TS. Đỗ Thị Hiên
DẪN NHẬP
Vị từ ba diễn tố là các vị từ đòi hỏi ba diễn tố xoay quanh khi tham gia vào cấu trúc ngữ nghĩa. Đây là loại vị từ khá phức tạp bởi số lượng vị từ tương đối lớn, khả năng hoạt động phong phú và có nhiều diễn tố xoay quanh. Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi tạm chia nhóm vị từ này thành 8 tiểu loại cơ bản, bao gồm: phát nhận, nói năng, sai khiến, dời chuyển, bình xét, nối kết, biến hóa, so sánh. Nhưng cũng xin được nói thêm, 8 tiểu lại trên không phải tất cả các vị từ ba diễn tố trong tiếng Việt mà chỉ là các vị từ xuất hiện với tần số cao.
Khi nghiên cứu về loại vị từ ba diễn tố, một vấn đề quan trọng được đặt ra đó là làm thế nào để xác định đúng và đủ các diễn tố xoay quanh chúng. Về nguyên tắc, khi xác định diễn tố của vị từ, phải dựa vào cả đặc điểm nội dung lẫn đặc điểm hình thức. Dựa trên nguyên tắc đó, chúng tôi xin đưa ra một số thủ pháp cơ bản để xác định các diễn tố của vị từ ba diễn tố khi chúng hoạt động hành chức trong phát ngôn.
1. ĐẶT CÂU HỎI
Như đã nói, nguyên tắc khi xác định diễn tố của một vị từ phải dựa vào cả đặc điểm hình thức (cấu trúc) và đặc điểm nội dung (ngữ nghĩa). Tuy nhiên, do hai mặt này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hay nói cách khác, mỗi diễn tố đều đảm nhận một vai nghĩa nào đó trong cấu trúc nên nó sẽ trả lời cho một câu hỏi nhất định. Chính vì vậy, thủ pháp đặt câu hỏi tỏ ra rất hữu hiệu để xác định một diễn tố trong một cấu trúc nghĩa cụ thể.
Thủ pháp đặt câu hỏi nghĩa là dựa vào cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ trung tâm đặt các câu hỏi để tìm ra các diễn tố xoay quanh vị từ đó. Hay nói cách khác, chúng ta dùng chính vị từ trung tâm để đặt câu hỏi tìm ra các diễn tố. Như vậy, vị từ trung tâm sẽ có mặt ở tất cả các câu hỏi tìm diễn tố. Câu trả lời cho các câu hỏi đó chính là các diễn tố của vị từ. Ví dụ:
(1) Bữa tối, người ta lại cho anh vài nắm ngô rang hoặc vài củ khoai củ ráy. (Nam Cao)
Trong ví dụ (1), vị từ trung tâm là vị từ phát nhận cho. Từ cấu trúc nghĩa của vị từ cho, chúng ta đặt các câu hỏi để xác định các diễn tố như sau:
- Ai cho? => Diễn tố 1 vai chủ thể: người ta
- Cho cái gì? => Diễn tố 2 vai đối thể: vài nắm ngô rang hoặc vài củ khoai củ ráy
- Cho ai? => Diễn tố 3 vai tiếp thể: anh
Còn cho lúc nào? thì không nằm trong cấu trúc nghĩa nên bữa tối là chu tố chỉ thời gian diễn ra hành động cho.
Tương tự như vậy, với vị từ ở các tiểu nhóm còn lại chúng ta cũng sẽ đặt được các câu hỏi tương tự để xác định diễn tố.
