Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0969889270
khoanguvan@hpu2.edu.vn

SO SÁNH ẨN DỤ Ý NIỆM VÀ HOÁN DỤ Ý NIỆM (Trên ngữ liệu miền ý niệm bộ phận cơ thể người trong tiếng Việt)

TS. Nguyễn Thị Hiền
 

1. Mở đầu

Ngôn ngữ học tri nhận (congnitive linguistics) được khởi xướng từ những năm 80 thế kỉ XX với những tên tuổi như G.Lakoff, M.Johnson, G. Fauconnier, Ch. Fillmore, R. Jackendoff, R. Langacker, E. Rosch, L. Talmy, M. Turner, A. Wierzbicka, Xtepanov, Yu. Apresian, W. Chafe, M. Minsky… Đó là khuynh hướng ngôn ngữ “nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật của thế giới khách quan đó” [1, tr.279]. Theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ và hoán dụ phản ánh cách thức tư duy của con người. Đó là những cách thức để mở rộng năng lực ngôn ngữ và có thể được giải thích như là quá trình ánh xạ (mapping) từ miền nguồn (source domain) đến miền đích (target domain). Bài viết tập trung phân tích, so sánh những điểm tương đồng, khác biệt và mối quan hệ giữa hai phương thức tư duy này qua ý niệm bộ phận cơ thể người trong tiếng Việt để góp thêm một tiếng nói chứng minh ẩn dụ và hoán dụ không chỉ là phương tiện tu từ mà còn là công cụ của tư duy.

