Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

BIỂU TƯỢNG CÁNH ĐỒNG TRONG CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ

TS. Lê Thị Thùy Vinh


Văn học nói chung và văn học hiện đại, hậu hiện đại nói riêng được xem là văn học của các ẩn dụ và biểu tượng. Những tác giả của dòng văn học này luôn nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo, giàu chất suy tư và chiêm nghiệm đồng thời luôn cố gắng tìm ra cho mình những hướng đi mới tạo ra những quan niệm riêng về đời sống. Quan niệm ấy hoá thân vào hình tượng, dồn nén thành những biểu tượng buộc người đọc phải giải mã những thông điệp thẩm mĩ được gửi gắm trong đó.

Trong số những cây bút trẻ mới xuất hiện gần đây, Nguyễn Ngọc Tư sớm gây được ấn tượng mạnh với độc giả bởi giọng văn đậm chất Nam bộ và lối viết hồn nhiên, chân chất. Chị được biết đến rộng rãi từ tập truyện đầu tay Ngọn đèn không tắt rồi Biển người mênh mông, Giao thừa, Nước chảy mây trôi… nhưng phải đến truyện ngắn Cánh đồng bất tận trong tập truyện cùng tên chị mới thực sự “vượt tầm” và để lại một hiệu ứng trong lòng độc giả. Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên sức hấp dẫn của Cánh đồng bất tận chính là dòng chảy sâu kín của ngôn ngữ biểu tượng. Đó là biểu tượng cánh đồng, một biểu tượng xuất hiện đậm đặc, một biểu tượng đầy sức ám ảnh trong hệ thống những biểu tượng của không gian vùng sông nước mà Nguyễn Ngọc Tư đã khai thác. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung khai thác biểu tượng cánh đồng trong Cánh đồng bất tận với mục đích giải mã những thông điệp thẩm mĩ, những ý tứ sâu xa mà Nguyễn Ngọc Tư gửi gắm từ đó thấy được vai trò của nhà văn trong việc điều chỉnh, tái tạo, bổ sung những ý nghĩa mới cho hình tượng nghệ thuật.

1. Vấn đề biểu tượng và biểu tượng ngôn từ
1.1. Biểu tượng
Biểu tượng là một khái niệm được nhiều ngành khoa học sử dụng với những nội hàm khác nhau cho nên có thể nói rằng có rất nhiều những cách hiểu khác nhau về khái niệm biểu tượng. Ở đây chúng tôi tiếp thu cách hiểu của TS Nguyễn Thị Ngân Hoa và lấy đó làm xuất phát điểm để xem xét. “Biểu tượng (tiếng Pháp: symbole, tiếng Anh: symbol) theo nghĩa rộng nhất là một tín hiệu mà mặt hình thức cảm tính (tồn tại trong hiện thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người: cái biểu trưng) và mặt ý nghĩa (cái được biểu trưng) mang tính có lí do, tính tất yếu. Chính mối quan hệ giữa hai mặt này của biểu tượng là điểm chủ yếu để phân biệt biểu tượng với dấu hiệu và ký hiệu đơn thuần. Nếu dấu hiệu, ký hiệu chỉ là những quy ước tuỳ tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau thì biểu tượng “giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức” (Từ điên biểu tượng văn hoá thế giới). Mặt khác cũng cần nhấn mạnh rằng tương quan của cái biểu trưng và cái được biểu trưng trong biểu tượng không phải là quan hệ 1 – 1 mà là 1- n. Nói khác đi biểu tượng luôn mang tính đa trị “chỉ một cái biểu đạt giúp ta nhận thức ra nhiều cái được biểu đạt hoặc giản đơn hơn cái được biểu đạt dồi dào hơn cái biểu đạt” hay đó chính là “sự không thích hợp giữa tồn tại và hình thức… sự ứ tràn của nội dung ra ngoài hình thức biểu đạt của nó” (Todorov) .

