Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

CHUẨN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN THPT Ở ĐÀI LOAN

PGS.TS. Bùi Minh Đức, Nguyễn Thị Ngọc Bé, TS. Nguyễn Ngọc Tú


Xây dựng cơ chế đào tạo nguồn GV lấy tiêu chuẩn ngành giáo dục làm chuẩn đã trở thành xu thế trên thế giới. Nhiều quốc gia và khu vực phát triển đã thông qua việc xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn nghề dạy học, hi vọng nâng cao nghề nghiệp nhà giáo và chất lượng giáo dục. Năm 2007 giáo sư Wu Jing Ji, Huang Nai Ying của hội học thuật giáo dục sư phạm Đài Loan – Trường Đại học Sư phạm Đài Loan chủ trì nghiên cứu tiêu chuẩn nghề dạy học. Sau hai năm nghiên cứu, chuẩn đã được thừa nhận và ban bố chính thức, trở thành văn kiện có tính chất chỉ đạo cho công tác đào tạo GV Đài Loan (Chen Guang Hui, 2009). Đến năm 2016, Bộ Giáo dục Đài Loan đã công bố chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề nghiệp GV (bản 2016). Đây là công bố lần thứ hai sau bản 2007 về tiêu chuẩn nghề dạy học. Bộ Giáo dục Đài Loan hi vọng thông qua chế định về tiêu chuẩn để lập kế hoạch xây dựng kết cấu chương trình đào tạo GV, đánh giá thực tập của sinh viên sư phạm, tuyển dụng GV và đánh giá phát triển nghề nghiệp... nhằm nâng cao trình độ của GV.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành phân tích, bình luận khái quát đối với khung tiêu chuẩn và những nội dung cơ bản về tiêu chuẩn nghề nghiệp GV trung học Quốc Dân Đài Loan, hi vọng cung cấp được một số gợi ý có lợi cho việc nghiên cứu sáng tạo và thực thi tiêu chuẩn GV ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

1.Khung năng lực và nội dung cơ bản của chuẩn nghề nghiệp GV trung học Quốc Dân Đài Loan, bản năm 2007

