TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh
Văn học là nghệ thuật ngôn từ, mà ngôn từ bao giờ cũng mang tải trong nó đặc điểm văn hóa thời đại cùng cá tính riêng của người viết. Khảo sát ngôn từ trong văn xuôi đương đại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy dấu ấn thời đại toàn cầu hóa khá đậm nét. Điều này cho thấy, văn xuôi hôm nay hướng tới phản ánh tâm thức văn hóa thời đại tiêu dùng, thời đại của giao lưu văn hóa đa chiều và hội nhập ngày càng sâu rộng. Ngày nay, người Việt Nam có nhiều thứ mà cha ông thuở trước chưa bao giờ tưởng tượng ra được: nào là, điện thoại di động để có thể nói chuyện với bạn bè bất cứ ở đâu và với bất cứ khoảng cách nào; nào là, tivi để xem tin tức với đầy đủ hình ảnh của mọi biến động trên thế giới; đặc biệt là Internet để chúng ta có thể đọc đủ mọi chuyện trên thế giới, nhắn tin và nhận trả lời của bạn bè ở ngoại quốc chỉ trong tích tắc… Những chuyện như thế, cha ông ta thuở trước nếu nghe kể, chắc sẽ nghĩ là chuyện thần tiên. Trong văn chương, chưa bao giờ tiếng Việt lại được (bị) cọ xát với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới như bây giờ. Không phải chỉ với một, hai ngôn ngữ mà là rất nhiều ngôn ngữ cùng lúc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về cách thức sử dụng ngôn từ - một phương diện cho thấy rõ nhất dấu ấn thời đại toàn cầu hóa của văn xuôi đương đại Việt Nam.
Toàn cầu hóa là xu hướng “
làm cho trở thành rộng lớn, trên phạm vi toàn cầu”[4, 1288]. Dấu ấn toàn cầu hóa trong ngôn từ văn xuôi đương đại Việt Nam biểu hiện ở cách thức sử dụng ngôn từ của nhà văn như: pha trộn đa ngôn ngữ; sử dụng phổ biến lớp từ ngữ tôn giáo, chính trị, khoa học; sử dụng các điển cố mới.
1. Pha trộn đa ngôn ngữ
Còn nhớ đầu thế kỉ XX, làn sóng văn hóa Tây phương ào ạt du nhập vào nước ta mà nổi bật là văn hóa Pháp, thế là sữa bò, rượu sâm banh cùng vô số những cung cách nói năng rất Tây đã tràn vào văn chương Việt giai đoạn 1930 - 1945. Một số cây bút Tự lực văn đoàn thường để cho các nhân vật khi đối thoại dùng chen những từ Pháp ngữ như: lúy, el, moa, toa… với dụng ý tô đậm cốt cách Tây học của những người đại diện cho “cái mới”. Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng có sự thâm nhập của tiếng Pháp vào tiếng Việt, từ tiếng bồi vỉa hè đến tiếng xưng hô toa, moa trong phòng khách thượng lưu. Thế rồi, đa dạng các kiểu diễn ngôn xã hội cùng xuất hiện trong tác phẩm: diễn ngôn chính trị, diễn ngôn quảng cáo, diễn ngôn lãng mạn, diễn ngôn tôn giáo, diễn ngôn khoa học, diễn ngôn báo chí... cùng được tấu lên trong tiếng kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu- “xuân nữ ai oán”, “lốc bốc xoảng” và “bú dích”. Ngôn từ trong tiểu thuyết Số đỏ vừa là sự phản ánh, vừa là biểu hiện của giao lưu văn hóa, giao lưu văn học thời kì này.
