Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

ĐẶC TRƯNG CỦA NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC

ThS. Nguyễn Thị Nhung


1. MỞ ĐẦU
Trong nền nghệ thuật sân khấu thế giới, múa rối nước Việt Nam được biết đến là một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc nhất vô nhị. Rối nước là một đặc sản của văn hóa Việt, được sinh ra và lớn lên từ môi trường nước và đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo tài tình của những người nghệ sĩ - nông dân. Những tiết mục rối nước phản ánh cuộc sống bình dị, dân dã cùng những nghi lễ, phong tục tập quán nơi làng quê Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Múa rối nước là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam. Và vì thế, có thể nói rằng biết và hiểu về múa rối nước cũng chính là biết và hiểu về văn hóa và con người Việt Nam.
Hiện nay, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam tồn tại tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ với 15 phường rối nước dân gian như: phường Đào Thục, Tế Tiêu (Hà Nội), Nam Chấn, Nam Giang (Nam Định) Nguyên Xá, Đông Các (Thái Bình), Đồng Ngư (Bắc Ninh), Thanh Hải, Hồng Phong (Hải Dương), Nhân Hòa (Hải Phòng)... và có mặt tại các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp như: Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội), Nhà hát múa rối Việt Nam (Hà Nội), Nhà hát rối nước Rồng Vàng (TP Hồ Chí Minh)... Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo mà xét ở góc độ du lịch được coi là một sứ giả của văn hóa Việt Nam. Rối nước đã được lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới và được đông đảo bạn bè thế giới biết qua các Festival, lễ hội du lịch văn hóa… Nhưng đó là ở tầm quốc tế còn ngay tại Việt Nam – nơi sản sinh ra loại hình này lại có một thực tế đáng buồn đang diễn ra. Trong xã hội Việt Nam ngày nay với sự “áp đảo” của nhiều loại hình hiện đại, sự hạn chế trong quảng bá truyền thông… rối nước nói riêng và các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian nói chung đang bị phai nhạt, lu mờ. Rất nhiều người Việt Nam, nhất là những thế hệ trẻ chưa một lần được xem biểu diễn rối nước, họ không biết đến sự tồn tại của rối nước - nét văn hoá cổ truyền độc đáo. Vốn hiểu biết về múa rối nước vì thế ngày càng “cạn kiệt”. Nhiều phường rối dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam đang mất dần chỗ đứng trước những làn sóng văn hóa hiện đại, trước nhịp sống hối hả của cuộc sống đương đại…
Ở bài nghiên cứu này, với việc chỉ ra đặc trưng của loại hình nghệ thuật múa rối nước, góp phần nhận diện và khu biệt nó với các loại hình nghệ thuật rối khác như: rối tay, rối que, rối dây… , tác giả mong muốn cung cấp vốn hiểu biết về loại hình nghệ thuật rối nước độc đáo này, đồng thời trên cơ sở đó đóng góp cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật có một không hai trên thế giới.

2. NỘI DUNG

Nghệ thuật rối nước không chỉ có những nét chung của nghệ thuật sân khấu mà với sự kết hợp tài tình giữa rối và nước đã đem đến cho loại hình này những đặc điểm vô cùng độc đáo.

2.1. Mặt nước là sân khấu biểu diễn

Múa rối nước có giá trị đặc sắc và khác với tất cả các loại hình sân khấu Việt Nam như rối cạn, chèo, tuồng, cải lương… ở chỗ dùng mặt nước làm nơi cho quân rối diễn trò, đóng kịch. Đây là hình thức sân khấu mặt nước duy nhất trong các dạng thức của nghệ thuật múa rối của nhân loại, khác biệt với rối tay, rối que, rối máy, rối bóng… của sân khấu rối cạn.
Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng có diện tích mặt nước lớn với nhiều ao, hồ... và chính điều này là cơ sở cho sự ra đời của rối nước. Sân khấu mặt nước góp phần đắc lực tạo nên những bất ngờ, thú vị cho người xem. Khán giả ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi hàng cờ từ dưới nước bật lên mà vẫn khô nguyên, thích thú khi những con rối đi xa hàng chục mét đến sát mép nước mời trầu, mời thuốc, tặng hoa…Những con rối gỗ đơn điệu, dáng vẻ thô sơ… đã trở nên biến hóa linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện…chinh phục khán giả của mọi lứa tuổi trên khắp năm châu. Có thể nói đây chính là đặc trưng nổi bật nhất góp phần nhận diện múa rối nước. Không có yếu tố mặt nước thì không có sự kỳ diệu, lôi cuốn, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật múa rối nước.