1.2. Biểu tượng ngôn từ
Biểu tượng ngôn từ là một loại biểu tượng thuộc loại hình nghệ thuật. Nó được hình thành thông qua các cấp độ chuyển hoá và sản sinh: từ mẫu gốc (bản tổng kết đã được công thức hoá của khối kinh nghiệm to lớn của các thế hệ tổ tiên), rồi biểu tượng văn hoá (trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục…) và biểu tượng ngôn từ (văn học) .

2. Biểu tượng “cánh đồng” trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”
2.1. Sự đa dạng trong tên gọi của biểu tượng
Cánh đồng bất tận là một tác phẩm được dệt bởi sự đan cài giữa xúc cảm và suy tưởng của nhân vật chính trên phông nền là cuộc sống của những kiếp người nhọc nhằn, tủi cực. Dựa vào sự vận động của tâm lí nhân vật, hành trình khám phá tác phẩm là sự bóc tách từ bình diện ngôn ngữ trần thuật đến bình diện những tri nhận, ẩn ức đã lắng đọng thành các biểu tượng ám ảnh đời sống nội tâm nhân vật. Tiếp cận với truyện ngắn, dễ thấy “cánh đồng” là biểu tượng xuyên suốt thiên truyện, qua 8 trường đoạn trong toàn hệ thống. Biểu tượng này hiện lên với các tên gọi theo các trạng thái khác nhau.

Theo khảo sát, chúng tôi thấy có 14 tên gọi khác nhau về biểu tượng cánh đồng. Đó là cánh đồng rộng, cánh đồng hoang vắng, cánh đồng không có tên, cánh đồng vắng ngắt, cánh đồng lúa chết khô, cánh đồng vắng người, cánh đồng hoang lạnh, cánh đồng khơi, cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, cánh đồng ủ ê tin buồn, cánh đồng hoang liêu, cánh đồng trở thành đô thị, cánh đồng Chia Cắt, cánh đồng Bất Tận. Gắn liền với những tên gọi về cánh đồng là những sự vật, vật thể liên quan đến cánh đồng: chiếc ghe, dòng sông, cây lúa chết non trên đồng, mặt nước váng phèn, những bông lúa khô quắt queo trên đồng, vụ lúa thất bát cháy khô trên đồng, gió hoang liêu trên đồng… Tất cả những mã ngôn ngữ này cứ chồng chất lên nhau, lắng đọng thành những ẩn ức có sức ám ảnh lớn trong lòng độc giả.

2.2. Giải mã các nghĩa biểu trưng của biểu tượng “cánh đồng”
Khác với đặc điểm bản thể vốn có của cánh đồng là sự tĩnh lặng, hiền hoà, tình yêu và sự sum vầy, “cánh đồng” trong văn Nguyễn Ngọc Tư lại “buồn thiệt buồn”. Nó cô đơn, hiu quạnh, não nề, nó gắn với bức tranh quê buồn tím ngắt (gắn với các tính từ chỉ tên gọi cánh đồng và những sự vật liên quan đến cánh đồng). Điều này phải chăng bắt nguồn từ lối viết “phũ phàng” như để đoạn tuyệt với lối cũ trong việc phản ánh sự tàn nhẫn, sự hung bạo của thực tại xã hội hôm nay.
Có thể nói biểu tượng cánh đồng là một khám phá độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư khi được nhìn nhận như là ẩn dụ của nỗi đau, tình thương, nỗi nhớ và thời gian.

2.2.1. Cánh đồng – những nỗi đau
“Cánh đồng bất tận” là câu chuyện về một người đàn ông bị vợ phụ tình đâm ra căm ghét đàn bà và say mê trong những ý định trả thù những người phụ nữ bước qua đời ông ta mà quên đi trách nhiệm của mình với hai đứa con dứt ruột đẻ ra. Đến một ngày, một cô gái điếm len chân vào cuộc đời họ, làm xáo trộn cuộc đời họ: thằng con đuổi theo hình bóng của cô gái không chịu được sự bạc ác của người cha; đứa con gái trong tận cùng của tủi nhục và đau đớn gắng chìa tay ra để kéo người cha về phía thế giới của mình nhưng vô vọng. Hai cha con gần sát nhau trong cơn hoạn nạn mà vẫn thuộc về hai thế giới xa cách. Mỗi người là khối cô đơn tuyệt đối không chỉ đối với thế giới của người khác mà ngay cả ở thế giới của chính mình.