Văn học 1945 - 1975 tồn tại trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bị chi phối bởi cái nhìn sử thi với ý thức “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Do vậy, các nhà văn tỏ ra rất dè dặt khi dùng tiếng nước ngoài, nếu bắt buộc phải dùng trong tác phẩm bao giờ cũng có chú thích cẩn thận. Sau 1975, đặc biệt là sau 1986 và đầu thế kỉ XXI, toàn cầu hóa trở thành vấn đề tất yếu của mọi quốc gia. Ngày nay, Internet và công nghệ số chính là những nhân tố quan trọng khiến thế giới trở nên phẳng. Với công nghệ số, đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa đổi thay từng ngày, một số thói quen thường thấy ở con người đã biến mất hoặc đang bị thay thế, một số thói quen mới hình thành. Sự đổi thay ấy tác động sâu sắc đến đời sống văn học. Có biết bao sự kiện, hiện tượng, trạng thái mới xuất hiện, biết bao tư tưởng, quan niệm, tôn giáo nảy sinh… cần được diễn đạt bằng những từ ngữ thích hợp. Số lượng từ tiếng Việt không phải bao giờ cũng đủ cho sự vận động đó. Nhiều nhà văn đương đại chủ trương, trước khi biến tiếng Việt thành một món đặc sản dành riêng cho người sành ăn (kiểu văn Nguyễn Tuân), hãy gia tăng cho nó tính tốc độ, khả năng thông tin, phản ánh kịp thời đời sống xô bồ, hỗn tạp, đa kênh và quan trọng hơn là gắn liền với một tư duy mới về sử dụng ngôn ngữ, một ý thức mới về văn hóa. Có lẽ theo họ, tiếng Việt hoàn toàn thuần Việt và trong suốt thì dù có thành một đặc sản dành cho người sành ăn vẫn nằm trong khuôn thước của một hệ giá trị văn hóa. Do vậy trong sáng tác, họ cố tình “gây sự” với kinh nghiệm ngôn ngữ của số đông công chúng bằng việc dùng khá thoải mái các từ ngữ ngoại nhập, không ngoặc kép, cũng không giải thích. Họ cố tình phá vỡ tính thuần khiết của ngôn ngữ Việt bằng cách pha trộn đa ngôn ngữ. Thế là tiếng Việt với tiếng Âu - Mỹ, tiếng Trung… và cả tiếng bồi cùng song hành trên diễn ngôn. Nhiều khi lớp từ ngữ ấy xuất hiện không chỉ để chứng tỏ trình độ văn hóa, nguồn gốc giai cấp, nghề nghiệp của nhân vật, cũng chẳng phải là sự bí từ của nhà văn. Chúng xuất hiện như để soi chiếu nhau, ánh xạ lẫn nhau, tương tác với nhau nhằm phản ánh sự đa trị, đa văn hóa của thời đại thế giới phẳng. Trong sáng tác của Phạm Thị Hoài là “comique, parfait, francophone, existence, papa, collection, the end of something, ouverture, autodidakt, outsider, attrape, the little man, francophone; The end of something, The show must go on, omelette oblat oblation, c’est drôle, c’est comique”... Ở văn xuôi của Nguyễn Việt Hà, tiếng Anh, tiếng Pháp pha lẫn tiếng Hán, tiếng bồi… được dùng như những kí hiệu về sinh hoạt đô thị thời mở cửa kinh tế thị trường. Đó là “prononciation, businessman, No it is only friend ship, ok, cest fini, Affaire mới à? Ái nữ hỏi thân mẫu, xã đội trưởng phu nhân. Nhạc phụ ậm ừ lấy lệ. Nhạc mẫu xởi lởi, tôi đã để lại cho ông ta một Special impression, đẹt-xe một cốc vại bia đã quá đát, cô bé xẹcvia bôi nhiều phấn, tôi uống cạn suất đúp Whiski”… Ngoài ra, còn vô số tên các loại rượu Tây, thuốc lá ngoại. Ở văn xuôi của Thuận là “Chinatown, madame, la chinoise, la bizarre chinoise, I’m yellow, yu shử yien nản dẩn”. Ở văn xuôi Đặng Thân là “culture free, I don’t know. No needs 2 know”… Rồi kiểu tiếng bồi nửa ta nửa Tây cũng ngang nhiên tồn tại: “rét xe cần hen, đì dai thời trang, thiết kế mô đần, mẹc xì lù bố cu, đít cua”; “Iem chào hai anh ạ ạ ạ. Hê nô anh Dơ Mân đẹp chai không bít các anh mừi iem đến có việc gì thía”… Y Ban đặt tên cho tập truyện ngắn của mình là “I am đàn bà”… Có thể thấy, sự pha trộn đa ngôn ngữ trong văn xuôi đương đại Việt Nam như trên thể hiện rõ xu thế tiếp biến đa tuyến, đa tầng văn hóa của thời đại toàn cầu hóa ngày nay.