2.2. Thủy đình là hình tượng đặc trưng

Thủy đình hay còn gọi dân dã là buồng trò là đặc trưng tiếp theo của loại hình này. Thủy đình là sự hiện diện của một vật chất chứa đựng nét thân thuộc đã nâng tầm rối nước thành loại hình sáng giá, mang đậm yếu tố văn hóa Việt. Hình ảnh thủy đình mang dáng dấp mái đình với kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái, nhẹ nhàng và thanh thoát với đầu đao cong vút đã cho chúng ta hình ảnh cụ thể về một sân khấu rối nước.
Nếu như buồng trò của sân khấu rối cạn, rối bóng, rối Nhật Bản... đều dựng trên mặt đất thì trong rối nước, buồng trò bắt buộc phải dựng trên mặt nước (có thể là ao, hồ hay bể chứa nước).Thủy đình chính là nơi để các nghệ nhân hoạt động, với hai kiểu: Thủy đình cố định bằng gạch ngói và thủy đình dùng để đi biểu diễn lưu động làm bằng phên tre, khung ống nước.
Sự kết hợp giữa ao làng với thủy đình đã tạo nên một không gian diễn xướng rất đặc trưng, độc đáo của rối nước. Không gian vừa thiên tạo vừa nhân tạo, lại mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt là cội nguồn cho vẻ đẹp nghệ thuật lan tỏa.