Cốt truyện tưởng như chẳng thể hứa hẹn đem đến một câu chuyện hay thế nhưng có lẽ sự lấn lướt của mạch tâm trạng so với ngôn ngữ miêu tả chính là sức hút của thiên truyện này. Qua mạch tâm trạng, người ta thấy hiện lên những số kiếp con người, những số kiếp khổ đau và bất hạnh. Nói khác đi, “Cánh đồng bất tận” là cánh đồng của những nỗi đau, những nỗi đau hiện hình trong số phận của những con người cùng khổ trong xã hội đang quay trong cơn lốc. Chính Nguyễn Ngọc Tư trong những lời phi lộ của “Cánh đồng bất tận” đã phải thốt lên “Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì – dù chỉ một lời. Hãy im lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ” (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương) và chị cũng khẳng định “Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê?”. Và trong “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư đã đưa những nỗi đau mà chị dằn vặt, xa xót cho nhân vật của mình vào trong cõi hận.

“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hán hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn”. Những câu mở đầu của thiên truyện đã mở ra một trúc trắc, một lênh đênh, một khốn khó đang bủa vây một gia đình du mục gồm ba người: Cha, Tôi, Điền – đứa em trai, cùng gia tài: một đàn vịt đang độ lớn cần thức ăn còn sót lại trên đồng và nhất là cần nước trong một mùa nắng chát chúa, khô rát mặt người. Từ cái bắt đầu này, những nhân vật khác xuất hiện mà phần lớn là những người đàn bà không tên, trôi dạt. Tất cả những con người ở cái xứ sông nước, thổ ngư này đều nhuốm một nỗi đau riêng trong cái nền xám chung của thiên truyện.

Người cha
Út Vũ là cha của nhân vật xưng “tôi” trong “Cánh đồng bất tận”. Vì hận tình, hận đời mà ông đã đốt nhà của mình rồi dẫn hai đứa con và đàn vịt vào những cánh đồng trong cõi hận. Điều này bắt nguồn từ vết thương lòng của chính ông. Đó là nỗi hận người vợ trẻ không chung tình, để rồi từ đó quay ra trả thù đời.

Trước hết là sự đánh đập đứa con gái chỉ vì nó giống mẹ. Đau đơn và xót xa biết bao khi đọc những dòng này của Nguyễn Ngọc Tư “Cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy. Đó là khi người ta thấy hoang hoải, chán chường sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh… hay tại tôi càng lớn càng giống má”.

Khó chịu với những gì liên quan đến người vợ không chung tình, người cha ấy nâng nỗi hận của mình thành nỗi hận phổ quát: hận tất cả những người đàn bà trên thế gian này. “Đàn bà với ông càng trải nghiệm càng chán chường. Càng gieo rắc càng đau. Vết thương cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có thể lắp đầy”. Ông đã quyến rũ họ và khi họ vừa bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ chồng, bỏ con để “cuốn gói” theo… tiếng gọi tình yêu thì ngay lập tức ông bỏ rơi họ. “Cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng và bỏ rơi họ đúng lúc…tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy vùi mặt vào da, vào thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt… trong cha tôi không còn một chút cảm xúc nào, nét mặt tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phụ phàng”. Rõ ràng hận thù đã ngự trị trong trái tim khô héo của người cha, không cách gì tẩy được đến mức Nguyễn Ngọc Tư đã phải thốt lên “Trời ơi, trừ chị em tôi, không ai thấy được đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân”.

Nỗi đau của người cha là nỗi đau của con người bị quá khứ làm cho tê liệt cả thể xác lẫn tâm hồn. Chính từ nỗi đau ấy mà ông đã luôn tạo ra nhiều nguyên nhân cho đau khổ trổ quả. Cho nên sự mê muôi, sự đau đớn ở người cha làm cho người đọc vừa thương vừa giận.

