Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

“ĐỘNG VẬT - NGƯỜI” - KÝ HIỆU ĐẶC BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN

ThS. Bùi Thùy Linh


1. Mở đầu
 “Văn học nghệ thuật là một sáng tạo kí hiệu, không chỉ chi tiết, biểu tượng có tính kí hiệu, mà các nhân vật, dù là nhân vật hư cấu hay nhân vật lịch sử, hễ xuất hiện trong văn học tất cả đều có tính kí hiệu” [1]. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn - tác giả lớn của nền văn học đương đại Trung Quốc kiểu nhân vật “động vật - người” là một mã kí hiệu đặc biệt. Việc nghiên cứu tiểu thuyết của Mạc Ngôn lâu nay chủ yếu được thực hiện từ góc độ tự sự học. Tiếp cận tác phẩm Mạc Ngôn từ góc độ ký hiệu học, với một đối tượng cụ thể là kiểu nhân vật “động vật - người”  bài viết mong muốn mang đến những giải mã thú vị về một kiểu nhân vật không mới nhưng vẫn rất lạ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn.

2. Nội dung
 “Động vật - người” không phải là một kiểu nhân vật xa lạ trong văn hóa và văn học  nhân loại. Có thể bắt gặp trong thần thoại cổ xưa nữ quỷ rắn Medusa, quái vật nửa người, nửa bò Minotaur, người cá (thần thoại Hy Lạp); vị thần đầu voi Ganesha (thần thoại Ấn Độ); nhân sư (Ai Cập),… Tuy nhiên, trong thần thoại cũng không hiếm các vị thần, vật được tạo thành từ nhiều loài khác nhau như quái vật Chimera (có đầu và lưng sư tử, đuôi rắn, lưng mộc một cái đầu dê và đầu rồng), Catoblepas (quái vật mình trâu, đầu bò), Yale (quái vật hàm lợn, đuôi voi)… thậm chí, kiểu này có phần chiếm ưu thế hơn.  Bởi vậy, có thể nói, “động vật – người” chỉ là một trong những kiểu nhân vật được tạo nên từ sự lai ghép phổ biến theo quan niệm của người cổ đại. Đây là một sự lai ghép đơn giản, có nghĩa là một sự lai ghép mang tính “tổng hợp” - vật lai ghép sẽ mang sức mạnh tổng hợp của những loài mình được lai ghép. Bằng cách lai ghép giữa các loài với nhau, họ cũng đồng thời lai ghép thêm sức mạnh đáng sợ cho nó. Vật lai trở thành biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên, cho nỗi sợ hãi của con người trước thiên nhiên đồng thời thể hiện niềm khát khao khám phá, có được sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người. Vật lai ghép đóng vai trò là một hình tượng nghệ thuật được xây dựng một cách vô thức, có nghĩa là người cổ đại sáng tạo ra nó không phải để tạo ra một hình tượng nghệ thuật mà nhằm một mục đích nào đó thuộc về tâm linh, tôn giáo.

Kiểu “động vật - người” trong thần thoại khác với kiểu nhân vật “động vật - người” xuất hiện trong văn học sau này - những hình tượng nghệ thuật được xây dựng theo chủ ý của tác giả. Người ta hẳn còn nhớ đến cái đuôi lợn của dòng họ Buendia trong Trăm năm cô đơn của G. Márquez. Cái đuôi lợn không phải là được lai ghép đơn thuần mà đã trở thành biểu tượng cho sự loạn luân, sự tuyệt diệt giống nòi, gắn liền với cái cô đơn, với bản năng tính dục. Con người - lợn là một quái thai, một khiếm khuyết sinh học được sinh ra từ sự khiếm khuyết về mặt tâm hồn. Không còn là nỗi sợ hãi, ám ảnh trước thế giới khách quan vô cùng không thể tri nhận mà là nỗi cô đơn, cái hư vô dẫn đến sự tự hủy diệt trong một kỷ nguyên kỹ trị. “Động vật - người” - những con người bất thành nhân dạng trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn cũng chính sản phẩm tất yếu của một thời đại đầybiến động mang tính bi kịch như vậy. Vê cơ bản, có thể chia kiểu nhân vật “động vật - người” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn thành ba loại:

2.1. Kiểu con người mang tướng tinh động vật
Theo quan niệm của người phương Đông “vạn vật chi linh”, con người cũng có thể mang hình tướng của đủ loại cầm thú. Sách Tướng lý hành chân ghi rõ: Mắt dài, mũi cao, mắt tròn lớn sáng, xương to, thân thể lớn cao, mày đẹp cử chỉ xuất chúng uy quyền là tướng rồng. Đầu to, miệng rộng, mũi nở, thân dài, mắt thật đen, sáng quắc, đi trông oai vệ và nhẹ, tiếng nói oang oang là tướng hổ. Đầu nhỏ, mặt nhỏ, mắt vàng, chân gầy, thân nhỏ, trán ngắn, tai mỏng, hay nghển cổ là tướng con gà…. Dựa vào hình cách cầm thú mà coi tướng người, biết được chân tướng của họ. Mạc Ngôn không đóng vai trò của một nhà tướng pháp, ông cũng bàn đến chuyện tướng tinh loài vật của con người nhưng không phải nhằm đoán số mệnh mà để tả lòng người, để vẽ lên câu chuyện về nhân tính. Trong Đàn hương hình, tướng tinh loài vật cho thấy bản chất thú trong con người.
Mẹ Tiểu Giáp đã từng kể cho cậu ta nghe truyền thuyết về chiếc râu hổ “người nào có được sợi ria đó giắt trong người, có thể nhìn thấy bản tướng của người khác. (…) Con người sống trên đời đều do con vật đầu thai mà sinh ra. Nếu ai có cái râu hổ quí giá kia, thì trong con mắt người đó không bao giờ có con người” [2]. Nhờ chiếc râu hổ (hoặc cũng có thể là chiếc lông trên người Mỵ Nương như cô ta nói) mà Triệu Tiểu Giáp có thể nhìn thấy được bản tướng của những người xung quanh mình. Mỵ Nương là rắn trắng, Triệu Giáp là báo đen, Tôn Bính là gấu đen, quan lớn Tiền Đinh là hổ trắng, Viên Thế Khải là ba ba, Các-lốt là chó sói, bọn lính lệ, tay sai đứa là chó, đứa là lừa, đứa là ngựa,… còn bản thân Tiểu Giáp là một con sơn dương râu dài. Nếu cái râu hổ trong truyền thuyết chỉ khi nào nắm chặt trong tay mới có thể nhìn thấy tướng tinh loài vật thì cái râu hổ của Triệu Giáp cầm trong tay một lần mà có tác dụng mãi mãi. Từ khi có râu hổ, Tiểu Giáp sống trong thế giới người - vật lẫn lộn ấy.
Rắn là “biểu tượng kép của linh hồn và của nhục dục” [3], là thứ mang đến cái chết nhưng cũng “đem lại sự sống” [4]. Lấy bạch xà là tướng tinh của Mỵ Nương, Mạc Ngôn đã ngầm thể hiện bản chất đặc biệt cả người phụ nữ này, một người phụ nữ vượt qua tất cả để đến với tình yêu, để thỏa mãn dục tình nhưng cũng là một đứa con hiếu nghĩa, là một nữ tướng dũng cảm. Vượt lên tất cả, Mỵ Nương trở thành một thanh âm trong trẻo trong điệu hát Miêu Xoang huyền thoại. Bản tướng báo đen vạch trần bản chất lạnh lùng tàn bạo của tay đao phủ lừng danh Triệu Giáp. Quan huyện Tiền Đinh tuy cuối cùng là một kẻ thất bại nhưng bản tướng bạch hổ đã cho thấy sự cảm thông và có phần trân trọng của Mạc Ngôn dành vị quan tuy có tư chất và nghĩa khí nhưng sinh nhầm vào thời kỳ hỗn loạn của một vương triều sắp tàn. Vương triều mà kẻ đao phủ thì được Hoàng thượng tặng long ỷ, Thái hậu ban chuỗi hạt còn những kẻ vào sinh ra tử, nam chinh bắc chiến thì không, kẻ làm quan cần mẫn, “muốn được thấy mặt rồng, có họa là trời sập” [5]. Gấu đối với người Trung Quốc mang bản tính dương, là biểu tượng cho sức mạnh. Cuộc đời của kép hát Tôn Bính đã từ một kẻ xướng ca vô loài trở thành người đại anh hùng đất Cao Mật, người đại diện cho chính nghĩa, cho sức mạnh của quần chúng. Bản tướng gấu đen của Tôn Bính dưới cặp mắt của Tiểu Giáp đã chứng minh điều ấy “Bớ vợ tớ là một đại anh hùng, không thể là lợn, chỉ có thể là gấu”. Bản chất dã man, độc ác, nham hiểm của kẻ xâm lược ngoại bang Các-lốt và tay sai đã được thu trọn trong bản tướng loài sói. Còn Viên Thế Khải, kẻ bán nước cầu vinh thì trong hình ảnh một con ba ba, lúc nào cũng có thể sẵn sàng rụt cổ vào mai. “Viên Thế Khải trên sân khấu rướn cái cổ ba ba, có cái gì như cái vung đội lưng áo lên (…) Ồ, không phải cái dù, là cái mai ba ba. Ba ba mà làm quan to đến nhường ấy thì vui thật. Mi-ao mi-ao, ba ba Viên Thế Khải nghiêng đầu sát mõm sói xám Các-lốt, líu ríu câu gì đó bằng tiếng ba ba và tiếng sói…” [6]. Tất cả sự mỉa mai, châm biếm và ghê tởm với bản chất xấu xa của bọn chúng đã được lột tả qua quan sát đó cúa Tiểu Giáp…

