TS. Lê Thị Thu Hiền
1. Mở đầu
Văn học luôn được xem là một trong những yếu tố quan trọng, không thể thiếu của hệ thống văn hóa. Qua tác phẩm văn học có thể thấy giá trị văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc được kết tinh và phản ánh trong đó. Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa hay nói cách khác, lấy văn hóa để giải thích văn học là một trong những hướng nghiên cứu rất được chú ý trong bối cảnh hiện nay khi mà việc dạy học văn đang đứng trước những thách thức đòi hỏi phải có những đổi mới cho phù hợp hơn. Khám phá giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học từ góc độ văn hóa là đi tìm cái hay, cái đẹp những giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc, mà nhà văn, với tư cách là một thành viên, bằng tài năng và cái nhìn độc đáo của mình, khái quát và miêu tả thông qua hình tượng nghệ thuật.
Trong lịch sử phát triển văn học hiện thực Nga thế kỷ XIX, A.P.Chekhov (1860 – 1904) đã có những đóng góp vô cùng lớn lao với vai trò là nhà cách tân vĩ đại ở thể loại kịch và truyện ngắn. Cảm quan cuộc sống mà nhà văn thể hiện trong những câu chuyện đời thường, giản dị tưởng như “không có chuyện” đã chạm đến trái tim hàng triệu độc giả qua nhiều thế hệ. Trong di sản truyện ngắn mà Chekhov để lại, Sinh viên (1894) là một trong những tác phẩm xuất sắc, được coi là một tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn. Ra đời vào thời kỳ sáng tác mười năm cuối đời, cũng như nhiều tác phẩm khác của Chekhov ở giai đoạn này, truyện ngắn Sinh viên là nơi nhà văn gửi gắm những trăn trở khôn nguôi của ông về bi kịch cuộc đời, nỗi đau nhân thế. Không nhiều nhân vật, không có biến cố, dung lượng truyện cũng không dài, như ta thấy, trong tác phẩm nhà văn vẫn giữ nguyên tắc lựa chọn những tình tiết hết sức đời thường, giản dị, những chuyện vặt vãnh, vụn nhỏ của đời sống để kiến tạo thế giới nghệ thuật. Nhân vật của Chekhov trong Sinh viên vẫn là những con người bình thường, quen thuộc hay gặp trong các sáng tác trước đó của nhà văn; tuy nhiên, đằng sau câu chuyện về những con người dường như chẳng có gì để nói, đáng nói ấy; vẻn vẹn trong gần năm trang sách mà nhà văn kể, đó lại là những vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa lớn lao mà Chekhov đặt ra, tìm tiếng nói tri âm nơi độc giả. Tìm hiểu tác phẩm từ góc nhìn văn hóa cho phép chúng ta khám phá giá trị thẩm mĩ từ chiều sâu văn hóa của hình tượng nghệ thuật mà Chekhov gửi gắm. Từ góc nhìn này độc giả có thể khai thác thêm giá trị của dòng chảy ngầm bên trong văn bản truyện, một trong những thủ pháp nghệ thuật rất đặc trưng nơi ngòi bút Chekhov, qua đó để thấy được phong cách nghệ thuật độc đáo cũng như đóng góp quan trọng của ông đối với lịch sử phát triển văn học hiện thực Nga nói riêng và thế giới nói chung.
2. Nội dung nghiên cứu
“Sinh viên” là một danh từ chung chỉ “người đang học ở bậc đại học” [3, tr.1448]. Trong xã hội sinh viên thường được đánh giá là những người có tri thức. Đó là những con người trẻ trung, hồn nhiên, giàu nhiệt huyết song luôn nhìn nhận cuộc sống một cách nghiêm túc. Lựa chọn đối tượng này đặt tên cho nhan đề truyện ngắn của mình, Chekhov không chỉ xác định nhân vật chính của truyện mà còn thể hiện cái nhìn độc đáo, riêng biệt của nhà văn về lớp người này. Người sinh viên được nói tới trong truyện là Ivan Velikopolski – một sinh viên Viện Thần học, con trai người coi nhà thờ, tại thời điểm của câu chuyện anh đang trên đường đi săn dẽ trở về nhà. Thành phần xuất thân của nhân vật một mặt giải thích rõ hơn ý nghĩa nhan đề truyện ngắn, mặt khác, giúp người đọc lí giải câu chuyện của Ivan cũng như tư duy, cách nhìn của anh ta về thế giới. Dõi theo tiến trình cốt truyện có thể thấy một điều thú vị nữa là, Chekhov có khuynh hướng phi trung tâm hóa nhân vật rất rõ. Bởi bên cạnh Ivan Velikopolski, xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện còn có hai mẹ con bà góa Vaxilisa và Lukaria, cả ba cùng có vị trí, vai trò quan trọng như nhau trong tổ chức truyện kể, cùng cảm nhận về cuộc đời.
