Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

DẠY HỌC VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG

PGS. TS Bùi Minh Đức


I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Những năm qua, vấn đề đổi mới dạy học tác phẩm văn học đang được đặt ra cấp thiết ở nước ta. Cách dạy và học văn theo lối cũ (giảng văn) đã không còn phù hợp với chiến lược giáo dục và đào tạo con người trong tình hình mới cũng như sự thay đổi hệ hình dạy học trên thế giới hiện nay. Xu hướng chung của dạy học văn hiện đại là dạy cho học sinh (HS) cách đọc văn, tạo các cơ hội để người học trở thành bạn đọc sáng tạo của các NV qua quá trình tiếp nhận tác phẩm. Quan điểm này không chỉ được các nhà khoa học sư phạm ngữ văn đề xuất, luận giải mà còn sớm được khẳng định trong ý kiến của nhiều nhà văn (NV), nhà thơ - những người sáng tạo ra tác phẩm văn chương (TPVC).

II. NỘI DUNG
1. Dạy văn phải để HS được đọc văn, được nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của mình về tác phẩm
Trong một lần phát biểu trao đổi với anh chị em GV về vấn đề giảng dạy văn học, nhà thơ Tố Hữu cho rằng không nên chỉ bắt HS “học thuộc lòng” mà “cần phải dành phần tự do cho các em. Phải để cho các em đọc và để chúng nói lên cảm thụ của chúng” [1;tr.77]. Nhà thơ Phạm Hổ cũng có suy nghĩ tương tự  : “Thầy, cô dạy văn nên giúp các em tự cảm thụ trước rồi mới bổ sung thêm những cảm thụ của riêng mình để các em tham khảo. Và cuối cùng là để các em tự thu hoạch lấy” [2;tr.166]. Dù không trực tiếp đề cập đến người đọc HS nhưng những ý kiến của Hoài Thanh cũng là những gợi ý gián tiếp nhưng rất sâu sắc về thái độ đúng đắn với người học. Ông viết : “người đọc có quyền được tôn trọng, được phát biểu ý kiến của mình về thơ, về mọi vấn đề. Người phê bình phải biết lắng nghe, biết thăm dò ý kiến bạn đọc” [4;tr.1052]. Cũng theo chiều hướng đó, với một niềm tin vào những bạn đọc nhà trường non trẻ, nhà thơ Bằng Việt đã “mách nước” cho các bạn HS con đường đồng thể nghiệm, đồng sáng tạo với NV: “Khi phân tích, tìm hiểu một bài văn, bài thơ các em nên tự đặt mình vào vị trí của tác giả, để cùng suy luận, cân nhắc với tác giả. Vì sao tác giả lại viết thế này mà không viết thế kia ? Nếu là mình thì chỗ này mình đặt câu thế nào, mình sẽ dùng chữ gì, hình ảnh gì mà không để như tác giả viết ? Cách suy luận đó có tác dụng làm HS không thụ động, không bị tiếp nhận một cách khiên cưỡng, mà phát huy óc chủ động, sức sáng tạo của riêng mình... với tư duy của một người đồng sáng tạo, đồng tác giả”... [5;tr.3].  Như vậy, trong suy nghĩ của những người sáng tác, HS không phải là một đối tượng thụ động đón nhận sự cảm thụ của GV (GV) mà là những chủ thể cảm thụ, bạn đọc của NV. Các ý kiến nêu trên đã toát lên một tư tưởng sâu sắc, có ý nghĩa sư phạm đối với việc dạy học văn trong nhà trường: GV cần phải tạo các cơ hội để HS được tự mình tham gia vào việc đọc văn, cảm thụ văn chương thay vì thầy, cô giáo đọc hộ, cảm hộ.