Đặt cái râu hổ vào tay vào một nhân vật “đứa trẻ lớn ” là Tiểu Giáp, Mạc Ngôn đã rất thành công khi xây dựng cái nhìn khờ khạo, ngây ngô nhưng cũng vì thế mà chân thực đến từng cen-ti-mét như cái nhìn của con trẻ. Điều này giúp việc nhìn thấy bản tướng loài vật của Tiểu Giáp tưởng hư nhưng lại rất thực.  Thế giới dưới con mắt Giáp Con đâu đâu cũng toàn là súc vật trở thành biểu tượng cho một xã hội mà thú tính đang dần dần lấn át mất nhân tính.

2.2. Kiểu động vật là hóa thân của con người
Người hóa thân thành vật là một motif phổ biến trong các câu chuyện dân gian. Trong truyện cổ phương Tây, hoàng tử bị mụ dì ghẻ biến thành cóc (Hoàng tử cóc), thành chim Thiên Nga (Bầy chim thiên nga). Truyện cổ Việt Nam có Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Sự tích con trâu, Sự tích con khỉ, Sự tích con muỗi,… Tuy nhiên hóa thân trong các câu chuyện dân gian mang tính chức năng: giải thích, trừng phạt hay ban thưởng, tức không chú trọng đến diễn biến của sự hóa thân đó mà chỉ chú trọng đến kết quả. Hóa thân trong văn học hiện đại nói chung, trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn nói riêng, mang một màu sắc “hậu hiện đại” riêng. Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này là năm kiếp hóa thân lừa, trâu, lợn, chó, khỉ của Tây Môn Náo trong Sống đọa thác đầy. Năm kiếp hóa thân, lúc đậm, lúc nhạt, người ta vẫn luôn bắt gặp ở đó một Tây Môn Náo của quá khứ và một Tây Môn Náo vẫn đang đồng hành với thực tại. Lần lượt là những hóa thân diễn ra trước của Tây Môn Náo, lừa, trâu, chó, lợn tư duy bằng tư duy của Tây Môn trước khi bằng tư duy của loài được hóa kiếp, hồi tưởng bằng dòng hồi tưởng của con người trước khi bằng hồi tưởng và tư duy của một con vật.