Tiêu chuẩn nghề dạy học là một bộ nguyên tắc nghề nghiệp mà GV phải tuân thủ, nó có nhiều chức năng như đánh giá tố chất cơ bản của GV và hướng dẫn sự phát triển chuyên nghiệp dành cho GV... “Tiêu chuẩn nghề GV trung học quốc dân” bao gồm 5 hướng của tiêu chuẩn nghề nghiệp với 35 tiêu chí (Chen Guang Hui, 2009; Huang Nai Ying, 2003; Pan Hui Ling và cộng sự, 2004; Zhang De Rui, 2005), cụ thể là:
(1) Sự tu dưỡng cơ bản nghề GV. Ba cụm từ chính về tiêu chuẩn của phương diện này là “tu dưỡng cơ bản”, “giáo dục công bằng”, “mô hình tư duy”. Phương diện này yêu cầu GV nắm vững các kiến thức về nghề dạy học và có sự tu dưỡng nghề nghiệp để phát huy sức mạnh tác động của nghề. Đây là một trong các khía cạnh cơ bản thể hiện tố chất, phẩm chất nghề nghiệp của người GV.
(2) Thái độ và tinh thần tôn trọng nghề nghiệp. Phương diện này có 5 tiêu chuẩn, chia thành hai mặt: tinh thần tôn trọng nghề nghiệp và thái độ tôn trọng nghề nghiệp, yêu cầu GV phải tuân thủ các quy tắc luân lý của ngành Giáo dục, tự nguyện dùng tất cả khả năng thể chất, trí tuệ và thời gian vì sự học tập và trưởng thành của HS, đồng thời thực hiện sự phối hợp với các lực lượng giáo dục có liên quan bằng thái độ khách quan, vui vẻ, tích cực để tìm ra niềm vui lớn nhất cho HS trong học tập.
(3) Dạy học và thiết kế chương trình dạy học. Phương diện này có 4 mặt gồm 12 tiêu chuẩn, lần lượt là thiết kế chương trình dạy học, thực hiện dạy học, đánh giá về dạy học và kiến thức môn học, mỗi phương diện gồm 3 mục. “Thiết kế chương trình và dạy học” là hạt nhân của công tác dạy học. Năng lực dạy học là năng lực hạt nhân của mỗi người GV. Phương diện này làm nổi bật kiến thức nền cơ bản, yêu cầu người GV lấy lý luận chuyên ngành cơ bản để tiến hành thiết kế chương trình dạy học, thực hiện giờ dạy, kiến thức môn học và đánh giá dạy học, lấy việc giúp HS đạt được thành tựu trong việc học làm giá trị theo đuổi lớn nhất. Tiêu chí thứ 20 “Hướng dẫn HS tiến hành tự đánh giá” cũng là yêu cầu mang tính đặc thù của tiêu chuẩn này.
(4) Tổ chức lớp và tư vấn tâm lý. Phương diện này có hai mặt gồm 10 tiêu chuẩn. Mặt “Tổ chức lớp” gồm 4 tiêu chuẩn đầu, đề xuất 4 yêu cầu đối với việc quản lý lớp. Trên cơ sở thiết lập yêu cầu quản lý lớp truyền thống như những quy định thường dùng trong lớp học, xử lý sự việc xảy ra ngẫu nhiên, tiến hành kết nối phụ huynh và GV, v.v…, nhấn mạnh rõ “tạo dựng không khí lớp học và môi trường học tập nghiêm túc”, thể hiện sự quan tâm đến giá trị giáo dục con người về bài học ngầm “môi trường” nhà trường. Tiêu chuẩn từ 25 đến 30 là tiêu chuẩn về “kỹ năng tư vấn tâm lý”. Yêu cầu GV trung học nắm rõ kiến thức cơ bản và nguyên lý cơ bản về việc tư vấn tâm lý, hiểu được tình hình phát triển tâm sinh lý cơ bản của HS, chuẩn bị sẵn kiến thức cơ bản và năng lực để giáo dục đặc biệt. Có sự giúp đỡ và ủng hộ đối với những HS có vấn đề. “Tìm hiểu văn hóa thanh thiếu niên cùng trang lứa”, “Giúp đỡ HS thực hiện kế hoạch cuộc đời” là hai yêu cầu đặc thù trong tiêu chuẩn nghề GV cấp trung học quốc dân.
(5) Nghiên cứu phát triển và bồi dưỡng. Phương diện “Nghiên cứu phát triển và bồi dưỡng” chia thành hai mặt “bồi dưỡng trưởng thành” và “nghiên cứu sáng tạo cái mới” tổng cộng gồm 5 tiêu chuẩn. Ba tiêu chuẩn đầu yêu cầu GV thông qua tự mình suy nghĩ, tham gia nghiên cứu bồi dưỡng chuyên môn và kế hoạch cuộc đời về nghề nghiệp của mình, dốc sức cho sự trưởng thành của bản thân trong chuyên môn và học tập suốt đời. Mặt “Nghiên cứu sáng tạo cái mới” yêu cầu GV thông qua việc lấy thành quả bồi dưỡng và nghiên cứu vận dụng vào công tác dạy học, sử dụng nguồn tài nguyên trong và ngoài nhà trường một cách có hiệu quả, thúc đẩy sự sáng tạo cái mới trong giáo dục, duy trì động lực làm việc giáo dục, từ đó thích ứng với môi trường giáo dục không ngừng phát triển phức tạp.

