Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

ĐẶC ĐIỂM CỦA CẤU TRÚC NGHĨA MIÊU TẢ TRONG CÂU GHÉP TIẾNG VIỆT

TS. Hoàng Thị Thanh Huyền


Trong câu ghép, cấu trúc ngữ nghĩa luôn có sự phân biệt hai thành phần: nghĩa miêu tả (các sự tình được đề cập đến trong các vế) và nghĩa tình thái (tình cảm, thái độ, sự nhìn nhận, đánh giá của người nói về các sự tình). Hai thành phần này luôn tồn tại trong mối quan hệ gắn bó và chế định lẫn nhau để cùng tạo nên bình diện ngữ nghĩa của câu.

Trên cơ sở xem xét mối quan hệ giữa các sự tình tạo nên nòng cốt câu ghép, bài viết tập trung nghiên cứu cấu trúc nghĩa miêu tả của câu ghép ở hai phương diện: loại hình sự tình của các vế trong câu ghép (cùng hay khác nhau về loại hình sự tình) và quan hệ giữa các tham thể tạo nên sự tình (có chung hay khác biệt về các loại tham thể cơ sở và tham thể mở rộng).

Từ khóa: câu ghép (compound sentences), ngữ nghĩa (semantics), nghĩa miêu tả (representational meaning), sự tình (state of affairs), vị tố (predicate), tham thể (participant)
 
1. Đặt vấn đề      
Nếu trước đây, trên phương diện nghĩa học, ngôn ngữ chỉ bó hẹp trong phạm vi nghiên cứu nghĩa của từ riêng lẻ thì nay nó đã vượt qua giới hạn đó để đến với những đơn vị có quy mô và kích thước lớn hơn, phản ánh đúng hoạt động giao tiếp của con người. Và một trong những đơn vị thực hiện được chức năng giao tiếp là câu. Với đơn vị câu, bình diện nghĩa học đã tập trung vào việc xem xét hai loại nghĩa, đó là: nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái. Có thể nói, sự ra đời của lí thuyết về bình diện nghĩa là một trong những minh chứng cho thấy sự phát triển của của ngành ngôn ngữ học.

Câu ghép thuộc đơn vị giao tiếp ở bậc cao, bởi nó luôn biểu đạt tính phức tạp của những sự vật, sự việc, hiện tượng… trong thế giới khách quan và thế giới tinh thần của con người theo những mối quan hệ nào đó. Chính các mối quan hệ là cơ sở để tạo nên các vế của câu ghép khi nó được hiện thực hóa bằng các yếu tố ngôn ngữ cụ thể.

Theo bình diện ngữ nghĩa, câu ghép có cấu trúc ngữ nghĩa. Cấu trúc này có sự phân biệt hai thành phần: nghĩa miêu tả (các sự tình được đề cập đến trong các vế) và nghĩa tình thái (tình cảm, thái độ, sự nhìn nhận, đánh giá của người nói về các sự tình). Như thế, cũng như bất kì đơn vị câu khác, trong câu ghép, hai thành phần này luôn tồn tại trong mối quan hệ gắn bó và chế định lẫn nhau để cùng tạo nên bình diện ngữ nghĩa của câu. Trên cơ sở đó có thể nói rằng, cấu trúc ngữ nghĩa của câu ghép được hình thành là nhờ mối quan hệ giữa các sự tình, các tham thể tham gia vào sự tình và sự chi phối của thành phần nghĩa tình thái đối với các sự tình được biểu hiện trong các vế câu.

Khi nghiên cứu cấu trúc của câu ghép trên bình diện nghĩa học, chúng tôi tập trung vào thành phần nghĩa miêu tả. Thành phần này bao gồm hai phương diện: đơn vị (các sự tình mà các vế trong câu ghép biểu hiện) và quan hệ (quan hệ giữa các sự tình). Theo đó, bài viết này đặt ra nhiệm vụ xem xét đặc điểm của cấu trúc nghĩa miêu tả trong câu ghép tiếng Việt ở hai phương diện: (i) loại hình sự tình của các vế trong câu ghép (cùng hay khác nhau về loại hình sự tình) và (ii) quan hệ giữa các tham thể tạo nên sự tình (có chung hay khác biệt về các loại tham thể cơ sở và tham thể mở rộng).

2. Sơ lược về cấu trúc nghĩa miêu tả
Nghĩa miêu tả (còn gọi là nghĩa biểu hiện, nghĩa sự việc, nghĩa kinh nghiệm) là thành phần nghĩa phản ánh những mảng của thế giới hiện thực hay thế giới nội tâm của con người, gọi chung là sự việc hay sự tình. Mỗi câu đề cập đến một hay một vài sự tình. Mỗi sự tình được phản ánh vào trong câu là một cấu trúc nghĩa gồm cái lõi của sự tình cùng với các yếu tố tham gia vào sự tình. Cái lõi của sự tình là thành tố nêu đặc trưng hay quan hệ, gọi chung là vị tố, thường biểu hiện trong tiếng Việt bằng một vị từ (động từ, tính từ, từ chỉ quan hệ). Còn các yếu tố tham dự vào sự tình là các tham thể của nó, thường được biểu hiện bằng danh từ, cụm danh từ hay đại từ. Vị tố và tham thể tạo nên cấu trúc vị tố - tham thể. Cấu trúc vị tố - tham thể là cấu trúc của sự tình được phản ánh vào câu và trở thành cấu trúc nghĩa miêu tả của câu. Ví dụ:
 
(1) Chiều qua, Mẹ đã cho Lan hai trăm ngàn đồng để mua sách.
 
