Nhân vật nữ trở thành hiện tượng của văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XVIII-XIX. “Cái đối tượng mà nền văn học cũ không dám nhắc đến, thì nay trở thành thần tượng của nền văn học mới. Người đàn bà xuất hiện ở mọi nơi, trở thành vị nữ hoàng mà hào quang và uy tín lấn át mọi thần tượng khác”
[1]. Trong xu thế “thần tượng”, “hào quang”, “uy tín” đó, các tác giả văn chương thế kỉ XIX phần nhiều trân trọng, ngợi ca, đề cao phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói ngược dòng. Điều này thể hiện rõ trong tiểu thuyết chương hồi lịch sử
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái.
Trước đây
, Phạm Tú Châu đã có bài viết:
Nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí[2]. Tác giả thống kê, phân tích khá sâu sắc, chi tiết nhiều nhân vật chính và khẳng định: “Là người phụ nữ phong kiến, sống chật hẹp trong gia đình vương giả, lại ở thời điểm chế độ xã hội suy tàn đến cùng cực, phe phái nổi lên thanh toán lẫn nhau, giành giật địa vị thống trị, cho nên những nhân vật nữ ấy dưới triều Lê- Trịnh được phản ánh trong tác phẩm không thể là những nhân vật tích cực, và cũng không thể đòi hỏi họ phải là những nhân vật tích cực. Họ bị hư hỏng, méo mó để rồi không thấy gì xa rộng hơn là quyền lợi ích kỉ của bản thân mình, con cái mình, đến mức thẳng tay thanh toán lẫn nhau, chẳng kể họ hàng ruột thịt. Sự thông minh sáng suốt, lòng trung trinh và tài cán của họ chỉ để giúp cho bè này hay phái nọ trong cuộc chiến phi nghĩa mà thôi”
[3]; “cuốn sách cho thấy người phụ nữ thường ở địa vị phụ thuộc, thấp kém, không có quyền làm chủ cuộc đời. Họ sống trong giàu sang, nhưng nghèo về kiến thức. Có thể một số người cũng học hành và giỏi thơ văn như Ngọc Hân nhưng tác giả nhà nho thường coi điều đó cũng như một món đồ trang sức của phái nữ mà thôi”; “Nếu họ có quyền hành gì thì cũng là nhờ sự che chở, thiên ái của đàn ông; nếu họ được công nhận là sáng suốt thì cũng ngoài ý định của nam tác giả. Nhìn chung, người phụ nữ là con bài trên ván cờ của nam giới”. Cuối cùng tác giả khẳng định: “Dù sao, tác giả
Hoàng Lê nhất thống chí cũng cho thấy thời nào và trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có những người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, thông minh, sáng suốt, can đảm, cứng cỏi, thủy chung, yêu chồng yêu con...”
[4].
Theo chúng tôi, những trang phân tích về các nhân vật nữ của Phạm Tú Châu công phu, sắc sảo, chi tiết. Tuy nhiên, do dành cho các nhân vật nữ tình cảm nhân hậu, yêu quý; cho họ là những nạn nhân của lịch sử... nên tác giả chưa nói hết quan điểm của Ngô gia văn phái. Bài viết này kế thừa kết quả nghiên cứu của Phạm Tú Châu, đồng thời thẳng thắn bày tỏ một quan điểm:
Ngô gia văn phái đã nhìn nhận đàn bà theo nhãn quan của nhà nho truyền thống. Đàn bà với họ là thói thường, tham bạo, độc địa...; đàn bà là nguyên nhân gây họa đảo điên rường cột; trông vào đàn bà là ra thời loạn.Theo kết quả chúng tôi thống kê được,
Hoàng Lê nhất thống chí có khoảng 20 nhân vật nữ trên tổng số gần 400 nhân vật của tác phẩm (5%). Đó là thái hậu, hoàng hậu, tuyên phi, thiếp, cung nữ, cung nhân... Các nhân vật này “hầu hết đều thuộc tầng lớp trên. Họ nếu không phải là lá ngọc cành vàng thì cũng là những quý phu nhân vợ con nhà quan, hoặc nữa là những hạt mưa sa vào chốn gác tía lầu son như phi tần, cung nữ”
