TS. Nguyễn Thị Hiền
1. Mở đầu1.1. Quan điểm theo đường hướng tri nhận luận cho rằng hoán dụ không chỉ là vấn đề của ngôn ngữ mà còn là vấn đề của tư duy và hành động, là một trong những hiện tượng ý niệm, một quá trình tri nhận nền tảng nhất định hình năng lực tư duy của con người thực sự có tính cách mạng. Mặc dù nhiều vấn đề còn vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, những câu hỏi mới vẫn tiếp tục nảy sinh, nhưng những bằng chứng không thể phủ nhận được về sự hiện diện của hoán dụ trong tư duy của con người củng cố cho cách tiếp cận vấn đề của các khoa học tri nhận với nguyên lí “dĩ nhân vi trung” để có cái nhìn sâu hơn vào những hiện tượng bản thể và xã hội.
1.2. Cho đến nay, đã có nhiều các nghiên cứu đưa ra các định nghĩa khác nhau về hoán dụ ý niệm, trong đó, định nghĩa được nhiều người ủng hộ và thường xuyên được dẫn giải là của Radden & Kövecses:
“Hoán dụ là một quá trình tri nhận, trong đó một thực thể ý niệm, phương tiện, cung cấp sự truy cập (mang tính) tinh thần tới một thực thể ý niệm khác, đích, trong cùng mô hình tri nhận lí tưởng hoá[1]. Định nghĩa này đã khẳng định rõ ràng rằng hoán dụ không đơn thuần là một hiện tượng ngôn ngữ, mà còn hơn thế, nó là một quá trình tri nhận, một quá trình tinh thần, cấu thành nên năng lực tư duy của con người.
Do quan điểm về hoán dụ không giống nhau nên các nhà nghiên cứu cũng có sự khác biệt lớn trong sự phân loại hoán dụ ý niệm. Chẳng hạn: Warren phân biệt hoán dụ quy chiếu và hoán dụ mệnh đề. Trong đó, hoán dụ quy chiếu dựa trên các mối liên hệ quy chiếu (như giữa nguyên nhân và tác động, vật chứa và vật bị chứa…)
[2]; Ruiz de Mendoza (2000) cho rằng các ánh xạ hoán dụ toàn thể-bộ phận, bộ phận-toàn thể, bộ phận-bộ phận có thể được chia thành hai loại: nguồn nằm trong đích hoặc đích nằm trong nguồn,
[3] Norrick (1981) phân biệt 18 loại hoán dụ liên quan tới 18 nguyên tắc hoán dụ khác nhau, trong đó có sáu nhóm chính: Nguyên nhân – Tác động, Hành động và những Thành phần tham dự chủ yếu, Bộ phận – Toàn thể, Vật chứa – Vật bị chứa, Kinh nghiệm – Quy ước, Người sở hữu – Vật bị sở hữu
[4]. Trong khi đó Kövecses xác định năm mối liên hệ hoán dụ tiềm tàng giữa ba “thực tại bản thể”: ý niệm, hình thức (ngôn ngữ), sự vật-hiện tượng trong thế giới thực và do đó tìm ra được 49 loại hoán dụ
[5].
2. Một số kiểu hoán dụ ý niệm “bộ phận cơ thể người”Qua ngữ liệu khảo sát, chúng tôi nhận thấy các ý niệm miền nguồn “bộ phận cơ thể người” được kích hoạt để ánh xạ lên các miền đích thuộc về chính con người hình thành nên một số kiểu dụ tiêu biểu như: BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO CON NGƯỜI; BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO HÌNH DÁNG BÊN NGOÀI CON NGƯỜI; BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO TRẠNG THÁI TÌNH CẢM CON NGƯỜI.
