ThS. Bùi Thùy Linh
Thuật ngữ
liên kí hiệu (intersignality) là thuật ngữ phê bình văn học được xác lập bởi nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc dựa trên quan niệm “liên chủ thể” của M. Bakhtin trong “tính đối thoại” của “lời văn” và quan niệm “liên văn bản” của J. Kristiva. Theo tác giả “
trong văn chương, mọi ký hiệu đều là liên ký hiệu, không có ký hiệu văn chương nào tồn tại tự thân mà bao giờ cũng mang trong nó vô vàn ký hiệu và hướng đến nhiều ký hiệu khác” [1, tr. 85-93]. Ra đời từ thời kỳ tối cổ,
cổ mẫu (archetype, hay còn được gọi là nguyên mẫu, mẫu gốc) đã tồn tại suốt chiều dài của tâm thức nhân loại đồng thời có những “biến hình” và “tạo sinh” cho phù hợp với nhu cầu nhận thức và sáng tạo của thời đại, một dạng “siêu kí hiệu” trong việc tồn tại độc lập nhưng tràn ngập năng lượng tương tác. Vì vậy, nó được coi như một liên kí hiệu tiêu biểu có khả năng đề xuất muôn vàn tầng bậc liên kết nghĩa trong văn chương.
Mạc Ngôn là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Trung Quốc đương đại có sức ảnh hưởng rộng rãi. Một trong những thủ pháp Mạc Ngôn rất thành công là việc sử dụng các chất liệu dân gian, các motif huyền thoại cổ xưa, vốn không còn xa lạ nhưng thổi vào nó hồn cốt thời đại, khiến cho lớp trầm tích cổ xưa sống lại, vươn mình trong bộ trang phục mới. Hình tượng người phụ nữ, người mẹ xuất hiện nhiều trong sáng tác của Mạc Ngôn nhưng nghiên cứu về hình tượng này với tư cách một trong những cổ mẫu quan trọng của văn chương nhân loại: cổ mẫu Mẹ vẫn còn nhiều khoảng trống. Tìm hiểu về cổ mẫu Mẹ trong tiểu thuyết
Ếch của Mạc Ngôn từ góc nhìn liên kí hiệu chúng tôi mong muốn có thể phần nào giải mã cổ mẫu đặc biệt này và khả năng “biến hình”, “tạo sinh” của nó.
2. Nội dung2.1. Cổ mẫu Mẹ trong huyền thoại Đông TâyCổ mẫu Mẹ trước hết là
“tụng ca những phẩm tính huyền diệu của người mẹ, “ là tìm về “sự ngơi nghỉ, sự an toàn” và “sự tái sinh” .“Mẹ” là “
tất cả những gì làm nên cõi ẩn náu vĩ đại của loài người”
[2, tr.76]. Nói đến cổ mẫu Mẹ là nhắc đến phẩm tính sinh - dưỡng cao cả. Trong những trang huyền thoại đầu tiên, hình ảnh Người Mẹ đã xuất hiện với tư cách của một Đấng sáng thế, khởi thủy của vạn vật.
Thần thoại Hy Lạp hình dung Nữ thần Đất Mẹ Gaia - bà mẹ đất có bộ ngực vĩ đại - là vị “cao tằng tổ mẫu” của loài người, là nơi cư ngụ, nuôi sống cho người trần thế đồng thời cũng là nơi an nghỉ của họ. Trong mười hai vị thần tối cao trên đỉnh Olympus, có tới sáu vị nữ thần và mỗi người họ đều có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là Hera - vị thần bảo hộ cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình; Artemis - Nữ thần “
được coi là vị nữ thần của sự phì nhiêu, cây sai quả, lúa sinh nở, cho hạnh phúc gia đình, trẻ sơ sinh…”[4, tr.153]; Nữ thần Athena, nữ thần của Trí tuệ, Tri thức và Chiến trận, giúp con người có cuộc sống đầy đủ, ấm no, trật tự và công bằng hơn; Nữ thần Aphrodite - nữ thần của Tình yêu và Sắc đẹp; Nữ thần Demeter hay nữ thần Lúa Mì ban cho đất đai sự phì nhiêu để mùa màng được tươi tốt, cây cối được sai quả; Nữ thần Hex, vị thần của bếp lửa, người bảo hộ cho cuộc sống quần tụ ấm cúng của con người, cho cuộc sống văn minh. Người phụ nữ - nữ thần, như bản năng, như một lẽ tự nhiên, đều mang trong mình, hoặc đều tượng trưng cho đặc tính sinh - dưỡng thiêng liêng.
