ThS. Trần Thị Hạnh Phương
1. Đặt vấn đềThực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai đổi mới toàn diện về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa trong đó có đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường năng lực cho người học và cốt lõi là dạy học hướng vào người học, chuẩn bị cho người học những năng lực cần thiết cho học tập và cuộc sống xã hội.
Trong nhà trường phổ thông, môn Ngữ văn là một môn nền tảng, là một bộ phận quan trọng tạo nên trình độ văn hóa của con người. Môn Ngữ văn có vị trí khá quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, góp phần hình thành nhân cách học sinh. Nâng cao hiệu quả của dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông đòi hỏi cần có một sự đổi mới cơ bản về nội dung cũng như phương pháp dạy học nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động của học sinh. Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập thực hành luyện tập thông qua dạy học đọc hiểu văn bản văn học là một trong những biện pháp khá hữu hiệu nhằm bồi dưỡng, phát triển năng lực Ngữ văn (năng lực tiếp nhận văn học) cho học sinh ở nhà trường THPT.
2. Nội dung
2.1. Cơ sở khoa họcTâm lí học hoạt động đã khẳng định: con người tự sinh ra bản thân mình bằng hoạt động của chính mình. Nói cách khác, mỗi cá nhân bằng hoạt động của mình hình thành nên nhân cách và tạo ra sự phát triển của bản thân.
Hoạt động là một quá trình thực hiện sự chuyển hóa lẫn nhau giữa hai cực của chủ thể và khách thể. Nói như vậy có nghĩa là hoạt động không hiểu đơn thuần là phản ứng hoặc tổ hợp các phản ứng mà hoạt động là một cơ cấu có tổ chức, có chuyển hóa và biến đổi bên trong. Như vậy, hoạt động gắn liền một cách tất yếu với động cơ. Không có hoạt động nào không có động cơ, động cơ lại gắn liền với mục đích nhất định.
Nhà tâm lí học nổi tiếng Vưgôtxki đã chứng minh được quá trình hình thành khái niệm khoa học của trẻ em chính là kết quả hoạt động tích cực của trẻ với các kí hiệu. Đồng nhất với quan điểm này, nhà tâm lí học A. Đixtervec trong tác phẩm “
Hướng dẫn đào tạo GV Đức” đã chỉ rõ: “
Không thể ban cho hoặc truyền đạt đến bất kì một người nào sự phát triển và sự giáo dục. Bất cứ ai mong muốn được phát triển và giáo dục cũng phải phấn đấu bằng sự hoạt động của bản thân, bằng sức lực của chính mình. Anh ta chỉ có thể nhận được từ bên ngoài sự kích thích mà thôi…. Vì thế sự hoạt động tự lực là phương tiện và đồng thời là kết quả của sự giáo dục”[1]. Khi bàn đến lí thuyết hoạt động trong giáo dục, tác giả Hồ Ngọc Đại đã khái quát: “
Trẻ em = Hoạt động của nó = Hoạt động sinh ra nó”
[2].
Đặc điểm học tập nổi bật của học sinh là học tập mang tính nghiên cứu, kết hợp nắm các kiến thức cơ bản và rèn luyện phát triển những kĩ năng, kĩ xảo, những năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Bởi vậy, hoạt động học tập của học sinh là một hoạt động bao gồm rất nhiều hành động cụ thể gắn với những động cơ, mục đích học tập cụ thể. Các dạng hoạt động học tập cụ thể của học sinh ở nhà trường THPT bao gồm chủ yếu các hoạt động trí tuệ gắn với tư duy, lô gic. Trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông, đối tượng của hoạt động học chính là một hệ thống các tình huống, các sự vật, các tri thức về Ngữ văn, các quan hệ, quy luật, phưong pháp…. Còn chủ thể của hoạt động chính là học sinh.