Truyện mở đầu bằng lời kể từ ngôi thứ 3. Người kể chuyện hàm ẩn đưa người đọc vào bối cảnh truyện bằng một vài thông tin không mấy tính thời sự nếu không nói là hết sức vặt vãnh, chẳng có gì phải chú ý: chuyện về thời tiết, về khu rừng, tiếng kêu ríu rít của đàn chim sáo, tiếng súng săn,… Song, đây lại là một thủ pháp khá quen thuộc của Chekhov: mô tả cuộc sống như nó vốn có, phát hiện cái không bình thường trong cái tưởng như là bình thường. Cái không bình thường ấy xuất hiện ngay từ câu đầu tiên: “Thời tiết lúc đầu đẹp và yên tĩnh” [1]. Dạng thức câu kể với vế trước là “lúc đầu…”, “ban đầu…”, “đầu tiên…”, bao giờ cũng kèm vế “sau đó…”, “về sau…” đi cùng. Như vậy ngay câu mở đầu truyện người kể chuyện đã báo hiệu một sự đổi thay của tự nhiên. Cường độ, nhịp điệu của sự đổi thay ấy được làm rõ hơn bằng sự xuất hiện liên tiếp các từ: “chợt”, “thốt nhiên”, “đột ngột”, “nhanh hơn cần thiết”,… ở các câu sau đó với một sự gấp gáp, nhanh chóng, bất ngờ, không lường trước. Khu rừng đang từ chỗ “đẹp và yên tĩnh” bỗng trở nên “tối sầm”, “hoang vắng”, “ảm đạm” gợi một nỗi “khiếp sợ”. Điểm nhìn được dịch chuyển từ bên ngoài - điểm nhìn vật lý (người kể chuyện hàm ẩn) vào điểm nhìn nhân vật (Ivan - điểm nhìn tâm lý). Khoảnh khắc giao mùa được cảm nhận qua cả năm giác quan của Ivan. Anh nhìn thấy sự chuyển mình nhanh chóng của khu rừng, bóng tối buổi chiều “đậm đặc nhanh hơn cần thiết”; anh cảm nhận được cái lạnh tê cóng nơi đầu những ngón tay, trên khuôn mặt mình; anh nghe thấy tiếng “lục bục than thở” của một vật nào đó; anh ngửi thấy mùi mùa đông đã rất gần; đặc biệt cái cảm giác “thèm ăn đến khốn khổ” sau một ngày ăn chay đã hành hạ anh rất đúng lúc. Trong cảm nhận của Ivan, cái lạnh đột ngột mà cơn gió đông mang đến đã “phá vỡ trật tự và sự thỏa thuận giữa mọi vật, khiến cho chính thiên nhiên cũng lấy làm khiếp sợ”. Trời chiều thường gợi nỗi buồn, nay lại thêm cái đói, cái lạnh bởi sự thay đổi nhanh chóng không báo trước của tự nhiên đã tác động không nhỏ đến tâm lý Ivan khiến anh có những suy nghĩ không mấy tươi sáng về cuộc đời, về kiếp người.