- Vị từ sai khiến: Ai bảo? Bảo ai? Bảo làm việc gì? Ví dụ:
(2) Chú bảo bố mẹ cháu đến đón cháu, chú ơi. (Trịnh Đình Khôi)
- Vị từ dời chuyển: Ai quăng? Quăng cái gì? Quănglên/xuống/vào/ra đâu? Ví dụ: (3) Họ quăng cặp, túi, ba lô lên những chiếc giường tầng rồi xúm lấy ôm Hoài. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
- Vị từ nói năng: Ai nói? Nói với ai? Nói cái gì? Ví dụ:
(3) Tôi nói với ông là tôi đã đọc hết cuốn tiểu thuyết “Thôn ven đường” của nhà văn. (Báo An ninh thế giới)
- Vị từ bình xét: Ai coi? Coi ai/cái gì? Coi như/là ai/cái gì? Ví dụ:
(4) Ai cũng coi em là một thằng kì dị. (Văn Vinh)
- Vị từ nối kết: Ai dán? Dán cái gì? Dán vào/với cái gì? Ví dụ:
(5) Nhưng Nương Nương đã dán tờ năm mươi ngàn vào mõm hắn (…).
- Vị từ biến hóa: Ai/cái gì biến? Biến ai/cái gì? Biến thành ai/cái gì? Ví dụ:
(6) Xuyến đang biến anh thành một trò hề, một gã đàn ông xuẩn ngốc. (Ma Văn Kháng)
- Vị từ so sánh: Ai so sánh? So sánh cái gì? So sánhvới cái gì? Ví dụ:
(7) Mỗi lần nhìn con được điểm kém hoặc phạm lỗi gì đó, mẹ luôn so sánh con với người khác. {Benh.vn}
2. DÙNG QUAN HỆ TỪ
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập – phân tiết tính cho nên một trong những phương tiện hữu hiệu để biểu thị các quan hệ ngữ pháp đó là hư từ mà trong đó các quan hệ từ có vai trò quan trọng. Các quan hệ từ giúp biểu hiện các quan hệ ngữ pháp giữa các từ, hay nói cách khác chúng biểu hiện các ý nghĩa quan hệ. Đó có thể là quan hệ giữa các từ, quan hệ giữa các cụm từ, các thành phần câu hoặc giữa các câu. Quan hệ từ có vai trò đặc biệt trong cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa nên đã trở thành một phương tiện cơ bản để xác định diễn tố của vị từ. Với đặc điểm biểu thị ý nghĩa quan hệ giữa các khái niệm, quan hệ từ chính là dấu hiệu biểu thị sự quan hệ về nghĩa giữa thành tố chính với thành tố bổ sung trong cấu trúc vị từ. Qua một số quan hệ từ, chúng ta có thể xác định được các tiểu nhóm vị từ thuộc vị từ ba diễn tố.
2.1. Quan hệ từ “cho” đánh dấu tiểu nhóm vị từ ban phát
Đối với vị từ bản thân mang ý nghĩa ban phát, sự xuất hiện của cho trong cấu trúc nghĩa là không cần thiết tức là có thể có có thể không. Tuy nhiên, với những vị từ bản thân không mang ý nghĩa ban phát thì sự xuất hiện của cho là rất quan trọng và là tiêu chí để xếp các vị từ đó vào tiểu nhóm ban phát. Vì nó đánh dấu vai Tiếp thể/Đắc lợi thể - vai nghĩa đặc trưng của tiểu nhóm vị từ ban phát và lúc này ý nghĩa quan hệ trao và nhận được đặt hết vào đó. Ví dụ:
(8) Y biếu Sinh hai chai rượu vừa để tạ ơn vừa để làm quảng cáo. (Nam Cao)
Trong ví dụ (8), bản thân vị từ biếu đã mang ý nghĩa ban phát cho nên khi kết hợp với diễn tố biểu thị vai tiếp thể (Sinh) không cần nối bằng quan hệ từ cho.
Quan hệ từ cho trong cấu trúc vị từ ban phát vừa đánh dấu vai tiếp thể lại vừa đánh dấu vai đắc lợi thể. Có trường hợp vai tiếp thể và vai đắc lợi thể được biểu thị trong một diễn tố, song cũng có trường hợp vai tiếp thể với vai đắc lợi thể không trùng nhau.