2.1. Bộ phận cơ thể người đại diện cho con ngườiBộ phận cơ thể người đại diện cho con người là mô hình hoán dụ mang tính phổ quát ở mọi ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng dùng một bộ phận cơ thể như
chân, tay, đầu, mình, thân, mặt, lòng, bụng,… để chỉ toàn bộcon người – kiểu hoán dụ
“bộ phận thay cho tổngthể”. Kiểu hoán dụ này gồm nhiều hoán dụ bậc dưới:
(a) MẶT ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI
Kiểu hoán dụ này có số lượng lớn nhất, nổi trội và mang tính hệ thống, cố định. Người Việt có câu “trông mặt mà bắt hình dong”, do vậy, trong số các kết quả thu được, tổ hợp miền ý niệm mặt biểu trưng cho sự hiện diện của con người mang tính phổ biến nhất và được người bản ngữ sử dụng thương xuyên nhất: có mặt, dàn mặt, gặp mặt, góp mặt, khắp mặt, khuất mặt, lánh mặt, lạ mặt, mất mặt, náu mặt, ngang mặt, nhẵn mặt, nhận mặt, thay mặt, tránh mặt, trành mặt, trốn mặt, vác mặt , vắng mặt. Trên cơ sở hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn bộ, khuôn mặt ở vị trí trung tâm nhất của cơ thể, là phần nổi trội nhất của một con người để biểu trưng cho sự tồn tại hay xuất hiện của con người. Ví dụ:
- Hôm nay, nhà trai đến xem mặt cô dâu. {58}
- Mấy hôm nay, trong khu này có một người lạ mặt thường xuất hiện. {61}
- Cô ấy nói hôm qua chồng cô ấy đi uống rượu với bạn bè đến 2 giờ sáng mới vác mặt về. {58}
(b) TAY ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI. Ví dụ:
Trong tiếng Việt, loại hoán dụ này có số lượng khá lớn, ví dụ:
- Đó là tay ghi ta rất chuyên nghiệp. (Thu Trang)
- …theo những nguồn tin tay trong, báo giới lại được biết con số… (Thể thao)
Từ hoán dụ TAY ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI kéo theo các hoán dụ:
TAY ĐẠI DIỆN CHO BÊN THAM GIA: cuộc nói chuyện tay đôi, tình yêu tay ba, cuộc họp tay tư, …
TAY ĐẠI DIỆN CHO TÁC GIẢ, Ví dụ:
- Tuy là bộ phim đầu tay nhưng bản lĩnh của đạo diễn đã được thể hiện. (Dantri.com).
- Tập thơ đầu tay gồm 300 bài thơ phản ánh các cung bậc khác nhau về tình yêu. (Diệu Linh)
Ngoài ra, trong tiếng Việt, người bản ngữ có thể dùng các bộ phận cơ thể khác để đại diện cho con người, đây là kiểu hoán dụ bộ phận đại diện cho tổng thể: trái tim nhân hậu, có chân trong đội bóng đá, nhà có năm miệng ăn…
2.2. Bộ phận cơ thể người đại diện cho tính cách, phẩm chất con người
Theo quan niệm của người Việt, tính cách con người là cái ẩn giấu bên trong, do vậy, người Việt thường dùng các bộ phận nội tạng để tri nhận ý niệm này.
(a) BỤNG, LÒNG ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH, PHẨM CHẤT CON NGƯỜI
Trong tư duy và văn hóa Việt, ngoài giá trị chứa đựng phần tư tưởng và tình cảm, bụng còn đại diện cho tính cách con người.
(a1) BỤNG, LÒNG ĐAI DIỆN CHO TÍNH CÁCH NGAY THẲNG, THỦY CHUNG. Ví dụ:
- Bụng thẳng như tờ giấy phong (Tục ngữ)
- Cuộc sống nơi đô thị đã khiến con bé nặng lòng với quê hương hơn. (Nguyễn Như Mai)
(a2) BỤNG ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH XẤU XA, ĐỘC ÁC
Cách tri nhận này được người Việt đúc kết trong các thành ngữ giàu hình ảnh:Bụng chua miệng ngọt, bụng gian miệng thẳng, miệng bồ tát, bụng dao găm, miệng nam mô bụng bồ dao găm, giàu móc câu đầy bụng …
Ở đây, bụng và miệng được đặt tương quan với nhau, tạo thành cặp miệng - bụng như sự đối lập giữa một bên là hình thức, một bên là nội dung; một bên là nội tâm sâu kín và bên kia là bề ngoài biểu hiện ra. Cơ chế của những hoán dụ này là: miệng được người Việt coi là cái bên ngoài, là biểu hiện nhìn thấy được; miệng gắn liền với lời nói có thể tác động đến người xung quanh, nên nó gắn với những đặc điểm của lời nói như ngọt, thẳng, bồ tát, nam mô. Sự đối lập giữa bụng và miệng như vậy cũng được phản ánh khá rõ trong lời nói hằng ngày của người Việt. Trong những thành ngữ này, có sự tương tác giữa ẩn dụ BỤNG LÀ VẬT CHỨA và BỤNG ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH CON NGƯỜI.
(b) MẶT ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH CON NGƯỜI
Cùng với đầu, mặt là một trong hai BPCTN bên ngoài có khả năng đại diện cho phẩm chất, tính cách nằm bên trong con người. Đây là hoán dụ lấy đặc điểm cụ thể thay cho đặc điểm trừu trượng.