Những người đàn bà
Biểu tượng về cánh đồng hoang hoải trong bức tranh quê buồn không chỉ gắn liền với nỗi đau của người cha thù hận mà còn gắn liền với số kiếp của những người đàn bà – những kiếp người mòn mỏi, sống tù túng nghèo nàn, không yêu thương và không hivọng. Đó là Má tôi, sống cùng tiếng thở dài buồn não ruột “Má tôi thở dài khi nghe cha ghé bến… Má tôi thở dài khi tắm… Mỗi lần ghe vải ghé trước bến, má cũng thở dài, tay bối rối nắm vào hai túi áo mỏng lẹp kép. Thở dài cả khi thằng Điền bảo cho con xin tiền mua kẹo”. Đó còn là những người đàn bà mà “tôi” đã gặp trên những con sông cạn nước, trên những cánh đồng khô nẻ, trên những phiên chợ đầy mùi người. Và hơn hết là những người đàn bà bị cha tôi gạt gẫm, bỏ rơi, bịt lối quay về. “Tôi nhớ người đàn bà ở Bàu Sen, nhớ bóng người xấp xãi, ngơ ngác chạy theo chiếc ghe sáng ấy… người vừa bán xong cái quán nhỏ của mình, người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng con, người vừa phũ phàng chia xong tài sản…”. Mỗi người đàn bà mang một số phận như những con nước trong mùa hạn hán. Mỗi con nước có một nguồn riêng nhưng phần lớn đều cạn kiệt trước khi hoà mình vào dòng lớn. Trong số những người đàn bà không tên ấy, “chị” là người gắn với gia đình “tôi” như một định mệnh.

Nguyễn Ngọc Tư đã xoáy sâu miêu tả nỗi đau của “chị” – nỗi đau của một người đàn bà làm điếm, bị đánh ghen. Sự đánh ghen thật tàn nhẫn và ác ý “người ta đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị”. Nỗi đau ấy thiết nghĩ bắt nguồn từ sự xô đẩy của cuộc đời “chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê”. Cho nên ở nhân vật này, người ta thấy thương cảm hơn là miệt thị. Ngay cả khi kể lại những trò chơi giường chiếu, gạ gẫm lấy một, hai triệu đồng xoá đói giảm nghèo của một gã nông dân háu ăn món lạ hoặc khi tự thốt ra sau một đêm phải đi hối lộ thân xác cho cán bộ ấp trở về “Chị làm đĩ quen rồi, mấy chuyện này nhằm bà gì mà mấy cưng buồn” khiến người ta vẫn cảm thấy xót xa thương chị hơn là lên án. Một con đĩ vẫn khát khao được làm vợ, được sống tình nghĩa yêu thương, khát khao đời thường đơn giản vậy nhưng đối với chị tất cả là một sự tuyệt vọng. Tuyệt vọng làm sao khi người cha thanh toán tiền sòng phẳng rồi sau đó điềm nhiên phớt lờ, hắt hủi, “khinh miệt và đắc thắng no nê”. Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả rất hay cái tâm trạng chờ đợi và hivọng của người phụ nữ này “Chị hướng cái nhìn sâu nhói về phía cha tôi, rất chậm rãi, chị thay áo, lấy nón, xỏ dép… Thời gian dằng dặc. Tôi biết chị chờ và hivọng. Tôi biết, đi một quãng xa chị vẫn còn dỏng tai đợi một tiếng gọi, quay lại đi, Sương. Nhưng chỉ gió nghêu ngao soi mói vào mảng thịt sau tà áo người phụ nữ đang xiên xiên trên bờ cỏ rập rờn”. Người phụ nữ da diết chờ đợi, mỏi mòn hivọng để lại trong lòng người đọc cái cảm giác ngậm ngùi, đắng đót khôn nguôi.

Hai chị em Nương và Điền
“Cánh đồng bất tận” là suy nghĩ của Nguyễn Ngọc Tư về nỗi đau thân phận người. Đó không chỉ là nỗi đau về người đàn ông bị vợ phụ tình, về thân phận những người đàn bà bị ruồng bỏ mà ở đó còn thổn thức về kiếp sống của hai chị em Nương và Điền lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương, chỉ biết “tự học” cách để mà sống, mà chứng kiến những bất công.

