TS. Lương Thị Hồng Gấm
1. Mở đầu
Kết thúc giữ một vai trò rất quan trọng trong kết cấu của một cốt truyện truyện ngắn. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều tác phẩm thành công và sống mãi trong lòng độc giả “trên cơ sở dòng cuối cùng” (E.A. Poe). Do vậy, khi viết truyện ngắn, “phải trau chuốt đoạn kết” với mục đích “làm độc giả ngạc nhiên” (Jean–Christophe Duchon–Doris) đã trở thành một phương châm sáng tác được rất nhiều cây bút tâm đắc.
Theo nguyên tắc truyền thống, nhiều tác giả truyện ngắn vẫn trung thành khi cho rằng “Trong một truyện ngắn phải có những luận cứ để câu chuyện đứng vững, và phải “gỡ nút” để câu chuyện kết thúc” [Dẫn theo 2, tr.16-17]. Điều này tương ứng với việc khẳng định truyện ngắn là một câu chuyện có đầu có cuối, trong đó vấn đề đưa ra cuối cùng phải được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, quan niệm đó đã dần thay đổi. Khi vai trò “đồng sáng tạo” của độc giả được đề cao thì cũng đồng nghĩa với việc các nhà văn hiện đại cần phải thay đổi nhiều trong cách viết. Trong đó, xử lý phần kết truyện một cách đa dạng, linh hoạt, hấp dẫn, kích thích tư duy sáng tạo của độc giả thông minh cũng là một vấn đề được các cây bút đặc biệt quan tâm. Với những nhà văn hậu hiện đại như Tobias Wolff, “nơi tác phẩm kết thúc là nơi cuộc sống bắt đầu” chính là đặc trưng đã gắn liền với mỗi truyện ngắn của ông. Thay vì việc đóng khung câu chuyện ngay sau khi câu kết xuất hiện, kết thúc trong mỗi truyện ngắn của Wolff lại giống như một sự khởi đầu. Một trong những biểu hiện tạo nên đặc điểm ấy chính là kiểu kết thúc bất ngờ.
2. Nội dung nghiên cứu
Một kết thúc bất ngờ (surprise ending) được coi là một “vòng xoắn cốt truyện” (plot twist) xảy ra gần hoặc ở phần cuối của một câu chuyện: một kết luận bất ngờ đối với một tác phẩm hư cấu khiến cho khán giả phải đánh giá lại về câu chuyện hoặc các nhân vật.
Trong một số truyện ngắn của Tobias Wolff, từ đầu đến khi câu chuyện gần kết thúc, độc giả cứ ngỡ như mình đã chứng kiến và đoán biết tương đối rõ ràng về diễn biến truyện cũng như tâm lý, tính cách của nhân vật. Nhưng nếu tất cả mọi vấn đề đều rõ ràng xuyên suốt toàn bộ câu chuyện thì có lẽ Tobias Wolff đã không có được những truyện ngắn tối giản thành công đến vậy. Điều ngạc nhiên mà Wolff đem đến cho người đọc ở những câu chuyện này là những kết thúc bất ngờ nằm ở chính những dòng cuối, và nếu có thể, vào câu cuối, thậm chí vào những từ cuối truyện. Nhà văn đã rất khéo “đánh lừa” cảm xúc và suy đoán của người đọc bằng những phương cách kết cấu cụ thể để lôi cuốn sự chú ý của người đọc, đẩy nhanh những thắc mắc, hoài nghi của độc giả đến cực điểm, rồi ngay sau đó đưa ra một kết thúc không thể ngờ tới. Kết thúc đó tưởng như không hề logic nhưng lại là một tất yếu ẩn ngầm. Nó khiến cho câu chuyện chẳng những không “đóng” lại một cách đơn thuần mà lại giống như một “cánh cửa mở” dành cho độc giả. “Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, một kết thúc bất ngờ bao giờ cũng chứa đựng kịch tính và sự thú vị, đặc biệt sẽ gây ấn tượng và sự liên tưởng sâu xa, tạo cho tác phẩm có vang hưởng” [1, tr.57].