Khi Tây Môn Lừa sinh ra, nhìn thấy Mặt Xanh, quá khứ về khoảng thời gian cứu sống Mặt Xanh, đưa hắn trở thành kẻ hầu cận thân tín của mình ùa về cùng với đó là nỗi xót xa trước thực tại tráo đổi thân phận. Tiếng kêu đầu tiên Tây Môn Lừa không phải tiếng kêu của loài lừa mà là tiếng kêu đòi hình hài: “Tao không phải là lừa! Tao là người, là Tây Môn Náo” [7]. Tây Môn Lừa tức giận vì vợ mình thành vợ người, đau khổ vì con mình thành con người. Lại đau khổ hơn nữa vì cái “linh hồn oan khuất của Tây Môn Náo vẫn như nham thạch hừng hực âm ỉ cháy trong thân xác con lừa, còn tính tình và sở thích của con lừa cũng không ngừng lớn dần” [8]. Là kiếp hóa thân đầu tiên, kiếp hóa thân khi mà nỗi oán hận về cái chết oan khuất còn như vết thương đang rỉ máu, từ chối liều thuốc lãng quên ký ức, Tây Môn Lừa vẫn sống trọn vẹn với oán cừu sâu đậm, với ký ức rõ nét. Cảm xúc và cách hành xử của Tây Môn Lừa lúc này vẫn giống với một con người hơn là một con vật. Lừa Tây Môn trước khi bị cuốn hút bởi đậu rang trộn với cỏ, đang đau khổ húc đầu vào tường khi chứng kiến vợ mình lên giường với kẻ khác; chìm đắm trong ái tình với cô lừa cái Hoa Hoa nhưng vẫn đủ tỉnh táo để dừng việc chồm lên người cô nàng vì sợ chân sẽ đạp chết đứa trẻ và con lợn đang được chở ở hai chiếc sọt hai bên hông Hoa Hoa; Tây Môn Lừa quên phắt mình đang là một con lừa để nhảy vào ôm Bạch Hạnh Nhi… Để lừa - Tây Môn Náo, hay sau này là lợn, chó tự kể về mình, nhưng không phải là kiểu nhân cách hóa động vật thường xuất hiện trong các câu chuyện dân gian, đặc biệt là các câu chuyện ngụ ngôn, tức các con vật gắn đặc tính người, với suy nghĩ như con người mà là kiểu suy nghĩ của con người thực sự Mạc Ngôn đã khiến cho hiện thực xã hội được nhìn nhận, bổ sung, đối chiếu từ hai điểm nhìn của người và vật, hiện lên đầy chân thực, sinh động.

Ở kiếp trâu, Tây Môn Trâu không hề lên tiếng, vai trò người kể chuyện được nhường cho Lam Ngàn Đầu To và Lam Giải Phóng. Tuy nhiên, qua những đoạn trao đổi của Lam Ngàn Năm Đầu To với Giải Phóng cùng với những nhận định của Giải Phóng có thể thấy, trong Tây Môn Trâu ấy vẫn hiện hữu một Tây Môn Náo đầy ký ức và xúc cảm con người. Tây Môn Trâu không biết đứng về phe ai trong cuộc gây lộn giữa Lam Giải Phóng và Kim Long vì một bên là bạn thân, một bên là con đẻ nên chuyển mũi sừng của mình sang kẻ khác. Tây Môn Trâu ngửa mặt lên kêu những tiếng nho nhỏ “rõ ràng là tiếng bố gọi con” “từ từ bước tới, chắc là để âu yếm con trai mình”,  “quỳ chân trước xuống đất và cứ như thế chịu đòn, nước mắt chảy thành dòng trên má, nhỏ tí tách xuống đất” [9]. Đó là những giọt nước mắt của người cha, gần con mà không được âu yếm con, bất lực trước tình cảm và tình cảnh của bản thân.

Tây Môn Lừa sống chủ yếu bằng ký ức của Tây Môn Náo, Tây Môn Trâu tuy không được miêu tả trực tiếp nhưng xét theo lời Giải Phóng thì vẫn là dáng dấp của một Tây Môn Náo mang nặng tình xưa nghĩa cũ, nhưng đến kiếp Tây Môn Lợn, Tây Môn Chó, thì lợn và chó chủ yếu sống với kiếp sống hiện tại của mình, tuy vẫn suy tư, toan tính nhưng đó là cái toan tính suy tư của những con vật mang trí tuệ siêu việt vì có nguồn gốc là con người. Chúng sống với hiện tại nhiều hơn với ký ức. Nếu như trước đó, Tây Môn Lừa cảm thấy bầu vú của lừa mẹ thật đáng kinh tởm, nhìn cái chết của lừa mẹ không một chút thương xót thì Tây Môn Lợn, mặc dù tự nhủ tránh xa bầu vú “bẩn thỉu và tanh tưởi” của lợn mẹ nhưng sau khi đã được nuốt dòng sữa lợn “ngọt, lại thơm và béo đến thế” thì “trong chớp mắt, tôi quên cả nhục nhã, quên cả những điều suy nghĩ vừa rồi, quên cả việc tuyệt thực để được chết. Và cũng trong khoảng khắc ấy, tôi thấy con lợn nái đang nằm nhắm mắt cho chúng tôi bú kia sao mà cao thượng, thánh thiện và đẹp đẽ vô ngần” [10]. Bản tính lợn lấn át, ký ức người mờ dần, Tây Môn Lợn nghe thấy giọng nói quen thuộc êm ái của một người phụ nữ phải “tập trung tinh lực để lục tìm trong ký ức thì ngay lập tức cơn buồn ngủ lại kéo đến” [11]. Ký ức làm người tuy thỉnh thoảng vẫn trở về “như nước triều cuồn cuộn” nhưng nhanh chóng bị nuốt chửng trong hiện tại của Lợn mười sáu – vua của loài lợn. Vẫn thấy Tây Môn Lợn suy nghĩ, cái suy nghĩ mà Tây Môn Lợn tự cho rằng của “con lợn không bình thường, một con lợn có trí năng giữa người và lợn, đã từng trải qua không biết cơ man nào vui buồn giữa vòng âm dương đắp đổi” nhưng đã ít ít thấy bóng dáng của ký ức và  những dằn vặt liên quan đến quá khứ. Lợn mười sáu dùng trí năng người ấy để quan sát và sống với hiện tại, với kiếp lợn của mình. Nó khoan khoái tận hưởng sự độc chiếm bầu vú mẹ, huênh hoang thể hiện mình trước mặt loài người, vui tận hưởng cuộc sống của vị vua loài lợn. Tây Môn Trâu từng nhìn Kim Long bắt nạt chủ mình là Giải Phóng mà cam chịu, bị đánh mà chỉ quỳ xuống, nước mắt thành dòng, thì nay, Tây Môn lợn chứng kiến tai nạn của Kim Long và kể lại như một người kể chuyện, đơn thuần và khách quan.

