ThS. Nguyễn Thị Hải Vân
Mở đầu: Trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt nói chung cũng nghiên cứu về chữ Nôm nói riêng, các nhà nghiên cứu hiện nay thường có xu hướng kết hợp giữa việc nghiên cứu các văn bản Nôm, các mã chữ Nôm cụ thể để từ đó tìm cứ liệu giúp cho việc xác định sự phát triển của tiếng Việt ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Và ngược lại, “việc nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc đọc và hiểu chính xác chữ Nôm”(1). Điều đó chứng minh rằng, “chữ Nôm là một nguồn tư liệu quý giá trong khảo sát lịch sử tiếng Việt”(2), và “người ta có thể nhận thấy từ chữ Nôm các âm cổ xưa của tiếng Việt”(3). Vận dụng xu hướng nghiên cứu đó trong việc khảo sát, tìm hiểu về truyện thơ Nôm Nhị độ mai diễn ca, chúng tôi đã tìm ra được nhiều từ Việt cổ trong truyện thơ Nôm Nhị độ mai diễn ca. Những từ Việt cổ được chúng tôi khảo sát, thống kê từ văn bản Nhị độ mai diễn ca sẽ góp phần bổ sung thêm những cứ liệu giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt nói chung và nghiên cứu chữ Nôm nói riêng.
1. Về nội hàm khái niệm từ Việt cổ
Từ Việt cổ không còn là một khái niệm xa lạ đối với giới nghiên cứu lịch sử tiếng Việt nói chung và chữ Nôm nói riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa nào thật đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu về từ Việt cổ, và dường như vấn đề này vẫn chưa có sự thống nhất với nhau giữa các nhà nghiên cứu.
Một trong những nhà nghiên cứu đề cập sớm nhất liên quan đến vấn đề từ Việt cổ là GS. Đào Duy Anh. Tuy không sử dụng khái niệm từ Việt cổ để định nghĩa về từ cổ, nhưng GS. Đào Duy Anh đã dùng khái niệm từ xưa để chỉ “những từ hiện nay không dùng nữa”(4). Không lâu sau đó, GS. Hoàng Xuân Hãn, trong công trình nghiên cứu Văn Nôm và chữ Nôm thời Trần - Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, cũng đưa ra khái niệm về từ cổ, ông cho rằng: “từ ngữ cổ là những từ ngày nay không dùng nữa, hoặc còn dùng trong một địa phương, hoặc còn sót lại trong một thành ngữ nào đó, hoặc còn dùng với nghĩa khác nhưng có liên can”(5).
Đến năm 1984, trong công trình Từ vựng học tiếng Việt, Nguyễn Thiện Giáp lại cho rằng từ ngữ cổ là những từ “đã hoàn toàn biến khỏi ngôn ngữ văn học hiện đại, những từ ngữ còn để lại dấu vết trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ vì chúng không được dùng độc lập nữa”(6).
Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, vấn đề từ Việt cổ tiếp tục được nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi quan tâm và làm rõ hơn cả về khái niệm và nội hàm, như năm 1999, GS. Vương Lộc trong bài viết Henri Maspéro và công trình Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt - các âm đầu, đã cho rằng: “Từ ngữ cổ là những từ: 1.Chỉ còn gặp trong các tác phẩm cổ chứ không tồn tại trong tiếng Việt hiện đại; 2. Gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng đã thay đổi ít nhiều về mặt ngữ âm (như bàn nàn thành phàn nàn, đam thành đem); 3.Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ do chúng không còn dùng độc lập nữa (như han trong hỏi han, tác trong tuổi tác), hoặc đã thay đổi hoàn toàn về ý nghĩa; 4. Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng khả năng kết hợp có khác so với ngày trước (như ban trong ban già, ban muộn)(7).