Trên bình diện kết cấu, các tín hiệu “rừng”, “vườn”, “lửa”, “ngày thứ sáu”, “buổi chiều giá lạnh”,... không chỉ mang ý nghĩa xác định cụ thể không gian, thời gian của truyện; xét từ góc nhìn văn hóa đây là những hình ảnh ẩn dụ trong Kinh Thánh mà Chekhov đã sử dụng để miêu tả trong truyện của mình. Sự xuất hiện của hình ảnh “lửa” và “vườn” trong không gian hoang vắng ảm đạm của khu rừng mang một ý nghĩa đặc biệt. Trong cái mênh mông vô định của bóng tối đang phủ lên khắp khu rừng, ánh lửa phát ra từ khu vườn cạnh sông nơi sinh sống của hai mẹ con bà góa đã kéo Ivan thoát khỏi cảm giác nặng nề, đưa anh tìm đến với họ. Bóng dáng cô độc của hai người đàn góa bên đống lửa gợi lại trong Ivan hình ảnh người mẹ trong nhà kho cọ rửa chiếc ấm samova và hình ảnh người cha nằm trên bếp lò ho khan lúc sáng trước khi anh ra khỏi nhà. “Ấm samova”, “bếp lò” là những hình ảnh biểu tượng của văn hóa truyền thống Nga, thể hiện sự nồng ấm trong gia đình và lòng hiếu khách của người Nga. Người phụ nữ Nga thường là người rót trà mời khách, vì thế, chiếc ấm samova thường gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, người giữ lửa trong gia đình. Như vậy “ấm samova”, “bếp lò”, đặt trong tổ chức truyện kể có sự kết nối chặt chẽ với “lửa”, “vườn”, mà sợi dây liên kết chính là hình ảnh những người phụ nữ trong câu chuyện. Điều dễ nhận thấy, “lửa” được nhắc đến không chỉ một lần trong truyện. Có lẽ, trong tâm thức của một sinh viên Thần học như Ivan, lửa “là hình ảnh đẹp nhất của Chúa Trời, gần nhất với sự toàn hảo trong tất cả các hình ảnh của Người” [2, tr.548], biểu thị cho “cách làm của các thiên thần tuân theo ý Chúa Trời” [2, tr.548]. Song trong thực tế mọi thứ tại thời điểm này, trong cảm nhận của Ivan, đang không thuận theo lẽ tự nhiên khi cái lạnh đột ngột ập tới. Nếu như “vườn” được coi là một “biểu tượng của Thiên đường trên mặt đất” [2, tr.1004] thì khu vườn của hai mẹ con bà góa không phải cuộc sống ở thiên đường, có lẽ, nó có bóng dáng của hình ảnh địa ngục thì đúng hơn, bởi trong không gian sống ấy đang tồn tại hai số phận, hai mảnh đời trớ trêu, bất hạnh. Vasilisa – người mẹ, là một “bà già cao lớn phốp pháp”, còn người con là Lukaria, khác hẳn mẹ của mình, đó là một “mụ nhà quê đặc sệt”, dáng người nhỏ bé. Vasilisa từng đi ở cho những gia đình giàu có nên ăn nói lịch thiệp, nụ cười luôn thường trực trên môi, còn Lukaria lại có khuôn mặt đần đần khiếp nhược không có lấy một chút sức sống vì luôn bị người chồng quá cố đánh đập, trông nét mặt của mụ như “nét mặt của một người câm điếc”. Số phận đưa họ trở về sống bên nhau khi cả hai mẹ con cùng chịu cảnh góa bụa. Quá khứ giờ đây đối với họ không còn gì để níu kéo, tương lai thì vô định không có gì để mong đợi, còn hiện tại thì ngưng đọng. Cuộc sống buồn tẻ của hai mẹ con trong khu vườn liệu có mối dây liên hệ nào với hình ảnh người mẹ của Ivan chân trần ngồi trong nhà kho cọ rửa ấm samova? Cái lạnh, đói của bản thân, sự thay đổi đột ngột của tự nhiên và cuộc sống cuộc sống khốn khổ của những người xung quanh đè nặng tâm trí Ivan khiến cảm thức về thời gian trong anh cũng ngưng đọng, không vận động, bế tắc. Có lẽ chính ở thời điểm này, tại không gian này, trong suy nghĩ của Ivan, cuộc đời của con người thực chất chỉ toàn nỗi buồn, tẻ nhạt. Bởi vậy, với Ivan, dòng thời gian chảy từ thời Riurik qua thời Ivan Hung đế đến thời Petr Đại đế cho đến tận bây giờ vẫn chỉ là cái nghèo đói, tàn bạo, những ngôi nhà dột nát, sự hoang vắng, nỗi buồn; và điều đáng sợ hơn cả đó là, tất cả những sự khủng khiếp này sẽ còn tồn tại cho dù hàng nghìn năm nữa có qua đi, “cuộc đời vẫn không thể khá hơn được”.