Sống lang bạt cùng cha, đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, Nương và Điền phải tự học cách sống để làm người và học ngay cả bản năng để chứng kiến và… bỏ qua. “Những gì không biết chúng tôi thử. Những gì không hiểu, chúng tôi chất thành khối trong lòng. Nhiều khi thấu đáo được một điều nào đó, chúng tôi phải trả giá rất cao”.

Nguyễn Ngọc Tư đã chú tâm hướng ngòi bút của mình để xây dựng nhân vật Điền – đứa em trai mới lớn, một nhân vật không hoàn thiện (không được trở thành người đàn ông thực thụ). Không phải ngẫu nhiên, tác giả để cho nhân vật Điền từ ngày “ngủ kẹt bồ lúa” mắc phải chứng bệnh chảy nước mắt. Nhìn qua làn nước mắt chứng nhân cho một ngày đau đớn, nhục nhã khi phải chứng kiến cái xấu, cái “bậy” rồi phải cô độc để “tự học lấy cách sống”, Điền đã phản kháng bằng cách “trút sạch” những cái gì có cho là ác, là xấu… thậm chí “tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù”. Buộc phải tự tìm lấy con đường đi, bằng xúc cảm và trải nghiệm, làm sao có thể tránh được ngộ nhận nên có khi đủ thấu hiểu một điều gì đó thì đã “phải trả một giá cao”. Đến khi sửng sốt trước sự hoan lạc của bầy vịt “đầy ắp một thứ tình yêu”, “tuyệt không có gì là thô tục, cưỡng đoạt, gạ gẫm” như những gì đã biết, Điền chới với, “nghi hoặc lan ra như những vòng sóng”. Và khi Sương xuất hiện thì trong Điền “chỉ là một nỗi ân hận dày vò”. Điền yêu chị nhưng “tình yêu ấy đã bị khiếm khuyết mất rồi”, sau giấc ngủ dài “bản năng nó không trở dậy”. Cho nên việc Điền phải hồng hộc chạy đi giữa đất trời hoang vu phải chăng chính là cách để giải thoát chính mình.

     Như vậy có thể thấy “cánh đồng” được nhìn nhận như là biểu tượng về những nỗi đau của con người – nỗi đau nhân thế. Đó là cái nỗi đau của người mẹ khi hiểu ra hai đứa con đã thấy tường tận việc phạm tội tà dâm của mình nên hoảng loạn bỏ nhà trốn đi. Rồi người cha uất ức, đốt nhà bỏ đi. Đến lượt chị Sương cũng lao đi, khi nhận ra sự thật não nề: Má cưng ác một nhưng người cha này của cưng ác tới mười. Rồi đến lượt Điền, chàng trai tuổi 18 cũng chạy hồng hộc về phía đó. Tất cả đã lao đi giữa đất trời mênh mông, biền biệt tăm tích, không phương hướng, không nơi chốn, chẳng biết về đâu. Thiết nghĩ suy cho cùng đó cũng chỉ là nỗi đau có tự ngàn đời xưa, cho đến mãi ngàn đời sau khi con người vẫn tồn tại trên chốn nhân gian này. Phải chăng chính cái nỗi đau không cùng của những con người ấy đã thấm sâu vào cảnh vật, vào cánh đồng khiến cánh đồng trong văn Ngọc Tư cũng trở nên buồn và cô lạnh. Cứ sau mỗi trường đoạn sự kiện, ngòi bút của nhà văn lại hướng về tả cánh đồng: rộng, hoang vắng, vô danh, vắng ngắt, ủ ê tin buồn… tất cả đều nhuốm màu tâm trạng của những thân phận người, khiến người ta càng đọc càng thấm thía, xót xa.

2.2.2. Cánh đồng – tình thương và niềm tin
Biểu tượng “cánh đồng” trong “Cánh đồng bất tận” chứa đựng những nỗi buồn chan chứa, tuy nhiên nỗi buồn ấy không làm ta bi quan mà cuồn cuộn khát khao được sống, được làm người. Bởi vì lớn hơn hết thảy “cánh đồng” còn là biểu tượng của tình thương, lòng nhân ái, niềm tin và những gì thuộc về giá trị nhân bản.