[5]. Trong số này, số đàn bà đáng kính theo quan điểm của Nho giáo không nhiều, chỉ có hai người tiết liệt, trung trinh, đó là người thiếp Phạm Thị Thuấn (của viên tiểu tướng Ngô Cảnh Hoàn) và hoàng phi Nguyễn Thị Kim (của vua Lê Chiêu Thống). Đây là hai người đàn bà đã tuẫn tiết theo chồng. Với hoàng phi Nguyễn Thị Kim, “Tác giả dành nhiều câu chữ trang trọng với tình cảm ngậm ngùi để miêu tả lại việc “tuẫn tiết” theo chồng mà theo ông là rất đáng ngợi ca của hoàng phi Nguyễn Kim. Bởi vậy, tác giả mới không quản dài dòng vụn vặt chép lại cả bài
Tiêu cung tuẫn tiết hành dài hơn 120 câu để khen bà, trong lúc đó có nhiều sự việc quan trọng khác lại bị ông bỏ qua. Người đọc ngày nay không đánh giá bà phi này quá cao như vậy. Đó cũng là điều tác giả không ngờ tới”
[6]. Còn lại, kể cả công chúa Ngọc Hân, đều là những người đàn bà đáng khinh, đáng sợ.
1. Đàn bà - những thói thường dị tởmĐàn bà trong
Hoàng Lê nhất thống chí có rất nhiều thói xấu.
Trước hết là tật cậy được sủng ái mà trở nên ngang tàng, quá quắt. Đặc điểm này khiến cho đàn bà xưa vốn cam chịu, nhẫn nhục nhưng hễ được yêu chiều chút là biến đổi, lên mặt, đòi làm mưa, làm gió. Với những người đàn bà đẹp thì “hồng nhan họa thủy”! Điển hình cho lối này là Đặng Thị Huệ. Đặng Thị Huệ vốn chỉ là một thị tì, cung kính mang trà tới hầu chúa. Từ khi được nhà chúa chiều chuộng, ả trở nên lộng hành. Chúa chỉ mới nhắc nhẹ: “Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát!”, Thị Huệ đã “ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng: - Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy? Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa”. Sự vô phép của ả ngày càng quá thể. “Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa”. Được yêu chiều rồi, ả chưa thỏa. Ả tiếp tục muốn có địa vị, có danh vọng. Ả ép chúa và tìm mọi cách để đạt dục vọng của mình.
Đàn bà còn là những kẻ tâm địa nhỏ mọn, đầu óc hạn hẹp, chỉ biết tư lợi, ích kỉ. Ngô gia văn phái đã chọn công chúa Ngọc Hân để cụ thể thói xấu này. Ở đây, chúng tôi không cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu. Công chúa Ngọc Hân không thuộc “những trang vui”
[7] của tác phẩm. Ngược lại, “Khi Bình hỏi đến nhân phẩm của hoàng tự tôn như thế nào, công chúa chưa thoát khỏi thói thường của người đàn bà, nghĩ bụng anh thân hơn cháu, lại sợ hoàng tự tôn sẽ cướp mất ngôi của Sùng nhượng công, bèn đáp:- Nhân phẩm của hoàng tự tôn cũng tầm thường thôi!”.
Vì tâm địa, đầu óc nhỏ mọn như thế, nên khi làm những việc lớn, đàn bà vẫn thể hiện kiểu của đàn bà như dân gian mai mỉa: “đàn ông nông nổi giếng khơi/ đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Bằng chứng là: “Thánh mẫu thái tôn (tức là mẹ Trịnh Sâm) mưu phế nhỏ, lập lớn” nhưng do làm kiểu đàn bà nên không được việc: “Nguyên việc bỏ con lớn lập con nhỏ, thánh mẫu vốn không hài lòng, vì vậy khi được nghe mưu toan ấy, thánh mẫu đã thấy hợp ý ngay. Nhưng dẫu sao cũng chưa thoát khỏi chí khí đàn bà, thánh mẫu sợ nhỡ công việc bại lộ, quốc cữu sẽ bị vạ lây; nên muốn hãy ngầm dỗ dành quận Huy để hắn đưa thế tử Tông lên quyền ngôi chúa cho khỏi sinh biến”... Những cung cách này khiến cho người đọc ngán ngẩm về tầm nhìn ngắn ngủn dẫn đến việc xử lí tình huống, cách thức dùng người quẩn quanh, nông cạn của những người đàn bà quyền lực trong cung vua phủ chúa đương thời.
