đời thường. Vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm là thân phận con người trong cơn ba động của lịch sử, từ con người của chốn cung đình đến những người dân dưới đáy xã hội. Kết thúc cuối cùng của mỗi số phận con người như thế đều là bất hạnh, khổ đau. Thế mới biết, trong cơn vạn biến của lịch sử thân phận con người thật bé nhỏ, mong manh! Phải khẳng định rằng, khi chú trọng đến yếu tố tiểu thuyết thì lịch sử  có thêm một sức sống mới. Lịch sử không còn là sự kiện biên niên mà đã được tái tạo và mang theo những vấn đề mà con người hiện tại quan tâm. Lịch sử chỉ được xem như một chất liệu để phản chiếu những vấn đề của con người ở tầm phổ quát nhất.
    Tóm lại, khuynh hướng “tiểu thuyết hoá” lịch sử gắn với quan niệm sáng tác và phong cách của mỗi nhà văn. Nhà văn có thể đề xuất một cách nhìn mới về một sự kiện lịch sử đã qua, cũng có thể mượn lịch sử để trình bày những vấn đề của hiện tại... Dù động cơ khác nhau nhưng đích cuối cùng vẫn là tạo ra một sức sống mới cho lịch sử, mang lại cho lịch sử chất nhân văn sâu đậm để lịch sử luôn song hành cùng hiện tại. Đồng thời, tạo được một bước cách tân quan trọng trong mối quan hệ giữa lịch sử và văn chương.
    -----------------------
    (1) M.Bakhtin: Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Trường viết văn Nguyễn Du XB, Hà Nội, 1992.
    (2), (3), (4) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Văn hoá Thông tin, 2004, tập 1, tr567, 257-283, 716.
    (5) Nguyễn Mộng Giác: Sông Côn mùa lũ,  Nxb Văn học, 2003, tr 1459.
    Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4, 2009, Hà Nội, tr 56- 64
0969889270 0912944324