Vị tố của sự tình là cho và bốn tham thể là mẹ (chủ thể), Lan (tiếp thể - kẻ tiếp nhận), hai trăm ngàn đồng (đối thể - vật được trao tặng), chiều qua (tham thể thời gian), mua sách (tham thể mục đích).

Nghĩa miêu tả và sự tình luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để hiểu được nghĩa miêu tả của câu, cần xác định xem nó thuộc về kiểu sự tình nào, ngược lại, để xác định mỗi câu được nói (viết) ra thuộc về loại hình sự tình nào thì cần phân xuất cho được các thành tố tạo nên cấu trúc nghĩa miêu tả của nó. Do đó, việc xác định các sự tình cũng đồng nghĩa với việc phân loại các cấu trúc nghĩa miêu tả của câu.

3. Một số đặc điểm của cấu trúc nghĩa miêu tả trong câu ghép tiếng Việt
3.1. Đặc điểm về loại hình sự tình của các vế trong câu ghép
Mỗi câu ghép biểu hiện ít nhất hai sự tình. Các sự tình được liên kết với nhau thành một thể thống nhất theo những quan hệ nhất định nào đó. Nói cách khác, mỗi đơn vị sự tình nằm trong cấu trúc câu ghép luôn có mối liên hệ, quan hệ nương tựa, chi phối nhau: sự tình này tồn tại là do có sự xuất hiện của sự tình kia và ngược lại. Điều này làm nên nét đối lập giữa các sự tình được biểu hiện trong câu ghép với các sự tình biểu hiện ở các kiểu câu khác và khu biệt những sự tình trong các câu ghép khác nhau.

3.1.1. Câu ghép có các vế biểu hiện sự tình cùng loại
a) Câu ghép biểu hiện cùng loại sự tình hành động
Khi diễn đạt các sự tình hành động trong phạm vi một câu ghép thì các sự tình luôn có quan hệ thời gian với nhau: hoặc đồng thời hoặc nối tiếp. Cụ thể:

Đối với câu ghép diễn đạt các sự tình hành động có quan hệ thời gian đồng thời thì các sự tình hành động nêu ở các vế luôn cùng diễn ra trong một thời điểm nhất định trên trục thời gian, hoặc cùng bắt đầu, hoặc cùng tiếp diễn, hoặc cùng kết thúc (cùng hoàn thành). Lúc này, việc chọn sự tình nào đứng trước, sự tình nào đứng sau là tùy thuộc vào sự đánh giá của người nói và vai trò thông báo của sự tình trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể (thông thường sự tình nào đứng ở vế sau cũng có giá trị thông báo quan trọng hơn). Mặt khác, vế nào diễn đạt nhiều sự tình hơn bao giờ cũng được đặt ở vị trí sau (điều này phản ánh quy luật tổ chức ngôn điệu của tiếng Việt: các đơn vị (thành tố) có số lượng âm tiết lớn, cấu tạo phức tạp có xu hướng chủ đạo là chiếm vị trí ở cuối câu). Ví dụ:

(2) Ăn xong, trên ven đồi, bọn thợ gặt nằm dài trên cỏ ngủ. Các thợ đàn bà họp nhau lại một chỗ, ăn trầu và nói chuyện mùa màng, còn ông cụ thì loay hoay buộc lại mấy cái hái dùng đến buổi gặt chiều. (Thạch Lam - Những ngày mới)

(3) Buổi đêm, bọn bạn hù hét xung quanh, tôi cứ vo tròn trong chiếc chăn mỏng, đầu gối lên cuốn sách dày mang theo, nhắm tịt mắt. (Phạm Thị Điệp Giang - Cá hồ Văn)

Các ví dụ trên là những câu ghép có hai vế, cùng diễn đạt các sự tình hành động xảy ra đồng thời và có quan hệ ngữ pháp bình đẳng với nhau. Về lí thuyết, các sự tình này hoàn toàn có thể đổi chỗ cho nhau mà không ảnh hưởng tới nội dung ý nghĩa và vai trò ngữ pháp của chúng ở trong câu. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi nhân tố thuộc về bình diện thông báo và tính nhịp điệu của câu cho nên nếu thay đổi trật tự thì trọng tâm thông báo của câu sẽ thay đổi hoặc tính nhịp điệu của câu sẽ bị phá vỡ.