Cũng do những thói thiển nghĩ, đàn bà đã bị kẻ nham hiểm lợi dụng, biến thành con bài, thành công cụ cho những canh bạc chính trị.
Hoàng Lê nhất thống chí thuật lại: “lúc công chúa Ngọc Hân mới về với Bình, Bình đã hỏi công chúa về đức tính của các vị hoàng tử. Người nào thế nào, công chúa cũng đều kể thật với Bình”. Với chi tiết này, công chúa Ngọc Hân thực “ngây thơ” như nàng Mỵ Châu? Tình hình trong ngai vàng điện ngọc vốn phải được coi là bí mật quốc gia thì qua nàng công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ - người mà nhà Lê bấy giờ coi là giặc- đã nắm được hết ngọn ngành. Kế của Nguyễn Hữu Chỉnh bày cho vua vua Lê Hiển Tông “cống” Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để đổi lấy hòa bình, giao hảo phải chăng đã thành chuyện “lợi bất cập hại”?
Cùng với công chúa Ngọc Hân, nhiều người đàn bà khác cũng bị sử dụng với mục đích “tay chân”, “mật thám” như vậy. Nguyễn Huy Bá sai con dâu cả vào làm đày tớ cho Thị Huệ; rồi thường nhặt nhạnh những chuyện chơi bời đùa nghịch của Tông, xui con dâu kể lại cho Thị Huệ để nịnh nọt, lấy lòng... “Công chúa vợ quận Huy, ngày đêm ra vào trong phủ luồn lọt Thị Huệ; Thị Huệ mới đem việc kín nói cho công chúa nghe. Quận Huy trong dạ không yên, dâng thư xin về triều”... Những dẫn chứng như vậy đủ rõ đàn bà trong
Hoàng Lê nhất thống chí chỉ thấy bề mặt, không nhận ra được chiều sâu bên trong của những mưu mô, thủ đoạn chính trị của giới đàn ông quân tướng.
Thêm nữa, tâm địa đàn bà đen tối, giả dối khó lường. Chúa Trịnh Sâm đã trở nên đáng thương, bi hài vì không hiểu được lòng dạ đàn bà. Ngô gia văn phái đã có “sự kết hợp hài hòa giữa lối
bao biếm của bút pháp
xuân thu với truyền thống trào phúng của văn học dân gian Việt Nam và cái nhìn sắc sảo của một người thiệp liệp uyên thâm, “lạnh lùng” mổ xẻ”
[8], khắc họa tài tình cảnh Trịnh Sâm hấp hối. Bấy giờ thánh mẫu vào thăm, “ý muốn nói đến ngôi thế tử, nhưng vì có Thị Huệ ở đấy nên cũng khó hé răng, dùng dằng mãi chưa ra”, bà “sụt sịt, nức nở”. Vậy mà chúa lại khẩn khoản xin: “- Con xin chắp tay cúi đầu lạy mẹ. Nay con chẳng may xấu số, không được thờ mẹ cho đến cùng. Nghĩ đến đạo hiếu chưa tròn, ruột gan con đau như dao cắt. Xin mẹ hãy ngự giá về cung, cố ăn ngủ cho thảnh thơi, đừng nghĩ gì đến con mà đau lòng mẹ”, “- Mẹ quá thương con, không nỡ dứt tình mà đi. Con trông thấy mẹ cũng đau lòng không thể nhắm mắt. Vậy cúi xin mẹ hãy ngự giá về cung”. Thị Huệ thì tay cắt tóc thề bồi “Chúa thượng chẳng thương thiếp, nỡ bỏ thiếp vò võ một mình! Thiếp xin liều thân mà chết theo chúa”, thị khóc “nấc lên đến hơn một khắc”, rồi “khóc òa lên”, nhưng đâu phải vì chúa, mà vì lẽ “sợ không dự định trước, đến lúc tình thế khẩn cấp sẽ bị người khác cướp mất” ngôi thế tử của con mình, rồi con còn nhỏ, chúa thì mất, trông cậy vào đâu... Thế mà