 2. Nội dung
2.1. Khái niệm ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm
2.1.1. Ẩn dụ ý niệm
Ẩn dụ ý niệm (Conceptual metaphors) là một cơ chế tri nhận. Ngôn ngữ học truyền thống coi ẩn dụ là một phương tiện tu từ, là một cách nói bóng bẩy dựa trên sự tương đồng giữa hai sự vật, hiện tượng. Ngôn ngữ học tri nhận khẳng định ẩn dụ không chỉ là phương tiện tu từ mà còn là phương thức của tư duy, là công cụ để ý niệm hóa thế giới. “Theo Lakoff, ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) là  các ánh xạ có tính hệ thống giữa hai miền ý niệm: miền nguồn là một phạm trù trải nghiệm được ánh xạ hay phóng chiếu vào miền đích là một miền trải nghiệm khác” [dt 7, tr.240]. Theo lakoff và Johnson, ẩn dụ ý niệm có những loại chính như sau:
Ẩn dụ cấu trúc (Structural metaphors) là một tiểu loại ẩn dụ mà một ý niệm  miền đích được cấu trúc (một cách) ẩn dụ thông qua một ý niệm miền nguồn [dt 1].
Ẩn dụ định hướng (Orientational metaphors) “cấu trúc hóa một số miền và tạo nên một hệ thống ý niệm hóa chung cho chúng, chúng liên quan đến việc định hướng trong không gian với những đối lập kiểu như lên – xuống, vào – ra, sâu – cạn, trung tâm – ngoại vi” [dt 1, tr.319]. Ví dụ, ẩn dụ định hướng VUI LÀ HƯỚNG LÊN, BUỒN LÀ HƯỚNG XUỐNG với các biểu thức như như: mắt sáng rực lên; đôi mi cụp xuống, lòng trĩu nặng…
Ẩn dụ bản thể (Ontological metaphors) là “những cách tri nhận các sự kiện, các hoạt động, cảm xúc, ý tưởng,… như các vật thể và vật chất có hình dạng” [dt 5, tr.26]. Chẳng hạn, trí óc được hiểu như một vật chứa những ý tưởng hay vật chứa những cảm xúc; suy nghĩ được hiểu như là chất lỏng... Ẩn dụ bản thể có chức năng đem lại một vị thế bản thể cho những loại ý niệm đích trừu tượng. Các kinh nghiệm về cơ thể và vật thể là cơ sở của các ẩn dụ bản thể.
2.1.2. Hoán dụ ý niệm
Cùng với ẩn dụ, hoán dụ đã được các nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu từ rất lâu. Tuy vậy, hoán dụ chỉ được nhìn nhận như là một phương tiện tu từ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ học tri nhận ra đời đem đến một quan điểm mới về hoán dụ. Theo đó, hoán dụ không chỉ là phương tiện của ngôn ngữ mà còn là công cụ của tư duy – là một hiện tượng mang tính ý niệm. Kovecses định nghĩa “hoán dụ là một quá trình tri nhận trong đó một thực thể ý niệm (phương tiện)cung cấp sự tiếp nhận tinh thần đến một thực thể ý niệm khác (đích) trong cùng một miền hoặc cùng một mô hình tri nhận lí tưởng” [5, tr.145].
Cho đến nay, có rất nhiều cách phân loại hoán dụ theo những quan điểm khác nhau. Tác giả Tạ Thành Tấn trong bài viết “Hoán dụ từ góc nhìn tri nhận” [11] đã thống kê một số cách phân loại hoán dụ như sau: Tác giả Warren cho rằng có hai loại hoán dụ: hoán dụ quy chiếu và hoán dụ mệnh đề. Hoán dụ quy chiếu là kiểu “hoán dụ dựa trên các mối liên hệ quy chiếu (như giữa nguyên nhân và tác động, vật chứa và vật bị chứa…) còn “hoán dụ mệnh đề được hình thành trên cơ sở mối liên hệ tiền đề - hệ quả)Bên cạnh đó, tác giả Ruiz de Mendoza lại chia các hoán dụ toàn thể - bộ phận, bộ phận-toàn thể, bộ phận-bộ phận thành hai loại: nguồn nằm trong đích hoặc đích nằm trong nguồn.
Trên đây là một số quan điểm và cách phân chia hoán dụ ý niệm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, bên cạnh đó còn rất nhiều cách phân chia theo các quan điểm khác nhau. Tuy vậy, dù phân chia theo tiêu chí nào thì bản chất của hoán dụ ý niệm vẫn là quá trình tri nhận, là sự ánh xạ từ ý niệm miền nguồn tới các ý niệm miền đích trong cùng một miền hoặc cùng một mô hình tri nhận lí tưởng.
2.2. Điểm giống nhau giữa ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm
Ngôn ngữ học tri nhận cho rằng không chỉ có ẩn dụ mà cả hoán dụ đều mang tính ý niệm. Bản chất của ẩn dụ và hoán dụ ý niệm là quá trình ý niệm hiện tượng này thông qua các hiện tượng khác. Do vậy, ẩn dụ và hoán dụ ý niệm đều tồn tại hai miền: MIẾN NGUỒN và MIỀN ĐÍCH “Miền nguồn có chức năng cung cấp tri thức mới và gán tri thức đó cho miền đích thông qua các ánh xạ” [1]. Chẳng hạn: Trong ẩn dụ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI LÀ VẬT CHỨA
- Tôi nghĩ thầm trong bụng thế. Còn Lão…Lão Hạc biết vậy đấy, nhưng cũng không dám xẵng…thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó…(2) (LÒNG LÀ VẬT CHỨA).
- Những suy nghĩ xuất hiện trong đầu nó, liên tục, liên tục… (3) (ĐẦU LÀ VẬT CHỨA)
- Nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt cô bé. (6) (MẮT LÀ VẬT CHỨA)
- Dù chàng có vợ trong tay
- Chàng còn thử thách em nay làm gì. (4) (TAY LÀ VẬT CHỨA)
Với ẩn dụ này, theo cách tri nhận của con người, bất kì một BPCTN nào cũng có thể là một vật chứa. Vật chứa này được định hình, có kích thước, có hình dạng. Đặc biệt, vật chứa này rất đa dụng, nó có thể chứa đựng vật chất (tiền bạc, kim loại..) cũng có thể chứa đựng những ý nghĩ, tình cảm. Vật chứa này còn có thể biến dạng, đổi hình, con người có thể tương tác ấn, nắn, mang đi… (đem lòng, nén lòng, kìm lòng…)
Hay trong hoán dụ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO CON NGƯỜI
- Gần đây, trong chương trình thời sự, xuất hiện một gương mặt sáng giá. (5). (MẶT ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI)