Tóm lại, chúng ta có thể nhận thấy “Tiêu chuẩn nghề GV trung học Quốc Dân Đài Loan” có những đặc điểm chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, kế thừa giáo dục truyền thống về tiêu chuẩn đạo đức “tu dưỡng nhân cách”, coi trọng tố chất nghề dạy học, tinh thần, thái độ tôn trọng nghề nghiệp .
Thứ hai, tiêu chuẩn quy định về yêu cầu kiến thức chuyên môn và kỹ năng chuyên môn mà người GV trung học phải có, bao gồm các kiến thức và kỹ năng về các phương diện như: người HS, môn học, môi trường giảng dạy, tổ chức dạy học, quản lý lớp học,…
Thứ ba, nhấn mạnh sự quá trình “suy nghĩ”, tự phân tích, đánh giá một cách có hiệu quả chiến lược hành động và hành vi dạy của GV với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động dạy học.
Thứ tư, coi trọng hợp tác. Nền giáo dục thành công là kết quả chung từ nhiều phương diện, trong đó có sự hợp tác giữa các GV. Sự hợp tác không chỉ giúp các GV hỗ trợ lẫn nhau, từ đó giúp mỗi GV tăng nhanh sự trưởng thành về chuyên môn mà quan trọng hơn có thể tận dụng sự khác nhau về nguồn tài nguyên tập thể để bổ trợ ưu thế cho nhau, tối ưu hóa môi trường và tài nguyên giáo dục.
Thứ năm, xem trọng việc xây dựng cuộc đời sự nghiệp GV. Giá trị quan nghề nghiệp, thái độ, kiến thức, kỹ năng, … của GV là điều trưởng thành theo sự phát triển không ngừng của GV, vì vậy sự phát triển nghề nghiệp của GV là một quá trình cần được bồi đắp liên tục.

2.  Bản “Chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề nghiệp GV” năm 2016 của Đài Loan

Từ năm 1994, sau khi Đài Loan ban hành phương pháp đào tạo GV, đào tạo GV đi từ đơn nguyên thành đa nguyên, từ chế định công phí thành tự phí, đi từ phân luồng đào tạo thành đào tạo tổng hợp,… đã dẫn đến chất lượng GV khác nhau và không đồng nhất. Mặt khác, tỷ lệ dân số giảm xuống dẫn đến thiếu số lượng GV. Có thể lấy mạng lưới dạy học 1111 Đài Loan làm minh chứng cụ thể. Năm 2015, Đài Loan tuyển dụng 1019 GV trung học phổ thông với 44119 GV tham gia thi tuyển, tỷ lệ trúng tuyển là 2,31%, trong đó tỷ lệ trúng tuyển của GV Trung học cơ sở, GV tiểu học và GV mầm non lần lượt là 3,13%; 3,58%; 3,88%. Căn cứ vào đó, Bộ giáo dục Đài Loan đã tích cực triển khai chiến lược cải cách đào tạo bồi dưỡng GV với mục tiêu đầy đủ là: “xây dựng năng lực GV có chất lượng tốt”, “đảm bảo chất lượng và loại bỏ sự yếu kém” (Xu Xian Bin, 2016).

Trong thời gian dài, phát triển nghề nghiệp GV THPT, GV THCS và GV tiểu học luôn tự phát, không tập trung vào đánh giá và sát hạch GV. Năm 2006, Bộ giáo dục Đài loan triển khai thử nghiệm đối với GV tiểu học, GV THCS và GV THPT về thực hiện quy định đánh giá phát triển nghề dạy học. Đến cuối năm 2015, đã có 3903 trường học tham gia thí điểm chương trình này, chiếm tỷ lệ 37,7% trong tổng số trường học (bao gồm cả trường mầm non). Tuy nhiên, chương trình này đã dẫn đến phụ huynh HS đặt ra hai vấn đề: một là bản thân người đánh giá phát triển nghề dạy học thuộc thành phần GV nên kết quả đánh giá thiếu sự khách quan và độ tin cậy; hai là kết quả đánh giá không liên quan đến việc sát hạch GV. Từ đó phụ huynh đưa ra yêu cầu : “chúng tôi cần GV tốt”, “bản thân đứa trẻ tự cứu mình”, điều này đã khiến Bộ Giáo dục phải yêu cầu chính phủ đưa đánh giá GV vào Luật Giáo dục.