“
Mỗi người phụ nữ là một nữ thần. Đó là quan niệm thẩm mỹ về người phụ nữ trong nghệ thuật Ấn Độ” [5, tr.103] Có một điều thú vị là ở đất nước mà vị thế của người phụ nữ bị hạ xuống đáy cùng xã hội thì từ thời cổ đại, hình ảnh các vị nữ thần đã hiện lên song hành cùng với các vị nam thần, thậm chí còn được coi như ngọn nguồn năng lượng của vạn vật trong đó có các nam thần (phần nữ tính trong thần Siva). Họ là biểu tượng của nữ tính (Sarasvati, Lakshmi), biểu tượng cho sự tái sinh (Pravati). Nữ thần Parvati mang năng lượng nữ (shakti), được xem là hiện thân hoàn chỉnh của Adi Parashakti - nữ thần sáng thế tối cao. Bà là một trong những vị thần mang đến năng lượng sống cho tất cả các sinh vật. Thân thể bà chính là năng lượng nữ; chính xác là, bà hiện diện trong mọi cơ thể sống dưới dạng năng lượng. Trong 108 cái tên, Paravati được nhắc đến là một Ambika (người mẹ trìu mến); Kumari (trinh trắng), Mataji (người mẹ đáng kính)… nhưng cũng có lúc đáng sợ như nữ thần Kali. Kali đen đúa với đôi mắt thứ ba trên trán và chuỗi đầu lâu đeo cổ tượng trưng cho sự hủy diệt nhưng là hủy diệt để hoàn thành cho một chu trình vận động phát triển. Hủy diệt để sáng tạo ra cái mới. Xét đến cùng là ý nghĩa hủy diệt để tái sinh. Kali sẵn sàng uống máu độc của ác quỷ để sự ác không tiếp tục nảy sinh một cách vô tận. Nữ thần cho thấy lòng quả cảm trong việc diệt trừ mầm mống của mê mờ, kể cả bằng cách tự tiêu diệt chính mình (Kali trong hình ảnh tự cắt đầu mình đặt trên mâm).
Trong thần thoại Trung Quốc, có một vị nữ thần được sùng bái từ lâu đời, được coi là vị thần thủy tổ của loài người đã sáng tạo ra thế giới, vạn vật là Nữ Oa. Nữ Oa tạo những tượng đất sét, thổi dương khí vào, những bức tượng đó trở thành đàn ông; thổi âm khí vào, những bức tượng trông yếu mềm hơn, thành đàn bà. Nữ Oa còn ban cho hai giới tính đó bộ
sinh thực khí để sinh sản. Vì lẽ đó, bà được coi là thủy tổ của loài người đồng thời như một Mai Thần (người giúp nam nữ tìm đối tượng để kết duyên). Cũng chính Nữ Oa đã là người không quản ngại gian khổ đội đá vá trời để cứu lấy sự sống của loài người - những đứa con do chính bà tạo ra, giúp sự sống trên trần thế được hồi sinh. Về sau, bà trở thành nữ thần hộ mệnh trong hôn nhân.