Tây Môn Chó gần như sống hoàn toàn trong kiếp sống hiện tại. Nó có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với loài của mình. Tây Môn Chó là thủ lĩnh của loài chó trong thành phố, thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt, tiệc tùng. Tây Môn Chó có quan hệ mật thiết với các anh chị mình. Sự đồng cảm của Tây Môn Chó đối với nỗi niềm của chủ là sự đồng cảm của một chú chó trung thành. Trong kiếp đầu thai này, ký ức của Tây Môn Náo được nhắc đến một lần duy nhất khi diễn ra đám tang Nghinh Xuân - vợ cũ của Tây Môn Náo, vợ hiện tại của Mặt Xanh. “Có lúc, tôi quên phắt là mình đã bốn lần chuyển kiếp, cứ ngỡ mình là Tây Môn Náo, là chủ nhân của ngôi nhà này, là chủ nhân của đám tang này. Nhưng cũng có lúc tôi rất tỉnh táo để nhận ra mình vẫn là một con chó, âm dương cách trở, người vật khác đường, cuộc đời như mây khói… tất cả những gì đang diễn ra trước mắt chẳng có quan hệ gì với tôi” [12].

Lợn mười sáu hi sinh thân mình cứu mấy đứa cháu nhỏ, lúc đó “tôi không còn là lợn nữa, toi là người. Tôi chẳng phải là anh hung mà chỉ là một người lương thiện bình thường làm việc nghĩa” [13]. Chó Bốn đến lúc chết trong con mắt Mặt Xanh đã trở về thành Tây Môn Náo. Còn Khỉ Tây Môn, tuy không được kể nhiều, tuy không một dòng miêu tả về hồi ức, vê suy tư mà thuần túy như một con khỉ diễn trò, tuy hình thù có phần kỳ dị, đáng sợ song nó lại toát lên cái phong thái rất người. Và đặc biệt “chỉ cần nghe ai đó lỡ lời xúc phạm đến bố mẹ chúng (Tây Môn Hoan, Bàng Phượng Hoàng), hoặc có những lời sàm sỡ với Phượng Hoàng thì con khỉ to lớn và hung dữ đã phóng vèo tới, giơ móng vuốt, muốn chọp, nhe răng muốn cắn” [14]. Sâu thẳm trong nó vẫn là linh hồn một Tây Môn Náo, chưa thể nào dứt nợ trần gian, đang dõi theo thế hệ con cháu mình, dù trong lòng giờ đã hết dần oán hận.