Trên cơ sở khoa học của lí thuyết hoạt động chúng ta nhận thấy rằng: việc dạy học Ngữ văn cho học sinh cần chú trọng vấn đề cốt lõi là hình thành hoạt động học tập Ngữ văn cho người học. Trước hết cần hình thành cho học sinh các đơn vị chức năng của hoạt động học tập: động cơ, mục đích học tập, để qua đó hình thành thao tác, hành động và hoạt động học. Trong đó hoạt động học là hoạt động chủ đạo, là khâu trung tâm trong quá trình phát triển. Nói một cách khác, trong những giờ đọc hiểu văn bản văn học bằng những biện pháp, phương pháp, kĩ thuật dạy học cụ thể giáo viên chỉ có thể tác động, hướng dẫn, điều chỉnh, uốn nắn sự cảm thụ, tiếp nhận của học sinh chứ không đọc hộ, tiếp nhận hộ. Học sinh phải bằng chính những hoạt động tự mình đọc, lĩnh hội, tiếp thu, phải là một bạn đọc - độc giả tích cực của chính nhà văn. Việc truyền thụ các kiến thức văn học dù nghệ thuật đến đâu đi chăng nữa cũng không thể đảm bảo được sự lĩnh hội kiến thức và việc hình thành các năng lực Ngữ văn ở học sinh một cách thực sự có hiệu quả. Nắm vững tri thức, rèn luyện và phát triển năng lực Ngữ văn qua văn, những điều đó học sinh phải tự làm lấy bằng chính các hoạt động năng động và đầy tính sáng tạo của chính mình.
2.2. Cách thức thực hiện
Trong quá trình dạy học, trên cơ sở mục tiêu rèn luyện năng lực Ngữ văn cho học sinh, GV có thể lựa chọn những nội dung để thiết kế, xây dựng hệ thống các bài tập, câu hỏi phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đây có thể xem là một trong những cách nhanh chóng giúp HS từng bước nâng cao năng lực Ngữ văn của bản thân. Bài tập, câu hỏi không những là yếu tố để điều khiển quá trình giáo dục đối với giáo viên mà còn là một nhiệm vụ cần thực hiện, một phần nội dung học tập của học sinh. Hay nói cách khác bài tập, hệ thống câu hỏi chính là các nhiệm vụ học tập, các tình huống học tập cụ thể để học sinh thực hiện các hoạt động tư duy nhằm lĩnh hội, đào sâu, nắm bắt và vận dụng một cách thuần thục các tri thức, kĩ năng đã có giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện tại. Bằng việc xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập theo các mức độ phù hợp với từng đối tượng, GV hướng dẫn học sinh biết cách tự giác, chủ động, độc lập thực hiện hoạt động học tập, làm việc với SGK, với tài liệu ở 3 thời điểm sau:
2.2.1. Trước giờ lên lớp
+ Nhắc nhở việc học bài cũ: nắm kiến thức, kĩ năng cơ bản của bài học trước
+ Giao bài tập về nhà chuẩn bị cho giờ học sau: đọc và trả lời câu hỏi trong SGK; chuẩn bị những vấn đề có liên quan đến bài học sắp tới (sưu tầm, tham khảo các nguồn tài liệu, các ý kiến đánh giá….xoay quanh các vấn đề trong bài học tới).
Ví dụ 1: Với tiết đọc hiểu văn bản “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), GV có thể đưa hệ thống câu hỏi, bài tập học sinh chuẩn bị trước ở nhà.
? Sưu tầm thêm một số tư liệu về tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Hàn Mặc Tử.
? Đọc và tìm hiểu tổng quan về nội dung văn bản: ấn tượng ban đầu về văn bản từ các phương diện nội dung, đề tài, chủ đề, giá trị nghệ thuật…
? Tập đọc diễn cảm theo cảm nhận của anh (chị).
? Trả lời các câu hỏi theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài trong SGK
? Nhận định ban đầu về giá trị của bài thơ.
Ví dụ 2: Trước khi tiến hành tiết dạy đọc hiểu văn bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (trích: “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ), GV yêu cầu học sinh chuẩn bị một số vấn đề sau:
? Kể tên những kịch bản văn học đã được học hoặc đọc thêm trong chương trình Ngữ văn ở nhà trường THPT.
? Nắm được những đặc trưng cơ bản của thể loại kịch bản văn học.
? Tóm tắt được vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
? Sưu tầm những tư liệu về tác giả, tác phẩm (tranh ảnh, các bài giới thiệu, đánh giá về tác giả, tác phẩm)….
? Thông qua việc trả lời những câu hỏi phần hướng dẫn học bài trong SGK bước đầu học sinh nắm được những kiến thức bài học….
? Mỗi học sinh tự đặt một câu hỏi khi đọc văn bản để đến lớp trao đổi với bạn, với giáo viên.