Cổ mẫu Mẹ từ khi xuất hiện đã mang tình yêu thương và phẩm tính sinh - dưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời, ngược lại, cũng chính vì thế mà dễ dẫn đến “
nguy cơ bị o ép bới môi trường chặt hẹp, bị ngạt thở do sự kéo dài quá mức chức năng người nuôi dưỡng và dẫn dắt” [2, tr.586]. Theo quan niệm của C.Jung, người mẹ là dạng thức đầu tiên của
anima mà mỗi con người sở nghiệm, tức là cái vô thức. “
Cái vô thức này có hai mặt, một mặt xây dựng, một mặt phá hoại (….). Vì bản chất của vô thức là phi cá nhân và lại có tính gốc nguồn, nên vô thức có ưu thế tương đối, nó có thể quay lại đối đầu và tiêu diệt cái ý thức đã phát sinh ra từ nó; khi ấy, vô thức đóng vai trò người mẹ ăn thịt con, thờ ơ với những cá thể và bị cuốn hút hoàn toàn vào chu trình mù quáng của vũ trụ” [2, tr.588]. Cũng từ trong những trang thần thoại đầu tiên, người được coi là Đấng sáng thế vĩ đại đó đồng thời là người phụ nữ - nguyên nhân của tội lỗi trên thế gian trong đó có tội lỗi của người đàn ông. Nàng Pandora, người phụ nữ đầu tiên trong thần thoại Hy Lạp bị coi là nguồn gốc của mọi tai ương trên đời vì bản tính tò mò, đã mở chiếc bình đậy kín chứa đựng tất cả những tai họa và điều xấu xa khiến cho nó bay ra, lan tràn trên mặt đất. Điều này cũng giống như câu chuyện về Adam và Eva với quả táo nhận thức và “tội lỗi đầu tiên”. Vì xúi giục Adam ăn trái cấm mà Eva và mọi phụ nữ sau này bị coi là những người mang tội lỗi đầu tiên, chịu trách nhiệm về sự sa ngã. Cuộc chiến thành Troy đẫm máu, nguyên nhân cũng bởi sự cạnh tranh sắc đẹp của ba vị nữ thần, của ba người phụ nữ… Như vậy là bên cạnh những yếu tố tích cực, những người phụ nữ đầu tiên của nhân loại cũng bị gán ghép là nguyên nhân khơi dậy ở con người dục vọng xấu xa, là ngọn nguồn của mọi tai họa, mọi nỗi bất hạnh trong đời sống. “
Người đàn bà định mệnh, quyến rũ, ma thuật và cưỡi ngựa hùng tráng, là kẻ gây ra nạn hồng thủy và cái chết, gây ra sự điên cuồng của nhân vật, sự nữ tính hóa” (Gilbert Durant, dẫn theo [8, tr.207]) Từ trong huyền thoại cổ đại, cổ mẫu Mẹ đã mang trong mình những đặc tính sinh, dưỡng đồng thời cũng là mầm mống tiềm tàng của sự hủy diệt, nhưng là hủy diệt để được tái sinh mới - giống như cuộc chiến thành Troy nhằm giảm bớt gánh nặng loài người cho Bà Mẹ trái đất để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn; như “tội lỗi đầu tiên” mà Eva mắc phải khiến Adam và Eva phải rời khỏi vườn địa đàng nhưng đã mang đến cho họ một thứ khác giá trị hơn là nhận thức; như nàng Pandora vẫn kịp giữ lại cho loài người hạt giống Hi vọng; như Mẹ Kali hủy diệt để cái ác không bị tái sinh vô tận…
Cổ mẫu Mẹ với những đặc trưng như vậy đã trở thành một biểu tượng không gì thay thế được, như một hằng số chứa đựng những giá trị bất biến, vĩnh cửu sẽ còn xuất hiện nhiều lần cùng với sự phát triển của lịch sử văn hóa nói chung, văn học nói riêng. Nói như E.M. Melentinsky thì nó là một trong những nguyên mẫu cổ xưa vẫn được tiếp tục hiển thị ngay cả trong những cốt truyện mới.
Ếch của nhà văn Mạc Ngôn là một trong những trường hợp đó.