Cũng cùng năm 1999, trong công trình khảo cứu công phu Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, khi khảo về từ Việt cổ trong bản Nôm Phật thuyết, TS.Hoàng Thị Ngọ cũng cho rằng “từ ngữ cổ không phải là những từ có nguồn gốc lịch sử lâu đời nhất trong ngôn ngữ mà là những từ lưu lại trong các văn bản viết cổ, hoặc một số ít trong ca dao, tục ngữ dân gian mà hiện nay không còn được sử dụng nữa”(8). Và trong công trình của mình, tác giả đã chia từ cổ làm 2 loại: 1.Những yếu tố mất nghĩa nằm trong các tổ hợp song tiết đẳng lập trong tiếng Việt hiện đại và được xác định giá trị, ý nghĩa trong mối tương quan với yếu tố kia (như han trong hỏi han, ắng trong im ắng); 2. Những từ trước đây là những từ có ý nghĩa được sử dụng độc lập nhưng nay đã không còn xuất hiện trong kho từ vựng tiếng Việt hiện đại nữa (như áng nghĩa là cha, mựa nghĩa là chớ v.v...)(9).
Đến năm 2001, trong công trình Từ điển từ Việt cổ, GS. Nguyễn Ngọc San đã biện giải về khái niệm từ Việt cổ như sau: “Đó là những từ ngữ thuần Việt bình thường đã từng có thời gian được sử dụng phổ biến trong lời nói hàng này, nhưng đến nay qua thời gian sàng lọc chúng không còn được sử dụng mà chỉ còn tồn tại trong các tác phẩm cổ hoặc trong tục ngữ ca dao cổ mà chúng tôi gọi là các từ Việt cổ. Cổ với ý nghĩa là chúng đã mất đi trong ngôn ngữ hiện đại hoặc có xuất hiện thì cũng không còn giữ nghĩa cổ nữa, khiến người Việt hiện đại không còn hiểu được ý nghĩa của chúng, chứ không phải là những từ ngữ xuất hiện sớm nhất trong tiếng Việt”(10).
Cũng có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về từ Việt cổ, TS. Trần Trọng Dương sau khi tổng kết những nhận định, biện giải của các nhà nghiên cứu đi trước về lĩnh vực từ cổ, đã đưa ra khái niệm về từ cổ như sau: “Từ cổ là những từ ngữ xuất hiện trong các văn bản cổ của các giai đoạn từ tiếng Việt Tiền cổ đến tiếng Việt cận đại mà các từ đó không còn hiện dụng trong tiếng Việt hiện đại ở các khía cạnh văn tự, ngữ âm, nghĩa, cấu trúc từ pháp và khả năng kết hợp”(11).
Từ những nhận định, khái quát và biện giải của các nhà nghiên cứu nói trên về nội hàm và khái niệm từ Việt cổ, chúng ta có thể đi đến khẳng định rằng, từ Việt cổ là những từ xuất hiện và tồn tại trong các văn bản cổ (bao gồm cả văn bản chữ Hán, văn bản Hán Nôm đối dịch, văn bản thuần Nôm, và văn bản chữ Quốc ngữ). Những từ cổ đó chưa hẳn đã là những từ có lịch sử cổ nhất, lâu nhất, mà là những từ ít hoặc không còn xuất hiện trong các văn bản hiện đại.
2. Giới thiệu văn bản truyện thơ Nôm Nhị độ mai diễn ca
Nhị độ mai diễn ca là một trong những truyện thơ Nôm quen thuộc trong đời sống tinh thần người Việt. Có nguồn gốc từ tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai truyện(12). Về văn bản diễn Nôm Nhị độ mai, cho tới nay đã có khá nhiều dị bản (bao gồm cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ). Điều này đã gây không ít khó khăn, phức tạp trong quá trình nghiên cứu, bởi vì việc giám định và xử lý văn bản để đi tới công bố một văn bản Hán Nôm là một công việc phức tạp và có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong điều kiện những văn bản diễn Nôm Nhị độ mai mà chúng tôi có được, nếu căn cứ vào các văn bản hiện còn thì có lẽ bản diễn Nôm Nhị độ mai diễn ca mang ký hiệu VNb.22, khắc in năm Tự Đức Bính Tý (tức năm 1876) là bản tốt nhất hiện nay, bởi vì theo khảo sát chúng tôi, đây là văn bản có niên đại sớm nhất trong hệ thống các văn bản diễn Nôm Nhị độ mai. Không những thế, văn bản diễn Nôm Nhị độ mai VNb.22 là bản đầy đủ, toàn vẹn, đảm bảo các điều kiện cho việc nghiên cứu văn bản học. Đặc biệt, tuy là một tác phẩm ra đời vào cuối thế kỷ XIX, nhưng văn bản VNb.22 còn bảo lưu khá nhiều mã chữ Nôm cổ, những từ ngữ cổ thường thấy ở các tác phẩm chữ Nôm thời Lê. Có những chữ nhất loạt được ghi theo kiểu chữ Nôm đời Lê và trước Lê. Hơn nữa, cũng như những tác phẩm văn học Nôm ra đời vào khoảng thế kỷ XIX trở về trước, văn bản Nhị độ mai diễn ca VNb.22 còn ghi lại khá nhiều từ Việt cổ.