Về phương diện kết cấu, bản “Chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề GV” năm 2016 là bản đầy đủ và thông dụng nhất, tổng cộng 10 tiêu chuẩn và 29 tiêu chí. Bản này đã thể hiện được yêu cầu chung về phát triển nghề GV tiểu học và trung học. Về phương diện nội dung, bản năm 2016 đã nhấn mạnh và làm nổi bật chỉ tiêu năng lực GV, về phương diện đạo đức nghề GV, nội dung đề cập ngắn gọn và nhấn mạnh tính thao tác của GV.

* Xây dựng ý tưởng

Quy định về tiêu chuẩn nghề dạy học đã đề ra một cách cụ thể và đầy đủ về “hình tượng người GV tốt”. “Hình tượng người GV tốt” là lấy “đạo đức người GV, trách nhiệm, khéo léo, bền vững” làm giá trị trung tâm, xây dựng được hình tượng người GV “yêu nghề, chuyên nghiệp, chấp hành”.
“Yêu nghề” gồm có ba tố chất trung tâm là: “quan tâm”, “hiểu biết sâu sắc” và “nhiệt tình”. “Quan tâm” HS là khởi đầu của sự yêu nghề; “hiểu biết sâu sắc” là nắm bắt sự phát triển của HS cũng như sự thay đổi của xã hội; và “nhiệt tình” là để tiếp tục với chí hướng nghề nghiệp giáo dục.

“Chuyên nghiệp” gồm có ba tố chất trung tâm là: tư duy phê phán, quan điểm quốc tế và năng lực giải quyết vấn đề. “Chuyên nghiệp” lấy tư duy phê phán làm trục chính, dẫn dắt gợi mở tư duy phê phán ở HS. “Quan điểm quốc tế” giúp GV nắm bắt sự phát triển toàn cầu còn “năng lực giải quyết vấn đề” phân tích những thách thức mà giáo dục phải đối mặt, thể hiện được yêu cầu nghề nghiệp trong thời kỳ mới, trở thành GV có tính chuyên nghiệp.

“Năng lực chấp hành” bao gồm ba tố chất trung tâm là: năng lực hợp tác, trí tuệ thực tiễn và năng lực sáng tạo cái mới. Người GV có năng lực giỏi trong tương lai không đơn thuần là người dạy học mà còn phải có năng lực hợp tác, những GV cùng chuyên ngành và khác chuyên ngành cùng nhau trao đổi và thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, để trí tuệ thực tiễn thực hiện cải cách và đổi mới thực tế giáo dục, năng lực sáng tạo cái mới chuyển hóa tư duy sáng tạo làm nên bộ mặt giáo dục mới và trở thành năng lực chấp hành của người GV giỏi. Vì vậy, người GV giỏi gồm có 9 tố chất trung tâm là: quan tâm, hiểu biết sâu sắc, nhiệt tình, tư duy phê phán, quan điểm quốc tế, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, trí tuệ thực tiễn, năng lực sáng tạo cái mới. Do chữ cái đầu tiên trong tiếng anh về hình tượng người GV đều là “C”, “P”, “I” cho nên gọi tắt là “ICP”.