2. Sử dụng phổ biến lớp từ ngữ tôn giáo, chính trị, khoa học
Không chỉ pha trộn đa ngôn ngữ, văn xuôi Việt Nam đương đại còn nới rộng biên độ khung từ vựng văn chương bằng việc vay mượn khá phổ biến lớp từ ngữ tôn giáo, chính trị và các thuật ngữ khoa học. Điều này khiến ngôn từ văn xuôi hôm nay không còn “thuần khiết”, không còn “tinh tuyển” mà tự do lai ghép, xóa nhòa ranh giới giữa trung tâm và ngoại biên mang dấu ấn đa văn hóa của thời đại công nghệ số. Văn xuôi của Nguyễn Việt Hà có một số lượng đáng kể lớp từ vựng mang phong cách “tôn giáo hóa”:“Để chữa cái đầu ong ong suy nhược tốt nhất là rơi vào văn hệ Đại Thừa. Và tôi cũng rất yêu sách của vị thiền giả người Nhật này”; “Tôi đành tọa thiền cố đưa tâm trí sang bờ bên kia, chừng 10 phút sau gặp đúng một công án hiểm hóc của Mã Tổ đạo nhất. Theo Truyền đăng lục ông có ảnh hưởng nhiều đến Vô thông ngôn, thiền sư khai tổ một dòng thiền lớn. Đau đầu quá. Có lẽ đốn ngộ bằng một chén rượu”; “Trên cao vút bức tường đối diện là mẫu tượng Chúa Jesu chịu nạn. Tôi đăm đăm nhìn Mairter Eckhart nói:“Đôi mắt của tôi nhìn Chúa là mắt của Chúa nhìn tôi”. Tôi vĩnh viễn không còn cặp mắt xanh non nhìn đời nữa. Và như thế là tôi đã mất hết. Tôi cúi mặt vào trang sách thầm cầu nguyện. Chao ôi, một triết gia lí trí như Pascal cũng phải nói:“Đức tin là món ân tặng của Chúa chứ không phải là món ân tặng của lí luận”. Tôi chọn cuốn dễ đọc nhất, hành trình đến với Chúa của Thánh Phanxico”… (Cơ hội của Chúa)
Người đọc thường xuyên gặp những câu văn có sử dụng thuật ngữ khoa học như thế này trong văn xuôi của Phạm Thị Hoài: “Tôi đáp:“vâng! Chẳng còn chuyển động Brown nữa. Con muốn ở nhà”. Đó là những lời cuối cùng trước khi tôi trở thành một Autodidakt bởi thất học, một Outsider, bởi không đặt chân ra ngoài cửa sổ”; “Tôi khước từ quan hệ họ hàng với những nhân vật xa lạ kia, khước từ những sản phẩm confection may hàng loạt”; “những đồ thị Hyperbol vừa hứa hẹn, vừa rạch ròi, những hành trình ngược chiều véc-tơ thời gian, trở về zéro, chân điểm các kiểu đồ thị, trục tung, trục hoành, trục xoáy trôn ốc, trục sóng biển, trục tàng hình”;“điệu nhảy loạn nhịp của một discotheque lượng tử”… Rồi vô số những thuật ngữ lạ tai: “ngày mộc dục”, “bức xạ nhiệt”, “hệ quang phổ”,“mane-quins”, “etiquette”, “candidat”, “V.H.Junior”, “mohican”, “sourdine”… (Thiên sứ)
Là người sống và viết văn tại Pháp, Thuận chọn tiếng Việt làm ngôn ngữ văn chương. Nhưng nhà văn Việt kiều này có chủ ý phá vỡ tính thuần khiết của tiếng mẹ đẻ. Dấu ấn của Thuận qua ngôn ngữ là một thứ tạp ngữ đời thường- một hình thức văn nói độc đáo của thời hiện đại. Tiểu thuyết Chinatown dày đặc những tên, địa chỉ nước ngoài (đương nhiên, vì bối cảnh câu chuyện có cả Nga, Pháp). Điều đáng lưu ý là ngôn ngữ của Thuận có sự tham gia của nhiều tiếng lóng, nhiều thuật ngữ chuyên môn hẹp: “Cuc cu thế nào? Stress lắm”;“bốn tạp âm trộn vào nhau như cơm rang thập cẩm”;“Bố mẹ tôi cóc cần chính trị, cóc cần biết Tư bản là gì, chủ nghĩa xã hội là gì, cóc cần biết Putin, Chirac là một hay hai ông”; “Hai trăm ngàn không đủ nghe Thanh Lam và Hồng Nhung song ca ở Hà Nội lẫn Sài Gòn nhưng hai trăm ngàn đủ mua 40 cân ngô ở Yên Bái, 40 cân sắn ở Củ Chi, 40 cân bột mì ở Rạch Giá”…