- Thiếu vắng chân bóng chủ chốt, tinh thần của cả đội có phần dao động (5). (CHÂN ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI)
Theo kiểu hoán dụ này, phương thức tư duy của con người theo một mô hình tri nhận chung, bất kì một bộ phận nào đó thuộc về con người (tay, mắt, lòng, bụng, …) đều có thể đại diện cho con người.
Thứ hai, ẩn dụ và hoán dụ ý niệm không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, cô lập mà theo hệ thống nhất định. Chẳng hạn, qua ngữ liệu khảo sát, chúng tôi nhận thấy hệ thống ẩn dụ ý niệm BỘ PHẬN CƠ THỂ LÀ VẬT CHỨA gồm các tiểu loại: ĐẦU LÀ VẬT CHỨA, TAY LÀ VẬT CHỨA, MẮT LÀ VẬT CHỨA, MIỆNG LÀ VẬT CHỨA; Trong hệ thống hoán dụ BỘ PHẬN THAY CHO CÁI CHUNG (TOÀN THỂ) gồm hệ thống các hoán dụ bậc dưới: TAY THAY CHO NGƯỜI, MIỆNG THAY CHO NGƯỜI, MẶT ĐẠI DIỆN CHO CON NGƯỜI…
Thứ ba, ẩn dụ và hoán dụ đều là kết quả của ánh xạ. Ánh xạ ẩn dụ được kích hoạt giữa các thành tố tương hợp thuộc hai miền khác nhau (khác ma trận miền), còn hoán dụ là kết quả của những ánh xạ trong cùng miền hoặc khác miền (nhưng cùng ma trận miền).
Ví dụ: Ẩn dụ ý niệm BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI LÀ THỰC VẬT là kết quả của các ánh xạ tương ứng từ miền BPCTN đến miền đích thực vật (miền BPCTN - miền đích thực vật). Các thành tố thuộc miền nguồn BPCTN chủ yếu ánh xạ tới các bộ phận của thực vật tạo nên các biểu thức ẩn dụ quen thuộc: đốt mía, đốt tre; mắt tre, mắt mía, mắt dứa, mắt na, mắt mầm của củ khoai tây; tay bầu, tay bíruột tre, ruột nứa, ruột bí, ruột bầu,…
Hay hoán dụ ý niệm BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO TÂM TRẠNG CON NGƯỜI là kết quả của quá trình ánh xạ từ miền BPCTN tới miền đích con người. Trong ánh xạ từ miền BPCTN tới miền đích con người, các yếu tố thuộc miền nguồn là những yếu tố vật chất như lòng, bụng, dạ, chân, tay, mặt…. được ánh xạ tới miền đích con người để cấu trúc hóa các ý niệm trừu tượng thuộc về tinh thần, vật chất đó là các trạng thái tâm lí, tình cảm….
- Ẩn dụ và hoán dụ đều là sản phẩm của tư duy, được hình thành và sử dụng một cách tự nhiên và vô thức trong đời sống. Những biểu thức ngôn ngữ như đau lòng, mát ruột, mát mặt, sôi máu, nóng tiết, hẹp bụng, thực bụng, rộng lòng… là những ẩn dụ, hoán dụ ý niệm được sử dụng rất quen thuộc với tần suất lớn trong giao tiếp hàng ngày.
2.3. Khác biệt giữa ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm
Thứ nhất, Lakoff & Johnson [8, tr.35-40] đã khẳng định điểm khác biệt cơ bản giữa ẩn dụ và hoán dụ là số miền tham gia ánh xạ. Trong hoán dụ, các thành tố thuộc miền đích và miền nguồn có liên quan chặt chẽ với nhau trong một miền tri nhận còn ánh xạ ẩn dụ diễn ra giữa hai miền khác biệt nhau. Với miền ý niệm BPCTN trong tiếng Việt, miền nguồn BPCTN có thể ánh xạ tới các miền đích khác biệt với miền nguồn như: miền thời gian, miền không gian, miền thực vật, miền động vật, miền đồ vật.
- Những ngày bão gió, biển động, bụng đầy cá. (5)
- Ở đầu làng, bán hàng đầu dãy. (4)
Trong hoán dụ ý niệm BỘ CƠ THỂ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO TÍNH CÁCH, TÂM TRẠNG CON NGƯỜI thì miền nguồn (BPCTN) và miền đích (TÍNH CÁCH, TÂM TRẠNG CON NGƯỜI) đều thuộc về miền CON NGƯỜI. Hoặc trong các biểu thức hoán dụ
- Anh gặp rất nhiều gương mặt (5)
- Đó là tay ghi ta điêu luyện (5)
Các ví dụ này xuất hiện ý niệm nguồn gồm các tành tố (các bộ phận, hành động…) và ý niệm đích (cái chung, phương tiện, …). Tuy vậy, các yếu tố thuộc miền đích lại là một bộ phận của miền nguồn và có quan hệ mật thiết với miền nguồn trong cấu trúc ý niệm. Các thành tố thuộc miền đích có thể đại diện cho các thành tố thuộc miền nguồn trong cấu trúc ý niệm, vì nếu so với miền nguồn thì miền đích sẽ dễ hiểu hơn và dễ nhận ra hơn.
Thứ hai, về mặt chức năng, chức năng của hoán dụ là làm sáng tỏ một ý niệm trừu tượng thông qua một ý niệm cụ thể trong cùng một mô hình tri nhận theo nguyên tắc nổi trội. Đây chính là quá trình thay thế của một vật nổi trội cho một vật khác. Ví dụ mối quan hệ thay thế giữa bộ phận và chỉnh thể trong các diễn đạt: Tay ghi ta điêu luyện, chân đá bóng chủ chốt của đội, gương mặt sáng giá trên truyền hình … Các ví dụ này có sự ánh xạ từ cái “bộ phận ” đến “toàn thể” theo nguyên tắc nổi trội. “Tay”, “chân”, “gương mặt” đều quy chiếu tới con người. Tuy nhiên, trong mỗi ngữ cảnh cụ thể, một bộ phận cơ thể nào đó đã được chọn để làm nổi bật. Trong việc chơi đàn, thì sự khéo léo của đôi tay được nêu bật, trong thể thao bóng đá thì sức mạnh của đôi chân được lựa chọn để làm nổi bật, trên các phương tiện báo hình thì gương mặt được lựa chọn để làm nổi bật.
Ẩn dụ là một quá trình ý niệm có tính hệ thống. Ẩn dụ giúp hiểu một miền ý niệm  trừu tượng bằng một miền ý niệm cụ thể thông qua một loạt yếu tố tương hợp giữa miền đích và miền nguồn. Với ý niệm BPCTN người trong tiếng Việt, có thể hình dung sự tương ứng giữa một loạt các yếu tố ở hai miền nguồn - đích trong ẩn dụ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI LÀ THỰC VẬT như sau:
Miền nguồn
[Thực vật]
  Miền đích
[BPCTN]
Các bộ phận của thực vật >>>>>  Các bộ phận cơ thể
Đặc điểm sinh trưởng, phát triển
của thực vật
>>>>>  Đặc điểm hoạt động, trạng thái
của các BPCTN