Đối với trường hợp câu ghép diễn đạt các sự tình hành động có quan hệ thời gian nối tiếp thì các sự tình hành động nêu ở các vế được diễn đạt theo sự nối tiếp nhau trên trục thời gian: có hành động xảy ra trước, có hành động xảy ra sau. Lúc này, trật tự các vế trong câu ghép cũng thể hiện theo trật tự trước sau của các sự tình. Có 3 trường hợp xuất hiện:

Thứ nhất, sự tình hành động nêu ở vế trước xảy ra trước và kết thúc rồi chuyển ngay sang sự tình hành động nêu ở vế sau. Ví dụ:

(4) Bọn họ đứng cả dậy, tôi và anh Cá - rán - tiêng cũng theo ra, nhưng người Chánh hội xua tay nói. (Nguyễn Công Hoan - Chuyện chó chết)

(5) Dần nhỏm dậy, nó sờ soạng ra khỏi cái ổ rơm rồi đi thẳng ra ngoài.
                                                                           (Nam Cao - Một đám cưới)

Ở ví dụ (4), hành động đứng cả dậy của chủ thể bọn họ xảy ra trước hành động theo ra của hai chủ thể tôi và anh Cá - rán - tiêng rồi cuối cùng mới đến hành động xua tay nói của người Chánh hội. Còn ở ví dụ (5) thì hành động nhỏm dậy của Dần phải xảy ra trước, rồi mới chuyển sang hành động sờ soạng ra khỏi cái ổ rơm và cuối cùng là đi thẳng ra ngoài. Như vậy, các hành động này tuần tự diễn ra kế tiếp nhau theo thời gian: hành động này kết thúc là cơ sở xuất hiện hành động tiếp theo. Và khi chúng được người nói tri nhận để phản ánh vào ngôn ngữ bằng một câu ghép thì thứ tự các vế cũng được sắp xếp theo một trật tự khách quan như nó vốn có.

Thứ hai, sự tình hành động nêu ở vế trước xảy ra trước và kéo dài cho tới khi xuất hiện sự tình hành động nêu ở vế thứ hai thì kết thúc. Như thế, hành động xảy ra trước chỉ có thể kết thúc nếu có sự xuất hiện hành động tiếp theo. Lúc này khoảng trống thời gian giữa các sự tình nêu ở mỗi vế thể hiện rất rõ. Nó được xác định thông qua ngữ đoạn biểu thị ý nghĩa thời gian, đóng vai trò là tham thể mở rộng cho sự tình nêu ở vế đi sau. Ví dụ:

(6) Thằng Tùy nhìn trừng trừng vào người lạ cho đến khi người ấy cách nó chừng mươi bước, nó ù té chạy. (Lê Lựu - Đại tá không biết đùa)

(7) Cô cúi gầm xuống thu dọn bát đĩa rếch, tới lúc nghe thấy tiếng tay Lí gạt sạt sạt trên chiếu, cô mới ngẩng lên. (Ma Văn Kháng - Mùa lá rụng trong vườn)

Ở ví dụ (6), hành động nhìn trừng trừng vào người lạ của chủ thể thằng Tùy chắc chắn phải xảy ra trước và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định rồi mới kết thúc để chuyển sang hành động tiếp theo ù té chạy. Hai hành động này được kết nối với nhau bằng ngữ đoạn chỉ thời gian cho đến khi người ấy cách nó chừng mươi bước. Tương tự như vậy, ở ví dụ (7), hành động cúi gầm xuống thu dọn bát đĩa rếch của  xảy ra trước và kéo dài rồi kết thúc trước khi hành động ngẩng lên xuất hiện. Khoảng thời gian gián cách giữa hai hành động được biểu hiện thông qua tham thể lúc nghe thấy tiếng tay Lí gạt sạt sạt trên chiếu.

b) Câu ghép biểu hiện cùng loại sự tình quá trình
Trong câu ghép, nếu tất cả các vế cùng biểu hiện sự tình quá trình thì các sự tình cũng thường nằm trong quan hệ thời gian với nhau, đó là quan hệ thời gian đồng thời hoặc quan hệ thời gian nối tiếp. Lúc này, quan hệ thời gian giữa các vế có thể không được hiển lộ một cách cụ thể (do nội dung ngữ nghĩa giữa các vế và trật tự sắp xếp của chúng đã đủ sức để bộc lộ mối quan hệ này), nhưng cũng có thể được hiển lộ thông qua các phương tiện từ ngữ là các hư từ (liên từ, phụ từ). Ví dụ:

(8) Đến trưa, mặt trời lên, sương mới từ từ tan. (Phạm Thị Điệp Giang - Cá hồ Văn)

(9) Thế rồi qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. (Thạch Lam - Gió lạnh đầu mùa)

Trên thực tế, trong sự tình quá trình, chủ thể trải qua quá trình có thể là một đối tượng có nhận thức, mang nét nghĩa [+người] hoặc cũng có thể là một chủ thể không có nhận thức, mang nét nghĩa [-người]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong câu ghép mà tất cả các vế cùng biểu hiện sự tình quá trình thì chủ thể của quá trình thường mang nét nghĩa [-người], đó là những vật vô tri như các hiện tượng trong tự nhiên liên quan đến thời tiết (tác giả Halliday đã gọi đây là quá trình khí tượng (là quá trình nằm trên đường ranh giới giữa quá trình hiện hữu và quá trình vật chất).

c) Câu ghép biểu hiện cùng loại sự tình trạng thái
Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy trong câu ghép mà tất cả các vế cùng biểu hiện sự tình trạng thái có khả năng xuất hiện hai kiểu quan hệ:

- Quan hệ liệt kê: Kiểu quan hệ này thường xuất hiện trong câu ghép có nhiều vế, giữa các vế không dùng những phương tiện từ ngữ cụ thể để nối kết. Lúc này, việc lựa chọn sự tình nào đứng trước, sự tình nào đứng sau hoàn toàn tùy thuộc vào quan niệm của người nói ở từng hoàn cảnh giao tiếp. Ví dụ:

(10) Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. (Nam Cao - Giăng sáng)

(11) Ông day dứt, ông khổ sở, ông đau đớn, ê chề mỗi khi phải ngửa tay nhận những đồng tiền gần như của bố thí của thiên hạ.
                                                  (Chu Lai - Bức chân dung của người đàn bà lạ)
Trong các ví dụ trên, tất cả các sự tình được biểu hiện trong các vế của câu ghép đều có mối quan hệ đẳng lập với nhau cho nên có thể có cách diễn đạt khác mà không làm thay đổi nội dung biểu hiện của câu. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi các bình diện như ngữ âm (nhịp điệu, âm hưởng của câu), nhiệm vụ thông báo, sự phân bố thông tin… cho nên sự sắp xếp các sự tình này cũng được người nói lựa chọn sao cho thích hợp nhất. Chẳng hạn, ở ví dụ (10), các sự tình trạng thái được sắp xếp theo nhịp từ ngắn đến dài tạo nên âm hưởng nhịp nhàng, hài hòa cho phát ngôn; ở ví dụ (11), các sự tình không những được sắp xếp theo nhịp điệu từ ngắn đến dài mà còn được sắp xếp theo mức độ tăng dần các trạng thái cảm xúc của nhân vật.
- Quan hệ tương phản (nghịch đối): Kiểu quan hệ này thường xuất hiện trong những câu ghép có hai vế, giữa các vế thường xuất hiện các liên từ (nhưng (mà), còn, mà…), các cặp liên từ (tuy, mặc dầu, dù, dẫu… nhưng, thì…) làm cơ sở để đối chiếu hai sự việc đối lập nhau. Ví dụ:

(12) Nhu đúng ba mươi tuổi  hắn mới hăm nhăm. (Nam Cao - Ở hiền)

Ở ví dụ trên, ngoài dấu hiệu hình thức có chức năng chỉ dẫn quan hệ nghịch đối giữa hai vế trong câu ghép (liên từ ), còn có thể nhận thấy ý nghĩa đối lập của chúng khi đặt vào ngữ cảnh. Cụ thể: ba mươi tuổi - hăm nhăm vốn không mang nghĩa đối lập tự thân, song chúng trở nên đối lập với nhau nhờ vào sự suy luận theo “lẽ thường”: ba mươi tuổi, với con gái đã bị coi là già, là ế, còn với con trai thì hăm nhăm tuổi vẫn được coi là trẻ. Với ý nghĩa đó có thể suy ra đây là hai vế tồn tại trong sự đối lập nhau về tính chất, đặc điểm: già <-> trẻ.

d) Câu ghép biểu hiện cùng loại sự tình tư thế
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong câu ghép, sự tình này thường xuất hiện ở vế đầu tiên, với tư cách là phông nền nhằm tạo điều kiện cho các sự tình khác được thông báo ở các vế tiếp theo. Lúc này, các sự tình tư thế thường có quan hệ thời gian đồng thời với nhau. Ví dụ:

(13) Trên cái sập gụ khảm mà giữa là cái khay đèn, cụ nằm một bên, thằng xe một bên, cụ bà thì ngồi phía dưới chân. (Vũ Trọng Phụng - Số đỏ)

(14) Lính cơ, cai lệ vẫn nằm chầu chánh tổng ở bên bàn đèn; Thủ quỹ, Thư kí, Chánh hội, Phó hội và các chức dịch ngổn ngang ngồi ở cạnh những cuốn sổ sách bề bộn. (Ngô Tất Tố - Tắt đèn)

Các sự tình tư thế được nêu trong hai ví dụ trên là những sự tình xảy ra đồng thời của các chủ thể khác nhau. Cụ thể, ở ví dụ (13), các tư thế nằm của chủ thể cụ, thằng xe được diễn đạt ở hai vế đầu tiên và tư thế ngồi của cụ bà ở vế sau cùng không chỉ được diễn ra đồng thời trong cùng một khoảng thời gian mà còn diễn ra trên cùng một vị trí (trên cái sập gụ khảm). Còn ở ví dụ (14), vị tố nằm (vế thứ nhất) chỉ rõ tư thế của các chủ thể lính cơ, cai lệ, vị tố ngồi (vế thứ hai) nêu ra tư thế của các chủ thể Thủ quỹ, Thư kí, Chánh hội, Phó hội và các chức dịch có quan hệ đồng thời với nhau.

e) Câu ghép biểu hiện cùng loại sự tình quan hệ
Đối với một sự tình quan hệ thì hai tham thể tham gia vào sự tình luôn nằm trong mối liên hệ với nhau. Ngữ liệu khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong kiểu câu ghép này, thường gặp nhất là các sự tình có quan hệ liệt kê.Ví dụ:

(15) Cha tôi là thằng cắm câu cá lóc cha, còn tôi là thằng cắm câu cá lóc con. (Lê Minh Nhựt - Nọc rắn)