Nhưng để làm được điều đó, người GV phải tôn trọng HS, phải xem  các em là bạn đọc nhà trường của NV như chính các NV hằng mong muốn. Ngay cả khi sự cảm thụ của học trò chưa hoàn toàn đúng thì cũng không vì thế mà người GV đánh mất niềm tin vào tính cực, sáng tạo của HS bởi ít nhiều “nó cũng đem lại một sự có ích” nào đó như chính nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thừa nhận : “Từ đó (tức là từ câu chuyện về cậu bạn Thịnh Cóc) tôi thực sự có ý thức, thoạt đầu là trong các bài tập làm văn, viết ra, nói ra cố gắng cho thật đúng cái cảm giác của mình”. [2;tr.173]. Thế nhưng, một thái độ như vậy không dễ định hình và trở thành một nguyên tắc trong dạy học của nhiều GV. Ký ức về thời đi học của tác giả Tiểu đội xe không kính vẫn còn nguyên sự ám ảnh về cái “ấm ức” của tuổi thơ : “hình như người lớn hay áp đặt những điều có sẵn lên bọn trẻ con chúng tôi” [2;tr.173]. Người lớn chưa thực sự tin vào con trẻ cũng như người thầy giáo của nhà thơ “đã không thực sự cầu thị” trước cảm nhận rất tinh tế của cậu HS Thịnh Cóc trong bài văn miêu tả.  Đây cũng là tình trạng phổ biến trong tâm lý của nhiều GV dạy văn hiện nay. Và đó chính là lý do để NV Nguyên Ngọc quả quyết : “Một triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự do thì cũng tất yếu đòi hỏi một phương pháp giáo dục khác... Phương pháp giáo dục này đòi hỏi trước tiên một sự tôn trọng tối đa đối với người học, coi người học không phải là cái bình vô cảm bị động để cho mình cứ rót kiến thức vào.” [3;tr.12].

2. HS là bạn đọc sáng tạo của NV, là người có thể đem đến cho tác phẩm những ý nghĩa mới mà khi viết NV chưa chắc đã  nghĩ ra
Trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong (số 167, ngày 23/8/2005) nhân bài văn được điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2005, NV Kim Lân khẳng định : “Chính bạn đọc, người đọc đã khám phá ra cho tôi nhiều hơn. Bài viết của Trang[1] đã thêm một lần khám phá ra cái mới của tác phẩm”. NV cho biết : khi viết Vợ nhặt, ông viết theo tình cảm, một cách tự nhiên như là sự thăng hoa của tâm hồn với một ý định : “trong cái đói, cái khát ấy con người ta vẫn hướng về sự sống, khát khao sự sống”. Cái ý đồ nghệ thuật này đã bắt ông phải viết như thế và tự nhiên những chi tiết đó đã xuất hiện như thế chứ “cũng không nghĩ được nhiều, được sâu như sự phân tích trong bài viết của Nguyễn Thị Thu Trang”. Thậm chí khi đọc bài văn của em HS này, NV còn cho rằng : “Trang đã tìm ra sự mới mẻ hơn so với những bài của những cây đại thụ”. Điều này chứng tỏ Kim Lân đã đọc các bài nghiên cứu, phân tích “Vợ nhặt” của một số cây bút phê bình văn học có uy tín để hiểu được sự sáng tạo riêng của một bạn đọc HS. Không phủ nhận việc Trang phải học các thầy mới viết được như thế nhưng bằng linh cảm của một NV, bằng thái độ tôn trọng dành cho một bạn đọc nhà trường non trẻ về tuổi đời nhưng khá “già dặn” trong cảm thụ, tác giả đã khẳng định : “Trang đã viết theo cảm nhận của mình chứ không phải viết theo lối bắt chước thầy. Đấy là sự sáng tạo”. Từ trường hợp Nguyễn Thị Thu Trang, Kim Lân đã khái quát : “Thông thường thì bạn đọc phát hiện, mổ xẻ tác phẩm giúp NV chứ NV khi viết thì cũng chưa nghĩ được sâu sắc đến thế. Tôi thấy bài viết của cháu Trang đã nâng tầm truyện “Vợ nhặt” của tôi”.

Một vài ý kiến của NV Kim Lân xoay quanh bài văn được điểm 10 đã hé mở nhiều điều thú vị về cảm thụ văn học nhà trường, về tính sáng tạo của độc giả HS. Đó là một tiền đề thực tiễn, một luận cứ khoa học đáng phải suy nghĩ về đổi mới phương pháp dạy học văn ở nhà trường phổ thông hiện nay.