2.2. Cổ mẫu Mẹ trong tiểu thuyết Ếch - truyền thống và phái sinh2.2.1. Truyền thống….Lấy tên tác phẩm là
Oa (蛙- Ếch), trong từ “thanh oa” (青蛙 - con ếch) vốn đồng âm với “oa” (娃) trong “oa oa” ( 娃娃- em bé) và “oa” ( 娲) trong Nữ Oa (女娲), Mạc Ngôn, với nhiều dụng ý thâm trầm cũng đồng thời thừa nhận sự xuất hiện của cổ mẫu Mẹ - “
Nữ Oa tạo ra con người” [7, tr.510]. Nhân vật trung tâm của Ếch là Vạn Tâm, cô của Khoa Đẩu - người kể chuyện trong tác phẩm. Là nhân vật nữ duy nhất của tác phẩm không xuất hiện với vai trò người mẹ nhưng những đặc tính của cổ mẫu Mẹ ở nhân vật này lại đậm nét hơn bất cứ nhân vật nữ - người mẹ nào trong tác phẩm ở cả hai phẩm tính đối nghịch nhau: sinh - dưỡng và hủy diệt. Hai phẩm tính này gắn với sự vận động của tâm hồn và sự thay đổi vai trò của bà do tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn ba mươi năm trên đất nước Trung Quốc.
Tuy không “mang nặng đẻ đau” nhưng Vạn Tâm là mẹ đỡ cho hàng nghìn đứa trẻ vùng Đông Bắc Cao Mật trong đó chỉ có sáu đứa chết: năm đứa chết từ trong bụng mẹ, một đứa chết vì bệnh. Đó quả thực là một kỳ tích. Ở người phụ nữ chưa từng sinh nở Vạn Tâm, tất cả phẩm tính sinh - dưỡng của cổ mẫu Mẹ được thể hiện trên đôi bàn tay. Đôi bàn tay “
mang giữ sự sống” “
xuân hạ thu đông đều mềm, đều mát”, nhưng là “
trong gấm có ẩn kim, trong nhu có cương”, “l
à trong ấm ngoài mát, giống như lụa quý, cái mát của loại lụa bảo vệ cho trân châu bảo ngọc” [7, tr.33]. Người phụ nữ bao bọc đứa con trong tử cung còn Vạn Tâm bao bọc hàng nghìn, hàng vạn đứa trẻ như những viên chân trâu bảo ngọc trong đôi bàn tay mềm, mát như lụa của mình. Hình ảnh ấy phảng phất dáng dấp của vị thần Nữ Oa xưa không quản vất vả dùng đôi tay mà tạo sinh ra loài người. Trong tác phẩm, nhiều lần nhân vật được nhắc đến như một vị Bồ Tát sống có khả năng truyền sức mạnh cho sản phụ. Sự giống nhau đến bảy, tám phần giữa vị Nương Nương, vị nữ thần phù hộ cho sự sinh đẻ hàng ngày vẫn được những người phụ nữ mang những con búp bê bằng đất sét đến thành khẩn xin ban cho lộc con cái được thờ trong miếu của người dân Đông Bắc Cao Mật, với Vạn Tâm đã một lần nữa khẳng định thiên chức sinh - dưỡng thiêng liêng của người phụ nữ này. Người phụ nữ chưa từng một lần làm mẹ trở thành biểu hiện cao cả nhất của tính Mẫu. Với sự lựa chọn mang đầy dụng ý đó, Mạc Ngôn dành cho nhân vật của mình lời ngợi ca, sự đồng cảm, lời thanh minh chân thành. Đó chính cũng là niềm tin của ông về những phẩm tính tốt đẹp thiêng liêng của người phụ nữ trên trái đất. Dù thế nào đi nữa, họ được sinh ra để làm Mẹ, để ban phát sự sống và tình yêu thương cho nhân loại.