Tóm lại, việc dạy học đọc hiểu văn bản văn học có thành công hay không thành công ít nhiều còn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị bài học của học sinh trước giờ lên lớp. Đó chính là những dự lệnh, động lệnh yêu cầu học sinh phải nghiêm túc thực hiện, phải hoạt động. Và đây chính là những tiền đề quan trọng, những điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành những công việc đọc hiểu tiếp theo ở nhà trường THPT.
2.2.2. Trong giờ học
Đây là thời điểm quan trọng nhất và được diễn ra chủ yếu trong suốt tiết dạy ở nhà trường phổ thông. Bằng hệ thống câu hỏi, bài tập, GV tổ chức, hướng dẫn và giúp đỡ học sinh vừa nắm bắt kiến thức, vừa được rèn luyện những kĩ năng, kĩ xảo cơ bản và cao hơn cả là bồi dưỡng và phát triển ở các em những năng lực Ngữ văn (năng lực tiếp nhận văn bản văn học). Thực tế dạy học đã chỉ rõ năng lực Ngữ văn chỉ được hình thành, phát triển và thể hiện trong những hoạt động tích cực học tập của học sinh dưới sự tác động của một quá trình rèn luyện, dạy học và giáo dục. Như vậy đưa hệ thống câu hỏi, bài tập và tổ chức cho học sinh thực hiện những bài tập đó cũng được xem là một trong những cách có thể giúp học sinh rèn luyện, thực hành; hay nói cách khác là trực tiếp giúp học sinh hoạt động, gián tiếp giúp các em bồi dưỡng và phát triển những năng lực Ngữ văn bên cạnh những năng lực chung cần có của những công dân mới trong bối cảnh xã hội hóa, toàn cầu hóa hiện nay. Khi xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập, yêu cầu cần phải thực hiện cho học sinh giáo viên chú ý nhiều đến việc thiết kế thông qua các hoạt động tư duy nhằm phát triển năng lực Ngữ văn cho học sinh.
Khi tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm tương ứng với nội dung bài học, GV có thể đưa ra một số câu hỏi, hệ thống bài tập để học sinh được làm việc và phải làm việc.
Ví dụ 1: Với văn bản bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử
? Anh (chị) có nhận xét gì về việc sử dụng câu hỏi tu từ cho cả 3 khổ thơ trong văn bản bài thơ.
? Cái tôi trữ tình trong bài thơ là ai? Tâm trạng của chủ thể trữ tình ở đây như thế nào? Viết vài ba câu phác họa sơ bộ bức chân dung của người viết bài thơ này (trả lời cho câu hỏi: đó là người như thế nào?)
? Ấn tượng của anh (chị) sau khi đọc câu thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” (lời của ai? Giọng điệu hỏi và ý nghĩa của lời hỏi?)
? Phân tích nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh khi nói về cảnh và người thôn Vĩ?
? Có ý kiến cho rằng bài thơ là là một tiếng lòng của nhà thơ, là sự hòa sắc của cả lãng mạn, tượng trưng và siêu thực. Ý kiến của anh (chị) về điều đó?
? Anh (chị) thích nhất hình ảnh nào, câu thơ nào trong bài thơ? Vì sao?
Ví dụ 2: Đọc hiểu trích đoạn " Hồn Trương Ba da hàng thịt” (trích: “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ), GV có thể xây dựng hệ thống bài tập, câu hỏi sau:
? Anh (chị) hãy tóm tắt diễn biến của tình huống kịch trong đoạn trích (sử dụng sơ đồ tư duy)?
? Phân tích cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác để thể hiện rõ tài năng của tác giả (diễn tả hành động, ngôn từ nhân vật)?
? Ý kiến của anh (chị) về câu nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” của hồn Trương Ba?
? Câu nói: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác; đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!” của hồn Trương Ba với Đế Thích thể hiện ý thức sâu sắc của ông về vấn đề gì?
? Khi sáng tác vở kịch này, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực nào trong lối sống lúc bấy giờ và cả sau này?
? Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa triết lí được đặt ra từ lớp kịch.
