ThS. Nguyễn Thị Nhung
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước cho đến nay, làng luôn đóng vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Làng có vị trí đặc biệt đối với lịch sử đất nước nói chung và đối với mỗi người dân Việt Nam nói riêng. Làng là cơ sở, nền tảng của văn hóa, văn minh Việt. Đó là một đơn vị kinh tế xã hội độc lập nhưng không tách rời môi trường trồng lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa. Làng Việt phát triển phong phú, đa dạng: làng Việt Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung Bộ và mỗi vùng lại có những tiểu vùng riêng mà ở đó các làng Việt vừa chứa đựng những đặc điểm giống nhau đồng thời lại ẩn chứa nét riêng.
2. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Do các điều kiện, nhân tố khác nhau nên sự hình thành các làng Việt diễn ra ở các giai đoạn lịch sử, ở các vùng, tiểu vùng là khác nhau. Trong bài nghiên cứu này, tác giả xin đề cập những đặc trưng nổi bật nhất nhằm nhận diện, khu biệt làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ.
2.1. Tuổi đời của làng
Làng Việt Bắc Bộ có lịch sử tồn tại lâu đời. Cách ngày nay khoảng 4000 năm, trên đất Bắc đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc và thay vào đó là công xã nông thôn. Đây chính là quá trình hình thành làng Việt. Mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Và ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý – quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống được bảo tồn và củng cố đã tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ rất đặc trưng cho làng của người Việt ở Bắc Bộ.
So với làng Việt Bắc Bộ, tuổi đời của làng Việt Nam Bộ ít hơn rất nhiều. Làng Việt ở Nam Bộ mới chỉ khoảng ba trăm tuổi, được tạo lập từ khi người Việt tới khai phá trong quá trình Nam tiến, mở rộng biên cương, xác lập chủ quyền. Người Việt đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ trước thế kỷ XVII, nhưng lúc đó chưa đủ điều kiện để hình thành làng. Đến giai đoạn sau, nhất là khi Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào thiết lập bộ máy hành chính ở Đồng Nai – Gia Định (1698) thì việc hình thành làng Việt mới có những điều kiện thuận lợi. Làng Việt Nam Bộ ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam đã phong kiến hóa mạnh mẽ, do đó có khác biệt so với làng Bắc Bộ. Ở Nam Bộ, không làng Việt nào có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. Làng Việt Nam Bộ được hình thành trong quá trình khai phá nên rất nhiều làng có nguồn gốc là các đồn điền.
Có thể thấy làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ ra đời sớm hơn làng Việt Nam Bộ rất nhiều. Một bên là lịch sử tồn tại hàng nghìn năm còn một bên là làng Việt trên mảnh đất mới Nam Bộ mới chỉ tầm 300 năm tuổi.
2.2. Nguồn gốc hình thành và cách đặt tên làng
Đi liền với tuổi làng là khác biệt về sự hình thành và cách đặt tên làng.
Trước hết là làng Việt Bắc Bộ, làng được hình thành theo 3 cách: Thứ nhất, tan rã từ xã hội nguyên thủy; thứ hai hình thành từ việc định cư của một dòng họ, thứ ba là do vai trò của nhà nước. Rât nhiều làng Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. Các làng này vẫn mang nặng những tàn dư nguyên thủy với bộ phận đất công không nhỏ. Bên cạnh đó là sự hiện diện của các làng Việt từ việc khai khẩn của một hoặc nhiều dòng họ. Dân cư của một làng thường phát triển bởi sự tăng lên của các thành viên trong dòng họ. Theo thống kê ở miền Bắc có tới 192 họ đã được đặt tên cho làng. Trong đó hầu hết các trường hợp lấy tên họ đặt tên làng, mỗi tên một dòng họ thường chỉ dùng đặt tên cho một làng. Riêng họ Nguyễn được dùng để đặt đặt tên cho gần 50 làng. Cũng có những trường hợp tên làng do hai họ kết hợp lại để hình thành... như làng Đoàn – Đào ở Hưng Yên là sự kết hợp của hai dòng họ [1]. Bộ phận làng còn lại, chiếm số lượng khiêm tốn là các làng do nhà nước giữ vai trò chủ chốt trong việc phá hoang lập ấp. Những làng thuộc loại này chủ yếu hình thành ở các vùng ven biển. Tiêu biểu là các làng mới tại hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).