2.3. Quân rối là hình tượng nghệ thuật

Quân rối là công cụ nghệ thuật của nghệ sĩ múa rối, là cơ sở vật chất và kỹ thuật của nghệ thuật múa rối nói chung và rối nước nói riêng. Con rối là loại “diễn viên đặc biệt” do hai người tạo ra: người nghệ sĩ tạo hình và người điều khiển rối. Ở chèo, tuồng, cải lương, kịch nói… ta mới chỉ sáng tạo ra trang trí, hóa trang, phục trang… còn ở múa rối ta phải sáng tạo ra cả con rối để làm diễn viên. Chất liệu làm nên quân rối cạn có thể là gỗ, vải, giấy, nan đan, chất dẻo…  nhưng đối với rối nước, do các con rối phải “sống” trong môi trường nước nên chất liệu phải là: gỗ vông, gỗ sung, gỗ dổi – những loại gỗ nhẹ và ít chịu nước.... Các phường rối nước ưa dùng gỗ sung để tạc quân vì vừa dễ kiếm lại dễ đục đẽo lúc còn tươi, rất nhẹ và dai lúc khô.
Công việc tạo hình quân rối nước của các nghệ nhân thường được chia ra thành từng phần riêng như tạc gỗ, sơn thếp, làm máy và lắp máy. Quân rối được tạc theo lối lắp ghép nhiều chi tiết trong một thân hình, thường cao 30 - 40cm (trừ quân rối Tễu, rối Tiên cao khoảng 80cm) với những màu sắc, đường nét chung chung. Con rối nhỏ bé nên không thể nào khắc họa sâu sắc được tính cách của từng nhân vật, không thể chứa đựng đầy đủ mọi chi tiết của thân hình nhân vật nên những người nghệ nhân chỉ giữ lại những nét lớn tượng trưng nhất để người xem nhận ra. Quân rối gỗ dù tạc liền một khối gỗ hay chắp lại đều có hai phần liền nhau là phần thân và phần đế. Phần thân nổi trên mặt nước lộ cho người xem thấy còn phần đế chìm dưới mặt nước giữ cho quân rối nổi và là nơi lắp máy điều khiển.
Sự xuất hiện quân rối là một đặc trưng nổi bật của sân khấu rối, phân biệt nó với các loại hình sân khấu cổ truyền khác của dân tộc. Không giống như diễn viên người ở sân khấu cải lương, chèo, tuồng… quân rối là loại “diễn viên” không thay đổi được tình cảm bằng nét mặt, không tự nói được, cử động chậm chạp, động tác thiếu tự nhiên… nhưng đồng thời lại nhờ nó mới có thể tạo ra những điều kỳ lạ, kỳ ảo. Ở rối nước, quân rối không “gần” tay người điều khiển như rối cạn nên sự truyền cảm từ người điều khiển có phần hạn chế. Hơn nữa quân rối nước vốn chỉ được đục đẽo bằng gỗ nhẹ, hình khối khô cứng, nét mặt chung chung, chịu sự tác động lớn của nước… nên khả năng diễn đạt kém hơn rối cạn. Tuy nhiên với nhiều yếu tố hỗ trợ: nước, ánh sáng, âm thanh… đã tạo cho những con rối nước vẻ lung linh, huyền ảo, sống động giúp người xem dễ dàng lĩnh hội nội dung tư tưởng và tình cảm của tiết mục.
2.4. Tễu là nhân vật điển hình
Tễu là nhân vật quen thuộc của nhiều phường hội rối nước. Tễu thường là quân rối lớn nhất với hình dáng một anh trai cày trẻ tuổi, khỏe mạnh, hoạt bát, hài hước… bạn của các chú Hề chèo, Hề tuồng… Gương mặt chú Tễu luôn vui tươi, mình lắc lư; hai tay vung vẩy, đi tới đi lui, tay chỉ chỏ. Tễu giữ việc ra mở màn, giáo đầu, dẹp trật tự cho buổi biểu diễn, giới thiệu chương trình… Ở một số phường rối, Tễu là người phất cờ hoặc châm pháo, ở phường khác Tễu là mõ làng hay giúp đỡ các cụ già… Có thể nói, tất cả các phường rối là đều dùng Tễu làm nhân vật mở màn tuy rằng nội dung lời giáo ở mỗi phường khác nhau. Chú Tễu nhắn nhủ điều hay lẽ phải, phê phán cái xấu lên án cái ác… rồi ra về với câu hát quen thuộc:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Tễu trong tiếng Nôm có nghĩa là “tiếng cười”. Chú Tễu chính là sản phẩm của một dân tộc có truyền thống lạc quan, yêu đời và bất khuất trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Tiếng cười là một biểu hiện của sức mạnh chiến thắng. Trải qua nghìn năm, người Việt ai cũng yêu mến Tễu và coi chú là quân rối quan trọng nhất. Chú đã trở nên quen thuộc và nhận được sự yêu mến, quan tâm của những khán giả trong nước và ngoài nước.
Trong sân khấu rối nước, bên cạnh chú Tễu còn có những người nông dân giản dị, mộc mạc,các nhân vật lịch sử anh hùng: Hai bà Trưng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… ,những tên giặc cướp nước, bán nước như Liễu Thăng, Thoát Hoan, lính Tây, lính ngụy… những nhân vật biểu tượng như: Long, Ly, Quy, Phượng… cùng vô số con vật thật như con cá, con vịt, con cáo…