chúa lại quay sang dặn Thị Huệ: “- Bệnh ta không khỏi, không ở được cùng khanh đến lúc bạc đầu. Nay ta về chầu giời, khanh ở lại phụng thờ thánh mẫu, nuôi nấng tự vương; còn duyên sắt cầm đành hẹn đến kiếp khác”, rồi lại dặn Thuỳ trung hầu: “- Sau khi ta qua đời, các ngươi phải nên khuyên giải chính cung cho khéo, chớ để nàng liều mình. Vạn nhất nếu không ngăn cản nổi ý chí của nàng, thì cứ để nàng chung thuyền với ta mà đưa đi, cho nàng được hầu hạ ta ở nơi lăng tẩm”. Thật tội nghiệp cho Trịnh Sâm- vốn “thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ”, nhưng lại cả tin trước đàn bà!
Điều đáng sợ nhất của những người đàn bà trong
Hoàng Lê nhất thống chí là tham vọng. Tác phẩm cho thấy đàn bà vốn hiền lành, cam chịu nhưng khi đã có cơ hội và leo lên vị thế thì trở nên khủng khiếp vì dùng mọi thủ đoạn ghê rợn để đạt được quyền lực, vinh hoa. Đặc điểm này trước hết được thể hiện qua nhân vật Đặng Thị Huệ. Từ khi được chúa yêu, Thị Huệ ý thức được lợi thế của mình, thay đổi từ thái độ đến tính cách. Lúc đầu “hơi có vẻ lộng hành”, tiếp đó là “tự ý bỏ sang cung khác” rồi “ngầm có ý muốn cướp ngôi thế tử”. Rồi thị tìm mọi cách để thực hiện mưu đồ. Nào là đòi chúa gả công chúa Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, nào là gian dâm với Quận Huy để gây thế lực, vây cánh... So với Đặng Thị Huệ, Ngọc Hoan còn ghê tởm hơn. Tham vọng, mưu kế của Thị Huệ còn ở bề nổi, trông là rõ. Còn ở Ngọc Hoan- nó ngấm ngầm, âm thầm từng bước với những mưu hèn, kế bẩn. Với Ngọc Hoan, dường như tham vọng quyền lực đã có sẵn trong máu. Thị có kế sách gian ngoan để đạt mục đích. Đầu tiên là việc thị nằm mơ điềm sinh con thánh. Việc này thực hay hư? Ngô gia văn phải chỉ chép lại, không bàn luận. Nhưng người đọc nghi ngờ chính Ngọc Hoan có mưu kế “lập lờ đánh lận con đen”. Kết quả, thị đã chỉ qua một đêm mưa móc với Trịnh Sâm đã may mắn mang thai và sinh được con trai - Trịnh Tông- cho chúa Trịnh. “Nếu chỉ nhìn ngọn là “mưu đồ, ham muốn” thì dường như cả hai người, Hoan và Huệ đều ngang nhau, nhưng nhìn vào gốc thì có khác: một đằng do tình thế khách quan đưa đến, một đằng có sự sắp đặt từ trước; một đằng tự nhiên, một đằng nhân vi. Do đó, ham muốn của Ngọc Hoan sâu sắc hơn nhiều, vì vậy nàng mới có đủ nhẫn tâm trừng trị kẻ dám ngáng trở đường đi của mình đến thế. Đó là nguyên nhân cắt nghĩa sự khác nhau giữa tính cách hồn nhiên, tin người, thiếu cương quyết của Huệ với tính thâm trầm, thủ đoạn, không kém độc ác của Hoan toát lên từ tác phẩm”
[9]. Có lẽ, Ngọc Hoan là người đàn bà kinh sợ nhất trong