2.2. Quan hệ từ “của” đánh dấu tiểu nhóm vị từ tiếp nhận
Cùng nằm trong nhóm vị từ phát nhận, vị từ tiếp nhận, về cơ bản là có những đặc điểm ngữ pháp giống với vị từ ban phát. Điểm khác biệt giữa hai tiểu nhóm vị từ này là ở hư từ đi kèm. Nếu như hư từ cho đánh dấu tiểu nhóm vị từ ban phát thì hư từ của đánh dấu tiểu nhóm vị từ tiếp nhận. Ví dụ:
(9) Ông Hiệu trưởng còn nợ của Điền nửa tháng lương. (Nam Cao)
Tuy nhiên cần lưu ý, cấu trúc Danh từ/Đại từ của Danh từ/Đại từ (viên ngọc của chàng thư sinh) trong phát ngôn có vị từ tiếp nhận không phải để biểu thị quan hệ hạn định mà hai danh từ này là hai bổ ngữ ở cấu trúc cú pháp và là hai diễn tố ở cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ trung tâm. Việc phân biệt như trên phụ thuộc vào loại vị từ trung tâm. Nếu vị từ trung tâm là vị từ tác động hay nửa tác động thì cấu trúc Danh từ/Đại từ + của + Danh từ/Đại từ có quan hệ hạn định. Còn nếu vị từ trung tâm là vị từ tiếp nhận thì cấu trúc đó không có ý nghĩa hạn định. Ví dụ:
(10) Con làm hỏng buổi sinh nhật của mẹ rồi. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
Trong ví dụ (10), vị từ trung tâm làm hỏng không phải vị từ phát nhận cho nên quan hệ giữa buổi sinh nhật và mẹ trong cấu trúc buổi sinh nhật của mẹ là quan hệ hạn định.
2.3. Quan hệ từ “với” đánh dấu các tiểu nhóm vị từ
- Tiểu nhóm vị từ nối kết
Quan hệ từ với thường được dùng để nối hai đối tượng được nối kết. Ví dụ:
(11) Trộn tinh bột nghệ với lòng đỏ trứng theo tỉ lệ 1:1.
- Tiểu nhóm vị từ so sánh
Quan hệ từ với được dùng để nối hai đối tượng được đem ra để so sánh, đối chiếu với nhau. Ví dụ:
(12) Tôi không so sánh các nhà thơ mới với Nguyễn Du để xem ai hơn ai.
{Hoài Thanh}
- Tiểu nhóm vị từ nói năng
Trong phát ngôn có vị từ nói năng, quan hệ từ với thường đánh dấu vai người nghe (tiếp ngôn thể). Ví dụ:
(13) Lần đầu, chị bàn với chị Bỏ cái chuyện này, chị Bỏ bảo sao? (Nguyễn Khải)
2.4. Quan hệ từ “ra/vào/lên/xuống” đánh dấu tiểu nhóm vị từ dời chuyển
Nhóm vị từ dời chuyển biểu thị tác động làm cho một đối tượng dời vị trí hiện tại, di chuyển đến một điểm đích. Sự di chuyển của đối tượng bị tác động thường là sự di chuyển có hướng. Cho nên diễn tố biểu thị đích thường được đánh dấu bằng các quan hệ từ chỉ hướng. Ví dụ
(14) Người ta quẳng vào rá nó đồng xu. (Nguyễn Công Hoan)
2.5. Quan hệ từ “là/làm/như” đánh dấu tiểu nhóm vị từ bình xét
Trong phát ngôn có vị từ bình xét (bình bầu, nhận xét, đánh giá), ngoài chủ thể thực hiện hành động còn có hai diễn tố biểu thị thể được bình xét và thể dùng để bình xét. Các quan hệ từ là/làm/như thường đi kèm và đánh dấu diễn tố biểu thị thể được bình xét. Ví dụ:
(15) Sinh gọi ông là bác. (Nam Cao)
2.6. Quan hệ từ “thành” đánh dấu tiểu nhóm vị từ biến hóa
Quan hệ từ thành thường đi kèm và đánh dấu diễn tố biểu thị kết quả của sự biến hóa. Ví dụ:
(16) Công việc biến mình thành kẻ hữa ích. (Nguyễn Mạnh Tuấn)
3. LƯỢC BỎ
Lược bỏ là thủ pháp lược bớt đi một tham thể nào đó trong cấu trúc ngữ nghĩa nhằm xác định vai trò của tham thể đó trong việc tổ chức cấu trúc. Từ đó sẽ nhận thấy tham thể đó là tham thể bắt buộc (diễn tố) hay tham thể mở rộng (chu tố) trong cấu trúc ngữ nghĩa. Nếu như yếu tố bị lược bỏ làm thay đổi cấu trúc ngữ nghĩa của phát ngôn tức là phát ngôn đó không thể diễn đạt trọn vẹn sự tình hoặc diễn đạt một sự tình khác thì nó là một diễn tố. Thủ pháp này tỏ ra hữu hiệu khi được áp dụng để xác định các diễn tố trong cấu trúc nghĩa của vị từ. Đối với vị từ ba diễn tố, việc xác định các diễn tố xoay quanh là rất quan trọng đặc biệt là diễn tố thứ ba vì nó giúp phân biệt vị từ ba diễn tố với các loại vị từ khác. Ví dụ:
(17a) Dung tát cho hắn một cái như trời giáng. (Hồ Anh Thái)
(17b) Dung tát hắn.
Trong ví dụ (22a), vị từ tát kết hợp với ba tham thể: Dung, hắn, một cái như trời giáng. Nằm trong cấu trúc nghĩa này, vị từ tát thuộc tiểu nhóm vị từ phát nhận.
Nếu chúng ta lược bỏ tham thứ ba một cái như trời giáng trong cấu trúc nghĩa trên ta sẽ có được phát ngôn (17b).
Trong ví dụ (17b), vị từ tát kết hợp với hai tham thể: Dung, hắn. Và nằm trong cấu trúc nghĩa này, vị từ tát thuộc vị từ tác động hai diễn tố.
Như vậy, sự lược bỏ tham thể thứ ba một cái như trời giáng đã làm thay đổi cấu trúc nghĩa của vị từ, làm vị từ chuyển sang một loại khác. Từ đó suy ra, tham thể một cái như trời giáng là một trong ba diễn tố của vị từ tát và diễn tố thứ ba này đã làm cấu trúc nghĩa của vị từ tát thay đổi từ một vị từ tác động hai diễn tố chuyển thành vị từ phát nhận ba diễn tố.
Nếu yếu tố bị lược bỏ không ảnh hưởng đến cấu trúc ngữ nghĩa của phát ngôn thì nó là chu tố. Ví dụ:
(18a) Một hôm, người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. (Nam Cao)
(18b) Ø Người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước.
Trong ví dụ (18a), vị từ sai được xoay quanh bởi bốn tham thể: người chủ cuối cùng, bà, xách hai cái lọ đi kín nước, một hôm. Khi lược bỏ tham thể chỉ thời gian một hôm như ở ví dụ (18b) thì cấu trúc ngữ nghĩa của phát ngôn về cơ bản không thay đổi. Phát ngôn vẫn biểu thị sự tình sai khiến gồm vị từ trung tâm sai với ba diễn tố xoay quanh: người chủ cuối cùng (chủ thể), bà (đối thể), xách hai cái lọ đi kín nước (nội dung sai khiến). Như vậy tham thể một hôm đóng vai trò là một chu tố chỉ thời gian trong phát ngôn.