Trong mỗi tiết mục rối nước, nhân vật thường không nhiều, hành động đơn giản.Tính cách nhân vật rối nước không đa dạng, khắc họa chủ yếu bằng hình dạng và hành động ngoại hình. Nhân vật rối nước ngoại trừ nhân vật lịch sử, còn lại thường không có lai lịch rõ ràng. Ở rối nước cổ truyền chưa có nhân vật điển hình toàn diện như chèo, tuồng…. chỉ có Tễu là nhân vật tiêu biểu.
2.5. Sự hỗ trợ của kỹ thuật diễn rối, âm nhạc, ánh sáng và văn học
2.5.1. Kỹ thuật diễn rối
Sự thành công của rối nước không chỉ nhờ vào giá trị nghệ thuật bề ngoài của quân rối mà chủ yếu thể hiện qua diễn xuất sân khấu -  nhờ vào kỹ thuật chế tạo máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển. Máy điều khiển rối nước xếp thành hai loại: Máy sào và máy dây. Cả hai loại máy đều có nhiệm vụ làm di chuyển con rối và tạo hành động cho nhân vật.
Máy sào thường là một cây tre hoặc gỗ dài khoảng 3 - 4 m, đầu có bộ phận chuyển động quân rối và các bộ phận trong thân hình nó. Máy sào lại được chia làm hai loại: máy sào đơn giản và máy sào phức hợp. Máy sào đơn giản chỉ giữ và làm di chuyển toàn thân quân rối như đi lại, ra vào và xoay chuyển hướng đứng. Máy sào phức hợp có thêm bộ phận làm cử động từng phần trên thân hình và toàn thân con rối: giơ tay, đá chân, quay phải, quay trái, cúi đầu…. với sự điều khiển của nhiều người: người giữ sào, người kéo dây làm giơ tay, quay thân… Với loại máy này, nhân vật có khả năng làm được nhiều động tác di chuyển lại không bị bó buộc vào một đường dây căng sẵn như máy dây.
Máy dây phải đóng cọc, căng dây, gài máy trước biểu diễn. Hệ thống cọc đóng ngầm dưới mặt nước sân khấu để kéo một bàn máy lớn, trên có lắp quân rối. Dây chão được căng từ trong buồng trò hoặc dài thành vòng (để đầu thả ra, đầu kéo về) hoặc chỉ là một dây thẳng để bàn máy trượt khi bị kéo ra hay co vào. Máy dây thường dùng cho các trò tập thể như: Múa bát tiên, Múa sư tử… Những con rối theo bố trí của máy dây có thể đi xa và trở về 20 - 30m. Ở loại máy này có thể điều khiển cùng một lúc nhiều quân rối (  từ 2 đến 8 quân rối).
Rối nước là trò rối máy, kĩ thuật chế tạo nhằm đảm bảo giấu các bàn máy trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, đem đến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ… Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật việc sáng chế và cải tiến quân rối càng trở nên dễ dàng, hứa hẹn sự phát triển và hấp dẫn hơn của nghệ thuật múa rối nước.
2.5.2. Sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng, văn học
Nghệ thuật rối nước lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt nên âm nhạc có vai trò quan trọng, giúp điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, khuấy động không khí biểu diễn.Múa rối truyền thống sử dụng những làn điệu dân tộc: chèo, dân ca, quan họ, chầu văn… Nhạc cụ chính trong rối nước là: trống cái, não bạt, mõ… Pháo cũng là một trợ thủ đắc lực. Tiếng hát, tiếng đế thường được dùng để giới thiệu, minh họa, làm nền…
Ánh sáng là yếu tố quan trọng làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh trang trí, tăng tính hiệu quả của các tiết mụcNghệ thuật múa rối nước diễn với ánh sáng ban ngày đã đẹp, diễn với các loại ánh sáng vào ban đêm càng lung linh, huyền ảo. Múa rối nước từ xưa đến nay đã có nhiều buổi biểu diễn đêm với đủ loại ánh sáng: đuốc, đèn măng xông, đèn điện, hệ thống đèn pha và máy điều khiển ánh sáng pha màu. Với ánh đèn pha hắt từ dưới lên, từ trên xuống các con rối được khoang trong một vùng ánh sáng và mặt nước là một tấm gương phản chiếu lung linh các loại màu sắc. Thủy khắc hỏa nhưng trên sân khấu rối nước lại kết hợp vô cùng hài hòa, khéo léo đem đến những tiết mục lôi cuốn người xem.
Bên cạnh âm thanh, ánh sáng, trò rối nước còn có sự hỗ trợ của yếu tố văn học tuy rằng văn học mới chỉ tham gia trong giai đoạn phát triển sau này. Lời trong rối nước giữ vai trò giới thiệu trò, minh họa trò, chưa tham gia nhiều vào hành động nhân vật. Với các bài văn vần, biền ngẫu mang tính phóng khoáng không thành một hình thức quy củ, mang tính khoa trương, biểu tượng là chính đã ít nhiều làm cho rối nước thêm phần hấp dẫn.