Mẫu tính ở Vạn Tâm được hiện thực hóa trực tiếp ở hệ thống các nhân vật nữ trong tác phẩm. Thời kỳ thực hiện chính sách sinh đẻ có có kế hoạch của chính phủ Trung Quốc thập niên 60 của thế kỷ XX, người phụ nữ có thể vì quan niệm truyền thống với áp lực con trai nối dõi tông đường, vì tiền, vì tính yêu với trẻ nhỏ,… mà có con. Nhưng ngay khi đứa trẻ đến với họ, tình mẫu tử thiêng liêng đã vượt lên trên tất cả. Họ có thể hi sinh mọi thứ để bao bọc cho sinh linh bé nhỏ của mình. Vương Mỹ Nhân vì bảo vệ con mà sẵn sàng quyên sinh,trốn chui trốn lủi trong hầm tối. Vương Đảm người nhỏ bé như một đứa trẻ có thể thúc mình đẻ non để con được sinh ra, trở thành “
một sinh mệnh, là công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ được pháp luật ủng hộ” [7, tr.287]; Trần My vì tiền cho cha chữa bệnh mà đồng ý mang thai hộ nhưng khi đứa bé bắt đầu thành hình thì nó đã trở thành một phần máu thịt của cô. Đứa trẻ được mang đi, cô rơi vào nỗi đau khổ cùng cực, lang thang khắp nơi như một kẻ nửa điên nửa tỉnh, mong có thể cho con trai bú dòng sữa mát lành. “Tiểu sư tử” vì khát khao có một đứa con mà có những biểu hiện như một bà mẹ mang thai thực sự. Thậm chí, bản năng làm mẹ còn mãnh liệt đến mức cả Khoa Đẩu và Tiểu sư tử đều tin rằng, khi đứa trẻ được mang thai hộ sinh ra, bầu vú chưa qua một lần sinh nở của cô cũng có thể vì tình yêu thương mà tiết ra sữa.
Bộ ngực - vú trong cái nhìn của biểu tượng học là trung tâm của tái sinh. Nó là một thứ “
nữ quyền luận” về sự sống bất diệt, “
là phần quan trọng bậc nhất của bản nguyên nữ” Còn sữa, trong ánh sáng của mẫu gốc - nghi lễ thụ pháp là “
biểu tượng của sự bất tử” (dòng sữa của nữ thần Hera) (Chevalier). Dòng sữa bắt nguồn từ đặc tính sinh, được sinh ra để dưỡng và rồi tái sinh cho sự sống. Không phải là hình tượng trung tâm thể hiện Mẫu tính như trong
Báu vật của đời, hình ảnh bầu vú, sữa xuất hiện không nhiều trong
Ếch nhưng truyền tải thông điệp ý nghĩa, gắn với hai nhân vật nữ tưởng đối lập mà lại tương đồng: một người không có khả năng “sinh” (con) nhưng lại có thể cấu thành yếu tố để dưỡng; một người “sinh” nhưng lại không có cơ hội để dưỡng. Họ gặp nhau ở dòng sữa ngọt ngào, tràn trề hướng về đứa trẻ mà họ cùng thương yêu. Trong tác phẩm, Khoa Đẩu có kể một vở kịch về một gia đình gặp nạn, cô chị gái mười tám tuổi đang còn là trinh nữ trong lúc cùng quẫn đã nhét bầu vú của mình cho đứa em trai đang thời kỳ bú sữa, cuối cùng sữa cũng đã chảy ra. Viết về điều kỳ diệu ấy, Mạc Ngôn đã tiếp tục dòng chảy của vô thức nhân loại để tụng ca dòng sữa như là một phần tiêu biểu của Mẫu tính, dòng chảy vĩnh hằng từ bình minh lịch sử, tiềm ẩn trong mọi người phụ nữ mang lại cho họ nghị lực sống (Trần My) và sự tái sinh (Tiểu sư tử)
2.2.2.… Và phái sinh“
Ở văn chương hậu hiện đại, cổ mẫu vẫn được tái hiện nhưng đa phần với tư cách là xóa bỏ nội hàm của chúng để xây dựng một kiểu cổ mẫu mới” [1, tr.88]. Cổ mẫu Mẹ trong tiểu thuyết
Êch của Mạc Ngôn, tuy nét phẩm tính sinh - dưỡng vẫn được lưu giữ nhưng những biểu hiện của nó đã có ít nhiều biến đổi, gắn liền với một xã hội hiện đại đầy rẫy sự hư vô và phi lý còn con người thì ngày càng trở nên nhỏ bé, hoang mang, bất lực.
