ThS. Bùi Thùy Linh
1. Mở đầu
Mạc Ngôn là một tác gia tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc, người đã vinh dự được trao giải thưởng Nobel Văn học năm 2012. Trong gia tài tiểu thuyết phong phú của ông, Đàn Hương Hình là tác phẩm đặc biệt, đánh dấu bước chuyển của Mạc Ngôn từ “tư cách là người thuyết thư hiện đại”, “ẩn mình trong văn bản”, “đứng phía sau sân khấu” sang tư thế “nhảy ra phía trước”, “đứng trên một quảng trường và kể chuyện một cách sinh động trước đông đảo người nghe” [5]. Cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ nhân vật có thực trong lịch sử Trung Quốc thời kỳ chống quân xâm lược Đức đã được các nghệ nhân Miêu Xoang đưa lên sân khấu, được chính Mạc Ngôn từng cùng với một số người khác biên soạn thành vở kịch Đàn Hương Hình gồm chín cảnh. Sau này, khi nỗi ám ảnh về tiếng tàu hỏa chạy hàng trăm năm trên đường sắt Giao Tế cổ lỗ cộng hưởng với hí kịch Miêu Xoang mê hồn quyện vào tuổi ấu thơ mà hạt giống gieo trong tâm khảm của ông đã nảy mầm thành cây đại thụ rợp bóng Đàn Hương Hình. Viết về một trong những hình thức trừng phạt man rợ và tàn khốc nhất từng được biết đến trong lịch sử Trung Quốc, Mạc Ngôn đã “đi tìm nguồn sáng cho hiện thực ở cái nghịch dị cái trái khoáy, đặt cái đẹp trong cái bạo lực gây nên sự choáng ngợp trong độc giả”, đưa vào thứ “mỹ học bạo lực khiến con người ghê sợ, nói cách khác là khiến cho con người từ chối nó” [6]. Các cuộc hành hình được miêu tả trong tác phẩm, đặc biệt là cuộc hành hình Tôn Bính mang màu sắc của những nghi lễ hiến tế thời cổ đại mà kẻ bị hành hình như Tiền Phi Hùng, Tôn Bính đã biến cái chết của mình thành cái tát mạnh mẽ vào bọn xâm lược phát xít Đức và những tên tay sai bán nước như Viên Thế Khải để trở thành người anh hùng của quần chúng Trung Quốc, trở thành những vật tế sinh, tự hiến mình cho tiếng nói thức tỉnh nhân loại.
Mạc Ngôn viết Đàn Hương Hình từ năm 1996 đến năm 2001. Năm 2002 tác phẩm đã được dịch ra Tiếng Việt. Từ đó đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về tác phẩm dưới dạng độc lập hoặc nằm trong tổng thể các sáng tác của Mạc Ngôn cùng với một vài ý kiến mang tính điểm sách. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào hai vấn đề nổi bật trong tác phẩm là màu sắc văn hóa dân gian và nghệ thuật trần thuật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được tập trung vào một motif mang màu sắc huyền thoại mà theo chúng tôi nó xuất hiện xuyên suốt tác phẩm và chứa đựng trong đó nhiều lớp lang ý nghĩa sâu sắc: motif hiến tế.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nghi lễ hiến tế trong nền văn minh của loài người
Hiến tế (sacrifice) “là hành động làm cho một vật hoặc một người nào đó trở thành thiêng liêng, nghĩa làm làm cho cái đem dâng hiến, cho dù đó là của cải riêng hoặc cuộc sống bản thân, cách biệt với người dâng hiến; đồng thời cũng cách biệt với cả nhân quần trần tục; cách biệt với chính mình để được dâng cho Thần Linh, nhằm chứng tỏ sự lệ thuộc, sự phục tùng, sự ăn năn hối lỗi hay tình yêu” [1; tr.396]. Yêu cầu đầu tiên cần có của hiến tế là vật tế sinh. Vật tế sinh