Đó là tình thương của hai chị em với người đàn bà tên Sương, tình thương của người cha đã tạo ra những tội lỗi bởi lòng thù hận với người vợ phụ tình nhưng vẫn lờ mờ cảm thấy trách nhiệm đối với hai đứa con. Cái chi tiết ông mua cho đứa con gái cái nhẫn để dành cho đám cưới cũng như việc “cởi cái áo trên người để đắp lên cho đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới ánh mặt trời” cho thấy tình thương và sự hối hận của người làm cha đã sống dậy.

Theo chúng tôi, cánh đồng là biểu tượng của tình thương đặc biệt gắn liền với nhân vật Điền trong tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ngọc Tư đặt cho nhân vật tên là Điền (nghĩa từ nguyên là ruộng, gần gũi với cánh đồng). Điền là một biểu tượng chứa đựng ẩn ý của tác giả trong quá trình khái quát hoá nghệ thuật. Tác giả đã để nhân vật tôi thổ lộ thế này “Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng loại (còn tôi là đồng loại còn lại), nhớ một cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ người nghe được tiếng tim mình (điều này thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi), nhớ một người che chở (công việc này đáng nhẽ của ba, má tôi) ”. Đó chính là “đặc trưng” của Điền biết trân trọng, thấu hiểu, có tình yêu thương, ý thức che chở, giúp đỡ người khác nên là biểu tượng cho tình yêu thương, giá trị nhân bản. Theo chúng tôi, cách xây dựng biểu tượng “cánh đồng” ở đây đã dựa trên sự song trùng đặc điểm, tính chất giữa tên truyện và tên nhân vật. Đây không chỉ là nét riêng của truyện ngắn này mà có thể coi là một đặc điểm thi pháp của Nguyễn Ngọc Tư. Như vậy, nội hàm của biểu tượng “cánh đồng” ở đây chính là lòng yêu thương, tình nhân ái, sự trân trọng giá trị con người.

Song có một điều cần lưu ý là trong quá trình xây dựng biểu tượng, tác giả đã làm mờ nhoè ranh giới giữa cái Thiện và cái Ác, cái Tốt và cái Xấu, cái đáng trân trọng và cái đáng lên án. Nói khác đi là có sự tồn tại và đan xen đồng thời những phạm trù đối lập, cái nhân bản buộc phải chung sống và chứng nhận sự tha hoá, băng hoại. Biểu tượng “cánh đồng” cũng vì thế không trực diện mà ẩn sâu trong tâm trạng giằng xé trước hiện thực cuộc sống bộn bề. Y nghĩa rút ra từ biểu tượng chính là sự khát khao, lòng mong mỏi đến thiết tha, cháy bỏng (bất tận) rằng hãy bảo vệ, giữ gìn những giá trị người, hãy chống lại sự tha hoá con người. Đó cũng là chiều sâu nhân bản của tác phẩm. Điều đó lí giải vì sao chi tiết cuối cùng của thiên truyện, cái chi tiết đứa con gái vừa bị làm nhục đến nhàu nhừ vẫn ánh lên niềm tin và khát vọng. Trong cơn đau vật vã thể xác, nhân vật “tôi” vẫn chứng tỏ bản lĩnh không cam chịu “không để cảm giác đau tiếc làm mình lịm vào chết”. Cái mầm thiện trong trái tim nhân vật “tôi” dù ngập trong máu nhưng nước mắt vẫn bừng xanh niềm hivọng sâu sắc thiêng liêng: nếu như “bị có con” sau cuộc bạo hành thì “đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường” sẽ sống hạnh phúc “vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Cho nên có thể nói, biểu tượng “cánh đồng” là biểu tượng về nỗi khắc khoải của số phận con người nhưng cũng chính là biểu tượng về niềm tin vào lòng cuộc sống “bất tận”. Nguyễn Ngọc Tư đến phút cuối đã để cho những thù hận qua đi, những vết thương được cánh đồng mênh mông nước trắng làm cho lành lại, cho bùn đất dịt vào da thịt để cảm nhận sự bất tận của nỗi đau và của tình yêu thương.