2.2.3. Sau giờ lên lớp
Đây chính là sự khác biệt cơ bản của dạy học truyền thống với dạy học đổi mới. Trong truyền thống, GV chỉ cung cấp, truyền thụ, chỉ ra cho học sinh thấy được những cái hay, cái đẹp của văn chương sau mỗi giờ giảng văn, phân tích tác phẩm. Học sinh học theo cách đó cũng gật gù, tán dương theo giáo viên và thậm chí có thể thụ động tiếp nhận tri thức một cách máy móc. Dạy học đổi mới không chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh nhận ra, lĩnh hội, tiếp nhận những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, khác lạ của văn chương qua từng tiết học mà hơn thế còn giúp học sinh có thể vận dụng, liên hệ với những điều diễn ra ngay từ chính cuộc sống thực tiễn của các em. Hay nói cách khác là ngầm trang bị cho các em những bài học, những kinh nghiệm, những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai. Bài học cũng vì thế không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ còn theo các em trong những cuộc hành trình sắp tới. Bằng hệ thống câu hỏi, bài tập và những yêu cầu diễn ra sau giờ lên lớp, GV có thể kiểm soát việc học và phần nào đánh giá được kết quả học tập, quá trình rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển năng lực Ngữ văn của học sinh. Có thể xem đây là một công đoạn khá quan trọng trước khi kết thúc hoạt động đọc hiểu văn bản văn học ở trường THPT.
Với văn bản “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử) và văn bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), GV có thể đưa hệ thống câu hỏi, bài tập sau giờ học như sau:
? Có ý kiến cho rằng bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ cảnh và tình người thôn Vĩ. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
? Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có niềm khát khao, rạo rực những cũng ẩn dấu trong đó nỗi hoài nghi. Theo anh (chị), đó là nỗi hoài nghi của sự chán đời hay của một tâm hồn tha thiết với cuộc đời? Tại sao?
? Thử chuyển thể bài thơ sang một hình thức nghệ thuật khác? (ngâm thơ, hát)
? Sự mâu thuẫn giữa Hồn và Xác trong trích đoạn vở kịch phản ánh một thực tế, một tình trạng nào có ở không ít người trong xã hội ta lúc bấy giờ? Ý kiến của anh (chị) về điều đó.
? Anh (chị) thu được những kinh nghiệm sống, tri thức sống nào sau bài học này? Hãy viết một bài thu hoạch riêng của anh (chị) về điều đó.
? Viết một bài bình luận về vấn đề sau: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Hạnh phúc chân chính của con người là được sống đúng với mình và mọi người.
3. Kết luận
Mục đích cuối cùng của quá trình dạy học là phải giúp người học có khả năng tiếp cận những tri thức mới, có được những kĩ năng mới, hiện đại, đồng thời có được những năng lực cốt lõi, năng lực đặc thù và có thể tham gia một cách chủ động, tích cực vào trong đời sống thực tiễn.
Chương trình Ngữ văn Việt Nam từ sau năm 2000 đã coi dạy học đọc hiểu văn bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Dạy Ngữ văn ở nhà trường THPT chính là dạy cho học sinh năng lực đọc, kĩ năng đọc để học sinh có thể đọc hiểu bất cứ văn bản nào cùng thể loại. Từ việc tiếp xúc với văn bản mà trực tiếp được thể nghiệm các tư tưởng cảm xúc, cảm nhận được các giá trị văn học, hình thành cách đọc riêng có cá tính. Đây có thể xem là một trong những con đường để bồi dưỡng cho học sinh năng lực Ngữ văn, phát huy tối đa tính năng động của người học, tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Ngọc Đại (1985), Bài học là gì? NXB GD.
2. Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1988), Giáo trình Tâm lý học, NXB Giáo dục.
3. A.N. Lêônchiep (1989), Hoạt động - ý thức - nhân cách, NXB GD (Phạm Minh Hạc, Phạm Hoàng Gia, Phạm Huy Châu dịch).
4. Kharlamop I.F (1970), Phát huy tính tích cực học tập của học sinh như thế nào, NXB GD.
5.Đỗ Ngọc Thống (2011), Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam, NXB GD.
Nguồn: Tạp chí Khoa học giáo dục, số 139 (4/2017), tr.53 - 55.
[1] Kharlamop I.F (1970), Phát huy tính tích cực học tập của học sinh như thế nào, NXB GD, Tr 35- 36.
[2] Hồ Ngọc Đại (1985), Bài học là gì?, NXB GD, Tr 76.