được gửi lên các vị thần linh thông qua cây cầu nối là thầy tư tế, những người thực hiện các nghi thức tế lễ và được coi là “công cụ thực hiện sự dâng hiến” [1; tr.397]. Là một nghi lễ tôn giáo, việc hiến tế được đặt trong một không gian cụ thể mà thông thường là không gian cộng đồng, trước sự chứng kiến của cộng đồng. Vì “Sự hiến tế gắn với ý tưởng về một sự trao đổi ở cấp độ năng lượng sáng tạo hoặc năng lượng tinh thần” [1; tr.396] nên vật hiến tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vật tế sinh “có tác dụng bảo vệ và làm trong sạch xã hội” [3; tr.129]. “Vật hiến tế càng quý bao nhiêu thì năng lượng tinh thần được nhận lại càng lớn ấy nhiêu bất kể nó nhằm mục đích tẩy uế hay cầu phúc” [1; tr.396-397]. Hiến tế người đã từng diễn ra khá phổ biến từ thời cổ đại. Những chứng tích khảo cổ học về nghi lễ tôn giáo này được tìm thấy ở các tộc người Maya, người Aztec, người Inca, người Ai Cập cổ.... Về sau, cùng với sự phát triển của xã hội loài người, vật hiến tế dần được thay thế bằng các con vật. Nhưng dù là con người hay con vật thì để có giá trị thanh tẩy và thiêng liêng nhất, những vật hiến tế thường phải là những sinh linh thuần khiết (trẻ nhỏ, trinh nam, trinh nữ hay con vật non). Các nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đến từ Úc và New Zealand đã chỉ ra rằng hiến tế không chỉ là một nghi thức thiêng liêng trong tín ngưỡng nguyên thủy gắn với thuở ấu thơ của nền văn minh nhân loại mà còn là một hình thức “giúp củng cố quyền lực trong xã hội phân chia giai cấp” [7]. Nếu như thời cổ đại, để bày tỏ lòng tôn kính và trung thành tuyệt đối của thần linh, con người phải lấy thân xác mình (sau này là các động vật hay đồ vật khác) làm vật hiến tế thần linh với mong muốn vật hy sinh sẽ bảo vệ và mang lại đời sống yên bình thì trong xã hội có giai cấp, hiến tế vẫn là một hình thức phổ biến, với “rất nhiều sự đan xen giữa vai trò của tôn giáo và quyền lực chính trị” [7] hay nói cách khác, là cách mà các lực lượng chính trị mượn một hình thức tôn giáo để củng cố quyền lực của giai cấp mình. Triều đại nhà Thương - triều đại tìm thấy các văn bản ghi chép lịch sử Trung Quốc có niên đại cổ nhất - nghi lễ hiến tế đã được thực hiện bởi hai mục đích là kiểm soát vấn đề chính trị và phục vụ sự kết nối tôn giáo.
Khi nghiên cứu về hiến tế nói riêng, nghi lễ trong huyền thoại chung và mối quan hệ giữa các nghi lễ huyền thoại với văn học, trường phái nghi lễ - huyền thoại với các đại diện tiêu biểu như J. Frazer, N. Frye,... khẳng định: “Về nguyên tắc, huyền thoại và nghi lễ trong các nền văn học nguyên thủy và cổ đại hợp thành một thể thống nhất (về thế giới quan, chức năng, cấu trúc)” [4; tr.14] đồng thời chỉ ra việc chuyển nghi lễ huyền thoại vào văn học thông qua việc quan tâm tới các nhà văn có ý thức huyền thoại hóa của thế kỷ XX như J.Joyce, T.S. Eliot, R. Yates, F.Kafka, W.Faulkner… Đọc Đàn Hương Hình của Mạc Ngôn, nhà văn nổi tiếng của nền văn học đương đại Trung Quốc chúng ta cũng có thể bắt gặp bước chuyển này. Ấn tượng nổi bật và sâu sắc để lại sau khi gấp cuốn tiểu thuyết chính là những cảnh hành hình mang đậm màu sắc nghi lễ hiến tế từng phổ biến trong nền văn minh nhân loại cổ xưa…