Tiêu biểu cho kiểu kết thúc này trong truyện ngắn của Tobias Wolff trước hết phải kể đến Thợ săn trên tuyết. Truyện kể về cuộc đi săn nhiều căng thẳng và không mấy vui vẻ của ba người bạn với ba tính cách khác nhau: Tub, Kenny và Frank. Để có thể săn bắn trong khu rừng, Kenny đã vào bên trong trang trại để xin phép người nông dân. Người nông dân đồng ý nhưng yêu cầu Kenny hãy thay ông ta bắn chết con chó đã quá già yếu của mình. Kenny đã thực hiện điều đó khiến cho cả Frank và Tub đều sửng sốt. Như một tai nạn, Tub đã lỡ bắn trúng vào bụng Kenny khi Kenny quay sang và tỏ thái độ ghét Tub. Ngay lập tức, Frank và Tub vội vàng đưa Kenny đến bệnh viện. Họ để Kenny nằm ở phía sau của xe tải và bảo anh phải liên tục nói rằng mình sẽ đến bệnh viện. Trên đường đi, do lạnh quá nên Frank và Tub đã dừng lại một quầy bar để làm ấm mình lên bằng cà phê và đồ ăn. Tại đây, họ đã trò chuyện và cùng thú nhận với nhau những bí mật đen tối nhất của mình. Khi quay lại chiếc xe tải, cả ba lại tiếp tục cuộc hành trình đến bệnh viện. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như bị đảo lộn hoàn toàn ở những câu cuối cùng: “Khi chiếc xe chạy vòng qua những quả đồi uốn lượn, những ngôi sao cũng chạy qua chạy lại giữa hai mũi giày của Kenny nhưng không bao giờ ra khỏi tầm nhìn của cậu ta. “Mình sẽ đến bệnh viện”, Kenny nói. Nhưng cậu ta đã nhầm. Ở cách đây một quãng xa, họ đã rẽ nhầm một lối khác” [3, tr.62].
Những dòng cuối, đặc biệt là ở những chữ cuối cùng của câu chuyện đã đem đến cho người đọc một cái giật mình. Đây là một kết thúc hoàn toàn bất ngờ xen lẫn sự hoang mang, lo lắng cho số phận thực sự của Kenny. Cũng từ cách kết thúc bất ngờ này mà câu chuyện chẳng những không được “xuôi chèo”, “đóng” lại mà còn bị lật ngược trở về ban đầu. Từ đây, người đọc phải lần giở lại diễn biến của câu chuyện và mối quan hệ giữa ba người bạn để truy tìm lời giải cho những băn khoăn, thắc mắc của mình. Những tưởng tình bạn giữa Kenny, Frank và Tub sẽ ngày càng gắn kết, mọi mâu thuẫn rồi sẽ được hòa giải sau tai nạn bất ngờ này, nhưng thực tế lại khác xa với dự đoán của người đọc, thậm chí sự việc và mối quan hệ ấy sẽ bị đẩy đến mức tồi tệ hơn bao giờ hết. Thông thường, nếu ở trong hoàn cảnh của Frank và Tub, hầu hết mọi người sẽ tìm cách đưa Kenny đến bệnh viện sớm nhất có thể. Tuy nhiên, sự việc hai người bạn này dừng lại và bước vào quán bar để làm ấm mình lên, thậm chí lại dành rất nhiều thời gian chia sẻ những bí mật riêng tư với nhau trong khi Kenny đang rất nguy kịch thật là bất thường. Điều đó chứng tỏ cả Frank và Tub đều không quan tâm cho lắm đến sự sống chết của anh bạn Kenny. Họ luôn nghĩ đến mình đầu tiên. Trên thực tế, trước đó Kenny luôn luôn tỏ rõ mình là một kẻ mạnh, thích trêu trọc hai người bạn và cảm thấy thích thú khi động chạm đến những điều đáng xấu hổ của họ. Trò đùa của Kenny cứ tiếp diễn cho đến khi anh ta bị bắn. Đến lúc này, từ một kẻ mạnh, Kenny phải hoàn toàn phụ thuộc vào Frank và Tub. Giống như một sự đáp trả, Frank và Tub ngay lập tức đã gắn kết với nhau, bỏ mặc Kenny, thậm chí họ còn lấy nốt chiếc chăn mỏng manh vốn đắp cho anh bạn tội nghiệp chỉ vì anh ta không thể giữ nổi nó, để gió lạnh cuốn xuống dưới chân. Chừng ấy thôi đã đủ thấy việc chiếc xe rẽ nhầm một hướng khác xuất phát từ sự vô tình hay vô tâm, vô cảm rồi. Cũng có thể, đó lại chính là một sự cố tình. Tình bạn bị đổ vỡ là rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn, câu chuyện như ngầm nhắc nhở tới một hiện thực nghiệt ngã trong xã hội kim tiền: khi kẻ mạnh không còn “mạnh” nữa, tất yếu anh ta sẽ bị đào thải. Đó cũng được xem là một gợi ý cho người đọc khi phán đoán về số phận cuối cùng của anh bạn Kenny. Và rõ ràng, nếu không có câu cuối cùng gây bất ngờ trên, câu chuyện cũng sẽ chẳng bao giờ mở ra cho người đọc vạch tìm từng vỉa tầng ý nghĩa sâu xa đến vậy.