Từ điểm nhìn nhân vật, Chekhov đưa người đọc đến với câu chuyện xảy ra vào cái “đêm thứ sáu” trong Kinh Thánh như một sự kết nối. Người ta hay nói đến sự xuất hiện của những chi tiết nhỏ, vụn, thậm chí là thừa trong truyện ngắn Chekhov, song đặt nó trong sự vận động của mạch ngầm văn bản thì những chi tiết này lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vô tình hay hữu ý, thời gian truyện kể diễn ra cũng đúng vào buổi chiều tối ngày thứ sáu. Là một sinh viên Thần học, lại là con trai người coi nhà thờ chắc hẳn Ivan có ý niệm rất rõ về câu chuyện xảy ra vào buổi tối hôm đó. Chính bởi thế, không chỉ có cảnh vật hoang vắng, cô đơn, lạnh lẽo trong khu rừng mà cả cái không khí buồn đau, khủng khiếp của ngày thứ sáu trong Phúc Âm cũng đã tác động không nhỏ đến tâm trạng Ivan. Ngọn lửa trong khu vườn của hai người đàn bà góa trong cái lạnh chuyển mùa đột ngột của tự nhiên là nguyên cớ đưa Ivan đến với họ, kết nối họ với quá khứ khi mà thật ngẫu nhiên, ngay lúc này đây Ivan cũng đang đứng bên đống lửa, nó trùng hợp với thời điểm vào đúng cái đêm đông, lúc giáo đồ Petr “đang đứng sưởi” bên đống lửa ấy trong khu vườn của Chúa vào buổi chiều ngày thứ sáu lạnh giá. Câu chuyện về Thánh Petr mà Ivan kể lại với hai mẹ con bà góa không phải là chuyện phiếm giết thời gian, cốt để cho qua thì giờ mà là cách Ivan tìm sự kết nối với hai mẹ con họ. Ba lần chối Chúa của Petr, mặc dù đã được Đức Jesu dự báo trước, vẫn xảy ra, phải chăng đó là sự từ chối cái thiện, cái đẹp của con người khi cái tôi cá nhân, ích kỷ trong họ chiến thắng; phải chăng đó cũng là bi kịch của con người khi nhận ra có những lúc, những chỗ không dám đứng lên bảo vệ cái đẹp, cái thiện chỉ vì sự hèn mọn, ích kỷ của mình để rồi về sau luôn bị dày vò trong ân hận, tiếc nuối. Từ đây ta thấy xuất hiện motiv sự gắn kết thời điểm hiện tại và quá khứ, được lặp lại nhiều lần trong truyện, ở những đoạn cách nhau, một thủ pháp rất đặc trưng nơi ngòi bút Chekhov. Có thể xác định motiv này qua sự lặp lại của các tín hiệu “lửa”, “vườn”, “nước mắt” xuất hiện ở đầu truyện (hiện tại), được lặp lại hai lần ở giữa truyện (quá khứ) và cuối truyện (hiện tại) trong sự gắn kết (con người – “lửa” – Petr, con người – “vườn” – Chúa, con người – “nước mắt” – Petr). Đây là các tín hiệu có ý nghĩa kết nối quá khứ - hiện tại. Sự lặp lại của những tín hiệu này có ý nghĩa như một sự khẳng định hiện tại và quá khứ không thể tách rời, con người không thể quên đi quá khứ. Petr khi chối Chúa ba lần đã quên mất lời hứa “con nguyện theo Thầy vào ngục thất, nguyện chết cùng Thầy” (đã nói trong quá khứ); nhưng khi nghe tiếng gà gáy (ở thời điểm hiện tại), nhớ lại lời Thầy, nhớ lại lời hứa của mình, Petr cay đắng nhận ra mình đã quên quá khứ chỉ vì sự ích kỷ, giả dối của bản thân. Câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ được kể lại một cách ngẫu nhiên nhưng nó lại có một sự trùng hợp thú vị với hai mẹ con người đàn bà góa. Vaxilisa và người con gái của bà, cuộc sống với những điều vặt vãnh, những nỗi khổ đau của bản thân khiến họ dường như đã quên mất quá khứ. Chính vì thế, câu chuyện Ivan kể xảy ra cách đó mười chín thế kỷ như chạm vào miền ký ức đang ngủ quên trong hai người đàn bà, khiến họ bật khóc. Những giọt nước mắt của bà Vasilia (hiện tại) liệu có mối liên hệ gì với những giọt nước mắt cay đắng của thánh Petr (quá khứ)? Phải chăng Vasilia tìm được sự đồng cảm, sự gần gũi nơi Petr khi nhận ra được thân phận con người trước những tình huống trớ trêu, bi kịch của cuộc đời. Sự ngộ ra nơi Petr liệu có phải đó cũng là những gì mà Vasilia ngộ được sau câu chuyện của Ivan; và câu chuyện về Chúa, về môn đồ Petr của Người, phải chăng đó cũng là câu chuyện cuộc đời.