2.2. Màu sắc hiến tế trong Đàn Hương Hình của Mạc Ngôn
Triệu Giáp - thầy tư tế - vật hiến tế
Trước hết, Triệu Giáp nổi bật lên trong vai trò của một thầy tư tế. Là tay đao phủ nổi tiếng ở triều đại nhà Thanh, được đích danh Hoàng Thái Hậu ban cho chức danh Trạng nguyên trong nghề đao phủ, thăng quan hàm Thất phẩm, ban cho chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương; được vua ban cho ghế Thái sư, hắn tự coi mình là đại diện cho sự uy nghiêm của Đại Thanh, là đệ tử của sư tổ Cao Đài (ông tổ nghề đao phủ), khi thi hành án không phải là con người, mà là thần linh, là phép nước, ma quỷ biết cũng phải tránh, đứng trước nhà vua, hoàng hậu cũng không cần phải thi lễ. Để lên chức “Già” trong nghề đao phủ, đôi tay hắn đã luyện qua không biết bao nhiêu hình phạt tàn khốc, từ Đai Diêm vương, chém ngang lưng, lăng trì đến hình phạt “tinh vi ảo diệu”, “tao nhã biết chừng nào, vang vọng biết chừng nào, ngoài thô trong đẹp, hương sắc cổ xưa” [2; tr.471] mang tên Đàn hương hình. Hai lần trong tác phẩm, công đoạn chuẩn bị cho lễ hành hình được miêu tả tỉ mỉ hiện lên như một nghi lễ tôn giáo mà Triệu Giáp cùng với đồng sự của mình chính là những thầy tư tế. Ở lần thứ nhất, khi Triệu Giáp mới vào nghề, cùng với Già Dư thực hiện hình phạt Đai Diêm Vương. Buổi sáng hôm ấy, sau khi ăn uống quấy quá vài miếng, họ mặc quần áo mới, độ mũ nỉ đỏ, thắp ba nén hương quí lên ông tổ Cao Đào. Vật dâng lên ông tổ là con gà cưỡng trắng mào đen. “Giống gà trắng mào đen huyết mạch cường, mỗi khi thi hành trọng án, bọn ta mua một con về giết. Lát sau, máu đã cạn, hai sư đệ dâng liễn huyết lên bàn thờ, rồi vái một vái bước giật lùi ra sau. Ta bước lên theo sau Già Dư, giơ ngón tay trỏ và ngón giữa quệt máu gà trong liễn bôi lên mặt từng vệt dài (…) Máu một con gà có thể bôi đủ hai khuôn mặt, còn thừa thì bôi hai tay. Lúc này mặt ta và mặt Già Dư đều đỏ như mặt sư tổ. Vì sao phải bôi máu gà lên mặt? Vì ta phải đảm bảo bọn ta với sư tổ là một, cũng là để bọn tà ma quỉ quái biết rằng bọn ta là đệ tử của sư tổ Cao Đài, khi thi hành án, bọn ta không phải là con người, mà là thần linh, là phép nước” [2; tr.70]. Lần thứ hai là vào khi thì hành án phạt Đàn hương hình. Bố con Triệu Giáp mặc “áo mở kích màu đen, thắt lưng rộng bản bỏ múi mầu hồng, quần rộng ống màu đen, ủng cao cổ da hươu, mũ ống cao ngất ngưởng (…) Mắt, tai bôi một lớp dày tiết gà” [2; tr.600]. Kiếm đàn hương được bào nhẵn, đun một ngày đêm trong ghênh dầu sôi để không thấm máu, được thả bột rán quẩy để thấm ngũ cốc, thả thị bò để cho gỗ dẻo; nước sâm thượng hạng được dùng để duy trì sức sống cho phạm nhân… Pháp luật được xây dựng nhằm duy trì trật tự xã hội. Để thực thi pháp luật, hình phạt là yếu tố cần thiết. Nhưng một sự thật đau lòng là trong lịch sử loài người nói chung trong lịch sử dân tộc Trung Hoa nói riêng, đã có rất nhiều hình phạt mà tính chất trừng phạt, răn đe bị chuyển xuống thứ yếu để nhường chỗ cho mục đích mua vui, hay củng cố quyền lực cho kẻ đứng đầu. Thế nên cái nghề hành hình