Có hay không cũng là một truyện ngắn đem đến cho người đọc những bất ngờ và hoang mang đầy thú vị ở những dòng chữ cuối cùng. Câu chuyện diễn ra trong hoàn cảnh một cặp vợ chồng đang cùng nhau rửa bát và tranh luận về việc người da trắng có nên lấy người da đen hay không. Trong khi người vợ cho rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu họ yêu nhau thực sự thì người chồng lại liên tục phủ nhận với nhiều lý do. Khi người chồng trả lời rằng sẽ không cưới nếu vợ là người da đen, người vợ đã rất giận. Để xoa dịu vợ, anh ta tỏ ra hối hận và xin lỗi vì mình đã nói như vậy. Không khí dần bớt căng thẳng. Nghe lời vợ, anh chồng chui vào giường, cởi quần áo, tắt điện và chờ đợi. Câu chuyện kết thúc vẫn trong sự chờ đợi ấy, nhưng:
“Căn phòng yên lặng. Tim anh đập mạnh giống hệt như đêm đầu tiên của hai người, và nó vẫn đập mạnh khi anh giật mình vì một âm thanh trong bóng tối, cũng như trong lúc anh chờ đợi để nghe lại nó – âm thanh của một ai đó đang di chuyển trong căn nhà, âm thanh của một người lạ” [3, tr.186].
“Âm thanh của một người lạ” vang lên ở tận cuối câu chuyện bất ngờ tạo nên một cảm giác gai người, giật mình, hoang mang không chỉ với người chồng mà với cả người đọc. Những tưởng sau lời xin lỗi của anh chồng, cô vợ sẽ chấp nhận và nguôi ngoai khi nói rằng: “Để xem đã… Anh vào giường đi. Em sắp xong rồi” [3, tr.185]. Cả người chồng và độc giả đều đinh ninh và chờ đợi một cuộc làm tình như chưa hề có những căng thẳng, dỗi hờn. Và đó hẳn cũng sẽ là một kết thúc “có hậu”, theo đúng như dự đoán, hợp với trình tự logic của những lời nói và hành động. Ấy vậy mà vài chữ cuối cùng như có “sức nặng ngàn cân”, lật ngược tất cả, để thay vì tâm lý thoải mái, tự tin, người đọc và chắc hẳn là cả anh chồng đều bị bất ngờ xen lẫn cả tâm trạng đầy hoài nghi, lo lắng. Cách kết thúc gây bất ngờ này đã buộc người đọc phải nhìn nhận lại mối quan hệ của cặp vợ chồng trong câu chuyện. Một sự đổ vỡ ngầm diễn ra trong mối quan hệ này. Giữa họ dường như đã có một khoảng cách không thể nào hàn gắn, không thể nào dung hợp. “Âm thanh của một người lạ” ở đây, có thể xuất phát từ chính người vợ, nhưng nó đã khước từ mọi phản hồi từ phía người chồng. Đơn giản vì chúng đang đi ngược nhau, đối kháng nhau.
Tương tự như với Thợ săn trên tuyết và Có hay không, những truyện ngắn như Người anh giàu có, Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ cũng đều được kết cấu theo lối tạo bất ngờ ở phía cuối câu chuyện. Trong Người anh giàu có, người ta những tưởng Pete sẽ hoàn toàn bỏ mặc Donald, hoàn toàn mặc kệ cậu em trai tội nghiệp, dại dột nhưng cứng đầu, vì quá tin người mà bị lừa đảo. Tuy nhiên, những dòng cuối câu chuyện lại hé lộ điều ngược lại:
“Và cứ như thế, vừa mỉm cười, vừa gật gù theo tiếng nhạc, anh lái thêm một hai dặm và giả vờ như anh đã không đi chậm lại, rằng anh sẽ không quay xe, rằng anh sẽ có thể cứ đi tiếp như thế này một mình và sẽ có câu trả lời thích đáng khi vợ anh đứng đối diện anh ở cửa ra vào của căn nhà họ và hỏi, “Cậu ấy đâu rồi? Em trai anh đâu?” [3, tr.118]