3. Trong quá trình dạy học văn, người GV nên quan tâm tới việc gợi mở và huy động vốn sống, kinh nghiệm thẩm mỹ riêng của HS 
Trong mỗi con người HS đều chứa đựng những tiềm năng của một bạn đọc, một chủ thể cảm thụ. Việc khơi gợi, đánh thức, huy động những tiềm năng ấy trong dạy học văn rất được các NV, nhà thơ coi trọng. Trước hết là thế giới tâm hồn phong phú, trong trẻo, nhạy bén và rất giàu cảm xúc của lứa tuổi học trò. NV Nguyễn Minh Châu, trong Thư gửi thế giới cảm xúc hồn nhiên, đã viết : “Mỗi con người các em đang lưu giữ một kho báu mà chính các NV lớn của nền văn học hiện đại trên thế giới đang đi tìm. Đó là cái khả năng cảm xúc hồn nhiên, nguyên sơ của tâm hồn loài người” [2;tr.150]. Nhiệm vụ của người GV là phải “mở” cái “kho báu” ấy, tức là phải tìm ra câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” để tâm hồn HS có thể ngân rung với nhịp điệu của thi ca, trái tim các em có thể đập cùng nhịp với nhân vật, với tác giả, từ đó mà “đồng cảm”, mà “thanh lọc”. Không chỉ những người làm thơ, làm văn mới giàu cảm xúc, mới rung động trước những áng thơ hay, những bài văn bất hủ mà “hình như tất cả các em đều trải qua một phút chấn động như thế, được thức tỉnh như vậy” (Chế Lan Viên). Đã từng đi qua những tháng năm học trò, đã từng không ít lần “chấn động” và “thức tỉnh” trước các áng văn, nhà thơ Chế Lan Viên đặc biệt xem trọng việc “bồi dưỡng cho các em sau khi các em được chấn động bởi tiếng vang ban đầu” [2;tr.21]. Ông đề nghị anh chị em GV dạy văn : “phải tiếp tục nuôi cho các em sự rung động thường xuyên” [2;tr.21]. Bởi dạy học văn mà không có rung động thiết tha, không có cảm xúc, tình điệu, không có mê say, hứng thú... thì cũng chẳng thể có một sự cảm thụ văn học đích thực.  Ý kiến của NV Nguyễn Minh Châu và nhà thơ Chế Lan Viên đã làm sáng tỏ hơn một trong những yêu cầu bức thiết và đặc thù của dạy học TPVC trong nhà trường : đó là ý thức nuôi dưỡng và phát huy con người bạn đọc trong HS.