(16) Nàng là công chúa, còn tôi chỉ là một kẻ đánh cá nghèo hèn.
                                                    (Xuân Quỳnh - Tiên Dung và Chử Đồng Tử)

Mỗi câu ghép ở ví dụ trên biểu hiện hai sự tình, các sự tình này có quan hệ ngữ pháp ngang hàng, bình đẳng với nhau và quan hệ ngữ nghĩa đồng loại. Theo đó, mỗi sự tình đều có cương vị độc lập và hoàn toàn có thể tách bạch khỏi nhau để làm thành những câu đơn. Tuy nhiên, do có quan hệ với nhau (quan hệ liệt kê) nên chúng được người nói liên kết lại với nhau để hợp thành một thể thống nhất theo mô hình cấu trúc của câu ghép.

3.1.2. Câu ghép biểu hiện các sự tình khác loại
Thực tế cho thấy, đối với kiểu câu ghép này thì xu thế chung là có sự kết hợp giữa hai sự tình khác nhau về đặc trưng [±động], trong đó sự tình mang đặc trưng [-động] thường có vị trí đứng trước, tạo tiền đề hay điều kiện cho sự tình mang đặc trưng [+động] đứng sau. Trong trường hợp này, các sự tình có thể xuất hiện nhiều kiểu quan hệ khác nhau, tuy nhiên, thường gặp nhất vẫn là quan hệ nguyên nhân - hệ quả và điều kiện - hệ quả. Ví dụ:
(17) Con là người từ bi đại lượng, vậy ta khuyên con hãy nên theo con đường tu hành. (Truyện cổ tích Việt Nam)

(18) Nếu thuốc của cụ mà hay thì hẳn người ta không phải đi xin thuốc Thánh đền Bia. (Vũ Trọng Phụng - Số đỏ)

Câu ghép ở ví dụ (17) có vế đứng trước biểu hiện sự tình quan hệ, vế đứng sau biểu hiện sự tình hành động. Đây là hai sự tình hoàn toàn khác biệt, mỗi sự tình có một cấu trúc vị tố - tham thể riêng. Tuy nhiên, do có sự gắn bó chặt chẽ với nhau theo kiểu: sự tình đứng trước là nguyên nhân, còn sự tình đứng sau là hệ quả cho nên chúng đã được người nói tổ chức sắp xếp và diễn đạt trong phạm vi một câu ghép nhằm biểu hiện sự suy lí theo nhận định chủ quan của mình.

Ở ví dụ (18), sự tình trạng thái biểu hiện ở vế đi trước nêu điều kiện, tạo phông nền cho sự tình hành động xuất hiện. Bằng cách này, người nói đã hướng sự chú ý của người nghe vào sự tình đi sau và coi nó là trọng tâm thông báo của phát ngôn. Không chỉ vậy, điều này còn phản ánh quy luật tổ chức quan hệ giữa các sự tình trong trong câu ghép: các sự tình [-động] là các sự tình có khả năng kéo dài, không có kết thúc nên thường đứng trước; còn sự tình [+động] là các sự tình có khả năng kết thúc nên có vị trí ở sau phát ngôn.

Thông thường, câu ghép có hai vế, mỗi vế biểu hiện một sự tình, chúng được kết nối với nhau theo những quan hệ ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta có thể gặp trường hợp câu ghép có trên ba vế được ghép với nhau theo những quan hệ khác nhau tạo thành một mạng lưới các quan hệ chồng chéo, đan bện vào nhau theo những tầng, lớp nhất định. Đây chính là hệ quả của việc sử dụng phối hợp các kiểu quan hệ nghĩa nhằm diễn đạt mối quan hệ phức tạp, đan giằng nhau giữa các sự tình được biểu hiện ở các vế câu. Trên cơ sở đó có thể phân tích mối quan hệ giữa các sự tình theo những tầng bậc khác nhau. Ví dụ:

(19) Thường ngày, nàng là người con gái vui tươi, linh hoạt, thỉnh thoảng cũng cưỡi ngựa khoác cung tên theo vua cha đi săn bắn, nhưng mấy hôm nay, do nỗi nhớ chồng nên nàng buồn bã, ngồi nhà một mình. (Truyện cổ tích Việt Nam)

Có thể phân tích các kiểu quan hệ nghĩa giữa các sự tình trên thành hai bậc như sau:
Bậc 1: Quan hệ giữa các sự tình trong toàn câu: sự tình nêu ở vế thứ nhất và vế thứ hai làm thành một bên và có quan hệ nghĩa với sự tình nêu ở vế thứ ba theo kiểu tương phảnA nhưng B.

Bậc 2: Quan hệ giữa các sự tình trong từng vế câu:
+ Trong A có hai vế theo quan hệ bổ sungthỉnh thoảng cũng cưỡi ngựa khoác cung tên theo vua cha đi săn bắn là phần bổ sung cho: nàng là người con gái vui tươi, linh hoạt.

+ Trong B có hai vế theo quan hệ nguyên nhân (được đánh dấu bằng cặp quan hệ từ “do…nên”): do nỗi nhớ chồng nên nàng buồn bã, ngồi nhà một mình.