2.6. Chủ nhân của rối nước là những cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ

Văn hóa Việt Nam mang cội nguồn và bản sắc của một nền sản xuất nông nghiệp. Những cộng đồng định cư thành làng xã từ hàng nghìn năm trước đó đã trồng lúa nước và tạo nên nền văn minh sông Hồng và rối nước chính là một sáng tạo độc đáo của những người nông dân đó. Minh chứng cho điều này là hầu hết cơ sở rối nước cổ truyền đều tập trung quanh vùng kinh đô Thăng Long xưa - trung tâm đồng bằng phì nhiêu, nơi được đan xen bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Đó là các cơ sở múa rối nước ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Các di tích thủy đình cũng được tìm thấy ở đây.
Nếu như hát xẩm là “cuộc sống” của những con người “đầu đường xó chợ”, bần cùng nghèo khổ dưới đáy xã hội; hát ả đào là sản phẩm của tầng lớp trí thức phong lưu thì múa rối nước lại là sáng tạo của những người làm ruộng, quanh năm lăn lộn với nắm đất cây lúa, sớm khuya cần mẫn ngoài đồng. Đó là những con người sống gắn bó với nước, sẵn sàng ngâm bùn lội nước để làm nghệ thuật dù trời đông giá rét, dù cho những con rối không nhẹ. Họ đóng tiền góp gạo để dựng phường lập hội, tạc quân chế máy, đóng cọc căng dây, dựng buồng trò, luyện tập và biểu diễn. Người nông dân coi đó là một thú vui chơi, làm nghệ thuật một cách bình dị và tự nguyện. Chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp qua bao thế hệ đã giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật múa rối nước đến ngày hôm nay. Múa rối nước chính là sản phẩm độc đáo của những con người lao động. Nghệ thuật được ra đời từ những khoảng thời gian nông nhàn của người nông dân, dùng yếu tố nước và rối để tạo nên những trò giải trí, vui chơi.

3. KẾT LUẬN         
Trong số các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam thì múa rối nước là một trong những loại hình đặc sắc và tiêu biểu của người Việt đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật múa rối nước ở vùng đồng bằng Bắc Bộ với 15 phường rối dân gian gặp nhau ở nhiều điểm: mặt nước làm sân khấu, thủy đình, nhân vật Tễu… tạo nên đặc điểm chung của rối nước Việt Nam. Ngày nay có sự cởi mở trong trao đổi, giao lưu giữa các phường rối dân gian song mỗi phường đều ít nhiều vẫn có nét riêng đã góp phần tạo nên bức tranh màu sắc nhưng thống nhất của nghệ thuật rối nước Việt Nam.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Chương (ch.b), Đoàn Thị Tình, Đặng Ánh Ngà, Phan Thanh Liêm (2012), Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
2. Nguyễn Huy Hồng (2007), Nghệ thuật múa rối, Nxb Sân khấu Hà Nội.
3. Nguyễn Huy Hồng (1987), Nghệ thuật múa rối nước Thái Bình, Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình.
4. Thuý Nga, (2006) “Rối nước đặc sản của sân khấu dân tộc”, Văn hoá nghệ thuật, (2), tr. 85 - 87.
5. Vũ Tú Quỳnh (2006), “Rối nước - Từ sân khấu dân gian đến sân khấu đô thị”, Văn hóa dân gian, (5), tr. 40 - 44.
6. Tô Sanh (1976), Nghệ thuật múa rối nước, Nxb Văn hoá.
 
Bài đăng trên Tạp chí Giáo chức Việt Nam, số 100 (8/2015), tr 48-50)
0969889270 0912944324