Văn xuôi của Nguyễn Nguyên Phước thường mượn các thuật ngữ Thiên Chúa giáo và một số khái niệm của phương Tây chêm xen vào mạch tự sự, chủ yếu hướng tới bạn đọc ở thời đại Intenet. Ta dễ dàng bắt gặp ở mấy tập truyện ngắn Tâm trạng khi điên, Thượng đế và đất sét, Lần đầu tiên các cụm từ: “lab, sensei, khoa học vật liệu, công nghệ nano, thuyết tiến hóa ngược, game show, DNA, hóa học phân tử, Thượng đế quyền năng, Kính lạy cha”… Có thể nhận thấy, các cây bút văn xuôi hôm nay cố ý phá vỡ tính thuần khiết của ngôn ngữ Việt. Trạng thái đa ngữ và xuất hiện khá phổ biến lớp từ ngữ tôn giáo, chính trị, khoa học trong ngôn từ văn xuôi đương đại có thể xem là biểu hiện của một ý thức văn hóa - tư tưởng - thẩm mỹ mới, đầy năng động. Đó cũng là chỉ báo cho xu thế tiếp biến văn hóa của toàn cầu hóa trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Nếu xem toàn cầu hóa là biết chấp nhận những cái khác, thì phải chăng trong lĩnh vực văn chương, ngôn từ văn xuôi đương đại Việt Nam cũng “giàu có” và phong phú hơn là khi chúng ta chỉ có những cái của riêng mình? Từ góc nhìn lạc quan và tích cực, toàn cầu hóa cũng là dịp chúng ta đem ngôn ngữ Việt Nam, văn hóa Việt Nam so sánh với những ngôn ngữ và các nền văn hóa khác trên thế giới để có thể phát triển ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc ta trên dòng tiến hóa chung của nhân loại.
3. Sử dụng các điển cố mới
Dấu ấn thời đại toàn cầu hóa trong ngôn từ văn xuôi Việt Nam đương đại còn được thể hiện ở việc sử dụng các điển tích, điển cố mới. Nói “mới” là vì những điển tích, điển cố này giai đoạn trước chưa xuất hiện, hoặc đã xuất hiện nhưng chưa được dùng như một thứ điển tích, điển cố. Thủ pháp này thường được dùng cặp kè với lối so sánh liên tưởng phóng túng, đầy chất nghịch, hài mà nhà văn Vũ Trọng Phụng trước kia đã dùng rất hiệu quả. Nhiều cây bút văn xuôi đương đại cũng là “những người thích đùa”, và họ rất biết tận dụng tính hàm súc, cô đọng của điển tích, điển cố để làm nên một thứ văn phong thời “nối mạng toàn cầu”. Về đại thể, họ hay vận dụng theo ba cách: dùng tiếng nước ngoài như một điển cố, dùng lại điển cố cũ trong hàm nghĩa mới, tạo điển cố mới với tính chất nhại. Trong tiểu thuyết Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, V.Hugo nhà văn được gọi là “V.H.senior” (V.H cha), còn thầy giáo dạy văn Hoàng là “V.H.Junior” (V.H con), V.H trước là vốn, còn V.H sau là lãi suất. Nhiều nhân vật được khái quát tính cách hay số phận bằng tên các nhân vật của văn chương hay điện ảnh, kiểu như: “chàng bơm xe - Don Quichotte”, “cô vũ nữ lai - Trà hoa nữ”, “Quang lùn - Fanta Mongana - người hùng Pichme”,“Thầy Hoàng - anh giáo Nam Cao - chàng Rivares hiện đại - tài tử henry Fonda”, “chị Hằng – Ljudmila - Manon Lescaut - Jane Eyre - nàng Bạch Tuyết - Mỵ Nương”…