(b1) MẶT ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH ƯƠNG BƯỚNG. Ví dụ:
- Trong lớp mà có thêm mấy đứa rắn mặt như mày thì ngày nào cô cũng phát khóc. (Nguyễn Nhật Ánh)
- Chú Sáu bảo, lần sau nhớ phải lì cái mặt ra nghen! (Nguyễn Ngọc Tư)
(b2) MẶT ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH KIÊU NGẠO, HỢM HĨNH. Đây cũng là trường hợp hoán dụ lấy kết quả để chỉ ra nguyên nhân. Các ví dụ loại này gồm có: kênh mặt, lên mặt, vác mặt …
(b3) MẶT ĐẠI DIỆN CHO SỰ THAY ĐỔI VỀ BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI
Do khuôn mặt là bộ phận trung tâm của cơ thể, nên có thể dễ dàng nhận thấy tình cảm hay thái độ, sự thay đổi bản chất bên trong của con người thể hiện trên khuôn mặt; đồng thời, mặt cũng là bộ phận dễ nhận biết và khó che đậy nhất trên cơ thể con người: giở mặt, sấp mặt, trở mặt .…
2.3. Bộ phận cơ thể đại diện cho tình cảm của con người
Xét về mặt tâm lý tình cảm, mỗi trạng thái khác nhau gây ra những hiệu ứng sinh lý khác nhau. Có những hiệu ứng dễ dàng quan sát và cảm nhận được như tim đập nhanh, miệng khô, mặt tái hoặc đỏ, tứ chi run, bụng thấy nôn nao… Tuy nhiên, có những hiệu ứng khó cảm nhận hơn như gan cấp thêm đường vào máu để tăng cường năng lượng, nhịp thở nhanh để tăng lượng ô xy, quá trình tiêu hóa chậm lại để nhường máu từ nội tạng sang các cơ, con ngươi giãn ra để nhận thêm ánh sáng và tăng thị lực. Tất cả những hiệu ứng sinh lí ấy đều được con người tri giác, cảm nhận thông qua đặc điểm của chính bộ phận cơ thể mình. Hoán dụ ý niệm BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO TÌNH CẢM CON NGƯỜI gồm nhiều hoán dụ bậc dưới:
(a) BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO TỨC GIẬN
(a1) MẶT ĐẠI DIỆN CHO TỨC GIẬN
Có thể nói, trong giao tiếp, nét mặt là bộ phận quan trọng nhất thể hiện tình cảm và thái độ của chủ thể, các nhà tâm lí học người Mĩ đã tiến hành nghiên cứu ở nhiều nền văn hóa khác nhau và phát hiện rằng người ta đã chỉ ra rất chính xác loại tình cảm nào đang được thể hiện khi nhìn qua những bức ảnh. Ngay cả nét mặt trẻ em, bao gồm cả người bị mù bẩm sinh, cũng thể hiện tình cảm qua nét mặt mang tính phổ quát.
Để tri nhận trạng thái giận dữ, người Việt cũng dùng ý niệm “mặt” và các bộ phận trên khuôn mặt như: tai, mắt, mũi, má…: Đỏ mặt tía tai/ mặt đỏ tía tai, mặt đỏ như vang, mặt nặng mày nhẹ, mặt nặng như chì, mặt sưng mày sỉa, nặng mặt sa mà, phồng má trợn mắt.