Cùng với bầu vú - sữa, cổ mẫu Mẹ đi liền với tử cung, là nơi mang giữ sự sống. “
Ý nghĩa tượng trưng của tử cung gắn liền một cách hết sức phổ biến với sự hiển lộ, sức sinh sản, thậm chí với cả sự tái sinh tinh thần” [2, tr.96]. Thế nhưng trong
Ếch, tử cung không còn là nơi có thể mang giữ sự sống. Tử cung trở thành “tội đồ” vì chứa trong nó những đứa trẻ không được phép sinh ra. Tử cung trở thành mảnh đất chết vì mang nặng trong mình định kiến giới tính. Tử cung rách nát sau những vết dao mổ. Và tử cung trống rỗng vì mầm sống, sự tái sinh trong nó đã bị những cánh tay lạnh lùng tóm chặt lôi tuột ra ngoài. …. Hai nghìn tám trăm đứa trẻ đã bị ép đưa ra khỏi tử cung của mẹ chúng, đứa lớn nhất tuổi thai đã sáu, bảy tháng. Đó mới là con số của riêng Vạn Tâm trên mảnh đất Cao Mật. Số liệu sẽ là bao nhiêu trên toàn đất nước Trung Quốc rộng lớn? Trong xã hội nhiều bất trắc, và phi lý này, liệu con người có thể tìm đâu một nơi trú ẩn an toàn? Vấn đề về “thân phận con người” chưa bao giờ cũ ấy phải chăng chính là những điều mà Mạc Ngôn luôn luôn trăn trở?
Như Nữ thần Parvati có lúc được hóa thân thành vị nữa thần Kali đen đúa và tàn ác, cổ mẫu Mẹ trong huyền thoại cổ đại bên cạnh đặc tính sinh dưỡng còn mang tính hủy diệt nhưng là sự hủy diệt để hoàn thành quá trình vận động như một chuỗi các mắt xích của sáng tạo, duy trì, hủy diệt để rồi lại sáng tạo mới.
Ếch của Mạc Ngôn không hoàn toàn như vậy. Bác sĩ Vạn Tâm từng là vị Bồ Tát sống nhưng cũng đồng thời là kẻ tội đồ đối với người dân Cao Mật, bị lưu đày trong nỗi ám ảnh quá khứ hãi hùng. Đôi bày tay bà đỡ đẻ cho hầu khắp phụ nữ Cao Mật nhưng cũng chính chúng đã lấy đi mạng sống của hai nghìn tám trăm sinh linh bé nhỏ. Đôi bàn tay tạo sinh trở thành đôi bàn tay hủy diệt. Hai nghìn tám trăm sinh mệnh dù sau này có được hiện hình ở những con búp bê, trong một niềm tin mang màu sắc huyền thoại rằng sẽ đầu thai vào kiếp khác vẫn mãi mãi là hai nghìn tám trăm sinh mệnh đã - từng – chưa – bao - giờ được sinh ra. Mẫu tính không còn chỗ khi đôi bàn tay Bồ Tát đã biến thành đôi bàn tay hành pháp, đôi bàn tay “
dính đầy máu tươi” của một thời kỳ lịch sử “
chỉ thừa nhận kết quả mà bỏ qua thủ đoạn”. [7, tr.242]. Bằng chính sách sinh đẻ có kế hoạch, chính phủ Trung Quốc mong muốn kiểm soát dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chấp nhận “
hi sinh một thứ nhân đạo nhỏ nhoi để đạt được một sự nhân đạo vĩ đại” [7, tr.227] nhưng những chấn thương tâm lý và thể xác của con người trong thời kỳ ấy sẽ không bao giờ có thể xóa nhòa.