Trong truyện Đất xóm Chùa, tác giả Đoàn Lê nhắc đến: “khoản lãi suất”, “nào hết cấm vận đến nơi”, “nào kinh tế thị trường quốc tế”,“nào liên doanh thương mại thế mạnh”… Trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân, các diễn biến của đời sống kinh tế - xã hội được “cập nhật” thành điển tích: “chị cần tống khứ ngay giọt máu được đầu tư vội vã của nhà kinh doanh trẻ”;“bảo đảm là không chuyện Nguyễn Văn Mười Hai” (Vũ điệu của cái bô). “Chị quyết định áp dụng trong cái gia đình nhỏ bé của mình một số biện pháp mà các nhà làm ngân sách gọi là những biện pháp khắc kỉ tình thế”;“Điện bị cúp đột ngột, dạo đó tổ máy số 1 của Sông Đà chưa chạy” (Thuế giường)… Trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, các điển tích, điển cố mới được lồng vào một liên tưởng, so sánh: “Cả bọn ồn ào. Mấy đứa gác vòng ngoài thủ thế. Giuda từ xa toét miệng hớn hở, vẻ mặt của thằng đã bán được Chúa”; “Thằng Tâm có sức khỏe của Moses kéo dẫn những tín đồ đồng đạo đến đất hứa”; “Nhã muốn con bé Phương đàng hoàng bước vào đời. Nhưng trong giấy khai sinh nó lấy theo họ mẹ. Ông Adam khỏi cần phải ăn trái cấm”;“Tôi là một Robinson Cuso bị ngẫu nhiên quẳng lên hoang đảo với con bé Friday của mình”;“Đàn bà mà có quyền lực, luôn luôn là một mẫu câu sai ngữ pháp. Tổ trưởng công đoàn được đôn lên làm phó phòng - Unlucky. Nàng sẽ càng khó lấy chồng”… Tiểu thuyết T mất tích của Thuận không chỉ dùng điển tích điển cố mới mà còn pha trộn với kiểu diễn ngôn của tạp ngữ đời thường: “Tôi phải tiếp chuyện một thằng cha bụng phệ người Marseille, đau tai vì mấy tiếng liền kinh nghiệm tán gái Hà Nội của hắn. Hắn khoe mới cưa đổ một em cực đẹp, chân dài mét hai, nói chung là bốc lửa”;“Tài khoản của chúng tôi phập phà phập phồng, chỉ cần sơ ý là xin vào lỗ thủng”…
Cách làm mới ngôn từ theo kiểu này khiến không ít bạn đọc bực mình khó chịu, nhưng cũng có người cố gắng tìm hiểu và đôi khi thấy thú vị, giống như ta có thể ăn món lẩu tạp-pí-lù mà nhận ra kĩ thuật khéo léo của người nấu. Chẳng hạn, ngữ điệu của một từ cảm thán “voi” có giá trị thế nào (Thiên sứ) thì chỉ những ai thạo Pháp ngữ mới thấy được. Cũng như thế, một cách gọi “chàng Rivares hiện đại” hay “chùm nho còn xanh lắm” (Thiên sứ) chỉ thực sự súc tích, sâu sắc với những bạn đọc có kiến văn tương đối rộng… Cũng có khi việc sử dụng các điển tích điển cố giữ nguyên tiếng nước ngoài còn là dụng ý của người viết. Chẳng hạn, từ “businessman” mà Nguyễn Việt Hà dùng trong câu:“Cậu không phải là businessman.” (Khải huyền muộn) được dùng nguyên văn mà không dịch hoặc chú thích vì muốn giữ lại nguyên ý nghĩa của người phương Tây sử dụng mà không muốn bị Việt hóa. Hồ Anh Thái miêu tả ý nghĩa tên của một nhân vật cho thấy nhiều lớp trầm tích văn hóa đằng sau một kí hiệu ngôn ngữ: “Nó tên là Công. Lũ bạn gọi nó là Cốc. Cốc đọc chệch đi thì được một cái tên gốc Mỹ - Cock. Cock là con gà trống, vừa có nghĩa là cái vật ngọ nguậy giữa đôi chân một gã trai” (Cõi người rung chuông tận thế). Người phương Tây có thể không hiểu hết những trầm tích văn hóa theo sau từ “đàn bà”, “sến” được người Việt sử dụng trong những tên tác phẩm Marie Sến, I am đàn bà nhưng độc giả hoàn toàn có thể hiểu được ý đồ của sự lai ghép ấy. Rõ ràng, với các nhà văn này, viết đã trở thành một trò chơi ngôn ngữ, ở đó tính liên văn bản được cân nhắc nhằm hướng đến tính đa văn hóa, đa ý thức đằng sau ngôn ngữ. Vấn đề nằm ở chỗ, không chỉ là chuyện nhà văn kích thích nhu cầu học ngoại ngữ, mà quan trọng hơn nhằm chuyển tải thông tin sao cho đa dạng, đa nghĩa hóa cái được biểu đạt, tiết kiệm được những lí giải dài dòng và đùa giỡn tự do với người đọc.