Hoàng Lê nhất thống chí.Điều tởm nhất ở những người đàn bà là ở chỗ khi đã lao vào tham vọng, quyền bính, họ trở nên vô nhân tính, quên hết tình nghĩa, thậm chí trở nên độc ác hơn cả thú dữ. Thị Huệ đã chà đạp lên nguyên tắc đạo đức của Nho giáo. Thị dung túng cho những hành động thú tính của Mậu Lân; ép chúa cho Mậu Lân lấy công chúa cũng là để tăng uy thế, củng cố lực lượng cho bản thân mình. Đặc biệt, thị dùng cả thân xác để gia tăng thế lực, vây cánh. Thị đã phạm vào tội thất tiết- thứ tội tày trời của đàn bà thời phong kiến (đàn bà chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết là chuyện lớn):
“Trăm quan ít sáng nhiều mờ,
Để cho Huy quận vào rờ chính cung”
Tuy vậy, “tâm địa Huệ chưa có gì đáng gọi là “ác nghiệt” nếu so với nhân vật Dương Thị Ngọc Hoan”
[10]. Ngọc Hoan khi đã có quyền liền ra tay trả thù Đặng Thị Huệ tàn khốc: “Khi chúa nhỏ bị bỏ, thái phi liền sai người bắt Tuyên phi đến trước mặt mình, kể tội, rồi buộc Tuyên phi phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy. Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất. Nhưng Tuyên phi vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa nhời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ- tăng ở vườn sau. Tại đây, Tuyên phi bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở”. Dương Thị Ngọc Hoan trả thù vợ con của Quận Huy dã man hơn cả con trai mình.
Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại: “chúa nghĩ tình anh em cô cậu, ra ơn cho được tha tội chết. Nhưng lại bị Thái Phi ngầm sai người đến bắt uống thuốc độc”. Công chúa- vợ Quận Huy thì bị Thái Phi “làm cho cực khổ đủ đường” đến nỗi “vừa đau buồn vừa uất giận nên đã thành bệnh mà chết”.
Phải nói rằng, đàn bà một khi tham gia chính sự thì cũng “máu lạnh” vô cùng! Đó chính là thông điệp từ
Hoàng Lê nhất thống chí.2. Đàn bà - họa đảo điên thời cuộcNhững người đàn bà trong
Hoàng Lê nhất thống chí gây ảnh hưởng ghê gớm đến chuyện trọng đại: phế lập ngôi chúa.
Ngay mở đầu
Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái đã bắt đầu bằng những chuyện của chúa Trịnh Sâm với đàn bà. “Phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích”- đó đã là họa. Trịnh Sâm còn có một điểm yếu chết người nữa là rất mềm lòng, cả nể với đàn bà. Trước hết là Thị Huệ. Trịnh Sâm luôn sợ mếch lòng thị. Thế nên, Thị Huệ được voi đòi tiên, làm mưa làm gió trong cung (như trên đã nói). Rồi đến chuyện mưa móc với thái phi Ngọc Hoan cũng là bởi thương tình “không nỡ đuổi ra”: “Chúa cho vời cung tần Ngọc Khoan vào hầu. Khê trung hầu cố ý giả làm nghe lầm, đưa ngay thái phi Ngọc Hoan đến. Thấy nàng, chúa có vẻ không thích, nhưng đã trót gọi đến, không nỡ đuổi ra”. Với con gái Ngọc Lan thì cưng chiều đến mức: “Nơi Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tì phải nói năng sẽ sàng để cho nàng khỏi giật mình. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm chúa, chúa đều cho phép cùng ngồi với mình như lúc nàng còn bé. Phàm những điều Ngọc Lan cầu xin chúa, không có lời nào là không đắt”... Cứ mềm yếu với đàn bà như vậy, chúa đã tạo mầm mống cho mọi cái họa. Thị Huệ đã biến chúa thành con rối. Ngọc Hoan khiến chúa có con trưởng và làm chúa rơi vào sự lúng túng trong phế trưởng, lập thứ mà đẻ ra họa kiêu binh đảo chính... Cũng vì chúa yêu con gái Ngọc Lan như vậy nên Thị Huệ để tăng sự gần gũi mật thiết với chúa, thị mới nhằm vào Ngọc Lan, bắt chúa phải gả con gái yêu Ngọc Lan của chúa cho em ruột sói lang của mụ. Chúa sợ Thị Huệ mếch lòng nên không dám từ chối Thị Huệ dù biết rõ em trai thị - Đặng Mậu Lân- là kẻ thế nào... Thế là từ chỗ, “là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn làm thơ”, “lên nối ngôi chúa, từ kỷ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa đổi; bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch, đều lần lượt bị dẹp tan”, Trịnh Sâm đã bị đàn bà làm cho thoái hóa. Xung quanh Trịnh Sâm toàn là đàn bà. Nhà chúa đã bị vướng vào mớ bòng bong đàn bà “đến nỗi họa sinh ra từ trong nhà”
[11], tề không nổi gia, trị không được quốc.
Rất nhiều chuyện rối ren trọng đại khác trong cung cũng tại đàn bà. Việc mâu thuẫn, bất hòa, dẫn đến giết hại nhau giữa cung vua với phủ chúa: thái tử Duy Vĩ (bên cung vua), Trịnh Sâm (bên phủ chúa) có căn do từ đàn bà. Chỉ có chuyện ngồi ăn cùng bữa cơm giữa Trịnh Sâm (khi còn là thế tử) và thái tử Lê Duy Vĩ (Ân vương mời ăn cơm và để con rể với con trai cùng ngồi một mâm), ấy vậy mà chính phi của Ân vương cũng câu ra câu vào: “-Sao chúa lại được cùng ăn với vua?”, “Rồi bà ta bắt ngồi riêng ra mỗi người một nơi” khiến “Thế tử giận tái mặt lại, nhưng vẫn cắn răng không dám nói. Lúc tan tiệc trở ra, thế tử bảo với thái tử: - Hai chúng ta sẽ phải một người sống, một người chết. Vua ấy cũng không nên đứng cùng với chúa này!”. Kết quả là Trịnh Sâm đã quyết một sống một chết với thái tử Lê Duy Vĩ: “Đến khi Thịnh vương lên ngôi chúa, liền lập mưu với gia thần là viên quan hoạn Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh (chính tên là Phạm Huy Đĩnh, người xã Cao Mỗ, nay là xã Kim Bôi, huyện Tiên Hưng, Thái Bình), vu cho thái tử Vĩ thông dâm với cung nữ của Ân vương; rồi đem tội đó tâu lên hoàng thượng để bắt thái tử bỏ ngục” và đày chết Lê Duy Vĩ.
Rồi còn chuyện do câu nói của Ngọc Hân “Nhân phẩm của hoàng tự tôn cũng tầm thường thôi!” mà “Bình có ý không thích hoàng tự tôn. Đến khi bệnh của hoàng thượng đã tới lúc hấp hối, triều đình bàn nhau lập hoàng tự tôn, và sai người ra nói với Bình. Bình không nghe”. Vì thế, ngay trong triều chính bấy giờ đã có người lớn tiếng kết tội công chúa, đòi xóa tên công chúa trong sổ họ: “- Tự tôn không được làm vua, thiên hạ ắt loạn. Họ Lê sẽ mất, ấy là lỗi tại công chúa Ngọc Hân. Công chúa thực đã làm hại đến việc lớn của xã tắc, hãy xoá tên trong sổ họ đi, để cho công chúa về nước Tây Sơn mà yên hưởng giàu sang, họ ta chẳng thiếu gì một con người ấy!”.