Xét về tên gọi, đa phần các làng Việt Bắc Bộ đều có tên Nôm phản ánh những đặc điểm tự nhiên, xã hội nơi cộng đồng đó cư trú. Những tên làng đó hiện nay vẫn còn tồn tại song song với những tên làng mới - tên chữ Hán – Việt được dùng trong hành chính (trong dân gian cư dân vẫn gọi tên làng theo tên cũ).
Ở Nam Bộ, không có sự hiện diện của các làng tan rã từ xã hội nguyên thủy mà làng chủ yếu hình thành theo 2 hướng: Một là do dân tự khai phá; hai là do sự hỗ trợ của chính quyền. Nhà nước tổ chức các làng đồn điền rồi huy động nhân dân, nhất là binh lính đến làm việc theo kỷ luật để duy trì quân đội với chính sách "ngụ binh ư nông". Dân cư trong làng Việt Nam Bộ được tập hợp từ nhiều nơi khác nhau, từ nhiều dòng họ khác nhau. Do vậy làng Việt Nam Bộ có thể gọi là làng khai phá. Ở Nam Bộ không có sự phân biệt chính cư và ngụ cư như trong làng Việt Bắc Bộ, tính cố kết không chặt chẽ. Những người trong cùng một làng không có quan hệ thân tộc cũng không phải là láng giềng lâu đời, sợi dây gắn bó giữa họ là tình người.
Các làng Việt Nam Bộ không có làng nào lấy tên họ đặt cho tên làng dù trong việc lập làng vai trò của cá nhân là rất quan trọng. Lí giải điều này có lẽ vì những người cùng nhau lập làng thuộc nhiều dòng họ. Người có công lập làng thì đã được nhà nước ban thưởng và vì thế không lấy tên của họ đặt tên cho làng. Tên gọi các làng Việt Nam Bộ thường là từ Hán – Việt mang ý nghĩa tốt đẹp như: an, bình, lợi, phú, lộc... Làng Việt Nam Bộ chỉ có tên chữ mà không có tên Nôm như làng Bắc Bộ.
2.3. Hình thái cư trú
Làng Việt Bắc Bộ thường bố trí theo ba hình thái: lối co cụm, từng khối, hoặc dọc theo ven sông hay ở men theo hai bờ sông trong đó tổ chức theo lối co cụm là phổ biến.[2, tr.132] Chính cách tổ chức làng như vậy đã tạo nên những ốc đảo, khu vực không gian cư trú riêng của mỗi làng. Và từ đặc điểm cư trú đó kéo theo hoạt động kinh tế khá khép kín, khác biệt văn hóa làng tại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
Đối với làng Việt Nam Bộ có các hình thái cư trú ven sông rạch, hình thái cư trú dọc kênh đào, hình thái cư trú tập trung nhưng lại cư trú trên diện rộng. Nói một cách khác, làng Nam Bộ được phân bố theo dạng kéo dài, “dọc tia tỏa tuyến”, lấy kênh mương hay đường giao thông làm trục. Làng Nam Bộ kéo dài nên không có lũy tre bao quanh, không thành một quần thể khu biệt với các làng khác như làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Và do cư trú trong không gian mở với ưu đãi của thiên nhiên nên làng Việt Nam Bộ dễ biến đổi dân số hơn đồng thời người dân không có thói quen tích trữ, phòng cơ mà luôn gắn bó với thị trường, tạo nên nền kinh tế hàng hóa. Người Nam Bộ yêu thích buôn bán, họ mở rộng giao lưu với tất cả các vùng, trở thành đầu mối giao dịch với các nơi trên thế giới. Sự phát triển kinh tế hàng hóa tạo cho làng Việt Nam Bộ một diện mạo năng động. Đặc trưng này cùng với tính chất không khép kín khiến người nông dân trên đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện vươn ra những chân trời mới, rộng mở mà không bị bó buộc trong lũy tre làng như người dân Bắc Bộ.