Tóm lại, ngôn từ văn xuôi Việt Nam hôm nay cho thấy chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số, Internet và truyền thông. Sự pha trộn đa ngôn ngữ; phá vỡ tính thuần khiết ngôn ngữ văn chương bằng việc vay mượn phổ biến lớp từ ngữ tôn giáo, chính trị và các thuật ngữ khoa học; sáng tạo những điển cố mới là chỉ báo cho xu thế lai ghép các ý thức và văn hóa khác biệt mang tính chất toàn cầu hóa. Đây là một thách thức đối với tiếng Việt “thuần chủng” nhưng cũng là một ý thức mới trong sáng tạo văn học. Ý thức mới đó chưa hẳn đã được xem là cái hay, cái đẹp, nhưng nó có sức mạnh kích thích những tìm tòi, sáng tạo để tiếng Việt có thể hội nhập và phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. M.Bakhtin (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn.
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Kundera (2001), Nghệ thuật tiểu thuyết, NXB Văn hoá thông tin - Trung tâm
Văn hoá Đông Tây.
4. Nhiều tác giả (2009), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng & TT Từ điển học.
5. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội.
6. Trần Đình Sử (2002), Lý thuyết Cacnavan hoá của M.Bakhtin và tư duy tiểu
thuyết hiện đại, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 12.
7. Nguyễn Văn Thuấn (2016), Ý thức đa ngữ trong văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa, Tạp chí Sông Hương, số 329/07.
8.Y Ban (2007), I am đàn bà (tập truyện ngắn), NXB Phụ nữ.
9. Nguyễn Việt Hà (1999), Cơ hội của Chúa, NXB Văn học.
10. Nguyễn Việt Hà (2005), Khải huyền muộn, NXB Hội Nhà văn.
11. Phạm Thị Hoài (1989), Thiên sứ, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh.
12. Phạm Thị Hoài (1995), Tuyển tập truyện ngắn, NXB Hà Nội.
13. Đoàn Lê (1999), Nghĩa địa xóm Chùa, NXB Hội Nhà văn.
14. Đoàn Lê (2005), Trinh tiết xóm Chùa, NXB Hội Nhà văn.
15. Nhiều tác giả (1992), Ánh trăng (tập truyện ngắn được giải), NXB Hội Nhà văn
16. Nhiều tác giả (1995), Truyện ngắn hay Bắc-Trung-Nam, NXB Hội Nhà văn.
17. Nhiều tác giả (2005), Những trang viết lạ (tập truyện ngắn), NXB Phụ nữ.
18. Nhiều tác giả (2008), Văn mới 2007-2008 (tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn.
19. Vũ Trọng Phụng (1998), Tuyển tập, tập 2, NXB Văn học.
20. Nguyễn Nguyên Phước (2007), Thượng đế và đất sét (tập truyện ngắn), NXB Phụ nữ.
21. Hồ Anh Thái (2004), Cõi người rung chuông tận thế, NXB Đà Nẵng.
22. Đặng Thân (2011), 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], NXB Hội Nhà văn.
23. Nguyễn Huy Thiệp (2005), Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn.
24. Thuận (2005), Chinatown, NXB Đà Nẵng.
25. Thuận (2005), Pari 11- 8, NXB Đà Nẵng.
Nguồn: Bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, NXB ĐHQG TP Hồ Chí Minh tháng 8/2017, tr 654 - 660