- Thí sinh mặt nặng như chì khi hụt giải hoa hậu châu Á . (Kênh 14.vn)
- Thậm chí, sau khi chúng tôi tổ chức lễ cưới bà vẫn mặt nặngmày nhẹ. Tôi cảm thấy cuộc sống thật sự nặng nề. (Blog tình yêu)
(b) RUỘT, GAN ĐẠI DIỆN CHO GIẬN DỮ
Có thể nói, nội tạng là những bộ phận cơ thể được sử dụng nhiều nhất khi người Việt tri nhận trạng thái tức giận. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trong ý niệm này các bộ phận thuộc miền nguồn được sử dụng với tần số cao như “gan”, “ruột”, và “mật”: bầm gan sôi máu, bẩy gan bẩy tiết, buốt gan tím ruột, căm gan ngứa tiết, căm gan tím ruột, cắn răng bấm bụng, lộn cả ruột, ngứa gan ngứa tiết, sôi gan nổi mật, thâm gan tím ruột/tím gan tím ruột
- Fan Thái Lan tức lộn ruột khi để Việt Nam vượt mặt trên bảng xếp hạng FIFA. (dantri.com)
- Nhưng không ít chuyện mà người làm du lịch “bầm gan tímruột vì khách”, còn làm ảnh hưởng đến những thành viên khác trong đoàn. (dantri.com)
(b) BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO NIỀM VUI
(b1) MẶT ĐẠI DIỆN CHO NIỀM VUI
Tương tự như khi tức giận, người Việt cũng tri nhận niềm vui qua nét mặt. Cơ sở tri nhận của hoán dụ này là hiệu ứng sinh lí của mặt kết hợp ẩn dụ Vui là hoa nở: mở mặt mở mày, mặt mày hớn hở, Mặt nở như hoa, mặt tươi như hoa , mở mặt mở mày Nở mày nở mặt, mừng mặt bắt tay…
- Cô nhìn anh, chăm chú lái lái xe, mặt tươi như hoa “nếu bố đến thành phố này thì chúng ta làm thế nào?”. (Thanh Hương)
- Con về làm rể nhà ấy thì mẹ cũng nở mày nở mặt, mà phần con ít nhất hai vợ chồng cũng được vài ba mẫu ruộng. (Trần Hiệp)
(b2) RUỘT, LÒNG, DẠ ĐẠI DIỆN CHO NIỀM VUI
Trong hoán dụ này, miền nguồn được kích hoạt là các bộ phận nội tạng của cơ thể, trong đó “ruột” là bộ phận xuất hiện với tần xuất lớn nhất. Các hoán dụ này thường kết hợp với ẩn dụ mát, nở, no, mở cờ, hởi để diễn tả trạng thái phấn khích hoặc mãn nguyện: hả lòng hả dạ/hởi lòng hởi dạ, mát gan mát ruột, mát lòng mát dạ, nở từng khúc ruột, no lòng mát ruột, nở từng khúc ruột, vui lòng hả dạ, (Vui như) mở cờ trong bụng….
- Hữu Thắng khiến bầu Đức mát lòng mát dạ trong ngày ra mắt. (dantri.com)
- Mụ toát mồ hôi không hiểu tại sao, mụ quán thấy vui nở ruột nở gangần như kiêu hãnh, sung sướng. Mụ quán lại được yên ổn làm ăn như cũ. (truyện cổ tích)
(c) BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO NỖI BUỒN
(c1) NƯỚC MẮT ĐẠI DIỆN CHO NỖI BUỒN BUỒN
Người Việt vốn duy cảm nên nỗi buồn được tri nhận rất sâu sắc, theo nhiều góc cạnh. Trong ý niệm này, miền nguồn nổi trội là nước mắt bởi khi buồn, con người thường nghĩ tới khóc:nước mắt lưng tròng, nước mắt dài nước mắt ngắn, buồn rơi nước mắt
- Nước mắt lưng tròng, chắc bà con bé đang buồn lắm (Thu Trang).
- Khoảnh khắc Italia sút trượt luân lưu, trong khi Đức thực hiện thành công, mình muốn rơi nước mắt. Thật là buồn (vnexpress.net)
(c2) RUỘT, GAN, TIM ĐẠI DIỆN CHO NỖI BUỒN
Nếu người Anh chỉ dùng ý niệm “tim” để tri nhận nỗi buồn thì Việt dùng cả ba ý niệm tim, gan, ruột để tri nhận trạng thái này, trong đó “ruột” xuất hiện với tần suất cao: buồn man mác con tim, buồn nẫu ruột, đau lòng xót ruột, đau như cắt ruột/đau như xé ruột, gan héo ruột sầu, héo gan héo ruột/ héo ruột héo gan, héo hon ruột tằm, máu chảy ruột mềm, nẫu ruột nẫu gan/ nẫu gan nẫu ruột, ruột rầu như dưa, thắt ruột thắt gan….
- Tiếng hát của bà lão chết chồng trong mỗi chiều buồn sẫm đã làm nẫu ruột nẫu gan người viết và lan truyền sầu cảm, nhớ thương sang người (Thanh Hương).