Ẩn dụ ý niệm  BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI LÀ THỰC VẬT
Trong ẩn dụ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI LÀ THỰC VẬT có sự tương ứng giữa một loạt các yếu tố tương hợp giữa miền nguồn và miền đích: Các bộ phận của thực vật ánh xạ lên các bộ phận cơ thể người (quả tim, quả thận, lá gan, lá phổi, buồng trứng…). Các trạng thái của thực vật như khô, héo, nở … được kích hoạt và ánh xạ để chỉ đặc điểm, trạng thái đi liền với các BPCTN (héo gan héo ruột, nẫu gan nẫu ruột, nở nụ cười, mặt tươi như hoa…)
2.4. Mối quan hệ giữa ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm
Trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ, chúng ta khó có thể phân định rạch ròi một biểu thức là ẩn dụ hay hoán dụ nếu chỉ “xem xét ở bề mặt ngôn ngữ hơn là ở các hệ thống ý niệm và cấu trúc suy luận” [6, tr.265]. Ẩn dụ và hoán dụ đều là quá trình phóng chiếu từ miền nguồn sang miền đích cho dù hai miền này thuộc cùng ý niệm hay khác ý niệm. Trên thực tế, sự phân chia ranh giới giữa các miền ý niệm cũng mang tính chất tương đối, do vậy cũng có khi ẩn dụ, hoán dụ ý niệm có sự tương tác, chồng lấn nhau. Điều này làm xuất hiện sự tương tác ẩn – hoán trong các mô hình tri nhận. Chẳng hạn: có sự tương tác ẩn -  hoán trong các kết hợp sau: Bẩn tay: Hoán dụ “TAY THAY CHO HÀNH ĐỘNG” và ẩn dụ “ĐẠO ĐỨC LÀ SẠCH, THIẾU ĐẠO ĐỨC LÀ BẨN”; Bẩn bụng: Hoán dụ: BỤNG THAY CHO SUY NGHĨ và ẩn dụ “ĐẠO ĐỨC LÀ SẠCH, THIẾU ĐẠO ĐỨC LÀ BẨN”. 