4. BỔ SUNG
Ngược lại với thủ pháp lược bỏ, thủ pháp bổ sung là thêm một tham thể vào trong một cấu trúc ngữ nghĩa để xác định vai trò của tham thể đó trong việc tố chức cấu trúc. Với thủ pháp bổ sung sẽ có hai trường hợp sau:
* Trường hợp thứ nhất là bổ sung một tham thể vào cấu trúc đã hoàn chỉnh. Nếu sự có mặt của tham thể đó làm thay đổi cấu trúc nghĩa của vị từ thì tham thể đó là một diễn tố còn ngược lại nó là một chu tố. Ví dụ:
(219) Con dọn nồi bánh trôi Tàu đi. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
Trong ví dụ (19a), vị từ dọn kết hợp với hai tham thể: con, nồi bánh trôi Tàu. Với sự kết hợp như trên, vị từ dọn là vị từ tác động hai diễn tố (chủ thể và đối thể). Nếu thêm một tham thể thứ ba vào sau tham thể thứ hai thì ta sẽ có phát ngôn sau:
(19b) Con dọn nồi bánh trôi Tàu ra sân đi.
Ở ví dụ (19b), vị từ dọn kết hợp với ba tham thể: con, nồi bánh trôi Tàu, sân. Ngoài các tham thể biểu thị vai chủ thể và đối thể như ở ví dụ (19a), vị từ dọn còn có thêm tham thể sân biểu thị vai đích. Như vậy, sự có mặt của tham thể thứ ba sân đã làm thay đổi cấu trúc và nghĩa của vị từ dọn, từ vị từ tác động hai diễn tố chuyển thành vị từ dời chuyển ba diễn tố, cho nên tham thể sân chính là một diễn tố trong cấu trúc nghĩa của vị từ dọn.
* Trường hợp thứ hai là bổ sung một tham thể vào cấu trúc bị tỉnh lược. Việc bổ sung chính là lấp đầy chỗ trống bị tỉnh lược. Nếu sự bổ sung đó chỉ làm cho cấu trúc trọn vẹn và rõ nghĩa hơn mà không làm thay đổi cấu trúc và nghĩa của phát ngôn thì tham thể đó là một diễn tố. Ví dụ:
(20a) (Cậu thả mày ở đâu rồi lại đón chứ gì?) Chắc quẳng cho cháu một ít tiền, kiếm cho cháu một ả gái tơ rồi để cháu ngồi đó. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
Trong ví dụ (20a), tham thể biểu thị vai chủ thể của hành động quẳng và kiếm vắng mặt. Dựa vào ngữ cảnh, ta có thể bổ sung tham thể vắng mặt đó như sau:
(20b) (Cậu thả mày ở đâu rồi lại đón chứ gì?) Chắc cậu quẳng cho cháu một ít tiền, kiếm cho cháu một ả gái tơ rồi để cháu ngồi đó. Lúc này, cấu trúc nghĩa đã trọn vẹn với vị từ trung tâm và ba diễn tố. Như vậy tham thể được bổ sung đã làm cho cấu trúc nghĩa trọn vẹn cho nên tham thể đó là một diễn tố của vị từ.
5. THAY THẾ
Thay thế là thay một yếu tố trong cấu trúc bằng một yếu tố khác cùng cấp độ nhằm phát hiện đặc điểm yếu tố nào đó trong cấu trúc được xem xét. Thay thế bao gồm cả thay thế bằng từ nghi vấn, từ không nghi vấn hay hư từ. Thay thế bằng từ nghi vấn đã được chúng tôi trình bày ở phần đặt câu hỏi, còn trong phần này chúng tôi trình bày thủ pháp thay thế bằng hư từ.
Như phân tích ở trên, hư từ là một trong các phương thức ngữ pháp quan trọng giúp biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp, các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt. Trong thủ pháp thay thế, việc thay thế quan hệ từ khác nhau vào một vị trí giúp xác định một tham thể là diễn tố hay chu tố. Ví dụ:
(21a) Đã, chị đã nộp tiền ăn cho em rồi. (Khái Hưng)
(21b) Đã, chị đã nộp tiền ăn giúp/hộ em rồi.