Mạc Ngôn nói rằng ông đã dùng sáu kiếp luân hồi trong Đạo Phật làm kết cấu sáng tạo nên Sống đọa thác đày. Tuy nhiên, nếu như trong “lục đạo luân hồi” (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, cõi người, cõi trời) súc sinh chỉ là một trong sáu cõi luân hồi, là sự trừng phạt cho những nghiệp báo mà kiếp trước mình tạo ra (do si mê, sa đọa, không phân biệt tốt xấu, tin theo tà kiến) thì trong tác phẩm của mình, Mạc Ngôn đã tạo nên một Tây Môn Náo lương thiện, chăm chỉ làm ăn lại phải chịu cái chết oan khuất, trải qua năm lần đầu thai làm súc vật, lần thứ sáu thành người nhưng cũng trong hình hài một dị nhân. Grego Samsa trong Biến dạng của Kafka “Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ” [15]- không có nguyên nhân, chỉ có kết quả, cái phi lý được mặc nhiên thỏa hiệp, chấp nhận như một điều có lý thì sự hóa thân của Tây Môn Náo tuy có nguyên nhân (bị giết trong cải cách ruộng đất, xuống Âm phủ được đầu thai thành kiếp khác) nhưng cái nguyên nhân đó cũng hết sức phi lý (theo luật nhân hồi).  Năm kiếp hóa thân của Tây Môn Náo không có sự thỏa hiệp mà luôn chiến đấu để tìm công lý.

Dùng cặp mắt của động vật để nhìn thế giới người, lấy đời sống và tâm hồn loài vật để đối sánh với thế giới loài người, dùng chuyện con vật để nói chuyện con người, Mạc Ngôn đã rất thành công trong việc dựng nên một nông thôn Trung Quốc rộng hơn là một xã hội Trung Quốc gần nửa thế kỷ với nhiều biến động: từ cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, đến nề kinh tế thị trường những năm đầu thế kỷ XX. Một xã hội mà thú tính nhiều hơn nhân tính. Lừa chăm chỉ, tận tụy, trâu quật cường, lợn thông minh, dũng cảm, chó trung thành, khỉ tình nghĩa…Những đức tính của loài vật lại là cái con người đang thiếu. Lời kêu gọi tìm lại nhân tính cho những người Trung Quốc đang chìm trong bể khổ, bể dục vẫn còn nguyên sức ám ảnh.

2.3. Kiểu người - vật bất phân
Trong ba kiểu, đây là kiểu nhân vật xuất hiện với tần số nhiều nhất , được Mạc Ngôn gửi gắm vào đó nhiều ý nghĩa. Có thể kể đến người kể chuyện trong chuồng sắt ở Thập tam bộ, Tiên chim trong Báu vật của đời, Ngọc Trai, Lâm Lan trong Rừng xanh lá đỏ, thằng vảy cá trong Tửu Quốc,…

Thập tam bộ mở đầu bằng câu chuyện của người kể chuyện ăn phấn trong chuồng sắt. “Trong làn sương khói mờ mờ, anh đang ngồi vắt vẻo trên một cành cây màu vàng trong chiếc chuồng sắt, hai ống chân và đôi cánh tay gầy như que củi buông thong xuống, đung đưa. Thân thể anh lõa lồ, đỏ hỏn, cái mặt cũng đỏ hỏn” [16]. “Trong cái vườn thú không biết bao nhiêu là động vật, cho dù là động vật có vú hay là loài bò sát đang bị nhốt trong chuồng này, không có loài nào là không ăn hoa quả, nhưng anh thì không ăn. Anh chộp lấy những viên phấn mà chúng tôi quẳng vào một cách điệu nghệ, há mồm, nhe đôi hàm răng đen xỉn, cắn nhai rau ráu…” [17]. Rõ ràng là một người  kể chuyện kỳ dị khiến cho người ta phải tò mò mà không thể đoán định chính xác. “Cuối cùng, anh là người hay là thú vật. Là người, sao anh lại ở trong chuồng? Là thú vật, tại sao anh lại biết nói tiếng người? Là người, tại sao anh lại ăn phấn?” [18]. Với nghệ thuật đánh tráo các chủ thể trần thuật và di chuyển điểm nhìn, người kể chuyện ăn phấn đã hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau, khiến cho người đọc lúc thì thấy anh ta là Trương Xích Cầu, lúc lại như Phương Phú Quý, lúc như Đỗ Tiểu Anh, Lý Ngọc Thiền. Và cũng vì thế, thân phân “người - vật” của anh ta cũng chuyển hóa luôn vào họ. Phương Phú Quý chết hụt, sống mòn trong hình hải kẻ khác, cuối cùng cũng chết gục trên bàn giáo viên, lúc chết vẫn dưới danh nghĩa Trương Xích Cầu không đòi lại được tên, không đòi lại được gương mặt. Trương Xích Cầu đi buôn, vẫn giữ nguyên hình hài nhưng để mất thân phận, chen chân vào đám tang Trương Xích Cầu giả gào lên “Tôi chưa chết, tôi vẫn đang sống” mà vô ích. Trương Xích Cầu đã chết. Trương Xích Cầu không được phép sống. Nhất định phải như thế! Đỗ Tiểu Anh, Lý Ngọc Thiền, hoang mang, cô đơn trong chính thân xác của mình. Tất cả họ, dù là người nhưng đâu được sống như con người, đâu được công nhận là con người. Họ, những người đang sống nhưng mỗi người khép kín trong một nỗi cô đơn vô bờ bến. Xã hội biến chất họ, và bản thân họ cũng đang tự đánh mất mình.