3. Kết luận

Ẩn dụ và hoán dụ là một quá trình tri nhận có chức năng hình thành, biểu hiện những ý niệm mới để thu nhận những tri thức mới. Ẩn dụ và hoán dụ đều là cơ chế chủ yếu qua đó chúng ta hiểu được các ý niệm trừu tượng và thể hiện lí luận trừu tượng. Mặc dù ẩn dụ và hoán dụ ý niệm có thể được phân định một cách rõ ràng, tách biệt nhưng giữa chúng vẫn có mối liên hệ mật thiết do sự chồng lấn, khó tách biệt giữa các miền ý niệm. Trong sinh hoạt hằng ngày, những biểu thức ngôn ngữ có sự tương tác, chồng lấn giữa ẩn dụ và hoán dụ xuất hiện nhiều, phổ biến đã cho thấy, khi tri nhận tư duy của con người không mang tính rập khuôn, máy móc mà có sự biến chuyển linh hoạt và phức tạp.

Tài liệu tham khảo
[1]. Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội.
[2]. Croft W. (1993), The role of domains in the interpretation of metaphors and metonymies, Cognitive Linguistics 4, pp. 35-70.
[3]. Gibbs, R. W. (1997). Metaphors inidiom comphensionJournal of Memory and Language 37, pp. 141-154bỏ.
[4]. Johnson M. (1993), Conceptual metaphor and embodied structures of meaning: A reply to Kennedy and Vervaeke, Philosophical Psychology, 6, pp. 413- 422.
[5]. Kövecses, Z. (1986), Metaphors of Anger, Pride, and Love: A Lexical Aproach to the Structure of Concepts, Amsterdam: John Benjamins
[6]. Kövecses, Z. (1990a), Emotion Concepts, New York: Springer-Verlag.
[7]. Nguyễn Thiện Giáp (2009), Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8]. Lakoff G. and Johnson M (1980), Metaphor we live by, Chicago, University of Chicago Press.
[9]. Piaget J. Inhelder B. (1956), The child’s conception of space, London: Routhedge/ Kegan Paul.
[10]. Weinreich. U (1996), Explorationsinsemantictheory, (in “current trends in linguistics), III - Theoretical foundations”, London-The Hague-Paris
[11]. Tạ Thành Tấn (2012), Hoán dụ từ góc nhìn tri nhận, Tạp chí khoa học ĐHSP Hà Nội.
Nguồn ngữ liệu tham khảo
[1]. Nguyễn Nhật Ánh (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nxb Trẻ.
[2]. Nam Cao (2005), Truyện ngắn chọn lọc, Nxb Văn học.
[3]. Chu Thanh Hương (2010), Hoa bay, Nxb Công an nhân dân.
[4]. Nguyễn Xuân Kính(chủ biên), Nguyễn Đức Diệu - Kiều Thu Hoạch - Trần Đức Ngôn - Lê Chí Quế (2002), Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 1, 2, Nxb Khoa học xã hội.
[5]. Dân trí: http://dantri.com.vn/
 Bài đăng trên Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc "Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập", Nxb. Khoa học xã hội, 2017
0969889270 0912944324