- Trời chiều man mác buồn nát con tim . (Blog tình yêu)
(d) BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO SỢ HÃI
Sợ hãi có nguồn gốc từ bản năng sinh tồn và mang bản chất xã hội. Sự sợ hãi của con người trải qua hai giai đoạn: sinh hóa và tình cảm. Trong tự nhiên, khi gặp hiểm nguy loài vật có thể có ba phản ứng khác nhau: ẩn nấp, chạy trốn hoặc chống lại. Nghiên cứu về sinh lý học cho thấy khi hoảng sợ tim đập nhanh hơn, mồ hôi toát ra và máu dồn về các cơ chi để cung cấp ô-xy và năng lượng cho phản ứng chạy trốn hoặc chống lại. Lượng máu về da và các bộ phận cơ thể khác giảm nên mặt trông tái mét. Do da thiếu nguồn cung cấp máu nên lạnh hơn. Phản ứng tiếp theo là tóc/lông dựng lên để tạo túi khí giữ nhiệt cho da. Khi sự sợ hãi tăng lên cực độ, các phản ứng hóa học trong cơ thể làm tăng lượng adrenaline kích thích giải phóng glucose để cung cấp năng lượng cho các cơ tăng đột ngột sẽ gây phản ứng khó kiểm soát là cơ thể run lên. Những phản ứng này có thể được chính chủ thể cảm nhận hoặc quan sát thấy ở người khác. Đây là kinh nghiệm hiện thân làm cơ sở hình thành các ẩn dụ và hoán dụ về sự sợ hãi. Chính vì sự sợ hãi có nguồn gốc bản năng nên sự tri nhận về ý niệm này mang tính phổ quát chung cho các dân tộc. Người Việt, cũng tri nhận ý niệm “sợ hãi” qua các hiệu ứng sinh học trên khuôn mặt: mặt tái mét, mặt cắt không còn giọt máu, mặt vàng như nghệ, mặt xanh như chàm…
- Phương Hồi bị tát mạnh đến mức người loạng choạng, nửa bên mặt sưng lên. (Vũ Thành)
- Hơn 170 người "mặt cắt không còn giọt máu" khi máy bay hỏng động cơ giữa trời . (dantri.com)
Ngoài ra, người Việt cũng sử dụng một số bộ phận khác để tri nhận cảm giác sợ hãi như: tóc (dựng tóc gáy, chân, tay (bủn rủn cả chân tay).
(e) BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO XẤU HỔ
Xấu hổ mang bản chất xã hội và chỉ có ở con người. Trong giao tiếp, khuôn mặt là phần cơ thể quan trọng nhất, là điển mẫu cho hoán dụ về thể diện của con người. Xấu hổ là trạng thái mang tính phổ quát ở mọi nền văn hóa và được tri nhận qua ý niệm hoán dụ có miền nguồn là “mặt”. Hiệu ứng sinh lý thường gặp nhất của sự xấu hổ là đỏ mặt nên cả tiếng Việt và các ngôn ngữ khác như tiếng Anh đều vận dụng hiệu ứng này để tri nhận: mặt đỏ như gấc, ngượng chín cả mặt, đeo mo vào mặt..
- Sao Việt ngượng đỏ mặt vì sự cố trang phục (kenh14.vn)
- Con Hoa tủm tỉm cười. Lũ em ngơ ngác nhìn theo con chó vừa ẳng ẳng vừa chạy ở ngoài vườn. Còn Du thì mặt đỏ như gấc chín (Nam Cao)
3. Kết luận
Qua việc phân tích hoán dụ ý niệm “bộ phận cơ thể người” trong tiếng Việt, có thể thấy, hoán dụ ý niệm là một trong những phương thức tri nhận quan trọng. Trong hoán dụ ý niệm bộ phận cơ thể người, loại hoán dụ có số lượng lớn và phong phú nhất là các hoán dụ bộ phận cơ thể đại diện tâm lí, tình cảm con người. Với loại hoán dụ này, các ý được kích hoạt để ánh xạ tới các miền đích chủ yếu là các bộ phận cơ thể thuộc cơ quan nội tạng như bụng, lòng, gan, dạ, ruột….Đặc biệt, dưới góc nhìn tri nhận, có thể thấy các tên gọi bộ phận cơ thể người đã có sự chuyển hóa phong phú, linh hoạt và mang đặc trưng văn hóa dân tộc.
[1] Panther, Klaus-Uwe & Günter Radden (Eds.) (1999), Metonymy in Language and Thought. Amsterdam/Philadenphia: John Benjamins, tr.21
[2] Panther, Klaus-Uwe & Günter Radden (Eds.) (1999), Metonymy in Language and Thought. Amsterdam/Philadenphia: John Benjamins, tr. 127 - 129
[3] Dẫn theo Geeraerts, Dirk & Hubert Cuyckens (2007), The Oxford Handbook of Cognitive Linguistics. New York: Oxford University Press, tr 239
[4] Trần Văn Cơ (2009), Ẩn dụ tri nhận, NXB Lao động - Xã hội, tr. 111 – 112
[5] Geeraerts, Dirk & Hubert Cuyckens (2007), The Oxford Handbook of Cognitive Linguistics. New York: Oxford University Press, tr. 17 - 59
Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 2/2017, tr.30 - 34