2.4. Cơ cấu tổ chức làng
Trong cơ cấu tổ chức làng Việt Bắc Bộ có nét khác với làng Việt Nam Bộ đó là có sự hiện diện của cả tổ chức quan phương và cả tổ chức phi quan phương. Các tổ chức quan phương do Nhà nước đặt lên các làng, theo những quy định chung và có sự thống nhất của toàn bộ vùng đồng bắng Bắc Bộ theo tổ chức và nhiệm vụ quản lý. Thông qua các tổ chức ở mỗi làng, Nhà nước thể hiện quyền lực đến các công dân của mình. Tổ chức phi quan phương không nằm trong hệ thống của bộ máy hành chính, nó ẩn trong các làng Việt và vận hành theo những nét rất riêng của từng loại tổ chức. Làng Việt Bắc Bộ gồm đầy đủ các kiểu tập hợp theo khu vực như đường dong, ngõ xóm, theo mục tiêu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… hay các tập hợp theo mục tiêu kinh tế như: hội cấy, hội cày, hội buôn, phường hội thủ công… Các hội này có mục tiêu và nội dung riêng nhưng trong thực tế đã hòa quyện vào nhau, chồng xếp lên nhau tạo thành những sợi dây chằng chịt, ràng buộc người nông dân trong làng xã. Trong làng, người nông dân không chỉ tồn tại với tư cách công dân của đất nước mà còn đảm nhiệm tư cách là thành viên của một gia đình, một dòng họ, một cộng đồng làng.
Ở các làng Việt Nam Bộ, các tổ chức phi quan phương không có điều kiện phát triển, nếu có cũng thể hiện rất yếu ớt. Bởi lẽ đó là các làng khai phá, các thành viên được tập hợp từ các nơi khác nhau nên mối quan hệ thân tộc không có cơ sở thể hiện. Một thực tế là không làng Nam Bộ nào có giáp. Ở làng Nam Bộ ta có thể gặp một tổ chức là họ. Tuy nhiên sự tập hợp người theo huyết thống này không có tính cố kết chặt chẽ như ở đồng bằng sông Hồng. Nếu như ở Bắc Bộ, tổ chức họ được khẳng định bằng việc thờ phụng tổ tiên, có quy ước cho mọi thành viên, có nhà thờ họ thì ở Nam Bộ cũng hình thái thờ phụng lại chủ yếu là hoạt động trong từng gia đình nhỏ.
Điều đặc biệt tạo nên sự khác biệt lớn là làng Việt Bắc Bộ là sự vận hành của hương ước. Hầu hết các làng Việt Bắc Bộ đều có hương ước. Hương ước của từng làng tác động trực tiếp đến các thành viên của làng. Còn đối với làng Việt Nam Bộ thì không có hương ước, các làng ngay từ khi hình thành đã chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước.
Như vậy, xét trên phương diện quản lý, sự ràng buộc các thành viên ở các làng Việt Bắc Bộ chặt chẽ hơn so với các làng Việt Nam Bộ. Đồng thời làng Việt Bắc Bộ lại nhiều lệ làng, ít cởi mở, năng động so với làng Việt Bắc Bộ.
3. KẾT LUẬN
Có thể nói, làng Việt Bắc Bộ hình thành lâu đời, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, ổn định, khép kín, bền vững trên cơ sở liên kết nhiều tổ chức mà mỗi tổ chức đều có ảnh hưởng đến từng thành viên trong làng. Người nông dân sống gắn bó chặt chẽ với xóm giềng, họ tộc, gia đình, làng nước. Còn làng Việt ở Nam Bô là làng khai phá, tuổi đời còn trẻ, định cư kéo dài trên diện rộng nên thiếu chất kết dính đồng thời do sớm tiếp xúc với nền kinh tế hàng hoá nên phóng khoáng và năng động hơn.
Đặc điểm của làng Việt Bắc Bộ và Nam Bộ thể hiện cho hai vùng văn hóa lớn ở Việt Nam: vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ vốn chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, đa dạng nhưng vẫn nằm trong thể thống nhất là văn hóa Việt Nam. Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn...; cả làng Việt Bắc Bộ và Nam Bộ đều biến đổi không ngừng, mau lẹ. Đó là một quy luật tất yếu, phù hợp với sự phát triển, giao lưu, hội nhập của văn hóa Việt, đất nước và con người Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Văn Lệ, 2/5/2012, Làng và quan hệ dòng họ người Việt ở Nam Bộ, nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/2206-ngo-van-le-lang-va-quan-he-dong-ho-cua-nguoi-viet-nam-bo.html.
2. Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), 2003, Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
3. Nguyễn Quang Ngọc, 2009, Một số vấn đề làng xã Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, 30/11/2011, Văn hóa làng Việt Nam hôm qua và hôm nay, nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/13594002-.html.
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, số 36 (4/2015), tr 73-78)