 3.2. Đặc điểm về quan hệ giữa các tham thể tạo nên sự tình
Theo bình diện ngữ nghĩa, mỗi câu ghép được xác định bởi một tập hợp các sự tình, trong đó sự hiện diện và vai trò của các tham thể là yếu tố quan trọng để xác định các sự tình và nhận diện các kiểu quan hệ nghĩa giữa các vế câu. Trong cấu trúc nghĩa miêu tả của câu ghép, các tham thể cũng có sự phân biệt với nhau về vai nghĩa (chủ thể, đối thể, tiếp thể, thời gian, địa điểm…), về đặc tính chung và riêng đối với các sự tình được biểu hiện trong các vế.

3.2.1. Câu ghép biểu hiện các sự tình có chung tham thể
a) Sự tình trong các vế có chung tham thể cơ sở
Trong câu ghép, do các sự tình luôn nằm trong những mối quan hệ nhất định nào đó, cho nên, tất yếu các tham thể tham gia vào sự tình cũng bị ràng buộc, chi phối lẫn nhau. Chính vì vậy, có những trường hợp tất cả các tham thể cơ sở khi tham gia vào việc biểu hiện các sự tình trong câu ghép đều trở thành tham thể chung cho các sự tình. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, tham thể chung thường gặp nhất là chủ thể và đối thể, nhiều nhất vẫn là chủ thể. Ví dụ:

(20) Rồi lão chửi yêu lão nói với  như nói với một đứa cháu bé về bố nó. (Nam Cao - Lão Hạc)

(21) Tôi đã có dịp để ý đến con trẻtôi biết con trẻ lắm, nhất là vào thời buổi như thời buổi này. (Vũ Trọng Phụng - Số đỏ)

Để biểu thị đặc tính chung của các tham thể cơ sở, người nói có thể thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:

 - Lặp lại các yếu tố từ ngữ được dùng để thể hiện các tham thể. Với trường hợp này thì lặp vừa có tác dụng nhấn mạnh đặc tính chung của các tham thể vừa tạo ra cái nền để làm nổi rõ sự khác biệt giữa các sự tình biểu hiện những nội dung ý nghĩa khác nhau (các ví dụ trên). 

- Thay thế bằng những từ ngữ tương đương với các từ ngữ thể hiện tham thể của vế đi trước (thường gặp nhất là dùng đại từ, các danh từ chỉ ngôi hay các biểu thức miêu tả hồi chỉ để thay thế). Đây chính là sự quy chiếu nội chỉ: giữa một yếu tố có nghĩa cụ thể (nêu ở vế thứ nhất) với một yếu tố có nghĩa chưa cụ thể (nêu ở vế thứ hai). Nhờ sự quy chiếu này mà người nghe có thể đồng nhất tham thể đang được nói tới ở sự tình này với tham thể đã được nói đến ở sự tình khác trong cùng một phát ngôn. Ví dụ:  

+ Dùng đại từ:
(22) Hài đứng ngay người không nói được, hắn gần muốn khóc.
                                                                           (Nam Cao - Quên điều độ)

 + Dùng danh từ chỉ ngôi nhân xưng thứ ba:
 (23) Trinh vẫn nhìn tôi như thế hồi lâu như sợ tôi sẽ giằng lấy con mèo tội nghiệp trên tay cô, khi cảm thấy sự an toàn từ tôi, cô liền bế nó đi vào nhà bếp.
                                                              (Hà Ngọc Vân - Cổng nhà mình vẫn mở)

- Tỉnh lược. Để diễn đạt các sự tình trong một câu ghép có chung tham thể cơ sở, người nói hoàn toàn có thể tỉnh lược tham thể của một trong hai vế (thường gặp nhất là tỉnh lược tham thể chủ thể). Trong trường hợp này thì tỉnh lược vừa có chức năng làm nổi bật nội dung sự tình, đồng thời cũng là phương tiện để duy trì sự quy chiếu nhằm tạo ra một sự mong đợi là người nghe sẽ có khả năng suy luận ra tham thể đang được người nói đồng nhất. Ví dụ: (dấu * đánh dấu vị trí tỉnh lược). 

(24) Nhưng nếu * không trở lại được, tôi xin gửi lại ông tấm ảnh này.
                                          (Chu Lai - Bức chân dung của người đàn bà lạ)

(25) Thế rồi dù * biết chắc Tâm không phải là Thanh, người phóng viên vẫn im lặng. (Chu Lai - Trang bản thảo chép thuê)

Trong các ví dụ trên, do cả hai vế trong câu ghép cùng đề cập đến một tham thể chung, đó là tham thể chủ thể: tôi (ví dụ 24), người phóng viên (ví dụ 25), nên ở vế thứ nhất tham thể này đã bị tỉnh lược. Việc tỉnh lược tham thể trong những trường hợp này là hoàn toàn chấp nhận được vì nó được ngữ cảnh cho phép. Tuy thế, tham thể bị tỉnh lược vẫn luôn được giả định trong cấu trúc nghĩa của sự tình.