3. Tình hình từ Việt cổ trong văn bản truyện thơ Nôm Nhị độ mai diễn ca
Cũng như những tác phẩm văn học Nôm ra đời vào khoảng thế kỷ XIX trở về trước, Nhị độ mai diễn ca còn ghi lại khá nhiều từ Việt cổ. Nếu hiểu từ Việt cổ như những nhận định và biện giải của các nhà nghiên cứu tiền bối mà chúng tôi đã khái quát trên đây, thì từ cổ trong Nhị độ mai diễn ca chỉ có loại từ sau, đó là: Những từ trước kia được sử dụng như những đơn vị độc lập, mang một nghĩa từ vựng nhất định nhưng nay không còn, hoặc ít thấy xuất hiện trong các văn bản thành văn nữa, hoặc có xuất hiện thì cũng khó hiểu và cần phải chú thích, biện giải thêm.
Các tác giả trước đây khi nghiên cứu về văn bản Nhị độ mai diễn ca thì hầu như ít ai có đề cập đến tình hình từ cổ trong văn bản này. Thi thoảng trong các công trình phiên âm và chú giải về văn bản, có tác giả cũng tiến hành chú thích một vài từ cổ khó hiểu, tuy nhiên họ không tiến hành thống kê hay đặt vấn đề về từ cổ trong văn bản. Kế thừa những kết quả nghiên cứu về văn bản Nhị độ mai diễn ca của các tác giả trước đây, chúng tôi đã tiến hành khảo sát toàn bộ những từ cổ hiện có trong văn bản và lập bảng thống kê số lượng. Kết quả khảo sát có thể chưa được đầy đủ và toàn diện, bởi vì tìm và hiểu từ cổ là một công việc rất phức tạp và khó khăn.
Như chúng tôi đã trình bày ở trên là từ cổ trong văn bản Nhị độ mai diễn ca chỉ còn lại những từ trước kia được sử dụng như những đơn vị độc lập, mang một nghĩa từ vựng nhất định nhưng nay không còn thấy xuất hiện trong các văn bản thành văn nữa. Ví dụ:
- Áy: Khô héo, tàn tạ: Sương soi cỏ áy, gió reo cây già (câu 1088). Trong văn bản chữ này xuất hiện 1 lần.
- Bàn nàn: Buồn, băn khoăn, không yên lòng: Người băn khoăn mẹ, kẻ bàn nàn con (câu 496). Trong văn bản chữ này xuất hiện 1 lần, v.v....
Nhìn chung, lớp từ cổ hiện nay không còn thấy xuất hiện trong văn bản thành văn nữa, nhưng trước kia chúng đã từng được sử dụng một cách phổ cập trong ngôn ngữ văn học. Đây cũng là một nguồn tài liệu quý để nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt.