* Hệ thống cấu trúc

Căn cứ vào hình tượng người GV “ICP”, Bộ giáo dục Đài Loan đã ủy quyền cho giáo sư Zhen Xiao Lan ở trường Đại học Sư phạm Đài Loan và giáo sư Yang Si Wei, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Đài Trung xây dựng tiêu chuẩn nghề GV bản năm 2016, trong đó xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp lấy 9 tố chất trung tâm của người GV đưa vào trong 10 nhóm: giáo dục nghề nghiệp, dạy học khoa học, thiết kế dạy học, thực thi dạy học, đánh giá học tập, quản lý lớp học, hướng dẫn và phụ đạo HS, phát triển nghề nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp, lãnh đạo hợp tác (Xu Xian Bin, 2016).
Ở bản “chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề GV” năm 2016 đã giải thích cụ thể đối với từng tiêu chí, ví dụ trong tiêu chí 1-1 “có kiến thức và kỹ năng nghề giáo dục”, tri thức và kỹ năng ở đây chủ yếu là có lý luận giáo dục, lý luận dạy học, giáo dục hành chính và pháp quy... Trong đó, kiến thức lý luận giáo dục là hiểu rõ mục đích và giá trị giáo dục, từ đó đặt nền móng và làm cơ sở về thái độ và niềm tin trong đào tạo GV. Kiến thức lý luận dạy học là tiến hành có hiệu quả nền tảng lý luận dạy học, bao gồm xây dựng và phát triển chương trình dạy học, nguyên lý dạy học, kiểm tra và đánh giá giáo dục, nguyên lý và thực hành tư vấn tâm lý, quản lý lớp học, kết nối tương tác giữa GV – HS. Hành chính giáo dục và pháp quy được thể hiện ở việc giáo dục và trường học thực thi pháp luật hành chính...
Căn cứ vào “chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề GV” năm 2016, về hiệu lực và tác dụng của tiêu chuẩn nghề GV chủ yếu thể hiện trên 5 phương diện: thứ nhất là làm kế hoạch của trường/học viện về đào tạo GV, căn cứ vào đó để xây dựng chương trình đào tạo GV. Thứ hai, dựa vào tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với khâu thực tập của sinh viên sư phạm để tiến hành đánh giá, hướng dẫn và chỉ đạo. Thứ ba là làm tiêu chuẩn để Bộ Giáo dục tuyển dụng GV trung học, tiểu học và xây dựng đội ngũ GV. Thứ tư là đảm nhận tiêu chuẩn GV ở trường học/học viện về đào tạo nghề, xây dựng cơ cấu chương trình và hoạt động đào tạo. Thứ năm là làm hướng dẫn cho GV tự chủ học tập và tự nâng cao năng lực bản thân. Nội dung chi tiết của tiêu chuẩn nghề giáo viên ở Đài Loan năm 2016 được thể hiện cụ thể bảng 1 (Xu Xian Bin, 2016).
Bảng 1: Hệ thống tiêu chuẩn nghề của giáo viên ở Đài Loan năm 2016
 