b) Sự tình trong các vế có chung tham thể mở rộng
Ở kiểu cấu trúc này, lõi sự tình của các vế câu ghép được bổ sung thêm một phương diện nghĩa nào đó có tính tình huống như: thời gian, không gian, địa điểm, cách thức, phương tiện, mục đích… Những ý nghĩa này, về bản chất, mang tính tùy nghi, nghĩa là không chịu sự chế định trực tiếp bởi bản chất từ vựng - ngữ pháp của vị tố, về phương diện ngữ pháp, chúng là những trạng ngữ, còn về phương diện ngữ nghĩa, chúng là những tham thể mở rộng. Sự xuất hiện của chúng, nhìn chung không ảnh hưởng gì đến việc miêu tả các sự tình trong cấu trúc nghĩa miêu tả của câu ghép, song chúng cung cấp một hậu cảnh có liên quan đến các sự tình mà câu biểu đạt. Ví dụ:

(26) Sau những cơn mưa tầm tã, bên khóm tre già đã bị chặt cụt, đất bỗng nứt ra và một búp măng ló đầu lên, đội lá mục, phá vỡ con đường bọn mối đang đắp(Vũ Tú Nam - Măng tre)

Trong ví dụ trên, cả hai tham thể, trong đó một tham thể chỉ thời gian (sau những cơn mưa tầm tã) và một tham thể chỉ địa điểm, nơi chốn (bên khóm tre già đã bị chặt cụt) đều là những tham thể mở rộng đảm nhiệm vai nghĩa chung cho tất cả các sự tình quá trình được biểu hiện trong câu. Rõ ràng, sự xuất hiện của các tham thể này không do ý nghĩa của các vị tố trong mỗi cấu trúc nghĩa đòi hỏi mà do tình huống, hoàn cảnh mách bảo. Mặc dù vậy, vai trò của chúng đối với nòng cốt của các sự tình này là rất quan trọng bởi nó nhấn mạnh đến phạm vi, biên độ thời gian diễn ra các sự tình.

Một số ví dụ khác:
(27) Cho đến khi nồi mì chín, Phượng dọn mâm thì chúng nhảy xuống đất, sà vào mâm, tranh nhau ngồi đầu nồi. (Ma Văn Kháng - Mùa lá rụng trong vườn)

(28) Giây phút ấy, vầng trán cô nhăn lại và cả khuôn mặt sập xuống trông già đi hàng chục tuổi. (Chu Lai - Dòng sông yên ả)

c) Sự tình trong các vế có chung cả tham thể cơ sở và tham thể mở rộng
Trong kiểu cấu trúc này, tham thể cơ sở chung cho các sự tình có thể chỉ là chủ thể hoặc cũng có thể bao gồm cả chủ thể và đối thể, tuy nhiên, thường gặp nhất là tham thể chủ thể. Còn tham thể mở rộng chung cho các sự tình thường là tham thể thời gian hoặc không gian, nơi chốn và luôn có vị trí ở đầu câu. Loại tham thể này thường xuất hiện trong những câu ghép biểu hiện các sự tình cùng loại, đặc biệt là hai sự tình: hành động và trạng thái. Ví dụ:

(29) Có lẽ sau Tếtba sẽ đi mấy hội hè truyền thống, để sống lại cảm xúc về dân tộc, rồi ba mới viết. (Ma Văn Kháng - Mùa lá rụng trong vườn)

(30) Buổi tối, trong phòng khách sang trọng, G thấy nhớ cô bé ước ao gặp  để được nhìn thấy nụ cười bánh rán. (Tô Hải Vân - Mối tình bánh rán)

Ở ví dụ (29), các sự tình: đi mấy hội hè truyền thống và viết đều là các sự tình hành động và chúng được thực hiện bởi cùng một chủ thể (ba). Ngoài ra, hai sự tình này còn chung nhau một tham thể (sau Tết) xuất hiện ở vị trí đầu tiên trong câu bổ sung ý nghĩa về khoảng thời gian diễn ra của hai sự tình. Ở ví dụ (30), hai sự tình trạng thái (nhớ và ước ao gặp) được diễn đạt trong hai vế của câu ghép cùng có chung hai tham thể cơ sở: chủ thể (G), đối thể () và hai tham thể mở rộng: một tham thể thời gian (buổi tối) và một tham thể chỉ không gian, nơi chốn (trong phòng khách sang trọng).

3.2.2. Câu ghép biểu hiện các sự tình khác nhau hoàn toàn về tham thể
Vật liệu xây dựng cấu trúc nghĩa miêu tả trong câu ghép là các sự tình. Các sự tình này được hiện thực hóa nhờ những phương tiện ngôn ngữ cụ thể và có thể xác lập thành những mô hình với những mối quan hệ cấu trúc - ngữ nghĩa khác nhau, trong đó, tham thể là thành tố có vai trò quan trọng làm nên đặc trưng cấu trúc nghĩa miêu tả của câu ghép. Bên cạnh những kiểu câu ghép có chung nhau một hay một số tham thể, chúng tôi cũng nhận thấy có những trường hợp câu ghép mà trong cấu trúc nghĩa có các tham thể hoàn toàn khác biệt. Điều này được lí giải như sau: câu ghép luôn đề cập đến nhiều sự tình, mỗi sự tình ứng với một cấu trúc vị tố - tham thể, do đó các tham thể tham gia vào sự tình cũng có thể khác nhau: có tham thể xuất hiện trong sự tình được nêu ở vế này nhưng không xuất hiện trong sự tình được nêu ở vế kia và ngược lại. Như vậy, cùng nằm trong một câu ghép, nhưng các tham thể có thể hoàn toàn khác nhau và trong những trường hợp như vậy, các tham thể này không phải báo hiệu cho sự khác biệt về vai nghĩa, mà báo hiệu những sự khác biệt về thông tin có liên quan đến điểm nhìn, sự tri nhận của người nói. Ví dụ:

(31) Khi trăng lên qua ngọn câyTuân đi ra cổngtrong bóng tốiMai đã chờ sẵn đấy rồi. (Thạch Lam - Đêm sáng trăng)

(32) Nếu Loan mang báo cáo khoa “lá tình thư” này thì cả bọn có thể bị đuổi học. (Hoàng Minh Tường - Chính danh)

Câu ghép ở ví dụ (31) biểu hiện hai sự tình có cùng đặc trưng [+động], [+chủ ý], mỗi sự tình tạo nên một vế câu, được đặc trưng bởi cấu trúc vị tố - tham thể. Dễ dàng nhận ra, trong ví dụ này, cùng biểu hiện một vai nghĩa, nhưng các tham thể tham gia vào sự tình là hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, cùng biểu hiện vai tác thể nhưng sự tình ở vế thứ nhất do chủ thể Tuân thực hiện, còn sự tình ở vế thứ hai do chủ thể Mai thực hiện; hoặc cùng biểu hiện vai thời gian, nơi chốn, nhưng sự tình ở vế thứ nhất là tham thể khi trăng lên qua ngọn cây, còn sự tình ở vế thứ hai là tham thể trong bóng tối. Câu ghép ở ví dụ (32) biểu hiện hai sự tình hoàn toàn khác biệt: sự tình ở vế đứng trước mang đặc trưng [+động], [+chủ ý] còn sự tình ở vế đứng sau mang đặc trưng [-động], [-chủ ý]. Cả hai sự tình đều do các tham thể khác nhau đảm nhiệm các vai nghĩa khác nhau: sự tình nêu ở vế thứ nhất có ba tham thể: Loan (tác thể), khoa (tiếp thể), lá tình thư (đối thể); sự tình ở vế thứ hai chỉ có một tham thể biểu thị vai bị thể (cả bọn).

4. Kết luận
Cũng giống như câu đơn, trong câu ghép, các vế cũng biểu hiện tất cả các loại hình sự tình (hành động, trạng thái, quá trình, quan hệ, tư thế); tuy nhiên, khác với câu đơn, câu ghép luôn đề cập đến hai hay nhiều sự tình, các sự tình có thể thuộc cùng một loại hay thuộc về các loại khác nhau, nhưng dù thuộc loại nào thì chúng cũng không thể tồn tại trong trạng thái biệt lập, tách rời mà luôn được liên kết với nhau tạo thành một thể thống nhất ngữ nghĩa. Lúc này, các thực thể tham dự và tạo nên các sự tình là các tham thể cũng bị ràng buộc, chi phối lẫn nhau (có tham thể chung cho các sự tình, có tham thể riêng cho từng sự tình). Như thế, có thể khẳng định rằng, đối với câu ghép, sự hiện diện và vai trò của các tham thể không chỉ là nhân tố lấp đầy vị trí cho vị tố, góp phần cụ thể trong việc biểu hiện sự tình mà còn tạo nên sự gắn kết các sự tình lại với nhau theo những mối quan hệ nào đó… Tất cả đã làm nên đặc điểm của cấu trúc nghĩa miêu tả trong câu ghép tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
2. Halliday. M.A.K (2004), Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Hoàng Văn Vân dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Cao Xuân Hạo (2004), Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb Giáo dục.
4. Nguyễn Văn Hiệp (2003), Cấu trúc câu tiếng Việt nhìn từ góc độ ngữ nghĩa, Ngôn ngữ, (2), tr.26 - 35.
5. Nguyễn Văn Hiệp (2008), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, Nxb Giáo dục.
6. Đỗ Việt Hùng (2014), Vai trò của các tham tố trong miêu tả và phân loại sự tình, Ngôn ngữ (1), tr.20 - 27.
7. Hoàng Trọng Phiến (2008), Ngữ pháp tiếng Việt - Câu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Bùi Minh Toán (chủ biên) - Nguyễn Thị Lương (2007), Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học Sư phạm.

The characteristics of structure of representational meaning in Vietnamese compound sentences
 In compound sentences, the structure of meaning has two separate components: Representational meaning (things mentioned) and emotional meaning (feeling, attitude, evaluation towards things mentioned). These two components are always in a close and interactive relationship to form the structure of meaning in the sentence.
 Based on the study ofthe relationship between states of affairs which form the compound sentences, this paper focuses on the structure of representational meaning in terms of: the similarities and differences between states of affairs and the relationship between participants (having the same or different fundamental and extended participants).
Key words: compound sentences, semantics, representational meaning, state of affairs, predicate, participants
 
Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học: những vấn đề lí luận và thực tiễn”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.270 - 280.
0969889270 0912944324