Trong văn bản Nhị độ mai diễn ca, chúng tôi đã thống kê được 66 từ cổ với 147 lần xuất hiện. Bảng thống kê cụ thể như sau:
STT |
Từ |
Ý nghĩa |
Xuất xứ (câu số) |
Ví dụ/Dẫn liệu |
-
|
Áng 盎 |
Đám |
623 |
Thờ ơ áng lợi nền danh |
-
|
Áy 愛 |
Khô héo, tàn tạ |
1088 |
Sương soi cỏ áy, gió reo cây già. |
-
|
Bạch 白 |
Dùng trong xưng hô tôn kính với thầy dạy đạo, với nhà chùa |
592, 1274 |
Trở vào bạch với sư già trước sau. |
-
|
Ban 班 |
Lúc, khi |
246, 1365 |
Mây buổi sớm, nước ban chiều |
-
|
Bàn nàn 盘难 |
Buồn, băn khoăn, không yên lòng |
496 |
Người băn khoăn mẹ, kẻ bàn nàn con. |
-
|
Bao nả 包那 |
Xiết bao |
527, 2461 |
Bợn nồng ấp lạnh đà bao nả |
-
|
Băng 氷 |
Nhằm về một phía |
153 |
Tưởng khi lánh nạn băng miền |
-
|
Bằng 朋 |
Như |
1427 |
Bằng ra lòng cá dạ chim |
-
|
Bẵng 凭 |
Như, bằng |
401 |
Tấc lòng xem bẵng mẹ cha |
-
|
Bời bời 排排 |
Nhiều mà lộn xộn |
946 |
Bên lòng trăm mối bời bời |
-
|
Cả 奇 |
Lớn |
1714 |
Nghĩa cả vua tôi nặng đỉnh đầu |
-
|
Cái 丐 |
Mẹ |
713, 1153, 1420, 2207 |
Nhỏ to chua cái chua con |
-
|
Chan 滇 |
Nhiều, tràn trề |
261 |
Châu chan nét liễu, dầm dề giọt mai |
-
|
Chăm 斟 |
Dốc sức vào một việc gì |
27, 163, 2139 |
Phần chăm việc khách, phần siêng việc mình |
-
|
Chăng 庄 |
Không |
453, 890, 894, |
Thiêng chăng thu lấy hồn oan |
-
|
Chập chồng 蟄重 |
Lớp lớp đè lên nhau |
974, 1409 |
Chập chồng vách gấm tường hoa |
-
|
Chỉn 㐱 |
Chỉ |
946, 1055 |
Chỉn vì ngoại lị bấy lâu; Chỉn e tiếp lỵ sau này |
-
|
Cõi 𡎝 |
Biên giới |
312 |
Khuấy hôi cõi Hán, chọc tanh ải Tần |
-
|
Cỗi 檜 |
Già, lâu năm |
1108 |
Chồi huyên gần cỗi, gốc thung gần già. |
-
|
Dầm 淫 |
Ướt sũng, ướt nước |
221, 1087 |
Châu chan nét liễu, dầm dề giọt mai; Mai sinh đôi giọt dầm dề |
-
|
Dể 易 |
Coi khinh |
240, 1642, 2753 |
Thế nào khinh dể, thế nào hỏi han. |
-
|
Doành 溋 |
Dòng sông, dòng nước |
2414 |
Đem hòm áo, phó doành ngân tức thì |
-
|
Đìu hiu 調囂 |
Hoang vắng, cô đơn |
876 |
Quê người phong cảnh đìu hiu. |
-
|
Đòi 隊 |
Theo |
122, 211, 1054 |
Theo đòi nhiều ít thế tình là xong. |
-
|
Đòi 隊 |
Một vài |
204, 2556, 2700 |
Giật mình đòi lúc, lắc đầu đòi phen. |
-
|
Đon 敦 |
Hồ hởi, vui vẻ chào đón |
12, 176, 936, 954, 983, 1123, 1618, 2349 |
Khi ra đon đả với Sinh thì thầm. |
-
|
Giã 啫 |
Từ biệt, chia tay |
1522 |
Giã nhau mười dặm trường đình. |
-
|
Giong 𨀐 |
Đi nhanh, vội vàng |
2660 |
Buồm giong thoắt đã tới miền Thường Châu |
-
|
Hôm |
Buổi chiều |
2252 |
Trời hôm vào đấy là chùa Thọ Am |
-
|
Khôn 坤 |
Khó |
75, 305, 2749 |
Dễ dò bụng hiểm, khôn ngừa mưu gian |
-
|
Lần khân 吝巾 |
Suồng sã, nhờn |
223, 392 |