2.2.3. Cánh đồng – nỗi nhớ và thời gian
Biểu tượng “cánh đồng” trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư còn là biểu tượng cho nỗi nhớ và dòng thời gian trôi chảy. Có thể nói nỗi nhớ ngập tràn qua mỗi trang truyện. Bắt đầu từ nỗi nhớ mẹ “niềm nhớ lúc đi xa…”, nhớ lớp “Hai nhớ trường học quá à, cưng”, nhớ em, nhớ chị “tôi nhớ nó (tức Điền) và nhớ chị không thôi”, nhớ con người, nhớ bóng người, nhớ một đồng loại, nhớ một người che chở, nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa… như những lớp sóng cồn cào… Tất cả những nỗi nhớ ấy cứ vang xa, khắc khoải và day dứt. Nó thấm vào ta, lan toả quanh ta: từ nỗi nhớ cụ thể, gần gũi đến những nỗi nhớ thương lớn lao, vời xa về con người, về đồng loại.
Tất cả những nỗi nhớ ấy suy cho cùng là nỗi nhớ về quá khứ, về không gian cánh đồng đã có từ thời “miên viễn” mà nay đã “trở thành đô thị” “ngoa ngoắt thay đổi vị của nước” “từ ngọt sang mặn chát” “những cánh đồng vắng bóng người và lúa rày mọc hoang”. “Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Điều này cho thấy các cánh đồng đã bị khai thác đến kiệt quệ, bị xâm thực, bị lãng quên… đã nghiễm nhiên bị tước mất khả năng dâng hiến cho con người những mùa màng bội thu. Đứng trước hiện thực cánh đồng miền Nam một thời mỡ màu, trù phú đang chịu những tác động thô bạo bởi lòng tham và sự mù quáng của con người… có cần gióng lên hồi chuông báo động? Ý nghĩa thời sự của tác phẩm phải chăng một phần được đọng lại ở cách xây dựng biểu tượng như thế?

Như vậy rõ ràng “cánh đồng” còn biểu trưng cho nỗi nhớ và dòng thời gian trôi chảy, nỗi nhớ về cánh đồng của niềm thương, nỗi đau, của tình yêu quặn thắt nơi người kể chuyện. Cái ý nghĩa biểu trưng này cho đến cuối cùng thiên truyện mới được hé lộ. Bởi Nguyễn Ngọc Tư đã viết cái đề tài mà chị khai thác theo một cách khác. Từ những làng quê yên ổn cầm chừng trong sự đói nghèo, đã có những cuộc ra đi, những con người ra đi đến nơi chốn thị thành rợn ngợp. Chính nó tạo nên một khoảng trống trong tâm hồn người ở lại, một cái gì đó cựa quậy, bất an. Nhưng chị không kể chuyện của người ra đi mà kể câu chuyện của người ở lại trong tiếng gọi khản giọng và cái nhìn khắc khoải. Sự chờ đợi trong khoảng không u buồn, tĩnh mịch vẫn rợn ngợp mênh mông và thấm vào da thịt. Nhưng rồi rốt cuộc, chính họ (những người chờ đợi) lại phải ra đi, không phải do không còn chịu đựng sự ngưng đọng của thời gian, không phải cảm giác bị bỏ rơi mà là cảm giác đã đánh mất hạnh phúc mong manh cần được chăm chút, nâng niu, đánh mất những khao khát bị sự yên ổn cầm chừng che giấu. Họ bước vào cuộc kiếm tìm đau đáu nhưng vô vọng trong khao khát giã từ lưu lạc. Cho nên nỗi nhớ ở đây vừa xót xa vừa thấm thía tình người.