Tiêu chuẩn nghề nghiệp Biểu hiện cụ thể về tiêu chuẩn nghề nghiệp
1. Có kiến thức về nghề giáo dục và nắm bắt các vấn đề giáo dục quan trọng 1-1 Có kiến thức và kỹ năng về nghề giáo dục.
1-2 Hiểu được đặc điểm về thể chất và tâm lý, học tập của HS.
1-3 Hiểu mục tiêu từng giai đoạn của giáo dục và khuynh hướng phát triển giáo dục, nắm vững các vấn đề giáo dục quan trọng.
2. Có kiến thức về ngành học và kỹ năng dạy học tương quan 2-1 Có kiến thức chuyên môn về ngành học/lĩnh vực dạy học.
2-2 Có kỹ năng chuyên môn về ngành học/lĩnh vực dạy học.
3. Có năng lực thiết kế chương trình dạy học 3-1 Dựa vào đề cương chương trình dạy học và đặc điểm của HS vạch ra mục tiêu dạy học, thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
3-2 Căn cứ vào yêu cầu và tiến trình học tập của HS, điều chỉnh mạnh mẽ tài liệu dạy học và kế hoạch học tập.
3-3 Tích hợp khái niệm tri thức và kinh nghiệm cuộc sống, sinh động hóa nội dung dạy học.
4. Sử dụng phổ biến chiến lược dạy học, tiến hành có hiệu quả dạy học 4-1 Kỹ năng vận dụng chiến lược dạy học và kỹ năng giao tiếp, giúp đỡ HS học tập.
4-2 Sử dụng nhiều phương tiện, thông tin khoa học truyền thông và tư liệu hỗ trợ giảng dạy.
4-3 Căn cứ vào biểu hiện của HS, dùng biện pháp uốn nắn, sửa chữa để tăng chiều sâu trong học tập của HS.
5. Sử dụng các phương pháp thích hợp để đánh giá chẩn đoán. (Đánh giá chuyên nghiệp) 5-1 Sử dụng các công cụ đánh giá thích hợp và thông tin đa chiều để chẩn đoán khả năng học tập của HS.
5-2 Sử dụng kết quả đánh giá để cung cấp thông tin phản hồi từ đó đưa ra chiến lược việc học tập phát triển của HS.
5-3 Thích ứng với đặc điểm thể chất, tinh thần và yêu cầu học tập đặc biệt của HS để tiến hành điều chỉnh đánh giá.
6. Phát huy hiểu quả quản lý lớp học, xây dựng môi trường học tập mang tính hỗ trợ, giúp đỡ 6-1 Thiết lập quy tắc trong lớp học, xây dựng bầu không khí lớp học tích cực, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập.
6-2 Sắp xếp bối cảnh học tập có sự giúp đỡ và tác động qua lại giữa giáo viên và học sinh, xây dựng bầu không khí lớp học thân thiện, quan tâm.
6-3 Nắm bắt tình hình học tập trong lớp học, thực hiện giải quyết những sự việc trong lớp học.
7. Nắm bắt sự khác biệt trong lớp học để tiến hành phụ đạo cho HS 7-1 Hiểu được hứng thú và sự khác biệt của HS, từ đó hướng dẫn HS học tập và phát triển phù hợp.
7-2 Hiểu văn hóa của HS, hướng dẫn HS xây dựng xã hội học tập theo hướng tích cực.
7-3 Nắm bắt những yêu cầu khác nhau của HS để đưa ra sự giúp đỡ và phụ đạo cần thiết.
8. Thực hiện trách nhiệm nghề dạy học 8-1 Thể hiện sự nhiệt tình trong dạy học, quan tâm đến sự phát triển và quyền lợi học tập của HS.
8-2 Tuân thủ luân lí nghề dạy học và quy phạm pháp luật tương quan.
8-3 Quan tâm sự phát triển của trường học, tham gia hội nghị và công việc của trường.
9. Tận lực với sự phát triển của nghề dạy học 9-1 Suy nghĩ lại thực tiễn nghề nghiệp, thử tìm kiếm và giải quyết vấn đề.
9-2 Tham dự nghiên cứu giảng dạy/ bồi dưỡng nghiên cứu và học tập.
9-3 Tham gia vào cộng đồng học tập nghề nghiệp, tổ chức phát triển nghề nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp.
10. Thể hiện năng lực lãnh đạo và hợp tác 10-1 Có sự tương tác với đồng nghiệp, cùng nhau phát triển chương trình và phương án dạy học, thể hiện năng lực lãnh đạo và hợp tác.
10-2 Thiếp lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với phụ huynh và địa phương.
10-3 Thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ của trường học, tham gia công việc tổ chức và phát triển trường học, thể hiện năng lực lãnh đạo.

* Phản ứng xã hội

Bản “tiêu chuẩn nghề nghiệp GV” lần này được xây dựng từ lâu nhưng đến năm 2016 mới công bố chính thức. Từ năm 2016 Bộ giáo dục Đài Loan đã bắt đầu thí điểm về quy định đánh giá giáo dục, lập ra tiêu chuẩn nghề GV một cách chỉnh thể. “Tiêu chuẩn nghề nghiệp GV” được công bố lần này đã được nghiên cứu từ năm 2011. Trải qua nhiều nghiên cứu với quy mô lớn và trưng cầu ý kiến của nhân dân, bản sơ thảo năm 2014 được đánh giá tốt và đến tháng 2 năm 2016 chính thức được công bố. Bởi vì thời gian chuẩn bị đầy đủ và thông qua nhiều lần trưng cầu dân ý và sửa đổi cho nên bản “tiêu chuẩn nghề GV” đã nhận được hiệu ứng tích cực. So với bản năm 2007, thì bản năm 2016 do Bộ Giáo dục Đài Loan công bố được đánh giá tích cực và các trường học đã tiến hành thực hiện tiêu chuẩn này.
Đối với bản tiêu chuẩn nghề năm 2016 cũng có một số GV có ý kiến trái chiều. Thứ nhất là trong tiêu chuẩn còn tồn tại nhiều mơ hồ, khái niệm không xác định, ví dụ: Trong “Có kiến thức và kỹ năng nghề giáo dục” thì từ “có” đạt được đến trình độ nào thì mới gọi là có, “kiến thức và kỹ năng nghề giáo dục cụ thể bao gồm những gì? Những điều này cần được bổ sung và giải thích cụ thể. Thứ hai là tiêu chuẩn nghề đã chỉ ra được người GV phải làm như thế nào, nhưng đối với vấn đề học tập của HS trong dạy học thì ít được đề cập, không căn cứ tình trạng và kết quả học tập của HS để chỉ rõ người GV phải làm như thế nào mới được coi là người GV chuyên nghiệp. Thứ ba là trong tiêu chuẩn nghề GV lần này, không ngừng yêu cầu GV có kỹ thuật và năng lực dạy học như thế nào, nhưng lại rất ít đề cập đến thái độ cần có của GV đối với HS. Mặt khác tư tưởng và thái độ nghề nghiệp của GV cũng ít được đề cập.