Ngọc Thư đỡ lấy có chiều lần khân. |
-
|
Le 离 |
Không bằng nhau |
1458 |
Lưỡi oanh ríu rít, bông đào so le. |
-
|
Lọ 路 |
Cần, cần gì |
1657, 2479 |
Tình riêng nhi nữ lọ phiền hỏi han. |
-
|
Lôi thôi 雷傕 |
Dài dòng, chậm chạp, phiền |
251, 276, 939, 1285 |
Sự tình kể lể lôi thôi. |
-
|
Màng 恾 |
Thiết đến, nghĩ đến |
987, 1555, 2099, 2592 |
Những màng giong ruổi dặm dài. |
-
|
Nàn难 |
Khó khăn, hoạn nạn |
2480 |
Một mình tránh khỏi nguy nàn tới đây. |
-
|
Nêm 揇 |
Ép chặt vào với nhau |
1539, 2345 |
Một vòng quân khảo như nêm. |
-
|
Nghì 儀 |
Nghĩa |
1412 |
Đem lòng khuyển mã đền nghì cao sâu |
-
|
Nhặt 日 |
Mau, nhanh chóng |
269, 843, 1181 |
Kiệu phu bước nhặt, bước khoan |
-
|
Ran 㘓 |
Vang rền |
344, 2044, 2669, 2682 |
Trống ran mặt đất, cờ liền bóng sông. |
-
|
Rân噒 |
Tiếng rộn tai |
1486 |
Một thuyền vâng dạ đã rân |
-
|
Rẽ 𥘶 |
Chia, chia lìa |
100, 1388, 2613 |
Để ai tan nghé, rẽ đàn vì ai |
-
|
Rén 練 |
Nhẹ nhàng cẩn thận |
129, 2546 |
Mai sinh ren rén bước vào |
-
|
Rỡ 焒 |
Sáng rực |
67 |
Rỡ ràng kết thái trương đăng trong ngoài |
-
|
Ru 餘 |
Chăng (từ để hỏi đặt cuối câu) |
94 |
Đã thương yêu đến, dám ruồng rẫy ru? |
-
|
Sá 詫 |
Tính đến, quản đến |
573, 2006 |
Sá chi mọn mảy tước đàn |
-
|
Sẽ 仕 |
Nhẹ nhàng, khẽ |
333, 1422, 2453 |
Dặt dìu sẽ rót chén mồi |
-
|
Tàng tàng 藏藏 |
Ngà ngà say |
230 |
Tàng tàng chén cúc vài tuần |
-
|
Tày 齊 |
Bằng, ngang |
1758 |
Cái lo này để về sau tày trời. |
-
|
Tần ngần 秦銀 |
Lưỡng lự không quyết |
1991 |
Nghĩ đi nghĩ lại tần ngần |
-
|
Thác 托 |
Chết |
1017 |
Già này dù thác cũng vinh |
-
|
Thảnh 清 |
Rỗi rãi |
1541 |
Trước đi tìm chốn thảnh thơi đón mời |
-
|
Thày lay 他罗 |
Vu vơ, không biết rõ |
1540, 1547, 1914, 2487 |
Thày lay mách ả Vân nương mấy lời |
-
|
Thênh, thênh thênh 清清 |
Rộng |
560, 569, 1441, 1772 |
Ba bề chín cửa thênh thênh |
-
|
Thinh 清 |
Im lặng |
1484, 1583, 1690 |
Một mình bước xuống làm thinh |
-
|
Tót 卒 |
Vượt lên cao nhất |
1425, 2205 |
Trên mui ngồi tót một người |
-
|
Tớ 伵 |
Con đòi, người hầu |
607, 967, 1261, 2129 |
Tiểu hầu, đầy tớ một đoàn như rươi |
-
|
Tơi bời 哉排 |
Nhốn nháo, lộn xộn |
836 |
Trông vào đã thấy tơi bời điệu ra |
-
|
Tuồng 傱 |
Kiểu, vẻ |
546, 900, 2766 |
Vả xem phong dạng Ngọc Thư ra tuồng |
-
|
Trăm 𤾓 |
Nhiều |
1170, 1872, 2769 |
Bên lòng trăm mối bời bời |
-
|
Vả 𡲤 |
Vốn, vốn dĩ, hơn nữa |
1870 |
Vả trông ra dáng con nhà |
-
|
Van 𠹚 |
Nài nỉ |
144, 286 |
Uốn lời thú thực phô sòng van lơn |
-
|
Vẹn 院 |
Hoàn toàn, trọn vẹn |
1313 |
Sau đây phu quí phụ vinh vẹn tròn |
-
|
Vì 爲 |
Nể nang, coi trọng |
|
Nỗi bà trân trọng, nỗi ông yêu vì |
-
|
Xao 敲 |