Không chỉ mang mặt trái hủy diệt như trong huyền thoại cổ đại nhưng theo nghĩa không tái sinh, cổ mẫu Mẹ trong Ếch còn đứng trước nguy cơ tự diệt. Công ty nuôi ếch của Viên Tai thực chất là trung tâm đẻ thay, bên ngoài thì nuôi ếch nhưng bên trong thì nuôi những người phụ nữ đẻ thuê. Khi đứa trẻ được sinh ra trong vai trò của một mặt hàng mua bán, những người phụ nữ mẹ chúng cũng đã đồng thời bán đi vai trò làm mẹ, đánh mất đi tính Mẫu vĩ đại mà nhân loại đã trao cho mình. Khả năng sinh sản của người phụ nữ vốn luôn được gắn với biểu tượng phồn thực kiểu “phong nhũ phì đồn” như trong
Báu vật của đời Mạc Ngôn đã từng ngợi ca. Vậy mà trong
Ếch, Vạn Tâm và Tiểu sư tử, hai người phụ nữ được miêu tả với dáng vẻ phồn thực nhất, tưởng chừng phải “sinh năm đẻ bảy”, “con đàn cháu đống” lại là những người hoặc không có cơ hội hoặc không có khả năng sinh sản. “
Nỗi đau lớn nhất của người đàn bà là không thể có con. Một người đàn bà mà không có con thì chưa xứng đáng được xem là đàn bà đúng nghĩa (…) Không có con, đàn bà sẽ trở nên sắt đá. Đàn bà không sinh con thì sẽ già trước tuổi” [7, tr.289]. Với quan niệm phổ biến ấy, chẳng phải họ đang bước vào con đường tự tiêu diệt Mẫu tính của mình hay sao? Lưu giữ những phẩm tính của cổ mẫu Mẹ từ truyền thống đồng thời đặt nó trước nguy cơ hủy diệt và tự diệt, Mạc Ngôn đã tạo ra những lớp ý nghĩa mới cho một siêu kí hiệu cổ điển trong tâm thức nhân loại.
3. Kết luậnKhi bàn về huyền thoại văn chương trong văn học viết hiện đại, Đặng Anh Đào đã tổng kết: “
Ở mức độ phổ quát nhất, sự trở về với huyền thoại thường bột phát khi có hiện tượng tỉnh thức trước một số vấn đề mới của hiện sinh. Vì sao bối cảnh ấy lại kích thích nhà văn tìm một cách xử lý nghệ thuật theo đường vòng - theo phương thức huyền thoại? (…) có thể quy tụ vào một nguyên nhân phổ biến: Do những vấn đề bức xúc gặp phải những lực cản, nhà văn phải tìm tới thế giới của ám dụ, tượng trưng, mẫu gốc… vốn đã cắm rễ sâu trong ký ức cộng đồng” [3]. Trở về với cổ mẫu Mẹ là trở về với “
tất cả những gì làm nên cõi ẩn náu vĩ đại của loài người” để tìm thấy sự bình yên của thân xác và tâm hồn, tuy rằng trong xã hội hiện đại đầy hư vô, điều ấy cũng thật mong manh. Từ lý thuyết liên ký hiệu, cổ mẫu Mẹ trong tiểu thuyết
Ếch thông qua hình tượng bác sĩ Vạn Tâm và nhiều nhân vật phụ nữ khác đã cho thấy sự bảo lưu cổ mẫu này trong tâm thức nhân loại cũng như khả năng tạo sinh ra nghĩa mới của nó từ ảnh hưởng của quan niệm cá nhân và bối cảnh thời đại. Sử dụng nguyên mẫu cổ xưa để nói về một chủ đề vốn được coi là hiếm hoi và nhạy cảm trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, Mạc Ngôn đã chứng tỏ được bản lĩnh của một nhà văn lớn….
……………
Tài liệu tham khảo