Trong Bản “Tiêu chuẩn nghề GV” năm 2007, việc phân loại tiêu chuẩn nghề GV ở các cấp học: THPT, THCS, tiểu học, mầm non và giáo dục đặc biệt... thể hiện nội dung tương đối nhiều. Bản “Tiêu chuẩn nghề GV” năm 2016 là bản rất ngắn gọn, không phân loại cụ thể tiêu chuẩn nghề GV ở các cấp học, nhưng căn cứ vào những điểm chung về phát triển nghề GV của cấp tiểu học và trung học đã đưa ra được 10 mục năng lực trung tâm. Nhấn mạnh đến tiêu chuẩn về năng lực trung tâm đối với GV tiểu học và trung học. Trước mắt, việc rèn luyện và tu dưỡng trọng tâm của HS là nghiên cứu lí luận và thực hành khám phá. Để phối hợp với việc rèn luyện, tu dưỡng trọng tâm của HS, GV cũng nên tinh giản tương đối một số mục về tố chất và năng lực trung tâm. Bản “Tiêu chuẩn nghề nghiệp”năm 2016 của Đài Loan đã thể hiện được điều này. Khi sử dụng bản rút gọn Tiêu chuẩn nghề nghiệp năm 2016, cần tổng hợp cụ thể các loại hình trường học, đặc điểm ngành học và các giai đoạn phát triển nghề GV. Dựa vào thông tin từ Internet về trường học ở khu vực Đài Loan, trước khi công bố Bản “Tiêu chuẩn nghề GV”, Bộ Giáo dục đã trưng cầu ý kiến của các GV chuyên ngành khác nhau về hệ thống tiêu chuẩn nghề, tổng hợp các ngành để giải thích rõ biểu hiện về tiêu chuẩn nghề, đồng thời chia biểu hiện tiêu chuẩn nghề nghiệp làm ba mức độ: “cơ bản”, “hoàn thiện”, “xuất sắc".
 
3. Bài học kinh nghiệm cho xây dựng chuẩn nghề nghiệp GV Việt Nam
Tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên phổ thông ở Việt Nam được chia nhỏ ở các cấp: trung học, tiểu học, mầm non. Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS, giáo viên THPT (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT) bao gồm 6 tiêu chuẩn với 25 tiêu chí khá cụ thể và chi tiết đã nhấn mạnh đến phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, quy định về yêu cầu kiến thức và kỹ năng chuyên môn mà người giáo viên trung học phải có như năng lực dạy học, giáo dục và các năng lực hoạt động chính trị xã hội...Tuy nhiên, bản Tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên phổ thông của Việt Nam nên cân nhắc bổ sung, nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau trên cơ sở học tập và vận dụng kinh nghiệm của Đài Loan:

- Cần xây dựng tiêu chuẩn GV dựa trên hình tượng người GV tốt: yêu nghề, chuyên nghiệp và năng lực chấp hành với các tố chất trung tâm như: quan tâm, hiểu biết sâu sắc, nhiệt tình, tư duy phê phán, quan điểm quốc tế, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo cái mới. Từ đó làm cơ sở để đưa ra những tiêu chí cụ thể đối với GV nói chung và GV trung học nói riêng.