Trong các phát ngôn có vị từ phát nhận thì phần lớn vai người nhận sẽ đồng thời là vai kẻ hưởng lợi với ý nghĩa được hưởng một quyền lợi nào đó qua hành động trao/tặng, được quyền sở hữu và/hoặc kiểm soát, sử dụng vật trao/tặng [1, tr. 145]. Nhưng trong ví dụ (21a), diễn tố em chỉ đảm nhận vai kẻ hưởng lợi chứ không đảm nhận vai người nhận. Vai người nhận là nhà trường đã bị ẩn. Dựa vào ngữ cảnh, cùng với việc thay thế quan hệ từ cho bằng các quan hệ từ giúp/hộ mà cấu trúc ngữ nghĩa của câu không thay đổi, chúng ta xác định được tham thể em không phải làm một diễn tố của vị từ nộp mà chỉ là chu tố chỉ kẻ hưởng lợi. Theo đó, ví dụ (21a) có thể được hiểu là: Chị đã nộp tiền cho nhà trường giúp em rồi.
6. CẢI BIẾN
Cải biến là thủ pháp thay đổi vị trí của các yếu tố trong cấu trúc để tạo thành một cấu trúc khác. Thủ pháp cải biến hình thức có cơ sở từ đặc điểm hình tuyến của tín hiệu ngôn ngữ. Hình tuyến có nghĩa là các tín hiệu ngôn ngữ không thể đồng thời xuất hiện, mà phải lần lượt kế tiếp nhau trong chuỗi lời nói. Từ đó dẫn đến hệ quả là trong ngôn ngữ không phải chỉ có bản thân các tín hiệu mà cả trật tự sắp xếp các tín hiệu cũng có vai trò là phương tiện biểu hiện. Để biểu hiện các ý nghĩa ngữ pháp, trật tự sắp xếp cũng được sử dụng là một phương thức. Đối với tiếng Việt, một loại hình ngôn ngữ đơn lập, trật tự từ là một phương thức ngữ pháp quan trọng.
Nguyên tắc của thủ pháp cải biến là mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các thực từ trong cấu trúc về cơ bản vẫn được giữ nguyên. Để đảm bảo nguyên tắc này, việc cải biến chỉ dựa trên những thực từ có sẵn mà không được thêm thực từ đích thực vào cấu trúc được cải biến. Trong tiếng Việt, khi vận dụng nguyên tắc này, sẽ có hai kiểu cải biến là cải biến hình thức và cải biến nửa hình thức.
6.1. Cải biến hình thức
Cải biến hình thức là kiểu cải biến chỉ thay đổi hình thức của phát ngôn mà không thêm bất kì thực từ hay bán thực từ nào. Đây là kiểu cải biến thuần ngữ pháp (cấu trúc), theo đó vị trí của các từ/cụm từ được thay đổi kéo theo là sự thay đổi ý nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp trong câu. Ví dụ:
(22) Toàn bộ cuộc sống riêng, cô ấy dành cho cậu. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
Trong ví dụ (22), vị từ phát nhận dành kết hợp với ba diễn tố: cô ấy (chủ thể), toàn bộ cuộc sống riêng (đối thể), cậu (tiếp thể). Mặc dù sự sắp xếp của các diễn tố không theo trật tự thông thường làm cho chức vụ cú pháp mà các diễn tố đảm nhận có sự thay đổi (diễn tố 2 toàn bộ cuộc sống riêng đã được đảo lên đầu câu, và ở vị trí này nó đảm nhận chức vụ khởi ngữ của câu) nhưng vai nghĩa của chúng thì vẫn được giữ nguyên.
Bằng việc thay đổi vị trí của các diễn tố, ta sẽ có các dạng cải biến hình thức của ví dụ (22) như sau:
- Cô ấy dành toàn bộ cuộc sống riêng cho cậu./Cô ấy dành cho cậu toàn bộ cuộc sống riêng./Cậu, cô ấy dành cho toàn bộ cuộc sống riêng.