Sẽ có nhiều độc giả “thở phào nhẹ nhõm” khi Pete thực tế đã quay xe trở lại để đón Donald. Vì sao ư? Vì họ là anh em ruột thịt, dù có đối lập hoàn toàn về tính cách, lối sống, suy nghĩ thì cũng không bao giờ từ bỏ được nhau. Thiết nghĩ, đó có thể xem là một cái kết “có hậu”, xem ra đã thỏa mãn người đọc và có thể đóng lại như biết bao câu chuyện khác. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lại vấn đề, cách kết thúc bất ngờ này lại không hẳn muốn hướng đến một kết quả vẹn tròn như vậy. Ngược lại, nó lại đặt ra cho người đọc những vấn đề ngầm ẩn từ sâu bên trong con người Pete. Tại sao anh ta phải “giả vờ như…”, “rằng anh sẽ… rằng anh sẽ…”? Ẩn sâu bên trong con người lúc nào cũng dư dả về tiền bạc, có một nghề nghiệp đáng nể, một gia đình hạnh phúc ấy là đầy rẫy những mặc cảm, phiền muộn và nhất là sự tự lừa dối. Trên thực tế, sung sướng, hạnh phúc chỉ là cái vỏ bề ngoài. Ngay từ khi còn nhỏ, Pete đã luôn phải chịu đựng thái độ thiên vị của cha mẹ dành cho hai anh em. Nếu như Donald lúc nào cũng được bênh vực, chiều chuộng thì Pete lại luôn phải lắng nghe những lời nặng nhẹ, và đương nhiên, lúc nào cũng phải nhường nhịn em mình. Trên thực tế, đây cũng là tâm lý chung của biết bao đứa trẻ sau khi có em, cũng xuất phát từ sự thiếu tâm lý của trong cách đối xử tình cảm với các con của cha mẹ. Sự ghen tị kết hợp với tâm lý lúc nào cũng phải nhường nhịn đã trở thành một thái độ miễn cưỡng trong hành động của Pete với Donald, từ khi hai anh em còn nhỏ cho đến tận bây giờ. Việc buộc phải “giả vờ như” không quay lại đón em trai ở cuối câu chuyện trên chính là một minh chứng rõ rêt. Đồng thời, đây cũng là một ví dụ để khẳng định rằng con người ta luôn buộc phải sống vì nghĩa vụ và trách nhiệm với người khác, nhất là trong các mối quan hệ tình thân mà đánh mất đi cái “tôi” của chính mình.
Kết thúc truyện ngắn Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ cũng là một lối kết gây bất ngờ lớn cho không chỉ người đọc mà với cả các nhân vật khác trong truyện. Câu chuyện kể về nhân vật Mary, một giáo viên sử học luôn thu mình vào một vỏ bọc an toàn bằng việc chỉ nói và làm bằng những lý lẽ và luận cứ của người khác. Sau khi trường học của cô bị phá sản, suốt một thời gian dài, cô đã không thể xin được một công việc nào tử tế. Cho đến khi Mary nhận được lá thư mời dạy của Louise cho một trường đại học nổi tiếng, một cơ hội tuyệt vời dường như đã được mở ra. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Mary nhận ra rằng những người mời cô đến phỏng vấn ấy không hề có ý định tuyển dụng cô mà chỉ đưa cô tới đó cho đúng quy định. Người được tuyển vốn dĩ đã được chỉ định rồi. Dù vậy, Louise vẫn yêu cầu Mary phải tiếp tục buổi giảng thử bởi “Nó là một phần của cuộc phỏng vấn mà”. Buổi giảng thử cũng chẳng có gì ghê gớm bởi Louise đã chuẩn bị cho Mary một cặp giấy, cô chỉ việc đọc lại lời của người khác giống như điều cô đã từng làm và luôn làm trước đó. Theo phán đoán của người đọc, một con người luôn sống cẩn trọng quá mức, an toàn tới mức giả dối, không bao giờ dám nói lên ý kiến của bản thân vì sợ làm mất lòng người khác như Mary thì dù không muốn, cũng sẽ làm theo yêu cầu cuối cùng cho cuộc “tuyển dụng” ấy. Và đương nhiên, chính Louise cũng phán đoán được điều đó nên mới chọn Mary như một kẻ ngu ngốc để lợi dụng trong kế hoạch vô bổ và trái đạo đức của họ.