mới trở nên lắm công phu, không chỉ là những quy tắc riêng trong ngành theo kiểu “phú quí sinh lễ nghĩa” mà còn để thỏa mãn nhãn quan của người chứng kiến. Trong bối cảnh ấy, Triệu Giáp không còn là một tay đao phủ bình thường nữa, hắn đã biến thành một “nghệ sĩ “ đang biểu diễn cho quần chúng thứ “nghệ thuật giết người” đáng sợ; một thầy tư tế đang tôn nghiêm và trang trọng thực hiện những nghi lễ tôn giáo trong một buổi hiến tế mà vật tế sinh chính là những tội nhân. Cuộc hành hình Tiền Phi Hùng án phạt lăng trì đã cho thấy vai trò thầy tư tế ấy của Triệu Giáp. Với cách miêu tả tỉ mỉ, chậm rãi, không bộc lộ một chút cảm xúc, Mạc Ngôn đã để cuộc hành hình diễn ra như một thước phim quay chậm về một lễ hiến tế người mà vật hiến tế chính là Tiền Phi Hùng. Tiền Phi Hùng được trói ở cột to cao bằng gỗ thông, phía sau là năm nghìn lính xếp thành khối vuông vức, trông xa như một rừng cây, lại gần như những ông phỗng. Vật hiến tế thật đẹp với “một cơ thể đàn ông cân đối, khỏe mạnh”, “mũi cao, miệng rộng, lông mày lưỡi mác, mắt sáng như sao, ngực nở, bụng thon, da mịn màu đồng điếu”, đặc biệt trên khuôn mặt “luôn mỉm cười châm biếm” [2; tr.309-310]. Sau phát vỗ mạnh vào tim, miếng thịt đầu tiên như đồng xu được khoanh lấy từ ngực bên phải của Tiền Phi Hùng. “Triệu Giáp làm theo quy trình bất thành văn trong nghề, dùng mũi dao xọc miếng thịt giơ cao lên cho viên Đại nhân và đám sĩ quan trông thấy, sau đó lại giơ cho năm ngàn binh sĩ xem” “theo cách gọi của người trong nghề, miếng thứ nhất tạ trời” [2; tr.316-317] . Nhát thứ hai, bên ngực trái, cũng nhỏ như đồng xu được vảy xuống để tạ đất. Miếng thứ ba trên ngực quăng lên trời là miếng tạ quỷ thần… Miếng thứ năm trăm, vết dao đâm trúng vào trái tim của người anh hùng quả cảm. Cuộc hành hình đã không diễn ra như một cuộc trình diễn hoàn hảo trên sân khấu theo ý muốn của Triệu Giáp bởi bản lĩnh của người anh hùng. Nó trở thành cuộc thi gan của Tiền Phi Hùng với Viên Thế Khải, trở thành cuộc đấu trí của Triệu Giáp. Biết bao suy nghĩ tính toán đã diễn ra trong đầu Triệu Giáp ở cái thời khắc hành hình nghẹt thở ấy. Sức mạnh tinh thần và uy lực của sức mạnh đó toát lên cơ thể không còn rõ nhân hình của Tiền Phi Hùng khiến cho Triệu Giáp rối trí, cố gắng lắm mới lấy lại được bình tĩnh để xét đoán tình hình, hoàn thành công việc. Nó khiến cho Viên Thế Khải ngồi xem trong lòng cũng phấp phỏng không yên. Còn binh sĩ thì sợ hãi mà đổ gục hàng loạt. Viên Thế Khải định dùng cuộc hành hình để thị uy trước ba quân, lấy lại uy thế cho mình nhưng rõ ràng, mục đích của hắn đã hoàn toàn thất bại. Hắn muốn Tiền Phi Hùng phải khuất phục với một cái chết đau đớn nhưng cuộc hành hình lại khiến cho Tiền Phi Hùng tỏa sáng. Bản lĩnh của chàng trong cuộc hành hình, thái độ căm hận của chàng dành cho Viên Thế Khải đã gây nên một phản ứng tâm lý ngược. Mạc Ngôn chỉ đóng vai trò là người quay phim, ghi lại những thước phim chậm, nhưng thông qua sự vị nể của Triệu Giáp, tay đao phủ khét tiếng của Bộ Hình, giết người không ghê tay ấy, người ta cũng có thể phần nào đoán ra được sức lay động của cái chết này.