 Cùng với cảm xúc là kinh nghiệm sống, những trải nghiệm riêng mà người đọc HS đang sở hữu. Nhà thơ Giang Nam nhớ lại : “Vào cái tuổi lên 8, lên 9, tôi đã được các anh tôi cho đi theo con trâu trong gia đình, đã nhiều lần ngồi trên lưng trâu khi chúng đang gặm cỏ hoặc lững thững kéo về chuồng nên khi học một bài văn ngắn về thú vui chăn trâu tôi đã thả cho trí tưởng tượng của mình mặc sức bay bổng với chú bé chăn trâu trong bài” [2;tr.27]. Trong trường hợp này, người học trò Nguyễn Sung (tên thật của Giang Nam) đã vận dụng những kinh nghiệm thực tế của bản thân vào việc học văn. Cậu đã thấy: “trong những trang giấy, những câu chuyện mà mình đọc có biết bao điều gần gũi với mình” và từ đó mạnh dạn liên hệ, thể nghiệm. Nếu vốn sống đã giúp cậu tiếp nhận bài văn một cách dễ dàng và hiệu quả thì trí tưởng tượng lại giúp Giang Nam mở rộng giới hạn bài học và sáng tạo ra những ý mới mẻ. Về sau này khi đã trở thành nhà thơ, ông mới hiểu mỗi lần học văn như thế là một lần xuất hiện “sự đồng cảm, sự rung động tâm hồn” ở ông – ở một bạn đọc HS. Câu chuyện nhỏ về thủa đi học của nhà thơ Giang Nam càng cho chúng ta thấy rõ một sự thật không thể chối bỏ : HS không đến với văn chương bằng một tâm hồn trống rỗng mà trái lại các em cũng có vốn sống riêng (dù chỉ trong một chừng mực nhất định) và càng đáng quý hơn là các em luôn sẵn sàng cái tâm thế ứng dụng, cái khả năng thể nghiệm nó trong lúc học văn. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã kể lại câu chuyện thú vị về cậu bạn tên là Thịnh Cóc : thầy giáo nêu đề bài : “Em hãy tả lại khung cảnh làng em vào ban đêm trăng sáng và nói lên tình cảm của mình đối với quê hương”. Cậu ta đã viết một bài văn trong đó có một câu mà khi thầy trả bài cả lớp “cười lăn cười bò” : “Đi khỏi cây đa Còng một đoạn em đã thấy làng em. Ven làng, tiếng chó cắn như tiếng ếch kêu” [2;tr.172]. “Cắn” ở đây có nghĩa là sủa – một tiếng địa phương vùng trung du Phú Thọ nhưng câu văn vẫn rất “kỳ dị” bởi làm gì có loài chó nào sủa ộp ộp. Ấy thế nhưng mấy tháng sau nhân đi xem phim ở xã bên về, đứng ở bên này cánh đồng, nhìn về làng và nghe tiếng chó sủa, nhà thơ Phạm Tiến Duật mới hiểu “Thì ra, nghe xa, tiếng chó sủa rất giống tiếng ếch kêu” [2;tr.173] và như thế thì câu văn của Thịnh Cóc là có lý. Thịnh Cóc đã từ cảm nhận, trải nghiệm của riêng mình để viết câu văn ấy. Chỉ tiếc là thầy giáo đã không hiểu. Thầy đã phê bình cậu học trò này. Đúng như nhà thơ Tố Hữu có lần nói : “Đừng nghĩ rằng HS không biết gì cả. Có những điều các em cảm thụ khác với thầy. Phải khác, vì các em là thế hệ mới” [1;tr.77]. Về điều này nhà phê bình văn học Hoài Thanh cũng đã đúc kết: “Mỗi bạn đọc đều có một cuộc sống riêng, những điều từng trải riêng và đều xuất phát từ vốn nhận thức, vốn tình cảm riêng mà tiếp thu và phê phán nên ý kiến của bạn đọc nếu được gợi lên được thì thường rất phong phú” [4;tr.1052]. 

4. Giờ văn phải là một giờ học thật thoải mái, HS được GV hướng dẫn đọc văn, phát hiện những điều thú vị của văn chương, cuộc đời và sau mỗi giờ học lại tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi rồi hình thành thói quen tự học
Mục đích của dạy học TPVC không phải là nhằm buộc HS nhớ những điều GV dạy mà trước hết là để cho HS say mê với tác phẩm, hứng thú đi vào cái thế giới diệu kỳ của nghệ thuật văn chương, để cho sự tiếp xúc của các em với tác phẩm còn đọng lại được những ấn tượng lâu bền, có sức thanh lọc và kích thích các em tiếp tục suy nghĩ. Nhà thơ J.Becher đã từng nói: “Đối với cái bí mật của thơ ca, thì phải khám phá nó theo cái kiểu làm sao để cái diệu kỳ ẩn trong cái bí mật ấy không bị mất đi mà trái lại, việc khám phá cái bí mật ấy lại càng khiến cho cái bí mật ấy tăng thêm sức quyến rũ”. [1;tr.46]. Tức là phải làm thế nào để sau khi nghe giảng HS vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn, vẫn còn háo hức muốn đọc lại tác phẩm, vẫn còn “say sưa suy nghĩ thêm, tìm tòi và học hỏi thêm”. Muốn vậy, “giờ giảng văn trở thành một giờ hấp dẫn, một giờ sôi nổi, một giờ rất hứng thú với HS” (Phạm Văn Đồng). Tác giả của Thi nhân Việt Nam cũng từng viết : “người nghiên cứu và cả người giảng dạy sẽ phạm sai lầm lớn, có thể nói là phạm tội lỗi nếu chúng ta làm tiêu tan hết mọi vẻ đẹp thật của văn thơ... Chớ để văn thơ biến thành gánh nặng, nhất là đối với các em” [4;tr.1038]. Tức là GV phải kiến tạo không khí văn học, sự thoải mái và hứng thú ở HS trong học văn. HS phải thực sự cảm thấy niềm vui thích cao nhất (cách nói của Mác mà Hoài Thanh đã dẫn) trong sự hưởng thụ thẩm mỹ. Về điều này, nhà thơ Giang Nam có suy nghĩ tương tự : “làm thế nào để thấy học văn không còn là món nợ mà là một thú vui”...