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như mọi diễn biến cuối cùng xảy ra đúng như dự đoán của người đọc và của cả Louise, hoặc có chăng, chỉ đọng lại một chút thương hại xen lẫn chút đáng trách dành cho Mary, một con người không có chính kiến, giả tạo và tẻ nhạt. Song, hoàn toàn ngược lại, câu chuyện lại chuyển hướng một cách bất ngờ ở phần cuối khiến không chỉ cả “Hội đồng” những vị giáo sư, tiến sĩ đến dự buổi giảng thử mà ngay cả người đọc cũng phải kinh ngạc trước hành động của Mary. Cô hoàn toàn “lột xác”, không giống như “chính mình” mà người ta thường thấy trước kia nữa. Mary từ chối cặp giấy mà Louise đã đưa cho, cô quyết định “phiêu” bằng chính những lời lẽ của chính mình chứ không phải của bất kỳ một người nào khác nữa. Trong cuộc “phiêu” ấy, điều mà Mary khiến cho độc giả và tất cả mọi người phải bất ngờ và hỗn loạn là cô tự kể một câu chuyện rất rùng rợn về cái chết của hai vị linh mục dòng Tên: Jean de Brébeuf và Gabriel Lalement. Mượn lời của hai vị linh mục, Mary cũng không tiếc lời đả phá vào sự giả dối của con người, giống như một đòn tấn công mà cô đáp trả những kẻ đã nhẫn tâm đùa giỡn trên sự nghiêm túc thực sự của cô trong đợt tuyển dụng này. Cách kết thúc bất ngờ ấy khiến cho tất cả mọi người phải nghĩ khác về Mary và dĩ nhiên là cũng phải suy ngẫm kỹ càng hơn về cuộc đời. Dĩ nhiên, bằng bút pháp tối giản của mình, Tobias Wolff hoàn toàn có quyền dừng lại ở đó, mọi bình luận và khai phá ý nghĩa hàm ẩn phía sau kết thúc bất ngờ này sẽ tuyệt đối dành cho người đọc.
Điểm chung trong những truyện ngắn có kết thúc bất ngờ của Tobias Wolff là các sự kiện thường được thuật lại theo trật tự thời gian tuyến tính và tất cả đều nhắm đến một kết thúc không ngờ tới và tưởng như không thể đảo ngược. Với những câu chuyện có kết thúc đóng trong truyền thống, tác giả thường đưa ra một kết luận mang tính áp đặt và độc giả phải chấp nhận phương án đó. Nhưng bằng bút pháp tối giản, Tobias Wolff lại tạo ra những kết truyện tưởng như đã “đóng” rồi mà lại lật tung tất cả, “vẫy gọi” sự “vào cuộc” thật sự nhiệt tình của độc giả, buộc độc giả phải đọc lại tác phẩm, suy ngẫm và kiểm chứng mức độ hợp lý của chúng trong văn cảnh cũng như trong thực tế đời sống mà anh ta đã trải nghiệm.
3. Kết luận
Đọc truyện ngắn của Tobias Wolff, có một điều đặc biệt là tuy được xem là một cây bút tối giản, nhưng không ít tác phẩm của ông lại đem đến cảm giác về sự tỉ mỉ, kỹ càng khi tác giả kể về nhân vật hay sự kiện nào đó, khác với lối viết giản lược thấy rõ của những nhà văn cực hạn nổi tiếng như Ernest Hemingway, Raymond Carver… Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, sự tản mạn và kỹ càng ấy nhiều khi lại là một cách “đánh lừa” tinh vi của Wolff, khiến cho người đọc khi đọc đến gần hết câu chuyện, tưởng như sẽ nắm được tất cả nội dung vấn đề, song thực chất cuối cùng lại hoàn toàn mơ hồ, trống rỗng và rất khó hiểu. Rõ ràng, mỗi nhà văn tối giản lại xây dựng cho mình một bút pháp riêng trong việc thể hiện nghệ thuật tối giản. Riêng với Tobias Wolff, đi từ tỉ mỉ, chi tiết rồi kết thúc bất ngờ, mơ hồ là cách mà nhà văn lựa chọn.
Chỉ là những kết thúc ngắn gọn, có khi rất đột ngột nhưng Tobias Wolff lại tạo ra sức nặng lớn, khiến cho người đọc phải “đứng ngồi không yên” với hàng loạt câu hỏi, giải pháp, diễn biến được đặt ra. Đây chính là một trong những đặc trưng rõ nét của nhà văn trong việc thể hiện bút pháp tối giản ở cuối mỗi câu chuyện. Từ đó, vai trò đồng sáng tạo của độc giả được đề cao hơn bao giờ hết, và Tobias Wolff cũng thật tài tình khi sử dụng thành công bút pháp tối giản của mình cho thành phần kết thúc của cốt truyện.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Bùi Việt Thắng (1999), Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội.
[2]. Phạm Thị Thật (2009), “Các nhà văn Pháp đương đại và thi pháp truyện ngắn”, Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN, Ngoại ngữ, số 25.
[3]. Tobias Wolff (2011), Chuyện chúng ta bắt đầu (Our story begins) (Phan Việt dịch), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc – Nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, Trường ĐHSP Hà Nội 2, trang 94-98.