Xuất hiện trong tác phẩm với vai trò của một thầy tư tế nhưng xét cho cùng Triệu Giáp đã tự biến mình thành một vật tế sinh mù quáng. Từ hình phạt Đai Diêm Vương thuở mới vào nghề đến chém đầu sáu vị quân tử, lăng trì Tiền Phi Hùng và hình phạt Đàn Hương Hình dành cho Tôn Bính, Triệu Giáp đã cho thấy bản lĩnh giết người và “năng khiếu” làm đao phủ của mình. Hắn đã vượt qua mối quan hệ mang tên đồng loại để có những toan tính chính xác, hoàn thành các cuộc hành hình với bầy nhầy máu thịt. Hắn tự hào với “nghệ thuật” giết người của mình. Nhưng càng tự hào bao nhiêu thì Triệu Giáp lại càng trở nên đáng thương bấy nhiêu. Mười tuổi mồ côi cha, mười lăm tuổi bà nội qua đời, Triệu Giáp sống như một kẻ hành khất, nếm trải đủ những nhọc nhằn trong đời. Cuộc gặp gỡ với Già Dư chính là định mệnh của hắn với nghề đao phủ. Bốn mươi năm trung thành với nghề, để đạt được đến trình độ siêu hạng như ngày hôm nay hắn đã phải đánh đổi nhiều thứ: cắt đứt mối liên hệ với quê hương, gia đình và cắt đứt đi cả những nhu cầu của một con người bình thường. Với kẻ mà “tuy bộ tam sự còn nguyên nhưng tâm đã chết” [2; tr.472], không cần tịnh thân như thái giám nhưng thân đã tịnh hoàn toàn toàn, tất cả lạc thú của hắn dồn vào đôi bàn tay tay quái đản. Triệu Giáp đã dâng hiến cho nghề đao phủ cả cuộc đời mình, toàn bộ những lạc thú trong cuộc đời mình, tài năng tâm huyết của mình và sau này là đứa con trai độc nhất. Triệu Giáp chỉ thấy ở Tiền Phi Hùng, Tôn Bính việc “dựng cờ tạo phản, vi phạm quốc pháp, dẫn đến tranh chấp liệt cường” [2; tr.463], là loại dân bất trị cần phải trấn áp để bảo vệ kỷ cương. Hắn sống với niềm tự hào là đại diện cho sự tôn nghiêm của đất nước, đại biểu cho tinh khí thần của triều đình mà không biết rằng mình chỉ là một thứ công cụ giết người mua vui cho vua chúa, mua vui cho quần chúng, trở thành bệ đỡ cho kẻ khác thăng quan tiến chức, thành công cụ đàn áp cho bọn phát xít Đức xâm lược. Vì vậy mà Triệu Giáp càng cố gắng tâm huyết với nghề đao phủ bao nhiêu, càng tài hoa bao nhiêu thì lại càng trở nên đáng thương, đáng trách bấy nhiêu. Niềm tin “Nghề này mà phát triển thì triều đình hưng thịnh. Nghề này mà tiêu điều thì khí số của triều đình cũng hết” [2; tr86] đã vạch trần sự mông muội, ấu trĩ của Triệu Giáp cũng như của rất nhiều người dân Trung Quốc đang xếp hàng suốt chiều dài lịch sử để chờ xem những cuộc thị chúng. Đóng vai nhân vật thầy tư tế trong các cuộc hành hình nhưng Triệu Giáp cũng đã biến chính bản thân mình trở thành một vật tế sinh cho triều đại nhà Thanh. Chỉ tiếc rằng đó là một sự dâng hiến trong mu muội cho một triều đại Mãn Thanh mà khí số đã hết, “Thái hậu chuyên quyền, nhà vua bù nhìn, gà trống đẻ trứng, gà mái cầm canh, âm dương điên đảo, trắng đen lộn tùng phèo, tiểu nhân đắc chí, ma quỷ hành hoành” [2; tr.138]. Đàn hương hình, hình phạt Triệu Giáp cho rằng là tinh hoa ảo diệu mở mắt cho người Đức, là một sự đãi ngộ với Tôn Bính còn hắn là nhân vật chính, là người cầm cương cuối cùng lại biến thành buổi biểu diễn vĩ đại của Tôn Bính và những nghệ sĩ Miêu Xoang, thành nơi phơi thây của hai bố con Triệu Giáp.
Đàn Hương Hình - vở hý kịch Miêu Xoang vĩ đại cuối cùng và lễ hiến tế mang nhiều ý nghĩa
Đàn hương hình là hình phạt bằng gỗ đàn hương được dùng với phạm nhân Tôn Bính. Đàn Hương Hình cũng là tên vở kịch Miêu Xoang từng được Mạc Ngôn biên soạn. Lấy Đàn Hương Hình đặt tên cho tiểu thuyết, đồng thời sử dụng lời thoại từ kịch bản Đàn Hương Hình đã được chỉnh lý, sửa chữa, Mạc Ngôn đã đưa câu chuyện về Tôn Bính trở thành câu chuyện trung tâm của tác phẩm mà Miêu Xoang chính là âm điệu làm nền cho khúc bi ca về người anh hùng quần chúng theo quan niệm mới của Mạc Ngôn.