- Bổ sung tiêu chí về tạo dựng bầu không khí lớp học và môi trường học tập thân thiện; yêu cầu việc tư vấn, tham vấn tâm lý cho học sinh; và chuẩn bị tích cực để có năng lực cho các nội dung giáo dục đặc biệt.

- Chuẩn GV cũng cần nhấn mạnh đến tiêu chí hợp tác, đó là sự hợp tác, cộng tác giữa các đồng nghiệp, tận dụng sự khác nhau về nguồn tài nguyên tập thể nhằm bổ trợ ưu thế cho nhau, tối ưu hóa môi trường và tài nguyên giáo dục. Cần nhấn mạnh đến kỹ năng nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia nghiên cứu học tập bồi dưỡng chuyên môn hoặc trưởng thành trong tập thể, đồng thời lấy thành quả bồi dưỡng hoặc nghiên cứu đó ứng dụng trong việc dạy học. Ngoài ra cũng cần đưa yêu cầu cụ thể về năng lực ngoại ngữ của giáo viên vào tiêu chuẩn nghề, ví dụ yêu cầu đạt chứng chỉ ở trình độ như thế nào và trình độ về kỹ năng ứng dụng ngoại ngữ vào dạy học và nghiên cứu khoa học.

- Xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp GV ngoài việc thể hiện đầy đủ các nội dung và các tiêu chí trọng tâm thì cần phải lưu ý đến sự ngắn gọn, súc tích và mang tính tổng hợp cao. Cần có sự chỉ dẫn, hướng dẫn giải thích cụ thể về các nội dung tiêu chí, cần tránh những thuật ngữ, khái niệm mơ hồ và khó xác định.

- Cần tổ chức trưng cầu ý kiến tập thể, ý kiến của GV ở các chuyên ngành khác nhau và căn cứ vào yêu của xã hội từng giai đoạn phát triển để có thể xây dựng bản tiêu chuẩn nghề GV sát với yêu cầu của thực tế nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc thực thi chúng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. 台湾“教育部”师资培育白皮书:发师道.百年树人.台北, 2012, (9).
2. 陈光辉(Chen Guang Hui) (2009). 台湾国民中学教师专业标准的内容及基本架构. 上海教育科研, (3):25-28. Doi:10.1614/j.cnki.31-1059/g4.2009.03.024
3. 黄乃荧(Huang Nai Ying)  (2003). 后现代思潮与教育专业发展.台湾: 教育资科集刊.
4. 潘慧玲与杨锦心等(Pan Hui Ling và Yang Jin Xin) (2004).高级与综合初中学校本位课程发展评鉴之研究.台北:台湾师大教育研究中心.
5. 唐俭欣(Tang Jian Xin) (2013). 我国台湾地区中小学教师专业发展评鉴理论与实践. 教育理论与实践, (26):31-33
6. 吴武典等(Wu Wu Dian) (2005). 师资培育政策建议书. 台北:台湾师范教育学会.
7. 徐宪斌(Xu Xian Bin) (2016). 我国台湾地区2016版(教师专业标准指引)述评.上海教育科研, (8):21-24.
8. 张德锐 (Zhang De Rui) (2005). 中小学教育分级制度的实施问题与策略. 台北: 师友.
9.台湾1111教职网.教师甄选统计数据(15.11.2016). http://uni.1111.com.tw/forum/stat/
10. Yang, D.-C., Reys, R. E. and Wu, L.-L. (2010), Comparing the Development of Fractions in the Fifth- and Sixth-Graders' Textbooks of Singapore, Taiwan, and the USA. School Science and Mathematics, 110: 118–127. doi:10.1111/j.1949-8594.2010.00015.x
11. Juang, Y.-R., Liu, T.-C., & Chan, T.-W. (2008). Computer-Supported Teacher Development of Pedagogical Content Knowledge through Developing School-Based Curriculum. Educational Technology & Society, 11 (2), 149-170.
       -------
Bài đã đăng Tạp chí Khoa học giáo dục, (2017), số 139, tr.108-113.
0969889270 0912944324