Thực tế đã cho thấy việc dẫn dắt HS phát hiện cái hay, cái đẹp của thơ văn sẽ tạo nên trong các em niềm phấn khởi, hứng thú muốn tự mình tiếp tục đọc, tiếp tục khám phá những cái hay, cái đẹp khác của TPVC. Đối với những giờ học như thế, NV Nguyên Ngọc cho là “một hạnh phúc lớn” của học trò, bởi theo sự nhìn nhận, đánh giá của NV thì “suốt quá trình học là cả một cuộc đi tìm, khám phá bất tận, một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ thú vị do tự mình làm chủ, những chân lý do chính tự mình khám phá ra – cùng với và được sự hỗ trợ của người bạn lớn là người thầy”. Dạy như thế thì không chỉ phát huy được vai trò chủ thể cảm thụ, bạn đọc sáng tạo ở HS mà còn tạo lập và bồi dường cho các em “ý chí và khả năng tự học, niềm say mê và khả năng tự khám phá thế giới”, đúng với tinh thần của dạy học văn hiện đại : Học văn hôm nay là để sống cuộc sống mai sau. Trong bối cảnh của thời đại “Sống cũng là học thường xuyên, học suốt đời”, “Người có học là người biết tự học” thì đây chính là cái quý giá nhất mà “nhà trường cho ta”. 

III. KẾT LUẬN
Tuy chỉ đứng từ góc độ của người sáng tác nhưng bằng kinh nghiệm và sự am hiểu các quy luật văn học, các NV, nhà thơ đã có nhiều ý kiến bổ ích đáng phải lưu tâm về vấn đề dạy học TPVC ở nhà trường phổ thông. Nhìn chung, quan điểm của nhiều tác giả văn học là không được bỏ qua, hạ thấp vai trò của HS – những bạn đọc nhà trường. Theo cách nhìn nhận này thì người GV giỏi chưa phải là người giảng văn hay (đành rằng không coi thường nghệ thuật giảng bình) mà trước hết phải là người biết động viên, khích lệ, lôi cuốn HS vào quá trình tìm hiểu, khám phá cái hay, cái đẹp của áng văn, áng thơ một cách tích cực, sáng tạo. Nói cách khác, người GV ngữ văn lành nghề phải là người biết “môi giới”, “đệm đàn” cho người học, là người bắc nhịp cầu đồng cảm giữa NV và bạn đọc HS, người góp phần kiến tạo trạng thái “cộng hưởng cảm xúc” trong giờ học tác phẩm văn học.

Có thể khẳng định ý kiến của một số tác giả văn học đã cung cấp thêm cho các nhà phương pháp dạy học ngữ văn những luận cứ khoa học hữu ích để khẳng định tư tưởng dạy học đọc hiểu và hướng tới việc hình thành năng lực cảm thụ văn học sáng tạo cho HS.
----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Nguyễn Duy Bình (1983), Dạy văn dạy cái hay, cái đẹp, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nhiều tác giả (2006), Hồi nhỏ các nhà văn học văn như thế nào ?, NXB Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh.
  3. Nhiều tác giả (2006), Khoa học giáo dục đi tìm diện mạo mới, NXB Trẻ Tp.Hồ Chí Minh.
  4. Hoài Thanh toàn tập (1999), tập 2, NXB Văn học.
  5. Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số tháng 1 (131)/ 2007, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  6. Đỗ Ngọc Thống (2011), Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam.
  7. Beach R& Marshall J (1991), Response to literature and the teaching of literature, Harcour Brace Janovich Publisher, Orlando, Florida. -----------
Bài đã đăng trên Văn nghệ Trẻ, số 52 (ngày 27/12/2009), tr.6.

[1] Nguyễn Thị Thu Trang – HS trường Quốc học Huế, người được điểm 10 môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2005.
0969889270 0912944324