Miêu Xoang vốn xuất phát từ những lời hát tang mà Tổ sư là Thường Mậu. Lời ca buồn thảm, đau thương, không chỉ là lời điếu văn với người đã chết mà còn là bao câu chuyện nhân tình thế thái, “xen vào lời ca là tiếng mèo kêu với đủ loại giọng hoặc uyển chuyển hoặc đau thương hoặc thê thảm để chuyển làn” [2; tr.567]. Khi Thường Mậu chết, những làn điệu du dương và tiếng ca não lòng của Miêu Xoang vẫn còn vương vấn mãi trong lòng người. Trước khi được khai sinh lần thứ hai bởi Tôn Bính, những làn điệu của nó vẫn được lưu truyền trong dân gian thông qua những gánh hát nhỏ dạng gia đình, biểu diễn như một hình thức để kiếm cơm. Tuy nhiên, ở thời kỳ ấy, Miêu Xoang “chưa có nhạc đệm, chưa có vở diễn chính thức, là kịch mà chưa phải là kịch” [2; tr.568]. Chính Tôn Bính là người đã đưa Miêu Xoang lên thành một hình thức biểu diễn chuyên nghiệp, có trang phục, có hóa trang, có nhạc đệm. Tôn Bính sáng chế ra miêu hồ, miêu cổ, là một trong số rất ít bậc tài danh của Miêu Xoang điêu luyện trong kỹ xảo “phiên hoa”: đưa giọng lên cao một cung bậc nữa trên cơ sở giọng đã cao hết cỡ. Sau khi bị kẻ xấu vặt hết bộ râu, như mèo mất ria, mất cái uy, cái gan, cái linh hồn của Miêu Xoang, Tôn Bính bỏ nghề hát, về mở quán trà. Cuộc sống mới với quán trà nhỏ, người vợ trẻ và hai đứa con thơ người thơm mùi sữa đã mang đến cho Tôn Bính cuộc sống bình yên với hạnh phúc đời thường. Tiếc rằng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, tai họa ập tới bất ngờ. Tận mắt chứng kiến cảnh vợ con bị người Đức làm nhục, hãm hại, hai mươi bảy người dân Mã Tang chết dưới tay người Đức, căm hận ngút trời, Tôn Bính ra đi theo Nghĩa hòa quyền rồi trở về với như một vị thần trong mắt người dân Cao Mật. Người kép hát, bị đẩy vào bước đường cùng đã đứng lên cầm đầu cuộc khởi nghĩa để biến thành người anh hùng trong quần chúng nhân dân. Cuộc khởi nghĩa không chỉ xuất phát từ nỗi đau riêng của Tôn Bính mà còn xuất phát từ nỗi đau chung của người dân Đông Bắc Cao Mật, từ niềm tự hào và tự tôn dân tộc trước nguy cơ bị bọn ngoại bang xâm lược, mồ mả tổ tiên bị xâm phạm, phong thủy bị phá vỡ. Chỉ có điều tâm lớn nhưng trí thì còn ngu muội. Họ chiến đầu với súng Tây bằng một đội quân khởi nghĩa nhưng chẳng khác một kép hát. Đội quân ấy luyện thần quyền, uống nước bùa để “dao đâm không thủng, lửa đốt không cháy, rắn như kim cương cũng không thể xuyên thủng” [2; tr.295], lúc xuất quân thì như được tiêm thần lực khí thế ngút trời nhưng khi đến gần trại lính Đức thì “lộn xộn chẳng ra thể thống gì”. Quân khởi nghĩa bị đạn pháo của Carlot tàn sát, thương vong vô kể, để bảo toàn tính mệnh cho bà con, Tôn Bính đã giơ đầu chịu trói, đối diện với hình phạt Đàn hương hình.