Có thể nói thủ pháp lặp không chỉ đem lại cho truyện của Chekhov nét độc đáo, khác biệt mà còn là chìa khóa giúp người đọc khám phá những mạch ngầm của tác phẩm đó là khả năng kết nối. Mặc dù cách phản ứng của hai người đàn bà về câu chuyện của Ivan hoàn toàn khác nhau, Vasilisa “nấc lên” với “những giọt nước mắt to, mọng” còn Lukaria thì “mặt đỏ bừng”, “cố kìm nén cơn đau khôn cùng”; song giữa họ gặp nhau ở một điểm chung đó là cùng có sự đồng cảm sâu sắc. Hai người đàn bà, hai thế hệ nhưng giữa họ vẫn có sự kết nối, có chung mối dây liên hệ, chung dòng cảm xúc. Ivan tìm đến họ không phải ngẫu nhiên mà chính là đi tìm sự kết nối ấy. Câu chuyện về Pert không mới đối với hai mẹ con người đàn bà góa và Ivan kể lại nó cũng không nhằm mục đích giáo huấn họ, song câu chuyện lại là một mắt xích quan trọng thực hiện vai trò kết nối quá khứ - hiện tại, kết nối tình người. Ivan và hai mẹ con bà Vaxilisa đã cùng cảm nhận, suy ngẫm. Rõ ràng Ivan đã lấy câu chuyện trong Kinh Thánh để kể, tuy nhiên anh không nói về Chúa – biểu tượng của cái đẹp, cái thiện hay Juda – kẻ phản đồ, biểu tượng của cái xấu, cái ác. Ivan chọn câu chuyện về Thánh Petr – một nhân vật không hẳn là thiện mà cũng không hẳn là ác. Thánh Petr có sự gần gũi với con người đời thường, những lỗi lầm của Petr cũng rất người, rất gần với mẹ con Vaxilisa, với Ivan và “tất cả mọi người” sống trong cái thôn hoang vắng đó. Từ những trải nghiệm của cá nhân, Ivan đã hướng đến cái lớn lao, khái quát hơn mang ý nghĩa nhân loại.
Sự xuất hiện của những câu văn đầy nhạc tính cuối truyện: “Và rồi niềm vui bỗng tràn ngập tâm hồn anh,…”, “Và cái cảm giác trẻ trung, khỏe mạnh, tràn đầy sức lực,…”, “…anh cảm thấy…”, “anh có cảm giác như…”,… cho thấy Ivan không còn cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, trên con đường trở về, vẫn là cơn gió dữ ấy, vẫn cái lạnh ấy, nhưng giờ đây với anh dường như mọi thứ đã thay đổi. Chỉ ngày kia thôi là đến Lễ Phục sinh, tâm hồn Ivan tràn ngập niềm vui. Sự phục sinh của Chúa, đó cũng là sự phục sinh tâm hồn Ivan, và có lẽ cả trong hai người đàn bà mà anh có dịp tiếp xúc trên đường. Không gian cuối truyện không còn sự ảm đạm, lạnh lẽo, hoang vắng mà có sự thay đổi về chiều kích, trở nên cao hơn, rộng hơn, xa hơn trong sự cảm nhận đầy hưng phấn của nhân vật. Điểm nhìn của nhân vật không bị giới hạn bởi bóng tối khu rừng khi Ivan thay đổi vị trí đứng, vị trí quan sát từ thấp lên cao (trong rừng – đỉnh núi), từ gần đến xa (khu vườn của hai người đàn bà góa – phía tây, nơi hoàng hôn đang dần buông). Hình ảnh “lửa” một lần nữa được lặp lại trong “màu đỏ rực của hoàng hôn” như một biểu tượng của “ánh sáng và chân lý” mà Ivan đã ngộ ra. Nếu như trước đó Ivan cảm nhận cuộc đời thật buồn tẻ, “hàng nghìn năm nữa có qua đi, thì cuộc đời vẫn không thể khá hơn được” thì giờ đây, trong ánh sáng đỏ rực của buổi hoàng hôn, anh nhận ra cuộc sống không dừng lại mà “vẫn đang tiếp tục không ngừng” bởi “anh mới hai mươi hai tuổi”. Tâm trạng bừng ngộ của Ivan khiến ta nhớ lại hình ảnh Andray trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình khi quan sát cây sồi bên đường, từ những trải nghiệm bản thân đã ngộ ra sự thật “cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt”. Cảm giác trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết với niềm hạnh phúc không diễn tả nổi đã xua tan sự chán chường, tuyệt vọng đem lại cho Ivan cái nhìn đầy lạc quan “cuộc đời thật tuyệt vời, huyền diệu và tràn đầy ý nghĩa”. Niềm hạnh phúc ấy đã giúp anh nhận ra “sự thật và cái đẹp định hướng cho con người”. Sự thật và cái đẹp mà Ivan đi tìm ở đây chính là hơi ấm tình người, thứ không chỉ cần thiết trong cái lạnh giá của buổi đầu đông mà đó còn là “điều chủ yếu nhất” trong cõi nhân gian, có khả năng kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, có khả năng kết nối con người với con người. Không chỉ có vậy, cái đẹp mà Ivan hướng tới đó chính là niềm tin, khát vọng sống đang trỗi dậy trong anh. Có thể nói, tình cảm tôn giáo trong sáng nơi Ivan đánh thức trong anh khát vọng đổi thay, đánh thức trong anh những suy nghĩ lạc quan về cuộc đời. Ta gặp lại hình ảnh khu vườn của hai mẹ con người đàn bà góa một lần nữa xuất hiện ở cuối truyện, trong cái nhìn của Ivan, nó không còn gắn với nỗi buồn, sự bế tắc mà trở thành biểu tượng cho “một ước mơ về thế giới” [2, tr.1006] với những điều tốt lành.
3. Kết luận
Văn học Nga hiện thực Nga thế kỷ XIX đã cống hiến cho độc giả nhiều thế hệ những kiệt tác sống mãi với thời gian. Các nhà văn mỗi người một hành trình sáng tác, một số phận, một phong cách nhưng họ đều tìm đến đích chung đó là khám phá, mô tả sự thật và cái đẹp. F.M. Dostoyevsky từng khẳng định trong tiểu thuyết Thằng ngốc rằng “cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, “cái đẹp là lý tưởng”. Còn L.Tolstoy thì tuyên bố trong tập truyện Sevastopol “nhân vật trong truyện của tôi, nhân vật mà tôi tha thiết yêu và cố gắng tái tạo trong tất cả vẻ đẹp của nó, nhân vật luôn luôn đã đẹp, đang đẹp và sẽ đẹp, đó là sự thật”. Tuyên ngôn nghệ thuật của Chekhov “sự thật và cái đẹp định hướng cho con người” được ông thể hiện trong truyện ngắn Sinh viên thêm một lần khẳng định giá trị của chân lý nghệ thuật mà các nhà văn Nga suốt đời theo đuổi, cho dù con đường đi tìm chân lý đầy chông gai, thử thách, thậm chí phải trả giá đắt. Khám phá giá trị thẩm mĩ truyện ngắn Sinh viên từ góc nhìn văn hóa giúp chúng ta chỉ ra được sự độc đáo trong cái nhìn của nhà văn về cuộc sống cũng như sự tiếp thu và thể hiện những giá trị văn hóa trong tác phẩm của ông. Câu chuyện mà Chekhov kể thật giản dị, quá khứ – hiện tại được kết nối với nhau trong mạch ngầm văn bản, thông qua đó nhà văn khơi gợi độc giả khát vọng đổi thay cuộc sống. Với Chekhov, nghệ thuật là sợi dây kết nối con người, kết nối cuộc sống, vì thế có thể coi truyện ngắn Sinh viên dưới ngòi bút thâm trầm, kín đáo của nhà văn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh kết nối con người trên hành trình đi tìm sự thật và cái đẹp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Các trích dẫn trong bài viết được lấy từ bản dịch truyện ngắn Sinh viên của Đào Tuấn Ảnh in trong Tạp chí văn học nước ngoài (2004), số 4, tr.107 – tr.110.
[2] Jean Chevalier – Alain Gheerbrant (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (người dịch: Phạm Vĩnh Cư chủ biên), Nxb Đà Nẵng.
[3] Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc: Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, NXB Khoa học xã hội 2017, tr.123 – 128.