Sự cải biến trên hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, tức là chỉ có vị trí của các diễn tố thay đổi mà không hề thêm hay bớt từ ngữ nào cho nên nó chỉ làm thay đổi chức vụ cú pháp của các diễn tố còn vai nghĩa mà các diễn tố đảm nhận vẫn được giữ nguyên.
6.2. Cải biến nửa hình thức
Kiểu cải biến này cho phép thêm vào cấu trúc được cải biến một bán thực từ (bán hư từ), tức là những từ đã ngữ pháp hóa nhưng chưa trở thành thực từ thực sự ví như: sự, cuộc, nỗi, niềm, cái, bị, được…). Thuộc kiểu cải biến nửa hình thức là cải biến danh hóa, cải biến nguyên nhân và cải biến bị động.
Đối với các phát ngôn có vị từ ba diễn tố, cải biến bị động được sử dụng hiệu quả hơn cả để xác định vai nghĩa của các diễn tố. Về quy tắc, việc cải biến cấu trúc chủ động thành cấu trúc bị động được thực hiện như sau:
- Bổ sung vào trước động từ hạt nhân của cấu trúc chủ động các từ “được” (với các động từ chỉ hành động mà người nói cho là may, có lợi) hoặc “bị” (với các động từ chỉ hành động mà người nói cho là rủi, không có lợi).
- Chuyển danh từ chỉ đối thể hoặc tiếp thể lên vị trí danh từ chỉ chủ thể, đồng thời chuyển danh từ chỉ chủ thể xuống vị trí giữa bị/được và động từ.
Ví dụ:
(23a) Anh phát cho mỗi thằng một nghìn. (Nguyễn Thị Thu Huệ)
(23b) Mỗi thằng được anh phát cho một nghìn.
So sánh hai ví dụ (23a) và (23b), có thể thấy cải biến bị động đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc ngữ pháp của câu. Sự thay đổi đó được thể hiện qua các sơ đồ sau:
(24a) |
Anh |
phát (cho) |
mỗi thằng |
một nghìn. |
CTCP |
CN |
VN |
BN1 |
BN2 |
CTNBH |
DT1 |
VTPN |
DT3 |
DT2 |
(Nguyễn Thị Thu Huệ)
(24b) |
Mỗi thằng |
được |
anh |
phát (cho) |
một nghìn. |
CTCP |
CN |
VN |
BN |
CTNBH |
DT3 |
|
DT1 |
VTPN |
DT2 |
|
|
|
|
|
|
|
Như vậy, vị trí của các diễn tố thay đổi dẫn đến sự thay đổi cấu trúc cú pháp, song vai nghĩa của các diễn tố xét ở tầng nghĩa sâu thì vẫn không thay đổi. Cải biến bị động giúp nhận diện rõ hơn vai nghĩa của các diễn tố trong phát ngôn có vị từ ba diễn tố.
KẾT LUẬN
Vị từ ba diễn tố, bản thân chúng phức tạp bởi có nhiều diễn tố xoay quanh. Khi được hiện thực hóa trong phát ngôn, các vị từ này có thể biến đổi phức tạp hơn do sự tác động của các yếu tố ngữ dụng. Trong hoạt động hành chức, không phải bao giờ ba diễn tố xoay quanh vị từ trung tâm cũng được hiện diện đầy đủ và không phải bao giờ các diễn tố cũng được sắp xếp theo một trình tự bất biến. Vậy nên, cần áp dụng các thủ pháp cụ thể để xác định đúng, đủ các diễn tố xoay quanh vị từ ba diễn tố. Qua xem xét và nghiên cứu ngữ liệu, chúng tôi rút ra 6 thủ pháp giúp xác định các diễn tố của vị từ ba diễn tố bao gồm: đặt câu hỏi, dùng quan hệ từ, bổ sung, lược bỏ, ythay thế và cải biến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Lâm Quang Đông (2008), Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với nhóm vị từ trao/tặng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thiện Giáp (2009), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội
3. Nguyễn Văn Lộc (1995), Kết trị của động từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.