Thêm nữa, bà nội thế tử Tông xưa nay vốn thân với thái tử Lê Duy Cận. Thấy hoàng tôn (Lê Duy Kỳ) về, bà ta sợ thái tử Cận mất ngôi, bèn sai người giả vờ mời hoàng tôn vào chầu ở cung Huỳnh để lừa bắt hoàng tôn đem dìm xuống sông Nhĩ Hà”...
Thế là một bầy đàn bà, kẻ thì lấy việc được yêu chiều mà làm loạn; kẻ thì vì lời nói do tầm nhìn, tâm tính; kẻ thì dùng bàn tay đẫm máu... mỗi người một kiểu, làm lũng đoạn vương triều.
3. Đàn bà - biểu hiện thời loạnCùng với việc làm cho thời cuộc đảo điên, đàn bà cũng là biểu hiện của thời loạn trong
Hoàng Lê nhất thống chí.Theo phân công xã hội của tư tưởng Nho giáo, đàn ông là người nắm giữ vai trò “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Còn đàn bà là người nội trợ, tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”). Có như vậy, gia đình, xã hội mới kỉ cương, nề nếp, ổn định, bền vững. Còn thời buổi “mũ dép đảo lộn”, “cóc nhái nhảy lên bàn thờ” cho nên lắm đàn bà tham gia chính sự, bàn việc nước.
Trong
Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái đã kể đàn bà ở mọi cấp độ, địa vị tác động đến vận nước. Đến cả các cung nhân cũng nói chuyện quốc gia đại sự. Mà chẳng phải chỉ bàn một đôi câu với những việc lặt vặt. Ở đây, cung nhân đã nói một hơi rất dài với thái hậu mọi phương diện về tình thế hiểm nghèo của triều đình. Đó là chuyện vua thế nước: “- Xe vua trở về kinh thành, đã gần một tháng. Hiệu lệnh ban ra, chẳng qua mới đến các vùng Ứng Hoà, Thường Tín, Từ Sơn, Thuận Thành, Quảng Oai, năm lộ mà thôi. Còn như từ Trường Yên về nam, Thanh Hoa là đất căn bản, lăng tẩm tiền triều ở đó, Nghệ An cũng là quận chân tay, quân cấm và quân túc trực đều lấy người ở đấy, thì nay vẫn bị mất về tay giặc, tin tức không thông, đó thật là điều đáng lo rất lớn. Hiện nay, việc nước hư thực thế nào, thế giặc mạnh yếu ra sao, những người đứng ngoài mà xem, không ai không biết. Trước đây, hoàng thượng gặp nạn phải chạy, các quan trèo đèo vượt suối, khó nhọc vất vả đã hơn một năm, bao nhiêu nhân tình chắc đã từng trải hết rồi, sao vẫn điềm nhiên không lo nghĩ gì cả?”. Chuyện bất ổn khi nhờ cậy Tôn Sĩ Nghị: “Tổng đốc họ Tôn từ thượng quốc tới đây, thế nước và tình hình của giặc chỉ biết đại khái. Đến như các miền, cũng có nơi xung yếu, nơi bình thường, chia đồn và mai phục, cần phải trù tính kỹ càng. Việc binh có lúc nên đánh, lúc nên giữ, phải tuỳ cơ ứng biến trong chốc lát. Tất cả những điều ấy, họ làm sao mà hiểu được rõ ràng, đích xác?”. Chuyện mãnh lực của Nguyễn Huệ: “Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn”... Cuối cùng cung nhân kết luận, đưa ra kế sách: “Thái hậu có thể chạy sang đất Trung Hoa một chuyến nữa chăng?”. Câu văn tả thái độ của thái hậu sau khi nghe cung nhân nói làm người đời sau bật tiếng cười: “Thái hậu giật mình nói: - Đó chính là tâm sự của gái già này, vẫn ngày đêm lo lắng mà chưa biết làm thế nào?”. Vua đâu, chúa đâu, quan tướng đâu mà để nỗi lo lắng gánh vác trọng trách giang sơn ở nơi người đàn bà?