3. Nhận xét
3.1. Qua khảo sát tần số xuất hiện của biểu tượng “cánh đồng” và các nghĩa biểu trưng của nó, chúng tôi nhận thấy biểu tượng này mang tính đa nghĩa. Tuy nhiên lớp nghĩa trung tâm, ở đáy sâu của biểu tượng này vẫn là nghĩa biểu trưng về sự bất tận của tình thương và niềm tin cuộc sống. Điều này khiến câu chuyện cho dù thiếu vắng ánh sáng, cho dù diễn ra trong nền cảnh màu xám của các cơn mộng và nhân vật bất tận những nỗi đau thì nó vẫn gieo một niềm tin vào lòng cuộc sống. Đó là cái nhìn về phía trước của những người sống tận đáy cùng của xã hội, những người mà định mệnh luôn trói chặt với những đau thương, khốn khổ. “Không có những hạt mầm tốt gieo vào lòng đất thì trên những “cánh đồng bất tận” mãi mãi chỉ có nắng nung người, gió cháy da, chất phèn chua lét, đàn vịt cọc còi và những người đàn bà… làm đĩ. May thay, hạt mầm đã có và được gieo không bởi tuyên ngôn của các vĩ nhân mà là được gieo bởi những kẻ khốn cùng trong xã hội” (Đoàn Nhã Văn). Và phải chăng đây là bài học cuối cùng có thể rút ra từ “Cánh đồng bất tận”, bài học về nhân cách tác giả, sự dũng cảm dấn thân hướng đến Chân – Thiện – Mỹ.

3.2. Để làm nổi bật biểu tượng “cánh đồng” trong thiên truyện, Nguyễn Ngọc Tư đã đi đến tận cùng những thể nghiệm trong bút pháp của mình: loại bỏ tầm quan trọng của sự kiện để đào sâu vào tâm lí và cảm xúc. Mặt khác chị đặt nhân vật của mình vào trong những bối cảnh có tính tương phản cao: con thuyền nhỏ bé giữa mênh mông nước trắng, giữa bùn đất đặc quánh và cánh đồng “vắng bóng người lúa rày mọc hoang” cũng là để cho nhân vật cảm nhận chất thơ của cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực trong sự ấm cúng của một triền sông nước.
Như vậy, “cánh đồng” có thể là một không gian xác định nhưng “cánh đồng bất tận” lại là không xác định, không giới hạn, không phương hướng, đó là sự bất tận của nỗi đau con người trong cảm thức lưu lạc, đó là sự bất tận của tình yêu con người, sự trân trọng giá trị con người và niềm tin vào cuộc sống. Trong đó, sự bất tận của tình yêu con người, sự khát khao, cháy bỏng hãy bảo vệ, giữ gìn những giá trị người chính là chiều sâu nhân bản của tác phẩm.
 
Kết luận
Biểu tượng “cánh đồng” là một trong những biểu tượng văn xuôi mà Nguyễn Ngọc Tư đã khai thác từ nét biểu cảm của vùng sông nước. Đây là biểu tượng có tính đa nghĩa. Nó phản ánh một lối tư duy thể nghiệm trong sáng tác, một hình ảnh Nguyễn Ngọc Tư từng trải, đau đớn và xót xa. Cánh đồng cùng với “Cánh đồng bất tận” mãi mãi cho chúng ta sự thấm thía về tình người, niềm đau và nỗi buồn, mãi mãi để lại trong lòng chúng ta một giọng điệu Nguyễn Ngọc Tư dung dị mà thấu đáo, thẩm thấu lắng sâu vào bên trong với dòng cảm xúc suy tư bất tận nhưng cũng không kém phần tinh tế và nhạy cảm trước những biến thái của cuộc đời. Với “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư hứa hẹn những thành công mới. Đó cũng là chỉ dấu của cuốn sách sắp sang trang./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Ngân Hoa “Sự phát triển ý nghĩa của hệ biểu tượng trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam” – Luận án tiến sĩ Ngữ văn. Viện Ngôn ngữ học. Hà Nội. 2005.
2. Nguyễn Thái Hoà “Từ điển tu từ – Phong cách thi pháp học”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005
3. Nguyễn Ngọc Tư “Cánh đồng bất tận”. NXB Trẻ. 2006.

(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Ngôn ngữ và văn học toàn quốc, tr.931-939, 2013)

0969889270 0912944324