Nhân vật “người - thú” tự hài lòng với cuộc sống trong chuồng với tư thế ngồi vắt vẻo trên ngọn cây, tìm thấy niềm hạnh phúc trong thú vui ăn phấn mà thấy nó ngon ngọt như một miếng dồi lợn đã truyền niềm vui ăn phấn đó cho “chúng tôi” đang ở ngoài chuồng sắt kia. Kết thúc câu chuyện “chúng tôi cũng đã ở với anh trong một chiếc chuồng sắt. Lúc này, ráng chiều chiếu rọi, chúng ta trở nên rực rỡ, huy hoàng. Chúng ta ăn những viên phấn đầy màu sắc rực rỡ, nhìn những con chim sẻ đang đi về phía chúng ta” [19]. “Chúng tôi”, vốn là kẻ bên ngoài chuồng sắt, nay đã hòa với người kể chuyện ăn phấn thành “chúng ta”, cùng tận hưởng niềm hạnh phúc được ăn phấn, được ở trong chuồng sắt, đếm những bước chân chim sẻ huyền thoại đến con số 12, mong sao có được một cuộc sống yên bình. Phấn trở thành liều thuốc để trấn an tinh thần, chuồng sắt trở thành nơi trú ẩn cho nỗi cô đơn, cho sự đơn độc không chỉ khó lòng vượt thoát mà đang có xu hướng trở thành phổ biến. Bao nhiêu người trong số “chúng tôi” kia đang được sống với đúng kiếp người đích thực? Nhân vật người kể chuyện ăn phấn trong chuồng sắt tiêu biểu cho con người bơ vơ, mất phương hướng trong xã hội hậu hiện đại. Xã hội đang tha hóa con người, và bản thân con người cũng đang tha hóa chính họ.

Hình ảnh ngọc trai trong Rừng xanh lá đỏ có mối quan hệ mật thiết với hai người phụ nữ, hai nhân vật chính trong tác phẩm: Trần Ngọc Trai và Lâm Lam. Ngọc Trai , tên của cô gái trùng với tên của vật báu được sinh ra từ biển cả, sinh ra từ những đau đớn của trai ngọc. Nàng mang vẻ đẹp trong sáng, thanh thiết của những viên ngọc trai đẹp nhất đồng thời đau khổ của nàng cũng khiến cho người ta nhớ đến nỗi đau đớn của con trai để hoài thai thành ngọc. Lâm Lan thì khác. Thói quen sử dụng ngọc trai của người phụ nữ này thật đặc biệt. Mọi thứ có thể làm từ ngọc trai đều được cô tận dụng. Cô trang sức bằng ngọc trai, dùng kem dưỡng da bằng bột ngọc trai, uống thuốc chế biến từ bột ngọc và vỏ trai ngọc. Mỗi khi lòng thấy bất an hay đau khổ, ngọc trai lại là liều thuốc trấn an tinh thần. Thói quen ngậm ngọc trai trong mồm đặc biệt là viên ngọc trai đen quý hiếm mỗi khi lo lắng, cần lấy lại sự bình tâm và sức mạnh của Lâm Lan sao giống với hình ảnh con trai đang ngậm ngọc. Trai đau xót để làm ra ngọc, còn Lâm Lan, sau tất cả, cô trở thành gì? Hình ảnh tương đồng nhưng lại tạo nên sự đối lập gay gắt tô đậm thêm về số phận của một người phụ nữ vừa đáng thương lại vừa đáng giận, đáng trách. Trong Ếch, tuy không có sự miêu trả trực tiếp nào nhưng đọc toàn bộ tác phẩm, người ta vẫn thấy mối quan hệ hai mà một giữa những đứa trẻ và ếch. Ếch trong tiếng Hán là “oa”, đồng âm với tiếng khóc của đứa trẻ khi chào đời. Những sinh linh bé nhỏ khi nằm trong bụng mẹ trong những tháng đầu cũng giống hình dáng của những chú nòng nọc. Có lẽ, chính vì lẽ đó Vạn Tâm mới bị ám ảnh bởi tiếng ếch kêu, bởi buổi tối, hoặc cũng có thể là ảo giác về một buổi tối mà hàng trăm, hàng nghìn con ếch đuổi theo đến nỗi dành cả phần đời còn lại của mình cùng chồng nặn ra tượng những đứa trẻ có hình hài giống với những sinh linh không có cơ hội tồn tại trên cõi đời trong thời thời kỳ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch trên đất nước Trung Quốc. Trong Đàn hương hình, đoàn người - mèo đông dồn lại nơi pháp trường đã ngỏng cổ lên mà nhập vào những tiếng mi-ao của điệu hát miêu xoang thống thiết được Tôn Bính xướng lên khi bị hành hình bằng gỗ đàn hương. Thế giới người - mèo ấy chính là hình ảnh của một lớp quần chúng thống khổ cùng chung niềm thương cảm, tự hào, uất hận tiễn đưa thủ lĩnh miêu xoang, cũng là tiễn đưa người đại anh hùng của họ. Trong Sống đọa thác đày, không có câu trả lời cho việc ai nhốt người kể chuyện ăn phấn vào trong chuồng sắt hay tự anh ta nhốt mình để biến mình thành một thứ nửa người nửa thú thì trong Tửu quốc biến mình thành một kiểu dị nhân chính là cách để thằng vảy cá chống lại xã hội ăn thịt người.. Lãnh Đệ trong Báu vật của đời vì người yêu bị quân Nhật bắt đi mà biến thành Tiên Chim, từ hình dáng đến thói quen đều của một con chim đích thực....