Tiếng hòa lẫn của nhiều tiếng động hợp thành |
|
Xôn xao nghe bỗng tiếng đâu gần gần |
-
|
Xế 熾 |
Ánh nắng, ánh trăng chiếu nghênh |
|
Trời hôm xế bóng tà tà |
Qua bảng thống kê trên đây cho thấy so với các tác phẩm có niên đại sớm hơn, thì hệ thống từ Việt cổ trong Nhị độ mai diễn ca đã ít hơn, và cũng không còn xuất hiện những từ cổ song tiết như các văn bản ở thế kỷ XV - XVII. Chúng ta có thể so sánh số lượng từ cổ trong Nhị độ mai diễn ca với một số tác phẩm khác như sau:
BẢNG SO SÁNH SỐ LƯỢNG TỪ CỔ QUA MỘT SỐ VĂN BẢN |
Văn bản |
Niên đại |
Số lượng từ cổ |
Tần số |
Thiền tông khóa hư ngữ lục(a) |
Thế kỷ XIV |
451 |
2475 |
Thiên Nam ngữ lục(b) |
Cuối thế kỷ XVII |
123 |
494 |
Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh(c) |
Trước 1730 |
105 |
684 |
Nhị độ mai diễn ca(d) |
1876 |
66 |
147 |
((a) Số liệu thống kê của TS.Trần Trọng Dương [Trần Trọng Dương. 2012.tr.117]; (b) Số liệu thống kê của TS.Nguyễn Thị Lâm [Nguyễn Thị Lâm. 2006. tr.181]; (c) Số liệu thống kê của PGS.TS Hoàng Thị Ngọ [Hoàng Thị Ngọ. (1999). tr.131]; (d) Số liệu thống kê của chúng tôi (N.T.H.V)).
Qua bảng thống kê trên đây cho thấy, càng về giai đoạn sau, thì từ cổ trong các văn bản càng có xu hướng giảm xuống, điều đó cũng phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử ngôn ngữ nói chung và lịch sử tiếng Việt nói riêng.
4. Kết luận
Tìm hiểu từ cổ trong các tác phẩm văn học Nôm luôn luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong việc phiên âm và chú giải từ ngữ văn Nôm. Chỉ đơn giản như hai chữ “Song viết/rông vát…” trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng đã gây cho biết bao thế hệ người đọc Nôm chúng ta phải đau đầu tìm hiểu. Trong thực tế giới nghiên cứu đã có rất nhiều học giả phải tốn giấy mực và công sức để tìm hiểu ý nghĩa của hai từ cổ đó. Thậm chí đây đó trên văn đàn và trong các hội nghị về chữ Nôm đã có rất nhiều tranh cãi gay gắt về cách hiểu của những từ này. Nói như thế để chúng ta thấy rằng việc tìm hiểu các từ ngữ cổ là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi tri thức tổng hợp của nhiều ngành khoa học. Đúng như nhận xét của Nguyễn Tá Nhí trong bài viết “Mấy suy nghĩ về việc phiên âm chú giải từ cổ trong văn bản Nôm” là: “Văn bản Nôm là nơi giữ lại được khá nhiều từ cổ mà ngày nay không thấy hoặc ít thấy sử dụng. Đọc đúng âm, hiểu đúng nghĩa những từ này là việc làm rất cần thiết. Nó không chỉ giúp cho người đọc hiểu chính xác nội dung của những tác phẩm văn học cổ điển, mà còn cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Từ nhiều năm nay, các nhà khảo