Với phát xít Đức và bè lũ tay sai Viên Thế Khải, Đàn hương hình là “một hình phạt tân kỳ và tàn khốc, bắt phạm nhân đau khổ cùng cực nhưng chưa chết ngay” [2; tr.158] có tác dụng răn đe. Bọn chúng muốn dùng Đàn hương hình để “khi gia hình, phạm còn sống được năm ngày, tốt nhất là sống đến ngày hai mươi tháng Tám, ngày làm lễ thông xe đoạn đường sắt Thanh Đảo - Cao Mật” [2; tr.158], biến Tôn Bính thành vật tế sống cho ngày lễ. Với Tiền Đinh, Đàn hương hình là chiếc phao cứu sinh, tuy khá mong manh cho mạng sống và tiền đồ. Với Triệu Giáp, Đàn hương hình là tinh hoa trong nghề đao phủ, mở mắt cho ngoại bang, là minh chứng sống động cho tay nghề Trạng Nguyên, là vật hiến tế cuối cùng mà hắn trong vai trò của một thầy tư tế dâng lên triều đình trước khi gác đao. Đối với Tôn Bính và đám ăn mày, kép hát cũng như quần chúng nhân dân Cao Mật, Đàn hương hình là vở ruột thứ hai của kịch Miêu Xoang, là vở diễn lớn cuối cùng trong cuộc đời Tôn Bính, cũng là vở diễn lớn cuối cùng của những nghệ nhân Miêu Xoang đích thực. Công cuộc chuẩn bị cho cuộc hành hình và thái độ của Triệu Giáp, Tiền Đinh, Tôn Bính khiến cho Đàn hương hình hiện lên không còn giống như một cuộc hành hình nữa mà là một nghi lễ tôn giáo, một lễ hiến tế. Đài Thăng Thiên “dựng bằng gỗ thông đỏ, sừng sững như một vị thần khổng lồ, bất động trong cảnh hoàng hôn (…) dáng kiêu hùng may khói vờn quanh mỗi mỗi tầng” [2; tr.478] biến thành sân khấu lớn, thành không gian tế lễ hơn là nơi để thi hành án. Đó chính là sự ngưỡng mộ mà Tiền Đinh dành cho Tôn Binh khi dựng đài, cũng là điều mà Triệu Giáp thừa nhận: Tôn Bính là “rồng phượng trong nhân quần. Người như ông mà chết không thăng hoa thì đất trời đâu có chịu? Chỉ Đàn hương hình, chỉ Thăng Thiên đài mới xứng với ông” [2; tr.478]. Cảnh Tôn Bính bị đóng kiếm đàn hương xuyên qua người, hai tay trói vào xà ngang của tấm gỗ dài ba thước, đính ngang trên cây cột to bằng gỗ thông đặt trên Đài Thăng Thiên “giống như cây thập ác ở nhà thờ Bắc Quan” [2; tr.610] gợi nhớ đến hình ảnh chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, đón nhận cực hình để chịu tội thay cho loài người, cứu chuộc cho tội lỗi của nhân loại. Mượn lại một huyền tích từ trong Kinh Thánh, Mạc Ngôn đã gửi gắm vào trong cuộc hành hình của Tôn Bính nhiều ý nghĩa. Tôn Bính treo mình trên đài cao năm trượng là để “bà con hương thân thức tỉnh, để giặc Tây bạt vía kinh hồn” [2; tr.552-553]. Chính tại nơi đây, những tiếng ca bi tráng của Tôn Bính đã vang lên cùng với điệu “mi-ao” nức nở mê hoặc lòng người:
“Ngắm trời cao gió thu vàng lồng lộng, nhìn đất dày cây cỏ xanh rờn, ta đây vốn anh kiệt hóa thân, dựng cờ nghĩa thay trời hành đạo, cứu Trung Hoa kiếp nạn trầm luân.
Không cho giặc dựng xong đường sắt!
(…) Thôi thôi thôi, bà con chớ phiền phiền não não… Bọn gian tặc mở mắt mà trông, đệ tử ta phất cờ nổi dậy, phá tan hoang đường sắt Giao Đông! Ta chết không ân hận, lửa cháy lên rồi, ta những chờ mong!...
Mi-ao mi-ao mi-ao!
Meo meo meo!” [2; tr.575-576]
Viên Thế Khải và phát xít Đức muốn biến Tôn Bính thành vật hiến tế cho ngày lễ thông đương sắt như một minh chứng cho sự thắng thế của bọn chúng mà không ngờ rằng, khi Đàn hương hình được thực thi, lễ tế sinh không còn do chúng chủ trì nữa. Nghi lễ hiến tế đã kết thúc trước khi bọn giặc Đức định bắt đầu theo cách của chúng. Tôn Bính đã biến nó thành của mình, biến mình thành vật hiến tế cho sự thức tỉnh của quê hương Đông Bắc Cao Mật. Đài Thăng Thiên là nơi tổ chức nghi lễ. Miêu Xoang là nhạc lễ, Buổi biểu diễn của Nghĩa miêu trên Đài Thăng Thiên là buổi biểu diễn để tiễn biệt vị tổ sư Miêu Xoang cũng là lời tiễn biệt dành cho người anh hùng trượng nghĩa của mảnh đất Cao Mật. Giữa pháp trường sát khí đằng đằng, Nghĩa miêu