Chưa kể đến chuyện kẻ làm vua- bậc “thay trời hành đạo”, kẻ làm chúa uy quyền hơn cả vua, thế mà luôn tâm sự và nghe lời đàn bà. Vua Lê Chiêu Thống nói với các cung nữ:
“- Trong đời ta, thế nào cũng có phen được trông thấy cuộc nhất thống, nhưng đó chẳng phải là điều mà ta vui mừng.
Các cung nữ hỏi lại:
– Nhà chúa chèn ép như vậy, nếu chúa bại là may cho nhà vua, cớ sao bệ hạ lại không vui mừng?
Nhà vua đáp:
– Trời sai nhà chúa phò ta. Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì?”.
Với nhà vua, cung nữ là tri kỉ. Còn nữa, vua nghe lời thái hậu. Ngô gia văn phái viết: sau khi nghe cung nhân nói, “thái hậu đem việc đó nói lại với vua. Bấy giờ nhà vua mới hoảng sợ, liền cùng bọn Quýnh đến doanh quân của Nghị tha thiết xin xuất quân”.
Đó là bên vua, còn phía chúa? Trịnh Sâm cũng “hễ có việc gì chúa cũng bàn với nàng” (Thị Huệ). Chúa mà nghe lời đàn bà, coi là đàn bà là nơi tri kỉ, sẻ chia chuyện chính sự thì sao còn thông minh, sáng suốt?
Vậy là cả vua lẫn chúa đều coi đàn bà là tâm phúc, coi đàn bà cao tay hơn mình, nghe lời đàn bà, làm theo đàn bà. Đó là nguyên nhân khiến vương triều không suy loạn- quan điểm của Ngô gia văn phái chắc chắn là như vậy.
KẾT LUẬNPhải nói rằng, tuy số không nhiều nhưng các nhân vật nữ trong
Hoàng Lê nhất thống chí trở thành những điểm nhấn quan trọng, góp phần bổ sung hoàn chỉnh đặc điểm, diễn biến của lịch sử xã hội Việt Nam khoảng ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII và mấy năm đầu cuối thế kỉ XIX (thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh trả lại Bắc Hà cho Vua Lê đến khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất cả nước). Với họ, Ngô gia văn phái đã nhìn- viết theo nhãn quan của một nhà nho. Các tác giả rõ ràng đã có thái độ khinh thị đàn bà, xem đàn bà là họa, trông vào đàn bà để thấy thời loạn. Điều này hẳn có sự kế thừa sự đánh giá theo truyền thống của cả lịch sử Trung Quốc lẫn Đại Việt. Khi các biến cố xảy ra, lại có một người phụ nữ bị đưa ra như là nguyên nhân chính gây ra cũng như chịu trách nhiệm thay cho nam giới. Nào là những Đát Kỉ, những Dương Quý Phi, những Mỵ Châu... rồi đến
Hoàng Lê nhất thống chí là Đặng Thị Huệ, Dương Ngọc Hoan, Thánh mẫu, cung nhân... Ngô gia văn phái đã có tiếng nói của người nhìn nhận đánh giá lịch sử về phụ nữ đối lập, trái ngược hoàn toàn với các văn nhân, thi sĩ đương thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Tú Châu (1997),
Hoàng Lê nhất thống chí- văn bản, tác giả và nhân vật, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Viện Văn học, Nxb. Khoa học Xã hội.
2. Phan Huy Chú,
Lịch triều hiến chương loại chí Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch và chú giải,
3. Ngô gia văn phái,
Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch, tái bản lần thứ 4, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2005.
4. Nguyễn Đăng Na (2003),
Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại- những vấn đề văn xuôi tự sự, tái bản lần thứ nhất, Nxb.Giáo dục, Hà Nội.
5. Phan Ngọc (2007),
Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
6. Trần Ngọc Vương (chủ biên) (2015),
Văn học Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XIX những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb.Đại học Quốc gia Hà Nội.
(Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc”, Trường ĐH Hồng Đức, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nxb. Văn học, 2019, trang 121-131.
[1] Phan Ngọc (2007),
Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, trang 203.