cứu, phiên âm, chú giải, họ đã dụng công tìm tòi tra cứu các loại từ điển, đối chiếu so sánh với các văn bản Nôm khác, tham khảo tư liệu trong tiếng địa phương hoặc tiếng dân tộc ít người. Có trường hợp đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu ở các bộ môn khoa học khác nhau, chẳng hạn như việc xác định âm đọc và nghĩa của các từ: song viết, la đá, thon von, nghĩ, mỗ, ốc, cóc v.v… Tất cả những công trình nghiên cứu thuộc loại này, từ các góc độ khác nhau, đã nêu ra một số phương hướng chung, biện pháp chung để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả hơn. Và đã có tác dụng tích cực, giúp cho các bản phiên âm, chú giải văn bản Nôm gần đây đạt được kết quả đáng kể. Thế nhưng đây đó, trong một số bản phiên âm vẫn thấy có trường hợp xử lý chưa thoả đáng, âm đọc và ý nghĩa của từ chưa được xác định chuẩn xác. Tại sao còn có hiện tượng này? Sau khi tham khảo một số bản phiên âm, chúng tôi suy nghĩ và thử phân tích một số nguyên nhân đã làm hạn chế kết quả phiên âm đó(14)”. Theo Nguyễn Tá Nhí thì có 3 nguyên nhân đưa đến hiện tượng xử lý chưa chính xác các từ ngữ cổ trong văn bản Nôm là: (1) Thay thế từ cổ bằng một từ mới, (2) Ảnh hưởng của chữ Hán mượn làm chữ nôm, (3) Có một số từ bản thân nó vẫn tồn tại, song phạm vi ngữ nghĩa ít nhiều có biến động. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi trong cuốn Từ điển từ Việt cổ(15), thì có khoảng 2142 từ Việt cổ. Kết quả nghiên cứu của các tác giả công trình nói trên tuy chưa phải là đã đầy đủ, nhưng điều đó cũng cho chúng ta thấy rằng số lượng từ Việt cổ không phải là nhỏ. Và cũng theo sự thống kê của chúng tôi trên tạp chí Hán Nôm, từ năm 1984-2005, có tất cả 1328 bài nghiên cứu, trong số đó có gần 200 bài (15,06%) bàn về vấn đề phiên âm và chú giải các từ ngữ trong văn bản Nôm, đó là chưa kể các bài viết được thuyết trình trong hội nghị quốc tế về chữ Nôm được tổ chức 2 năm 1 lần. Điều đó đã phần nào nói lên vấn tính bức thiết của vấn đề từ ngữ văn Nôm.
Hiện nay, chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cần phải được phát huy hơn nữa, mà một trong những nội dung của công việc đó là tìm hiểu các từ ngữ cổ trong các tác phẩm văn học Nôm. Kết quả thống kê từ cổ trong Nhị độ mai diễn ca đã cho chúng ta thấy rằng, việc tìm hiểu các tác phẩm văn học Nôm của ông cha ta để lại là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Bởi vì, ngoài những vấn đề về mặt xác định văn bản chân-ngụy, văn bản gốc, tác giả, niên đại ra còn có các vấn đề về ngữ âm lịch sử tiếng Việt và các từ ngữ cổ mà các văn bản Nôm còn bảo lưu được.