Tuy không được tập trung miêu tả vào hình dạng người - thú bất phân như người kể chuyện trong lồng sắt của Thập tam bộ nhưng các nhân vật trong các tác phẩm kể trên đều mang lại cho người đọc cảm giác về một sự nhập nhằng, không rõ ràng về bản chất người hay động vật của nhân vật. Tất cả họ, hoặc không được làm người, hoặc không được sống như kiếp người, hoặc là người nhưng không bằng kiếp vật…; bất phân hoặc về nhân dạng hoặc về nhân tính và thú tính. Bằng kiểu nhân vật này, Mạc Ngôn đã kêu lên những tiếng kêu cứu bi thiết cho nhân phẩm và số phận của con người - những quái thai cô đơn, bơ vơ, lạc lõng trong một xã hội hư vô, hỗn loạn và không còn nhân tính.

3. Kết luận
Động vật - người không phải là một kiểu nhân vật mới lạ trong văn học và văn hóa nhân loại nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Mạc Ngôn, nó đã trở thành một ký hiệu đặc biệt riêng, vừa mang tính nhân loại lại vừa rất Trung Quốc, rất Mạc Ngôn. Bằng một ngòi bút tài hoa nhưng cũng đầy lạnh lùng, thâm thúy, bằng sự trải nghiệm của bản thân nhà văn đã xây dựng nên thế giới người - thú nhiều kiểu loại có khi là biểu tượng cho phần nhân tính và thú tính trong mỗi con người nhưng cũng có khi là sản phẩm của một xã hội hiện đại đầy bất trắc. Từ đó vang lên tiếng kêu cứu của Mạc Ngôn: Hãy cứu lấy nhân tính của con người!
Tài liệu tham khảo:
[1]: Trần Đình Sử, https://trandinhsu.wordpress.com/2014/06/07/tinh-ki-hieu-cua-hinh-tuong-van-hoc/.
[2], [3], [4], [5], [6] :Mạc Ngôn(2004), Đàn hương hình, NXB Phụ Nữ, Hà Nội tr.100, 762, 763, 138, 601
[7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14]: Mạc Ngôn (2007), Sống đọa thác đày, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, tr. 26, 35, 195, 328, 330, 756, 586, 792
[15]  Franz Kafka, Tuyển tập tác phẩm , Nxb Hội nhà văn – Trung tâm Văn hoá & ngôn ngữ   Đông Tây, H., 2003, , tr.15
[16], [17], [18], [19]: Mạc Ngôn (2007), Thập tam bộ, NXB Văn Nghệ, Hà Nội, tr.9, 10, 14, 560
 Bài đã đăng trên Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ Văn học, tập 2 (Kỷ yếu Hội thảo Sau đại học, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), NXB Đại học Sư phạm, trang 229-235.

0969889270 0912944324