đầu đội mũ lông mèo, khoác áo lông mèo cất giọng ca bi thảm kể về cuộc đời Tôn Bính, người xem, từ nha dịch đến dân chúng bỗng chốc đều hóa mèo, gào lên những tiếng “mi-ao” đệm theo lời hát.. Hình phạt Đàn hương hình không những không đạt được mục đích khuất phục Tôn Bính, trấn áp dân chúng như người Đức muốn mà trái lại, càng khiến Tôn Bính tỏ rõ hơn khí chất xứng đáng với một vị anh hùng, lại càng khiến cho quần chúng nể phục. Kiên cường chống lại cái chết trên cọc đàn hương trong bốn ngày, Tôn Bính trở thành một bức tượng đài vĩ đại của lòng yêu quê hương và tinh thần trung nghĩa trong lòng người dân Cao Mật.; Lại được nghĩa miêu tổ chức đám tang sống bằng Miêu Xoang, Tôn Bính xem như đã hoàn thành được tâm nguyện của mình. Tôn Bính muốn được chết. Chết để đập tan âm mưu của người Đức trong ngày lễ thông xe đoạn đường sắt Giao Tế. Chết để biến chúng thành những kẻ thất bại. Chết để thổi bùng lên ở người dân Trung Hoa tình yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. “Kịch… đến hồi kết!” [2; tr.668] Cặp mắt mắt sáng bừng khi đón nhận mũi dao của Tiền Đinh, Tôn Bính đã mãn nguyện để ra đi. Khi Tôn Bính đã tự biến mình thành vật tế sinh không phải cho người Đức hay Viên Thế Khải mà là cho quần chúng Cao Mật và dân tộc Trung Hoa, đối tượng được hiến tế đã thay đổi, vai trò thầy tư tế của Triệu Giáp không còn. Để cho Tiền Đinh, vị quan còn ít nhiều nhân cách, hoàn thành cuộc hiến tế có phần hợp lý hơn cả. Nó là giây phút tỏa sáng cuối cùng nhưng chói lọi của Tôn Bính, cũng là con đường để dẫn Tiền Đinh quay trở về với quần chúng, với dân tộc. Tôn Bính không còn. Toàn bộ kép hát Miêu Xoang đã nằm xuống dưới nòng súng Đức. Vở hý kịch Miêu Xoang bi tráng cuối cùng đã hết… nhưng câu chuyện về người anh hùng Tôn Bính thì vẫn còn đó, lưu truyền trong dân gian….
3. Kết luận
Mạc Ngôn trong phần
Viết thêm của
Đàn Hương Hình đã nói rằng tiểu thuyết này thích hợp với lối đọc có tính quảng trường, “
nên tìm người có chất giọng khàn đọc to lên cho xung quanh nghe, đây là cách đọc bằng nghe, là cách toàn bộ con người tham gia vào việc đọc” [2; tr.677] bởi tính chất hý kịch đậm nét của nó. Điều này khiến người ta liên tưởng đến cách đọc - kể các sử thi đã từng xuất hiện phổ biến trong lịch sử văn học nhân loại. Một cách rất thú vị, hình thức đọc mang tính diễn xướng được xem là phù hợp hơn cả đó lại được triển khai trên một câu chuyện mang đậm màu sắc nghi lễ tôn giáo tạo thành một tổng thể không thể hoàn hảo hơn. Từ một nghi lễ huyền thoại trong văn hóa nguyên thủy, hiến tế đã trở thành một ký hiệu đặc biệt trong
Đàn Hương Hình mang những ý nghĩa thời đại sâu sắc. Thuật lại một thời kỳ lịch sử có tính chất truyền kỳ, với
Đàn Hương Hình, “nhà tư tế Mạc Ngôn” đã “hiến tế” cho ký ức, cho “vương quốc Cao Mật” một “vật hiến sinh” đặc biệt với tất cả sự tôn kính!
TÀI LIỆU THAM KHẢO[1] Chevalier J., Gheerbrant A. (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
[2] Mạc Ngôn (2004), Đàn Hương Hình, NXB Phụ nữ, Hà Nội.
[3] Melentinsky E.M. (2004),
Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn - Song Mộc dịch), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[4] Nhiều tác giả (2007),
Huyền thoại và văn học, NXB ĐH Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
[5]
http://vanvn.net/ong-kinh-phe-binh/dien-tu-nobel-cua-nha-van-mac-ngon/1164[6]
http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c113/n904/Nghe-thuat-tran-thuat-gan-voi-thu-phap-la-hoa-trong-tieu-thuyet-Mac-Ngon.html.
[7]
https://www.theguardian.com/science/2016/apr/04/study-shows-human-sacrifice-was-less-likely-in-more-equal-societies]
Bài đã đăng trên Tạp chí khoa học trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, số 51, tháng 10-2017, trang 90-100