Qua khảo sát, chúng tôi đã thống kê được 66 từ cổ. Điều đó chứng tỏ rằng trong Nhị độ mai diễn ca dù sáng tác ở thế kỷ XIX nhưng vẫn bảo lưu được những từ cổ của tiếng Việt. Đây cũng là một cứ liệu quan trọng giúp người nghiên cứu có cái nhìn đúng đắn khi nghiên cứu quá trình phát triển của tiếng Việt. Lớp từ cổ trong Nhị độ mai diễn ca cũng khá phong phú, bao gồm khá nhiều loại như: danh từ, động từ, tính từ, hư từ…đến nay hầu như không còn thấy xuất hiện trong các văn bản thành văn nữa. Trong Nhị độ mai diễn ca chúng tôi đã thống kê được 66 mục từ, đây quả là một con số không nhỏ so với các tác phẩm Nôm cùng thời. Nhìn chung, các từ cổ trong Nhị độ mai diễn ca đã trở nên xa lạ và khó hiểu đối với độc giả phổ thông hiện nay nên khi phiên âm chúng ra quốc ngữ cần phải có sự chú thích rõ ràng. Đồng thời, kết quả khảo sát về từ cổ trong Nhị độ mai diễn ca cũng cho thấy văn bản VNb.22 không chỉ có niên đại ra đời sớm nhất so với các bản Nhị độ mai diễn ca khác mà văn bản này còn bảo lưu nhiều từ Việt cổ hơn cả, và do vậy nó gần gũi với thời điểm ra đời của bản gốc hơn. Văn bản Nhị độ mai diễn ca VNb.22 xứng đáng là bản nền, bản đáng tin cậy nhất trong số các văn bản diễn Nôm Nhị độ mai diễn ca và cần thiết được phiên âm để giới thiệu đến đông đảo bạn đọc.
Chú thích:
(1), (2), (3) Trần Trí Dõi. (2011). Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.114, 117.
(4) Đào Duy Anh. (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.25.
(5) Hoàng Xuân Hãn. (1978). Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. KHXH (Paris) 5-791978 - 1980).tb 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb Giáo dục. Hà Nội.T3: 1091 - 1095. Dẫn theo: Trần Trọng Dương. 2012. Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục. Nxb Từ điển Bách khoa.Hà Nội.tr.113-114.
(6) Nguyễn Thiện Giáp.1985.Từ vựng học tiếng Việt.Nxb ĐH&THCN. Hà Nội.tr.328-333. Dẫn theo: Trần Trọng Dương. 2012. Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục. Nxb Từ điển Bách khoa.Hà Nội.tr.114.
(7) Vương Lộc. (1999). “Henri Maspéro và công trình Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt - các âm đầu”, in trong Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Việt Pháp, Nxb TP.HCM, TP.HCM, lời nói đầu. Dẫn theo: Trần Trọng Dương. 2012. Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục. Nxb Từ điển Bách khoa.Hà Nội.tr.115.
(8), (9) Hoàng Thị Ngọ. (1999). Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.122-123.
(10), (15) Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện. (2013). Từ điển từ Việt cổ. Nxb Văn hóa Thông tin, tái bản, Hà Nội, tr.6.
(11) Nguyễn Thị Hải Vân. (2017). “Từ Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai của Trung Quốc tới các bản diễn Nôm Nhị độ mai của Việt Nam”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/2017, tr.53-64.
(12) Nguyễn Ngọc San. (2001). Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, NXB Đại học sư phạm. Hà Nội, tr.188.
(13) Nguyễn Tá Nhí (1985), “Mấy suy nghĩ về việc phiên âm, chú giải từ cổ trong văn bản Nôm”, tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1, tr.58-59.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đào Duy Anh. (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb KHXH, Hà Nội.
[2]. Trần Trí Dõi. (2011). Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Thị Lâm. (2006). Chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Thiên Nam ngữ lục, Nxb KHXH, Hà Nội.
[4]. Hoàng Thị Ngọ. (1999). Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb KHXH, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Tá Nhí. (1985), “Mấy suy nghĩ về việc phiên âm, chú giải từ cổ trong văn bản Nôm”, tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1/1985.
[7]. Nguyễn Ngọc San (2001), Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
[8]. Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện (2010), Từ điển từ Việt cổ, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[9]. Nguyễn Thị Hải Vân. (2017). “Từ Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai của Trung Quốc tới các bản diễn Nôm Nhị độ mai của Việt Nam”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/2017.
[10]. Nhị độ mai diễn ca 二度梅演歌, ký hiệu VNb.22, VNCHN, bản khắc in năm Bính Tý niên hiệu Tự Đức (tức năm 1876).
Bài đăng trên Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 5/2018